C
húng ta chăm sóc cho sức khỏe của mình;
chúng ta tích lũy tài sản, mua sắm đủ mọi vật dụng;
cuộc sống của chúng ta đầy đủ hơn và cũng chật chội hơn;
nhưng chúng ta sẽ chẳng bao giờ giàu có nếu không sở hữu thứ tài sản quý giá nhất, đó chính là bạn bè.
ĐẶT NHỮNG MỐI QUAN HỆ LÊN TRÊN HẾT
“Tình yêu luôn cần được học hỏi, và thậm chí học đi học lại nhiều lần; đây là một quá trình không có điểm dừng. Còn thù hận thì không cần bất cứ lời hướng dẫn nào; nó chỉ chực chờ bùng nổ mà thôi.”
- Katherine Anne Porter
Howard Hughes(1)là một bí ẩn tối thượng của thế giới – ông sống ẩn dật và kỳ lạ đến nỗi trong suốt hơn 15 năm cuối đời, không ai biết diện mạo ông ra sao, đang làm gì, còn sống hay đã chết.
(1) Howard Hughes (1905 - 1976) là nhà công nghiệp Mỹ, nhà sản xuất phim ảnh, phi công, nhà từ thiện, một trong những người giàu nhất thế giới thời đại ông.
Hughes là một trong những người giàu nhất thế giới. Mặc dù nắm trong tay vận mệnh của hàng ngàn người, thậm chí ngay cả vận mệnh của một chính quyền, nhưng trong những năm tháng cuối đời, ông vẫn sống một cuộc sống không biết đến ánh sáng mặt trời, không một niềm vui, nửa mê nửa tỉnh.
Hughes đã kết hôn với Jean Peters, một trong những phụ nữ đẹp nhất thế giới. Nhưng cuộc hôn nhân chỉ kéo dài trong 13 năm, và suốt khoảng thời gian đó, người ta chưa bao giờ thấy họ bên nhau trước công chúng, thậm chí cũng chưa ai thấy tấm ảnh chụp chung nào của họ. Đôi vợ chồng ấy dường như sống tách biệt ở hai căn nhà gỗ một tầng thuộc khách sạn Beverly Hills.
Họ ly hôn vào năm 1970.
Một lần, người bạn của Hughes kể:
- Theo như tôi biết, ông ta không yêu bất kỳ một phụ nữ nào. Ông chỉ xem họ như đối tượng để thỏa mãn tình dục, hoặc có khi đơn thuần chỉ là một thư ký tốt.
Và ngay chính Hughes vẫn thường nói: “Mỗi người đều có một cuộc sống riêng và có cái giá phải trả để tồn tại”.
Những ai đã từng tiếp xúc với ông đều không thể hiểu nổi tại sao ông có thể sống một cuộc đời vô vị như vậy. Hầu hết những ai dám lên tiếng đều bày tỏ sự ghê tởm đối với ông.
Tại sao Hughes lại bị cô lập và sống cuộc đời cô độc đến vậy? Tại sao với một tài sản kếch xù, với hàng trăm người để ông sai khiến, và biết bao phụ nữ xinh đẹp vây quanh, ông vẫn không được yêu thương?
Đơn giản vì ông đã chọn cách sống đó.
Có một chân lý từ xa xưa rằng: Tạo hóa ban cho chúng ta vạn vật để sử dụng, và con người để tận hưởng. Hughes không bao giờ học cách thu phục lòng người. Sở thích của ông chỉ là tiền, và chính điều này đã chi phối toàn bộ cuộc sống cũng như tình cảm, đến mức chúng loại trừ dần các mối quan hệ của ông với xung quanh.
Ưu tiên cho tình yêu
Những người đang say đắm trong tình yêu luôn cảm nhận được ngọn nguồn của hạnh phúc. Người yêu rất quan trọng đối với họ, và bất kể công việc có bận rộn ra sao, họ vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để giữ mối quan hệ đó.
Mặt khác, những người sống cô độc luôn than vãn cho sự thiếu thốn tình cảm của mình, nhưng họ lại không thật sự xem trọng việc tìm kiếm một tình bạn hoặc một chỗ dựa tinh thần nào khác.
Cũng giống như Howard Hughes, những con người ấy quá bận rộn với việc kiếm tiền, vươn tới đỉnh cao sự nghiệp mà lãng quên đi thời gian cần có để dành cho người mình yêu thương.
Tôi còn nhớ một câu nói rất ý nghĩa: “Chúng ta chăm sóc cho sức khỏe của mình; chúng ta tích lũy tài sản, mua sắm đủ mọi vật dụng; cuộc sống của chúng ta đầy đủ hơn và cũng chật chội hơn; nhưng chúng ta sẽ chẳng bao giờ giàu có nếu không sở hữu thứ tài sản quý giá nhất, đó chính là bạn bè”.
Yêu thương và mất mát
Những người bị tổn thương sau ly hôn thường hay lo sợ rằng, chấp nhận yêu một lần nữa thì sẽ phải đau đớn thêm một lần nữa. Sau hàng tá lần thất bại trong tình yêu, vợ cũ của một nhà quản trị cấp cao đã giải thích:
- Tôi phát hiện ra rằng, để tránh nỗi đau khi phải nói lời chia tay, tôi sẽ không bao giờ nhận lời chào đón nào nữa.
Những người như vậy chắc chắn sẽ không bao giờ biết đến một tình yêu sâu sắc. Đến đây, chúng ta phải suy nghĩ lại chân lý của các nhà thơ, rằng tình yêu là điều tuyệt diệu nhất. Khi người bạn đời A. H. Hallam mất đi, Alfred Lord Tennyson đã nói một câu nổi tiếng rằng: “Thà chấp nhận yêu thương để mất mát, còn hơn là chưa bao giờ biết yêu thương”.
Tình yêu dẫu có ngắn ngủi và khổ đau đến đâu chăng nữa thì khi nó đi qua, chúng ta vẫn cảm thấy mình từng được hạnh phúc. Những cảm xúc ấy có lẽ sẽ không bao giờ mất đi mà còn mãi với thời gian. Chúng ta có thể nuối tiếc cho tình yêu chứ không thể chối bỏ tình yêu. Đó vẫn là thứ tình cảm thiêng liêng mà con người hằng mong đợi.
Bên cạnh tình yêu là tình bạn. Nếu có một người bạn phải đi xa, bạn không còn được gần gũi bên họ nữa, thì hẳn bạn sẽ thấy nhẹ nhõm và được an ủi phần nào khi biết rằng ở nơi xa ấy, họ đang sống bình yên, hạnh phúc và vẫn luôn nhớ về bạn.
Tình thương yêu còn bao gồm cả tình yêu gia đình. Cha mẹ tôi hiện sống ở Texas, còn tôi, khi lớn lên đã sống cách xa nhà hàng ngàn cây số. Tôi nhớ lúc còn bé, cha mẹ đã cho tôi một cuộc sống đầy tình yêu thương, cho đến khi tôi trưởng thành, cha mẹ vẫn luôn quan tâm đến cuộc sống riêng của tôi. Vì vậy, mỗi khi nghĩ về cha mẹ, tôi luôn có cảm giác ấm áp, hạnh phúc và bình yên. Đơn giản vì tôi yêu họ và tôi biết rằng ở nơi xa, cha mẹ cũng đang nhớ về tôi.
Helen Keller từng nói: “Khi người bạn mà tôi yêu thương qua đời... thì một phần tâm hồn tôi như cũng bị chôn theo. Nhưng nhờ họ mà tôi biết mình là ai, mình cần gì để sống hạnh phúc, tự tin hơn và luôn đứng vững trong mọi hoàn cảnh”.
Một nhóm các nhà khoa học đã bắt đầu một nghiên cứu đối với 268 sinh viên cao đẳng trong suốt 60 năm qua. Giờ đây họ đã ở tuổi 80, khác nhau về chỗ đứng trong xã hội cũng như thái độ sống. Một số người trở thành chủ tịch tập đoàn, một số khác bị đình trệ trong độ tuổi trung niên, và một số khác nữa chết vì nghiện rượu hay tự sát. Những gì được thể hiện từ thời trai trẻ liệu có thể báo trước thành công hay thất bại trong tương lai của một người hay không? Các nhà khoa học đã ngạc nhiên nhận thấy rằng, thành tích học tập trong trường ít có mối liên hệ đến khả năng phát triển công việc tương lai của một người, mà các phẩm chất khác đóng vai trò quan trọng hơn nhiều. Tiến sĩ George E. Vaillant – chuyên gia tâm thần học của Đại học Harvard, người chỉ đạo cuộc nghiên cứu này – đã quan sát cuộc sống của những người thất bại trong công việc, và nhận thấy rằng:Trong số họ, không ai có được mối quan hệ thân thiết và vững chắc nào quanh mình.
Người ta có thể khẳng định rằng, những người thất bại trong tình bạn, hôn nhân hay quan hệ gia đình thường cũng sẽ thất bại trong kinh doanh vì một lý do: thiếu kỹ năng xã hội. Khi bạn có chỗ dựa là một tình yêu, khi bạn có bạn bè và gia đình để quay về sau một ngày làm việc căng thẳng, những điều đó sẽ trở thành bánh lái đưa con tàu của bạn trở lại đúng hải trình. Mặc dù thế giới vẫn tồn tại những ngoại lệ, như Howard Hughes chẳng hạn. Tức là cũng sẽ có những người tìm cách vươn đến thành công trong kinh doanh để bù đắp cho thất bại trong đời sống tình cảm. Nhưng đó chỉ là trường hợp hiếm hoi, còn nhìn chung, vẫn tồn tại một mối tương quan trực tiếp giữa tình yêu và thành công mà con người đạt được trong cuộc sống.
Có quá ít hoặc quá nhiều bạn
Tiến sĩ Stephen Johnson khuyên mỗi người tự đặt ra những câu hỏi sau để kiểm tra xem mối quan hệ của mình đang ở mức nào:
- Bạn có ít nhất một người ở bên cạnh để có thể chia sẻ khi gặp một vấn đề cá nhân hay không?
- Bạn có vài người bạn - ít có ảnh hưởng đến bạn - để thăm hỏi không?
- Bạn có bạn bè để cùng tham gia các hoạt động vui chơi giải trí không?
- Bạn có những người bạn sẵn sàng giúp đỡ bạn bằng những cách thiết thực khi cần thiết không?
Nếu câu trả lời phần lớn là không, thì hãy dành ra cho mình một ít thời gian để chiêm nghiệm lại quãng đời mà bạn đã sống. Có thể là những tình bạn của bạn đang bị cản trở bởi xã hội. Một số người chôn vùi bản thân vào các mối quan hệ xã giao đến nỗi không có thời gian để xây dựng cho mình những tình bạn thân thiết. Và vì thế, họ không có ai để sẻ chia và cảm thông trong những hoàn cảnh khó khăn. Một tình bạn sâu đậm thật sự cần được vun đắp trong thời gian dài, quãng thời gian mà những người trong cuộc được ở bên nhau, gần gũi, cùng vui chơi, trò chuyện, bộc bạch cảm xúc cá nhân để lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau.Hạnh phúc đích thực không phải là có thật nhiều bạn bè, mà là giá trị của những tình bạn ấy.
Tình yêu – con đường dẫn đến hạnh phúc
George Bernard Shaw đã nói: “Con đường chắc chắn nhất để trở thành một người đáng thương hại là có thời gian rỗi để tự hỏi xem mình có hạnh phúc hay không”.
Chúng ta thường không tìm được hạnh phúc khi cố theo đuổi để đạt được nó, nhưng khi ta biết sống cho người khác thì hạnh phúc sẽ tự tìm đến bên ta, rất nhẹ nhàng.
Một phụ nữ trẻ đã bày tỏ quan điểm về ý nghĩa của những mối quan hệ thân thiết trong cuộc sống đối với bản thân cô ấy:
- Với những tình bạn thân, chúng ta phải cố gắng thật sự, phá vỡ mọi rào cản để tiến xa hơn. Thật là một điều kỳ diệu! Tôi về nhà và nằm trằn trọc vì gánh nặng công việc cứ đè lên tâm trí, nhưng mỗi khi nghĩ đến một người bạn thân thiết, tâm hồn tôi như được khai sáng. Và sáng hôm sau khi thức dậy, tôi thấy mình mạnh mẽ và lạc quan hơn. Tại sao chúng ta hiếm khi có được một mối quan hệ gắn bó đến mức như vậy? Lý do thật đơn giản: chúng ta không dành đủ thời gian cho nó. Nếu các mối quan hệ của ta là thứ hàng hóa có giá trị nhất mà ta có trên đời này, thì có lẽ nó sẽ có nhiều người theo đuổi. Nhưng nhiều người lại nghĩ rằng, sẽ chẳng được gì cả nếu cứ chạy theo mục tiêu điên rồ ấy, và thế là họ thản nhiên gạch chúng ra khỏi danh sách những điều cần vươn đến. Bạn có thể đạt được tất cả những gì mình muốn, nếu đủ khát khao. Nếu bạn muốn có một triệu đô-la, chắc chắn bạn sẽ có. Nếu bạn muốn chạy trong cuộc thi Boston Marathon(2), chắc chắn bạn có thể. Và nếu bạn khao khát một tình yêu, bạn cũng sẽ đạt được nó.
