“Tình bạn giúp cuộc sống thêm bền vững.
Yêu thương và được yêu thương là niềm hạnh phúc lớn lao nhất thế gian này.”
- Sydney Smith
B
ạn có bao giờ tự hỏi vì sao một số người lại có khả năng thu hút được người khác, cũng như luôn được bạn bè ngưỡng mộ và yêu mến?
Họ có thể là những người giàu có, vui vẻ, được hưởng thụ một nền giáo dục tiên tiến, nhưng cũng có thể là những người hết sức bình thường, thậm chí không có gì nổi trội. Nhưng dù là người thế nào, vị trí xã hội ra sao chăng nữa, chắc chắn giữa họ luôn có một điểm tương đồng, tồn tại như một nhân tố quan trọng giúp họ được tôn trọng, ngưỡng mộ và có thể nhanh chóng đạt được thành công. Đó là điều mà tôi gọi là “nhân tố tình bạn”.
Là một bác sĩ tâm lý trị liệu, tôi đã có điều kiện mở thêm những cánh cửa khác trong việc tìm hiểu những mối quan hệ gắn kết con người. Tôi đã nói chuyện với hàng ngàn người về những mối quan hệ thân thiết nhất của họ; thông qua quá trình quan sát cách ứng xử của những người thành công, tôi đã rút ra cho mình một số bí quyết. Và mục đích của quyển sách này là chia sẻ những bí quyết đó với các bạn.
Nhân tố tình bạn trong các mối quan hệ
Trong một nghiên cứu nhỏ ngay tại văn phòng làm việc của mình, tôi cùng các đồng nghiệp đã đúc rút được rằng, tình bạn chính là căn nguyên cho tất cả các tình cảm khác. Qua đó, chúng ta dễ dàng nhận thấy những ai không có một người bạn thân thiết nào thường ít có khả năng duy trì và phát triển được các loại tình cảm khác nhau. Trong cuộc sống, họ thường không cảm thấy hạnh phúc, tỏ ra lạnh nhạt với các thành viên trong gia đình, và gặp vấn đề trong quan hệ với đồng nghiệp, với cấp trên.
Không lâu sau khi Jack Benny qua đời, George Burns đã có cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình về người bạn của mình: “Jack và tôi đã có một tình bạn tuyệt vời trong gần 55 năm qua. Trong ngần ấy năm, Jack chưa bao giờ bỏ đi khi tôi hát, và tôi chưa bao giờ vắng mặt mỗi khi anh ấy chơi đàn. Chúng tôi vui chơi cùng nhau, làm việc cùng nhau, dùng bữa cùng nhau. Tôi nghĩ rằng trong suốt thời gian ấy, chúng tôi đã gắn bó với nhau từng ngày”.
Có thể, chúng ta không hề biết gì về hai con người này, nhưng ta vẫn có thể đoán được rằng họ đã có những mối quan hệ bền vững khác trong cuộc sống dựa trên tình bạn ấy. Nhà xã hội học Andrew Greeley đã nhận xét rằng, yếu tố cơ bản tạo nên một cuộc sống hạnh phúc và một cuộc hôn nhân tốt đẹp đó chính là tình bạn và tình dục.
Vậy còn mối quan hệ giữa chúng ta với cha mẹ, con cái và những người thân quen của mình thì sao? Henry Luce - người đứng đầu tập đoàn Time-Life nổi tiếng - thường hồi tưởng về thời niên thiếu của mình với một cảm xúc khó tả. Ông là con một nhà truyền giáo ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Vào những buổi tối, ông và cha thường tản bộ trên con đường bên ngoài khu nhà, và họ đã nói chuyện với nhau như hai người đàn ông. Hai cha con bàn luận sôi nổi về những vấn đề trong việc quản lý trường học, nơi cha ông làm việc, hoặc lấy những vấn đề triết học làm đề tài cho cuộc nói chuyện. “Cha đã đối xử với tôi như một người bạn”, Luce nói. Và có lẽ vì vậy, mối quan hệ này đã nâng đỡ về mặt tinh thần cho cả hai cha con ông trong suốt cuộc đời.
