CẢM XÚC LÀ GÌ?
Cảm xúc là sự trải nghiệm những vấn đề mang ý nghĩa cá nhân; cảm xúc thường đi kèm với một cảm giác nhất định biểu hiện trên cơ thể, với suy nghĩ, chức năng sinh lý và khuynh hướng hành động cụ thể.
Thường thì mỗi người đều có thể chọn cho mình một phản ứng cảm xúc thích hợp, chẳng hạn như vào ngày mưa thì cảm thấy buồn, hay vào một ngày đẹp trời thì cảm thấy tươi vui phơi phới.
Cảm xúc tích cực. Các cảm xúc khiến con người cảm thấy hứng khởi, phấn chấn, thường đến từ mối quan tâm được đáp ứng. Một vài cảm xúc tiêu biểu thuộc dạng này chính là hăng hái, hy vọng, vui tươi. Các cảm xúc tích cực thường có tác dụng kích thích hành động hợp tác.
Cảm xúc tiêu cực. Các cảm xúc khiến con người cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, thường đến từ một vấn đề quan tâm không được đáp ứng thỏa đáng. Cảm xúc tiêu biểu thuộc dạng này gồm: sự tức giận, sợ hãi, mặc cảm, tội lỗi. Các cảm xúc tiêu cực thường kích thích khuynh hướng ganh đua.
Cảm giác: Thuật ngữ này được dùng theo hai cách, nhằm để chỉ:
• Một sự cảm thụ tự nhiên trong cơ thể, chẳng hạn như cảm giác đói hoặc đau.
• Một niềm tin mang nặng tính xúc cảm, chẳng hạn như cảm giác được đón nhận, được trân trọng.
Về căn bản, cảm giác (theo nghĩa là một niềm tin mang nặng tính xúc cảm) khác với cảm xúc. Cảm xúc là một phản ứng; xét ở góc độ của người trải nghiệm, cảm xúc là hiện thực không thể chối cãi, bất kể người khác cảm nhận thế nào. Do đó, cảm xúc là một điều chúng ta cảm nhận được và là một phần của chính bản thân ta. Sự tức giận có thể được xem là một dạng của cảm xúc. Ví dụ, “Tôi cảm thấy tức giận” về mặt khái niệm cũng tương đương với cách nói: “Tôi tức giận”. Mặt khác, cảm giác là điều có thật từ góc độ của người trải nghiệm nó nhưng không nhất thiết cũng thật như vậy từ góc độ của người khác. Ví dụ, cảm giác “được đón nhận” lại không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của một cảm xúc. Một nhà đàm phán có thể cảm thấy bản thân được đón nhận, nhưng không hẳn là họ đã thật sự được người khác đón nhận.
Sự khác biệt giữa cảm xúc và cảm giác có liên hệ mật thiết với một nhà đàm phán. Bởi vì đối với cảm giác, bản thân nó vẫn thường đi kèm với rất nhiều cảm xúc, cảm giác chứa đựng nhiều thông tin về mặt tình cảm hơn là bất kỳ một cảm xúc nào. Một nhà đàm phán thay vì tra cứu cả một bản danh sách khổng lồ các từ chỉ cảm xúc để tìm ra và xác định rõ cảm xúc của một người, đơn giản hơn họ chỉ cần sử dụng một bản danh sách các cảm giác thay vì cảm xúc. Vì vậy, nó cũng sẽ ngắn gọn hơn, tạo điều kiện cho họ dễ dàng nhận thức những trải nghiệm tình cảm của người khác.
Tập trung vào cảm giác thay vì cảm xúc có thể hạn chế khả năng nhận biết của chúng ta, nhưng chúng ta có thể khỏa lấp bằng cách dùng thời gian và sự lưu tâm đặc biệt để tìm hiểu nhóm các cảm xúc nào đang tác động trực tiếp đến tiến trình đàm phán.
CÁC MỐI QUAN TÂM HÀNG ĐẦU LÀ GÌ?
Mối quan tâm hàng đầu là nhu cầu của con người về một điều mang ý nghĩa cá nhân, thường phát sinh trong một mối quan hệ.
Các mối quan tâm hàng đầu đóng vai trò vô cùng quan trọng vì chúng liên quan đến việc chúng ta mong muốn hay kỳ vọng được đối đãi ra sao. Chỉ cần một hành động nhỏ ảnh hưởng đến một mối quan tâm hàng đầu cũng có thể gây nên một tác động tình cảm to lớn.
Giữa khái niệm về một mối quan tâm hàng đầu và khái niệm về một nhu cầu thường tồn tại song song nhưng không hoàn toàn trùng khớp. Nhu cầu là sự đòi hỏi sống một cuộc sống sung túc cả về mặt sinh lý lẫn tâm lý, chẳng hạn như nước uống, thức ăn. Đó là những thứ cơ bản mà con người dù ở bất kỳ địa vị nào cũng cần đến. Một mối quan tâm hàng đầu có lẽ được xem là một phiên bản rõ nét của nhu cầu xã hội. Mối quan tâm hàng đầu thường sẽ phát sinh trong bối cảnh của một mối quan hệ và sẽ biến đổi tùy thuộc vào đối tượng đang đối thoại với bạn.
Sự trân trọng. Trong cuốn sách này, sự trân trọng được sử dụng theo hai cách:
• Như một mối quan tâm hàng đầu, là cảm giác được thừa nhận giá trị.
• Như một hành động, bao hàm việc thấu hiểu quan điểm của một người, tìm thấy ưu điểm trong suy nghĩ, cảm giác hay hành động của người đó, và công khai bộc lộ sự hiểu biết đó.
Mối liên kết. Cảm giác kết nối giữa người này với người khác hay với một nhóm người. Sự kết nối này có thể dựa trên phương diện cấu trúc hoặc cá nhân.
Quyền tự quyết. Quyền tự do gây ảnh hưởng hay ra quyết định mà không phải chịu bất kỳ sự áp đặt nào từ phía người khác.
Địa vị. Vị thế của một người trong mối tương quan với người khác; địa vị xã hội là vị trí của một người nói chung trên hệ thống cấp bậc của xã hội; trái lại, vị thế riêng là vị trí của một người được xác lập trong một vài lĩnh vực cụ thể.
Vai trò. Một chức danh công việc và nhóm các hoạt động tương ứng được kỳ vọng ở một người trong một vị trí, hoàn cảnh cụ thể.