Hãy phóng thích trí óc bạn khỏi "ngục tù - sự thiếu sáng tạo".
Có thể bạn không chú ý, nhưng tôi oan chắc đến 99% rằng trí não của bạn đã bị giam hãm trong "nhà tù" này ngay từ ngày đầu bạn cắp sách đến trường cho đến khi bạn đọc cuốn sách này.
Có đúng như vậy không?
Hãy kiểm tra xem lâu nay bạn đã ghi chép theo cách nào?
Có phải thế này không?
Cách ghi chép truyền thống
Nếu bạn thuộc vào nhóm hơn 99% dân số thế giới như tôi đã đề cập trước kia, thì đây là cách ghi chép của bạn: bạn sử dụng từ ở dạng cụm từ hoặc là câu; bạn "kể lể" ra hết mọi thứ; "cao cấp" hơn nữa là sử dụng cả con số lẫn chữ cái để diễn đạt suy nghĩ của bạn; bạn ghi chú theo kiểu "trút ổ" thông tin giống như cuốn sách hay cái loa; bạn viết trên những dòng kẻ thẳng thớm, dùng bút mực màu xanh, đen hoặc bút chì để ghi chép.
Liệu có phải cách ghi chép xưa nay là lý do giải thích tại sao rất nhiều người trong chúng ta cảm thấy mình không sáng tạo như bản chất vốn có? Và liệu đây chính là lý do khiến cả thế giới đều hiểu nhầm bản chất của sự sáng tạo, rồi trách Tạo hóa thật bất công, không cho mình khả năng sáng tạo?
Nào, hãy cùng xem xét kỹ điều này.
Đầu tiên là màu mực ta thường dùng để ghi chép. Lý do ta dùng nó là vì ta được dạy phải làm như vậy. Ở trường học, chúng ta chỉ được phép sử dụng duy nhất một màu mực – hoặc xanh dương, hoặc đen! Ai không tuân thủ mệnh lệnh nghiêm khắc này thì sẽ bị phạt làm thêm bài tập!
Não bộ của bạn "cảm thấy" thế nào với cách ghi chép như vậy?
Xanh hay đen chỉ là một màu đơn sắc, nghĩa là các sóng ánh sáng của màu sắc đó truyền đến mắt bạn là như nhau. Vì vậy đối với trí não, một màu đơn sắc như xanh hay đen là một "tông" thông tin đơn lẻ.
Nếu cái gì đó cứ đều đều, "một màu" thì thật là đơn điệu! Và cụm từ nào chúng ta thường dùng để diễn tả điều gì đó đơn điệu?
"NHÀM CHÁN!"
Khi nhàm chán thì não bộ sẽ làm gì? Hầu hết mọi người đều trả lời rằng:
• Hết muốn nghe
• Phân tâm
• Mất hứng
• Chuồn đi chỗ khác
• Lim dim
• Mơ màng
• Buồn ngủ
Tại sao điều này lại xảy ra?
Hãy nghĩ về những cách bạn thường dùng để ghi chép: ngôn từ; liệt kê; con số; sắp xếp thứ tự; xâu chuỗi – đều là các kỹ năng thuộc về "não trái".
Cho đến lúc này mọi thứ có vẻ vẫn ổn!
Ở những dòng trống dưới đây, hãy liệt kê những kỹ năng "não phải" bạn thường sử dụng:
Bạn đoán được rồi đấy – lý do mà tôi không chừa một dòng trống nào đơn giản vì câu trả lời là "không có gì cả"! Không hình ảnh, không màu sắc, không có bố cục trình bày!
Nói cách khác, cách ghi chú truyền thống chỉ phát huy một phần nhỏ tác dụng! Cũng giống như việc chạy bằng một chân và một tay, rõ ràng là nếu chỉ sử dụng một nửa các kỹ năng đang có, chúng ta đang hoạt động với một hiệu suất tệ kinh khủng!
