Trí tuệ Xã hội là một trong 10 loại hình trí thông minh mà mỗi người chúng ta sở hữu. Lâu nay, trí thông minh thường được chia thành ba loại: Ngôn từ (Verbal Intelligence), Số học (Numerical Intelligence), và Không gian (Spatial Intelligence). Đây cũng là cơ sở để xây dựng những bài kiểm tra IQ. Tuy nhiên, chúng ta còn có những loại hình trí thông minh khác, như: Trí tuệ Sáng tạo (Creative Intelligence), Giác quan (Sensual Intelligence), Thể lý (Physical Intelligence), Nội tâm (Personal Intelligence), Tình dục (Sexual Intelligence) và Tâm linh (Spiritual Intelligence).
Một điều tuyệt vời đó là các loại hình trí thông minh thường hoạt động cùng nhau và hỗ trợ lẫn nhau. Khi bạn phát triển một loại hình trí tuệ nào đó, bạn cũng đồng thời phát triển các loại hình trí tuệ còn lại.
Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét cách áp dụng năm loại hình trí thông minh để hỗ trợ phát triển Trí tuệ Xã hội. Chương này bản thân nó cũng là một bài Rèn luyện Trí tuệ Xã hội.
Trí tuệ Không gian
Trí tuệ Không gian là khả năng nhận thức và tương thích của mắt/cơ thể với môi trường xung quanh. Loại hình trí thông minh này bao gồm khả năng nhận ra mối quan hệ giữa các hình thể và nhận thức được khoảng không giữa các vật. Khả năng đọc bản đồ, cũng như ngôn ngữ cơ thể, là ví dụ điển hình cho dạng trí thông minh này.
Bạn có nhớ câu chuyện về hai doanh nhân, một người ở New York và một người ở Texas (chương 2)? Họ hoàn toàn trái ngược nhau, chẳng có điểm chung gì khi họ chỉ nhận thức về "không gian" riêng của mình? Nhận thức về "vùng thoải mái" của người khác cũng là một phần rất quan trọng của Trí tuệ Xã hội. Hãy sử dụng Trí tuệ Không gian để luyện cho mình sự tinh nhạy trong những trường hợp tương tự.
Trí tuệ Không gian cũng liên quan đến khả năng sắp xếp, bố trí đồ vật sao cho mọi người cảm thấy thoải mái, hài lòng. Thuật phong thủy, thuộc Trí tuệ Không gian, nhưng lại được ứng dụng cho Trí tuệ Xã hội!
Trí tuệ Thể lý
Trí tuệ Thể lý bao hàm khả năng kết hợp các hoạt động thể chất, quân bình hoạt động thể chất - trí não, và kiểm soát tư thế của bạn. Loại hình trí thông mình này cũng bao hàm cả việc ăn uống lành mạnh, luyện tập thể chất khỏe mạnh và linh hoạt.
Phát triển Trí tuệ Thể lý, bạn sẽ tự động thu hút được nhiều bạn bè mới, bởi vì ai cũng thích kết giao với người khỏe mạnh, cân bằng và đầy sức sống. Đó là lý do mà các "phù thủy" marketing thường mời các người mẫu quảng cáo cho sản phẩm.
Trí tuệ Thể lý bao gồm cả việc tiếp xúc với người khác. Như bạn đã biết, tiếp xúc với nhau không chỉ mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu mà còn kích hoạt các phản ứng trong cơ thể giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cả đôi bên.
Sau đây là một kết quả nghiên cứu ở Nhật, cho thấy việc giao tiếp còn có thể giúp tăng cường trí nhớ của chúng ta.
Tình huống nghiên cứu – Muốn có trí nhớ tốt hơn? Hãy giao tiếp thường xuyên!
Ngày càng có nhiều người Nhật mắc phải chứng bệnh mất trí nhớ kỳ lạ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập cũng như làm việc của họ.
Chuyên gia não học Takashi Tsukiyama cho biết: "Chúng ta đang nói về những người thậm chí không thể nhớ nổi cách sử dụng máy photocopy, đến mức cần phải viết ra từng bước hướng dẫn sử dụng".
Những người bị chứng hay quên thường than phiền về chuyện không thể nhớ được tên của trạm xe lửa mà họ cần phải xuống, các cuộc hẹn đã trù định, hay thậm chí là những công việc hàng ngày.
Giáo sư Tsukiyama cho biết tỷ lệ người mắc phải chứng bệnh này ngày càng gia tăng.
Theo nhật báo The Straits Times, nguyên do chủ yếu là "thiếu giao tiếp, tương tác xã hội ở thế hệ trẻ Nhật Bản".
