"Nét biểu cảm được thể hiện trên gương mặt quan trọng hơn rất nhiều so với quần áo người đó đang mặc."
- Dale Carnegie
Nếu bạn áp dụng những gì đã được giới thiệu trong sách này cho đến bây giờ, chắc chắn bạn sẽ trở thành một "mắt nối" thành công trong xã hội. Ở chương này, chúng ta sẽ bắt đầu với một nghiên cứu thú vị, cung cấp những thông tin mới về bản chất của các mối quan hệ xã hội.
Tôi cũng sẽ nhắc lại những đặc điểm cốt yếu của người mạnh về Trí tuệ Xã hội và giới thiệu một nhân vật tiêu biểu cho loại hình trí thông minh này. Kết chương là một bảng câu hỏi về Trí tuệ Xã hội để đánh giá IQ Xã hội của bạn đã phát triển như thế nào.
Cái chết của một giả định xấu xa!
Trong nhiều thế kỷ, các nhà nghiên cứu cũng như công chúng đã đồng tình với một "sự thật" không mấy dễ chịu rằng lý do duy nhất khiến con người có vẻ hợp tác với nhau là sự tư lợi.
May mắn thay, lúc này chúng ta đã có một bức tranh đa chiều và tích cực hơn được vẽ nên từ những nghiên cứu gần đây. Nhà nhân chủng học Joseph Henrich từ trường Đại học Michigan và đồng nghiệp của ông là Robert Boyd từ trường Đại học California, đã nghiên cứu sự chuyển giao hành vi và văn hóa giữa con người với nhau. Họ đã đi đến kết luận: việc cộng tác với nhau không phải xuất phát từ sự ích kỷ, mà nó là kết quả của hai xu hướng chính yếu của não bộ.
Theo Henrich, "Có hai yếu tố thuộc về tâm lý mà chúng ta đã biết. Một là, con người có xu hướng bắt chước theo số đông; hai là, con người có xu hướng bắt chước theo những cá nhân thành công nhất. Chính sự bắt chước này dẫn đến sự cộng tác vô tư, ổn định".
Cộng tác giúp chúng ta có nhiều thực phẩm hơn, có sức khỏe tốt hơn, sáng tạo hơn, tập hợp nhiều nguồn lực để mang lại sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn cho cả cộng đồng, v.v.
Chuỗi thành công này sẽ được nhiều người khác nhận thấy và học hỏi theo. Khi nhóm người này noi gương theo nhóm đã thành công trước đó, họ sẽ dần mạnh hơn về Trí tuệ Xã hội và bắt đầu gặt hái được nhiều lợi ích.
Henrich còn chỉ ra rằng con người là loài có tính cộng đồng nhất trong số các sinh vật, vì: "Con người biết phối hợp với nhau. Như khi chiến tranh nổ ra, rất nhiều người vốn chưa từng quen biết sẽ kề vai sát cánh bên nhau, bất kể sau đó họ còn có cơ hội gặp lại nhau hay không".
Một trong những thành tựu xã hội giúp phân biệt loài người với các sinh vật khác là hành vi xếp hàng! Nếu không có sự phối hợp giữa những người hoàn toàn xa lạ thì một hàng người sẽ nhanh chóng giống như "ong vỡ tổ"!
Tư duy tổng thể não bộ
Do không chủ ý, nhiều người tự biến mình trở thành kẻ ngớ ngẩn trong nhiều tình huống bởi vì họ chỉ sử dụng một nửa trí thông minh và các kỹ năng xã hội của não bộ! Hẳn là bạn đã từng nghe nói đến mô hình Não trái/Não phải(*) – với hai nhóm kỹ năng trí tuệ/xã hội chính yếu, được phân chia giữa hai bán cầu não:
Não trái Não phải
ngôn từ nhịp điệu
suy luận lô-gic nhận thức về không gian
con số kích thước
xâu chuỗi tưởng tượng
quan hệ tuần tự mơ mộng
phân tích màu sắc
liệt kê nhận thức về tổng thể (cấu trúc)
(*) Mô hình này được trình bày chi tiết trong quyển Sức mạnh của Trí tuệ Sáng tạo (The Power of Creative Intelligence) của tác giả Tony Buzan, do First News xuất bản.
