Thành công là kết quả của một chuỗi thực hành liên tục không bao giờ ngừng nghỉ. Bạn phải làm việc siêng năng để nuôi dưỡng nó, bằng không nó sẽ mọc cánh và bay đi mất. Đừng bao giờ ngủ quên trên chiến thắng, đừng bao giờ dừng lại dù chỉ trong giây lát để tự thán phục mình, vì nhiều người luôn muốn “lật đổ” thành tích của bạn và họ đang chờ bạn bộc lộ một điểm yếu để tấn công tức thì.
Bất chấp những bước đi vĩ đại trong lịch sử, nước Mỹ vẫn còn rất nhiều nguồn lực chưa được khai thác. Máy vi tính, công nghệ sinh học, vi phẫu, cấy ghép nội tạng, kỹ thuật số, phẫu thuật bằng tia laser, chương trình tàu con thoi công nghệ cao được mở ra cho đến nay vẫn còn là những lĩnh vực chưa được khai phá. Nhưng tôi vững tin rằng trong 50 năm tới, ai trong chúng ta còn sống đến cuối thế kỷ 20 này chắc chắn sẽ được chứng kiến những thành tựu vang dội từ các lĩnh vực nói trên, như những gì mà Cuộc Cách mạng Công nghiệp đã mang lại cho chúng ta lúc này (14) .
Ngay cuối năm 1948, các nhà khoa học thực nghiệm đang làm việc cật lực để biến các ý tưởng nhiều năm trước đó bị cho là “điên rồ” thành hiện thực – trong số đó có việc chế tạo ra các loại vải sợi không thấm nước và có khả năng chống cháy, máy móc chạy bằng năng lượng mặt trời, thậm chí cả các thiết bị có thể ghi nhận nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng ta trên một biểu đồ. Tất cả các “phép màu” này giờ đây đã trở nên quá đỗi bình thường trong cuộc sống. Có lẽ trong không dưới 50 năm tới, những bộ óc vĩ đại của con người sẽ tìm ra những phương cách mới để truyền ý nghĩ từ xa bất kể khoảng cách như thế nào. Biết đâu đấy!
Con người có thể vật chất hóa tất cả những gì họ có thể nghĩ ra được. Hàng triệu thứ chúng ta đang sử dụng hàng ngày là minh chứng cho điều đó. Khi con người hiểu rõ nguồn sức mạnh to lớn trong tâm trí mình và tha thiết đưa nó vào hoạt động, chúng ta không những nắm quyền thống trị trái đất này và tất cả những gì trên đó, mà còn vươn đến kiểm soát cả các hành tinh xung quanh chúng ta. Có thể bạn mới có một tia lửa nhỏ trong đầu, nhưng bạn cần làm cho nó bùng lên thành ngọn lửa lớn, bằng cách nào? Bằng cách cung cấp nhiên liệu cho nó: ý tưởng, ý tưởng, ý tưởng và hành động.
Một người thành đạt hơn 70 tuổi nói với tôi rằng hầu hết thất bại của những người “kém may mắn” là nằm ở chỗ họ không bao giờ có một kế hoạch cụ thể cho cuộc đời họ. “Tôi lập một kế hoạch cho nhiều năm. Tôi luôn có một điều gì đó mới mẻ cho chính mình ít nhất mỗi tuần một lần. Đó có thể là làm một vật dụng mới cho vợ tôi sử dụng trong nhà bếp, lập một kế hoạch bán hàng mới hay đọc một cuốn sách hay. Sau khi đã có kế hoạch, không những chỉ bắt tinh thần và thể xác mình hoạt động, tôi còn huy động toàn bộ khả năng tưởng tượng của mình tham gia làm việc, bằng không nó sẽ ngủ quên và lụi tàn. Đối với tôi, ý nghĩ người 65 tuổi nên nghỉ hưu là một sai lầm lớn. Bởi vì, một khi bạn cho rằng mình đã “hết thời” và cần được nghỉ ngơi thì con đường dẫn tới nấm mồ của bạn sẽ rất gần! Bạn đã thấy chuyện gì xảy ra khi bạn để không chiếc xe của bạn mà chẳng ngó ngàng gì tới nó rồi đấy; nó sẽ hoen gỉ nhanh chóng và vào nghĩa địa phế thải trong một thời gian ngắn. Con người cũng vậy, một khi ngừng hoạt động, chúng ta sẽ héo mòn và lụi tàn ngay”.
Kế hoạch mỗi tuần làm một điều mới mẻ cho chúng ta thấy giá trị của những sáng kiến cá nhân đối với thành công. Không có chúng, chúng ta sẽ thất bại ngay khi mới bắt đầu. Nhiều người suốt đời an phận ở những vị trí nhỏ bé, hèn mọn là vì họ không bao giờ đưa ra một sáng kiến nào trong công việc của họ, họ không bao giờ thử tìm ra những cách hoàn thành công việc hay hơn, hiệu quả hơn, cũng chẳng bao giờ dám đề nghị một sự cải tiến nào.