Tại sao phụ nữ có nhiều bạn bè thân thiết hơn cánh mày râu?
Chúng tôi có một khách hàng mới là một phụ nữ trung niên. Cô ấy tìm đến văn phòng tôi với mong muốn lấy lại được cảm xúc thăng bằng trong cuộc sống sau khi ly hôn.
- Cô có mối quan hệ thân thiết với ai không?
Có ai đó mà cô có thể kể hết tất cả, hay tâm sự những cảm xúc của mình cho người đó nghe? - Tôi mở đầu câu chuyện.
- Ồ, có chứ. – Cô vồn vã đáp. - Tôi nghĩ mình đã không thể đứng vững được đến hôm nay nếu không có bà ấy. Thật ra, bà ấy lớn hơn tôi 26 tuổi, nhưng chúng tôi rất hợp nhau và có thể tâm sự mọi chuyện riêng tư với nhau. Tôi xem bà ấy như tri kỷ của mình.
Vậy là giải pháp của cô đã quá rõ: Đến khi nào vẫn còn bạn tâm tình, cô sẽ không bao giờ lùi bước. Cô là một phụ nữ may mắn.
Nhưng nếu cánh mày râu rơi vào trường hợp ấy thì mọi chuyện có lẽ không được như thế. Tại sao vậy? Họ không có một tình bạn nào đủ thân thiết để san sẻ mọi chuyện ư? Trong xã hội hiện đại, trừ việc bắt tay, đàn ông thường không muốn chạm vào nhau, và hiện tượng đó được giải thích như sau:
“Hầu hết phái nam đều không thể hiện những cử chỉ thân mật dù họ là bạn rất thân của nhau. Những em gái nhỏ có thể bước đến trường tay trong tay, ôm lấy nhau, khóc và nói: ‘Cậu là người bạn tốt nhất của mình. Mình cần cậu. Mình yêu cậu’. Nhưng những bé trai thì không bao giờ làm vậy.”
Và dĩ nhiên, hiện tượng này sẽ ảnh hưởng đến hành vi của họ trong các mối quan hệ khác. Một số nhà tâm lý học, thần kinh học ở Mỹ đã được hỏi là có bao nhiêu phần trăm nam giới có được những người bạn thật sự. Câu trả lời đưa ra thật ảm đạm, chỉ khoảng 10%. Richard Farson, giáo sư Viện Nhân văn tâm lý học ở San Francisco nói rằng:“Hàng triệu người đàn ông Mỹ chưa bao giờ dành ra đến một phút trong cuộc đời họ để cùng ngồi chia sẻ với nhau những cảm xúc thật của mình”.
Bởi vì, nam giới thường ít chịu chấp nhận sự cởi mở và thắm thiết trong một mối quan hệ. Họ không nhận thức được khoảng trống trong đời sống tình cảm của mình. Nói tóm lại, họ không biết mình đã và đang mất đi những gì.
Nhà xã hội học người Anh Marin Crawford trong một nghiên cứu đã nhận thấy rằng, đàn ông và phụ nữ có những định nghĩa khác nhau về tình bạn. Đa số phụ nữ nói về lòng tin và cảm giác an toàn, trong khi đàn ông miêu tả bạn bè đơn giản như “ai đó để đi chơi cùng” hay “ai đó hợp gu”. Trong hầu hết mọi khía cạnh, tình bạn của nam giới xoay quanh những vấn đề liên quan đến sự hoạt động trong khi tình bạn của phụ nữ lại xoay quanh việc chia sẻ. Một người đàn ông có thể cho rằng “bạn tốt” là bạn cùng chơi tennis, hay thậm chí chỉ mới gặp vài ngày trước. Nhưng họ có phải là những người bạn thật sựcủa nhau không? Thật khó nói.
Paula McDonald đã chỉ ra rất rõ ràng rằng, phụ nữ trẻ ngày nay nhận thức rất rõ vấn đề này và họ ngày càng kén chọn vị hôn phu của mình: “Tôi nghĩ ngày nay, phụ nữ đang có xu hướng tìm cho mình một người đàn ông nhạy cảm, hơn là việc anh ta có thể nhấc chiếc trường kỷ lên bằng một hay hai tay. Bởi vì, những người phụ nữ này muốn có bên cạnh mình một người đàn ông biết cảm thông và chia sẻ”.
