Trong chương này, bạn sẽ được cập nhật những thông tin mới nhất về hai bán cầu não, và làm thế nào để kết hợp chúng với nhau để nhân năng lực sáng tạo của bạn lên gấp nhiều lần.
Chặng đầu của hành trình khám phá sẽ bắt đầu tại phòng thí nghiệm của giáo sư Roger Sperry ở California, nơi thực hiện công trình nghiên cứu đã giúp giáo sư nhận được giải Nobel vào năm 1981. Công trình này giúp chúng ta nhận thức rõ năng lực sáng tạo tiềm ẩn đang chờ đợi được giải phóng bên trong mỗi người.
Vào thập niên 1950 và 1960, giáo sư Sperry đã nghiên cứu về chức năng của sóng não. Để khám phá các hoạt động tư duy khác nhau và tác động của chúng đến sóng não, Sperry và đồng nghiệp đã yêu cầu những người tình nguyện thực hiện những công việc cần vận dụng đến đầu óc, bao gồm: tính nhẩm cộng trừ, đọc thơ, học thuộc lòng, vẽ nguệch ngoạc, nhìn vào những màu sắc khác nhau, vẽ các hình khối, phân tích vấn đề một cách lô-gic và tưởng tượng.
Sperry dự đoán rằng mỗi hoạt động sẽ tạo ra những sóng não khác nhau, và ông đã đúng. Nhưng điều mà ông đã không dự báo được là khám phá ngạc nhiên sau đây: thông thường, não bộ chia các hoạt động của nó một cách rất rõ ràng thành các hoạt động "não trái" (vỏ não trái) và các hoạt động "não phải" (vỏ não phải). Khám phá nổi tiếng này đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta nghĩ về tiềm năng của bộ não con người và khả năng tư duy sáng tạo của nó.
Các phân khu công việc được chia như sau:
Não trái Não phải
ngôn từ nhịp điệu
suy luận lô-gic nhận thức về không gian
con số kích thước
xâu chuỗi tưởng tượng
quan hệ tuần tự mơ mộng
phân tích màu sắc
liệt kê nhận thức về tổng thể (cấu trúc)
Sperry cũng khám phá ra rằng khi vỏ não phải hoạt động tích cực, thì vỏ não trái có xu hướng tương đối thụ động hay ở trạng thái tĩnh. Tương tự như vậy, khi vỏ não trái hoạt động tích cực, thì vỏ não phải trở nên thư thả hơn.
Hơn nữa, một điều thật sự gây ngạc nhiên (đồng thời cũng là niềm hy vọng) là trên não bộ của những người tham gia thí nghiệm đều hiển thị rõ chúng có tất cả các kỹ năng ở những phân vùng hoạt động rất nhỏ. Hay nói cách khác, xét về tiềm năng và khả năng sinh lý, mọi người đều sở hữu những kỹ năng sáng tạo và tư duy vô cùng phong phú nhưng hiện chỉ sử dụng mới có một phần.
Cho tới thập kỷ 1970, kết quả nghiên cứu trên đã mở đường cho rất nhiều nghiên cứu và khảo sát nhắm vào tiềm năng chưa được khai thác này.
Một trong những hướng nghiên cứu ( điều mà bản thân tôi cũng tham gia) là khảo sát mọi người về việc họ nghĩ như thế nào về khả năng của chính họ. Sau đây là một số câu hỏi khảo sát để bạn tự kiểm tra.
Câu hỏi tự kiểm tra năng lực Não trái/Não phải
Bạn có cảm thấy hầu như bạn không thể (về mặt di truyền) tính toán nhanh chóng và chính xác – ví dụ như: tính tỷ lệ lãi trên vốn trong khoản vay thế chấp, tỷ lệ diện tích khu vườn so với tổng diện tích nhà bạn? CÓ/KHÔNG
Bạn có cảm thấy mình gần như không thể vẽ được chân dung của người mà bạn muốn vẽ, không thể vẽ tranh phong cảnh, không thể thông thạo các phương chiều và luật phối cảnh, không thể hiểu rành rẽ lịch sử mỹ thuật, không thể tạo ra các tác phẩm điêu khắc cả hiện thực lẫn trừu tượng? CÓ/KHÔNG
Bạn có thấy mình gần như không thể viết nhạc hay sáng tác ca khúc, không thể xác định được các nhà soạn nhạc cổ điển chỉ với vài nốt nhạc trong tác phẩm của họ, không thể khiêu vũ đúng nhịp, không thể hát đúng từng nốt? CÓ/KHÔNG
Bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng hơn 90% người được khảo sát tự tin trả lời rằng họ không có khả năng (về mặt di truyền) đạt đến sự hoàn mỹ trong ba lĩnh vực cốt yếu là số học, mỹ thuật và âm nhạc.
