II
Rất nhiều điều trong cuộc sống đều quy về sự tự chất vấn. Đấy là một trong những niềm vui thuần khiết nhất mà tôi có thể hình dung được. Tôi yêu thích cái cảm giác đó. Tôi thường tư lự, tôi tư lự gần như ở mọi nơi: khi đi du lịch, khi đọc sách, khi gặp gỡ người khác, khi tôi ngồi xuống viết, hay bất cứ khi nào tôi nghe thấy con tim mình đập, hoặc nhìn thấy ánh bình minh. Tự chất vấn là một trong những quyền năng mạnh mẽ nhất mà chúng ta có được ngay từ lúc sinh ra. Với tôi, đấy cũng là một trong những kỹ năng tinh tường nhất mà chúng ta sở hữu. Và không chỉ dành cho một nhà thám hiểm như tôi. Sự tự vấn cũng quan trọng không kém với một người cha hay với một nhà xuất bản. Tôi thích tự vấn. Và thích hơn nếu nó không bị ngắt quãng.
Các nhà khoa học có thể tiết lộ những chân lý. Tôi đã có thể chọn cách này, nhưng con đường ấy không dành cho tôi. Suốt đời mình, quan điểm của tôi về gần như tất cả mọi thứ đều đã thay đổi. Sự thức tỉnh này trước hết là tự thân, ta tự hỏi chỉ vì ta tự hỏi. Một hành trình khám phá nhỏ bé. Dẫu rằng nó có thể là hạt giống sẽ nảy mầm, sẽ mang đến những tiềm năng khác.
Khi khác, sự kinh ngạc lại vô tình. Chẳng phải là cái gì đó mà tôi chọn, vì tôi không thể để chuyện vẫn như vậy. Một cái gì đó xấu xí từ quá khứ của tôi lại ngóc đầu. Một ý nghĩ hay một trải nghiệm. Nó bắt đầu gặm mòn tôi và tôi không thể nào ngừng nghĩ về ý nghĩa khả dĩ của nó.
Một lần nọ, cô em họ của tôi đến nhà tôi ăn tối, và cô tặng tôi một tập thơ của tác giả, nhà biên kịch người Na Uy Jon Fosse. Sau khi em tôi ra về, tôi nằm trên giường giở từng trang sách. Trước khi tắt đèn để ngừng đọc và ngủ, những từ ngữ này hiện ra: Có một tình yêu không một ai còn nhớ. Ông ấy muốn nói điều gì? Một tình yêu vô hình đang yên ngủ? Hay có lẽ nào ông ấy đang viết về thinh lặng? Tôi đặt quyển thơ sang một bên và nằm ngẫm ngợi. Thơ hay khiến tôi nhớ về những nhà khám phá vĩ đại. Khi chọn đúng từ ngữ diễn đạt, chúng có thể khiến cho các suy nghĩ trong tâm trí tôi chuyển động, như những chuyện kể của nhà thám hiểm mà tôi đã đọc khi còn bé. Trước khi ngủ, tôi quyết định sẽ viết cho Fosse vào sáng hôm sau để tìm cách cơi nước từ lòng giếng của ông.
“Theo cách nào đó, đấy chính là cách lặng thinh cất tiếng”, Fosse đáp, chỉ sáu phút sau khi tôi gửi email đi. Dường như ông ấy đã chờ câu hỏi của tôi, nhưng không thể nào như thế vì ông ấy chẳng nghe thấy gì từ tôi suốt nhiều năm qua.
Ấy thế mà lên tiếng lại chính xác là chuyện thinh lặng nên làm. Thinh lặng nên lên tiếng, và ta nên nói cùng với thinh lặng, để kiềm chế sức mạnh hiện diện tại đó. “Có lẽ vì thinh lặng đồng hành với tự vấn, nó cũng có vẻ oai vệ của mình, tựa như đại dương, hay tựa như một dải núi tuyết bất tận. Và bất cứ ai không cảm thấy kinh ngạc trước vẻ oai nghiêm kia, hẳn là đang sợ thinh lặng. Và rất có thể đấy là lý do vì sao nhiều người khiếp sợ thinh lặng (và vì sao lúc nào cũng có âm nhạc vào mọi lúc, mọi nơi).”
Tôi nhận ra nỗi sợ mà Fosse đã mô tả. Một mối âu lo mơ hồ về một cái gì đó tôi không thể chạm tới. Một cái gì đó khiến tôi cảm thấy dễ dàng lảng tránh, không muốn nó hiện diện trong cuộc sống của mình. Trái lại, tôi làm mình bận rộn bằng thứ này hay thứ khác, tránh né thinh lặng, để tâm vào công việc mới đang phải thực hiện. Tôi gửi tin nhắn, mở một chút nhạc, lắng nghe vô tuyến, hay cho phép các suy nghĩ quét qua, thay vì tại vị và đóng khép khỏi thế gian dù chỉ một phút giây đơn lẻ.
Tôi cho rằng nỗi sợ mà Fosse diễn tả chính là nỗi sợ ta sẽ phải hiểu hơn về bản thân. Có một vị thoảng nồng của hèn nhát mỗi khi tôi tìm cách lảng tránh nỗi sợ này.
Châu Nam Cực là nơi yên tĩnh nhất mà tôi từng đặt chân đến. Tôi đã đi một mình đến cực Nam, và giữa cái khối cảnh quang đơn nhất khổng lồ ấy chẳng hề có lấy tiếng động nào của con người ngoại trừ những tiếng động do tôi gây ra. Đơn độc trên băng, dấn sâu vào cái hư vô màu trắng mênh mông ấy, tôi có thể nghe và cảm nhận được thinh lặng. (Công ty sở hữu chiếc máy bay đưa tôi đến cực Bắc của châu Nam Cực buộc tôi phải đem theo máy vô tuyến. Điều cuối cùng tôi làm trước khi rời máy bay là bỏ lại chỗ pin ấy vào thùng rác.)
Tất cả dường như hoàn toàn phẳng lì và chỉ có một màu trắng, hàng dặm nối tiếp nhau về phía đường chân trời, khi tôi tiến về phía Nam, băng qua châu lục lạnh lẽo nhất thế giới. Dưới chân tôi là bảy triệu khối băng, ghim xuống bề mặt trái đất.
Cuối cùng, trong sự cô lập hoàn toàn, tôi bắt đầu nhận ra rằng rốt cuộc chẳng có gì là phẳng phiu hoàn toàn. Băng và tuyết tạo tác ra những hình thù trừu tượng lớn nhỏ. Cái màu trắng đơn nhất được hóa thành vô vàn sắc độ khác nhau của màu trắng. Một ửng màu xanh dương lộ ra trên tuyết, có chút đỏ nhạt, xanh nhạt và chớm hồng. Cảnh quan thay đổi dọc theo chặng đi, nhưng tôi đã lầm. Khung cảnh xung quanh tôi vẫn không hề đổi dạng; chính tôi mới là người thay đổi. Vào ngày thứ hai mươi hai, tôi viết trong nhật ký như sau:
“Khi ở nhà, tôi chỉ thích những ‘ham mê nhất thời’. Còn ở chốn này, tôi đang học cách quý trọng những niềm vui tinh tế. Những sắc độ phiên chuyển của tuyết. Gió dịu dần. Hình dáng của những đám mây. Thinh lặng.”
Khi còn bé, tôi thích thú khi thấy chú sên có thể vác ngôi nhà của mình trên lưng đến bất cứ nơi đâu. Trong suốt chuyến thám hiểm Nam Cực, lòng ngưỡng mộ của tôi dành cho chú ốc sên càng tăng thêm. Tôi khuân theo toàn bộ thức ăn, đồ nghề và chất đốt trên xe kéo và suốt chặng hành trình, tôi chẳng mởmiệng ra nói điều gì. Tôi ngậm miệng. Tôi không có máy liên lạc vô tuyến, cũng không thấy một sinh vật sống nào trong suốt năm mươi ngày. Tôi không làm gì khác ngoài trượt băng mỗi ngày. Thậm chí khi tức giận, về một néo dây bị đứt hay đã trượt vào một khe nứt, tôi cũng không buông một lời chửi rủa nào hết. Tức giận chỉ khiến ta thất vọng và làm cho tâm trạng đã tệ càng tồi tệ hơn mà thôi. Đó là lý do vì sao tôi không bao giờ chửi rủa trong các chuyến thám hiểm.
Ở nhà luôn có một chiếc xe nào đó băng qua; một chiếc điện thoại reng, chớp hay rung; một ai đó đang nói chuyện, thì thầm hay la ó. Có quá nhiều tiếng động đến nỗi chúng ta khó có thể nghe được hết. Ở đây hoàn toàn khác. Thiên nhiên chuyện trò với tôi qua lớp ngụy trang của thinh lặng. Càng yên ắng, tôi càng nghe thấy nhiều hơn.
Mỗi bận tôi dừng lại để nghỉ ngơi, nếu gió không thổi, tôi sẽ trải qua một sự yên lặng đến đinh tai. Khi không có gió, đến tuyết cũng trông tĩnh lặng. Tôi ngày càng chú ý hơn đến cái thế giới mà tôi khi ấy thuộc về. Tôi không còn cảm thấy chán nản hay bị làm phiền nữa. Tôi một mình bên những ý nghĩ và suy tưởng của riêng mình. Tương lai chẳng còn can hệ gì. Tôi không còn để tâm đến quá khứ. Tôi hiện diện trong cuộc sống của chính mình. Thế giới tan biến khi ta tiến vào nó, như triết gia Martin Heidegger từng khẳng định. Và đó chính xác là điều đã xảy ra.
Tôi đã trở thành một phần mở rộng của khung cảnh xung quanh. Không có ai để trò chuyện cùng, tôi bắt đầu cuộc chuyện trò với tự nhiên. Những ý nghĩ của tôi được phát băng qua những dải băng tuyết mênh mông về những ngọn núi, và những suy tưởng khác được phát trả.
Người ta nghĩ những châu lục mà họ không thể đi đến, không thể thưởng lãm hay thấy được, không có mấy giá trị. Vì thế, họ cần phải đến một nơi nào đó, chụp ảnh và chia sẻ những hình ảnh đã chụp để mang lại ý nghĩa cho nơi ấy. Vào ngày thứ hai mươi bảy, tôi đã viết:
“Châu Nam Cực vẫn xa xăm và bí ẩn với hầu hết mọi người. Bước đi ở đó, tôi hy vọng Nam Cực sẽ luôn như thế. Chẳng phải vì tôi ghét thù gì việc người khác thưởng ngoạn nó, mà vì châu Nam Cực có sứ mệnh riêng phải là một vùng đất bí ẩn.”
Tôi tin rằng chúng ta cần những nơi chốn hãy còn chưa được khám phá tất tần tật, hãy còn chưa bị tầm thường hóa. Vẫn còn một châu lục huyền bí, và hoàn toàn chưa được động tới, “có thể là một nơi chốn trong mộng ước của ai đó”. Đây có thể chính là giá trị to lớn nhất mà châu Nam Cực có thể dành cho ba cô con gái của tôi và cho nhiều thế hệ sau.
Bí quyết khi bước về cực Nam chính là chân trước chân sau, và cứ như thế bước đủ số lần. Xét trong phạm vi thuần kỹ thuật, điều này khá là đơn giản. Thậm chí một con chuột cũng ăn hết một con voi nếu nó cạp đủ từng mẩu thịt nhỏ. Thách thức nằm ở mong muốn thực hiện. Thách thức lớn nhất là phải thức giấc vào buổi sáng khi nhiệt độ ở mức năm mươi dưới không, trong quang cảnh hệt như những gì đã được chứng kiến vào thời Roald Amundsen* và Robert Scott**.
* Roald Engebreth Gravning Amundsen (1872 - 1928) là nhà thám hiểm người Na Uy. Ông dẫn đầu cuộc thám hiểm Nam Cực thành công đầu tiên vào khoảng giữa 1910 và 1912. Ông mất tích trong một chuyến đi cứu hộ vào tháng 6 năm 1928.
** Thuyền trưởng Robert Falcon Scott (1868 - 1912) là một sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh và nhà thám hiểm, người đã chỉ huy hai cuộc thám hiểm đến vùng Nam Cực: Thám hiểm Khám phá giai đoạn 1901 - 1904, và chuyến đi đoản mệnh Thám hiểm Terra Nova giai đoạn 1910 - 1913.
Thách thức gian nan kế tiếp? An hòa với bản thân.