Nhiều nhà máy cho đặt những thùng thư tiếp nhận sáng kiến và họ khen thưởng cho những ý tưởng khả thi, thực tế nhất. Thường thì những sáng kiến như thế mang lại những kết quả rất tuyệt vời. Hãy luôn nhớ rằng bất kể một công việc nào đó kéo dài trong bao lâu, luôn luôn có một cách tốt hơn để hoàn thành nó.
Nếu bạn chỉ là một thư ký ngồi sau quầy thu tiền trong một cửa hàng, bạn cần có vài sáng kiến như làm thế nào để trưng bày hàng hóa bắt mắt hơn, làm thế nào để khách hàng của bạn được phục vụ tốt hơn. Những ý tưởng mới về cách bố cục màu sắc, ánh sáng, trật tự bày các món hàng luôn luôn được các nhà quản lý đánh giá cao, và thường được tưởng thưởng xứng đáng.
Gắn liền với sáng kiến là sự yêu thích và chú ý. Bạn càng yêu thích công việc của mình, một cách tự nhiên bạn sẽ tập trung sự chú ý vào nó nhiều hơn và kết quả là bạn đạt được những thành tích lớn hơn. Chúng ta thường làm tốt nhất những gì mình yêu thích nhất, vậy nên, đứng trước một nhiệm vụ hay một công việc không tạo được sự quan tâm của bạn, hãy mạnh dạn đề nghị đổi cho bạn việc khác, hoặc bạn đi tìm một công việc khác. Bởi vì, sự quan tâm hay niềm đam mê công việc chính là động lực giúp bạn đi đến thành công nhanh nhất.
Tôi biết một phụ nữ làm trợ lý của một giám đốc cửa hàng bách hóa lớn. Dù tiền lương của cô ấy luôn nằm dưới mức trần thời kỳ chiến tranh nhưng cô ấy luôn nhận được khoản tiền thưởng cuối năm cao nhất trong công ty. Lý do là cô ấy luôn đóng góp những ý tưởng và sáng kiến hiệu quả nhất mỗi khi vị chủ tịch công ty cần đến.
Nhiều người làm công ăn lương thường cho rằng công việc của họ chỉ là làm giàu cho các ông chủ mà thôi. Họ không nghĩ rằng họ đang làm việc vì chính mình và các ông chủ chỉ trao cho họ phương tiện và một nơi để làm việc. Có một câu ngạn ngữ cổ nói rằng trừ phi một người biết cách làm theo lệnh, anh ta mới có thể ra lệnh cho người khác. Câu này đúng đến đâu bạn hãy tự chiêm nghiệm, nhưng một số người làm công nhỏ bé nhận ra rằng họ có quyền ngồi vào bàn họp hội đồng quản trị một ngày nào đó.
Thói thường, bạn nghĩ về người khác thế nào thì bạn đinh ninh rằng họ là thế ấy. Cho nên, đôi khi bạn bè hay kẻ thù của bạn là do chính bạn tạo ra. Họ chỉ là sự phản chiếu của ý nghĩ của chúng ta.
Lần nọ, trong khi tôi đang viết quyển sách này thì ý nghĩ này xuất hiện trong tôi. Số là ống xả của cái bồn giặt nhà tôi bị nghẹt, vì thế tôi phải gọi một người thợ ống nước cách nhà tôi một vài khu phố. Ông ta là một người không thân thiện và thô lỗ ngay cả với khách hàng của mình.
Tôi gọi cho ông ta nhiều lần nhưng lần nào ông ấy cũng bảo rằng mình đang bận. Lần cuối cùng tôi gọi ông ta, ông ta nói rằng tôi phải chờ đến lượt – vì ông ta phải đi lắp các máy nước nóng trong mấy tuần mới xong. Tôi hỏi ông ta có thể giới thiệu cho tôi một thợ sửa ống nước khác hay không, ông ta hoàn toàn không muốn hợp tác chút nào. Một cách tự nhiên, cách cư xử không thân thiện của ông ta làm tôi có ấn tượng xấu về các tay thợ ống nước nói chung, và bỗng dưng tôi thấy mình đang nguyền rủa họ.
Tuy nhiên, sau đó ít lâu tôi phải đi sửa máy nước nóng và nhanh chóng nhận ra rằng thái độ tức giận của tôi chỉ gây khó khăn cho tôi trong việc tìm kiếm dịch vụ sửa chữa từ bất kỳ thợ ống nước nào. Thế là tôi thay đổi cách nghĩ, tôi tự nhủ: “Tất cả các thợ ống nước đều tốt, chỉ có tay thợ mình vừa gọi là cáu kỉnh và khó ưa thôi. Hãy quên ông ta đi!”.
Sau đó tôi gọi cho một người bạn là quản lý của một cửa hàng chuyên bán vật dụng ngành nước. Anh ấy giới thiệu cho tôi một người tên Jones. Khi tôi gọi, Jones bảo mình đang bận nhưng nếu tôi cần gấp thì anh sẽ thu xếp đến ngay. Lần ấy, Jones đến nhà tôi sau 15 phút và hoàn thành công việc đâu vào đấy trong chưa đầy hai giờ. Tôi thật lòng khen ngợi Jones và một cách tự nhiên Jones rất vui vì lời khen của tôi. Những lần sau đó, lần nào Jones cũng đến một cách nhanh chóng, hoặc cử ngay thợ đến giúp tôi trong nháy mắt.