Hay là bạn hy vọng rằng tất cả họ đều sai!
Những nghiên cứu sau này đã khám phá ra rằng khi con người được rèn luyện những lĩnh vực mà họ tự cho là yếu kém – bởi những giáo viên giỏi – thì họ trở nên giỏi hơn nhiều trong các lĩnh vực đó. Điều này tương tự như tình trạng một nhóm cơ bắp yếu không phải do bản chất của chúng là yếu, mà đơn giản là vì chúng đã không được sử dụng trong một thời gian dài.
Không chỉ dừng lại ở đây, một khám phá thú vị khác cũng sớm được tìm ra. Những "cơ bắp trí tuệ" nào từng được cho là yếu nhưng nay đã hoàn thiện hơn, thì các "cơ bắp trí tuệ" khác cũng bắt đầu cải thiện hiệu suất của chúng.
Ví dụ, một người kém về khả năng tưởng tượng và nghệ thuật nếu được huấn luyện tốt sẽ có khả năng diễn đạt ngôn từ, tính toán giỏi hơn, và nhìn chung là sáng tạo hơn. Tương tự như vậy, nếu ai đó yếu về khả năng tính toán, một khi được rèn luyện thì khả năng tưởng tượng và âm nhạc cũng sẽ tiến bộ rõ rệt.
Có vẻ như hai bán cầu não đã có những cuộc "đối thoại" với nhau. Não trái nhận thông tin và gửi đến não phải; não phải sẽ xử lý thông tin theo cách riêng của nó, sau đó gửi lại cho não trái; và "trao đổi" cứ diễn ra theo cách như thế. Qua quá trình này, não bộ sẽ tích lũy thông tin, đồng thời tăng cường hơn nữa năng lực trí tuệ và sáng tạo của nó bằng cách kết hợp nhiều yếu tố khác nhau.
Và bây giờ chúng ta sẽ đến với phần thách thức.
Vấn đề thứ 1
Các hoạt động não trái lâu nay thường được xem là các hoạt động "trí tuệ", "học thuật", "kinh doanh", còn các hoạt động não phải là các hoạt động "nghệ thuật", "sáng tạo", và "cảm xúc".
Nếu cách phân chia chức năng hoạt động của não như trên là đúng, thì các nhà khoa học như Isaac Newton và Albert Einstein hẳn là mạnh về năng lực não trái; và các nhạc sĩ và họa sĩ như Beethoven và Michelangelo mạnh về năng lực não phải – nói cách khác, họ đã không tận dụng toàn bộ khả năng trí não của họ!
Để giải quyết mâu thuẫn này, rõ ràng là cần phải có thêm nhiều công trình nghiên cứu khác. Tôi và một số cá nhân hứng thú về vấn đề này đã tập hợp dữ liệu về các thiên tài sáng tạo lỗi lạc, và đối chiếu chúng với mô hình não trái/phải.
Bạn có đoán được chúng tôi đã phát hiện ra điều gì không? Chúng tôi đã khám phá ra điều này từ một Einstein "não trái":
Nhân vật lịch sử – Albert Einstein
Albert Einstein được vinh danh là thiên tài sáng tạo vĩ đại nhất thế kỷ 20. Tuy nhiên, ông từng là một học trò nghèo, hay mơ mộng trong giờ học và từng bị đuổi học vì "quấy phá" trong lớp.