Bạn là người hướng nội, không vấn đề gì cả!
Người làm vườn cạnh nhà tôi vừa qua đời.
Tên ông là Hubert Bales, và có thể nói đó là người đàn ông sống rất nội tâm. Khi phải giao tiếp với ai đó, ông thường tỏ ra lúng túng, hay nheo mắt, và mỉm cười với sự bối rối của mình.
Hubert sống một cuộc sống hết sức giản đơn, trên mảnh đất gia đình để lại và chỉ trồng các loại hoa màu. Ông khá khép kín và ít tiếp xúc với mọi người. Vậy mà khi Hubert mất, đám tang của ông là một trong những đám tang lớn nhất tại ngôi làng nhỏ bé này.
Tại sao một người đàn ông trầm lặng, khép kín lại chiếm được tình cảm của nhiều người đến thế? Đơn giản vì ông biết cách sống để trở thành một người bạn. Trong các mối quan hệ, ông luôn đặt lợi ích người khác lên trước bản thân. Tính nhút nhát có thể là một khó khăn đối với ông trong giao tiếp, nhưng nó không làm giảm tinh thần hào hiệp trong ông. Có lẽ vì vậy, ai cũng cảm mến và dành cho ông những tình cảm thân thương, quý trọng nhất.
Khi thúc giục bạn sống trọn vẹn cho tình bạn, tôi không có ý biến đổi bạn trở thành một người hướng ngoại. Một vài người cho rằng, bản chất nhút nhát và cuộc sống thiên về nội tâm của họ chính là khó khăn căn bản nhất để hòa nhập với mọi người. Nhưng thật ra, đó không phải là vấn đề lớn nếu chúng ta sẵn sàng cống hiến, sẵn sàng yêu thương.
Tôi và một khách hàng của mình - một bác sĩ giải phẫu thần kinh - đã cùng có những giây phút trò chuyện để bắt đầu cho quá trình điều trị. Thật không dễ dàng chút nào cho ông, ông dường như chưa sẵn sàng để chia sẻ về bản thân mình. Chúng tôi đã sắp xếp cuộc gặp đầu tiên vào buổi tối, ở một nơi mà không sợ bị ai làm phiền.
Cuối cùng, ông hít một hơi thật sâu, như chuẩn bị để lặn xuống hồ nước lạnh cóng, và nói:
- Tôi hiện diện trên cuộc đời và đang tự làm đảo lộn tất cả các mối quan hệ của mình. Trong suốt những năm qua, tôi đã không ngừng phấn đấu để vươn đến đỉnh cao nghề nghiệp. Tôi cho rằng khi tôi lên được nấc thang danh vọng đó thì mọi người sẽ nể phục và hướng đến tôi. Nhưng tôi đã lầm.
Ông bóp cái ly nhựa trong tay như muốn nhấn mạnh sự tuyệt vọng của mình:
- Tôi nghĩ mình được kính trọng tại bệnh viện, nhưng tôi không có mối quan hệ thân tình với ai cả. Khi rời bệnh viện, tôi không có người bạn nào thân thiết để làm chỗ dựa. Cuộc sống của tôi như một cái vỏ ốc mà tôi thì cứ suốt đời co mình trong đó. Điều tôi cần bây giờ là thay đổi tính cách và chui ra khỏi cái vỏ ốc của mình!
Thay đổi như thế nào?
Nếu gặp người đàn ông này khi tôi mới bước chân vào nghề cách đây 45 năm – vẫn còn khá hiếu thắng – chắc chắn, tôi đã thử cho ông đi “đại tu” lại tâm tính. Nhưng bằng kinh nghiệm thực tế tích hợp được trong mấy mươi năm làm việc, tôi hiểu rằng, tính cách con người là một chuỗi phức tạp vô tận, và không dễ gì thay đổi được cái gọi là bản chất.