Vậy đấy, nếu bạn nghĩ và tin một người nào đó là tốt bụng, thế nào anh ta cũng trở thành người tốt bụng – vì bạn nghĩ thế nào thì đối tượng của bạn sẽ là người như thế ấy.
Đừng bao giờ quên sự thật hiển nhiên này. Hãy thực hành nó và bạn sẽ ngạc nhiên vì những kết quả do nó mang lại. Hãy nhìn người tài xế xe buýt, người gác thang máy hay cô thư ký đang ngồi sau quầy bằng ánh mắt chứa đựng sự chân thành và cảm thông, bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về việc mình có tạo ra nhiều kẻ thù xung quanh hay không!
“Nếu bạn muốn người khác làm gì cho mình, trước hết bạn hãy làm điều đó cho người khác”. Người thành công luôn nghĩ rằng nếu họ làm điều tốt cho kẻ khác, ắt sẽ có người khác trả lại điều tốt cho họ. Nghe có vẻ vụ lợi nhưng đó chính là sự có qua có lại trên đời này, bất kể trong hoàn cảnh nào. Hiểu đơn giản là thế này: bạn gieo nhân nào, bạn sẽ gặt quả nấy.
Khi làm một điều gì đó cho người khác, bạn sẽ luôn được trả công xứng đáng dưới hình thức này hay hình thức khác. Khi bạn cố gắng làm vừa lòng ông chủ của bạn, đó không phải là bạn đang liếm gót giày, mà là bạn đang xem ông ấy như một người bạn và bạn muốn làm bạn mình được vui. Bạn thử áp dụng phương pháp này với chú chó của bạn xem. Hãy vỗ về vuốt ve nó và nó sẽ quẫy đuôi rối rít bày tỏ lòng cảm kích đối với bạn. Nó sẽ liếm tay, liếm mặt bạn nếu bạn cho nó cơ hội. Còn nếu bạn mắng mỏ đánh đuổi nó, nó sẽ cụp đuôi chạy mất hoặc đôi khi nó còn quay lại cắn bạn nữa. Con người cũng thế, dù động cơ giúp người của bạn là gì đi nữa, vụ lợi hay bất vụ lợi, tốt hay xấu, thì kết quả bạn nhận được luôn tương xứng với động cơ đó.
Những lời khen tặng chân thành sẽ giúp bạn có thêm nhiều người bạn mới. Cách đây không lâu, trong lúc tôi đang ngồi nói chuyện trong văn phòng của một viên quản lý của một trong những siêu thị lớn nhất nước Mỹ thì một phụ nữ bước vào. Cô ấy bày tỏ lòng biết ơn đối với viên quản lý vì đã khuyên cô ấy đổi chỗ làm đến một thành phố khác. Sau khi cô ấy bước ra, ông ấy nói với tôi: “Anh biết không, điều làm tôi thích làm việc ở đây là có rất nhiều người đến gặp tôi xin lời khuyên. Thú thực công việc này làm tôi phải chạy vắt giò lên cổ, nhưng tôi luôn cố gắng dành thời gian để lắng nghe họ và cho họ những lời khuyên. Điều đó làm tôi vui vì nghĩ rằng mình là người có ích cho họ. Tự nhiên tôi cảm thấy tự hào về chính mình và tôi càng muốn giúp họ nhiều hơn”.
Chuyện này đưa tôi đến một chủ đề khác – đó là, người muốn trở nên giàu có phải chơi với người giàu có. Nếu bạn sống một mình trên hoang đảo thì việc kéo dài sự sống đã là khó, đừng nói bạn muốn tích lũy cả một gia tài! Vì vậy, nếu muốn làm giàu, bạn hãy gần gũi với những người giàu có hoặc những người biết cách làm ra nhiều tiền (tất nhiên là những đồng tiền chân chính). Chẳng hạn, nếu bạn muốn bán quảng cáo, bạn phải tiếp cận với người có quyền quyết định cuối cùng trong việc chi tiền mua mẩu quảng cáo của bạn.
Có một điều nghe có vẻ khó tin, thậm chí kỳ quặc, nhưng lại là một sự thật phổ biến. Nếu bạn biết một người nào đó làm ở một vị trí nhỏ bé, tầm thường trong một công ty lớn, bạn thử hỏi họ xem họ có biết tên của người thủ quỹ hay vị phó chủ tịch cấp cao của công ty hay không. Trừ phi công ty đó có bảng sơ đồ tổ chức nhân sự, đa phần sự ngơ ngác của họ sẽ làm bạn rất đỗi ngạc nhiên. Họ chẳng hề biết ai cả ngoài tên của người đã tuyển dụng họ và người sếp trực tiếp của họ. Lại có những nhân viên khác chẳng biết gì về các khoản khấu trừ hàng tháng của công ty và của chính bản thân họ trong các loại bảo hiểm và an sinh xã hội bắt buộc hàng tháng mà họ phải đóng. Phải chăng các nhà lãnh đạo công ty đã quên dạy dỗ nhân viên mình những điều này?