Sự thinh lặng vây bám lấy tôi. Không có tiếp xúc với thế giới bên ngoài, cô lánh và đơn độc, tôi bị buộc phải nghĩ nhiều hơn những ý nghĩ mà mình đã sở hữu. Và, còn tệ hơn thế nữa, đó là những cảm xúc mà tôi có. Châu Nam Cực chính là sa mạc lớn nhất trên thế giới, chỉ cấu thành từ nước, nơi có nhiều giờ nắng chiếu hơn cả miền Nam California. Không có nơi nào để trú ẩn. Những lời nói dối vô hại và những sự thật một nửa mà hàng ngày chúng ta nói với nhau khi trở lại nền văn minh dường như hoàn toàn vô nghĩa khi ta không còn ở đó nữa.
Nghe có vẻ như là tôi đã tự mình suy nghiệm ra tất cả, nhưng chuyện nào phải như thế. Đôi khi cái lạnh và gió kẹp chặt tôi như một chiếc kìm cắt giá buốt. Tôi cóng lạnh đến phát khóc. Mũi, ngón tay và ngón chân tôi dần hóa sang màu trắng, còn cảm giác ở chúng đã tan biến. Cơn đau trỗi lên khi những phần trên cơ thể bị bỏng lạnh, nhưng cũng dịu đi. Cơn đau ấy trở lại khi các phần trên thân thể bớt bỏng. Toàn bộ năng lượng tôi có thể gom lại bị tiêu thụ hết vào việc tìm cách giữ ấm trở lại. Làm tan bỏng còn đau đớn hơn bị cóng lạnh từ đầu. Về sau, cũng trong ngày hôm đó, khi hơi ấm trở lại cơ thể, tôi lại có đủ năng lượng để mơ giữa ban ngày.
Người Mỹ đã xây dựng một khu trại ở ngay Nam Cực. Các nhà khoa học và thợ bảo dưỡng sống ở căn cứ đó suốt vài tháng trời mỗi lần, cô lập khỏi thế giới bên ngoài. Một năm nọ, đã có chín mươi chín người ăn mừng Giáng sinh cùng nhau ở đó. Ai đó đã lén lút mang vào trại chín mươi chín viên đá và trao cho mỗi người một viên làm quà Giáng sinh, mỗi người giữ một viên cho mình. Chưa một ai nhìn thấy dù chỉ một viên đá từ nhiều tháng trời. Một số thậm chí còn không nhìn thấy đá nhiều năm trời. Chẳng có gì ngoài băng, tuyết, và những món do con người tạo ra. Ai cũng ngồi nhìn và chạm vào viên đá của mình. Cầm lấy nó trong tay, cảm nhận sức nặng của nó mà không thể thốt lên lấy một lời.
Trên đường hướng tới Nam Cực, tôi hình dung về người trên cung trăng nhìn xuống Trái đất. Không hề có một âm thanh nào từ hành tinh của chúng ta có thể chạm đến gần 240.000 dặm nơi anh ta đang đứng, nhưng anh ấy có thể nhìn thấy được hành tinh của chúng ta và mặc nhiên để cho cái nhìn của mình rong chơi về miền viễn Nam. Rồi, anh trông thấy một cậu bé trong chiếc áo khoác trùm đầu anorak đang lê bước ngày càng xa hơn giữa băng tuyết, đang dựng lều cho mình vào ban tối. Ngày tiếp theo cậu bé sẽ lại từ lều xuất hiện và nghi thức ấy lặp lại. Người trên cung trăng nhìn thấy cậu bé tiến về cùng một hướng, tuần này sang tuần nọ. Hẳn anh ta sẽ cho rằng cậu bé đã hóa rồ mới làm như vậy.
Một chiều muộn, ngay khi tôi sắp sửa kết lại hành trình của ngày hôm đó và dựng lều, tôi ngẩng lên bầu trời và tưởng tượng thấy người trên cung trăng chuyển ánh nhìn của mình sang viễn Bắc. Rất xa bên dưới, anh ta có thể quan sát thấy hàng ngàn, nếu không nói là hàng triệu người hàng ngày rời những ngôi nhà nhỏ bé lúc ban sáng chỉ để ngồi giữa biển giao thông chừng ít phút hay suốt một giờ đồng hồ. Như thể trong bộ phim câm. Rồi họ đến những tòa nhà lớn, nơi họ ở lại suốt trong đó đến tám hay mười hai giờ ngồi trước màn hình máy tính, trước khi hòa vào dòng giao thông tắc nghẽn để trở về ngôi nhà tí hon của mình. Ở đó, họ dùng bữa tối và xem tin tức trên truyền hình cùng một thời điểm với nhau. Năm này sang năm khác.
Khác biệt duy nhất dần thấy được chính là một số trong số những con người ấy – có lẽ những kẻ tham vọng nhất – sẽ tìm đến một căn nhà to nhỉnh hơn một ít để sống về đêm. Tối hôm đó, khi cởi giày trượt để dựng trại, tôi cảm thấy an yên hơn và hài lòng hơn.
Ở trường, tôi đã học về sóng âm. Âm thanh có đặc tính vật lý và có thể đo được bằng decibel, dù tôi thấy việc đo âm thanh bằng đồ thị số không thỏa lắm. Thinh lặng giống với một ý nghĩ hơn. Một quan niệm. Thứ thinh lặng quanh chúng ta có thể chứa đựng rất nhiều, nhưng kiểu thinh lặng lý thú nhất chính là cái nằm ở bên trong. Một thứ thinh lặng mà mỗi chúng ta phải tạo nên. Tôi không còn thử tìm cách tạo ra thinh lặng tuyệt đối quanh mình nữa.
Cái thinh lặng mà tôi kiếm tìm chính là cái ngự ở bên trong.
Tôi hỏi một cầu thủ đẳng cấp thế giới về trải nghiệm tiếng ồn trên sân bóng, giữa một sân vận động kín chỗ, vào lúc anh sút bóng và quả bóng vút bay về phía khung thành. Câu trả lời của anh như sau: Ngay sau khi sút bóng, anh không thể nghe thấy dù chỉ một tiếng ồn nào cả, mặc dù mức tiếng ồn đã tăng vụt. Anh thét ra một tiếng. Anh chính là người đầu tiên biết đã thành bàn. Nhưng cả sân vận động vẫn tiếp tục dường như không có tiếng động nào. Các đồng đội của anh chính là những con người sau anh hiểu ra rằng bóng đã băng qua cột khung thành, và anh có thể thấy họ đang reo mừng. Chỉ sau đó, người hâm mộ trên khán đài mới nhận ra, và rồi ai cũng reo hò ồn ã. Toàn bộ sự việc mất chừng một hay hai giây.
Đương nhiên, mức tiếng ồn trên sân đấu lúc nào cũng luôn ở mức decibel cao đáng kể.
Tôi tin rằng mọi người có thể phát hiện ra sự thinh lặng ấy ngay trong mình. Lúc nào nó cũng hiện diện, kể cả khi chúng ta vây quanh bởi tiếng ồn thường trực. Sâu thẳm dưới đại dương, dưới các cơn sóng và gợn, bạn có thể tìm thấy thinh lặng nội tại. Đứng dưới vòi sen, để nước dội xuống đầu, ngồi trước một ánh lửa bập bùng, bơi qua một hồ nước giữa rừng hay bước rảo qua một cánh đồng: tất cả những hoạt động ấy đều là những trải nghiệm tịnh yên tuyệt đối. Tôi thích như vậy.
Ở Oslo khó hơn. Tôi làm việc trong thành phố, và đôi lúc tôi phải tạo tác thinh lặng của riêng mình ở đó. Đôi khi có quá nhiều tiếng ồn đến mức tôi vặn nhạc mình đang nghe to hơn, chẳng phải để tạo thêm sự phá bĩnh, mà là để áp chế tất cả các âm thanh khác. Cách làm này dường như hiệu quả nếu đó là bản nhạc tôi đã quen thuộc và không còn cảm thấy ngạc nhiên. Bạn thậm chí có thể trải nghiệm thinh lặng dọc theo đường băng máy bay, nếu thật tâm muốn như vậy. Một người bạn kể với tôi rằng lần duy nhất anh có thể chắc chắn về sự yên lặng tuyệt đối chính là khi anh đang lái xe.
Điều tối quan trọng, như một câu ngạn ngữ xưa của Na Uy, không phải là chúng ta như thế nào, mà là chúng ta nhìn nhận về mọi sự ra sao. Với tôi, thinh lặng giữa tự nhiên có giá trị tối thượng. Đó là khi tôi cảm thấy thoải mái nhất. Dẫu thế, giả sử như tôi vẫn chưa từng trải qua sự tĩnh tại giữa đời sống thành thị, mong mỏi của tôi dành cho thinh lặng vẫn không suy suyển và tôi còn cần phải trở về với tự nhiên thường xuyên hơn.
Bắc Cực là một đại dương bao quanh bởi những châu lục: một tương phản trái ngược với Nam Cực, vốn là một châu lục có đại dương bao quanh. Khi ta hướng về phương Bắc đến với Bắc Cực, ta luôn bị bao quanh bởi tiếng ồn thường trực. Bắc Băng Dương sâu 3.000 mét và được băng bao phủ. Băng được gió và các dòng thủy triều dịch chuyển. Các khối băng khổng lồ màu trắng đổ gãy khi chúng va vào những kết cấu tự nhiên khác. Khi băng còn mỏng, có lẽ chỉ chừng một vài cen-ti-mét, nó chòng chành và nứt toạc ra khi bạn bước bên trên.
Năm 1990, khi nhà thám hiểm Børge Ousland và tôi đến cực Bắc, một chiếc máy bay do thám của Mỹ tình cờ đang lượn trên đầu ngay cái ngày hai chúng tôi đến nơi. Các viên phi công có lẽ cũng ngạc nhiên như chúng tôi khi nhận thấy còn có người khác tại cực Bắc. Như một nghĩa cử dành cho hai gã thám hiểm đói meo, họ đảo quanh một vòng và thả một thùng thức ăn xuống, rồi tiếp tục bay. Sau năm mươi tám ngày trong nhiệt độ âm hai mươi mốt độ, hầu hết các khối mỡ và cơ đã bị đốt sạch khỏi cơ thể chúng tôi. Để đến được vùng cực, chúng tôi đã nới giãn ngày từ hai mươi bốn giờ thành ba mươi giờ, để mỗi lần chúng tôi di chuyển kéo dài mười bảy giờ. Cái lạnh và cơn đói khiến chúng tôi đôi khi gần như không thể ngủ được vào ban đêm. Hai chúng tôi mở chiếc thùng từ máy bay do thám. Đó là phần ăn trưa của họ – bánh sandwich, nước trái cây, cá trích ướp muối – và hai chúng tôi bày tất cả ra chiếu ngủ, chia ra làm hai phần. Khi tôi chuẩn bị ngấu nghiến chỗ thức ăn của mình thì Børge gợi ý hai chúng tôi khoan vội ăn ngay mà hãy ngưng lại một chút. Trong thinh lặng. Chúng tôi đếm nhẩm từ một đến mười, khi nào xong thì bắt đầu ăn, Børge nói. Thể hiện sự cố gắng vì tập thể. Nhắc nhở nhau rằng sự thỏa mãn cũng là sự hy sinh. Sự đợi chờ sao lạ quá. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy giàu có dường ấy trong thời khắc thinh lặng đó.
Tôi không biết khâu vá, nhưng khi nhìn thấy ai đang thao tác, tôi cho rằng hẳn họ đã tìm thấy cùng một sự an nhiên nội tại mà tôi đã phát hiện ra trong các cuộc thám hiểm của mình, kể cả khi xung quanh họ chẳng hề yên ắng như quanh tôi. An nhiên ấy cũng giống khi tôi đọc, chơi nhạc, làm tình, đi trượt băng, tập yoga, hay chỉ lặng yên ngồi mà không bị điều gì khác quấy rầy.
Là một nhà xuất bản, tôi đã học được rằng có thể bán hàng trăm ngàn quyển sách về khâu vá, nấu bia hay chất gỗ. Rất nhiều người chúng ta có mong muốn tìm về một cái gì đó cơ bản, thuần chất, và để tìm thấy an nhiên, để trải qua một sự thay thế nhỏ nhoi, yên ắng cho những bộn bề hàng ngày. Có một cái gì đó chậm rãi và bền lâu trong những theo đuổi ấy, một cái gì đó giàu tư lự. Việc bị quấy rầy khi bạn đang nấu bia trong hầm nhà, hay khi đan móc, hy vọng luôn tối thiểu, vẫn cho phép bạn tận hưởng việc mình đang làm. Chỉ giản đơn biết rằng tôi sẽ không bị làm phiền, và có một lời giải thích cho người khác vì sao tôi ước muốn được yên thân với công việc, đấy là một sự xa hoa tuyệt diệu.