Các nhà nghiên cứu đã xác nhận vấn đề này, cho rằng con người ngày nay quá phụ thuộc vào máy móc (như: trò chơi điện tử, Internet, thư điện tử…), họ thường tự "giam" mình trong nhà và ít giao tiếp, hòa nhập với cộng đồng. Hậu quả là trí nhớ con người ngày càng bị xói mòn.
Hòa nhập xã hội làm cho trí nhớ trở nên tinh nhạy, liên tục được thử thách, và tất cả các giác quan – những "trụ cột" chính của trí nhớ – cũng luôn ở trong tình trạng hoạt động, được sử dụng hết công suất.
Các nhà nghiên cứu kết luận: việc chìm đắm trong "thế giới ảo" của những trò chơi điện tử, tự cô lập mình với môi trường sống xung quanh sẽ làm cho trí nhớ của trẻ và các kỹ năng xã hội chậm phát triển, cũng như làm thui chột dần hai yếu tố quan trọng này khi đến tuổi trưởng thành.
Trên cơ sở đó, bác sĩ Tsukiyama khuyên mọi người nên giao tiếp với người khác ít nhất một lần mỗi ngày – một liều "thuốc" hữu hiệu. Ông cũng đề nghị cần thường xuyên thực hiện những bài luyện tập Trí tuệ Xã hội để giữ cho não bộ và cơ thể luôn trong tình trạng linh hoạt, trí nhớ hoạt động tốt và sức khỏe được giữ vững.
Tuy nhiên, các thiết bị điện tử, Internet, v.v. không phải lúc nào cũng gây tác động tiêu cực. Những tiện ích này nếu được vận dụng để thúc đẩy sự phát triển Trí tuệ Xã hội thì kết quả mang lại sẽ hết sức tích cực, giống như trong tình huống nghiên cứu sau.
Tình huống nghiên cứu – Những "con nghiện máy tính" vẫn có thể là những con người tốt!
Andrew Oswald, từ trường Đại học Warwick, đã công bố kết quả khảo sát 2.500 người Anh bất kỳ vào cuối năm 2001.
Cuộc khảo sát của Oswald cho thấy những người sử dụng Internet thường có khả năng là thành viên của một nhóm cộng đồng hay một tổ chức tình nguyện nào đó hơn so với những người không sử dụng Internet. Họ cũng đi lễ nhà thờ đều đặn, có học thức và thu nhập cao hơn.
Ngược với ý kiến phổ biến ở Anh quốc, rõ ràng những người dùng Internet vẫn có cuộc sống cân bằng giữa thế giới ảo và thế giới thật. Không như mọi người thường nghĩ – "Những người này suốt ngày ôm máy tính" – họ cũng xem ti-vi nhiều hơn người bình thường một tí. Nghĩa là thay vì sử dụng khoảng thời gian rảnh của mình một cách thụ động, họ chủ động làm quen với những người khác trong xã hội bằng cách sử dụng Internet.
Hai nghiên cứu trên cho thấy Internet, cũng như tất cả các phát minh mới, đều có cả tác động tích cực lẫn tiêu cực. Nếu biết sử dụng hợp lý, chúng sẽ làm cho đời sống xã hội của chúng ta trở nên phong phú hơn.
Trí tuệ Giác quan
Trí tuệ Giác quan, một loại hình trí thông minh được Leonardo da Vinci rất xem trọng, bao gồm việc sử dụng và phát huy khả năng của năm giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác.
Hãy vẽ một Bản đồ Tư duy nhỏ cho mỗi giác quan, với từng nhánh thể hiện cách sử dụng giác quan đó để cải thiện Trí tuệ Xã hội của bạn.
Trí tuệ Ngôn từ
Trí tuệ Ngôn từ bao gồm khả năng "biến hóa" với bảng chữ cái và hàng triệu từ vựng khác nhau.
Loại hình trí thông minh này được đo lường dựa trên số lượng từ vựng bạn sử dụng; tốc độ và khả năng kết hợp các từ với nhau; tính mạch lạc, rõ ràng trong câu nói; và khả năng sử dụng ngôn từ giàu hình ảnh.
Như bạn có thể hình dung, Trí tuệ Ngôn từ là một trong những loại hình trí thông minh có liên hệ gần gũi với Trí tuệ Xã hội. Trong các cuộc nói chuyện bình thường, Trí tuệ Ngôn từ kết hợp với ngôn ngữ cơ thể tạo thành một bộ "công cụ" giao tiếp hoàn chỉnh.
