"Nếu bạn nghĩ rằng mình có khả năng, hoặc không có khả năng thì bạn đều đúng cả."
- Henry Ford
Liệu thái độ của con người có ảnh hưởng đến mức độ thành công về mặt xã hội?
Những người bình thường sẽ trả lời "Dĩ nhiên là không!", còn những bộ óc vĩ đại thì khẳng định "Chắc chắn là có!".
Câu chuyện về hai người đi tìm chân lý
Đây là câu chuyện kể về hai chàng thư sinh tìm kiếm sự giác ngộ tâm linh. Thật ngẫu nhiên là con đường tâm linh và cả con đường thực tế của họ đều y hệt nhau.
Chàng thư sinh thứ nhất trọ lại ở một ngôi làng nhỏ, rồi sáng hôm sau khởi hành đi đến ngôi làng lân cận cách đó 30 dặm đường. Trên đường đi, anh gặp một nhà thông thái. Anh trình với ông những trăn trở, thắc mắc của mình về ý nghĩa cuộc sống, vũ trụ và vạn vật. Người thông thái từ tốn và cẩn trọng trả lời tất cả câu hỏi của chàng trai trẻ.
Kết thúc cuộc trao đổi, chàng thư sinh cảm tạ và hỏi người thông thái liệu con đường anh sắp đi có dẫn đến ngôi làng nào không và dân làng ở đó ra sao.
Nhà thông thái khẳng định rằng chàng trai đang đi đúng hướng, và trước khi trả lời câu hỏi thứ hai, người thông thái hỏi ngược lại chàng trai nghĩ gì về con người ở ngôi làng chàng vừa đi qua. Anh thưa rằng dân làng là những con người tuyệt vời, dù nghèo khó nhưng họ vẫn đón tiếp anh rất niềm nở. Họ đã cho chàng trọ lại một đêm, thết đãi chàng nhiều món ngon mà không hề lấy một đồng nào. Chàng cảm thấy vui sướng khi đón nhận sự tử tế, cởi mở và hào phóng của dân làng. Nghe xong, người thông thái bảo: "Ta có tin tốt lành cho con. Người dân ở ngôi làng con sắp đi đến cũng tương tự như vậy đó. Hãy tận hưởng cuộc hành trình của con và cứ vui vẻ, thoải mái bên những con người ấy!".
Tình cờ ngay ngày hôm sau, chàng thư sinh thứ hai cũng đến ngôi làng đầu tiên mà chàng thư sinh thứ nhất từng ở. Anh trọ lại và khởi hành sớm đến ngôi làng thứ hai ngay sáng hôm sau. Đi được nửa đường, anh cũng gặp người thông thái nọ và cũng hỏi ông những câu tương tự.
Sau cuộc trao đổi, chàng thư sinh thứ hai cũng hỏi người thông thái về con đường đến ngôi làng tiếp theo và con người ở đó. Nhà thông thái xác nhận rằng anh đang đi đúng đường, và cũng giống như ngày hôm trước, ông yêu cầu chàng trai trẻ mô tả về con người ở ngôi làng anh vừa đặt chân đến.
"Họ cáu kỉnh và chẳng thân thiện tí nào. Mặc cho tôi rất mệt và đói lả, họ chỉ giúp đỡ qua loa mà không bày tỏ thiện chí gì. Khi tôi tìm hỏi nơi tá túc, họ bảo là không có chỗ nên tôi phải qua đêm trên một cánh đồng gần đó. Rồi họ nói họ còn quá ít thức ăn nên không thể san sẻ cho tôi. Tôi thấy họ thật thô lỗ và tồi. Tôi hy vọng sẽ không bao giờ gặp lại họ.", anh thuật lại.
Nghe xong, nhà thông báo bảo: "Chàng trai trẻ à. Ta có tin buồn cho anh đây. Anh sẽ thấy người dân ở ngôi làng phía trước cũng giống như người dân ở ngôi làng vừa qua. Hãy cố gắng tận hưởng và học hỏi từ chuyến đi nhé!".
Bạn đang là anh chàng nào? Và bạn sẽ là anh chàng nào trong hành trình trưởng thành của mình?