Những dòng kẻ, những con chữ được viết đều tăm tắp trông chẳng khác nào những song sắt nhà tù đang giam giữ sự sáng tạo của chúng ta.
Nào, chúng ta hãy cùng khám phá điều gì sẽ xảy ra khi để cho não bộ được mặc sức thể hiện ý tưởng theo cách tư duy phù hợp của nó.
Tư duy phát tỏa và bằng chứng về tiềm năng sáng tạo vô hạn của bạn
Không giống như máy tính, bộ não không tư duy theo trật tự tuyến tính mà nó tư duy theo kiểu phát tỏa và bùng nổ, giống như hình dưới đây:
Để mô tả tư duy phát tỏa hoạt động như thế nào, hãy cùng chơi Trò chơi Tư duy Sáng tạo và Phát tỏa sau đây. Trò chơi này sẽ thay đổi cách tư duy của bạn mãi mãi!
Ở hình dưới, bạn sẽ thấy từ "VUI" được viết cách điệu trông như gương mặt cười. Từ khuôn mặt đó, có năm nhánh tỏa ra. Từ mỗi nhánh lớn lại tỏa ra năm nhánh "con" nữa.
Trò chơi được tiến hành như sau:
• Trên năm nhánh chính, hãy viết ra năm từ/cụm từ đầu tiên lóe lên trong đầu bạn khi nghĩ đến khái niệm "VUI" – mỗi nhánh một từ.
• Trên những nhánh "con", viết ra năm từ/cụm từ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí khi nghĩ đến từ khóa của nhánh chính đó – mỗi nhánh một từ.
• Khi đã điền xong các từ lên nhánh chính và tất cả những nhánh "con", xin mời bạn đọc tiếp.
Bạn có làm được bài tập này không? Dĩ nhiên là được!
Bài tập này đơn giản chứ? Quá đơn giản!
Cách diễn đạt này hiệu quả và có ý nghĩa không? Tất nhiên là bạn hoàn toàn đồng ý với điều này!
Những gì bạn vừa hoàn thành là một việc làm có ý nghĩa sâu sắc và có sức tác động sâu rộng. Từ chủ đề "VUI" ban đầu, bạn đã đưa ra năm ý tưởng chính, hiệu suất sáng tạo đã gia tăng 500%.
Tiếp theo, bạn tìm thêm năm ý tưởng "con" hoàn toàn mới cho mỗi ý tưởng chính. Như vậy số ý tưởng tăng thêm 5 lần! Kết quả là, từ một ý tưởng, bạn đã tạo ra 30 ý tưởng khác mà chẳng tốn mấy thời gian.
Bây giờ, hãy tự hỏi bản thân: "Liệu tôi có thể tạo ra thêm năm từ/ý tưởng nữa từ mỗi ý tưởng ‘con’?". Dĩ nhiên là được! Vậy là lại có thêm 125 ý tưởng "cháu"!
Bạn có thể đưa ra 5 ý tưởng khác từ những ý tưởng "cháu" không? Một lần nữa, chắc chắn là được – vậy là lại có thêm 625 ý tưởng "chắt"! Số ý tưởng đã tăng 6250% so với ban đầu!
Liệu bạn còn có thể tiếp tục tạo thêm những ý tưởng "chút", "chít"… khác không?
Hoàn toàn được! Trong bao lâu? Mãi mãi!
Bao nhiêu? Vô tận!
Xin chúc mừng! Bạn vừa dùng kỹ thuật Bản đồ Tư duy (Mind-Map) cơ bản để chứng minh rằng tiềm năng sáng tạo của bạn là vô tận!
Thông tin sau thậm chí còn hay ho hơn nữa!
Trong Trò chơi Tư duy Sáng tạo và Phát tỏa vừa rồi, bạn vẫn chủ yếu dùng não trái. Giả như những khả năng diệu kỳ của não phải được thêm vào quá trình tư duy sáng tạo của bạn thì sẽ như thế nào? Từ Bản đồ Tư duy cơ bản ở trên, nếu bạn thêm vào chút màu sắc, hình ảnh, ký hiệu, cách sắp xếp không gian và đa dạng hóa kích thước một cách thông minh thì sao? Làm được như vậy, bạn sẽ giống như một vận động viên chạy bằng cả toàn thân, theo đó năng lực của bạn được nhân lên gấp nhiều lần.