“Con người thừa kế sự khôn ngoan nằm bên trong những cuốn sách vĩ đại”. Một nhà hiền triết từng nói như thế. Nhưng lạ thay, có rất nhiều người suốt đời không hề đọc một cuốn sách nào! Ngay cả nhiều nhà doanh nghiệp cũng chỉ đọc một vài tờ báo chuyên ngành. Còn các nhà nghiên cứu chuyên sâu thì chỉ giới hạn sự đọc của mình trong những cuốn sách thuộc lĩnh vực của họ. Tôi nói đến sách, bất kể sách gì – tiểu sử, tiểu thuyết hư cấu, lịch sử hay các bài viết khoa học, v.v. – hiếm có cuốn sách nào không chứa đựng một vài giá trị nào đó hữu ích cho bạn. Không ai có thể độc quyền về tri thức của nhân loại, nhưng hãy nhớ rằng kiến thức chỉ có sức mạnh khi nó được đưa vào sử dụng. Vì thế, càng đọc nhiều, tư duy của bạn càng nhanh nhạy và hoạt động tốt hơn, và nếu bạn thuộc tuýp người hành động, nỗ lực của bạn càng tăng nhanh gấp bội.
Đến đây, có lẽ bạn đã nhìn thấy hiện tượng liên tưởng trong ý nghĩ hết sức kỳ lạ và làm thế nào ý nghĩ này nhanh chóng kết nối với một ý nghĩ khác. Điều này rất có giá trị và cần được vun trồng bởi mỗi cá nhân chúng ta, đặc biệt là những người làm việc trong các lĩnh vực sáng tạo như quảng cáo, viết sách hay bán hàng.
Chẳng hạn, bạn hãy nghĩ về một chiếc xe hơi trong năm giây xem bạn có bao nhiêu ý tưởng về nó. Nó được làm bằng sắt thép, hợp kim và nhựa và từng ý tưởng này lại có thể được chia ra thành nhiều ý tưởng nhỏ khác. Tiếp tục, bạn thử nghĩ về bốn bánh xe của nó xem sao – bao gồm vỏ, ruột, mâm, nắp đậy trục bánh xe, van – tất cả những thứ này liên kết với nhau tạo thành cái gọi là bánh xe. Rồi bạn nghĩ về những con đường mà nó đã đi qua, rồi việc chế tạo chiếc xe đó. Xong, bạn có thể nghĩ đến xăng, dầu nhớt, là những thứ lại làm bạn liên tưởng đến những thứ khác nữa. Trước khi bạn hiểu được chiếc xe của mình thì bạn đã bắt đầu một sự liên tưởng ý nghĩ gần như vô tận.
Tôi từng sở hữu một nông trại cho thuê trồng cần tây trong nhiều năm liền. Người thuê đất của tôi là một gã nhếch nhác luộm thuộm và luôn phàn nàn rằng anh ta không thể cạnh tranh nổi với loại cần tây được nhập khẩu từ Nhật Bản rồi cuối cùng lấy lý do này mà nại rằng tôi phải giảm tiền thuê đất cho anh ta. Thực ra, vấn đề nằm ở chỗ người Nhật rất biết cách đóng gói sản phẩm của họ. Họ làm cho nó bắt mắt trong những bao giấy gói hình trái tim với những dòng chữ quảng cáo (tuy có phần thổi phồng thái quá) về chất lượng cần tây của họ. Còn người thuê đất trồng cần tây của tôi thì không bao giờ làm gì để tăng thêm giá trị nhãn quan cho sản phẩm của mình, thậm chí anh ta còn không thèm rửa sạch cần tây trước khi giao hàng! Anh ta đóng gói cần tây trong những bao gói hạng hai để rồi sau đó ta thán rằng người Nhật đang chiếm hết thị phần của anh ta ngay trên đất Mỹ!
Giờ bạn hãy liên hệ vấn đề đóng gói sản phẩm với chính bạn. Bạn có hấp dẫn trong mắt người khác không? Trang phục của bạn có làm bạn dễ nhìn hơn không? Bạn có biết gì về quy luật phối hợp màu sắc và biết cách chọn những bộ quần áo hợp với hình thể và khí chất của bạn hay không? Hình thức bề ngoài của bạn có làm bạn nổi bật lên giữa những người khác không? Nếu tất cả các câu trả lời là không thì bạn nên nghiên cứu học hỏi về quy tắc đóng gói sản phẩm của các nhà sản xuất. Bạn thấy đấy, các nhà bán buôn hay bán lẻ trái cây, rau quả, thực phẩm đóng gói hay đóng hộp, các đầu bếp trứ danh, v.v. đều luôn biết cách làm tăng thêm giá trị cho sản phẩm của mình bằng các hình thức đóng gói, trình bày, trang trí sản phẩm thật bắt mắt. Và đây là điều bạn cần ghi nhớ: khi bạn “đóng gói” chính mình để thể hiện giá trị của bạn ra bên ngoài một cách chính xác như con người thật của bạn, bạn sẽ đạt được sự cân bằng và tự tin vững chắc không gì có thể phá vỡ nổi.