(2) Boston Marathon là giải Marathon lâu đời nhất trên thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1897 tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ.
Thế nên, quy tắc thứ nhất là:
Đặt những mối quan hệ của bạn lên trên hết.
NGHỆ THUẬT TỰ BỘC LỘ BẢN THÂN
“Tình yêu tồn tại trong hai nỗi cô đơn – chúng bảo vệ và va chạm lẫn nhau.”
- Rainer Maria Rilke
Những người có được một tình bạn sâu đậm, bền chặt có thể là những người hướng nội, hướng ngoại, trẻ, già, tối dạ, thông minh, thô kệch, dễ nhìn… Song, họ luôn có một đặc điểm chung, đó là không có lớp vỏ bọc bên ngoài. Họ hiện lên như một tấm kính trong suốt - bạn có thể nhìn thấu tâm can họ.
Khi Betty Ford(3)trở thành Đệ nhất phu nhân nước Mỹ, bà nhanh chóng được công chúng chú ý bởi tính cách thân thiện và bộc trực. Khi phóng viên hỏi ý kiến của bà về một sự kiện, một đề tài nào đó, bà luôn trả lời một cách thẳng thắn. Một lần, anh phóng viên nọ đi xa giới hạn đến mức hỏi bà ngủ với chồng thường xuyên đến độ nào, bà đã dí dỏm trả lời: “Thường xuyên nhất có thể”. Bà còn không ngại khi nói về chứng suy nhược thần kinh mình từng trải qua trước đó, hay cuộc đấu tranh của bà để từ bỏ rượu và ma túy.
(3) Betty Ford: Phu nhân của cố Tổng thống Gerald Ford – tổng thống thứ 38 của nước Mỹ.
Những người thẳng thắn ngay cả với các khuyết điểm của mình như bà Ford luôn có được những tình bạn đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, không phải bất cứ sự cởi mở nào cũng được tán đồng; bà đã phải hứng chịu búa rìu dư luận từ những nhóm người phản đối cách suy nghĩ quá bộc trực của bà. Nhưng nếu bạn sẵn sàng mở lòng mình thì sẽ có những người không thể không yêu thương bạn.
Trong quyển sách có nhan đề The Transparent Self (Bản ngã trong sáng), nhà tâm lý học Sidney Jourard đã làm sáng tỏ khái niệm tự bộc lộ bản thân là thế nào. Phát hiện chủ đạo của ông là: Bản tính con người có một khuynh hướng tự nhiên là muốn bộc lộ bản thân; khi khuynh hướng đó bị ngăn cản và con người thu mình vào vỏ ốc, họ sẽ gặp những trở ngại về mặt tình cảm.
Tiến sĩ Jourard bắt gặp tư tưởng này khi đang bối rối với điều mà các bệnh nhân thường xuyên nói với ông: “Ông là người đầu tiên mà tôi có thể tâm sự một cách hoàn toàn thành thật”.
Jourard viết: “Tôi tự hỏi bị hiểu rõ một cách miễn cưỡng bởi người bạn đời, gia đình, bạn bè và nhu cầu tham khảo ý kiến một bác sĩ tâm lý có khác gì nhau không?”. Rồi ông kết luận: Chính sự che giấu và thu mình theo thói quen đã dẫn đến sự hao mòn của tính cách; mặt khác, sự thành thật đúng nghĩa có thể là con đường bảo đảm cho sức khỏe, phòng tránh được các căn bệnh về thần kinh cũng như về thể chất.
Dù giả thuyết của tiến sĩ Jourard về việc “sự thành thật góp phần cải thiện sức khỏe” có đúng đắn đến mức nào chăng nữa thì chúng ta vẫn không nghi ngờ gì việc “sự thành thật góp phần củng cố tình bạn”. Chúng ta luôn thích trò chuyện và ở bên cạnh những người cởi mở với mình. Đó cũng chính là sức mạnh vô hình nối kết bạn và tôi.
Những tấm mặt nạ
Tại sao chúng ta lại hay giấu mình đằng sau những tấm mặt nạ? Đây quả là một câu hỏi hóc búa. Chúng ta do dự giữa thôi thúc muốn bày tỏ mình và thôi thúc phải tự bảo vệ mình bằng một lớp vỏ bọc để đảm bảo sự riêng tư. Chúng ta vừa muốn trốn tránh, lại vừa muốn được người khác quan tâm.
Chúng ta dựng nên bức tường xung quanh mình vì một số lý do nhất định. Một mặt do nền văn hóa và trào lưu xã hội. Chúng ta có vẻ ngưỡng mộ những hình mẫu anh hùng như James Bond - một người sức khỏe dẻo dai, sống độc lập, không biểu lộ cảm xúc, không hề vướng bận những mối quan hệ cá nhân, và đặc biệt có thể kiểm soát mọi tình huống. Chúng ta bắt chước hình mẫu đó mà không suy nghĩ về những vấn đề mang tính thực tế trong đời sống chúng ta đang tồn tại, cùng những mối quan hệ khác. Một lý do quan trọng hơn để những “tấm mặt nạ” tồn tại trong chúng ta là nỗi sợ bị từ chối. Từ nỗi sợ này, nhiều người đã dựng nên một lớp vỏ bọc để tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, một sự thật chúng ta dễ nhận ra là sự tự bộc lộ bản thân lại có tác dụng ngược lại hoàn toàn với suy nghĩ trên. Khi người ta gỡ bỏ tấm mặt nạ của mình thì người khác cũng xích lại gần họ hơn.
Tại sao ta không thành thật với chính mình trong khi điều này có thể xóa bỏ rào cản với những người xung quanh và lôi kéo họ vào một mối quan hệ thân thiết hơn. Sol Hurok, ông bầu tổ chức các buổi hòa nhạc lớn, từng nói rằng Marian Anderson(4)không đơn giản là trưởng thành một cách vĩ đại, mà bà ấy đã trưởng thành và trở nên vĩ đại một cách đơn giản. Ông kể lại như sau:
(4) Marian Anderson (1897 – 1993): Ca sĩ nhạc thính phòng nổi tiếng người Mỹ.
“Vài năm trước, một phóng viên đã phỏng vấn Marian và hỏi bà về khoảnh khắc tuyệt nhất trong cuộc đời mình. Bà đã từng được Toscanini(5)ca ngợi là người có giọng hát hay nhất thế kỷ. Bà cũng đã có một buổi hòa nhạc cá nhân tại Nhà Trắng để phục vụ gia đình Tổng thống Roosevelt cũng như Vua và Hoàng hậu nước Anh. Bà đã nhận được giải thưởng Bok với tư cách là người cống hiến nhiều nhất cho thành phố Philadelphia quê hương. Hơn hết, đã có một ngày Chủ nhật Phục sinh ở Washington, bà đứng bên dưới tượng Lincoln và hát cho một đám đông 75.000 người, bao gồm cả các thành viên Nội các, Tòa án tối cao, và hầu hết các thành viên của Quốc hội nghe.
(5) Arturo Toscanini (1867 – 1957): Nhà chỉ huy dàn nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại người Ý. Một người có cá tính khác thường, theo chủ nghĩa cầu toàn không giới hạn, với đôi tai sinh ra cho âm nhạc và một trí nhớ như được chụp ảnh.
Nhưng cuối cùng, bà đã chọn khoảnh khắc nào?
Không khoảnh khắc nào cả. Mà bà đã kể cho người phóng viên kia nghe một điều hết sức bình dị, rằng khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong đời bà là khi bà trở về nhà và nói với mẹ rằng bây giờ bà không còn phải giặt giũ nữa.”
Nếu thành thật hơn với chính mình, chúng ta sẽ tận hưởng được những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của bản thân; nếu xây nhiều cửa sổ hơn và hạ bớt những bức tường xuống, chúng ta sẽ có nhiều bạn bè.
“Tôi thấy mình như bị bỏ quên...”
Một phụ nữ đã kể với tôi thế này:
- Cuộc sống đâu chỉ có thế, chúng tôi đã lấy nhau được 23 năm, nhưng nếu không có gì tốt đẹp hơn ở phía trước trong cuộc hôn nhân này, thì tôi nghĩ mình đã sẵn sàng để bỏ cuộc.
Chồng cô là một người đàn ông trầm tính, cẩn thận và khá điềm tĩnh. Nhưng người vợ lại không xem đây là những đức tính tốt. Cô ta phàn nàn:
- Tôi không bao giờ biết được anh ấy nghĩ gì và tôi thấy mình như bị bỏ quên trong cuộc đời anh.
Thường thì các ông chồng sẽ rất ngại khi đến văn phòng tâm lý để được tư vấn theo đề nghị của vợ mình. Nhưng Joel, chồng người phụ nữ ấy thì sẵn sàng làm việc đó. Và tôi đã khám phá ra những bức tường anh tự dựng nên đã che giấu vô số nỗi sợ hãi, ám ảnh và bất an. Anh cảm thấy không thoải mái khi phải nói về những khía cạnh đó của mình, vì ngại vợ mình sẽ xem thường khi biết mình là một người yếu đuối. Đáng buồn thay, cô ta lại sắp rời bỏ anh bởi chính những bức tường do anh tự tạo ra. Khi bắt đầu hiểu được điều ấy, anh dần hé lộ sự bất an của mình, vợ anh bắt đầu hiểu hơn về những gì đang đè nặng tâm trí chồng và biết rằng anh cần cô như thế nào. Việc cư xử hòa hợp, thấu hiểu tâm trạng của nhau đã giúp họ lấy lại sự thoải mái và cân bằng, giúp cho cuộc sống hạnh phúc trở lại.
"Mặt trái” của mỗi người
Carl Jung - chuyên gia lão luyện người Thụy Sĩ về tâm thần học - đã khuyên con người nên làm quen với cái mà ông gọi là “mặt trái của bản thân”. Thật vậy, trong bản thân mỗi người luôn có một phần tâm hồn ẩn giấu những quá khứ làm chúng ta day dứt. Vì vậy, chúng ta luôn cố giải thích và bỏ qua cái-phần-bên- trong đó của mình bằng nhiều cách.
Chúng ta thường miễn cưỡng bày tỏ khía cạnh này cho người khác biết, mà không nghĩ rằng mọi người sẽ khoan dung hơn cả cách chúng ta đối xử với chính mình. Và một phản ứng mang tính tất yếu sẽ xảy ra là: Một khi đã kể cho người khác bí mật của riêng mình, ta cũng bắt đầu hiểu bản thân một cách rõ ràng hơn.
Chúng ta không bao giờ thật sự hiểu hết về bản thân, trừ phi tự bộc lộ cho người khác thấy. Khi mở lòng với người khác chính là lúc bạn hiểu rõ tâm hồn mình hơn. Vậy nên, bạn sẽ có thể định hướng cho tương lai của mình một cách cụ thể và rõ ràng dựa trên nền tảng của những hiểu biết này. Lời sấm Delphic đã khuyên con người “Hãy hiểu rõ bản thân”, và chúng ta có thể giải thích lời khuyên này như sau: Hãy bộc lộ bản thân một cách rõ ràng, rồi bạn sẽ hiểu được chính mình.
Việc tự bộc lộ bản thân giúp chúng ta nhìn nhận, cảm giác, tưởng tượng và hy vọng về những thứ mà ta có thể không bao giờ nghĩ là chúng tồn tại. Nó giúp chúng ta sống thật với lòng mình và sẵn sàng đối mặt với những góc khuất nơi tâm hồn.
Người thẳng thắn luôn có sức cuốn hút?
Tiến sĩ Bruce Larson thường nhắc rằng, chúng ta nên có ít nhất một người bạn mà ta có thể giãi bày với họ mọi thứ. Ngay cả bản thân tôi khi mới nghe điều này cũng cảm thấy hết sức bối rối, vì chưa bao giờ tôi tâm sự những điều sâu kín với bất kỳ ai, dù đó là người thân nhất. Tôi sẵn sàng chia sẻ và cởi mở với mọi người, nhưng phơi bày hoàn toàn bản thân thì thật quá liều lĩnh.
Tuy nhiên, một vài năm sau, điều này đã thấm nhuần trong tôi và người bạn Markus Svensson đã giúp tôi làm điều đó. Kết quả thật không ngờ, tôi bắt đầu cảm nhận được cảm giác an toàn, dễ chịu và tự tin hơn khi có người hiểu rõ về mình, chấp nhận mình với tất cả những gì vốn có, không hề giấu giếm, che đậy. Tuy Mark và tôi có nhiều điểm khác biệt cả về ngoại hình lẫn tuổi tác - ông có vóc người thấp bé với bộ râu đen, tôi thì cao và tóc vàng; ông là một nhà quản trị tài ba, tôi thì đi theo con đường học vấn; ông là dân nhập cư Thụy Điển trong khi tôi là người Texas chính gốc; và thêm một điều nữa là Mark hơn tôi 15 tuổi - nhưng những điểm khác biệt ấy không thể ngăn cách tình bạn của chúng tôi.