Đấy không chỉ là một xu thế mới, hay một phong trào gì cả; đó chỉ là sự phản chiếu cái nhu cầu to tát của con người. Khâu vá, nấu bia, đốn cây; đấy chính là những hoạt động vốn đều có điểm chung. Ta đặt ra một mục tiêu cho bản thân và thực hiện nó – không phải ngay tức thì, mà về lâu về dài. Khi chuyển động, ta dịch chuyển tâm trí mình. Tôi thích những trải nghiệm mà sự thỏa mãn đi từ thể chất rồi đến tinh thần, thay vì chiều ngược lại. Các kết quả mà bạn đạt được – gỗ để sưởi ấm, chiếc áo ấm tròng vào – chẳng phải là những gì có thể đơn giản in ra là có. Thành quả lao động của bạn là một sản phẩm hữu hình, thực chất. Một kết quả mà bạn và người khác có thể nhận được trong một khoảng thời gian.
Âm thanh, đương nhiên, chẳng phải chỉ là âm thanh.
Trong một chuyến du hành bằng thuyền vào mùa Xuân năm 1986, dọc theo bờ biển Chile đến Mũi Sừng* ở Nam Thái Bình Dương, tôi đã được nhắc nhở về điều này. Một sáng sớm, khi đang gác tàu một mình trong quãng từ nửa đêm đến bốn giờ sáng, tôi nghe thấy một âm thanh nghe như là tiếng thở vừa sâu vừa dài ở mạn Tây thuyền. Tôi không biết được đó là gì. Tôi xoay chín mươi độ về hướng âm thanh ấy và nhìn thấy một con cá voi sát mạn phải tàu. Chỉ cách một khoảng cách rất ngắn. Tôi ước chừng sinh vật kia dài bằng chiều dài của tàu, chừng hai mươi thước. Nhìn từ chiều dài của nó, tôi đoán đó là một con cá voi vây**, một loài động vật có vú, dãi dầu suốt đời chỉ săn cua, loài nhuyễn thể và cá. Cá voi xanh có kích thước cũng tương tự, nhưng con người chúng ta đã gần như tiêu diệt hết tất cả chúng, tôi đoán rằng xác suất có loài vật lớn nhất trên thế giới bơi cạnh chúng tôi khá là ít ỏi.
* Điểm cực Nam của quần đảo Tierra del Fuego, miền Nam Chile. Quan điểm phổ biến cho rằng Cape Horn là điểm tận cùng về phía Nam của châu Mỹ.
** Cá voi vây (Balaenoptera physalus), còn gọi là cá voi lưng xám, là một loài động vật có vú sống ở biển thuộc phân bộ cá voi tấm sừng hàm. Chúng là loài cá voi và là loài động vật còn tồn tại lớn thứ hai sau cá voi xanh, có thể dài từ 18 – 22 mét và nặng từ 40 – 60 tấn.
Các cánh buồm đều căng gió, thuyền gần như đang tự điều khiển, và tôi gần như không có gì mấy để động tay vào ngoài chuyện quan sát con cá voi ấy. Gầy, thuôn, hơi giống một quả thủy lôi, với một cột sống đen xam xám. Đoán từ kinh nghiệm về cá voi lớn là ứng với mỗi tấc chiều dài là một tấn cân nặng, do đó tôi đoán trọng lượng của nó vào khoảng sáu mươi tấn. Chàng, hay nàng cá ấy bơi dọc theo thuyền. Trong một vài phút, bọn chúng tôi di chuyển cùng hướng với nhau, con cá voi và tôi.
Thêm vài lần nữa tôi nghe thấy cùng cái âm trầm ấy từ lỗ phun nước trên lưng, chầm chậm vào và ra khỏi buồng phổi, trước khi cuối cùng con cá voi biến mất hoàn toàn vào đại dương. Thế gian giờ đã không còn như xưa. Tôi vẫn đứng đó, tay trên bánh lái, lắng nghe và dõi tìm cái cột sống sẫm màu chỉ có duy nhất một chiếc vây kia, nhưng tôi không bao giờ còn nhìn thấy con cá voi ấy nữa.
Ba ngày sau khi chúng tôi đến một bến cảng, tôi nghe thấy tiếng một chiếc máy hút bụi. Âm thanh ấy và tiếng thở của con cá voi gần như có cùng tần số. Nhưng mà khi một trong hai âm thanh đó nhắc nhở tôi về những bổn phận thông thường, cần thiết hàng ngày mà tôi phải làm để giữ cho nhà sạch bụi, âm thanh còn lại hóa ra lạ thường, riêng chất, một sức mạnh của tự nhiên. Đôi khi tôi vẫn còn nghe thấy cái tiếng kêu sâu lắng, hùng vĩ ấy; đó là thứ làm cho cuộc sống của tôi thêm phần phong phú mãi đến tận hôm nay.
Thinh lặng có thể chán ngán. Mọi người ai cũng từng trải qua những cách mà thinh lặng có thể có vẻ chỉ riêng họ mới có, kém thoải mái và đôi lúc còn đáng sợ. Và có những lúc khác thinh lặng là một dấu hiệu của sự cô đơn. Hay buồn bã. Thinh lặng kéo theo sau thật nặng nề.
Nếu như có một cái gì đó mà ta không muốn nói về, chúng ta có lẽ chỉ nên giữ yên lặng. Những cô gái trẻ chừng mười lăm tuổi hẳn là nhóm người bất hạnh nhất trên quả đất, vì thế rất dễ hiểu các cô con gái của tôi đã muốn nói điều gì đó khi cho rằng thinh lặng quan trọng mỗi khi chúng buồn phiền. Tôi cũng làm thế với mình – chỉ đơn giản là hóa đá khi tâm trạng trở nên u ám. Mỗi khi tôi quan sát một cặp đã kết hôn né tránh nhau bằng sự yên lặng quyết liệt, tôi làm hết sức để tránh xa họ.
Khi còn bé, tôi thường không thể ngủ được. Tôi nằm trong cũi, bị thinh lặng tra tấn – cũng giống như đang có một cơn ác mộng và tỉnh táo đồng thời, trong lúc cha mẹ tôi vẫn đang làm những công việc của họ một cách khẽ khàng. Thinh lặng ấy cảm giác như là một thứ âm thanh vang rền trong đầu tôi. Từ những đêm như thế, nằm một mình mà vẫn vặn vẹo trở mình trên giường, tôi không thể nào nhớ lại nổi dù chỉ một ý nghĩ dễ chịu.
Tuy nhiên, thinh lặng cũng có thể là một người bạn, một sự khoan khoái và là nguồn mang lại những trải nghiệm phong phú sâu sắc. Trong bài thơ The Silence That Follows, nhà thơ Rolf Jacobsen* viết:
* Rolf Jacobsen (1907 – 1994) là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của Na Uy, được xem là người đưa thơ ca hiện đại đến với nền văn chương của đất nước này. Nguyên là viện sĩ Viện Hàn lâm Ngôn ngữ và Văn học Na Uy, ông được trao nhiều giải thưởng trong sự nghiệp của mình, trong đó có giải Dobloug năm 1968 và giải Bắc Âu (giải “Nobel nhỏ”) của Viện Hàn lâm Thụy Điển năm 1989.
Thinh lặng vốn ngự trên thảm cỏ
tại mặt dưới từng cọng cỏ
và ở chốn giữa những hòn đá xanh.
Cái thinh lặng vốn ngơi nghỉ như chú chim non trong lòng bàn tay ta. Rất dễ nhìn thấy chính mình trong trải nghiệm mà Rolf Jacobsen thuật lại. Cô độc trên đại dương, bạn có thể nghe thấy nước chảy; trong khu rừng, bạn nghe thấy tiếng suối róc rách hay còn không là tiếng cành đong đưa trước gió; trên đỉnh núi, bạn nghe thấy những chuyển động li ti giữa đá và rêu. Đó là những lúc thinh lặng khiến ta thấy bình yên. Tôi tìm kiếm nó bên trong chính tôi. Từng phút một. Thinh lặng ấy có lẽ xảy ra trong nhà, nhưng cũng có thể dễ dàng xảy đến khi tôi đến văn phòng làm việc, khi tôi dành thời gian để ngưng lại một chốc trước một cuộc họp, hay rời khỏi một cuộc chuyện trò.
Đóng khép thế gian không giống với xoay lưng lại trước những gì xung quanh ta, mà là ngược lại: đó là nhìn thấy thế gian rõ nét hơn, là giữ nguyên một con đường và cố yêu thương cuộc sống của mình.
Thinh lặng tự thân luôn phong phú. Là chìa khóa mở vào những lối nghĩ suy mới. Tôi không xem thinh lặng là sự từ khước cuộc sống hay một cái gì đó mang tính tâm linh, mà là một tài nguyên thực tiễn giúp chúng ta sống một cuộc sống đong đầy hơn. Hay, để nói theo những từ ngữ đơn giản hơn: là một cách trải nghiệm cuộc sống sâu sắc hơn so với việc mở truyền hình hay xem tin tức, thêm một lần nữa.
Trái với những gì tôi đã tin khi còn bé, trạng thái cơ bản của bộ não chúng ta là đầy hỗn độn.
Nguyên nhân nào đã khiến tôi phải mất quá lâu mới ngộ ra được điều này, chính là ngày tháng của tôi thường diễn ra ở chế độ tự động. Tôi ngủ, thức giấc, kiểm tra điện thoại, tắm, ăn uống và đi làm. Ở chỗ làm, tôi trả lời tin nhắn, đi họp, đọc và trò chuyện. Kỳ vọng của chính tôi cũng như của những người khác về cách tôi nên sống một ngày của mình như thế nào cứ dẫn dắt những khi tôi còn đang thức giấc mãi đến lúc tôi nằm xuống trở lại để ngủ.
Mỗi khi tôi thoát ra khỏi cái lối mòn này và ngồi lặng lẽ trong phòng một mình, không có bất cứ mục tiêu nào, không có bất cứ cái gì để nhìn vào, hỗn mang trỗi trở lại. Rất khó nếu phải ngồi tại đó. Vô vàn cám dỗ cũng dậy theo.
Bộ não của tôi, vốn vận hành quá ổn trong chế độ tự động, chẳng còn giúp ích được nữa. Không dễ dàng gì được thảnh thơi khi không còn gì khác diễn ra, khi yên tĩnh và đang đơn độc. Tôi thường chọn làm một chuyện gì đó hơn là tự mình lấp đầy thinh lặng kia. Tôi dần nhận ra rằng nguồn cơn cho rất nhiều vấn đề của mình đích thị là cuộc đấu tranh này.
Dĩ nhiên, tôi chẳng phải là người đầu tiên có những ý nghĩ như thế. Triết gia kiêm lý thuyết gia về buồn chán, Blaise Pascal, đã cổ súy cho sự tự khám phá này từ tận những năm 1600: “Tất cả các rắc rối của con người khởi nguồn từ việc con người không có khả năng ngồi yên trong phòng một mình”. Do đó, nỗi bất an với việc ở một mình, giữ yên lặng và đơn giản là chính mình không bắt đầu từ sự ra đời của truyền hình vào thập niên 1950, với sự xuất hiện của Internet vào thập niên 1990, hay với điện thoại thông minh: nỗi bất an ấy vẫn luôn là một vấn đề, và Pascal có lẽ là người đầu tiên viết về cảm giác đó.
Cái thôi thúc thường trực buộc ta phải viện tới một cái gì đó khác – phim truyền hình, đồ chơi công nghệ, trò chơi điện tử – xuất phát từ các nhu cầu mà chúng ta sinh ra đã có, hơn là một nguyên nhân. Cái bất an mà ta cảm thấy vẫn luôn ở bên chúng ta ngay từ đầu, đó là trạng thái tự nhiên của chúng ta. Hiện tại tất đau đớn, Pascal đã viết. Và phản ứng của ta là miên mải kiếm tìm những mục đích tươi mới hòng kéo sự chú tâm của ta ra bên ngoài, ra khỏi bản thân mình. Đương nhiên, những cơ may làm cho gián đoạn ấy đã tịnh tiến đáng kể suốt thế kỷ qua, một xu hướng dường như chắc chắn sẽ tiếp diễn. Chúng ta sống trong thời đại của tiếng ồn. Thinh lặng đã gần như tuyệt chủng.
Một trong ba sáng lập gia của Apple**, Steve Jobs, hiểu rõ không chỉ ích lợi mà cả sự nguy hại gắn với việc sử dụng chính cái công nghệ mà ông góp công sáng chế ra. Jobs giới hạn việc sử dụng các sản phẩm Apple đối với con của mình. Tôi tin Steve Jobs là một người cha có trách nhiệm hơn là một thiên tài marketing có thể thấu thị tương lai.