Để tự kiểm nghiệm hình thức bên ngoài có đúng là có tác dụng làm tăng giá trị con người bạn hay không, bạn hãy để ý xem khi bạn ăn mặc đúng cách, lịch lãm và sang trọng bước vào một nơi đông người nào đó, những người xung quanh có tránh ra nhường lối cho bạn hay không? Hãy nhớ rằng hình ảnh xã hội và giọng nói đĩnh đạc, uy quyền của bạn là những yếu tố đầu tiên thu hút sự chú ý và tôn trọng của những người xung quanh bạn, dù đó là kẻ hèn mọn hay người quyền quý.
Ngay cả khi dính líu với cảnh sát, người có phong thái tự tin, ăn mặc đẹp cũng luôn được đối xử ưu ái. Là một phóng viên cảnh sát trong nhiều năm, tôi thấy những người trông lịch duyệt thường được mời ngồi ngay khi họ bước vào văn phòng cảnh sát trưởng cho tới khi họ gọi được luật sư của mình đến, trong khi những người trông có vẻ nhếch nhác thì thường bị quát nạt và tống ngay vào nhà tạm giam!
Một chủ đại lý bán ô tô kể với tôi rằng ông ấy thường bán được những chiếc xe đắt tiền cho những người rất giàu có, nhưng khó gần. “Không những tôi tắm rửa sạch sẽ, thay toàn bộ quần áo mới từ trong ra ngoài trước khi đến gặp họ,” - ông ấy nói, - “mà tôi còn ra hiệu cắt tóc để cạo râu, cắt tóc và làm móng tay nữa. Tất nhiên điều đó giúp tôi có một vẻ bề ngoài tươm tất, lịch sự, nhưng quan trọng hơn là tôi tự tin hẳn lên về chính mình, như thể mọi thứ đối với tôi đều là chuyện nhỏ!”.
Ăn mặc đúng cách và lịch lãm sẽ mang lại cho bạn cảm giác quyền lực và sự tự tin, là điều làm cho người khác sẵn sàng nghe theo hay giúp đỡ bạn. Con người bạn cần toát lên sự lịch thiệp, uyên bác, quý phái. Bạn cần đứng thẳng lưng, không tựa vào tường, cạnh cửa hay đong đưa cơ thể, đầu ngẩng cao vừa phải và mắt hướng thẳng về phía trước hay nhìn vào mắt người đối diện trong khi đang trò chuyện với họ. Tất nhiên bạn cần tránh thể hiện cái nhìn chăm chăm dò xét như “lục soát” ý nghĩ hay cơ thể họ. Khi đó, bạn chắc chắn sẽ nhận được sự tôn trọng, giúp đỡ và trong một số trường hợp cả sự che chở và bảo vệ nữa.
Trước đây tôi chơi thân với một vị cảnh sát trưởng một sở cứu hỏa. Mọi người nói rằng ông ấy có một cuộc sống thật đẹp và an toàn vì ông ấy hầu như không biết sợ gì cả. Ông ấy đáp: “Đó là do các anh nói thôi! Tôi cũng có sợ đấy, nhưng tôi chưa bao giờ tin rằng mình sẽ bị giết một khi tôi đã vào vị trí chỉ huy. Mỗi khi đi vào nơi nguy hiểm, tôi thường “tỏa” ra quanh mình một vòng hào quang bất khả xâm phạm. Đó là một “bí kíp” tôi học được ở những người Da đỏ từ khi tôi còn bé. Nghe có vẻ mê tín dị đoan nhưng vòng hào quang ấy đã cứu mạng tôi còn nhiều hơn số lần tôi có thể tưởng tượng ra được”. Ông bạn tôi đã sống đến gần 80 tuổi mới qua đời vì bệnh già.
Ernie Pyle, một phóng viên chiến trường nổi tiếng, đã từng kinh qua hiện tượng cận tử. Khi anh sắp sửa chuyển ra Mặt trận Thái Bình Dương, anh có linh cảm rằng mình sẽ không quay trở về nữa. Với một số cựu quân nhân khác thì họ kể lại rằng họ có cảm giác và niềm tin rằng mình không bị thương giữa hai làn đạn dày đặc trong những lúc băng lên chiếm các cứ điểm v.v. Rất nhiều người tin rằng “vòng hào quang” của chính họ đã cứu họ nhiều lần trong những lúc nguy khốn. Một lần nữa, chúng ta lại nhìn thấy ở đây sức mạnh của niềm tin. Khắp thế giới này, hàng triệu người lái xe đặt một tấm hình hay tượng Thánh Christopher hay Đức Bà Maria hay Phật Quan Âm trên xe của họ với niềm tin rằng các đấng thiêng liêng này sẽ bảo vệ họ khỏi tai nạn.
Những xung động của người sống cận kề với chúng ta thường tác động đến chúng ta mạnh hơn chúng ta vẫn tưởng, vì chúng ta có khuynh hướng nhận vào mình những đặc tính của họ. Sau một thời gian dài chung sống với nhau, những đôi vợ chồng tâm đầu ý hợp trở nên giống nhau như anh chị em ruột và họ cũng bị “nhiễm” các thói quen của nhau. Một đứa trẻ sẽ có tính cách và cảm xúc giống mẹ nó hay người thường xuyên chăm sóc nuôi dưỡng nó. Nó cũng có những nỗi sợ, thích và không thích như mẹ nó. Những đặc tính cảm xúc này sẽ đi theo nó suốt đời. Thậm chí cả thú cưng cũng vậy, chúng có thể trông xấu xí, cộc tính, thân thiện, vui vẻ hay cáu bẳn tùy theo tính khí của ông, bà chủ của nó.