Tôi có thể hoàn toàn là chính mình khi ở bên Mark. Ông không bận tâm đến sự thất thường trong tâm trạng của tôi, và tôi cũng cảm thấy như vậy với ông. Không phải lúc nào cũng chấp nhận những suy nghĩ hay hành động của tôi, nhưng Mark chưa bao giờ chế giễu con người tôi. Đôi khi chúng tôi nổi giận với nhau, nhưng điều đó không làm lung lay tình bạn mà ngược lại, giúp chúng tôi hiểu nhau và trân trọng nhau hơn.
“Ôi sự thoải mái, sự thoải mái không lời nào diễn tả được của việc cảm thấy an toàn khi ở bên cạnh một người bạn. Không việc gì phải đắn đo suy nghĩ hay câu nệ, khách sáo mà cứ việc trút hết ra, như nó vẫn vậy, gạo và trấu lẫn lộn, rồi sẽ có bàn tay hứng lấy và sàng lọc chúng, khi ấy hơi thở của sự ân cần sẽ thổi những thứ vướng bận bay đi”.
Để mọi người đến gần bạn hơn
Một chuyên gia tâm thần học nổi tiếng đã khởi xướng một buổi hội nghị chuyên đề về các phương pháp giúp con người cởi mở hơn. Chuyên gia này đã tuyên bố một cách hùng hồn rằng: “Tôi cược rằng bằng kỹ thuật của mình, tôi sẽ khiến mọi người nói về những điều riêng tư của họ mà không cần phải hỏi họ một câu nào”. Công thức thần kỳ của ông là gì? Đơn giản chỉ là: Ông bắt đầu câu chuyện bằng việc sẻ chia những bí mật riêng tư của chính mình. Điều này đã kết nối sợi dây cảm xúc giữa ông với người đối diện, giúp họ tin tưởng để có thể tâm sự với ông nhiều hơn.
Quy tắc này cũng được áp dụng cho tất cả các mối quan hệ của con người. Nếu bạn dám khởi đầu bằng việc bộc lộ bản thân, người khác cũng sẽ sẵn sàng bộc lộ những điều thầm kín của họ với bạn. Ánh sáng trong suốt tỏa ra từ bạn sẽ thu hút người khác đến gần bạn hơn.
Tôi có biết một bác sĩ tâm lý - tiến sĩ Paul Tournier – và câu chuyện về bước ngoặt sự nghiệp của ông ấy.
Khi còn thực tập ở Geneva với vai trò là bác sĩ nội khoa, ông đã đi dự một buổi họp mặt nhỏ được tổ chức trong một căn nhà ấm cúng. Ở đó, mọi người được khuyến khích là chính họ, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, tội lỗi, sự bất an, và tất cả những gì bản thân họ đã trải nghiệm. Vốn là một người sùng đạo nhưng Tournier nói rằng, trong bầu không khí đó, ông đã thay đổi hoàn toàn quan điểm về mặt tâm linh của mình. Sau thời gian đó, khi trở về với công việc thường ngày, ông nhận ra mọi người bắt đầu cởi mở với ông hơn. Trước đây, các đồng nghiệp chỉ nói với ông về người bệnh, căn bệnh, triệu chứng… Còn bây giờ, họ đã có thể mở rộng đề tài nói chuyện về cuộc đời của chính họ. Họ cởi mở với ông bởi bản thân ông đã trở thành một con người thân thiện, dễ gần. Không ai thật sự thích việc đeo một tấm “mặt nạ” cả. Được thấu hiểu và được chấp nhận là một trải nghiệm có khả năng mang đến cho bạn sự thanh thản và chữa lành mọi vết thương.
Khi nào thì nên hoàn toàn thành thật?
Có ba điều bạn cần lưu ý.
Thứ nhất, một số người luôn cố gắng nói suy nghĩ của họ cho người khác biết một cách “hoàn toàn thành thật” trong bất cứ chủ đề nào của câu chuyện. Nhưng nếu bạn bày tỏ ý kiến không tương đồng với quan điểm của họ, họ sẽ phản bác lại ngay.
Đó là một cách sống không được sáng suốt cho lắm. Đôi khi, bạn sẽ là một người khôn ngoan cũng như lịch sự hơn khi biết giữ ý kiến cho riêng mình. Thứ hai, tôi chắc chắn không tán thành khi đời sống riêng tư của mình trở thành một cuốn sách rộng mở mà bất cứ ai cũng có thể đọc được.
Hầu hết chúng ta đều tỏ ra nghi ngại trước những người “ruột để ngoài da”, sẵn sàng kể lể chi tiết về bản thân với người khác chỉ sau vài giờ quen biết. Thật là vô lý khi cố gắng tỏ bày bản thân cho tất cả mọi người, hay thậm chí với bất kỳ ai. Tất cả chúng ta đều có quyền giữ im lặng và phải quyết định nên bày tỏ về bản thân trong những lúc cần thiết ở mức nào. Đó mới là cách cư xử khéo léo nhất. Điều cảnh báo cuối cùng: Chúng ta sẽ phải thận trong trong việc bày tỏ cảm xúc hay sự thật nào đó mà nó có thể làm tổn thương đến người khác. Đối với những vấn đề như thế, đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc một cách kỹ lưỡng, cả mặt tốt cũng như mặt hạn chế để có cách xử lý phù hợp và có lợi nhất.
Nếu bạn muốn các mối quan hệ của mình trở nên sâu đậm hơn thì quy tắc thứ hai cần ghi nhớ là:
Biết cách tự bộc lộ bản thân.
NÓI LÊN TÌNH CẢM CỦA MÌNH
“Quan điểm của chúng ta về người khác ít khi dựa vào những gì ta nhận thấy bên trong họ mà thường xuất phát từ những gì họ làm ta nhận thấy ở bản thân mình.”
- Sara Grand
Vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, khi thảm họa ở tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới xảy ra, hàng trăm người sống sót đã bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Tuy nhiên, họ vẫn có thể sử dụng điện thoại di động để liên lạc với gia đình. Trong giây phút ấy, họ đã nói gì? Đó có phải là những chỉ dẫn để người thân có thể tìm thấy giấy tờ bảo hiểm hay di chúc không? Hay họ bảo chồng hoặc vợ mình phải làm gì khi bán căn nhà đi?
Không, những thứ đó bấy giờ đối với họ và cả người thân của họ chẳng còn quan trọng nữa. Thông điệp mà họ lặp đi lặp lại nhiều nhất là: “Em yêu, hãy nhớ rằng anh luôn yêu em”, “Hãy nhắc với lũ trẻ là em yêu chúng rất nhiều”, và họ nói trong gấp gáp: “Hãy gọi cho mẹ và bảo rằng anh yêu mẹ nhiều lắm”…
Bản chất ý nghĩa sự tồn tại của chúng ta không phải là những giá trị vật chất như tiền bạc, tài sản... mà trên tất cả là tình yêu. Có thể vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta rất ít khi bày tỏ tình cảm của mình đến những người thân yêu. Nhưng một khi phải xa họ, ta sẽ nhận ra giá trị đích thực của tình yêu.
Khi Gale Sayers và Brian Piccolo cùng quay về Chicago Bears, bắt đầu ở chung phòng với nhau vào năm 1967, đó là cột mốc đầu tiên phá vỡ định kiến về sắc tộc trong một đội bóng bầu dục. Nó cũng là trải nghiệm đầu tiên của cả hai: Sayers chưa bao giờ có một tình bạn thân thiết với một người da trắng nào trước đây, còn Piccolo thì chưa bao giờ quen biết một người Mỹ gốc Phi nào. Một bí mật làm nên tình bạn của hai người là cả hai đều có tính hài hước. Trước một trận đấu giao hữu vào năm 1969 tại Washington, một phóng viên trẻ đã táo bạo đột nhập vào phòng khách sạn của họ để phỏng vấn.
- Mối quan hệ giữa hai người thế nào? - Phóng viên hỏi.
- Chúng tôi rất hòa thuận với nhau, cho đến khi nào mà anh ta không dùng nhà tắm - Piccolo nói.
- Các bạn thường nói về chuyện gì? - Phóng viên lại hỏi tiếp, không chú ý đến những tiếng cười tán thưởng.
- Hầu hết là quan hệ sắc tộc. - Gale đáp. - Không có gì khác ngoài sự phân biệt chủng tộc. - Piccolo thêm vào.
- Nếu được chọn, các bạn sẽ chọn ai là bạn cùng phòng với mình?
- Nếu anh hỏi chúng tôi rằng ai là hậu vệ da trắng người Ý đến từ Wake Forest, tôi sẽ trả lời rằng đó là Pick (Piccolo). - Sayers trả lời. Nhưng ẩn sau những câu đùa vui vẻ ấy là một tình bạn khắng khít mà họ dành cho nhau. Và như trong bộ phim Brian’s song (Tiếng hát của Brian) đã mô tả một cách sâu sắc, tình bạn giữa Sayers và Piccolo sâu đậm đến mức nó đã trở thành một trong những mối quan hệ tốt đẹp nhất hình thành trong lịch sử các môn thể thao.
Sau đó không lâu, suốt mùa giải năm 1969, căn bệnh ung thư đã đánh gục dần Piccolo. Anh đã rất cố gắng để chơi hết giải nhưng thời gian nằm trong bệnh viện nhiều hơn là ở ngoài sân đấu. Gale Sayers đến thăm anh thường xuyên nhất có thể.
Trong lễ trao giải thưởng thường niên George S. Halas Award dành cho vận động viên can đảm nhất do Hội Bóng bầu dục nhà nghề Mỹ tổ chức, Gale Sayers đã được bước lên bục vinh danh, trong khi Brian Piccolo đang nằm trên giường bệnh. Khi lên nhận phần thưởng, Sayers đã khóc. Anh đã có một bài phát biểu ngắn đầy xúc động:
“Các bạn đã tôn vinh tôi bằng cách trao cho tôi phần thưởng này. Nhưng ngay lúc này đây, tôi phải nói với các bạn rằng, tôi đang nhận nó thay cho bạn của tôi - Brian Piccolo. Piccolo là một người can đảm, anh xứng đáng được nhận giải thưởng George S. Halas Award hơn ai hết. Tôi yêu quý Brian Piccolo, và tôi muốn các bạn cũng yêu quý anh ấy.”
Cuộc sống của chúng ta có thể trở nên thú vị hơn nhiều, nếu chúng ta dám thổ lộ tình cảm của mình như những gì Sayers đã làm đêm đó ở New York.
Sự thân mật
Vì không muốn tỏ ra quá yếu đuối, nhiều người trong chúng ta đã kìm nén những hành động thể hiện tình cảm thật của mình. Thay vì nói “Chúc bạn mọi điều tốt lành”, chúng ta chỉ có thể nói “Cảm ơn”, và chỉ nói “Tạm biệt” khi muốn nói rằng “Tôi sẽ nhớ bạn rất nhiều”. G. K. Chesteron từng nói, đại ý: Nỗi sợ hãi tầm thường nhất là nỗi sợ sự yếu mềm. Ta sẽ có những tình yêu lớn, nếu có thể thoải mái hơn trong việc thổ lộ cảm xúc yêu thương của mình.
Tại sao chúng ta lại quá miễn cưỡng để nói một cách thẳng thắn rằng chúng ta quan tâm đến người khác? Có một vài lý do giải thích cho điều này, đó là nỗi e sợ lời đề nghị của ta sẽ bị từ chối. Hay thậm chí còn tệ hơn, đặc biệt là đối với nam giới, chúng ta lo ngại bị chê cười vì tính đa cảm của mình. Ít có cảm xúc nào đáng sợ hơn là sự hổ thẹn, và vì thế, chưa bao giờ chúng ta dám đối mặt để nói lên tình cảm thật xuất phát tự đáy lòng. Nhưng người được nhiều người yêu mến lại thường là người biết gạt bỏ sự rụt rè, thận trọng để thổ lộ tình cảm chân thật của mình. Thomas Jefferson(6)là một người đàn ông lý tưởng nhưng cũng khá nhạy cảm với việc nói lên cảm xúc của mình. Có một thời gian trong sự nghiệp, vì quá muộn phiền với chiến thắng của Hamilton tại Washington, ông đã từ bỏ tất cả để đến Monticello, cắt đứt các mối quan hệ, và trong suốt 37 tháng, ông không đi xa nhà quá mười cây số. Jefferson quả thật là một người yếu đuối đến đáng ngạc nhiên.
(6) Thomas Jefferson (1743 - 1826): Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ (nhiệm kỳ 1801 - 1809).
Nhưng liệu nỗi xấu hổ có ngăn ông thể hiện tình yêu của mình khi thật sự cảm nhận được nó không? Fawn M. Brodie, người viết tiểu sử về Jefferson đã kể: “Những lá thư ông gửi cho hai người con gái là Martha và Maria chan chứa tình thương, cuốn hút như khung trời rộng mở”. Và khi viết cho người bạn yêu dấu của mình, John Adams, ông đã nhắc đến 1.819 lần những câu “ủy mị” như: “Hãy giữ gìn sức khỏe và tin rằng anh là người tôi yêu quý nhất”. Một chuyện cảm động khác cũng về Jefferson như sau.