** Hai người còn lại là Steve Wozniak và Ronald Wayne.
Theo một nghiên cứu rất hay được nhắc đến, con người chúng ta tập trung kém hơn một con cá vàng. Con người ngày nay đánh mất sự tập trung chỉ sau tám giây. Trong năm 2000, đó còn là mười hai giây, trong khi cá vàng trung bình mất chín giây. Tôi đồ rằng công trình nghiên cứu tiến hành trên cá vàng cực kỳ hạn chế và sự thể hiện của các sinh vật ấy cũng cần được nhìn nhận một cách thận trọng. Tôi đề cập đến nghiên cứu này vì những kết luận mà nó rút ra được về con người: cứ mỗi giây trôi qua, chúng ta càng khó tập trung vào một chủ đề đơn lẻ. Cứ mỗi giây trôi qua, chúng ta càng khó tập trung vào một chủ đề đơn nhất.
Chúng ta tìm thấy một âm hưởng nào đó suy nghĩ của Pascal trong ghi chép của nhà văn David Foster Wallace quá cố, người cùng thế hệ với tôi:
“Hạnh phúc – cái niềm vui và lòng biết ơn tính theo từng giây được sống, được ý thức – nằm ở bên kia của sự chán chường kinh khiếp, vô cùng kinh khiếp. Hãy chú tâm vào cái thứ chán chường nhất ta có thể tìm được (bản khai thuế, truyền hình thi đấu golf trực tiếp) và, theo từng cơn, một sự chán nản mà bạn chưa từng biết đến sẽ ập qua và như chực kết liễu bạn.”
Nhưng hãy cưỡi những con sóng ấy, anh kết luận, và nó sẽ như thể cuối cùng cũng được uống nước sau nhiều ngày giữa sa mạc.
Do đó, giải pháp của Wallace là chấp nhận hiện trạng và làm một điều gì đó liên quan đến nó. Đó là việc cần phải vận hành trơn tru trong một môi trường đóng tắt tất cả những gì quan yếu và có yếu tính con người: hít thở thinh không.
“Dù là thuộc về bản năng hay có điều kiện, để tìm thấy phía còn lại của sự học vẹt, sự tầm thường, cái vô nghĩa, sự lặp lại, sự phức tạp đến vô nghĩa. Gói gọn trong một từ, trở nên không thể chán được.”
Tôi dừng lại ở từ ấy: không thể chán được.
Có lẽ nên là chiều ngược lại – tức là người ta thi thoảng chán chường đôi chút có lẽ cũng tốt chăng? Để ngừng cắm bản thân họ vào một điều gì đó. Để ngưng lại và ngẫm ngợi về cái mà ta quả thực đang thực hiện là gì. Tôi nghĩ Wallace cũng muốn nói như thế. Khi còn bé, vào học cấp một, anh đã chia sẻ những tham vọng to tát với mẹ mình: “Con muốn viết ra một vở kịch tuyệt cú, nhưng nó sẽ không thể nào bắt đầu cho đến khi tất cả chỗ khán giả ngoại trừ một người đã rời khỏi rạp hát vì họ quá chán ngán đến mức bỏ về không xem nữa”.
Tôi thích cái suy nghĩ rằng thứ duy nhất cần có ở đây chính là sự kiên nhẫn.
Hiện tại, người ta đang tiến hành nghiên cứu tính xác thực trong lời khẳng định của Pascal. Trong một nghiên cứu kép của Đại học Virginia và Harvard, các nhà khoa học cho các cá nhân tham gia thí nghiệm vào một căn phòng trong vòng từ sáu đến mười lăm phút mà không có nhạc để nghe, không có tài liệu để đọc, không có cơ hội sử dụng điện thoại thông minh. Họ được phó mặc cùng với các ý nghĩ của mình. Những người tham gia có độ tuổi từ mười tám đến bảy mươi bảy, và có nền tảng xã hội khác nhau; thế nhưng bất chấp những khác biệt đó, kết quả lại hoàn toàn giống nhau. Hầu hết đều cảm thấy không thoải mái. Họ thuật lại rằng rất khó để họ tập trung vào những lúc phải trải qua một mình, cho dù không có gì làm gián đoạn họ cả.
Một phần ba số người tham gia đã chọn mang bài kiểm tra này về nhà, đến nay đã thừa nhận rằng họ không thể hoàn thành bài tập theo đúng luật đã đề ra, chẳng hạn như họ đã tự rút ngắn số phút bắt buộc phải ngồi yên.
Có vẻ thú vị khi ta hình dung những chú chuột bạch thí nghiệm kia đang ngồi yên, mà vẫn ăn gian.
Một nhóm được phép đọc hoặc nghe nhạc nhưng không được liên lạc với người khác. Những người tham gia này thuật lại mức độ thỏa mãn cao hơn. Nhiều người còn nghĩ rằng nhìn ra ngoài cửa sổ cũng giúp ích cho mình.
Các nhà khoa học lại nâng nghiên cứu này lên thêm một bước, để xem liệu những người tham gia có sẵn lòng làm điều gì đó kém thoải mái, chẳng hạn như bị sốc điện, thay vì ngồi một mình trong yên lặng một lần nữa. Mỗi người đã được nếm trải sốc điện trước đó, do đó họ biết đích xác lựa chọn ấy đau đớn như thế nào. Và nó thật sự đau đớn. Tuy thế, gần một nửa những người tham gia cuối cùng cũng bấm nút chịu sốc điện để thu ngắn thời gian yên lặng.
Theo các nhà nghiên cứu, điều đáng kinh ngạc chính là việc ở một mình với các suy nghĩ của chính mình trong mười lăm phút: “Rõ ràng ác cảm đến mức buộc nhiều người tham gia phải tự chọn sốc điện mà trước đó họ đã nói thà dùng tiền để trả còn hơn bị giật”. Một người bấm nút sốc điện 190 lần.
Tôi không nghĩ Pascal nếu biết chuyện sẽ thấy có gì ngạc nhiên. Chẳng có gì để ngạc nhiên. Pascal khẳng định rằng sự thoát ly thường trực khỏi bản thân ta chính là một thực tại tàn nhẫn đến độ chúng ta né tránh không phải nghĩ về nó. Chúng ta thà nghĩ ngợi và cảm thấy bất cứ cái gì đó khác hơn. Ông ấy nói đúng.
Liệu khi đó bạn có khẳng định chúng ta, bạn và tôi, đều điên rồ hay không? Đúng thế, tôi cho rằng có lẽ chúng ta đang dần trở thành những kẻ điên cứng đờ, gầm rú.
Đôi khi việc khiến cho cuộc sống khó khăn hơn lại là hợp lý. Để ta không chỉ nhảy suýt qua chỗ hàng rào thấp nhất. Tôi tìm cách lý giải cho các cô con gái của tôi rằng tôi muốn viết về thinh lặng vì trân trọng sự thinh lặng thì khó lòng hơn tiếng ồn, và vì đó là điều quan trọng cần làm.
Thinh lặng trước nhất không hề quan trọng chỉ vì nó có gì hơn so với tiếng ồn, kể cả khi tiếng ồn thường được liên hệ với những sự kiện tiêu cực như sự huyên náo, sự gây hấn và bạo lực. Tiếng ồn mang hình thái của những âm thanh và hình ảnh gây khó chịu, và là những ý nghĩ lướt qua của mỗi người. Trong quá trình ấy, chúng ta đánh mất dần bản thân. Tôi không chỉ nghĩ đến việc xử lý chừng ấy những ấn tượng có thể nhọc lực đến đâu. Đương nhiên điều ấy là đúng, và không chỉ dừng lại ở đó. Tiếng ồn – đến từ việc chờ đợi màn hình tải xuống hay bàn phím hoàn tất hiệu lệnh – cũng gây nghiện, và đó là lý do chúng ta cần có sự thinh lặng.
Chúng ta càng bị ngợp, chúng ta càng muốn bị gây xao nhãng hơn. Lẽ ra nên theo chiều ngược lại, nhưng thường thì lại không. Bạn đi vào một vòng lặp dopamine. Dopamine là một hóa chất truyền dẫn tín hiệu giữa các tế bào não. Nói ngắn gọn, dopamine tạo ra cái mà ta khao khát, kiếm tìm, mong mỏi. Chúng ta không biết liệu mình đã nhận được email, tin nhắn hay bất cứ hình thức liên lạc nào khác không, do đó chúng ta cứ kiểm tra đi kiểm tra lại điện thoại như tên cướp một tay muốn đạt được thỏa mãn.
Dopamine không được lập trình để mang lại một cảm giác viên mãn kể cả nếu như ta đã đạt được điều mà ta đã mong kiếm tìm và mong mỏi. Do đó ta chẳng bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Điều này có nghĩa là tôi tiếp tục google, chỉ hai mươi phút sau khi đã tìm thấy cái mà thoạt đầu tôi đã tìm.
Đây là một tình trạng vô vị mà tôi đang nhận thấy. Dẫu vậy, tôi vẫn thấy dễ dàng để tiếp tục tìm kiếm hơn là thật sự dừng lại. Tôi tìm những website đã truy cập, thậm chí đã biết nội dung của chúng từ trước. Và khi làm như thế tôi đã từ bỏ một chút gì đó kiểm soát dành cho cuộc sống của mình.
Sinh học có một cách giải thích tự nhiên cho sự thiếu hợp lý của tôi: chúng ta không sinh ra để được thỏa mãn. Một hóa chất khác trong não, opioid, được cho là tạo ra cảm giác hạnh phúc khi bạn đã đạt được mục tiêu. Rủi ro thay, dopamine mạnh hơn opioid, do đó thậm chí nếu như đã có tất cả những gì ao ước, bạn sẽ tiếp tục làm hệt như vậy. Vì thế chúng ta có vòng lặp dopamine. Tham gia và tìm kiếm, lặp đi lặp lại hơn là trân trọng và trân quý thực tế rằng bạn đã trọn vẹn có được những gì bạn khát khao.
Đây là một thứ tiếng ồn làm sinh sôi căng thẳng, cũng như các cảm giác tiêu cực. Hầu hết các ứng dụng đều có một điểm chung: chẳng một ai sử dụng. Kể cả những ứng dụng gặt hái thành công như Twitter rốt cuộc cũng bị phản bác. Những sáng lập viên cảm thấy chới với khi ý tưởng kinh doanh của họ đang lộ ra những rạn nứt và sự tăng trưởng đã chậm lại. Thực ra đây lại là điều hay. Vấn đề với chuyện đạt được thành công nhờ vào một ứng dụng chính là dịch vụ nó mang lại không chỉ tạo ra sự nghiện ngập – nó còn tạo ra sự xa lánh. Mô hình kinh doanh cơ bản của Twitter và các mạng xã hội đồng tính chất chính là tạo ra một nhu cầu để bạn sử dụng ứng dụng, mà cùng ứng dụng đó sẽ đáp ứng, nhưng chỉ tạm thời. Những người chủ sở hữu sống dựa trên cơn nghiện của bạn. “Dần dà, các mối gắn kết này đóng chặt thành thói quen khi người dùng tìm đến sản phẩm của bạn vào lúc họ trải qua những kích tác nội tại nhất định”, Nir Eyal đã viết trong quyển Hooked: How to Build Habit – Forming Products. Tôi chia sẻ, thế nên tôi tồn tại.
Một số người dùng có phản hồi tốt mỗi khi họ đăng một điều gì đó trên mạng xã hội, trong khi hầu hết sẽ ngồi ngóng xem có ai đó quan tâm hay không. Và sự tương tác này càng khó đoán đến đâu, thì người dùng lại càng phát nghiện đến đó. Bạn không muốn bỏ mất bất cứ thứ gì. Bạn không có niềm vui từ những việc làm lặp lại bị kéo giãn như thế – trái lại, theo Eyal, ta trải qua những cảm giác chán nản, bức bối, bị động và cô lập.
Với nhiều người, đó chính là hội chứng FOMO (fear of missing out), “nỗi sợ bị bỏ mất”, hay “nỗi sợ bỏ mất một thời khắc đặc biệt”. Eyal đã mô tả đây chính là động cơ xuất chúng để chúng ta sử dụng mạng xã hội Instagram. Và phần cuối của ý ấy quả là đúng, ứng dụng ấy chí ít gần như là xuất chúng. Thế nhưng khoảnh khắc mà người ấy đang nhắc đến lại chẳng có tí gì đặc biệt cả. Trái lại thì có. Chẳng hề có đủ những thời khắc đặc biệt, do đó chúng ta sẽ lại là người tạo ra chúng – những khoảnh khắc lặp lại, nhàm chán mới là những gì được ghi chép lại.