Những người có suy nghĩ tiêu cực thường tạo ra nguy hiểm cho chính mình. Trong các cơ quan, tổ chức, người có đầu óc bi quan tạo ra thiệt hại tương đương với những thành tích mà người lạc quan mang lại. Điều tồi tệ hơn nữa là, khi hai người này đối mặt nhau, người tiêu cực luôn ở thế lấn át. Chúng ta đều biết chuyện gì sẽ xảy ra khi một người văn minh sống giữa một bộ tộc kém phát triển – thỉnh thoảng anh ta sẽ cư xử theo bản năng tự nhiên. Những người Anh trước đây được thuê quản lý các mỏ hay đồn điền trong rừng sâu thường rất cảnh giác với xu hướng “tự nhiên chủ nghĩa” này bằng cách luôn cạo râu sạch sẽ và ăn vận tinh tươm trước khi ngồi vào bàn ăn mỗi tối.
Để điều hành thông suốt một tổ chức, tất cả các thành viên trong đó phải tự điều chỉnh sao cho hài hòa với cách nghĩ của người đứng đầu. Nếu người này bị căng thẳng và stress thì ông ấy sẽ làm các thành viên khác bị stress theo. Bạn có thể nhìn thấy điều này trong các văn phòng có “sếp lớn” thuộc tuýp người xem mọi việc đều nghiêm trọng và thường xuyên căng thẳng. Lối quản trị theo cảm xúc này thực chất là cách quản trị theo tính cách cá nhân của người lãnh đạo. Một người có đầu óc tiêu cực nếu bất đồng ý kiến với nhà quản trị sẽ nhanh chóng làm “lây nhiễm” tư tưởng của mình với những người xung quanh và thiệt hại do điều này gây ra cho tổ chức là rất lớn, giống như một quả táo thối trong thùng táo sẽ làm những quả táo nguyên khác thối rữa theo ngay lập tức.
Cũng vậy, một cô gái khóc sẽ làm các cô gái khác trong phòng khóc theo. Một người cười có thể làm những người xung quanh cười với mình. Cái ngáp của một người sẽ kéo theo nhiều cái ngáp của những người khác. Hiếm khi chúng ta để ý rằng những dao động cảm xúc của chúng ta tác động đến người khác như thế nào, và ngược lại.
Nếu muốn là người có tư duy tích cực, bạn nên tránh liên hệ quá gần gũi với những người có tính cách hay tư tưởng tiêu cực. Nhiều nhân viên văn phòng và nhà tư vấn nhân sự thường trở thành nạn nhân của những người đang gặp rắc rối tìm đến họ để chia sẻ, đồng cảm, hoặc xin lời khuyên, bởi chính những tác động đều đặn của sự đau buồn (của người khác) dần dần làm giảm tính tích cực và tăng mức độ tiêu cực trong suy nghĩ của họ.
Để hiểu hơn về tác động của những dao động mang tính tự kỷ ám thị này, bạn chỉ cần để ý một chút mỗi khi bước vào một tòa nhà văn phòng hay nhà riêng của ai đó xem cảm giác của bạn khi ấy ra sao. Bầu không khí, sự sáng tạo của những con người thường xuyên có mặt ở đó sẽ giúp bạn dễ dàng khám phá ra ngay đặc tính của tổ chức, gia đình này. Bạn có thể nhìn thấy sự bối rối, phiền nhiễu, tĩnh lặng, hài hòa, ấm áp hay lạnh lẽo qua cách trang trí nội thất, bài trí vật dụng, màu sắc và cả những bức tường vô tri vô giác. Tất cả đều thể hiện tư duy, tích cực hoặc tiêu cực, của chủ nhân của căn phòng hay ngôi nhà. Đó cũng là một trong những cách hay để bạn khám phá tính cách của một con người.
Bạn sợ phải nhận trách nhiệm, sợ phải ra quyết định, sợ phải đứng lẻ loi một mình? Hầu hết mọi người đều như vậy cả - đó là lý do tại sao có quá ít người lãnh đạo nhưng lại có quá nhiều kẻ theo đuôi. Nếu đối mặt với rắc rối mà bạn càng kéo dài thời gian giải quyết, hậu quả nó gây ra càng lớn và bạn càng lo sợ hơn về khả năng bạn giải quyết được nó. Nếu không quyết định, bạn không thể hành động, và một khi bạn không hành động thì thất bại sẽ bước vào. Vì vậy, hãy học cách ra quyết định. Kinh nghiệm chỉ ra rằng một khi chúng ta hành động, mọi vấn đề rắc rối sẽ tan biến đi. Ngay cả khi quyết định của bạn không phải là quyết định tốt nhất thì chí ít nó cũng giúp bạn có thêm sức mạnh và niềm tin vào chính mình. Chính tâm lý sợ phạm sai lầm mà bạn phạm sai lầm. Hãy quyết định và hành động, chắc chắn mọi khó khăn rắc rối sẽ nhanh chóng được giải quyết – dù đó có thể là một quyết định sai. Tất cả những con người vĩ đại đều quyết định và hành động quyết đoán từ trực giác của họ. Họ tích lũy kiến thức và kinh nghiệm từ những gì họ đã học, đã làm. Vì thế, hãy học cách quyết đoán, táo bạo trong hành động của bạn.