Cách thực hiện Bản đồ Tư duy sáng tạo
Bạn vừa hoàn thành một Bản đồ Tư duy cơ bản. Việc tạo ra một Bản đồ Tư duy hoàn chỉnh cũng đơn giản, dễ dàng và thú vị:
1. Bắt đầu từ GIỮA tờ giấy trắng và ghi/vẽ dần ra phía lề. Vì sao? Để trí não được tự do sáng tạo, "phát tỏa" ý tưởng theo mọi hướng.
2. Vẽ một hình ảnh thể hiện ý tưởng chủ đạo. Vì sao? Bởi vì một hình ảnh có giá trị bằng một ngàn từ, tạo cảm giác thích thú khi nhìn và dễ tập trung hơn.
3. Sử dụng nhiều màu sắc. Vì sao? Bởi vì màu sắc có tác dụng kích thích Tư duy Sáng tạo, tác động đến trung tâm thị giác của não và thu hút mắt nhìn.
4. Liên kết các nhánh chính với hình ảnh trung tâm, liên kết các nhánh cấp 2 với nhánh cấp 1, nhánh cấp 3 với nhánh cấp 2 v.v. Vì sao? Bởi vì não bộ hoạt động dựa trên sự liên tưởng (xem thêm chương 8); nếu các nhánh được liên kết với nhau thì các ý tưởng sẽ liên kết với nhau trong não và khơi mào cho nhiều ý tưởng sáng tạo hơn nữa.
5. Vẽ các nhánh bằng nét cong, thay vì là các nét thẳng. Vì sao? Bởi vì một Bản đồ Tư duy sáng tạo với toàn là các đường thẳng sẽ trông rất cứng, thô và nhàm chán! Ngay cả trong tự nhiên cũng thế, những gì cong cong, uốn lượn bao giờ cũng hấp dẫn mắt nhìn và ghi sâu ấn tượng hơn cả.
6. Chỉ viết một từ/cụm từ ngắn trên mỗi dòng. Vì sao? Như bạn đã biết từ bài tập "VUI", mỗi từ hay hình ảnh đều tạo ra một "chùm" ý tưởng sáng tạo. Khi bạn sử dụng một từ/cụm từ ngắn, mỗi từ sẽ dễ dàng nảy sinh ra nhiều ý tưởng. Còn các cụm từ dài/câu có xu hướng "khoanh vùng" tư duy, giới hạn sự sáng tạo.
7. Sử dụng hình ảnh càng nhiều càng tốt. Vì sao? Bởi vì hình ảnh, biểu tượng và ký hiệu thì dễ nhớ hơn, có thể dẫn dắt đến những ý tưởng mới.
Đến đây, bạn đã được trang bị tương đối đầy đủ kiến thức về cách lập Bản đồ Tư duy, một trong những công cụ tư duy sáng tạo hiệu quả nhất mà loài người từng biết đến.