Mùa Xuân năm 1984, tôi trở về nhà ở Na Uy sau khi dong con thuyền dài mười một mét đến Tây Phi, rồi băng qua Đại Tây Dương đến biển Caribbe và rồi quay trở lại băng qua Đại Tây Dương. Tôi và những người bạn đã đi suốt tám tháng trời. Đó là những ngày xưa tươi đẹp, trước sự bùng nổ của Internet, do đó bọn tôi chẳng nhận được tí tin tức gì từ Na Uy. Những ngoại lệ duy nhất chính là thư từ cánh người yêu, bạn bè và gia đình gửi chờ người nhận ở các hải cảng mà chúng tôi dự định sẽ đến. Trở về nhà, tôi dúi đầu vào đống báo chí và các chương trình vô tuyến theo cách trước đó tôi vẫn từng làm trước khi bọn tôi giương buồm. Tôi ngạc nhiên nhận ra là tin tức và các chương trình tranh luận vô tuyến có y hệt những nội dung với hồi chúng tôi rời đi vào mùa Thu năm trước. Các chính trị gia vẫn cứ tranh cãi với nhau cùng những câu hỏi. Thậm chí lập luận họ sử dụng cũng giống y hệt.
Khi bạn đã đầu tư quá nhiều thời gian để sẵn sàng được tiếp xúc và giữ cho mình theo kịp với những diễn tiến đang xảy ra, rất dễ bề kết luận rằng điều ấy có giá trị, cho dù những gì ta đã làm hẳn cũng chẳng quan trọng đến nhường ấy. Đây gọi là sự viện lý. New York Review of Books đã dán nhãn cuộc chiến giữa các nhà sáng chế ứng dụng là “những cuộc chiến tranh nha phiến tân kỳ”, và báo chí cho rằng “các nhà chiêu thị đã áp dụng cơn nghiện thành một chiến lược thương mại lộ liễu”. Khác biệt duy nhất ở đây chính là những người xúc tiến nó lại không rao bán một sản phẩm có thể hút trong một chiếc tẩu, mà được hấp thụ bằng các ứng dụng bọc đường.
Theo một cách nào đó, thinh lặng đối nghịch với tất cả những điều này. Thinh lặng chính là đi vào bên trong những gì bạn đang thực hiện. Trải qua hơn là ngẫm ngợi quá nhiều. Cho phép từng thời điểm trở nên đủ lớn. Không sống bằng những gì đến từ người khác và những thứ khác. Đóng khép trước thế gian và tự tìm sự thinh lặng cho chính mình bất cứ nơi đâu mỗi khi bạn chạy bộ, nấu nướng, làm tình, học hành, tán gẫu, làm việc, nghĩ về một ý tưởng mới, đọc sách hay nhảy múa.
Tôi đã ngoài năm mươi và đã tham gia đủ nhiều các buổi tiệc sinh nhật tuổi mười sáu, mười bảy và mười tám. Trong trường hợp bạn trẻ tuổi hơn tôi và vẫn chưa ăn mừng đủ các tiệc sinh nhật ở những con số tròn vành như thế này, tôi có thể nói ngay rằng lời đánh giá quen thuộc nhất ta nghe thấy ở các buổi tiệc ấy chính là: “Tất cả những ngày xưa ấy đến rồi lại đi. Ta chẳng còn nhận ra được chúng từng là cuộc sống”. Lời lẽ ấy thốt ra một cách ma mãnh. Những người khách gật gù ra vẻ thấu hiểu, mím môi. Phải, chúng ta đều e sợ cái chết theo nhiều cấp độ khác nhau, thế nhưng nỗi sợ chưa sống trọn vẹn, thậm chí còn dữ dội hơn. Nỗi sợ ấy tăng tiến cho đến khi bạn tiến gần hơn đến đoạn kết cuộc đời, khi bạn hiểu rằng rồi thì cũng quá muộn.
Bạn là người sẽ quyết định bạn sẽ gật đầu đồng tình hay lắc đầu bác bỏ những lời lẽ ấy. Chẳng có gì sai trái khi ngồi quanh một chiếc bàn trang hoàng cho bữa tiệc và nhận ra rằng mình đã hoang phí cuộc sống quá nhiều. Rằng bạn chưa từng thật sự hiện diện hết mình. Rằng bạn đã sống gián tiếp cuộc sống của một kẻ khác.
Điều không may chính là để phí hoài bằng ấy cơ hội, bạn đã phải sống một đời sống phong phú hơn. Bạn đã né tránh khai mở tiềm năng của chính mình. Đã cho phép mình bị xao nhãng. Chẳng bao giờ dừng lại, mà bị tiếng ồn, những kỳ vọng và ảnh tượng làm xao nhãng, thay vì sống dựa vào những gì bạn đang cố gắng vào thời khắc ấy và những gì bạn có thể làm khác đi. Tôi không hề có ý nói điều này có chút gì dễ dàng, nhưng có lẽ đó là việc đáng để làm.
Thay vì cầu kỳ thêu dệt những năm tháng đã qua bằng cốc champagne trên tay, bạn hãy nên tìm đến Seneca khắc kỷ trong ngày sinh thứ hai mươi mốt: “Đời dài nếu ta biết cách sử dụng”.
Thậm chí là giả sử chúng ta có thể sống đến một ngàn năm, thì cuộc sống vẫn cứ cảm thấy ngắn ngủi nếu như chúng ta vứt đi thời gian mà ta thực sự nắm lấy trong tay. Chúng ta tồn tại, nhưng rất ít người thật sự sống, Seneca đã luận như thế từ 2.000 năm trước. “Đời rất ngắn ngủi và đầy lo âu với những ai bỏ quên quá khứ, từ bỏ thực tại và e sợ tương lai. Khi họ đến hồi kết, những kẻ đáng thương nhận ra quá muộn màng rằng suốt thời gian ấy họ đã bận lòng mà chẳng làm gì cả”.
Tôi không biết đã bao nhiêu lần người ta bảo với tôi rằng hầu hết con người ở vùng Bắc Âu này chẳng nếm mùi nghèo nàn về tiền bạc, mà chỉ là nghèo nàn về thời gian. Nghe như một điều hay ho để nói ra, nhưng chẳng thật đúng đắn. Chúng tôi quả thật có đủ thời gian. Đời dài, nếu chúng ta lắng nghe bản thân đủ lâu, và ngẩng lên.
Một đêm muộn vào tháng 12 năm 2010, nhà thám hiểm đô thị Steve Duncan đã cùng tôi trèo lên đỉnh cầu Williamsburg, cây cầu nối liền Manhattan, Queens và Brooklyn. Chúng tôi đang tìm cách băng qua New York, từ Phố 242 và Broadway ở khu Bronx, đến Harlem và chệch xuống Manhattan về hướng Đại Tây Dương, qua hệ thống đường ngầm bí ẩn của thành phố. Steve cùng với tôi muốn chứng kiến một New York theo cách mà chưa một ai từng nhìn thấy, từ trong ra ngoài, và từ đỉnh các cây cầu.
Chúng tôi trèo lên khi trời còn tối. Nhìn dõi ra từ Queens và Brooklyn phóng đến đảo Coney, chúng tôi có thể nhìn thấy mặt trời ngay bên dưới chân trời Đại Tây Dương. Ngay ở đỉnh cầu, hai chúng tôi quan sát thấy thành phố dần sáng lên, dù mặt trời hãy còn nằm dưới đường chân trời. Vài phút sau, những tia sáng mặt trời đã chạm đến nơi chúng tôi đang đứng, chạm vào những tầng cao của cao ốc bên dưới chúng tôi, rồi bắt đầu cực nhọc sưởi ấm thành phố.
Tôi chẳng nghe thấy gì. Bên dưới tôi, giao thông rền như sấm dưới bốn làn đường, trong khi xe điện ngầm dộng theo nhịp đều đặn ra và vào trung tâm thành phố. Tôi bị nuốt trọn vào tất cả những gì mình trông thấy và tôi lùa mọi tiếng ồn ra khỏi tâm trí. Bạn không thể chờ được đến lúc mọi thứ trở nên yên ắng. Không phải ở New York, cũng chẳng phải bất cứ nơi nào khác. Bạn phải tạo ra sự thinh lặng cho chính mình.
Ở mặt còn lại của New York, nơi mặt trời không bao giờ rọi đến, người bạn đồng hành Steve và tôi phát hiện ra một thế giới hoàn toàn khác. Cấu trúc kiến trúc của các đường hầm bên dưới lớp nhựa đường là một sinh thể sống mô phỏng lại đúng cuộc sống bên trên: những đường hầm được tạo ra, nới rộng, những đường đi bị đổi hướng, những nền móng công trình được đúc nên và các tòa nhà được vút lên, và một hệ thống lâu đời các ống nối được cột vào những hệ thống mới khi địa hình ngầm biến đổi – mà chẳng một ai hay biết. Toàn bộ thế giới ấy không chỉ chẳng được các cư dân thành phố biết đến, mà Google Earth cũng không. Nếu Manhattan có thể xoay 180 độ, úp ngược theo nghĩa đen, hòn đảo sẽ trở thành một chốn hoang dã nhân tạo mà hai chúng tôi lề mề băng qua. Một chốn hoang dã đã được hình thành hoàn toàn vì chức năng, thay vì thẩm mỹ, thế nhưng không vì thế mà không sở hữu vẻ đẹp của riêng nó, một vẻ đẹp âm bản – vẻ đẹp của tất cả những gì không tồn tại. Chẳng có không khí sạch, màu sắc chỉ là những sắc độ xám và nâu khác nhau, chẳng bao giờ có chút gì thinh lặng và không ai có thể nghe thấy những gì ở bên trên họ. Thế nhưng đích thị ngay tại tâm điểm của nó mà vẻ đẹp tồn tại, cho dù chẳng dễ dàng gì nhìn thấy được nó.
Thành phố không bao giờ ngủ. Lịch sử của New York đã tạo thành từ ý niệm kiếm ăn hàng ngày và tất cả mọi tiếng ồn khởi phát từ đó. Tàu điện, tàu điện ngầm, ống dẫn nước rung bật với tiếng ồn không dứt. Thinh lặng mất tăm thậm chí ở sâu bên dưới hệ thống thải của Soho. Từ đằng xa, hai chúng tôi còn có thể nghe tiếng như sấm rền trên đầu. Vỏ xe hơi cán băng qua các nắp cống theo sau bởi tiếng đanh vang kéo dài của kim loại. Một đoàn xe điện ngầm chạy hết tốc độ đến nhà ga kế tiếp ở đoạn hầm gần đó.
Suốt năm ngày của tháng Mười hai, trong chuyến thám hiểm của mình, chúng tôi đã trải qua trọn chu kỳ của nền văn minh. Trên mặt đất: mua sắm hối hả cho dịp Giáng sinh, những chuẩn bị hào nhoáng, và những nhà hàng chật ních thực khách đói khát. Cùng chiều hôm đó, khi chúng tôi lại tuột xuống dưới mặt đường, hậu phẩm của nền văn minh ọc ra qua hai chúng tôi dưới hình thức phân thải, sự quên lãng, đó đây là một chiếc bao cao su đã qua sử dụng hay một mẩu rác. Hệ thống cống của New York hầu như không dùng tới bơm. Trọng lực là thứ làm chất thải dịch chuyển; mọi thứ cứ trào đi theo cùng vận tốc, tạo ra một tiếng róc rách lâm râm quanh chân chúng tôi bước.
Lúc sáu giờ sáng, ở cuối phố Greene, Steve cùng với tôi ngồi thư giãn tại bậc thang, đắm trong phân, theo nghĩa đen, sau khi tìm cách băng qua hệ thống cống bên dưới phố Canal. Đối diện, ở một bãi đậu xe, tôi chú ý thấy một cái cây trơ trọi bật lên dọc theo mặt tiền một tòa nhà cũ kỹ tồi tàn. Trong tác phẩm Here is New York kinh điển, E. B. White đã mô tả sự tồn tại của thành phố như: “Đời sống trong gian khó, tăng trưởng bất chấp, động cỡn ngay giữa xi măng, và thường trực vươn đến vầng thái dương”. Ông ấy muốn nói đến cư dân của thành phố, nhưng cũng hoàn toàn có thể đã viết về cây cối ở New York. Vì sao cây kia lại mọc ngay đúng vị trí đó? Làm thế nào nó có thể dãi dầu tháng năm bằng lá, nụ, hoa, vỏ, nấm, cành và những sinh vật tí hon? Một trong những bí ẩn vĩ đại nhất của cuộc sống chính là cách vẻ đẹp hữu cơ có thể âm thầm đâm chồi từ đất. Và cũng ngay tại chốn ấy, trên chỉ một vài tấc khối đất không có nhựa đường, tôi cảm thấy còn bí ẩn hơn nữa – một biểu tượng không tiếng ồn của phần lớn những gì chúng ta đã cho chuyển động. Tôi có một thôi thúc khe khẽ muốn đến đấy và choàng tay ôm quanh cái cây kia.