Người có Trí tuệ Xã hội luôn nhìn vào mặt tươi sáng. Cái nhìn tích cực có vai trò như phép nhiệm màu mang đến những thành công về mặt xã hội.
"Mức độ hạnh phúc của con người tùy thuộc vào quyết định sống hạnh phúc của họ."
- Abraham Lincoln
Những quan điểm sai lầm
Bắt chước và áp lực đồng đẳng
Một trong những năng lực thiên phú của bộ não là khả năng bắt chước. Khả năng phi thường này, với phạm vi ứng dụng gần như vô tận, chính là một trong những cách thức học hỏi hiệu quả nhất. Trên thực tế, bắt chước là một nguyên lý tự nhiên – là cách để những sinh vật non trẻ tồn tại. Việc hiểu biết nhu cầu cấp thiết này có thể giúp ta lý giải được nhiều kiểu thái độ và hành vi của con người.
Những bạn trẻ đam mê thể thao thường say sưa bắt chước theo thần tượng của họ; còn những vận động viên vĩ đại thì bảo rằng họ được truyền cảm hứng từ những nhà vô địch trước đó và mong muốn được nối gót thành công. Vì sao? Những vị anh hùng này có điều gì thu hút đến thế?
Sau đây là danh sách những điều mà các bạn trẻ (không hẳn chỉ mỗi người trẻ thôi!) thường mong muốn đạt được giống như thần tượng của mình:
• Sinh lực
• Tài sản
• Danh tiếng
• Quyền lực
• Sức hấp dẫn về mặt giới tính
• Được đi khắp thế giới
• "Chiến tích"
• Sự tự chủ
• Tự do, được dành cho một số đặc quyền
• Năng lực lãnh đạo
Tầm quan trọng của việc xây dựng hình mẫu tuyệt vời được minh họa cụ thể qua nghiên cứu sau.
Những người bắt chước ngồi ở ghế sau
Nếu bạn là người lái xe cẩn trọng thì con bạn cũng sẽ trở thành người lái xe cẩn trọng. Còn nếu bạn là "mối đe dọa" đằng sau tay lái thì con bạn rồi cũng sẽ trở thành mối đe dọa y như thế.
Ở Bắc Carolina, Susan Ferguson, làm việc cho Cơ quan Bảo hiểm An toàn Xa lộ (Insurance Institute for Highway Safety), cùng đồng nghiệp của cô đã kiểm tra hồ sơ tai nạn của 140.000 gia đình. Sau đó, họ so sánh hồ sơ của cha mẹ và con cái (độ tuổi từ 18 đến 21) trong nhà.
Họ phát hiện ra rằng người con nào có cha mẹ gây tai nạn ít nhất 3 lần trong 5 năm qua thì sẽ có tỷ lệ gây tai nạn cao hơn 22% so với những người con mà cha mẹ không gây tai nạn giao thông trong cùng khoảng thời gian.
Khám phá này còn tiết lộ kiểu "hành vi bắt chước" khác, như là: chạy quá tốc độ, hoặc vượt đèn đỏ. Xác suất vi phạm luật giao thông của người con sẽ tăng 38% nếu như cha mẹ từng phạm luật ít nhất 3 lần.
Căn cứ vào những khám phá này, Jane Eason, phát ngôn viên của Ủy ban Phòng chống Tai nạn của Hoàng gia Anh, khẳng định: "Nếu cha mẹ là những tấm gương xấu thì đương nhiên con cái cũng trở nên như thế!".
Con người thường có xu hướng sao chép những hành vi tốt nhất, vì thế chúng ta càng gương mẫu chừng nào thì người khác càng noi theo gương chúng ta nhiều chừng ấy. Dĩ nhiên nguyên lý bắt chước của não bộ cũng có những mặt hạn chế – rập khuôn theo hành vi, thái độ và niềm tin chỉ để mình không bị "lạc loài". Sức mạnh do áp lực đồng đẳng được minh họa rõ nét qua nghiên cứu sau.