Ở tuổi thiếu niên, ông bắt đầu đam mê khám phá không gian tưởng tượng vô cùng của toán học và vật lý, đồng thời cũng rất yêu thích và nghiên cứu kỹ những công trình của Michelangelo. Cả hai sở thích này góp phần đẩy trí tưởng tượng của ông ngày càng tiến xa, kết quả là "trò chơi" rất nổi tiếng cho đến ngày nay, Trò chơi Trí tuệ Sáng tạo, đã ra đời. Trong trò chơi này, ông tự đặt ra những câu hỏi khó, rồi sau đó cứ để cho trí tưởng tượng của mình bay bổng.
Một trong những trò chơi Trí tuệ Sáng tạo nổi tiếng của Einstein đó là ông tưởng tượng mình đang ở trên bề mặt của mặt trời, chộp lấy một tia sáng, rời khỏi mặt trời với tốc độ ánh sáng để đi đến tận cùng Vũ trụ.
Khi "kết thúc" hành trình của mình, ông ngạc nhiên nhận thấy rằng ông gần như quay trở lại điểm xuất phát. Điều này là không thể: bạn không thể đi trên một đường thẳng mãi mãi và quay lại điểm mà bạn đã khởi hành!
Vì vậy, Einstein thực hiện một chuyến đi khác với một tia sáng khác xuất phát từ một vị trí khác trên mặt trời, cũng lại thẳng tiến tới tận cùng của Vũ trụ. Một lần nữa, ông kết thúc chuyến đi tại một điểm tương đối gần với điểm xuất phát.
Dần dần, chân lý đã lóe sáng trong ông: trí tưởng tượng đã cho ông biết nhiều sự thật hơn là cách lập luận lô-gic. Nếu bạn di chuyển trên một đường thẳng "mãi mãi" và liên tục quay lại vùng lân cận điểm xuất phát, thì sự "mãi mãi" ấy chứng minh được ít nhất hai điều: nó phải cong theo một cách nào đó và có một ranh giới.
Đây là cách đã giúp Einstein khám phá ra một trong những điều quan trọng nhất: Vũ trụ của chúng ta cong và có giới hạn. Ông có được khám phá vĩ đại này không chỉ đơn thuần bằng cách tư duy não trái, mà ông đã kết hợp kiến thức về số học, ngôn ngữ, thứ tự, suy luận lô-gic, khả năng phân tích với trí tưởng tượng phong phú, nhận thức về không gian, khả năng quan sát tổng thể của ông.
Khám phá này là kết quả của sự "trao đổi" và phối hợp hoàn hảo giữa hai bán cầu não. Đó là một nhận thức "tổng thể não bộ" hoàn hảo và sáng tạo.
Những thiên tài sáng tạo "não phải", như Ludwig van Beethoven, cũng giống như vậy.
Nhân vật lịch sử – Ludwig van Beethoven
Beethoven được biết đến với tinh thần nổi loạn, đầy hoài nghi và nhiệt huyết; khao khát được tự do, thoát khỏi sự chuyên chế bạo ngược, kiểm duyệt áp đặt; và đấu tranh không mệt mỏi cho quyền tự do thể hiện chính kiến của giới nghệ sĩ. Ông được xem là hình mẫu "hoàn hảo" về một thiên tài không bị khuất phục. Tất cả những điều này đều " đúng" với kiểu thể hiện của những thiên tài sáng tạo, mạnh về những hoạt động não phải. Tuy nhiên, điều mà hầu hết mọi người thường không để ý tới đó là Beethoven cũng cực kỳ mạnh về những hoạt động não trái!
Hãy xem xét bản chất của âm nhạc: chúng được viết trên những hàng, theo thứ tự; chúng có trình tự lô-gic riêng; và chúng dựa trên những con số. Âm nhạc thường được mô tả như là dạng thuần túy nhất của toán học (và thật thú vị khi biết rằng rất nhiều nhà toán học vĩ đại xem âm nhạc là thú vui lớn của họ, và ngược lại cũng vậy).
Không chỉ giàu trí tưởng tượng và đam mê các giai điệu, Beethoven cũng hết sức tỉ mỉ. Ông là người tiên phong sử dụng máy ánh nhịp trong âm nhạc. Ông cho rằng đó là "của Trời cho" bởi vì từ thời điểm đó trở đi, bất cứ nhạc công hay nhạc trưởng nào cũng có thể chơi nhạc của ông với tiết tấu và nhịp độ chính xác.