Bởi vì cả một thế kỷ qua,chúng ta quá chú trọng đến "não trái" – các kỹ năng phân tích – cho nên ngôn từ, suy luận lô-gic con số, kỹ năng phân tích và xâu chuỗi đã gần như thống trị trong mọi hình thức tương tác xã hội. Còn "não phải" – các kỹ năng thiên về trực giác – thì bị rẻ rúng. Như đã chia sẻ ở chương 1, đây là một phần cái bẫy mà tôi đã rơi vào trong giai đoạn đầu phát triển Trí tuệ Xã hội.
Hãy tưởng tượng bạn sẽ trải qua cả buổi tối với nhóm người chỉ dùng các kỹ năng thuộc "não trái", thì từ nào có thể mô tả ngắn gọn và chính xác về buổi tối đó?
NHÀM CHÁN!
Tiếp theo, hãy tưởng tượng một buổi tối bạn được ở bên nhóm bạn chỉ sử dụng các kỹ năng thuộc "não phải". Có thể sẽ có nhiều trò vui đấy nhưng chắc chắn là rất hỗn loạn! Cuộc đối thoại sẽ không tồn tại; âm nhạc sẽ chẳng theo thể loại nào hết; và địa điểm tụ họp trông chẳng khác nào "bãi chiến trường"!
Nếu chỉ sử dụng những nhóm kỹ năng thuộc bán cầu não phải thôi, thì thật sự những người bạn giàu trí tưởng tượng kia thể hiện chưa đến một nửa năng lực. Bởi vì "não trái" và "não phải" chỉ phát huy tối đa sức mạnh khi được sử dụng cùng lúc, lúc đó có sự cộng hưởng năng lực, nâng sức mạnh của trí não lên gấp bội lần!
Những người thành công về mặt xã hội sẽ sử dụng tất cả năng lực trí tuệ phi thường của mình khi tiếp xúc với người khác. Chẳng hạn như, họ sẽ tưởng tượng (kỹ năng "não phải") ra những bước (liệt kê, kỹ năng "não trái") để thể hiện sự quan tâm đến người khác, để gây thích thú cho những người bạn của họ…
Do đó hãy sử dụng tất cả các kỹ năng não bộ, cả "não trái" và "não phải". Bằng cách này, bạn cũng sẽ tạo cảm hứng cho những người khác phát huy sức mạnh của lối tư duy "tổng thể não bộ".
Đặc điểm của người có Trí tuệ Xã hội
Vậy, người mạnh về Trí tuệ Xã hội thường toát lên những phẩm chất và đặc điểm nào?
1. Tự tin là chính mình.
2. Có tầm nhìn rõ ràng về cuộc đời – biết mình đang hướng đến đâu.
3. Luôn quan tâm đến mọi người.
4. Tôn trọng người khác.
5. Đồng cảm, có khả năng đọc và sử dụng ngôn ngữ cơ thể để thể hiện sự đồng cảm.
6. Biết lúc nào nên nói, lúc nào cần phải lắng nghe.
7. Có thái độ tích cực.
Tất cả những đặc điểm này đều hội đủ ở Nữ hoàng
Truyền hình Mỹ, Oprah Winfrey.
Oprah Winfrey – Ngôi sao Trí tuệ Xã hội
Oprah Winfrey – một doanh nhân, một diễn viên từng đạt được nhiều giải thưởng, người dẫn chương trình giao lưu (talk show) hàng đầu ở Mỹ – có lẽ là một trong những người phụ nữ nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất thế giới. Hàng chục triệu người trên 130 quốc gia đã xem chương trình truyền hình hàng ngày của cô, một điều hiếm có đối với thể loại chương trình xây dựng quan hệ xã hội hài hòa, tốt đẹp trong thời buổi hiện nay.