Một trong những điều nguy hiểm nên tránh của con người là cố gắng thay đổi tính cách ai đó bằng hình mẫu của chính mình. Tạo hóa đã sinh ra mỗi người một vẻ, nó là độc nhất và vô cùng bí ẩn. Do đó, chúng ta cần có thời gian để tìm hiểu và nắm bắt nó, cũng như những nhà thiên văn học dành cả đời để nghiên cứu các vì tinh tú, các hiện tượng xảy ra trong vũ trụ bao la.
Mặc dù tôi biết mình sẽ không bao giờ hiểu rõ hết từng khách hàng một, nhưng không vì thế mà tôi cho phép mình đưa ra những phương pháp tác động mạnh đến tính cách họ. Việc đó không khác gì nhà thiên văn học cố gắng sắp xếp lại thái dương hệ. Tôi chỉ cần ngồi bên cạnh, sẻ chia, giúp mọi người hiểu rằng họ được sinh ra để trở thành một người như vậy thì hãy sống đúng với những gì tạo hóa ban cho, thế là đủ rồi.
Vì thế, tôi nói với người đàn ông ấy rằng, ông không cần thay đổi tính cách của mình để trở thành một người sôi nổi hơn mà hãy chú ý cải thiện mối quan hệ với những người xung quanh. Khi có mối quan hệ tốt đẹp với người khác, cuộc sống của ông sẽ tự thay đổi. Từ đấy, ông áp dụng liệu pháp đơn giản này bằng cách cởi mở hơn với đồng nghiệp, tận tình, bắt chuyện một cách thoải mái, tự nhiên với bệnh nhân. Chẳng lâu sau, ông bắt đầu nhận được những tình cảm đáp lại từ họ.
Ông vẫn sống nội tâm, nhưng đã có những mối quan hệ bền vững và thấy lòng thanh thản hơn nhiều.
Tình bạn - món quà vô giá
Tình bạn là món quà vô giá mà tạo hóa trao ban cho con người. Nhưng để giữ được món quà đó suốt đời, mỗi người cần phải nỗ lực hết mình. Biết yêu thương và cảm thông với người khác nhiều hơn, bạn sẽ thấy cuộc sống tươi đẹp biết nhường nào!
Trong cuốnThe Broken Heart(Trái tim vỡ) của mình, tiến sĩ James J. Lynch - một chuyên gia về bệnh thần kinh - đã chứng minh rằng những người cô độc thường đoản thọ hơn so với người bình thường. Ông cũng đã phân tích các khía cạnh có hại cho sức khỏe của việc sống cô lập, và sức mạnh màu nhiệm của sự gắn kết giữa người với người.
Ngay cả khi nhìn nhận từ khía cạnh vật chất thì tình bạn cũng là “món hàng” có giá trị nhất. Các nghiên cứu nhiều năm về trước của Học viện Công nghệ Carnegie hé lộ rằng: Ngay cả trong những lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật, khoảng 15% thành công trong tài chính của một người là do các kiến thức chuyên môn, 85% còn lại là nhờ kỹ năng trong việc quản lý nhân sự – những điều thuộc về tính cách và khả năng lãnh đạo. Tiến sĩ William Menninger đã ước lượng rằng, khi một nhân viên bị đuổi việc, 60% đến 80% trường hợp là do sự kém cỏi về mặt xã hội, còn nguyên nhân vì năng lực chỉ chiếm khoảng 20% đến 40%.
Không ngừng yêu thương
Một nhạc công trẻ đã bày tỏ quan điểm với tôi rất quả quyết:
- Tôi đã thử đi thử lại rất nhiều lần rồi, và tốt hơn là tôi nên chấp nhận. Tôi không thể có được mối quan hệ tốt đẹp nào với người khác. Tôi sẽ cô độc thế này cho đến cuối đời.