Cũng giống như Einstein, Beethoven không phải là người mạnh về các hoạt động não trái hoặc não phải đơn thuần, mà là người có bộ não sáng tạo, phát triển một cách toàn diện.
Công trình nghiên cứu của tôi về các thiên tài sáng tạo vĩ đại đã chứng thực rằng tất thảy họ đều sử dụng "tổng thể não bộ" – sử dụng tất cả các kỹ năng, và những kỹ năng này bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau.
Những khám phá trên đồng thời cũng mở ra thử thách lớn sau đây.
Vấn đề thứ 2
Vấn đề thứ hai cũng không kém phần quan trọng. Các hoạt động "trí tuệ" trên bán cầu não trái thường được "dán nhãn" là các hoạt động của " đàn ông"; còn các hoạt động "sáng tạo" và "cảm xúc" trên bán cầu não phải thường được xem là các hoạt động của "phụ nữ". Đây là một sai lầm dễ hiểu, song rất nguy hiểm!
Các "nhãn tên" này chỉ là sự mở rộng và xác nhận những niềm tin đã tồn tại hàng thế kỷ rằng:
• Học thuật, giáo dục và những công việc mang tính trí tuệ chỉ bao gồm ngôn ngữ, số học và lý luận lô-gic, chứ không bao gồm trí tưởng tượng, màu sắc và nhịp điệu.
• Kinh doanh là "lãnh địa" của những mệnh lệnh nghiêm khắc.
• Đàn ông thiên về kiểu tư duy lô-gic, lập luận chặt chẽ, chứ không hề có cảm xúc, trí tưởng tượng hay "màu sắc".
• Phụ nữ là những người hay mơ mộng hão huyền.
• Sáng tạo và nghệ thuật là những mưu cầu không " đúng đắn", khi mà chúng không được luận thuyết khoa học nào hậu thuẫn.
Bi kịch của những nhận thức sai lầm này là con người không nhìn ra được điều đúng đắn, theo đó là dập tắt luôn cả ước mơ, niềm vui và trải nghiệm sống.
Tuy nhiên, không may là những nhận thức lạc lối này vẫn còn đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực giáo dục. Vì cho rằng giáo dục là hoạt động thuộc về não trái nên chúng ta "dán nhãn" cho những đứa trẻ đầy nhiệt huyết, giàu trí tưởng tượng, có góc nhìn muôn màu về cuộc sống, ham tìm hiểu hoặc quá mơ mộng là những đứa hư hỏng, gây phiền hà, quá hiếu động, chậm chạp hoặc chậm phát triển. Thay vào đó, chúng ta nên nhìn nhận đó là những thiên tài sáng tạo tiềm năng, đang bước đầu khám phá những khả năng của bản thân!
Tương tự như vậy, nhiều công việc kinh doanh bị bế tắc bởi lối mòn tư duy "não trái", và kết quả là đã hủy hoại không những giá trị cộng hưởng từ việc kết hợp những thực nghiệm kinh doanh (của não trái) với sự tinh tế và trí tưởng tượng (của não phải), mà còn tổn hại danh tiếng và hiệu quả kinh doanh.
Trong phạm vi cuốn sách này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá chân dung ích thực của các nghệ sĩ, bởi vì lâu nay mọi người vẫn cho rằng dân nghệ sĩ thường sống buông thả, trụy lạc, ăn mặc lôi thôi, tư duy lô-gic yếu, trí nhớ kém và thiếu kỹ năng tổ chức.
Song, thật đáng buồn là hàng triệu sinh viên nghệ thuật trên khắp thế giới đang cố sống theo hình ảnh "lý tưởng" này (mà không biết họ đang tự bôi bẩn danh dự nghề nghiệp và làm tổn hại chính mình!). Kết quả là họ chối bỏ những hoạt động "não trái", như ngôn ngữ, tính toán, suy luận lô-gic, phân tích... vốn giúp họ đào sâu khám phá, tạo điểm "neo" vững chắc không để cho "quả bóng" tưởng tượng bay trôi vô định; và vì vậy mà họ chỉ tạo ra những hình ảnh lan man, tản mát trong đầu.