Tôi không nói mình là người tin vào phép chữa bệnh bằng niềm tin, nhưng bất kỳ ai có hiểu biết chút ít về sức mạnh của ý chí đều biết rằng tác dụng của lối tư duy xúc cảm đối với cơ thể có thể gây ra bệnh tật hay chữa lành vết thương. Các nhà chữa bệnh bằng niềm tin Thiên Chúa giáo thì cho rằng bệnh tật thực ra không tồn tại trong khi nhiều đệ tử của các trường phái khác thì cho rằng bệnh tật có tồn tại, nhưng thay vì không để ý tới chúng, họ xác quyết rằng họ vẫn đang khỏe mạnh, sống vui vẻ và cảm thấy tốt hơn mỗi ngày. Dù phương pháp có khác nhau nhưng tất cả họ đều lấy niềm tin làm cơ sở quyết định thành công.
Ám thị có chữa được bệnh tật hay không và bản chất các chứng bệnh thể lý của con người vẫn còn là một vấn đề đang tranh luận sôi nổi trong nhiều trường dạy chữa trị bằng liệu pháp tinh thần và giữa các thành viên của nhiều hiệp hội chuyên môn khác nhau. Mặc dù vậy, số người tin và thực hành phương pháp này vẫn đang tăng nhanh từng ngày.
Từ rất lâu người ta đã biết rằng nỗi sợ hãi, căm ghét và lo lắng có thể làm cho chúng ta bị đau ốm về mặt thể xác, đôi khi bị mắc những chứng bệnh chết người. Nhiều bác sĩ y khoa không thừa nhận điều này, tuy nhiên, vào ngày 19/2/1945, Tạp chí Life đăng một bài báo có tựa đề: “Thuốc trị bệnh thần kinh” (“Psychosomatic Medicine”) nói rằng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, có 40% binh lính bị thương vì những nguyên do bắt nguồn từ tâm lý. Bài báo chỉ ra rằng nhiều trường hợp sốt mùa hè (hay fever), hen suyễn, đau tim, cao huyết áp, thấp khớp (rheumatic), viêm khớp (arthritic), cảm lạnh, và các bệnh ngoài da như mụn cóc, tổ ong, tổ đỉa, giời leo là do các chứng rối loạn tâm lý trong đó cảm xúc là yếu tố làm tăng nhanh sự xuất hiện của căn bệnh.
Nhờ các cuộc nghiên cứu và thí nghiệm của các nhà thần kinh học và tâm lý học trong những năm gần đây, vấn đề trị liệu kết hợp giữa y học và tinh thần đã được chấp nhận rộng rãi. Kết quả là nhiều trường hợp đã cho thấy hiệu quả đáng kinh ngạc của liệu pháp chữa trị này.
Tuy nhiên, những người hiểu về khoa tâm lý liệu pháp này đều đồng ý rằng việc chữa lành không phải nhờ “người chữa bệnh” mát tay mà ở tự thân người bệnh. Nói cách khác, ám thị - bất kể hình thức nào - đã chuyển niềm tin được lành bệnh vào trong tiềm thức của người bệnh. Theo phương pháp này, nếu người bệnh không tin vào người chữa bệnh thì họ không đạt được kết quả khả quan nào cả. Riêng tôi, tôi muốn nói rằng một người biết sử dụng phép ám thị cũng có thể tự chữa lành bệnh cho mình mà không cần một nhà chữa trị tinh thần nào trợ giúp. Kỹ thuật gương soi và những tấm thẻ ghi mục tiêu hay khẩu quyết cũng có tác dụng rất lớn trong trường hợp này.
Tôi thường tham dự các buổi “lên đồng” trong đó “hồn” từ chối nhập vào người ông đồng bà cốt vì cho rằng có kẻ không tin đang hiện diện trong số những người dự khán xung quanh mà “vía” của người này “nặng” đến mức lấn át và tạo bầu không khí đối nghịch với “hồn”. Điều này có thể khó tin đối với các nhà duy lý học, nhưng tôi đã từng chứng kiến nhiều cuộc lên đồng thất bại vì lý do có người tỏ thái độ phản kháng.
Tôi nghĩ những người hiểu về lý thuyết dao động ý nghĩ đều có thể hiểu tại sao những dao động ý nghĩ không tương đồng lại làm hỏng một buổi họp hay thảo luận. Qua các thực nghiệm về trạng thái “xuất hồn”, Tiến sĩ Rhine phát hiện ra rằng khi chủ thể thực hành trước sự hiện diện của một người cố ý làm họ mất tập trung, kết quả nhận được luôn thấp dưới mức kỳ vọng. Ngược lại, nếu người đó thực hành trước một nhóm dự khán ôn hòa, tin cậy thì kết quả đạt được rất cao.