Khi còn bé, tôi đọc được một câu chuyện về những phụ nữ sống ở Bronx và Harlem chỉ lao động tại các trung tâm mua sắm ở xa hơn về phía Nam. Họ thường đến nơi làm việc từ sớm để lẻn vào khu bán sách. Ở đó, họ ngồi trong yên lặng đọc những quyển sách họ không thể mua nổi, tận hưởng thời gian trống cho đến khi ca trực bắt đầu. Tôi yêu thích câu chuyện ấy, và tôi hình dung về họ, những người phụ nữ, chìm sâu vào những chiếc sofa rộng, mỗi người một quyển sách trước giờ trung tâm mua sắm hoạt động. Có lẽ điều đó đúng. Nếu quả thật là vậy, những phụ nữ ấy hẳn đã rất hạnh phúc trong những khoảnh khắc ngắn ngủi kia, ngồi đọc sách an nhiên.
Khi đứng trên nóc cầu Williamsburg, tôi cảm nhận một niềm sung sướng dâng lên bên trong, khi nhìn mặt trời dâng lên từ Đại Tây Dương để thắp sáng thành phố. Nếu tôi mà là tổng thống, tôi sẽ sử dụng bài diễn văn nhậm chức để buộc mọi công dân thử biết ơn mỗi khi mặt trời mọc và bày tỏ lòng biết ơn trước những gì mặt trời mang lại cho chúng ta.
Nhưng cũng đồng thời dâng lên cùng với ánh sáng mặt trời chính là cơ may cảnh sát sẽ phát hiện ra chúng tôi. Không có cách nào để xin phép thực hiện một cú leo như thế, do đó bọn tôi không có lựa chọn nào khác là phải trèo xuống thật khẩn. Steve, người giàu kinh nghiệm hơn tôi trong khoản này, nhắc nhở tôi rằng chuyến thám hiểm của bọn tôi hẳn đã chấm dứt trước đó nếu như chúng tôi nhận thấy giao thông trên cầu ngừng lại và tất cả bất chợt thật yên ắng. Trong tình huống ấy, điều đó đồng nghĩa với việc cảnh sát đã chặn giao thông lại và đang tìm đến bắt giữ hai chúng tôi.
Ai cũng thấy chán không chóng thì chày. Hiển nhiên là thế.
Chán nản có thể được mô tả là thiếu vắng mục đích. Theo triết gia người Na Uy Lars Fr. H. Svendsen, chán nản luôn mang đến cảm giác bị giam hãm. Khi còn trẻ, đang đợi chờ một điều gì đó xảy ra, tôi chán đến mức đau đớn. Mẹ tôi bảo tôi rằng chán là điều hết sức bình thường. Chỉ đến giờ tôi mới hiểu ý bà muốn nói là gì. Hôm nay, tôi quan sát ba cô con gái của mình khi chúng nghĩ rằng chẳng có gì đang xảy ra: chán phát khóc, bị cầm tù trong chính mình, gần mức tuyệt vọng. Như mẹ tôi đã từng, tôi cảm thấy tốt hơn hết là nên để chúng trải nghiệm chuyện ấy thường xuyên hơn.
Tôi không còn cảm thấy chán chường theo cách tôi đã từng. Khi trưởng thành, ta dễ dàng tìm thấy chuyện để làm hơn. Nếu bạn chán, bạn có thể nói chuyện với người bên cạnh mình trên xe điện ngầm. Tôi đã thử; cách ấy hiệu quả. Dù tôi không có ước muốn làm điều đó vào mỗi sáng.
Nếu tôi quên mang theo những thứ để đọc và đang ngồi trên ghế 50F trong không gian kín bưng của chiếc máy bay, đồng thời không có bộ phim nào đáng để xem, hay chờ đợi ai đó dự họp mà họ lại không tới, tôi sẽ bắt đầu cảm thấy trở lại cảm giác khi còn bé. Cái mà chúng ta đang trải qua chính là sự nghèo nàn trải nghiệm.
Sự nghèo nàn ấy có thể không chỉ thiên về sự thiếu đi các trải nghiệm, khi không có gì đang xảy ra cả. Sự thừa mứa sinh hoạt cũng có thể tạo ra cảm giác nghèo nàn. Và quan điểm vừa mới nêu đây thật sự thú vị. Mọi thứ chỉ là quá mức. Vấn đề là, theo Lars Fr. H. Svendsen, chúng ta tiếp tục tìm kiếm “những trải nghiệm ngày một bạo liệt hơn” thay vì dừng lại để hít một hơi thật sâu, đóng thế gian lại và dùng thời gian ấy để tận hưởng bản thân. Suy nghĩ cho rằng chán nản có thể né tránh bằng cách không ngừng đuổi theo một cái gì đó mới mẻ, đang diễn ra, gửi tin nhắn hay cứ bấm tiếp, xem một cái gì đó mà ta vẫn chưa xem, thì thật là ngây thơ.
Càng tránh né chán nản, bạn càng chán nản hơn.
Thói quen cũng giống như thế. Tôi thấy các cô con gái của mình đang đánh vật với cùng một vấn đề. Tự làm bản thân mình bận rộn trở thành một mục tiêu tự thân, thay vì cho phép cũng sự bồn chồn ấy dẫn dắt ta đến đâu đó khác.
Thế nhưng sự khác nhau giữa thiếu vắng mục đích dẫn đến chán chường và cái mục đích dẫn đến hạnh phúc không phải lúc nào cũng dễ dàng tách biệt. Các ranh giới có thể đôi lúc mơ hồ chồng lấn lên nhau. Sự đeo đuổi thoạt đầu có vẻ như là một sự phung phí thời giờ vào một ngày nào đó, chẳng hạn như chơi trò chơi hay xem một bộ phim tài liệu, có thể mang lại một quãng dừng sảng khoái, thích thú vào ngày kế tiếp. Bất luận, chiêm ngẫm về những gì mang lại cho chúng ta mục đích và niềm vui là việc đáng làm. Chúng ta nên đưa ra một mục tiêu nho nhỏ để lần sau sẽ nhớ điều này.
Ngày nay, như trong quá khứ, sự xa hoa bao gồm cả địa vị lẫn hạnh phúc, thứ xa hoa mà rất ít người được phép tận hưởng. Nếu vua Louis XVI được trao lại đầu, vốn đã bị cắt rời trong cuộc cách mạng*, khuôn mặt của ngài sẽ tím ngắt vì ghen tị trước điện thoại thông minh của bạn. Cho đến lúc ngài nhận ra rằng hầu như ai cũng có một chiếc.
* Cách mạng Tư sản lật đổ Hoàng gia năm 1789 tại Pháp.
Xa hoa là một sản phẩm không cần thiết nhưng cũng đồng thời hiếm quý – hay ít nhất nếu có đủ người tin rằng sự hiếm quý ấy là có.
Khi nhành cây xa hoa này phát triển và sự xa hoa trở thành một quyền công cộng, nó đã trở thành một thứ gì đó phổ biến và chán ngắt. Sự độc quyền của một chiếc giỏ Louis Vuitton tiêu tan nếu như ai cũng sở hữu một chiếc như vậy. Bạn có thể mua một chiếc ví mới, nhưng bất kể nó tuyệt đến đâu đi nữa, thì bạn sẽ thua cuộc trước những người mua khác đang sở hữu những chiếc ví đẹp đẽ hơn chiếc ví của mình.
Một số ít trong số những người giàu có nhất trên thế giới, xét về khoản vật chất, lại sống một cuộc sống khá ôn hòa, trong khi số khác lại chọn tắm đẫm trong xa hoa. Trải nghiệm của tôi nằm ở chỗ tất cả những người đã tắm tưới trong xa hoa biết một điều mà kẻ khác không biết: xa hoa chỉ đem đến sự sướng khoái nhất thời.
Tôi tin rằng thinh lặng chính là sự xa hoa thời thượng. Thinh lặng đặc cách hơn và lâu bền hơn các thứ xa hoa khác. Một cô con gái của tôi đã nói thành lời, mừng thay, trong kỳ nghỉ hè của con bé như sau: thinh lặng là nhu cầu duy nhất mà những ai đang thường trực kiếm tìm thứ xa hoa mới mẻ nhất chẳng thể nào đạt được.
Khó khăn nằm ở chỗ một thứ gì đó rõ mồn một và đơn giản có thể phù hợp với phạm trù xa hoa; thinh lặng cũng là một thứ xa hoa giản dị. Đeo đuổi xa hoa trước hết nằm ở chỗ đạt được một cái gì đó bằng cách liên tục không ngừng bổ sung thêm vào. Hơn nữa, hơn nữa. Dopamine trong đầu của các khách hàng đồng nghĩa với việc họ thường trực khao khát có thêm. Trái lại, thinh lặng nằm ở chỗ mang đi, trừ bớt đi.
Và rốt cục, thinh lặng là một trải nghiệm có thể có được hoàn toàn miễn phí. Và nó không cần phải bị thay thế bởi những xa xỉ của mùa mua sắm kế tiếp.
Các cơ may đầu tư vào thinh lặng – nằm ngoài màn bán những cặp headphone khử ồn, những quảng cáo có người mẫu tạo dáng ở những chốn hoang vu hẻo lánh và những khách sạn được thiết kế để mang lại sự thư giãn, giải trí – hiện tại khá là nhỏ. Dân kinh doanh hầu hết chỉ làm kinh doanh: họ muốn thêm, chứ không muốn bớt.
Một hình thái xa hoa khác chính là tự cho mình không thể liên lạc được. Ngoảnh mặt quay lưng với đời sống hàng ngày là một đặc ân. Cho ai đó khác làm công việc của ta khi ta vắng mặt. Là quyết định không trả lời tin nhắn hay nhấc máy khi điện thoại rung. Những kỳ vọng từ đồng nghiệp, những mối quan hệ kinh doanh và gia đình mà không thật quan trọng được bàn giao cho một ai đó khác, hay phớt lờ cả cái chỗ đó đi. Bạn đã chiến đấu để có được cái vị trí mà bạn không còn màng đến ai đó muốn liên hệ với mình.
Tiếng ồn còn gắn với sự phân chia giai cấp. Tiếng ồn do bất cứ người nào phát ra thay vì bởi người bị chúng quấy rầy, âm thanh thứ cấp, tạo nên nền tảng cho những bất công to lớn trong xã hội. Những người thuộc tầng lớp thấp thường buộc phải chịu đựng nhiều tiếng ồn trong công sở hơn những người thuộc tầng lớp cao hơn, và nhà họ ở thường cách âm kém nên không chống lại được tiếng ồn từ hàng xóm phát ra. Người giàu sống ở những nơi có ít tiếng ồn hơn và không khí trong lành hơn, xe của họ và máy giặt của họ cũng chạy êm hơn. Họ có nhiều thời gian nhàn rỗi hơn và ăn uống vệ sinh, an toàn hơn. Thinh lặng đã trở thành một phần của sự bất công – mang lại cho một số người ít ỏi cơ may sống lâu hơn, khỏe mạnh và giàu có hơn hầu hết số còn lại.
Có rất ít người có thể tránh được bằng hết tiếng ồn. Chúng ta học cách sống với tiếng ồn vì ta cho rằng mình phải như thế, nhưng tiếng ồn vẫn luôn là một thành phần khó chịu làm giảm chất lượng cuộc sống. Không chỉ với con người mà cả động vật cũng vậy. Tôi thích thức giấc trong tiếng chim hót, và đã có nhiều nghiên cứu về cách chim chóc phản ứng lại trước tiếng ồn ngày càng gia tăng tại các khu vực đô thị. Kết luận của chúng chính là tiếng chim hót nay đã thay đổi. Những tiếng trầm hơn đã biến mất và thay thế bằng những tiếng lanh lảnh hơn có thể cạnh tranh với tiếng ồn do con người tạo ra. Một hệ quả đến từ tiếng chim hót đã thích nghi chính là nó đã làm chim khó tìm kiếm bạn tình hơn, do đó đẻ trứng ít hơn. Sự phát triển đô thị vẫn luôn nhanh chóng, và các nhà nghiên cứu vẫn không biết liệu đấy có phải là sự thích nghi tiến hóa hay không. Nguyên nhân thì dễ hiểu hơn: chim sống tại các khu thành thị bị âm thanh kích ứng nhiều hơn. Chim và con người khác nhau, tuy nhiên tôi vẫn nhận thấy cả hai đều có một chút bất định nào đó. Thinh lặng là một thứ xa xỉ cho mỗi một sinh vật sống.