Ông có người bạn là đại tướng Pháp Lafayette. Hai người vẫn trao đổi thư từ với nhau thường xuyên nhưng không hề gặp nhau trong suốt 35 năm, cho đến năm 1824, khi Tổng thống Monroe mời ngài đại tướng Pháp đến thăm nước Mỹ. Lúc đó, Lafayette 67 tuổi và Jefferson đã 81 tuổi. Dù chỉ ở một ngày tại Quincy, Massachusetts, Lafayette đã nhanh chóng đi về phía Nam để tìm gặp Jefferson.
Vào một buổi sáng tháng 11, khi xe của Lafayette vừa đến Monticello, một đám đông đã chứng kiến cuộc hội ngộ đó. Họ kể lại như sau: “Khi Lafayette xuống xe, cả ông và Jefferson đều rảo bước nhanh hơn, cho đến khi ôm chầm lấy nhau trong những giọt nước mắt hạnh phúc”.
Khi làm việc với những cặp vợ chồng đã ly hôn, tôi thường ước mong họ có thể học được một bài học yêu thương nào đó từ những người như Gale Sayers, Thomas Jefferson - những người dám bày tỏ tình yêu của mình. Nhiều phụ nữ độc thân cho rằng họ phải tỏ ra lạnh nhạt trong những buổi hẹn hò nếu không muốn làm cánh đàn ông chán ngấy và bỏ đi. Mặc dù, người phụ nữ có thể bị cuốn hút bởi đối tượng của mình nhưng cô vẫn phải giữ kín cảm xúc đó trong lòng. Và cô đã sai lầm vì thái độ xa cách như vậy thật sự đã làm cho buổi hẹn hò thất bại.
Thật buồn khi hai người đến với nhau và cảm thấy rất hợp nhau, nhưng vì e thẹn, họ không dám thổ lộ tình cảm. Và thế là, mối quan hệ đó dần phai nhạt rồi kết thúc. Bi kịch ở chỗ: Tình yêu ấy không được đáp lại chỉ vì nó không được thổ lộ.
Những cô gái khó gần
Theo kinh nghiệm người xưa thì một cô gái khó gần thường được săn đón nhiều hơn một cô gái dễ gần và thân thiện.
Nhưng tiến sĩ Elaine Walster và các cộng sự đã kể lại trong quyển sáchPsychology Today(Tâm lý học ngày nay) về những nghiên cứu thực tế với vài trăm sinh viên nam để xác định phản ứng của họ với các tuýp phụ nữ khác nhau. Ban đầu, khi được phỏng vấn, những nam sinh này nói họ thích những bạn nữ khó gần hơn, vì tạo ra cảm giác hấp dẫn. Họ bị kích thích bởi thách thức chinh phục tỏa ra từ những cô gái như thế.
Mặt khác, những nam sinh viên cho rằng, các cô gái dễ gần thường hay mang lại phiền phức. Họ thường quá nồng nhiệt với những buổi hẹn hò; và khi đã có được người đàn ông rồi, họ trở nên nghiêm túc, phụ thuộc, thậm chí đòi hỏi thái quá ở bạn trai. Tóm lại, gần như tất cả nam giới được phỏng vấn đều đồng ý với giả thuyết của nhà nghiên cứu đưa ra: Người phụ nữ khôn ngoan phải biết tỏ ra lạnh nhạt.
Nhưng những dữ liệu thống kê này đã nhanh chóng bị phá vỡ khi các nhà khoa học thực hiện bước tiếp theo. Họ sắp xếp cho các nam sinh viên gặp gỡ những cô gái như họ mong đợi – tức kiêu kỳ, khó gần. Với một nửa số đàn ông, các cô gái được hướng dẫn là phải trở nên hờ hững và có ý lảng tránh. Với nửa còn lại, họ phải tỏ ra thân thiện và biểu lộ tình cảm nồng nhiệt. Và điều bất ngờ đã xảy ra. Người con gái càng bộc lộ tình cảm của mình nhiều chừng nào thì chàng trai càng muốn theo đuổi chừng ấy. Có vẻ như cả thế giới đều hướng về những ai biết yêu thương.
Các nhà tâm lý học tiếp tục thực hiện lần phỏng vấn thứ hai đối với các nam sinh viên. Lần này, họ phỏng vấn từng người một cách cẩn thận hơn, yêu cầu các chàng trai nói ra những mặt tích cực cũng như bất lợi của tuýp phụ nữ khó gần cũng như tuýp phụ nữ dễ gần. Kết quả như sau:
- Cả hai kiểu phụ nữ đều có sức hấp dẫn riêng, đồng thời cũng tạo ra những mối e ngại riêng.
- Người phụ nữ lạnh lùng có vẻ như là một ẩn số kích thích sự khám phá để chinh phục, nhưng bản thân cô ta lại là vấn đề, bởi cô ta hoàn toàn không nhiệt tình với bạn, cô ấy có thể cho bạn “leo cây” và khiến bạn bẽ mặt trước bạn bè. Cô ấy cũng có vẻ không thân thiện, lạnh nhạt và không nhân nhượng trong bất cứ chuyện gì. Tuy nhiên, một khi đã gặp được đúng “đối tượng” thì cô ấy sẽ rất nồng nhiệt trong tình cảm, do đó càng trở nên quyến rũ. Người phụ nữ như vậy rất được cánh đàn ông săn đón.
- Với người phụ nữ dễ gần, dù họ trở nên quá nghiêm túc trong mối quan hệ và khó mà dứt ra được thì cô ta vẫn sẽ nâng cao lòng tự tôn của bạn lên, khiến cho cuộc hẹn giữa hai người trở nên thoải mái và nhiều thú vị.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu kết luận: Cả hai kiểu phụ nữ này đều có những mặt tốt và chưa tốt riêng. Lời khuyên mà các nhà khoa học đưa ra là: Hãy biết cách hờ hững một cách có chọn lọc. Nếu bạn là hiện thân của sự lạnh lùng nhưng lại trở nên thân thiện và nồng nàn khi quan tâm thật sự đến một người nào đó, bạn sẽ luôn là người chiến thắng.
“Trường cảm xúc”
Bạn có muốn biết cách làm cho người khác quan tâm đến mình với tỉ lệ hiệu quả đến 90%? Nó thật đơn giản. Tuy nhiên, có rất nhiều người muốn được yêu thương mà lại hầu như không chịu thực hiện cái quy tắc tuyệt đối đúng mà Seneca đã thể hiện một cách ngắn gọn từ hai ngàn năm trước: “Nếu bạn muốn được yêu thương, hãy yêu thương”.
Những người sẵn sàng trao trái tim họ và thổ lộ sự yêu mến đối với người khác thì không vì lẽ gì mà người được nhận những tình cảm đó lại chối từ.
Trong cuốn sách Love and Will (Tình yêu và ý định), tác giả Rollo May đã viết rất hấp dẫn về chủ đề này:
“Có một hiện tượng kỳ lạ trong tâm lý liệu pháp là khi bệnh nhân có những xúc cảm như giận dữ, ghét bỏ hay thù địch thì bác sĩ trị liệu nhận thấy mình cũng có những xúc cảm đó. Nó gắn liền với sự thật là: Khi một mối quan hệ phát triển dựa trên cơ sở là sự chân thành thì đôi bên sẽ đồng cảm và chia sẻ với nhau những cảm xúc chung. Điều này dẫn đến một chân lý rằng, từng ngày trong cuộc đời mình, chúng ta hãy biết cách yêu thương những người yêu thương chúng ta. Ý nghĩa của “việc chinh phục” và “chiến thắng” một người nằm ở đây. Sức hút mạnh mẽ của việc yêu một ai đó xuất phát ngay từ việc cô ấy/anh ấy cũng yêu bạn. Cảm xúc này đánh thức những phản hồi tích cực.”
Rollo May chính là người đầu tiên thảo luận về cái gọi là “trường cảm xúc” - điều mà tất cả chúng ta đều từng trải qua. Khi ai đó quan tâm đến chúng ta và biểu lộ tình cảm của họ, ta cũng nhận thấy có một cảm xúc mạnh mẽ tương tự lan tỏa trong lòng, như May đã nói: “Sức hút mạnh mẽ của việc yêu một ai đó xuất phát ngay từ việc cô ấy/anh ấy cũng yêu bạn”.
Lời biện hộ cho đam mê trong tình cảm
Bạn có cảm thấy ngại ngần khi nói với người khác rằng bạn quan tâm đến họ không? Bạn có dám nói lên những cảm xúc đang trào dâng trong lòng, hay sẽ ủ kín nó?
“Anh trông chờ em đến biết dường nào, em yêu của anh”.Đó là lời Woodrow Wilson viết cho vị hôn thê của mình, Ellen Axson, vào năm 1884.
Ông bày tỏ tình cảm của mình một cách nồng nhiệt, điều mà có thể chúng ta cho là cường điệu:
“Thật là một niềm vui và hạnh phúc khi được ngồi tâm tình với em vào những lúc thế này; để nói về tương lai, nói về tình yêu, về những điều tốt đẹp sẽ đến; để thắp sáng cho trái tim anh và em - luôn ở bên nhau trên thế gian này.”
Quá đa cảm ư? Có thể. Nhưng cảm xúc mạnh mẽ ấy chắc chắn sẽ được đón nhận và đáp trả tương xứng.
Một câu chuyện được xem như giai thoại vui, mà mọi người truyền tai nhau rất nhiều vì sự lãng mạn của nó, liên quan đến nhà soạn kịch Thomas Otway(7). Người ta kể lại rằng ông đã tuyệt thực trong ba ngày, với hy vọng sẽ làm xiêu lòng cô đào hát Elizabeth Barry, để sau đó chạy ra đường và ăn ngấu nghiến những ổ bánh mì, đến nỗi chết vì bội thực. Nếu có ai được xem là kẻ cuồng si trong tình yêu thì không thể không kể đến Theodore Roosevelt. Khi còn là chàng sinh viên năm thứ ba ở Harvard, ông đã gặp Alice Hathaway, lúc này mới 17 tuổi, là họ hàng của một người bạn thân. Từ ánh mắt đầu tiên, ông đã bị chìm đắm trong tình yêu. Trong nhật ký ngày 25 tháng giêng năm 1880, ông đã viết:
(7) Thomas Otway (1652 – 1685): Kịch tác gia nổi tiếng người Anh thời Phục Hưng.
“Một năm sau ngày lễ Tạ ơn, tôi đã thề sẽ có được nàng nếu có thể. Và giờ đây, tôi đã thực hiện được điều đó, mục đích của cả đời tôi là làm cho nàng hạnh phúc... Chao ôi, tôi phải yêu thương nữ hoàng của mình thế nào đây! Làm sao nàng, một người thật trong trắng, dịu hiền và xinh đẹp, lại nghĩ đến việc kết hôn với tôi. Tôi không thể hiểu được, nhưng tôi cám ơn Tạo hóa đã mang nàng đến với tôi.”
Còn Marian Evans, trong bức thư viết cho bà Burns-Jones vào năm 1875, có đoạn như sau:
“Có vẻ như tôi không chỉ yêu, mà người ta còn nói với tôi rằng tôi được yêu. Tôi không chắc bạn có đang cùng cảm giác với tôi không. Nhưng thế giới của sự im lặng đã đủ rộng lớn bên dưới nấm mồ rồi. Đây là thế giới của từ ngữ và lời nói, và tôi sẵn sàng nói rằng bạn là một người bạn rất thân thiết của tôi.”
Ai nhận được một lá thư như thế mà có thể hờ hững với tác giả của nó cơ chứ?
Một số cạm bẫy trong câu nói “Tôi yêu bạn”
Có những “cái hố” cần tránh khi thổ lộ tình yêu thương. Những kiểu người sau đây đã mắc sai lầm khi thực hiện đặc quyền được lên tiếng của mình.
- Người hay thổ lộ tình cảm:
Đây là dạng người cứ mở miệng ra là nói những lời yêu đương ngọt ngào. Nếu bộc lộ tình cảm không đúng chỗ và giả tạo, mọi người sẽ nhanh chóng chán ngấy những lời bạn nói. Đừng thể hiện những cảm xúc mà bạn không có, nhưng cũng đừng ngại ngần thể hiện những suy nghĩ tốt đẹp của bạn về người khác.
- Người hay tạo áp lực:
Đây là loại người thường xuyên nói câu “Tôi yêu bạn” để mong nhận lại được chính câu nói đó. Đừng đòi hỏi phải nhận lại một lời khen khi bạn tán dương một ai đó, cũng đừng đòi hỏi người ta phải tận tâm với mình khi bạn nói cho họ biết về tình cảm của bạn. Thay vì tạo ra áp lực, hãy để lời khen của bạn trở thành một sự bộc lộ tự nhiên về những gì đang xảy ra bên trong bạn.
- Người vô tâm:
Đây là loại người hay nói ra những lời yêu thương mà không để ý đến phản ứng của người khác. Tiến sĩ Stephen Johnson nói rằng, quá trình tiếp cận một người thường phải tuân theo quy tắc:
Thứ nhất, tiếp cận; thứ hai, quan sát phản ứng của đối phương; thứ ba, tiến tới, dừng lại hoặc rút lui, tùy vào tín hiệu mà bạn nhận được.
Bi kịch của việc “chờ đợi” đến khi quá trễ
Hugh là một nhân viên bán hàng trẻ với mái tóc xoăn gợn sóng. Anh đến văn phòng tư vấn của tôi trong tâm trạng rối bời và đang đắn đo về công việc của mình – nó khiến anh có cảm giác bất lực. Tôi hỏi về tuổi thơ của anh, rằng anh có hạnh phúc không?