Tư duy não trái/não phải trong thế kỷ 21
Trong Thế kỷ Trí tuệ này, chúng ta dần nhận ra rằng bộ não sáng tạo là bộ não tư duy tổng thể. Bỏ qua những sai lầm trong việc dán nhãn như trước đây, chúng ta nhận thấy tiềm năng sáng tạo của mình vô cùng to lớn, vượt xa sức tưởng tượng.
Một câu hỏi và một phép so sánh đơn giản sẽ làm rõ điều này.
Nếu chỉ sử dụng một nửa khả năng của não bộ thì chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả đến mức độ nào?
Câu trả lời tức thời sẽ là 50%. Điều này cho thấy chúng ta đang tự biến mình thành những kẻ ngốc! Tuy nhiên, tôi sẽ đưa ra một ví dụ đơn giản để giải thích cho rõ ràng hơn, mặc dù có phần hư cấu quá mức.
Để đo lường hiệu suất chạy bộ của bạn, trong lần thử thứ 1, tôi cho phép bạn sử dụng toàn bộ cơ thể, bao gồm cả tay và chân. Hầu như bạn đạt được kết quả khá tốt.
Ở lần thử thứ 2, bạn chỉ được sử dụng 50% khả năng, bằng cách cột tay phải và chân phải của bạn lại với nhau, để ra sau lưng. Bạn thấy thế nào? Bạn sẽ buồn bã trong giây lát! Hiệu suất à? Nhỏ hơn con số không.
Tại sao? Bởi vì các phần cơ thể bạn được sinh ra là để làm việc với nhau. Khi đó, mỗi phần sẽ nhân hiệu suất của những phần còn lại lên gấp hàng ngàn lần.
Điều này cũng đúng đối với não bộ. Khi bạn chỉ sử dụng các kỹ năng thuộc một bán cầu não, khả năng sáng tạo của bạn sẽ chả là gì so với tiềm năng thực sự. Còn khi bạn sử dụng cả hai bán cầu não, sức sáng tạo của bạn sẽ là vô tận.
Trong những bài tập rèn luyện Trí tuệ Sáng tạo sau đây, và cả ở những chương tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu đến bạn những phương pháp giúp giải phóng tiềm năng sáng tạo vô tận này.
Rèn luyện Trí tuệ Sáng tạo
1. Sử dụng tất cả các kỹ năng của não bộ
Kiểm tra xem bạn thường sử dụng và trau dồi bao nhiêu kỹ năng não trái, rồi thực hiện tương tự như vậy đối với các kỹ năng não phải. Chú ý đến những kỹ năng (thuộc về não trái, cũng như phải) mà bạn chưa dùng đến và bắt đầu luyện tập, củng cố chúng ngay lập tức.
2. Sáng tạo trong cách giáo dục
Hãy áp dụng phương pháp tư duy tổng thể não bộ trong việc giáo dục con trẻ, không chỉ đối với việc học ở trường, mà cả trong cách đứng xử xã hội và cuộc sống gia đình. Cố gắng giúp con thụ hưởng một sự giáo dục toàn diện để con có được một cuộc sống sáng tạo và trọn vẹn hơn sau này.
Không những vậy, hãy áp dụng những nguyên tắc tương tự đối với việc học tập trọn đời của bạn, để rồi chính bạn cũng có thể hướng tới một cuộc sống sáng tạo và phong phú hơn.
3. Nghỉ ngơi/Thư giãn
Một điều thật thú vị đó là nếu bạn muốn trở nên thật sự sáng tạo với phương pháp tư duy tổng thể não bộ, bạn phải thường xuyên ngừng nghỉ, thư giãn.