Trong cuốn sách nổi tiếng Cracking Creativity, Micheal Michalko đã mô tả Bản đồ Tư duy như là "cách sử dụng tổng thể não bộ để thay cho tư duy lối mòn". Ông đã nhấn mạnh nhiều lợi điểm của việc sử dụng Bản đồ Tư duy, bao gồm:
• "Kích hoạt toàn bộ trí não"
• "Giữ tâm trí rõ ràng, tư tưởng thông suốt"
• "Giúp tập trung vào chủ đề"
• "Cho phép bạn đi vào chi tiết, triển khai ý tưởng xoay quanh chủ đề chính"
• "Thấy rõ mối liên hệ giữa các mẩu thông tin biệt lập"
• "Cho bạn nhìn rõ từng chi tiết, cũng như cả bức tranh tổng thể"
• "Trình bày sống động những gì bạn biết về chủ đề, để qua đó bạn dễ dàng phát hiện ra những ‘kẽ hở’, những thiếu sót của thông tin"
• "Giúp bạn dễ xem xét, đối chiếu, rồi gộp nhóm các ý tưởng"
• "Giữ cho luồng suy nghĩ được liên tục và đưa bạn tới gần giải pháp"
• "Đòi hỏi bạn phải tập trung vào chủ đề để ghi nhớ thông tin lâu hơn"
• "Có thể suy nghĩ theo bất kỳ chiều hướng nào và ‘bắt’ được ý tưởng từ mọi góc độ"
Cách ghi chép của các bậc thiên tài
Khi bạn bắt đầu lập Bản đồ Tư duy, bạn đã tham gia vào nhóm các thiên tài vĩ đại – những người từng vận dụng các yếu tố cơ bản của Bản đồ Tư duy (dùng hình minh họa thay cho từ ngữ, vẽ Cây Tư duy…) để diễn đạt ý tưởng, qua đó giúp bản thân họ và những người khác đột phá sức sáng tạo.
Các thiên tài phải kể đến đó là:
Leonardo da Vinci – được bầu chọn là Người có bộ óc vĩ đại nhất thiên niên kỷ
Michelangelo – nhà điêu khắc và họa sĩ vĩ đại
Charles Darwin – nhà sinh vật học xuất chúng
Sir Isaac Newton – người đã khám phá ra định luật Vạn vật Hấp dẫn
Albert Einstein – "cha đẻ" của thuyết Tương đối
Sir Winston Churchill – nhà lãnh đạo, chính trị gia, đồng thời cũng là một tác gia lừng danh
Pablo Picasso – người đã thay đổi bộ mặt của nền nghệ thuật thế kỷ 20
Thomas Edison – người phát minh ra bóng đèn dây tóc
Galileo – giúp con người khám phá Vũ trụ từ những quan sát thiên văn của mình
Richard Feynman – nhà khoa học đoạt giải Nobel
Marie Curie – người đầu tiên nhận được hai giải Nobel Hóa học và Vật lý
Martha Graham – biên đạo múa và là một vũ công kiệt xuất
Ted Hughes – người đã đoạt giải Thi ca Anh Quốc (English Poet Laureate) và được vinh danh là nhà thơ xuất sắc nhất thế kỷ 20
Bạn đang có những "người bạn đồng hành" tốt đấy! Thật sự là rất nhiều người cho rằng thời kỳ Phục hưng ở Ý đã sản sinh ra rất nhiều thiên tài sáng tạo – những con người đã thoát ra khỏi "nhà tù - tư duy lối mòn". Họ có thể diễn đạt ý tưởng của mình, không chỉ bằng ngôn từ, mà còn bằng những ngôn ngữ mạnh hơn như: hình ảnh, họa tiết, mật mã, ký hiệu, biểu đồ v.v.
Nhân vật lịch sử – Leonardo da Vinci
Ông là một hình mẫu hoàn hảo trong việc sử dụng ngôn ngữ hình ảnh để sáng tạo và thể hiện hàng ngàn ý tưởng đột phá. Bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều từ những quyển sổ tay của ông. Leonardo dùng hình ảnh, biểu đồ, ký hiệu để "tóm bắt" các ý tưởng từ dòng thác ý nghĩ đang tuôn trào trong trí não ông và thể hiện chúng ra giấy.
Những cuốn sổ tay của Leonardo là những cuốn sách thuộc hàng giá trị nhất thế giới nhờ vào các tuyệt phẩm sáng tạo chứa đựng trong đó. Trên hết, phần tinh túy nhất trong những cuốn sổ tay này chính là các hình ông vẽ. Chúng đã giúp ông đào sâu khám phá các ý tưởng thuộc mọi lĩnh vực từ nghệ thuật, sinh lý học, sinh vật học cho đến cơ khí, thủy động học. Đối với Leonardo, ngôn từ chỉ đứng vị trí thứ yếu so với ngôn ngữ hình ảnh. Ngôn từ được dùng để gọi tên, mô tả vắn tắt các ý tưởng và khám phá; trong khi đó, công cụ quan trọng hàng đầu cho tư duy sáng tạo của ông chính là ngôn ngữ hình ảnh.