- Thật sự là không. - Anh kể. - Cha mẹ tôi ly dị và tôi sống với cha. Cha tôi là một người thô lỗ, ông luôn chỉ trích tôi. Hồi bé, tôi đã cố làm vừa lòng ông, nhưng dường như mọi cố gắng của tôi đều không đem lại kết quả. Vài năm sau khi ông mất, tôi đã đi thăm mẹ, và đến chỗ quán rượu nơi cha tôi thường lui tới. Một vài người bạn nối khố của ông cũng ở đó, và họ nói về những lời tán dương mà ông vẫn dành cho tôi hồi ông còn làm việc ở nhà máy cùng họ. Tôi nghe mà sửng sốt. Tôi không hề biết rằng đằng sau vẻ cáu bẳn của ông là một người cha đầy tình yêu thương đến vậy. Đây đúng là một bi kịch. Những hiểu lầm như vậy hoàn toàn có thể tránh được, nếu người ta dám thể hiện tình cảm thật của mình khi họ cảm nhận được nó. Có một phép màu trong câu nói “Tôi yêu bạn”. Con cái của bạn sẽ đáp lại, cha mẹ bạn sẽ cảm thông, bạn bè sẽ yêu thương bạn hơn vì điều đó.
Có thể câu “Tôi yêu bạn” khó thốt ra đối với nam giới nhưng vẫn có những cách khác để thể hiện tình cảm ấm áp của tình bạn. Bạn có thể nói cho bạn của mình biết rằng bạn nhớ anh ta, và thật ý nghĩa nếu cả hai cùng đi ăn trưa chung, hay bạn có thể nói với anh ta rằng tình bạn của hai người là điều tuyệt vời nhất bạn đang có.
Đôi khi, bạn có thể nhân đôi tác dụng lời khen của mình bằng cách liên hệ nó với người khác. Ví dụ, khi bạn nói với vợ của bạn mình rằng bạn rất cảm kích vì những điều mà chồng cô đã làm, thì bạn đã làm hai người vui lòng: thứ nhất là vợ người bạn kia, bởi vì cô ấy hẳn nhiên là thích mọi người yêu quý chồng mình; thứ hai là anh bạn kia, bởi vì chắc chắn cô vợ sẽ kể cho anh ta nghe điều đó.
Để đúc kết những điều đã nói, tôi xin mượn lời Ben Franklin: “Đừng nói xấu một ai, hãy nói những điều tốt đẹp nhất mà bạn biết về những người quen biết”.
Vậy nên, quy tắc thứ ba giúp tình bạn của bạn trở nên sâu đậm hơn:
Dám thổ lộ tình cảm của mình.
NHỮNG CỬ CHỈ CỦA TÌNH YÊU
“Những hành động nhỏ bé, không thể gọi tên của tình yêu là phần tốt đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người.”
- William Wordsworth
Mỗi lần nghĩ về tình yêu, ta thường có khuynh hướng nghĩ đến những cảm xúc tốt đẹp và những hành động hào hiệp. Nhưng chỉ có một phần nhỏ cuộc sống này trôi qua trong những khoảnh khắc tươi đẹp như vậy. Tình bạn đẹp được dựng nên, cũng như bức tranh sơn mài được tạo ra, hết lớp này đến lớp khác, chúng phải được tích lũy qua những việc dẫu là nhỏ nhất, nhưng thể hiện sự quan tâm lẫn nhau.
Khi vợ của Albert Einstein qua đời vào năm 1936, Maja - chị của ông - đã chuyển đến sống chung với Einstein để đỡ đần cho nhà bác học thiên tài này. Năm 1950, bà bị đột quỵ và lâm vào tình trạng hôn mê. Kể từ đó, Einstein luôn dành ra hai tiếng đồng hồ mỗi chiều để ở bên cạnh và đọc sách cho bà nghe. Dù không một biểu hiện nào cho thấy Maja cảm nhận được điều này, nhưng trực giác của Einstein vẫn mách bảo rằng một phần trí não của chị mình vẫn còn sống, và ông biết bà vẫn có thể cảm nhận được tình yêu thương từ những hành động chăm sóc ân cần ấy.
Bày tỏ tình yêu
Trong vai trò tư vấn tâm lý, tôi nhận thấy có rất nhiều cặp vợ chồng bị vỡ mộng khi những cảm xúc lãng mạn thuở mới yêu bị phai nhạt dần trong quá trình chung sống. Đối với họ, tình yêu đã bị thay thế bằng một thứ gọi là trách nhiệm. Một phụ nữ đã thú nhận với tôi, như một người mắc lỗi:
- Bác sĩ ạ, tôi e rằng tôi không còn yêu chồng mình nữa. Chuyện gì xảy ra với tôi thế này? Khi cưới nhau, tôi đã nghĩ rằng mình yêu anh vô cùng, vậy mà giờ đây, đôi lúc tôi cảm thấy không còn cảm xúc gì nữa.
Dĩ nhiên là không có vấn đề gì với cô ấy cả, ngoại trừ việc chắc chắn là cô đã dành quá nhiều thời gian để phân tích cảm giác của mình.
Các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực tình yêu nhận ra rằng: Tình cảm luôn có những giai đoạn thăng trầm, và con người tìm kiếm những cử chỉ của tình yêu ngay cả khi cảm xúc của họ đang dần phai nhạt. Hơn nữa, con người không bao giờ hài lòng với việc chỉ nói cho người họ yêu biết rằng họ quan tâm đến người ấy như thế nào - mà họ còn thể hiện nó qua những hành động tình cảm dù là nhỏ nhất. Mark Twain đã nói: “Tình yêu thường được nhìn nhận như là điều diễn ra nhanh nhất, nhưng sự thật nó lại diễn ra chậm nhất trong mọi quá trình phát triển”.
Một người chồng bỏ ra một tiếng đồng hồ lái xe hơn 50 cây số về nhà chỉ để đưa vợ mình đến dùng bữa trưa tại nhà hàng mà cô yêu thích. Một người đàn ông nhìn thấy quyển sách mới trong nhà sách và mua nó, rồi gửi nó đến văn phòng của bạn mình kèm theo một lời nhắn. Một phụ nữ luôn thết đãi bạn mình món ăn mà cô bạn ấy yêu thích mỗi dịp gặp gỡ… Đó là những cử chỉ giúp gắn kết con người với nhau, tránh được những rạn nứt ngay cả khi mối quan hệ đang trong tình trạng căng thẳng.
Tôi đã có cuộc trò chuyện với một người đàn ông đang có sự rạn nứt trong quan hệ vợ chồng sau 18 năm chung sống.
- Làm thế nào mà anh biết được rằng cuộc hôn nhân này đã đến hồi kết thúc? - Tôi hỏi.
- Khi cô ấy ngưng không nặn kem đánh răng lên bàn chải của tôi vào mỗi sáng nữa. - Ông ấy trả lời.
- Cái gì cơ? - Tôi ngạc nhiên hỏi lại. - Khi chúng tôi mới cưới nhau, người nào dậy trước sẽ nặn kem đánh răng cho người kia và để nó trên chậu rửa mặt. Đến bây giờ, chúng tôi đã không còn giữ được thói quen ấy nữa, và cuộc hôn nhân của chúng tôi đã trở nên xấu đi kể từ đấy. Đôi khi, hạnh phúc rạn nứt chỉ bởi những lý do hết sức buồn cười như thế. Nhưng những cử chỉ nhỏ nhặt đó lại thật sự quan trọng, vô cùng quan trọng nữa là đằng khác. Nếu thiếu những cử chỉ âu yếm như thế, tình yêu sẽ khô cằn và chết dần.
Von Herder đã viết: “Cội nguồn sâu thẳm nhất của tình yêu sẽ chết trong tâm hồn nếu không được nâng niu”.
Edna St. Vincent Millay cũng từng viết rằng: “Không phải sự ra đi của tình yêu sẽ làm tôi tổn thương Mà tôi chỉ tổn thương khi nó ra đi theo những cách tầm thường.”
Ý nghĩa của những nghi thức
Robert Brain - một nhà nhân loại học - cho rằng: Nghi thức là một trong những thành phần quan trọng mang tính toàn cầu của những mối quan hệ tốt. Khi suy nghĩ về điều này, ta sẽ thấy được rằng, những cặp vợ chồng thắt chặt tình yêu của họ bằng rất nhiều cách: một nụ hôn chúc ngủ ngon, buổi tiệc nhỏ mừng kỷ niệm ngày cưới, những món quà trang sức nhỏ, gọi điện thoại cho nhau khi ở xa, hay đi dạo cùng nhau vào buổi tối... Những người nhạy cảm sẽ luôn để ý tới những nghi thức như vậy trong việc làm sâu sắc thêm tình bạn. Cùng đi ăn trưa mỗi tuần một lần, một buổi hẹn chơi golf, hoặc một chuyến đi dã ngoại - tất cả đều có thể là những sự kiện quan trọng. Bắt tay, ôm nhau, cười nói và nô đùa vui vẻ - tất cả những hành động đó đều gửi tình yêu vào ngân hàng tình cảm và thu lại siêu lợi nhuận trong tương lai. Một trong những cách để thắt chặt thêm tình bạn đó là dùng bữa cùng nhau. Hành động bẻ bánh mì chia cho người khác giống như một biểu hiện của tình thân ái, và chúng ta không thể nào cùng với kẻ thù ăn tối mà sau đó hai bên vẫn còn giữ sự thù hằn.
Vì vậy, nếu bạn muốn biến thù thành bạn, hãy thử mời người đó đến nhà, và khi cả hai đã ngồi chung một bàn, hãy bắt đầu câu chuyện về những vấn đề giữa hai người. Hoặc nếu bạn muốn có được những mối quan hệ thân thiết với nhiều người hơn, hãy mời họ cùng dùng bữa trưa hoặc uống một tách cà-phê với mình trước giờ làm. Một phương pháp khác để có được những kỷ niệm tốt đẹp là giúp đỡ bạn bè trong một số công việc. Làm việc cùng nhau có thể thắt chặt mối quan hệ giữa hai người, ngay cả khi họ chưa biết rõ về nhau.
Trong quan hệ vợ chồng, nếu hai người cùng giúp đỡ nhau hoàn thành công việc thì mối quan hệ của họ sẽ ngày càng bền chặt hơn. Chúng ta thường thấy một hiện tượng xảy ra hằng ngày là trong khi người vợ ở trong nhà rửa chén đĩa thì người chồng ra sân để rửa xe. Tại sao cả hai không làm các việc đó cùng nhau và tận hưởng giây phút được ở bên nhau nhiều hơn nữa?
Nghệ thuật tặng quà
Có một thứ nghệ thuật để thể hiện tình yêu lâu đời nhất: tặng quà. Món quà nhỏ bé thôi nhưng có thể chứa đựng cả một đại dương tình yêu.
Trong gia đình, vợ tôi luôn là người để ý tìm hiểu những sở thích nho nhỏ của các thành viên, và điều ấy đã giúp vợ tôi trở thành một “nghệ sĩ” trong việc tặng quà. Một lần, cô ấy tình cờ nghe tôi nói thích dùng một loại bút nỉ - mà tôi đã mượn được của ai đó nhưng không tìm thấy ở các cửa hàng. Thế là cô ấy bắt đầu đi tìm và vài ngày sau, tôi thấy một cây bút loại đó được đặt ngay ngắn trên bàn mình. Thật hạnh phúc khi biết rằng đó là món quà từ người vợ thân yêu.
Tặng quà là một cử chỉ quan trọng ngay cả đối với loài vật. Loài empidae - một giống ruồi nhỏ, thường xuất hiện trong mùa hè - có một nghi thức mời gọi bạn tình rất phức tạp. Khi con đực đi tán tỉnh con cái, nó lựa chọn thức ăn ngon nhất, gói lại trong những bong bóng bằng tơ lung linh, và tặng món quà này cho người bạn tình mà nó thích.
Chim cánh cụt Adelie ở Nam Cực không có nhiều chọn lựa cho món quà tình yêu của mình, vì chúng sống trên một vùng đất khá cằn cỗi và nghèo nàn. Những con trống tìm kiếm trong đống đá sỏi một viên trơn nhẵn đẹp nhất, rồi sau đó lạch bạch tiến đến và đặt tặng vật khiêm tốn đó dưới chân con mái.
Tiến sĩ Lars Granberg vốn xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Ông lấy vợ khi vẫn còn là sinh viên, hai vợ chồng sống kham khổ ở Chicago, và vợ ông phải làm việc cực nhọc để đảm bảo cái ăn cho cả hai. Granberg kể lại rằng:
“Thật là một thử thách cho lòng tự trọng khi phải sống trong cảnh nghèo khó và dựa vào đồng lương của vợ để có thể đến trường, nhưng tôi đã có một sự đầu tư nhỏ, và điều đó đã giúp tôi cảm thấy thoải mái hơn. Trên đường về nhà, gần trạm dừng xe lửa có một tiệm hoa nhỏ, tôi thường xuống xe ở đó trong vài phút mỗi tối và mua một bông hoa hồng. Rồi dần dần, như một điều quen thuộc, ông chủ tiệm hoa bắt đầu đợi tôi và chuẩn bị sẵn để khi tôi xuống có thể lấy hoa ngay trước khi xe lửa chuyển bánh. Khi tôi đến cửa nhà vào mỗi tối, một tay cầm chiếc cặp táp, tay kia cầm bông hồng, vợ tôi đã ôm chầm lấy tôi và nói điều đó có ý nghĩa với cô ấy rất nhiều, hơn cả những món quà đắt giá.”
