Dù muốn hay không, cảm xúc vẫn luôn tồn tại trong ta. Song, trong cuộc đàm phán, do có quá nhiều việc phải làm, phải suy nghĩ nên chúng ta thường ít để ý đến hay thậm chí tảng lờ chúng. Chúng ta quá tập trung vào các suy nghĩ đến mức không còn làm chủ được cảm xúc của mình nữa.
Phần lớn các nhà đàm phán đều xem cảm xúc như chướng ngại vật gây cản trở khả năng tư duy và sáng tạo của họ. Chính vì thế chúng ta thường bỏ lỡ và không tận dụng được cơ hội do các cảm xúc tích cực mang lại.
Nếu không đồng tình với ý kiến của một ai đó, chúng ta sẽ phải làm thế nào mới có thể khơi dậy các cảm xúc tích cực từ cả hai phía? Qua quyển sách này, chúng tôi muốn gửi đến bạn hai gợi ý quan trọng:
Thứ nhất, hãy là người tiên phong. Nếu bạn muốn dàn xếp công việc với một người bất đồng quan điểm với mình, đừng đợi đến khi cảm xúc trỗi dậy mới đưa ra biện pháp.
Thứ hai, lưu ý đến các vấn đề cần quan tâm, chứ không phải cảm xúc. Thay vì cố gắng tìm hiểu bản chất cũng như nguyên nhân của từng cảm xúc ngay tại thời điểm chúng phát sinh, hãy hướng sự tập trung của mình vào 5 mối quan tâm hàng đầu mà nếu xử lý khéo léo, bạn có thể khuyến khích các cảm xúc tích cực từ bản thân cũng như từ người khác. Những mối quan tâm đó là:
1. Sự trân trọng. Chúng ta có thể trân trọng người khác bằng việc thấu hiểu quan điểm của họ; tìm thấy điểm giá trị trong mỗi suy nghĩ, hành động và cảm nhận của họ; và truyền đạt sự hiểu biết của bạn qua lời nói hay hành động cụ thể. Ngoài ra, bạn cũng nên thể hiện sự trân trọng đối với bản thân mình.
2. Mối liên kết. Thay vì để mặc cho đối phương với cảm giác đơn độc và thiếu sự gắn kết, bạn hãy thử xây dựng các mối liên hệ với tư cách của những người đồng nghiệp hoặc bằng hữu.
3. Quyền tự quyết. Bất kỳ ai cũng muốn được tự do đưa ra quyết định. Một khi nhận thức được điều này, bạn có thể mở rộng quyền tự quyết của mình, đồng thời tránh không xâm phạm đến quyền tự quyết của người khác.
4. Địa vị. Tất cả chúng ta không ai muốn bản thân bị đánh giá thấp. Thay vì cố cạnh tranh với người khác để có được một địa vị xã hội cao hơn, bạn nên thừa nhận vị thế riêng của mỗi người và của cả chính bản thân bạn nữa.
5. Vai trò. Một vai trò không thỏa đáng khiến bản thân cảm thấy tầm thường và thừa thãi. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn các vai trò cho bản thân trong mối quan hệ với người khác. Và bạn có thể mở rộng phạm vi hoạt động bên trong bất kỳ vai trò nào để làm cho nó trở nên thỏa đáng hơn.
Chúng tôi tin rằng một khi vận dụng khéo léo các mối quan tâm hàng đầu, bạn sẽ cải thiện được các mối quan hệ của mình, bất kể đó là mối quan hệ gia đình hay công việc. Bạn có thể biến một cuộc đàm phán vốn dĩ đối đầu căng thẳng thành một cuộc đối thoại thân tình, trong đó tất cả mọi thành viên đều lắng nghe, học tập, và tôn trọng lẫn nhau. Từ đó, bạn sẽ đạt được thành quả như mình mong muốn.