Nhân vật lịch sử – Galileo Galilei
Galileo cũng là một thiên tài tư duy sáng tạo. Vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, ông đã làm nên một cuộc cách mạng trong khoa học bằng kỹ thuật ghi chép của mình. Trong khi những người đương thời dùng phương pháp truyền thống là ngôn từ và toán học để phân tích các vấn đề khoa học thì Galileo lại dùng hình minh họa để diễn đạt ý tưởng.
Một điều thú vị là, cũng như Leonardo, Galileo cũng là người hay mơ mộng. Ông từng ngồi bất động chỉ để quan sát chiếc đèn treo trên Tháp Pisa đung đưa qua lại, và từ đó phát hiện ra rằng: dù biên độ dao động của chiếc đèn là bao nhiêu, thì thời gian để hoàn thành một chu kỳ dao động là như nhau. Quan sát này của ông đã dẫn đến sự ra đời của lý thuyết con lắc, sau đó được áp dụng vào việc phát triển đồng hồ quả lắc.
Nhân vật lịch sử – Richard Feynman
Richard Feynman là nhà vật lý từng đoạt giải Nobel. Khi còn trẻ, ông đã nhận ra rằng tưởng tượng là điều quan trọng nhất trong quá trình tư duy sáng tạo. Vì vậy ông thích chơi những trò chơi tưởng tượng và tự học vẽ. Cũng như Galileo, Feynman đã phá vỡ cách ghi chép truyền thống của những người đương thời và quyết định trình bày toàn bộ lý thuyết Lượng tử của trường điện từ, hay còn gọi là lý thuyết Điện động lực học lượng tử (QED, Quantum Electrodynamics) dưới dạng biểu đồ và hình vẽ. Cho đến tận ngày nay, giản đồ nổi tiếng của Feynman – mô tả sự tương tác lẫn nhau giữa các hạt tích điện – đã giúp các sinh viên trên toàn thế giới có thể hiểu, ghi nhớ, đưa ra ý tưởng mới trong lĩnh vực vật lý và khoa học tổng hợp.
Feynman đồng thời cũng rất tự hào về những giản đồ mà ông vẽ trên chiếc xe của mình!
Nhân vật lịch sử – Albert Einstein
Albert Einstein, Bộ não của thế kỷ 20, cũng không chuộng cách ghi chép theo kiểu truyền thống – con số và ngôn từ. Giống như Leonardo và Galileo, ông tin rằng những công cụ này hữu ích nhưng không thật sự cần thiết, và rằng trí tưởng tượng thì quan trọng hơn rất nhiều.
Quả thực, Einstein từng phát biểu rằng: "Trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức, bởi lẽ trí tưởng tượng là vô hạn". Trong một bức thư gửi cho bạn của ông là Maurice Solovine, Einstein giải thích vấn đề khó khăn của ông khi sử dụng ngôn từ để trình bày các ý tưởng khoa học, bởi vì ông không tư duy theo những cách như vậy – ông tư duy bằng họa đồ.
Nhân vật lịch sử – Charles Darwin
Darwin là một người sử dụng Bản đồ Tư duy! Trong quá trình phát triển thuyết Tiến hóa, Charles Darwin đã phải làm một khối lượng công việc khổng lồ: khám phá thế giới tự nhiên; phân loại các giống loài và mối liên hệ giữa chúng; giải thích tính di truyền và biến dị trong tự nhiên; chứng minh khả năng gia tăng theo cấp số nhân số lượng cá thể và tính đa dạng của các giống loài. Ông đã làm điều đó như thế nào? Ông đã dùng Bản đồ Tư duy cơ bản!