Hãy nhớ lại xem, bạn thường ở đâu những khi đầu bạn tuôn trào trí tưởng tượng, những giải pháp cho các vấn đề, những ý tưởng siêu thường? Hầu hết câu trả lời của mọi người là:
• Trong bồn tắm
• Dưới vòi hoa sen
• Khi đang tản bộ ngắm cảnh làng quê
• Trước khi ngủ
• Khi đang ngủ
• Khi tỉnh giấc
• Khi đang nghe nhạc
• Trên một chuyến đi dài
• Khi đang chạy bộ
• Khi đang bơi
• Khi đang nằm dài trên bãi biển
• Khi đang vẩn vơ vẽ nguệch ngoạc
Trạng thái của cơ thể và trí óc bạn lúc đó như thế nào? Thư giãn và thường đó là lúc bạn đang ở một mình.
Chính trong những lúc thảnh thơi như thế, hai bán cầu não mới có thể "giao tiếp" với nhau, và cũng là lúc nguồn mạch sáng tạo được khơi thông.
Nếu bạn không chủ ý dành cho mình những giây phút nghỉ ngơi và thư giãn, bộ não sẽ tự quyết định thay cho bạn. Nhiều người "làm việc quần quật" (mà không phải là "làm việc thông minh") kể rằng khi năm tháng trôi qua, họ ngày càng cảm thấy căng thẳng, kém tập trung. Lúc đó, não phải sẽ "lên tiếng", đòi hỏi phải có sự bay bổng, tưởng tượng một chút để cân bằng lại trạng thái.
Nếu bạn đang rơi vào tình huống này và vẫn tiếp tục đẩy mình theo lối sống thiên về não trái, trí não sẽ buộc bạn phải thư giãn, nghỉ ngơi thông qua những tín hiệu như mất tập trung, trở nên nóng nảy vô cớ, bực tức điên người… và "tối hậu thư" sẽ là suy sụp tinh thần!
Do đó, hãy chủ động để cho trí não và bản thân bạn được nghỉ ngơi. Trí tuệ Sáng tạo của bạn sẽ rất yêu thích điều này.
4. Đi dạo
Người La Mã cổ đại có một cụm từ đặc biệt đó là solvitas perambulum, nghĩa là giải quyết vấn đề trong khi đang dạo chơi. Rõ ràng ý tưởng này chẳng thiên về hoạt động não trái hay não phải gì cả, nhưng điều mà họ đã nhận ra là khi bạn để bộ não… đi chơi, nhất là ở vùng đồng quê, thì nhịp bước đều đặn của bạn, nhịp tim đập nhanh, mạnh cung cấp thêm oxy cho não, "bữa tiệc" cảnh sắc thanh bình, thoáng đãng mà đôi mắt, đôi tai và những giác quan khác đang tận hưởng… tất cả đều góp phần nâng cao khả năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề.
Vì vậy nếu bạn đang cần giải quyết một khó khăn hay một công việc đòi hỏi sự sáng tạo, hãy dạo chơi rồi bạn sẽ tìm ra giải pháp!
5. Tinh thần sáng tạo trong cuộc sống thường nhật
Hãy xác định những hoạt động mà bạn cho là sáng tạo và không sáng tạo trong cuộc sống của bạn. Sau khi hoàn tất, hãy đọc tiếp.
Sáng tạo Không Sáng tạo
Câu trả lời lý tưởng cho bài tập trên là tất cả những hoạt động sống hàng ngày của bạn thực chất đều rất sáng tạo và thú vị, tất thảy chúng đều có thể được cải thiện bằng cách áp dụng thêm các kỹ năng thuộc về não trái và não phải. Hãy xem xét những hoạt động sau đây, chúng đều được thực hiện với tinh thần sáng tạo:
• Nấu ăn
• Trang trí, sửa sang nhà cửa
• Nhiếp ảnh
• Làm vườn
• Đọc Bản đồ và tìm đường
• Đóng/sửa ồ gỗ
• Cắm hoa
• Dự tính các khoản chi tiêu cho sự kiện đặc biệt
• Xây dựng mối quan hệ
• Gói quà
• Viết thư
• Bày trí bàn ăn
• Chăm sóc và huấn luyện thú cưng
• Lên kế hoạch cho ngày nghỉ và các sự kiện đặc biệt
• Lên kế hoạch cho các cuộc gặp
• Chơi thể thao
Trong sáng tạo, những điều bé nhỏ, những vật cỏn con tưởng chừng vô ích đôi khi lại có ý nghĩa lớn lao. Nhặt vỏ sò và những miếng gỗ trôi dạt trên biển để làm đồ trang trí trong nhà; chắp những mảnh vải vụn làm thành tấm chăn ắp; trang trí bàn ăn bằng cách đặt hoa trên dĩa của thực khách và sử dụng những vỏ sò nhặt được từ bãi biển làm chén đựng muối tiêu; mỗi tuần tìm một con đường khác để đến nơi làm việc… đều là những việc ít đòi hỏi công sức mà lại làm cho cuộc sống thêm thi vị.