Một thí nghiệm đáng kinh ngạc
Tôi được mời hỗ trợ trong một thí nghiệm về hành vi con người, để thấy rõ sức ảnh hưởng tuyệt vời và lạ kỳ của mỗi cá nhân đối với người khác. Ban đầu, thí nghiệm này do một nhà nghiên cứu có bề dày kinh nghiệm về các mối tương tác xã hội đưa ra. Thí nghiệm được tiến hành như sau:
Trong một căn phòng nhỏ khá trống trải, chỉ có mỗi chiếc bàn với một cái ghế đặt phía sau. Cách bàn chừng 3 mét là một dãy ba chiếc ghế xếp đối diện. Căn phòng được bố trí trông giống như một rạp hát thu nhỏ. Ngoài ra, trong phòng không có gì khác nữa. Có năm người tham gia cuộc thí nghiệm: hai "nhà tâm lý học" mặc áo choàng trắng và ba người quan sát.
Một "nhà tâm lý học" đứng lên giới thiệu "bài kiểm tra thị giác" cho người quan sát, trong khi "nhà tâm lý học" còn lại ghi nhận kết quả và mô tả lại thí nghiệm – tôi được giao cho vai trò này. Sau đây là những gì tôi phải nói với ba sinh viên trong vai người quan sát:
"Các em sẽ được xem một vài tấm thẻ. Trên mỗi thẻ sẽ có ba thanh dọc màu đen. Mỗi thanh sẽ được ghi tên A, B hoặc C ở trên đầu. Nhiệm vụ của các em là đọc tên các thanh dọc theo thứ tự từ cao xuống thấp. Thứ tự các thẻ sẽ được thay đổi trong suốt thời gian thí nghiệm. Người ở bên trái (người thứ nhất) sẽ thực hiện trước, rồi đến người ở giữa (người thứ hai), sau cùng là người bên phải (người thứ ba).".
Tuy nhiên, có một điều lắt léo ở đây! Người quan sát thứ ba không biết hai người quan sát kia đã được "cài" trước. Các tấm thẻ đã được sắp xếp trước và hai người quan sát "giả vờ" này cũng đã tập luyện trước để đưa ra những câu trả lời sai có chủ đích trong khi vẫn "diễn" tròn phần vai… nặn óc tư duy. Với hai thẻ đầu tiên, người thứ nhất và thứ hai đưa ra câu trả lời chính xác. Đến thẻ thứ ba, người thứ nhất giả vờ vò đầu bứt tóc và sau cùng thì trả lời thanh dọc cao vừa là thanh cao nhất, còn thanh cao nhất là thanh vừa và gọi đúng tên thanh thấp nhất. Người thứ hai cũng ậm ừ, đánh đưa trên ghế và tỏ vẻ thiếu quyết đoán, song rốt cục vẫn quyết định "Ừ, tôi đồng ý..." và nêu đáp án giống như người thứ nhất.
Bạn nghĩ trạng thái tinh thần của người quan sát thứ ba tội nghiệp kia, cũng như cách anh ta phản ứng trong tình huống này, sẽ như thế nào?
Cách làm tương tự tiếp tục diễn ra đến thẻ thứ 17. Người thứ nhất càng lúc càng đưa ra nhiều đáp án sai, còn người thứ hai thì luôn tỏ vẻ đắn đo trước khi trả lời giống với ý của người thứ nhất. Người thứ nhất thỉnh thoảng mới chịu đưa ra câu trả lời đúng. Người thứ hai – người phụ họa – cũng luôn phản hồi với niềm tin chắc chắn và tốc độ y như vậy.
Chúng tôi tiến hành thí nghiệm này với 20 người khác nhau trong vai người quan sát thứ ba và thận trọng ghi nhận mọi phản ứng của họ. Bạn đoán xem họ sẽ hành động thế nào? Bạn có nghĩ họ đều không đồng ý với người thứ nhất và thứ hai không? Bao nhiêu người sẽ đồng tình hoặc không đồng tình?
Kết quả thật đáng kinh ngạc! Lần đầu tiên trong đời, tôi thật sự tận mắt chứng kiến sức ảnh hưởng mang tính xã hội của con người chúng ta. 60%, tức 12/20 người trong vai người quan sát thứ ba đồng tình với những đáp án sai của hai người "đầu têu" kia. Nhưng trong những cuộc thí nghiệm độc lập, họ lại trả lời chính xác 100%.