Thành công kỳ lạ của Oprah là do sự thấu cảm của cô với khán giả, sự thành thật, và thái độ tích cực của cô trước nghịch cảnh. Cách tổ chức chương trình truyền hình đã mở ra cơ hội, khuyến khích khách mời thoải mái bày tỏ cảm xúc và chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Khi một khách mời nào đó trải lòng mình, Oprah đều "làm mọi người cũng phải quan tâm theo bởi chính sự quan tâm của cô".
Thay cho phần Rèn luyện Trí tuệ Xã hội, ở chương này, tôi sẽ đưa ra một bảng câu hỏi kiểm tra Trí tuệ Xã hội nhằm giúp bạn ngẫm lại những điều đã giới thiệu trong quyển sách này và cung cấp thêm một số "dưỡng chất cho suy nghĩ"!
Bảng khảo sát Trí tuệ Xã hội
Hãy trả lời các câu hỏi sau đây – chọn "Đúng" nếu mệnh đề này đúng, hoặc hoàn toàn đúng với bạn; chọn "Sai" nếu mệnh đề không phù hợp hoặc hoàn toàn không hợp với bạn.
Đừng đặt nặng vấn đề đúng - sai ở đây, hãy cứ xem những lời gợi ý sau như là một định hướng giúp nâng cao Trí tuệ Xã hội của bạn.
1. Tôi yêu thương cả nhân loại.
Đúng/Sai
2. Tôi tin Chỉ số Thông minh (IQ) quan trọng hơn Trí tuệ Xã hội, vì nó chính là thước đo cho sự thành công.
Đúng/Sai
3. Tôi tin IQ thì quan trọng hơn Trí tuệ Xã hội, vì nó chính là thước đo cho hạnh phúc.
Đúng/Sai
4. Với tôi, mọi cuộc gặp gỡ đầu tiên đều cực kỳ quan trọng.
Đúng/Sai
5. Nói lời từ giã, hoặc tổ chức liên hoan chia tay là việc làm rất quan trọng.
Đúng/Sai
6. Việc sử dụng trí tưởng tượng không quá quan trọng trong các mối quan hệ xã hội.
Đúng/Sai
7. Việc giữ tầm nhìn về tương lai có xu hướng hủy hoại các mối quan hệ xã hội.
Đúng/Sai
8. Những người trụy lạc ít có mối quan hệ ràng buộc với những người khác.
Đúng/Sai
9. Mô phỏng là một biểu hiện hèn kém cần tránh.
Đúng/Sai
10. Sự sáng tạo chỉ dành cho những người kém tự tin, thiếu quyết tâm và không có chính kiến rõ ràng.
Đúng/Sai
11. Tương tự như ngôn từ, cơ thể cũng là một phương tiện truyền tải quan trọng trong giao tiếp.
Đúng/Sai
12. Có rất nhiều cách biểu đạt ngôn ngữ cơ thể, mà những cách này đều phổ biến ở mọi nơi và trong tất cả các nền văn hóa.
Đúng/Sai
13. Mỉm cười với người khác sẽ làm họ ngượng ngùng hoặc trở nên hung hăng.
Đúng/Sai
14. Người có thái độ sống tích cực, lạc quan thường bị dè bỉu và bị dán nhãn là "người cõi trên".
Đúng/Sai
15. Trong mọi tình huống, thành thật luôn là "thượng sách".
Đúng/Sai
16. Con người thường có xu hướng sống chiều theo kỳ vọng của người khác.
Đúng/Sai
17. Ai cũng cần có khoảnh khắc và "khoảng không" riêng.
Đúng/Sai
18. Chứng minh người khác sai là một cách tốt để chiến thắng cuộc tranh cãi.
Đúng/Sai
19. Cần phải có uy thế mới "dẹp yên" được xung đột.
Đúng/Sai
20. Hầu hết các diễn giả đều rất nhàm chán.
Đúng/Sai
21. Ấn tượng ban đầu của tôi về người khác thường không chính xác.