Bạn hãy đọc những câu chuyện cổ về phép phù thủy, các thầy thuốc chữa bệnh bằng tà thuật, bùa ngải và cả các nhà chữa trị tinh thần ngày nay xem sao. Rõ ràng có một lực từ xa tác động lên người khác trong quá trình chữa trị. Ám thị đầu tiên được đưa vào tâm trí người bệnh không có liên quan gì đến kết quả chữa trị - đặc biệt trong phương pháp chữa trị từ xa vì người bệnh không hề biết rằng người chữa trị cho mình đang “thực hành chữa trị” cho anh ta. Lúc bấy giờ, thần giao cách cảm (hay ngoại cảm) chưa được nói đến.
Trên thực tế, các nhà khoa học ngành điện, trong đó có Edison, Steinmetz, Tesla, Marconi đều rất quan tâm đến vấn đề ngoại cảm. Tiến sĩ Alexis Carrel không chỉ tin vào ngoại cảm mà còn tuyên bố rằng các nhà khoa học cần phải nghiên cứu sâu vấn đề này như họ đã từng nghiên cứu các hiện tượng sinh lý học ở con người. Sau hai mươi năm nghiên cứu về ngoại cảm, Tổng thư ký Hiệp hội Nghiên cứu Các Hiện tượng Siêu linh London tuyên bố rằng ngoại cảm là hiện tượng có thật. Các nghiên cứu tiếp theo của các trường đại học đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy ngoại cảm có tồn tại. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học vẫn không chấp nhận môn khoa học mới này.
Nhiều người có thú chơi ngựa và chó, đặc biệt là những người xem chúng như những con thú cưng và bầu bạn với chúng nhiều năm liền, quả quyết rằng họ luôn duy trì cái gọi là thần giao cách cảm với con vật cưng của mình. Có vô số những câu chuyện về hiện tượng ngoại cảm trong hầu hết các bộ tộc sơ khai trên khắp thế giới này. Cách đây vài năm, một vị giám đốc công ty nói với tôi rằng đối với những người đối thoại mà ông ấy cảm thấy họ đang làm lãng phí thời gian, ông ấy chỉ đơn giản lặp đi lặp lại trong thâm tâm mình rằng: “Hết giờ của anh rồi, hãy đi đi, đi đi nào!”. Thế là vị khách đó sẽ tỏ ra bồn chồn, nhìn đồng hồ hoặc đứng lên nói lời tạm biệt ngay. Bạn cũng có thể sử dụng cách này khi có vị khách nào đó tới chơi nhà bạn nhưng lại “quên” giờ về.
Những người hồ nghi thì cho rằng ngoại cảm không liên quan gì đến vấn đề này, rằng chính nét mặt, cử chỉ hình thể, dấu hiệu căng thẳng hay mệt mỏi của bạn mới là thông điệp gởi đến vị khách nọ: rằng đã đến lúc họ phải ra về. Bạn có thể tự kiểm chứng điều này với các vị khách của bạn trong tương lai. Hãy nhớ rằng bạn không được để lộ bất cứ dấu hiệu nào ra ngoài trong nét mặt, cử chỉ hay lời nói của bạn. Tất nhiên, bạn đừng có dấy lên ý nghĩ “đuổi” họ trong lúc họ đang say sưa tranh luận với bạn, mà hãy chọn một thời điểm thích hợp, trong một khoảng dừng nào đó chẳng hạn.
Một nhạc sĩ người Mỹ sau khi phát hành một bản nhạc của mình thì phát hiện ra rằng có một bản nhạc giống hệt như của ông, giống đến từng nốt nhạc từ đầu cho đến cuối, đã được sáng tác và lưu hành tại Đức một thời gian ngắn trước đó. Hồi sống ở bờ Tây nước Mỹ, tôi có gởi một bài viết đến một nhà xuất bản ở bờ Đông. Sau đó tôi nhận được trả lời từ một biên tập viên rằng họ vừa chấp nhận một bài viết tương tự của một người ở bờ Đông. Elisha Gray tuyên bố rằng ông ấy cũng có ý nghĩ về máy điện thoại cùng lúc với Alexander Graham Bell. Thực vậy, lịch sử cho thấy có những phát minh trùng hợp đến kỳ lạ về thời điểm giữa các nhà văn, nhà phát minh, nhà hóa học, kỹ sư và nhà soạn nhạc.
Lời cuối cùng cho chương này: Trước đây, trong khi nhà xuất bản của tôi đề nghị tôi mở rộng bản thảo của mình (mà không nói gì đến chủ đề cần mở rộng) và tôi đã đồng ý thì cố vấn của tôi gởi cho tôi một lá thư thông báo rằng ông ấy đã đề nghị nhà xuất bản một chủ đề mở rộng cho cuốn sách, giống hệt như chủ đề mà tôi đang viết thêm lúc đó. Quả thật, có những lúc ý nghĩ của chúng ta trùng hợp một cách không thể tưởng tượng!
CHÚ THÍCH
(14) Tác giả viết cuốn sách này vào cuối những năm 1940 của thế kỷ trước. Quyển sách được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1948.