Tiếp xúc và hỏi những người trong vai người quan sát thứ ba về sự thiếu nhất quán này, họ cho biết họ thật sự nhận ra câu trả lời chính xác nhưng đáp án của người thứ nhất và thứ hai khiến họ bị dao động, cảm thấy có vẻ như nhìn nhận của mình là sai và quyết định "đi theo đám đông". Điều này càng cho thấy sức mạnh của sự tương tác xã hội mạnh mẽ đến nỗi có thể hoàn toàn thay đổi hoặc bóp méo nhận thức của chúng ta.
Những người này lấn cấn trong việc giữ vững lập trường đúng đắn của mình trước sức thuyết phục của "đám đông" và mang cảm xúc khổ sở hoặc bực dọc. Trong số người tham gia thí nghiệm, có một người càng lúc càng thể hiện rõ thái độ khinh khỉnh đối với hai người "đầu trò"; và trong lần thử nghiệm sau đó, thậm chí anh ta còn cẩn thận lấy cây lược của mình ra để đo độ dài những thanh dọc, giống như cách đo tỉ lệ của người họa sĩ.
Trong một trường hợp khác, khi người thứ nhất bảo thanh ngắn nhất là thanh dài nhất và thanh dài nhất là thanh ngắn nhất, người quan sát thứ ba đã quát lên với vẻ tức tối: "Anh bị sao vậy, đồ ngốc! Anh không biết NHÌN à?".
Được tiến hành hàng nghìn lần sau đó với những kết quả tương tự thu được, thí nghiệm này cho thấy những tương tác xã hội dù là cơ bản nhất cũng có khả năng tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ trong chúng ta, khiến ta hoài nghi sự thật và thay đổi cách ta nhìn nhận mọi việc.
Sự rập khuôn
Một hiện tượng khởi nguồn từ khát khao bản năng của con người trong việc thích nghi với hoàn cảnh đó chính là khái quát hóa hoặc rập khuôn theo người khác, thể hiện qua những quan điểm như: con gái thì không giỏi khoa học, con trai vốn hung hăng, người châu Á luôn lao động chăm chỉ; người già thường hay ca cẩm; dân Địa Trung Hải lúc nào cũng lười biếng v.v.
Những khuôn mẫu và định kiến như thế xuất hiện một cách tự nhiên trong quá trình trưởng thành của ta. Chúng ta thường cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm khi xung quanh là những người giống ta về bộ dạng, thái độ và quan điểm sống; và lo sợ trước những điều lạ lẫm mà mình chưa biết. Tuy nhiên, quá trình sao chép rập khuôn này đã vi phạm một quy tắc cơ bản của Trí tuệ Xã hội đó là xem mọi người như là những cá thể độc đáo, đáng trân trọng.
Né tránh! Chống trả! Thấu hiểu!
Tình trạng rập khuôn sinh ra từ sự kém hiểu biết. Phản ứng đầu tiên của con người trước những điều ngoài tầm hiểu biết thường là bối rối, lo sợ; sau đó, quá trình này sẽ kích hoạt kiểu phản ứng bản năng – né tránh (flight) hoặc chống trả (fight). Điều mà bộ não của ta thực sự đang làm chính là mang đến cho ta cảm nhận đầu tiên về con người mới. Tùy thuộc vào những liên tưởng mình có về kiểu người ấy, ta sẽ quyết định phản ứng theo cách né tránh hoặc chống trả.
Kiểu phản ứng này luôn diễn ra khi có bất cứ điều "lạ" nào bước vào môi trường hiện tại của ta, như: những người thuộc sắc tộc khác, những người phụ nữ hay lui tới chốn "vui chơi" vốn chỉ dành cho đàn ông…
Sai lầm chúng ta thường phạm phải là thêm thắt thái độ, giả định thiếu chính xác vào những quan sát thực tế, và kết quả là ngay lập tức khiến ta tỏ ra hung hăng hoặc sợ hãi.
Giờ đây, Trí tuệ Xã hội của bạn đã nâng cao và bạn có thể chuyển sang bước cao hơn: Thấu hiểu!