Anh đến văn phòng chúng tôi để điều trị chứng suy nhược thần kinh. Tôi đã tìm cách giúp đỡ anh cải thiện các mối quan hệ. Và chỉ trong một thời gian ngắn, dù không phải uống bất kỳ loại thuốc nào nhưng tinh thần anh phấn chấn hẳn lên. Trong quá trình trị liệu, anh đã có thể phân tích được những thất bại của mình. Anh đã học được cách đứng dậy, rút kinh nghiệm và cố gắng yêu thương mọi người chứ không còn buông xuôi hay tỏ ra vô cảm với tất cả. Mọi việc không dễ dàng gì, nhưng cuối cùng, anh cũng đã nắm bắt được sợi dây liên kết với mọi người.
Tại đám cưới của người nhạc công đó, niềm vui tràn ngập trong ánh mắt của cô dâu đã xác nhận rằng anh đã học rất tốt cái được gọi là nghệ thuật yêu thương.
Những năm đầu bước vào đời, Abraham Lincoln luôn xem mình là một kẻ thất bại trong mọi mặt cuộc sống. Khi cầu hôn Mary Owens và bị từ chối, ông đã nói rằng: “Điều tôi nghĩ tốt nhất mình nên làm là không bao giờ nghĩ đến chuyện cưới xin nữa. Và cũng vì vậy, tôi không bao giờ hài lòng với bất kỳ ai đủ ngốc nghếch để yêu tôi”.
Nhưng rồi, người đàn ông đầy bản lĩnh đó cũng đã nắm bắt được nghệ thuật ứng xử với mọi người. Khi Lincoln trút hơi thở cuối cùng, Bộ trưởng Quốc phòng Stanton – người từng chống đối ông – không ngần ngại nói rằng: “Bây giờ thì ông ấy đã thuộc về thời đại”.
Nếu chúng ta cần nhiều bằng chứng hơn nữa để khẳng định rằng bất cứ ai cũng có thể học cách yêu thương và được yêu thương, thì cuộc đời của Benjamin Franklin là một minh chứng. Là đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp, ông được săn lùng nhiều nhất ở Paris. Nhưng thật sự có phải Franklin luôn được mến mộ như vậy không? Không hoàn toàn như thế. Trong tự truyện của mình, ông đã miêu tả bản thân khi còn là một chàng trai trẻ ngớ ngẩn, thô lỗ và khó ưa. Đó là một ngày ở Philadelphia, người bạn già Quaker đã gọi chàng thanh niên Franklin đến bên cạnh và nói:
- Ben, cậu thật là khó dung hòa. Ai không đồng ý kiến với cậu thì cậu tỏ ra đối đầu với người ấy. Cậu phản đối người ta như té nước vào mặt vậy. Tôi nghĩ bạn bè của cậu thích được vui vẻ hơn khi có cậu ở bên.
Và cho đến tận bây giờ, những điều tốt đẹp mà chúng ta biết về Franklin là cách ông chấp nhận bị khiển trách một cách khôn ngoan. Ông sáng suốt nhận ra rằng, nếu cứ giữ thái độ như vậy nghĩa là ông đang tự hướng đến những thất bại, và bằng cách đặt bản thân mình vào những quy tắc của tình bạn, ông đã thay đổi.
Không ai phải sống cô đơn cả!
Bạn có thể học được cách để yêu thương và sống hòa hợp với người khác như Abraham Lincoln và Benjamin Franklin đã làm. Mỗi chương sau đây sẽ có những quy tắc đơn giản nhằm làm cho các mối quan hệ của bạn trở nên tốt đẹp hơn. Các quy tắc này không xuất phát từ tôi, mà được chắt lọc từ kinh nghiệm của các khách hàng, và từ những bài viết của các triết gia cùng những nhà tâm lý học mọi thời đại.
Nếu đặt ra cho bản thân mục tiêu là làm chủ được những kỹ năng này, bạn có thể sẽ có được rất nhiều mối quan hệ thân thiết khác.
Tôi không nói rằng đây là những kỹ năng đơn giản dễ nắm bắt, bởi mối quan hệ giữa người với người là một phạm trù vô cùng phức tạp. Nhưng bạn và tôi đều có thể học và áp dụng nó, để có được những tình bạn tốt đẹp. Hãy để cho hai tiếng “tình bạn” nơi sâu thẳm tâm hồn mỗi người lên tiếng.