Người ta kể rằng, Merle Simpson đã có một kỷ niệm khó quên trong thời gian nằm viện, khi một người bạn dắt đứa con trai năm tuổi đến thăm. Ngay khi họ vừa bước vào phòng, cậu con trai người bạn kia đã đặt ba món quà trên đầu giường anh ấy. Đó là những chiếc xe hơi đồ chơi đã bạc màu sơn do chơi quá nhiều.
Simpson nói:“Tôi định từ chối món quà ấy, nhưng tôi thấy có cái gì đó toát lên từ khuôn mặt cậu bé, rằng làm như vậy sẽ khiến anh bạn trẻ của tôi tổn thương. Đó là những của cải quý giá của cậu, và chúng nói lên tình cảm cậu dành cho tôi. Đã nhiều năm trôi qua, cậu bé năm xưa giờ đã có gia đình, con cái. Nhưng món quà ngày trước cậu tặng tôi vẫn còn vẹn nguyên.”
Tác dụng của sự ân cần
Những hành động ân cần có sức lan tỏa rất rộng so với điểm khởi đầu của nó. Norman M. Lobsenz đã kể về khoảng thời gian người vợ trẻ của ông bị ốm nặng, lúc đó, ông không biết làm thế nào để xoay xở. Một đêm, khi đã kiệt sức, một ký ức xưa cũ chợt quay về trong ông.
Lúc đó tôi khoảng 10 tuổi, và mẹ tôi bị ốm rất nặng. Tôi thức dậy vào nửa đêm để uống nước. Khi đi ngang phòng ngủ của bố mẹ, tôi thấy đèn vẫn còn sáng. Tôi nhìn vào trong. Bố tôi đang ngồi trên ghế đặt cạnh giường mẹ. Ông ngồi lặng im. Mẹ tôi thì đang ngủ. Tôi chạy vào phòng.
- Có chuyện gì vậy? - Tôi mếu máo. - Tại sao bố không ngủ?
Bố vuốt ve tôi:
- Không có gì đâu. Bố chỉ đang trông chừng mẹ mà thôi.
Ánh sáng và sự ấm áp mà tôi nhớ được từ căn phòng của bố mẹ mình mạnh mẽ đến kỳ lạ, và những lời của bố đã luôn đọng lại trong tôi: “Bố chỉ đang trông chừng mẹ mà thôi”. Vị trí của tôi lúc này cũng giống như bố tôi trước kia; tôi cảm thấy mình được động viên rất nhiều, như có một nguồn nội lực được gợi lên từ quá khứ, hay từ trong chính bản thân tôi.
Khi sự tử tế là thói quen
Có ai đó nói rằng, bài kiểm tra dành cho những người vĩ đại nằm trong cách họ đối xử với những kẻ nhỏ mọn, những người ở tầng lớp thấp trong xã hội. Và nếu một người có thể rèn luyện được thói quen thể hiện những cử chỉ tốt đẹp ấy thì sự tử tế sẽ trở thành bản năng thứ hai của họ. Birch Foracker là nhà quản trị hàng đầu của công ty điện thoại New York Bell. Ông không chỉ nổi tiếng vì địa vị mà còn được nhiều người yêu mến bởi tấm lòng nhân hậu và sự tử tế của mình. Trong một buổi tối lạnh lẽo, khi bước chân ra khỏi rạp hát, ông đi thẳng xuống miệng cống giữa đường. Để làm gì vậy? Ông muốn chắc rằng những người công nhân đang làm việc dưới đó vẫn an toàn trong buổi tối mùa đông lạnh giá thế này, và cũng là để thể hiện sự cảm kích đối với công việc của họ. Những hành động như vậy không tốn quá 60 giây, nhưng sức mạnh lan tỏa của nó là vô biên. “Bạn không thể biết được hết ý nghĩa của cuộc đời bên trong những sự việc nhỏ nhặt”, Samuel Johnson đã viết như thế trong một bài luận của mình. Cuộc sống của chúng ta được hình thành và định hướng từ rất nhiều sự kiện bình thường. Vậy nên quy tắc thứ tư để cải thiện các mối quan hệ là:
Học hỏi những cử chỉ của tình yêu.
TẠO KHÔNG GIAN TRONG MỐI QUAN HỆ
Tình yêu không có nghĩa là sự sở hữu.
Bạn có biết tính cách nào có thể phá hỏng những mối quan hệ tình cảm của bạn hơn bất cứ điều gì? Đó chính là khuynh hướng thích điều khiển người khác. Trong mỗi người, đặc điểm này tồn tại dưới nhiều mức độ khác nhau. Và khi nó vượt ra khỏi giới hạn cho phép thì cũng đồng nghĩa với việc những mối quan hệ của bạn sẽ bị đổ vỡ, khiến người khác tránh xa bạn. Mặc dù hành động này thường núp dưới danh nghĩa của cái gọi là tình yêu, nhưng sự thật thì chính nó là tác nhân bóp chết tình cảm.
Một nhà hiền triết đã viết: “Ở ngay cốt lõi của tình yêu có một bí mật đơn giản: Hãy để cho người mình yêu được tự do”. Những người đang sở hữu sợi dây hạnh phúc đều dành cho người mình yêu thương một khoảng không gian riêng, và luôn khuyến khích họ mở rộng hơn nữa những mối quan hệ trong cuộc sống.
Tình yêu giống như cát vậy, bạn càng cố nắm chặt thì nó càng dễ dàng chui qua kẽ tay bạn. Người bạn đồng hành
Mùa xuân năm 1887, cô gái 20 tuổi Anne Sullivan đã đến Tuscumbia, Alabama để làm gia sư cho một bé gái bị câm và mù tên là Helen Keller. Và tình bạn của họ bắt đầu từ đấy – một tình bạn vĩ đại để cả thế giới phải ngưỡng mộ.
Helen Keller lúc ấy là cô bé lên bảy, xấu tính và khó bảo, lại thường xuyên thốt ra những âm thanh khó hiểu như tiếng loài vật. Nhiều người đã nói với bà Keller rằng, con bà là một đứa trẻ thiểu năng. Trong nhiều tuần liền, Anne dạy cho Helen bằng cách đánh vần từng từ vào bàn tay bé nhỏ của cô bé, nhưng cô không thể ý thức được gì. Cho đến một ngày, điều kỳ diệu đã xảy ra. Đây là những gì Helen Keller nhớ về ngày hôm đó, được viết lại sau 60 năm:
“Mọi chuyện xảy ra ở giếng nước. Tôi đang cầm một cái ca hứng dưới vòi nước. Anne bơm nước vào đó, và khi nước chảy qua tay tôi, cô đánh vần và dùng ngón tay viết vào bàn tay tôi từ “n-ư-ớ-c”. Đột nhiên, tôi hiểu tất cả. Với niềm vui sướng đầu tiên tôi cảm nhận được từ khi mắc bệnh, tôi háo hức với lấy cánh tay của Anne, xin cô đánh vần những từ mới để xác định bất cứ thứ gì tôi chạm vào được. Từng dòng ý nghĩa đi trên bàn tay tôi, và thật kỳ diệu, tình yêu đã nảy sinh. Nơi giếng nước, chúng tôi bắt đầu gọi nhau thân thương là ‘Helen’ và ‘Cô giáo’.”
Anne Sullivan đã dành hết cả cuộc đời mình cho Helen Keller. Khi người học trò của cô quyết định sẽ học lên đại học, cô đã ngồi bên cạnh cô bé trong mỗi tiết học, đánh vần từng chữ trong bài giảng vào tay Helen và dùng đôi mắt bị tật của mình để đọc những quyển sách không phải được viết bằng chữ Braille(8)cho Helen.
(8) Braille: Kiểu chữ nổi dành cho người mù. Khát khao tự do
Anne Sullivan nhận ra rằng, Helen là cô gái có nghị lực phi thường và năng lực cảm thụ rất rộng về mọi điều. Năm lên mười, Helen đã có thể viết thư cho những người nổi tiếng ở châu Âu bằng tiếng Pháp. Cô nhanh chóng học thông thạo năm ngoại ngữ và thể hiện những tài năng vượt trội của mình.
Khi ấy, Anne Sullivan lại trở thành bạn đồng hành, người luôn khích lệ Helen, và tự bao giờ, Helen đã trở thành một phần quan trọng trong chính bản thân cô.
Khát khao tự do
Khi tiến hành những cuộc phỏng vấn với hàng trăm người thuộc nhiều mối quan hệ khác nhau, George và Nena O’Neill đã nhận thấy có hai xu hướng nổi bật trong các mối quan hệ đó. Một là sự khao khát có được một người bạn luôn lắng nghe và thấu hiểu để ta có thể trải hết lòng mình. Hai là khao khát được tự do, không bị ràng buộc bởi bất cứ một mối quan hệ nào. Mặc dù hai xu hướng này thoạt nghe có vẻ trái ngược nhau, nhưng thật ra, cả hai đều có khả năng tạo nên những tình bạn tốt đẹp nhất và những cuộc hôn nhân hạnh phúc. Tất cả chúng ta ai cũng đều cần có một khoảng trời của riêng mình. Nếu một mối quan hệ mà trong đó người này điều khiển hay giới hạn người kia thì sẽ không bao giờ được bền lâu.
Thế nhưng, khuynh hướng muốn kiểm soát người mà chúng ta yêu thương lại được khuyến khích bởi một vài khái niệm tâm lý học hiện đại. Hãy trở nên hung hăng và thích gây hấn, rồi bạn sẽ trở thành kẻ dẫn đầu - những khái niệm đó đã nói như vậy. Song, quan niệm xem mối quan hệ giữa người với người giống như trên chiến trường như vậy lại là một bi kịch, bởi nó chỉ tạo ra sự xa lánh mà thôi. Bất kỳ lợi ích trước mắt nào cũng sẽ khiến bạn trả giá bằng hậu quả lâu dài.
Nếu bạn xem tất cả các mối quan hệ của mình như những cuộc tranh giành quyền lực thì cuộc đời của Adolf Hitler là một minh chứng để bạn nhìn nhận lại mục đích sống của bản thân. Adolf Hitler là nhân vật trung tâm của thế giới từ năm 1933 đến năm 1945, người mà Alan Bullock đã viết rằng:“Mọi chuyện về cuộc đời ông đều xoay quanh sự thèm khát quyền lực và sự thống trị”.
Albert Speer, người đã bị cuốn vào vòng xoáy quyền lực của Hitler (và đã phải trả giá cho sai lầm này bằng 20 năm trong nhà tù Spandau), sau đó đã suy ngẫm lại rằng:
“Tôi chưa bao giờ gặp một người nào kỳ lạ như thế. Tôi chỉ thấy ông ta thật sự sôi nổi, với niềm vui thích và cởi mở, là khi chúng tôi ở cùng nhau, nghiền ngẫm những kế hoạch xây dựng hay xem xét mô hình Berlin trong tương lai. Tôi không tin rằng ông lại có một tình yêu mãnh liệt đến vậy. Trong đời, ông ấy chỉ yêu một lần duy nhất. Ông đã có một chuyện tình loạn luân với cháu gái mình, Geli Raubal - người sau đó đã tự sát vì ông.”
Bạn là người thích kiểm soát người khác?
Chúng ta có thói quen kiểm soát người mình yêu thương mà không thật sự nhận ra ta đang tước bỏ sự tự do của họ. Sau đây là ba kiểu người điển hình thích thao túng người khác:
- Kiểu người luôn đảm nhận trách nhiệm: Đây là những người chỉ cảm thấy hạnh phúc khi chứng tỏ được rằng mình thông minh và mạnh mẽ hơn mọi người. Hãy trả lời những câu hỏi sau để xem bạn có thuộc kiểu người này không nhé.
a. Bạn có thường kết thúc cuộc dạo chơi với bạn bè để đến nhà hàng hay xem bộ phim mà bạn thích?
b. Bạn có thích thú với việc bắt lỗi người khác?
c. Bạn có hay dùng những lời lẽ châm biếm để hạ thấp bạn bè mình?
d. Bạn chỉ có thể thoải mái bàn luận một chủ đề nào đó một khi tin rằng mình am hiểu về nó hơn người khác?
Nếu câu trả lời của bạn phần lớn là “có”, tôi chắc chắn bạn đang bất an. Bởi những ai luôn cố gắng tỏ ra hơn người khác sẽ càng có cảm giác lo lắng và mất cân bằng. Tình bạn tốt đẹp nhất không cần phải có người chỉ huy. Một mối quan hệ chỉ bền vững khi trong đó, cả hai người đều được tự do thể hiện những điểm yếu cũng như thế mạnh của mình mà không sợ người kia chiếm lợi thế.