Đúng/Sai
22. Tôi thích pha trò trong các bữa tiệc, buổi gặp mặt để chọc vui những người bạn của tôi.
Đúng/Sai
23. Tôi là người có sức thuyết phục cao trong các cuộc đàm phán.
Đúng/Sai
24. Tôi thường "nhường" việc giải quyết mâu thuẫn cho người khác.
Đúng/Sai
25. Tôi luôn có mối quan hệ tốt với mọi người.
Đúng/Sai
26. Tôi cực kỳ tinh nhạy trong việc đoán biết tâm trạng của người khác.
Đúng/Sai
27. Tôi rất giỏi nhớ mặt người khác.
Đúng/Sai
28. Tôi có khả năng nhớ tên mọi người.
Đúng/Sai
29. Việc người khác nghĩ về tôi như thế nào thì chẳng quan trọng lắm.
Đúng/Sai
30. Tôi thường được hưởng những dịch vụ chăm sóc rất tốt mỗi khi đi mua sắm, đi du lịch, hay ăn uống ở bên ngoài.
Đúng/Sai
31. Tôi là một thuyết trình viên sáng tạo, độc đáo và thú vị.
Đúng/Sai
32. Tôi mê mẩn khám phá não bộ con người và cách hoạt động của nó.
Đúng/Sai
33. Bản thân tôi giá trị hơn những gì tôi kiếm được.
Đúng/Sai
34. Người khác thường nhớ những điều tôi nói.
Đúng/Sai
35. Cơ thể tôi khỏe mạnh.
Đúng/Sai
36. Tinh thần tôi minh mẫn.
Đúng/Sai
37. Trò chuyện với thú vật không phải là điều quan trọng cho lắm.
Đúng/Sai
38. Mọi nghi thức đều thật nhàm chán.
Đúng/Sai
39. Người giữ cương vị lãnh đạo cần phải hiểu rõ tâm tư, hoàn cảnh của người dưới quyền.
Đúng/Sai
40. Tôi chỉ có thể lãnh đạo một số nhóm người, còn những nhóm khác thì không.
Đúng/Sai
41. Có những người khiến tôi cảm thấy thật tẻ nhạt, phiền phức, chỉ tổ lãng phí thời gian khi ở bên họ; do đó tôi thường cố lánh xa họ.
Đúng/Sai
42. Mọi người thường đến gặp tôi để tìm kiếm lời khuyên hoặc sự hỗ trợ. Và tôi cũng vui vẻ, sẵn sàng giúp họ.
Đúng/Sai
43. Trong các buổi họp mặt, tôi luôn giúp mọi người cảm thấy thoải mái, vui vẻ.
Đúng/Sai
44. Thành công phần lớn là do may mắn.
Đúng/Sai
45. Tôi có mục tiêu và tầm nhìn rõ ràng cho cuộc đời tôi.
Đúng/Sai
Hãy xem câu trả lời ở trang tiếp.
Kiểm tra kết quả
1 – 11: Trí tuệ Xã hội của bạn như là một mỏ vàng khổng lồ vừa mới khám phá được. Nếu tiếp tục tìm tòi, những phần thưởng tuyệt vời đang đợi bạn phía trước!
12 – 22: Bạn đã có một vài kỹ năng cơ bản và những hiểu biết nhất định về con đường dẫn tới Trí tuệ Xã hội. Hãy năng sử dụng những kiến thức mới để củng cố những kỹ năng hiện có và cải thiện những kỹ năng mà bạn còn yếu.
23 – 33: Trí tuệ Xã hội của bạn đang ở trên mức trung bình. Bằng cách áp dụng những nguyên tắc được giới thiệu trong sách này, bạn sẽ nhanh chóng trở thành Ngôi sao Trí tuệ Xã hội!
34 – 45: Bạn là một người hiếm có, đang thụ hưởng những lợi ích của Trí tuệ Xã hội. Có câu nói rằng "Càng biết nhiều thì bạn càng dễ dàng biết thêm nhiều thứ khác nữa". Vì thế hãy sử dụng những điều đã học được trong quyển sách này để trau dồi các kỹ năng hiện đã xuất sắc của bạn. Rồi bạn sẽ nhận ra cơ hội cho sự tiến bộ là không giới hạn!