Lần tới, khi có ai đó không quen biết kích hoạt phản ứng Né tránh hoặc Chống trả trong bạn, hãy vận dụng Trí tuệ Xã hội và cách phản ứng Thấu hiểu siêu việt – nghĩa là khoan hãy vội hành động, cứ để đôi mắt và bộ não thu thập nhiều thông tin đến mức có thể về đối tượng đó. Nói cách khác, hãy làm lắng dịu cảm xúc hung hăng hoặc sợ hãi ban đầu của bạn, xem xét đối tượng đang đứng trước mặt với đầu óc cởi mở, đầy chất Trí tuệ Xã hội.
Điều này sẽ mang đến cho bạn sự hiểu biết sáng suốt, giúp bạn tìm ra cách phản ứng phù hợp hơn, và nhanh chóng cải thiện khả năng tương giao của bạn.
Sự rập khuôn ẩn nấp trong tâm trí ta và giở trò phá bĩnh chẳng khác nào những con quái vật! Chỉ cần một điều gì đó đơn giản, như tên gọi của một người, cũng vô tình "tô màu" nhận thức của ta về họ.
Luke Birmingham, chuyên gia tâm thần học - pháp y thuộc Đại học Southamton, đã chứng minh cái tên của bạn có khả năng ảnh hưởng đến cách người khác đánh giá về bạn, qua thử nghiệm sau:
Birmingham nhờ 464 chuyên gia tâm thần học đưa ra chẩn đoán về trường hợp của một thanh niên 24 tuổi đã tấn công người điều khiển đoàn tàu.
Khi được yêu cầu đánh giá về "Matthew", hơn ¾ số chuyên gia lắng nghe anh với sự cảm thông. Họ cho rằng chàng trai này cần được chăm sóc y tế và có lẽ anh ta đang bị tâm thần phân liệt.
Tuy nhiên, khi đổi tên người thanh niên nói trên thành "Wayne", các chuyên gia tâm thần học lại đưa ra những đánh giá cay nghiệt hơn:"Wayne" là kẻ thường giả vờ ốm để trốn việc, là kẻ lạm dụng ma túy và bị rối loạn nhân cách "nặng" – gấp đôi so với người tên "Matthew"!
Đáng báo động hơn, những nghiên cứu sau cho thấy những kiểu nhận thức rập khuôn đầy tiêu cực ở phạm vi xã hội có khả năng ảnh hưởng đến cách chúng ta đánh giá bản thân.
Tình huống nghiên cứu – Nhận thức quyết định tất cả!
Paul Davis, từ Đại học Waterloo ở Ontario, đã tiến hành nghiên cứu tác động của một chương trình quảng cáo được phát đi phát lại nhiều lần đến đối tượng sinh viên nữ đang theo học Toán tại trường. Ông chọn họ vì tất cả họ đều mô tả bản thân mình là người giỏi toán, một kỹ năng mà họ cho là rất quan trọng.
Bất ngờ thay, Davis phát hiện thấy sau khi xem hai đoạn quảng cáo có nội dung xoay quanh chủ đề giới tính, với ẩn ý nhắc đến khả năng trí não của phụ nữ, họ lập tức không còn khả năng giải những bài toán khó nữa!
Ở phần hai của thí nghiệm, Davis chiếu những đoạn quảng cáo này cho những nữ sinh trung học trước khi họ quyết định chọn ngành học ở trường Đại học. Sau khi xem xong, họ thay đổi hẳn quyết định chọn chuyên ngành của mình, tất nhiên là họ đã không chọn học toán và các môn khoa học.
Những mẫu quảng cáo này cũng khiến những nữ sinh trẻ, giàu nhiệt huyết từ chối vai trò lãnh đạo, dẫn dắt.
Khi bạn "vùi dập" một người nào đó theo cách này, bạn không chỉ hạn chế quyền tự do lựa chọn của họ, mà bạn còn chuyển cuộc đời và tương lai họ sang hướng tiêu cực. Đây không phải là cách nên làm để nâng cao Trí tuệ Xã hội cho bạn và cho những người khác.
Ngoài những tác động tiêu cực về mặt xã hội, những phát ngôn tiêu cực cũng tác động xấu đối với hệ miễn dịch của người kia, làm suy yếu sức đề kháng trước những căn bệnh phát sinh do căng thẳng và nhiều chứng bệnh khác.