Khi C. S. Lewis còn là một sinh viên trẻ tại Đại học Oxford, ông đã có nhiều bạn bè thân thiết - một vài người trong số họ sau này rất nổi tiếng.
Hằng năm, họ đều tổ chức gặp mặt để trò chuyện và chia sẻ những công trình dở dang của mình. Bấy giờ, danh tiếng của Lewis đã hơn hẳn các bạn cũ, nhưng ông vẫn trân trọng những người bạn ấy hơn bao giờ hết. Owen Barfield - một trong những người bạn thân thiết của Lewis - kể đầy xúc động: “Tôi chưa bao giờ thấy một nhận xét, một thái độ, một cái nhìn không tôn trọng nào của Lewis với những người bạn cũ... Thử hỏi có bao nhiêu người nổi tiếng có thể làm được như vậy”.
Nếu bạn cảm thấy hạnh phúc về tình bạn mình đang có mà không phải cố gắng kiểm soát hay chỉ huy họ, nghĩa là bạn đang có một tình bạn cao đẹp.
- Kiểu người yếu đuối:
Đây là kiểu người trái ngược hoàn toàn với kiểu người luôn nhận trách nhiệm - họ chi phối người khác bằng vẻ yếu đuối của mình.
Một phụ nữ đến văn phòng tư vấn của tôi với một loạt các triệu chứng bệnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Cô ra vào bệnh viện như cơm bữa, luôn gặp vấn đề về sức khỏe và thường xuyên rối loạn cảm xúc. Nhưng cô rất thông minh, có khả năng nhận thức bản thân rất tốt. Vậy thì tại sao cô không thể phục hồi để có được cuộc sống khỏe mạnh?
Mọi thứ bắt đầu trở nên rõ ràng hơn khi tôi biết cô đã có một thời thơ ấu không hạnh phúc bên gia đình. Cha cô bỏ mẹ con cô để đi theo người phụ nữ khác. Mẹ cô phải một thân một mình làm việc nuôi nấng con cái, nhưng chẳng lâu sau, bà cũng tái hôn. Những biến cố xảy ra trong gia đình đã tác động đến tâm lý cô, biến cô thành một người yếu đuối và dè dặt trong mọi mối quan hệ về sau.
Như hiểu được những gì cô đã trải qua, bạn bè cô luôn giữ ý, tránh đề cập đến những vấn đề tương tự khi có mặt cô. Cô được chồng hết mực yêu thương, luôn quan tâm và túc trực bên cạnh để săn sóc. Tuy nhiên, cũng chính điều ấy đã khiến cô thêm yếu đuối. Cô đau ốm liên tục và luôn sợ mất đi bàn tay chăm sóc yêu thương của chồng.
Một sự phụ thuộc quá mức như vậy cuối cùng sẽ dẫn đến kết quả trái với mong đợi. Nó có thể dẫn đến cái kết như câu chuyện của Stephanie và Linda.
- Chúng tôi chỉ được gặp nhau vài lần một năm. – Stephanie tâm sự với tôi. - Thật ra, chúng tôi có nhiều sở thích chung, và tôi có thể cảm nhận được nỗi trống vắng trong lòng Linda.
Nhưng mỗi lần gặp gỡ, cô ấy cứ bám chặt lấy tôi để kể lể các vấn đề của riêng mình. Tôi thật sự mệt mỏi về điều đó. Và rồi chẳng hiểu tự khi nào, tôi bắt đầu tìm mọi cách tránh xa cô ấy...
- Người muốn được nhờ cậy:
Nếu bạn không phải là tuýp người phụ thuộc, đừng vội mừng vì sự độc lập của mình. Hãy tự đặt ra câu hỏi sau:“Tôi có thường khuyến khích sự phụ thuộc của người khác vào mình hay không?”.
Một người mẹ có hai cô con gái đã lập gia đình. Bà chỉ ở nhà để an dưỡng tuổi già, và cảm thấy rất buồn chán khi không có việc gì để làm. Một trong những điều giúp bà giải tỏa sự buồn chán là nhận cuộc gọi từ hai cô con gái mỗi khi họ gặp rắc rối - ngay cả những vấn đề nhỏ nhặt nhất - rồi bà hối hả chạy đến nhà họ giúp đỡ. Những lúc như vậy, bà cảm thấy con người mình hoạt bát trở lại!
Nhưng đó là một việc nguy hiểm. Một khi bà vẫn muốn lo lắng và giải quyết mọi việc thay cho các cô con gái thì nghĩa là bà đã ủng hộ sự phụ thuộc đến mức nguy hại của họ.
Sự gắn kết
Một tình bạn vững chắc không những không có bóng dáng của sự phụ thuộc mà còn có thể giải phóng bản thân mỗi người. Đã có những cuộc hôn nhân giữa những người tài năng với nhau, họ nâng đỡ lẫn nhau mà không lo lắng rằng người kia sẽ vượt qua mình.
The Reader’s Digestlà tờ tạp chí của Mỹ nổi tiếng khắp thế giới, với doanh số bán được khoảng 30 triệu bản mỗi tháng. Quả là một con số khổng lồ! Nhưng bạn có biết số vốn ban đầu của nó là bao nhiêu không? 1.800 đô-la. Và nó trở thành một câu chuyện gần như huyền thoại trong ngành xuất bản Mỹ.
Năm 1918, DeWitt Wallace phải vào bệnh viện quân đội để phục hồi sức khỏe sau những vết thương chiến tranh, trong thời gian ở đây, ông đã đọc tất cả những tạp chí có được. Và ông nhận thấy, hầu hết các bài viết đều quá dài, ông bắt đầu tìm cách thử nghiệm để rút gọn lại.
Sau khi giải ngũ, DeWitt chọn ra một vài trong số những bài báo súc tích đó, đặt tên là tuyển tậpThe Reader’s Digest, rồi gửi đến các nhà xuất bản. Ông đề xuất việc sẽ giao tập san này cho bất kỳ nhà xuất bản nào có ý định nhận ông làm biên tập viên.
Nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản không mấy ấn tượng với ý tưởng này, chỉ có William Randolf Hearst là nhận ra được tiềm năng của nó. Tuy nhiên, ông dự đoán lượng phát hành của nó sẽ không thể đạt đến con số 30 ngàn bản mỗi năm. Và đó quả là một con số quá nhỏ để có thể ấn hành.
Ở Minneapolis, DeWitt đã tìm thấy một đồng minh, đó là Lila Bell Acheson. Khi gặp người đàn ông với ý tưởng “ngớ ngẩn” này, Lila đã đem lòng yêu ông cũng như yêu luôn ý tưởng về quyển tạp chí định kỳ đó.
Trong những tháng sau đó, DeWitt đã viết rất nhiều thư ngỏ để chào hàng. Ông đã thu thập một danh sách các trường đại học, các câu lạc bộ, nhóm, hội… và gửi lời mời đặt báo đến những nơi này, mặc dù tờ tạp chí vẫn còn chưa ra đời. Ngày 15 tháng 10 năm 1921, Lila và DeWitt thành hôn.
Khi tuần trăng mật của họ kết thúc, rất nhiều lá thư đã được gửi đến và đang chờ sẵn họ ở nhà. Tổng số tiền đặt mua được gửi đến đã là 5.000 đôla. Họ vay thêm 1.300 đô-la nữa và đặt nhà in Pittsburgh in 5.000 bản. Số đầu tiên được ra mắt công chúng kèm tên hai người - DeWitt Wallace và Lila Bell Acheson - với chức danh là đồng sáng lập, đồng biên tập cũng như đồng sở hữu.
Tuy nhiên sau đó, cả hai đã phải làm việc vô cùng vất vả để có thể chi trả cho những khoản phí đầu tiên. Nhưng công sức của họ đã được đền đáp xứng đáng.
Không lâu sau, lượng phát hành của tờ tạp chí đã vượt quá sức tưởng tượng của hai vợ chồng - 50.000 bản vào năm 1926, 228.000 bản vào năm 1929. Nhà Wallace nổi lên như một hiện tượng đứng đầu trong ngành xuất bản. Một biên tập viên thâm niên đã nói về gia đình Wallace như sau:
“Họ đã cùng giúp đỡ lẫn nhau trong cả cuộc sống lẫn công việc. Ông ấy cần một người phụ nữ tin vào những gì ông ấy làm, và tôi đoán rằng họ nói chuyện với nhau về những ấn bản hầu như mỗi tối. Bà ấy phụ trách về mỹ thuật, và bạn có tin rằng khi đã ở tuổi 80, bà vẫn là người lựa chọn bìa cho mỗi ấn phẩm?”
Bản thân Wallace thì thừa nhận: “Tôi nghĩ chính Lila đã làm cho Digest trở thành hiện thực”. Bất kỳ mối quan hệ nào cũng vậy, “đối phương” có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái thay vì ức chế, nếu cả hai đều thiết lập ngay từ đầu những quy tắc tự do nhất định.
Sáu quy tắc để có được một tình bạn hoàn hảo
1. Cẩn thận với sự chỉ trích
Một số người có cảm giác thỏa mãn và hào hứng hơn khi chỉ trích người khác. Alice Miller đã nói một câu rất hay:“Bạn hoàn toàn có thể phê bình bạn bè mình, nhưng thật đau đớn khi phải làm điều đó. Nếu bạn có chút hứng thú khi chỉ trích người khác thì đó chính là lúc bạn phải biết im lặng”.
Người ta có cách để trở thành người mà bạn khuyến khích họ trở thành, chứ không phải bạn ép buộc họ trở thành. Sự thành công trong các mối quan hệ, đặc biệt là trong tình yêu, đều dựa vào khả năng chấp nhận bản chất con người của mỗi chúng ta. Tính thích phán xét không bao giờ xây dựng được tình yêu thương thật sự. Để tránh điều này, chúng ta cần hiểu rõ về người khác như chính bản thân mình. Người da đỏ Sioux đã đặt ra một quy luật: “Tôi sẽ không xét đoán người anh em của tôi, cho đến khi tôi đã mang đôi giày của anh ấy trong hai tuần”.Những người biết yêu thương luôn cố gắng đặt mình vào vị trí của người mà họ yêu thương. Ở họ có một tấm lòng vị tha.
Abraham Lincoln là một hình mẫu không thể không nhắc tới cho tính cách này. Ông luôn cởi mở và lắng nghe người khác với phương châm: “Đừng phán xét ai, rồi bạn sẽ không bị ai phán xét”.
Trong suốt cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc, khi bà Lincoln có những lời lẽ cay nghiệt về người miền Nam, ông Lincoln đã trả lời rằng: “Đừng phê phán họ, Mary à. Chúng ta cũng sẽ làm vậy nếu rơi vào hoàn cảnh của họ mà thôi”.
Nếu có thể học cách đặt bản thân mình vào vị trí của người khác như Lincoln đã làm, chúng ta sẽ có thể tha thứ mọi chuyện một cách dễ dàng. Beethoven đã nói:“Tất cả chúng ta đều phạm sai lầm, nhưng mỗi người có những sai lầm khác nhau”. Goethe cũng nói: “Một người biết đến vị tha khi đã trưởng thành hơn. Tôi không thấy mình sai lầm khi không tự ràng buộc bản thân”.
Đừng cho rằng với những điều vừa nói, tôi khuyên bạn phải trở thành một người nhẹ dạ, thiếu quyết đoán, luôn đồng ý với người khác và không bao giờ có chính kiến của riêng mình. Hãy thể hiện bản thân bạn một cách trọn vẹn nhất có thể. Nhưng hãy chắc chắn là bạn cũng đối xử với người khác như vậy. Sự quyết đoán là cần thiết cho đến khi nó không trở thành sự ích kỷ, ràng buộc hay những đòi hỏi quá khắt khe.
2. Học ngôn ngữ của sự chấp nhận
Tiến sĩ Paul Tournier, một nhà tâm lý học nổi tiếng, từng nói: “Tất cả những gì tôi làm là chấp nhận mọi người”.
Nếu chúng ta có thể học cách chấp nhận toàn bộ tính cách của người khác như chính bản thân mình thì mối quan hệ của ta sẽ được nâng cao đáng kể. Điều đó không có nghĩa là chúng ta chấp nhận mọi thứ nơi người khác. Đôi khi, vì công việc, tôi phải nghe rất nhiều xung đột với chính quy tắc đạo đức của bản thân; đó là những bản báo cáo về các vụ ngoại tình, các kế hoạch đen, thậm chí cả tội ác. Nhưng tôi đã học được rằng: Tôi không cần phải chấp thuận hay không chấp thuận những gì khách hàng nói, tôi có thể cho thấy mình đồng ý với họ đơn giản chỉ bằng việc lắng nghe. Tôi cố gắng nắm bắt các sắc thái trong cảm giác của họ. Một người chồng muốn nói một lời giải thích về việc ngoại tình của mình. Một cậu thiếu niên chán ghét người cha say rượu và liều lĩnh bỏ nhà ra đi. Một người mẹ ước ao rằng bà đã không có con cái, sau đó lại cảm thấy cắn rứt vì có suy nghĩ tồi tệ như vậy.