Những kỳ nghỉ, nhất là những ngày lễ/Tết, là cơ hội tuyệt vời để bạn thể hiện Trí tuệ Sáng tạo. Hãy biến chúng thành những bữa tiệc sáng tạo với tài hoa trang trí và khả năng pha trò của bạn. Hãy tự tay làm những tấm thiệp và quà tặng cho mọi người, hoặc là giúp bạn mình lên kế hoạch cho một bữa tiệc tối đặc biệt - cơ hội để bạn thể hiện mình là vô tận!
6. Nhóm các Nhà thông thái
Mọi thiên tài sáng tạo đều có "người hùng" của riêng mình. Alexander Đại đế có người thầy là Aristotle; Julius Caesar có Alexander Đại đế; tất cả các thiên tài vĩ đại của Ý thời Phục hưng đều lấy các học giả thời kỳ Cổ đại làm hình tượng cho mình; Nữ hoàng Nga Catherine dùng hình tượng của Peter Đại đế để truyền cảm hứng cho bản thân; Isaac Newton có Socrates; Stephen Hawking có Isaac Newton v.v.
Kỹ thuật mà các vĩ nhân sáng tạo sử dụng đó là thực hiện những cuộc đối thoại tưởng tượng với "người hùng" của mình để được khơi ý tưởng và được truyền cảm hứng. Không chỉ giúp đạt được những thành tựu rực rỡ về văn hóa và khoa học, chúng ta cũng có thể ứng dụng kỹ thuật tư duy sáng tạo này trong cuộc sống hàng ngày.
Cá nhân tôi thấy rằng đây là một kỹ thuật vô cùng giá trị đối với cuộc sống của tôi, và tôi đã sử dụng nó thành công trong hơn 20 năm qua. Nó làm tôi trở nên vô cùng sáng tạo mỗi khi đứng trước bất cứ vấn đề hay cơ hội quan trọng nào.
Tôi vận dụng kỹ thuật này như sau: khi đối mặt với những tình huống cần đến sự giúp đỡ từ nhóm các Nhà thông thái, tôi chọn ra những người phù hợp nhất cho tình huống này và tưởng tượng mỗi người sẽ cho tôi một lời khuyên để giành được lợi thế lớn nhất. Tôi lựa chọn các "anh hùng" dựa trên phương pháp sáng tạo độc đáo, sự nhiệt tâm và thành công đáng kinh ngạc của họ. Những điều này sẽ "thấu nhập" vào tôi và tiến trình tư duy sáng tạo của tôi.
Các thành viên trong nhóm các Nhà thông thái mà tôi thường "nhờ" giúp đỡ là:
• Leonardo da Vinci, Đầu tàu Sáng tạo, với sức sáng tạo và khả năng sáng chế vô hạn.
• Nữ hoàng Elizabeth đi với khả năng vừa linh hoạt, vừa kiên định, vừa học hỏi với tốc độ đáng kinh ngạc để vượt qua những khó khăn không tưởng.
• Đức Phật Thích Ca với sự giác ngộ sâu sắc về bản ngã và khả năng chịu đựng trước những đau khổ, mất mát tột cùng.
• Mohammed Ali với sự sáng tạo hết sức độc đáo, đồng thời anh cũng dám đứng ra đại diện và bảo vệ cho một nhóm thiểu số.
• Morihei Ueshiba, tổ sư sáng lập ra môn võ Aikido – trong môn võ này, các võ sinh được dạy cách hóa giải các thế tấn công để chúng trở nên vô hại, đồng thời họ vẫn đứng tấn vững vàng.