Trong một thí nghiệm khác, trong vòng 10 phút, một nhóm cụ già được chiếu cho xem những từ liên quan đến tuổi tác, có khả năng kích hoạt kiểu nhận thức rập khuôn trong họ. Một nhóm được chiếu cho xem những từ tích cực (như: dày dạn kinh nghiệm…) và nhóm còn lại phải xem những từ tiêu cực (như: lão suy, đãng trí, bệnh tật…). Sau đó họ được yêu cầu giải một số bài toán.
Nhóm phải xem những từ tiêu cực cảm thấy căng thẳng khi giải các bài toán. Nhịp tim, huyết áp và thân nhiệt của họ tăng đáng kể, duy trì ở mức cao bất thường suốt hơn 30 phút. Trong khi đó, nhóm được "nâng đỡ" bằng những từ ngữ tích cực thì hoàn thành các bài tính một cách dễ dàng mà không hề có biểu hiện căng thẳng nào.
John Bargh, nhà tâm lý học xã hội thuộc Đại học Bang New York, đã thực hiện nghiên cứu để tìm hiểu xem những nhận thức rập khuôn tiêu cực về tuổi tác có ảnh hưởng thế nào đến sinh viên đại học. Ông yêu cầu một nhóm sinh viên sắp xếp lại những từ bị đảo trật tự; đây là những từ trung tính, không liên quan đến tuổi tác (chẳng hạn như: khát nước, sạch sẽ, riêng tư…). Nhóm thứ hai cũng thực hiện nhiệm vụ tương tự, trừ việc các từ có liên quan đến tuổi tác và mang nghĩa tiêu cực (như là: lo lắng, già, đơn độc, tóc bạc, ủy mị, cố chấp, đãng trí, nếp nhăn, chua cay, bảo thủ…).
Kết quả thế nào? Khả năng ghi nhớ của nhóm sinh viên thứ hai kém hẳn so với nhóm sinh viên thứ nhất. Ngoài ra, một phát hiện có lẽ có ý nghĩa hơn hết đó là: nhóm sinh viên thứ hai "bỗng dưng trông già hơn". Nhóm nghiên cứu kín đáo ghi hình lại hành vi của họ khi họ rời khỏi phòng. Dù đang ở độ tuổi thanh xuân – thời kỳ sung sức nhất, khỏe mạnh nhất – nhưng hành động và biểu hiện bên ngoài của họ trông giống y những mô tả tiêu cực về tuổi tác trong thí nghiệm.
Những quan điểm tích cực
Từ những thí nghiệm của mình, John Bargh kết luận rằng những hình ảnh được lưu giữ trong trí não có một sức mạnh phi thường, điều khiển cả hành vi của ta. Nhưng không nhất thiết cứ phải là hình ảnh tiêu cực, những hình ảnh tích cực cũng mạnh mẽ không kém, như trong câu chuyện sau:
Brad Humphrey và những đứa trẻ bị xem là đáng… bỏ đi!
Brad Humphrey là một giáo viên và cũng là nhân viên xã hội ở San Diego. Anh dành hết tâm huyết của mình dạy học cho những đứa trẻ tuổi thiếu niên sống tại khu ổ chuột, những đối tượng mà xã hội gần như đã từ bỏ. Đó là những đứa trẻ đường phố, những tay buôn bán ma túy từng được điều trị tâm thần hoặc phải ngồi tù. Tuổi thọ trung bình của đối tượng này chỉ là 20.
Mục tiêu của Brad là chuyển đổi thái độ vô cùng tiêu cực về bản thân của những đối tượng này và qua đó thay đổi hoàn toàn hình ảnh bản thân của họ. Anh thực hiện điều này bằng cách hỗ trợ huấn luyện về tư duy và thể chất. Ban đầu, anh kiểm tra khả năng ghi nhớ của các em và nhận thấy là rất kém. Nhưng rồi anh quyết định tập trung vào thành viên kém nhất của lớp, để cô bé tham gia vào một hoạt động riêng trong khi yêu cầu những em khác chạy bộ trong nửa giờ.