Đó là những sự việc xảy ra trong các buổi trị liệu. Tôi cố gắng hết sức để giúp mọi người nhận ra rằng, họ có quyền có những cảm giác đó. Nó không hoàn toàn xấu xa hay tốt đẹp; chỉ khi chúng ta biểu hiện qua cách đối xử với nhau thì nó mới bị quy vào những chuẩn mực đạo đức. Còn khi vẫn chỉ là những cảm giác thì chúng vẫn còn lành mạnh.
Tiến sĩ Thomas Gordon, trong quyển sách rất hay của ông có nhan đề Parent Effectiveness Training (Làm cha mẹ hiệu quả), cho rằng: Bằng cách gợi chuyện với con cái, bạn đã trở thành một “người gõ cửa” để mở ra những cuộc trò chuyện thân mật hơn với chúng, qua những câu nói đơn giản:
- Thật không?
- Con đã làm được đấy à?
- Thật thú vị.
- Kể tiếp cho mẹ nghe về nó đi.
- Cha cảm thấy thú vị với cách nhìn nhận của con.
- Có vẻ như nó rất quan trọng đối với con.
3. Khuyến khích cá tính của người khác
Để thắt chặt tình bạn, thay vì thúc giục người bạn yêu thương phải biết thích ứng, hãy khuyến khích họ sống với những ước mơ và cá tính riêng nơi họ.
Ngày 24 tháng 5 năm 1965, một chiếc tàu nhỏ đã ra khơi từ cảng Falmouth, Massachusetts. Người duy nhất trên chiếc tàu đó là Robert Manry, một biên tập viên của tờThe Plain Dealer ở Cleveland.Sau 10 năm làm việc bàn giấy, ông muốn có sự thay đổi trong cuộc sống của mình. Vậy là ông mua một chiếc la bàn và một quyển sách chỉ đường, rồi bắt đầu lên kế hoạch cho cuộc hành trình trên chiếc tàu Tinkerbelle đến nước Anh. Với chiều dài chỉ có bốn mét, nó là chiếc thuyền nhỏ nhất từng thực hiện một chuyến du hành xa như vậy.
Vì sợ kế hoạch mạo hiểm của mình bị ngăn cản bởi nhiều người nên trước khi lên đường, ông chỉ để lại vài dòng cho người thân, thông báo về sự vắng mặt của mình. Khi biết kế hoạch đó, chị ông đã hào hứng nói rằng: “Thật tuyệt vời khi thấy ai đó thực hiện ước mơ của mình. Có rất ít người dám làm điều đó”.
Nhưng chính vợ ông, Virgina, mới là người đem lại cho ông động lực lớn nhất. Sau chuyến du hành, ông đã nói thế này: “Vợ tôi là người phụ nữ tuyệt vời nhất thế giới. Virginia đã có thể khuyên tôi từ bỏ hành trình điên rồ này. Nhưng cô ấy biết rằng tôi đang bước theo giai điệu của một bản nhạc đầy hứng khởi, và cô ấy đã khuyến khích tôi làm theo tiếng gọi của trái tim”.
Chuyến viễn du diễn ra không dễ dàng chút nào. Ông đã trải qua những đêm không ngủ, cố gắng điều khiển con tàu không va vào những chiếc tàu chở hàng to lớn. Sau hàng tuần lênh đênh trên biển, ông không còn cảm giác muốn ăn uống; sự cô đơn xâm chiếm tâm hồn; bánh lái thuyền bị gãy ba lần; biển lại mất gió trong nhiều ngày; rồi cơn bão ập đến… Nhưng cuối cùng, sau 78 ngày lênh đênh, ông đã cập bến Falmouth, Anh.
Trong suốt những đêm cô đơn bên bánh lái, ông thường tưởng tượng ra những điều mà ông sẽ làm khi đặt được chân lên đất liền. Ông mong chờ được đến phòng khách sạn, ăn một bữa tối thật ngon và sau đó đi bộ xuống văn phòng của tờ Associated Press để xem họ có đang dõi theo cuộc hành trình của ông hay không. Và tin tàu ông cập bến an toàn đã được lan truyền nhanh chóng. Ông hoàn toàn không chuẩn bị cho những gì đang chờ đợi phía trước. Ba trăm chiếc thuyền lớn đã hộ tống ông vào bến cảng, rúc còi inh ỏi. Và 40 ngàn người, bao gồm rất nhiều nhà báo, chào mừng ông. Ông trở thành một người anh hùng, và câu chuyện của ông gần như một huyền thoại.
Nhưng đứng trên bến tàu có lẽ là người anh hùng vĩ đại hơn hết thảy - vợ ông, Virginia. Bà đã rất can đảm khi để cho chồng tự do theo đuổi cuộc phiêu lưu của mình.
Dĩ nhiên, không phải bất kỳ người vợ nào cũng làm được như vậy. Nhưng điều quan trọng là nhận ra rằng, yêu những khát vọng và ước mơ của người bạn yêu thương chính là hành động thiết thực nhất bày tỏ tình yêu của bạn. William James đã đúc kết: “Vị trí tốt nhất là không can thiệp quá sâu vào tính cách người khác, khi những điều ấy không ảnh hưởng xấu đến bạn”.
Tuy nhiên, tự do quá mức cũng có thể sẽ trở thành thói xấu. Cái triết lý “Bạn làm việc của bạn, còn tôi làm việc của tôi” nếu trở thành yếu tố cơ bản của một mối quan hệ, thì cũng có nghĩa mối quan hệ đó đã đến hồi kết thúc. Bất kỳ ai cũng cần có khoảng không gian riêng, nhưng nếu có thể dung hòa được sự quan tâm của bạn và sự độc lập của người bạn yêu thương, chắc chắn mối quan hệ của hai người sẽ luôn tốt đẹp.
4. “Tôi cần một phút yên tĩnh!”
Một tình bạn không mang tính lệ thuộc được xây dựng dựa trên sự tôn trọng những nhu cầu riêng tư của mỗi người. Trong các mối quan hệ của mình, đôi lúc chúng ta đi chung với nhau, rồi lại tách nhau ra ở một thời điểm khác, cũng giống như đôi bạn nhảy rời nhau khi kết thúc bản nhạc. Điều đó là cần thiết và chúng ta hãy vui vì nó là dấu hiệu của một mối quan hệ chín chắn.
Tiến sĩ Lawrence Hattere kể:
- Tôi có một vài người bạn là nghệ sĩ, họ sống rất kín đáo. Tuy gặp nhau không thường xuyên lắm, nhưng mỗi khi ở bên cạnh họ, tôi cảm thấy thoải mái và tự tin hơn rất nhiều.
Đặc biệt, trẻ em cần có sự riêng tư để ước mơ, để khám phá bằng trí tưởng tượng phong phú và mạnh mẽ của mình. Một vài bậc cha mẹ hiểu được điều đó. Mẹ của Bill là một điển hình; mỗi khi có người khách nào hỏi cậu bé đang làm gì trong phòng, bà thường mỉm cười:
- Ai mà biết được? Cháu có thể là một người da đỏ đang rình một con gấu, hay một phi hành gia đang nghe ngóng tin tức. Cháu tạo nên vũ trụ của riêng mình, và tôi không bao giờ bước vào thế giới đó trừ phi được mời.
Với việc cho trẻ có không gian riêng, lòng tự tin của trẻ sẽ càng được củng cố.
Điều đó cũng được áp dụng trong những cuộc hôn nhân. Các cặp vợ chồng có thể ở bên cạnh nhau quá nhiều đến mức cả hai đều cảm thấy nghẹt thở. Rainer Maria Rilke đã nói:
- Một cuộc hôn nhân hạnh phúc là trong đó, mỗi người đều được xem là “người giữ cửa” cho chốn riêng tư của người kia. Chúng ta cần nhận thức rằng ngay cả giữa hai người gần gũi nhau nhất thì vẫn luôn có một khoảng cách tồn tại. Và nếu mong muốn có một cuộc sống tuyệt vời khi ở bên nhau thì hãy học cách yêu chính những khoảng cách ấy, vì nó giúp chúng ta có thể nhìn thấy người kia một cách trọn vẹn hơn!
5. Mở rộng những mối quan hệ khác
Ghen tuông, theo một nhân vật trong kịch của Shakespeare, là một “con quái vật mắt xanh”, và nó đã phá hủy nhiều tình bạn thân thiết. Nếu bạn cảm thấy lo sợ khi người bạn thân nhất của mình dành nhiều thời gian cho những người khác, hay khi người bạn đời của bạn tập trung nhiều thời gian cho công việc, thì hãy thận trọng với nguy cơ là sự ghen tuông đang gặm nhấm bạn. Bạn không có quyền độc chiếm bất kỳ ai, và bạn sẽ gây phiền hà nếu muốn trở thành người duy nhất có ý nghĩa với họ.
Đôi khi, vì tự đặt quá nhiều áp lực trong tình bạn nên bạn luôn muốn kiểm soát người khác. Thuốc chữa đặc hiệu cho căn bệnh này là bạn hãy mở rộng sở thích cá nhân và tìm thêm nhiều người bạn mới.
Nhiều người sau khi kết hôn đã bỏ lỡ rất nhiều mối quan hệ tốt đẹp khác chỉ vì nghĩ rằng giờ đây, người bạn đời là duy nhất có ý nghĩa với họ. Một phụ nữ đã nói thế này: “Chồng tôi là người bạn duy nhất tôi cần, chúng tôi tâm sự cho nhau nghe mọi điều”. Nhưng sự thật có đúng vậy không? Quan điểm này vô tình đã tạo một áp lực rất lớn lên cuộc hôn nhân của chính họ. Dẫu quan hệ vợ chồng là một mối quan hệ tuyệt vời nhưng không ai có thể đáp ứng được tất cả những gì người kia đang cần; điều đó chỉ có được khi bạn khám phá các mối quan hệ khác nữa chứ không phải nhốt mình trong ốc đảo riêng. Người bạn đời của bạn có thể là người bạn tốt nhất, nhưng không nhất thiết phải là người duy nhất.
Một tình bạn đẹp sẽ luôn tồn tại nếu bạn biết gìn giữ, để đến một lúc nào đó, nó chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp bạn vượt qua những thử thách của cuộc sống.
6. Sẵn sàng cho những thay đổi
Đối với các bậc cha mẹ thì việc để những đứa con đang ở tuổi vị thành niên được tự do, nằm ngoài tầm ảnh hưởng của mình là một điều khá khó khăn. Chỉ mới đây thôi, chúng ta còn đang cột dây giày và nắm tay chúng khi băng qua đường, bây giờ phải bỏ những thói quen ấy đi quả là không dễ. Nhưng đó là việc cần thiết phải làm. Một người mẹ đã nói rằng:
- Có hai thứ sẽ còn mãi mà bạn nên cho con cái của mình : Thứ nhất là chỗ dựa; thứ hai là đôi cánh. Cái đầu tiên dễ dàng cho đi hơn cái thứ hai. Henri Nouwen thì khuyên:
“Con cái không phải là những của cải để bạn giữ lại và điều khiển, mà là những món quà để bạn yêu thương và chăm sóc. Con cái chúng ta là những vị khách đặc biệt nhất, đã đi vào gia đình chúng ta, đòi hỏi sự tận tâm; chúng chỉ ở lại một thời gian rồi sau đó đi theo con đường của riêng chúng.”
Tôi ước sao tất cả các bậc phụ huynh đều hiểu được điều này để thể hiện tình yêu với con cái của mình bằng việc tạo ra những khoảng trời riêng cho chúng, chứ không phải tìm mọi cách để điều khiển hay chi phối hoạt động của chúng.
Nhà nhân chủng học Gregory Bateson là người đầu tiên phân biệt giữa hai kiểu quan hệ: bổ sung và cân đối. Theo Bateson, hành vi giữa các nhóm không ngang hàng là “bổ sung”, bao gồm sự phụ thuộc và sự chăm sóc, giữa bậc cao hơn và bậc thấp hơn. “Cân đối” là từ ông dùng cho mối quan hệ giữa những người ngang hàng. Trong ngôn ngữ của ông, mối quan hệ của chúng ta với con cái phải thay đổi từ dạng bổ sung sang dạng cân đối. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, những thay đổi như vậy rất khó khăn, cả với con của bạn cũng như đối với bạn.
Một nữ diễn viên tài ba người Scandinavi được hỏi, cô và mẹ cô có thể có được mối quan hệ như người lớn với nhau hay không. Cô đáp:
- Tôi rất sẵn lòng. Đó là giấc mơ lớn của tôi.
Nhưng mẹ tôi luôn giữ quan niệm rằng bà là mẹ và tôi là con gái. Còn tôi lại muốn xem bà vừa như một người mẹ lại vừa như một người bạn. Tôi muốn hiểu về mẹ, những suy nghĩ, sự thất vọng, hy vọng, cả niềm vui, nỗi buồn như là một phụ nữ - không phải như là một người mẹ mà tôi biết, mà là một phụ nữ.
Đây là những khía cạnh không dễ dàng chút nào nhưng mọi người xung quanh ta đang thay đổi dần và ta cũng phải tạo cho mình sự mềm dẻo để có thể thích ứng và điều chỉnh được quan hệ với những thay đổi này.
Vậy quy tắc thứ năm để thắt chặt tình bạn là:
Hãy tạo không gian riêng tư trong mối quan hệ và khuyến khích phát triển cá tính của nhau.