• Và tất cả những người đã hỗ trợ cho sự ra đời của cuốn sách này!
Sau khi đọc xong sách này, hãy chọn ra bốn hoặc năm vĩ nhân lịch sử để hình thành nhóm các Nhà thông thái của bạn. Bổ sung thêm vào danh sách này những thành viên trong gia đình hay những người bạn nào có khả năng tư duy, phân tích và sáng tạo mà bạn đặc biệt khâm phục, kính trọng. Mỗi khi đối diện trước khó khăn trở ngại, hãy thực hiện cuộc đối thoại tưởng tượng với các thiên tài, và hình dung xem họ sẽ cho bạn câu trả lời hoặc lời khuyên nào. Bạn sẽ ngạc nhiên (và đôi khi sửng sốt!) với kết quả diệu kỳ của cách làm này.
7. Trò chơi Tưởng tượng Sáng tạo của Einstein
Hàng ngày hay hàng tuần, hãy chơi trò chơi Tưởng tượng Sáng tạo của Einstein. Chúng ta đã biết Einstein thường tự đặt ra cho bản thân những câu hỏi thú vị như thế nào rồi phải không? Ví dụ như là "Việc cưỡi trên một tia sáng và đi đến tận cùng Vũ trụ thì sẽ ra sao?", "Nếu tôi di chuyển ra khỏi một ai đó với tốc độ ánh sáng, thì liệu tôi có vô hình không?", hoặc "Ánh sáng có bị bẻ cong hay không? Nếu vậy, làm thế nào tôi có thể biết được vị trí của vật tôi đang nhìn thấy?". Sau khi đặt câu hỏi, ông để cho trí tưởng tượng của mình "nổi loạn" với tất cả các giải pháp có thể, cho dù chúng có quái lạ hay điên khùng đến thế nào đi nữa! Hãy thử áp dụng "trò chơi" này trong lĩnh vực bạn yêu thích, và xem bạn sẽ có những câu trả lời sáng tạo đến mức nào.
8. ĐÚNG trọng tâm
Trong giáo dục, cũng như trong công việc, chúng ta có xu hướng chú trọng đến các kỹ năng thuộc bán cầu não trái, thậm chí lấy đó làm chuẩn để xem xét "kết nạp" thêm các kỹ năng não phải. Hãy nghĩ ra ba cách đưa các kỹ năng não phải vào cuộc sống hàng ngày để cuộc sống của bạn trở nên thú vị hơn, gặt hái được nhiều thành công mới.
9. Sử dụng cả hai bên cơ thể
Não bộ được chia thành hai bán cầu: trái và phải. Mỗi bên bán cầu não có chức năng điều khiển các hoạt động ở phía bên kia của cơ thể – cụ thể là bán cầu não trái điều khiển nửa thân người bên phải, bán cầu não phải điều khiển nửa thân người bên trái. Bằng cách sử dụng hai bên của cơ thể, bạn sẽ dùng cả hai bán cầu não. Vì vậy, hãy sử dụng tay không thuận của bạn trong các hoạt động hàng ngày như: chải đầu, đánh răng, ăn cơm, gọi điện thoại, nấu ăn, viết lách v.v.
10. Ghi chú bằng Bản đồ Tư duy
Ghi chú là một cách đặc biệt để não bộ tự giao tiếp với chính nó. Việc ghi chú sẽ giúp cho não bộ dễ dàng thâu tóm những ý tưởng sáng tạo, giải quyết vấn đề và tận dụng khả năng của trí nhớ, thay vì để chúng "trôi" vô định trong đầu. Hẳn là bạn sẽ thấy phân tâm như thế nào nếu không có sự hỗ trợ của giấy và bút chì.
Khi ghi chú, hãy sử dụng các kỹ năng của cả não trái lẫn não phải, thêm vào màu sắc, hình ảnh, cách xếp đặt đầy sáng tạo... để thu hút sự chú ý. Kỹ thuật ghi chép này được gọi là Bản đồ Tư duy, và toàn bộ chủ đề này sẽ được giới thiệu đầy đủ trong chương tiếp theo.