Trong lúc đó, anh cấp tốc tập cho cô bé một số kỹ thuật ghi nhớ, dạy cách ghi nhớ dễ dàng danh sách 20 đồ vật. Khi những em khác quay lại, anh thách đố các em nêu danh sách 20 món đồ bất kỳ để cô bé ghi nhớ. Các em đồng ý làm theo, nhưng đồng thời cũng tỏ ra giễu cợt bởi biết rằng khả năng ghi nhớ của cô rất kém và cô sẽ làm mọi thứ rối tung lên. Thử tưởng tượng những đứa trẻ đó đã ngạc nhiên đến mức nào khi cô bé nêu thứ tự 20 món đồ một cách chính xác – cả khi đọc xuôi lẫn đọc ngược.
Thử nghiệm này đã làm thay đổi thái độ của những người khác về cô bé, và quan trọng hơn hết là cô bé cũng thay đổi thái độ của cô về bản thân.
Trong suốt hai năm, Brad đã dạy cho nhóm trẻ này những kỹ thuật phát triển tư duy và thể chất. Cuối giai đoạn hai năm đó, những đứa trẻ từng bị xem là đáng bỏ đi, tự hủy hoại bản thân đã chuyển hóa thành những cô cậu thanh niên tự tin, khỏe mạnh và mong muốn giúp chuyển hóa thái độ tiêu cực, tuyệt vọng và "bất cần đời" ở những đứa trẻ khác.
Sự kiện quan trọng nhất trong giai đoạn hai năm ấy là việc Brad giới thiệu những đứa trẻ này trước hơn 500 khán giả, bao gồm những nhà giáo dục kỳ cựu, giáo sư đại học, các giáo viên và tác giả hàng đầu tại một hội nghị giáo dục tổ chức ở Bellingham, Washington. Cả 17 cô cậu thiếu niên khỏe mạnh và tự tin ấy đã chinh phục đám đông khán giả ở mọi thử thách về tinh thần, như các trò chơi về ghi nhớ, tư duy sáng tạo, v.v.
Nhóm thiếu niên đã chinh phục hoàn toàn các nhà giáo dục!
Việc làm của Brad Humphrey đã khẳng định rằng khi vượt lên những ngờ vực, với sự quan tâm và tình thương đúng mực, người ta hoàn toàn có thể thay đổi thái độ của người khác. Và khi thái độ thay đổi, cuộc đời cũng sẽ thay đổi.
Lòng tự tin
Brad thành công vì anh tin vào lũ trẻ, đồng thời tin rằng anh có thể đánh thức lòng tự tôn và sự tự tin ở chúng. Tự tin là chìa khóa quan trọng để mở ra thành công và phát triển Trí tuệ Xã hội. Khi ta tin tưởng vào bản thân, vào sức mạnh và khả năng của mình, ta sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu và "là chính mình" trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Điều này sẽ khiến người khác cũng thoải mái với sự hiện diện của ta.
Đây có lẽ là nguyên tắc quan trọng nhất mà chúng ta có thể truyền đạt cho con cái của mình. Một đứa trẻ tự tin, vững vàng trong nhận thức về giá trị bản thân sẽ không cần phải "chứng tỏ" bất kỳ điều gì trước bạn bè cùng trang lứa.
Những đứa trẻ tự tin (giống như những học trò của Brad) sẽ có lòng tự trọng, có động lực và quyết tâm đạt được mục đích sống. Chúng sẽ có tầm nhìn tươi sáng về cuộc đời mình.
Trong khi đó những đứa trẻ luôn cảm thấy bất an, thiếu tự tin thường cố gắng bắt nạt những trẻ khác để chứng tỏ bản thân "to lớn" và "quan trọng" trong mắt của chính mình cũng như trong mắt "băng nhóm" của chúng.
Tương tự như thế, những người trưởng thành thiếu tự tin và bất an luôn cố chứng tỏ giá trị bản thân bằng cách lấn át bạn đồng nghiệp hoặc trở thành một người sếp vô lý, độc tài. Song, những kiểu hành vi như thế chỉ càng hủy hoại thêm nhận thức về giá trị bản thân và lòng tự tôn của họ.
Đó là nguyên do vì sao việc rèn luyện những kỹ năng xây dựng lòng tự tin theo hướng tích cực – những kỹ năng nâng cao Trí tuệ Xã hội – lại có ý nghĩa quan trọng đến thế.
Suy nghĩ tiêu cực sẽ tạo ra thái độ tiêu cực, và suy nghĩ tích cực sẽ hình thành thái độ tích cực. Càng lặp lại một kiểu mẫu suy nghĩ nào đó, thái độ sẽ càng được củng cố vững chắc.