Darwin đã nghĩ ra dạng Bản đồ Tư duy cơ bản. Dạng bản đồ này rất giống một cái cây đâm cành tỏa nhánh – tương tự bài tập "VUI" bạn đã thực hiện. Darwin sử dụng dạng Bản đồ Tư duy cơ bản này để tập hợp, sắp xếp một lượng lớn dữ liệu và để thấy được mối quan hệ giữa chúng, từ đó rút ra những nhận thức mới. Chỉ trong15 tháng vẽ hình Cây Tư duy đầu tiên, Darwin đã tìm ra những luận điểm chính để xây dựng thuyết Tiến hóa.
Sau khi được trang bị kiến thức về cách tư duy sáng tạo với Bản đồ Tư duy, bây giờ bạn đã sẵn sàng thực hiện những bài tập sáng tạo sau đây!
Rèn luyện Trí tuệ Sáng tạo
1. Sử dụng màu sắc trong các ghi chép của bạn
Luôn sử dụng màu sắc trong các ghi chép của bạn. Màu sắc làm cho các ghi chép trở nên thú vị hơn, kích thích tư duy sáng tạo và điểm tô thêm "sắc màu" cho cuộc đời bạn!
2. Hãy cứ mơ mộng!
Mọi giấc mơ hay ước mơ đều sẽ "chắp cánh" cho sự sáng tạo bay cao. Hãy ghi lại (ưu tiên dạng Bản đồ Tư duy) các ý tưởng, hình ảnh từ những giấc mơ/ước mơ đẹp. Nó sẽ làm cho các ghi chép của bạn sống động, trực quan và nhiều màu sắc hơn.
3. Tư duy theo cách phát tỏa
Mỗi tuần một lần, hãy chọn một từ hay khái niệm mà bạn thích và chơi trò chơi Tư duy Phát tỏa bằng Bản đồ Tư duy để củng cố các kỹ năng lập Bản đồ Tư duy của bạn.
4. Lập Bản đồ Tư duy
Vẽ Bản đồ Tư duy vào bất cứ lúc nào bạn có một ý tưởng sáng tạo cần khám phá. Hãy thực hiện theo trình tự sau:
• Nhanh chóng phác họa ra một Bản đồ Tư duy với những ý nghĩ bất chợt – giống như đã thực hiện với chủ đề "VUI". Thêm vào màu sắc, hình ảnh và các ý tưởng. Nên thực hiện nhanh phần này.
• Hãy để bộ não thư giãn một chút, tự cho phép mình nghỉ ngơi ít nhất là 1 tiếng.
• Quay lại với Bản đồ Tư duy và thêm vào bất kỳ ý tưởng mới nào.
• Đọc thật kỹ Bản đồ Tư duy một lần nữa, tìm ra mối liên hệ giữa các ý tưởng (trên nhánh).
• Liên kết các ý tưởng lại với nhau bằng ký hiệu/mật mã, màu sắc hoặc mũi tên.
Ví dụ: trong Bản đồ Tư duy tóm tắt nội dung chương 3, ý tưởng "Ghi chú màu sắc" liên kết với ý tưởng "Ghi chú kích thích tư duy sáng tạo" bằng hình cầu vồng.
• Tiếp tục xác định các liên kết quan trọng khác.
• Lại nghỉ ngơi để não được thư giãn.
• Đọc lại Bản đồ, xác định và đánh dấu bất cứ mối liên hệ mới nào vừa nhận ra.
• Xem lại Bản đồ và đưa ra giải pháp.
5. Ghi chép dưới dạng Bản đồ Tư duy
Một thiên tài sáng tạo vĩ đại khác cũng ghi chép dưới dạng Bản đồ Tư duy trực quan là Thomas Edison. Bản thân ông cũng học hỏi theo cách làm của Leonardo da Vinci!