Trong cách truyền đạt qua chữ viết, Trí tuệ Ngôn từ chính là bộ "công cụ" giao tiếp duy nhất!
Hãy nghĩ xem các cuộc hội thoại, bài giảng, bài diễn văn, thư từ, sách báo, Internet, thơ ca đã tác động đến cuộc sống và mối quan hệ của bạn như thế nào.
Hãy làm cho ngôn ngữ cơ thể và ngôn ngữ lời nói của bạn tương đẳng với nhau. Kết hợp những điều học được từ cuốn sách này với sức mạnh ngôn từ của bạn để bạn trở thành một diễn giả thú vị, đầy sức thuyết phục, và liên tục khám phá những hợp lực có thể có giữa hai loại trí thông minh.
Trí tuệ Sáng tạo
Trí tuệ Sáng tạo là khả năng sử dụng toàn bộ kỹ năng thuộc "não trái/phải" để đưa ra ý tưởng.
Trí tuệ Sáng tạo bao hàm tốc độ sản sinh ý tưởng mới, khả năng có những ý tưởng lạ thường và độc đáo, khả năng nhìn tình huống từ nhiều khía cạnh khác nhau, khả năng lựa chọn và khai triển ý tưởng, khả năng vận dụng nguyên lý liên hợp/liên tưởng của não bộ - Những điều đầu tiên sẽ xuất hiện trước và Những điều sau cùng cũng rất đáng nhớ – trong quá trình tư duy sáng tạo.
Hãy nghĩ đến sức mạnh đáng kinh ngạc của Trí tuệ Xã hội do Trí tuệ Sáng tạo mang lại! Thực hiện một Bản đồ Tư duy nhỏ về việc sử dụng sức mạnh sáng tạo vô bờ bến của bạn để làm cho cuộc sống mọi người đầy màu sắc hơn, sáng tạo và vui nhộn hơn.
Lời khẳng định giúp củng cố Trí tuệ Xã hội
• Tôi đang vận dụng các kỹ năng (Trí tuệ) Sáng tạo của "não trái/phải" để phát triển Trí tuệ Xã hội.
• Tôi đang sử dụng Trí tuệ Thể lý để phát triển Trí tuệ Xã hội của mình.
• Tôi đang trau dồi Trí tuệ Không gian và các kỹ năng ngôn ngữ cơ thể để củng cố Trí tuệ Xã hội.
• Tôi đang sử dụng Trí tuệ Giác quan để phát triển Trí tuệ Xã hội.
• Tôi đang thực hành các kỹ năng giao tiếp (Trí tuệ Ngôn từ) để phát triển Trí tuệ Xã hội.
Xin chúc mừng!
Chúc mừng bạn vừa hoàn thành môn học Sức mạnh của Trí tuệ Xã hội. Giờ bạn đã biết tầm quan trọng của Trí tuệ Xã hội và đủ tự tin để bước ra thế giới.
• Bạn đã nhận thức đầy đủ sức mạnh khó tin của ngôn ngữ cơ thể và biết cách sử dụng nó. Ngoài ra, bạn còn biết cách lắng nghe chủ động và trở thành người có khả năng giao tiếp tuyệt vời. Với những kỹ năng này, bạn có thể tạo dựng mối quan hệ như ý muốn và tỏa sáng giữa đám đông một cách tự nhiên.
• Thái độ của bạn sẽ ngày càng tích cực hơn. Bạn thấy mình có khả năng thương lượng, dàn xếp tốt hơn và làm quen với nhiều bạn mới.
• Với phong thái xã hội tích cực, liên tục củng cố Trí tuệ Xã hội và không ngừng rèn luyện để làm chủ các loại hình trí thông minh, bạn đang tự "dọn đường" để biến mình trở thành một Ngôi sao Trí tuệ Xã hội!
Kết quả khảo sát Trí tuệ Xã hội
1. Đúng 24. Sai
2. Sai 25. Đúng
3. Sai 26. Đúng
4. Đúng 27. Đúng
5. Đúng 28. Đúng
6. Sai 29. Sai
7. Sai 30. Đúng
8. Sai 31. Đúng
9. Sai 32. Đúng
10. Sai 33. Đúng
11. Đúng 34. Đúng
12. Đúng 35. Đúng
13. Sai 36. Đúng
14. Sai 37. Sai
15. Đúng 38. Sai
16. Đúng 39. Đúng
17. Đúng 40. Sai
18. Sai 41. Sai
19. Sai 42. Đúng
20. Sai 43. Đúng
21. Sai 44. Sai
22. Đúng 45. Đúng
23. Đúng