Những nghiên cứu về tế bào thần kinh cho thấy khi ta có một ý nghĩ dù là tích cực hay tiêu cực, thì đều có khả năng lặp lại ý nghĩ ấy. Nếu ta muốn hạnh phúc, thành công và tự tin hơn, ta cần nuôi dưỡng những ý nghĩ tích cực về người khác. Việc này cũng làm cho họ cảm thấy tích cực về ta và mối quan hệ xã hội vui vẻ, tốt đẹp sẽ bắt đầu.
"Chẳng có điều gì tốt hay xấu; tốt xấu chỉ là do cách nghĩ của ta."
- William Shakespeare
Tới đây, bạn đã hiểu thái độ về giới tính, tuổi tác, sắc tộc và về bất kỳ đặc tính nào khác của con người có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến bản thân ra sao. Giờ là lúc luyện tập để nêu bật những yếu tố tích cực. Việc này sẽ mang lại lợi ích cho bản thân, cho người khác và đặc biệt là cho Trí tuệ Xã hội của bạn.
Rèn luyện Trí tuệ Xã hội
1. Nhìn lại những định kiến
Hãy nhìn lại những định kiến của bản thân. Lập một Bản đồ Tư duy nhỏ về những suy nghĩ trước nay của bạn đối với những nét đặc trưng chính yếu của các nhóm đối tượng sau:
• Đàn ông
• Phụ nữ
• Trẻ nhỏ
• Người già
• Giới học thuật
• Vận động viên thể thao
• Nghệ sĩ
• Những nhóm sắc tộc khác
Kiểm tra phản ứng của bạn để nhận ra xem có kiểu nhận thức rập khuôn mang tính tiêu cực nào không, và tìm hiểu nguyên do vì sao những ý nghĩ tiêu cực này xuất hiện. So sánh chúng với những ý nghĩ tích cực bạn từng có và xem có mô thức chung nào giữa chúng không.
Ví dụ, nếu bạn hiểu rõ về một nhóm đối tượng nào đó (như cầu thủ bóng đá chẳng hạn), bạn sẽ ít có ý nghĩ tiêu cực về nhóm này hơn so với những nhóm đối tượng mà bạn ít giao du, tiếp xúc. Hãy xem việc khám phá này là một "trò" tiêu khiển giúp bạn thư giãn, tinh thần thêm phấn chấn và mở ra nhiều hiểu biết sáng suốt.
Suy nghĩ thêm về những điều này. Nếu thấy cần, hãy rộng mở tâm trí cho những trải nghiệm mới. Việc này sẽ giúp củng cố sức mạnh của Trí tuệ Xã hội và mở rộng tầm ảnh hưởng xã hội của bạn.
2. Quan sát cách giao tiếp của bạn
Khi ở bên gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, hãy để ý đến cách bạn ủng hộ hay chỉ trích họ – cả chủ ý lẫn vô tình.
Giờ bạn đã hiểu những kỳ vọng/lời chỉ trích đầy tiêu cực có thể khiến người thân của bạn rơi vào tình trạng tệ hại hơn, trong khi những lời lẽ tích cực có thể giúp họ đạt được thành công. Vì thế hãy điều chỉnh cách giao tiếp của bạn theo hướng tích cực và mang tính khích lệ hơn.
3. Quan sát quá trình tự trò chuyện với bản thân
Hãy áp dụng cách thức tương tự như trên cho những cuộc độc thoại nội tâm. Hãy tán thưởng bản thân, khuyến khích bản thân nỗ lực và ăn mừng những thành quả đạt được – nhất là những thành quả nhỏ, thầm lặng mà người khác không thấy được.
Lời khẳng định giúp củng cố Trí tuệ Xã hội
• Tôi đang chuyển từ kiểu phản ứng Né tránh! Chống trả! sang kiểu phản ứng Thấu hiểu!.
• Tôi cảm mến tất cả mọi người dù họ xuất thân từ đâu, thuộc sắc tộc nào và có phong tục tập quán khác biệt ra sao.
• Lòng tự tin trong tôi gia tăng từng ngày.
• Thái độ của tôi đang dần tích cực hơn.