Vào một ngày hè nọ, tôi đã bay suốt mười tám giờ từ Oslo đến Sri Lanka để nghỉ ngơi thư giãn, ăn uống lành mạnh và tập yoga trong khung cảnh ngồn ngộn xa hoa. Rất tuyệt cú. Đồng thời, cái cảm giác phải đi nửa vòng trái đất để được tách kết nối cũng là lạ.
Một số người tự tạo ra những điều kiện thinh lặng như mong muốn bằng cách thi công những căn phòng cách âm tại nhà. Ở Jutland, Đan Mạch, người ta cho xây dựng một sảnh yên lặng hoàn toàn cách âm có cửa kép cách nhau ba mươi cen-ti-mét. Hàng tá người tụ tập thường xuyên tại đây. Họ ngồi xếp bằng trên gối đệm riêng trong năm mươi phút. Gián đoạn duy nhất vào sự yên lặng này chỉ là một vài tiếng ho sụ và những tiếng động khác mà người tham gia không hoàn toàn chế ngự được. Mục tiêu cốt là để nhắc nhở họ rằng, theo thời gian, cuộc sống thuộc về tình yêu sâu đậm giữa con người, và giúp họ thực hành lòng trắc ẩn hàng ngày.
Những trung tâm như thế hiện đang là một ngành ăn nên làm ra, và chúng mọc lên khắp nơi. Tọa lạc ở cuối đại lộ Sunset ở Los Angeles, đền Lake Shrine hứa hẹn sẽ mang lại “sự thinh lặng của tịch liêu”. Tôi đến ngôi đền ấy sau một cuộc đi bộ bốn ngày qua hết thành phố, từ khu xã hội đen ở phía Đông về phía Tây hướng đại dương. Ở Los Angeles ai cũng lái xe, và chúng tôi muốn nhìn thành phố từ vệ đường. Khi đang đi, chúng tôi bị cảnh sát chặn lại, thấy chúng tôi có vẻ khả nghi vì không đi xe. Các cảnh sát viên cho rằng chỉ có trộm cướp, nghiện ngập và những người tâm thần bất ổn mới đi lòng vòng quanh thành phố. Sau những sải lề đường dài vấy bụi, không khó để tìm thấy sự an tịnh trong ngôi đền, với hồ nước, cá chép, hoa cỏ và sự thinh lặng của nó. Sau đó, chúng tôi nhảy tòm xuống Thái Bình Dương, vốn chỉ cách đó năm phút, và ở đấy cũng yên tịnh hệt như vậy. Cứ mỗi lần đi trek giữa thiên nhiên Na Uy hay trên dãy Himalaya, tôi cũng bắt gặp những cơ sở tiện nghi mà du khách có thể thưởng thức thinh lặng. Nếu đi quá chúng một đoạn, bạn vẫn cảm thấy hãy còn yên tĩnh lắm.
Chế tác ra những điều kiện tạo nên thinh lặng là một việc làm hay, nhưng lái xe đến nơi ta có thể lắng đi, tập yoga, đi dạo hay đón máy bay đến một chốn an trú để ngắt kết nối thì có lẽ hơi chán. Thinh lặng mà tôi có trong tâm trí có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào quanh bạn, chỉ cần bạn chú tâm, bên trong tâm trí mình, và hoàn toàn miễn phí. Bạn đâu cần phải đến Sri Lanka. Bạn có thể thưởng thức nó ngay trong bồn tắm.
Tôi khám phá ra thinh lặng khi nằm thêm năm phút trên giường ở nhà (giờ đây lũ trẻ đã đủ lớn để có thể tự thức dậy mà không cần gọi dậy). Hay trên đường tôi đến chỗ làm vào buổi sáng. Tôi có hai lựa chọn, một là băng qua dòng xe cộ chừng mười hai phút, mất thêm mười lăm phút đi tàu điện ngầm, hay đi bộ ba mươi phút. Tôi có thể ngắt kết nối với xe, nhưng vẫn thấy giao thông sờ sờ ra đấy. Tàu điện ngầm nêm kín người; và khi đến nơi muốn đến, ai ai cũng ùa ra cùng một lúc. Do đó, nếu thời gian cho phép, tôi sẽ chọn đi bộ. Tất cả những gì tôi không thể quan sát từ kính xe hay hầm xe điện lại trở thành một phần cuộc sống hàng ngày của tôi. Những khuôn mặt mà tôi có thể chăm chú quan sát khi bước ngang qua, bộ trang phục sẽ thay đổi tùy theo thời tiết, cửa sổ quán nước và cửa hiệu, những biến thể của nhựa đường và đá dăm mà ai đó đã dày công khắc tạc.
Đi bộ đến chỗ làm nào có phải là gì to tát, nhưng nó vẫn có giá trị. Tôi mất không quá ba mươi phút để đi lại giữa hai địa chỉ mà ở đó tôi dành nhiều thời gian nhất, và trong quãng thời gian ấy tôi đã tìm được cách khép lại trước thế giới.
Thinh lặng nằm ở chỗ khám phá trở lại, thông qua sự ngưng đọng, những cái mang lại niềm vui cho chúng ta.
Các cô con gái của tôi hiếm khi dừng lại như thế. Lúc nào cũng có thể liên lạc với chúng, và chúng gần như luôn bận rộn. “Ai cũng vì kẻ khác, chẳng ai là chính mình”, Martin Heidegger đã viết*. Cả ba đứa thường ngồi dán mắt vào màn hình – dù là khi một mình hay khi bên ai khác. Tôi cũng thế. Bị cuốn vào trong điện thoại thông minh, bị đày ải vào máy tính bảng – như một người tiêu thụ, đồng thời là người sản xuất nội dung tiêu thụ. Tôi thường xuyên bị gián đoạn, những gián đoạn gây ra bởi những gián đoạn khác. Tôi lùng sục trong một thế giới chẳng mấy liên quan đến tôi. Nỗ lực hòng trở nên hiệu quả cho đến khi nhận ra tôi chẳng thể tiến xa hơn dù có hiệu quả đến đâu đi chăng nữa. Cảm giác như tìm đường giữa sương mù trên núi, không có la bàn trong tay, và rốt cuộc cứ đi thành những vòng tròn quay về chốn cũ. Mục tiêu là trở nên bận rộn và hiệu quả. Chấm hết.
* Trong quyển Being and Time, xuất bản năm 1927.
Rất dễ kết luận rằng yếu tính của công nghệ chính là công nghệ, nhưng nói như vậy là sai. Yếu tính ấy là bạn, là tôi. Là cách chúng ta bị công nghệ mà ta sử dụng thay đổi, là cái mà ta hy vọng sẽ học được, là mối quan hệ của ta với thiên nhiên, với những người mà ta yêu thương, là thời gian ta sử dụng, là năng lượng mà ta tiêu tốn, và bao nhiêu tự do chúng ta đã nhường cho công nghệ. Phải, đúng như nhiều người đã từng nói, rằng khoảng cách được công nghệ thu ngắn lại, nhưng đó là một thực tế tầm thường. Vấn đề trọng tâm ở đây chính là, theo Heidegger đã chỉ ra, “sự gần vẫn còn rất xa**”. Để đạt được sự gần, theo triết gia bị chế nhạo này, chúng ta buộc phải cậy vào chân lý, chứ chẳng phải công nghệ. Đã thử chạm vào hẹn hò trực tuyến, tôi buộc phải đồng tình với Heidegger.
** Gần - xa với Heidegger dường như nằm ở sự lưu tâm của chúng ta đến sự vật, sự việc, hay con người mới là cái quyết định sự gần - xa.
(Đương nhiên, Heidegger đã chẳng thể tiên liệu được những khả năng mà công nghệ hiện nay đem đến. Ông ấy chỉ nghĩ về những chiếc xe năm mươi mã lực, máy chiếu phim, và máy đóng dấu đang thịnh hành thời bấy giờ. Nhưng ông ấy đã mơ hồ hình dung được những gì có lẽ sẽ xảy đến.)
Chúng ta sẵn lòng từ bỏ tự do của mình trong niềm hăng hái muốn sử dụng công nghệ mới, Heidegger tuyên bố. Để chuyển đổi từ những con người tự do thành những nguồn tài nguyên. Suy nghĩ này thậm chí còn phù hợp hơn vào lúc này so với thời điểm ông bày tỏ nó.
Chúng ta sẽ không trở thành tài nguyên cho nhau, rủi thay, mà cho một cái chi đó kém quyến rũ hơn nhiều. Một nguồn tài nguyên cho các tổ chức như Apple, Facebook, Instagram, Google, Snapchat và các chính phủ, những bên đang tìm cách định vị chúng ta, với sự tiếp tay đồng lòng từ chính chúng ta, để sử dụng hoặc rao bán thông tin về chúng ta. Dường như đó là sự bóc lột.
Câu hỏi mà Humpty Dumpty đặt cho Alice, ở xứ Thần Tiên, vẫn nguyên vẹn: “Ta muốn nói thế nào thì nó là thế đó. Thế thôi”***. Bạn, hay một ai đó mà bạn vẫn chưa biết?
*** Nguyên tác trong Alice lạc vào xứ thần tiên của Lewis Carrol: “Khi tôi [Humpty Dumpty] nói ra một chữ, trong một giọng nói khinh bỉ, thì chữ đó vẫn mang nghĩa mà tôi muốn nói – dù ít dù nhiều”. Alice nói: “Câu hỏi ở đây chính là ta có thể khiến cho một chữ nói lên nhiều ý nghĩa khác nhau”. Humpty Dumpty đáp: “Ta muốn nghĩa nào thì nó là nghĩa đó”. Tức, con người tạo ra ngôn ngữ, giống như công nghệ, chứ không phải ngôn ngữ, hay công nghệ, tạo ra con người.
Con người là một loại sinh vật xã hội. Sẵn sàng để người khác tiếp cận là một điều hay. Chúng ta không thể nào hoạt động đơn độc. Nhưng điều quan trọng là ta có thể tắt điện thoại đi, ngồi xuống, không nói không rằng, khép mắt, thở sâu vài lần và tìm cách nghĩ về một cái gì đó khác đi so với những cái bạn thông thường vẫn nghĩ.
Sự thay thế này không bắt ta không được nghĩ về điều gì cả. Ta có thể gọi đó là thiền định, yoga, tỉnh giác hay chỉ là trực giác thông thường. Nó có thể hiệu quả. Tôi nhận được niềm vui khi thiền và tập yoga. Tôi cũng mang người em họ đến để thực hành và tự thôi miên mình trong hai mươi phút để ngắt kết nối với thế giới. Cách này cũng hiệu quả. Tôi nằm đó bồng bềnh trên giường mỗi buổi chiều.
Vậy là tôi nghĩ đến việc làm thế nào để có thể trải nghiệm thinh lặng mà không viện đến kỹ thuật. Ngưỡng cửa tìm kiếm thinh lặng và sự thăng bằng thực ra có thể kéo thấp xuống. Bạn không cần phải tham gia một khóa học về thinh lặng hay thư giãn chỉ để ngừng lại tất cả. Thinh lặng có thể hiện diện mọi nơi, mọi lúc – ngay trước mũi bạn. Tôi đã tạo ra thinh lặng cho chính mình khi bước lên thang, chuẩn bị thức ăn hay chỉ tập trung vào hơi thở. Đương nhiên, chúng ta đều thuộc cùng một châu lục, nhưng những tài nguyên có thể tìm thấy trong chính bản thân mình – một hòn đảo đơn lẻ – là cái mà lúc nào ta cũng có thể mang theo bên mình****.
**** Thấp thoáng hình ảnh hòn đảo của John Donne, mở đầu quyển Chuông nguyện hồn ai của Hemingway.
Chúng ta nên sống thế nào đây? Đây là câu hỏi lớn nhất trong số các câu hỏi lớn. Vào thời xa xưa, những triết gia cả vĩ đại và không thật vĩ đại đã thử sức tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi ấy. Kết quả thu được là vô vàn lý thuyết và hàng lốc những thứ để đọc. Hầu hết các triết gia ngày nay chuyển trọng tâm sang chính trị, ngôn ngữ và phân tích. Rất ít triết gia chú trọng vào thinh lặng, và thinh lặng có thể giúp gì cho bạn, cho tôi. Nhiều triết gia đã nhận định với tôi, theo gần như cùng cái cách mà lũ trẻ nhà tôi đã nhận xét trên bàn ăn tối, rằng thinh lặng chẳng là gì cả, và do đó chẳng có gì thú vị. Thật đáng tiếc. Ít triết gia ngày nay có thể làm bánh – do đó nhiều người bọn họ đã bị tách rời rất xa khỏi những thử thách lớn, bé của đời sống thực tiễn diễn ra hàng ngày.