Edison đã có rất nhiều bằng sáng chế được công nhận – xuất phát từ mong ước sáng tạo đến cháy bỏng của ông. Edison cho rằng cách tốt nhất để thúc đẩy khả năng sáng tạo ở bản thân là noi gương theo người anh hùng của lòng ông, Leonardo. Edison tỉ mẩn và say mê ghi chép lại từng bước trong quá trình tư duy sáng tạo của mình bằng những hình minh họa trực quan. Cuối cùng, số lượng tài liệu ghi chép ông để lại lên đến 3.500 cuốn.
6. Sử dụng Bản đồ Tư duy như là một công cụ truyền đạt sáng tạo
Nếu bạn có một bài diễn văn hay một buổi nói chuyện, hãy sử dụng Bản đồ Tư duy sáng tạo để diễn đạt thành công ý tưởng của bạn.
Cho dù đó là bài cảm đơn ngắn sau buổi tiệc tối, buổi lễ, hay là một bài thuyết trình kinh doanh trang trọng thì Bản đồ Tư duy sáng tạo sẽ hiệu quả và ấn tượng hơn so với bài thuyết trình "chuẩn mực" theo lối mòn, buồn chán – vốn khiến nhiều người e ngại nói trước đám đông và người nghe cũng khiếp đảm với những buổi thuyết trình như vậy!
Với Bản đồ Tư duy, bạn có thể giúp đầu óc (và cả bản thân) thảnh thơi hơn, nhanh chóng sắp xếp ý nghĩ theo trình tự hợp lý, ghi nhớ ý tưởng và hình ảnh chủ đạo, tất cả sẽ góp phần "bật sáng" trí tưởng tượng của bạn khi đứng dậy phát biểu. Bạn cảm thấy thoải mái, bình tĩnh hơn và nói năng lưu loát, tự nhiên hẳn – tất nhiên người nghe cũng thấy hào hứng!
7. Vẽ nên tương lai với Bản đồ Tư duy
Hãy đặt một tấm ảnh hay biểu tượng của bạn ở vị trí trung tâm Bản đồ Tư duy và từ đó tỏa ra những nhánh chính với các chủ đề như: Kỹ năng, Học vấn, Du lịch, Gia đình, Việc làm, Tài sản, Sức khỏe, Bạn bè, Mục tiêu, Sở thích v.v. Trên Bản đồ, hãy vẽ ra một tương lai lý tưởng cho bạn – như thể có một vị Thần đèn đồng ý đáp đứng mọi điều ước của bạn.
Sau khi đã hoàn thành, hãy tìm cách hiện thực hóa chúng với sự giúp đỡ của nhóm các Nhà thông thái. Nhiều người đã thử nghiệm phương pháp này và nhận thấy hiệu quả đáng kinh ngạc của nó. Chỉ trong vài năm áp dụng, đến 80% kế hoạch của họ được hoàn thành.
8. Tạo một Bản đồ Tư duy chỉ toàn hình ảnh
Hãy tạo một Bản đồ Tư duy mà không sử dụng một từ nào hết, chỉ toàn hình ảnh! Não bộ của bạn sẽ liên kết, liên tưởng đến rất nhiều điều khi chỉ làm việc với hình ảnh. Bạn sẽ ngạc nhiên với những liên kết/liên tưởng mới mẻ và sáng tạo về chủ đề đang được khám phá. (Hãy thực hành thử bài tập này, nhất là sau khi đọc xong chương 4 và người "họa sĩ" sáng tạo trong bạn đã được "giải phóng"!)
9. Đặt ra những quy tắc về màu sắc cho Bản đồ Tư duy
Đề ra những quy tắc sử dụng màu sắc, bố cục để thể hiện các liên kết, yếu tố thời gian, suy nghĩ, con người, hành động, sự khẩn cấp v.v. trên Bản đồ Tư duy của bạn.
10. Nhận ra sự hữu ích của Bản đồ Tư duy trong cuộc sống
Bản đồ Tư duy có thể hỗ trợ bạn ở nhà, tại cơ quan, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Cứ tiếp tục xây dựng và mở rộng Bản đồ bằng cách thêm vào các ý tưởng mới.