Trong năm đầu ngành Triết, bạn được dạy rằng chẳng có gì đến từ hư vô. Ex nihilo, nihil fit*****. Tiên đề này chỉ phù hợp vì nó cổ xưa – triết gia Parmenides cho rằng không thể nói được về cái không tồn tại, và bằng câu nói này ông ấy đã phá vỡ chính tiên đề của mình, trước sự trêu chọc của nhiều người – nhưng tôi lại cho rằng, trong tình huống ấy, kết luận đã dựa trên một chút hiểu lầm.
***** Nguyên văn, tiếng Latin.
Rốt cuộc, thinh lặng không phải không là gì cả. Tốt hơn ta nên nói thinh lặng đến từ một cái gì đó.
Suốt hàng ngàn năm, những cá nhân đã từng sống trong những nơi chốn không ai khác ngoài họ từng sống – những nhà tu hành trên chóp núi, những ẩn sĩ, thủy thủ, mục tử và những nhà thám hiểm trên đường hồi hương – đã tin rằng câu trả lời cho nhiều huyền bí của cuộc sống có thể tìm thấy trong thinh lặng. Vấn đề nằm ở đó. Bạn dong buồm băng biển khơi, nhưng khi quay trở về biết đâu bạn lại khám phá ra rằng cái mà bạn hằng kiếm tìm thực sự nằm trong chính bạn.
Cùng nhận định ấy đã được lặp đi lặp lại suốt một khoảng thời gian dài, do đó có lẽ có lý do hợp lý để xem xét nó một cách nghiêm túc. Chúa Jesus và Đức Phật đã đi vào thinh lặng để hiểu các Ngài nên sống thế nào. Chúa Jesus đến nơi hoang địa, còn Đức Phật đến với sông núi. Giữa thinh lặng, Jesus đã dọn lòng cho Thượng Đế. Dòng sông dạy Đức Phật lắng nghe, nghe bằng con tim tĩnh tại, và bằng tâm trí khai mở, đón chờ.
Trong một số tôn giáo, các thánh thần xuất hiện dưới dạng một tia chớp hay một cơn bão. Trong Thánh Kinh, Thượng Đế thường đến trong thinh lặng. Trong Sách của các Vua******, chúng ta được kể về cách Thượng Đế xuất hiện trước thiên sứ Elijah. Đầu tiên là bão tố, rồi động đất, và sau đó là lửa. Thượng Đế không xuất hiện trong cả ba. Ngài đến sau, trong một giọng nói khẽ khàng, hay “một thinh lặng mong manh”. Tôi thích điều này. Thượng Đế ở trong thinh lặng.
****** Ban đầu là quyển thứ 11 và 12 của Kinh Thánh Hebrew, tức Cựu Ước, trình bày lịch sử Israel và Judah cổ đại từ sau cái chết của vua David đến sự kiện vua Jehoiachin được giải thoát khỏi gông tù của người Babylon, giai đoạn kéo dài 400 năm mang lại lý giải về thần học về sự hủy diệt của đế quốc Judah và nền tảng cho sự trở về của người Do Thái sau khi bị lưu đày.
Trong triết lý đạo Hindu cũng có một câu chuyện tương tự kể về một môn đồ nhờ thầy của mình giải thích về Brahman, Đại Ngã của thế gian. Khi nghe câu hỏi, người thầy vẫn giữ yên lặng. Vị môn đồ tiếp tục hỏi hai hay ba bận nữa, mà không nghe thấy một lời nào đáp lại. Cuối cùng, người thầy mở miệng và nói rằng: “Ta đang dạy con, nhưng con lại không lắng nghe”.
Câu trả lời, đương nhiên, là thinh lặng.
Trong Thiền Tông, mục tiêu nằm ở chỗ thách đố cái mà bạn nhìn thấy, thế giới hữu hình. Thực hành nổi tiếng nhất, một công án, chính là ngồi lặng yên và quán tưởng ra âm thanh tiếng vỗ tay của một bàn tay. Mục đích chính là quán tưởng ra tiếng vỗ của chỉ một bàn tay – là điều không thể – và thử chiêm nghiệm xem khi vượt lên trên cái gọi là hữu tính và hữu lý, mọi thứ sẽ như thế nào. Một công án tại gia khác có lẽ cũng đáng chiêm nghiệm chính là: thinh lặng mà không có sự hiện diện của từ ngữ. Hay: tìm cách nghĩ về cái gì đó không hề tồn tại.
Các triết gia cổ đại Aristotle và Plato nhắc đến sự hiểu biết về vĩnh cửu, và chân lý bất tử, là vô ngôn. Plato gọi nó là arrhèton, “cái không thể nói tới”, còn Aristotle gọi là aneu logou, nghĩa là “vô ngữ” hay vô ngôn. Nơi từ vựng chấm dứt, hai triết gia cho rằng, là nơi mở đầu cho khả năng thấu hiểu những chân lý cao viễn tức thời.
Và không chỉ có các chân lý cao viễn không thôi, mà còn có cả các chân lý nhỏ nhoi khác nữa. Chẳng hạn như, khi bạn chẳng may đi nhầm đường, buộc phải dừng xe, hãy xem lại định vị, tắt nhạc và bảo những người trên xe yên lặng để ta có chút tỉnh thức. Điều này cho phép bạn thu xếp các ý nghĩ để hướng về một thứ vốn có ý nghĩa hơn cả vào đúng cái thời khắc chính xác ấy: tìm đúng hướng.
Bầu trời sao chính là “người bạn chân thành nhất trong đời, từ khi bạn lần đầu làm quen với nó: Bầu trời luôn ở đó, mang lại sự thanh bình, thậm chí còn nhắc nhở bạn rằng sự hối hả, hoài nghi, đau đớn của bạn chỉ là những thứ tầm phào thoáng qua. Vũ trụ luôn và sẽ luôn bất di bất dịch. Quan điểm của bạn, những vật lộn của bạn, đau đớn của bạn không còn quan trọng hay độc nhất nữa khi mọi thứ đã sang trang”. Hầu hết những người đã dành nhiều thời gian trong hoang dã sẽ gật đầu đồng ý với những suy nghĩ kia của nhà thám hiểm địa cực Fridtjof Nansen về những gì mà bạn có thể sẽ ngộ ra được trong một đêm tối.
(Và tiện đây, không chỉ khi bạn ở ngoài trời. Bầu trời đầy sao trên đầu tôi và những quy luật đạo đức chính là hai cột trụ quan trọng nhất đã được Immanuel Kant tôn vinh. Những cặp mắt không thể nhìn chăm chăm vào chúng, dù bạn có thể tìm hiểu về chúng qua những vì sao – điều bạn thấy do bạn quyết định.)
Là một người Na Uy, tôi có đặc cách được nhìn bầu trời đêm mà không có ánh sáng nhân tạo phá bĩnh. Các vì sao không thể nhìn thấy nếu ánh sáng đèn đường xen vào. Rất dễ quên rằng cái thinh lặng thị giác ấy là điều hiếm hoi ở rất nhiều nơi trên thế giới. Một sự xa xỉ. Cũng là một điều đáng tiếc. Có thể nhìn một bầu trời đầy sao là một trong những điều xứng đáng nhất mà tôi từng biết. Được nhắc nhở về thế giới bên trên, khác xa với môi trường của chúng ta, và nơi chốn của chúng ta ở thế giới ấy.
Ngay trước khi qua đời, nhà thần kinh học Oliver Sacks chú ý đến những đêm đầy sao. Ông đã viết về cách làm thế nào để đổi “câu hỏi khó” về cách bộ não dấy lên ý thức và các tham vọng khác để lấy lợi ích của việc chỉ đơn thuần là ngồi đơn độc ngắm sao. “Tôi đã nhìn thấy cả bầu trời ‘rắc lên những vì sao’ (từ ngữ của Milton); một bầu trời như thế, tôi đã hình dung, chỉ có thể quan sát được trên những cao nguyên khô ráo như cao nguyên Atacama ở Chile (nơi có nhiều kính viễn vọng mạnh nhất trên thế giới). Chính cái lộng lẫy của bầu trời kia đã khiến tôi chợt nhận thấy mình còn quá ít, quá đỗi ít ỏi thời gian. Nhận thức của tôi về vẻ đẹp của thiên đường, sự vĩnh hằng, không sao tách khỏi nhận thức về sự vô thường – và cái chết”. Khi Sacks viết nên điều này, ông yếu ớt đến nỗi không còn đi được mà phải nhờ bạn bè đẩy ông trên xe lăn để quan sát bầu trời đêm. Ngay tại thời khắc cuối đời, ông bắt đầu đặt quanh mình những thứ kim loại và khoáng thạch như “những biểu tượng của vĩnh hằng”. Một thói quen ông đã từng làm từ thời thơ ấu.
Khi biết bản thân, bạn cũng biết về người khác. Khi đọc Sacks, tôi cảm thấy ông ấy, giống Nansen, khi chuyển ánh nhìn lên phía trên, cũng đồng thời chuyển vào bên trong mình, vào sự thinh lặng nội tại của mình và khám phá ra những phần đã quên lãng. Trong cái vũ trụ ấy, với tôi nó cũng bí ẩn chẳng kém gì cái không gian vũ trụ bao quanh chúng ta. Một vũ trụ thì sải ra ngoài, vũ trụ còn lại thì hướng vào trong. Với tôi, cái vũ trụ bên trong kia là điều thú vị nhất trên đời. Do đó, thi sĩ Emily Dickinson đã kết luận đúng đắn: “Bộ não bao la hơn cả bầu trời”.
Tôi thích ý tưởng cho rằng các trải nghiệm thinh lặng tự chúng chấm dứt. Giá trị của các trải nghiệm này không thể đong đo như quá nhiều thứ khác, thế nhưng thinh lặng cũng có thể là một công cụ.
“Ha, ha, ha, ha, ha, ha” là phản ứng của Elon Musk******* khi tôi hỏi anh ấy về thinh lặng. Nhưng sau khi ngẫm nghĩ một lúc, anh ấy kết luận mình là một người sống trong sự thinh lặng của riêng mình, thường đóng mình trước thế giới để mở ra những suy nghĩ của mình. Musk đã và vẫn đang làm điều này suốt đời. Khi lớn lên, anh ấy thường bị đánh cả trong và ngoài trường. Với ít ỏi bạn bè, anh ấy có thời gian để một mình suy nghĩ.
******* Elon Musk là một nhà phát minh, doanh nhân, tỷ phú người Mỹ. Ông được biết đến với tư cách là người sáng lập SpaceX, đồng sáng lập Tesla Motors và PayPal. Tại SpaceX, ông là CEO và trưởng bộ phận thiết kế; và ở Tesla Motors, ông là chủ tịch, CEO và kiến trúc sư sản phẩm. Ông là người đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thanh toán trực tuyến, phát triển năng lượng sạch và các hệ thống giao thông tiên tiến, chinh phục không gian,...
Khi tôi nói với Elon về những ý tưởng hãy còn chưa được hiện thực hóa, rõ ràng anh ấy không hề lắng nghe các cố vấn hay các chuyên gia nào mà lắng nghe cái không gian yên ắng bên trong mình. Cách mạng trong các ngành xe ô tô, năng lượng, không gian vũ trụ với anh ấy vẫn chưa đủ. Những ngành mới cần phải thay đổi những quan điểm hiện có. Đó là một cuộc cách mạng không ngừng nghỉ mà chỉ dừng lại khi anh ta không còn có thể tự khép mình, khi anh bắt đầu lạc trôi theo dòng.
Musk đặc biệt giỏi ở khoản sử dụng cái gọi là nguyên tắc thứ nhất – thay vì cậy vào những chân lý được tôn thờ, anh ấy khám phá ra những gì đúng đắn về cơ bản để từ đó mà lý luận. Anh ấy ngắt kết nối với thế giới. Anh ấy làm như thế để chống lại cách vận hành thông thường: lắng nghe người khác nói ra điều gì là có thể, và từ đó xây dựng.
Các nhà khoa học NASA luôn tin rằng tàu con thoi không gian chỉ có thể sử dụng một lần, vốn là một thực tế được chấp nhận cực kỳ đắt đỏ vẫn lởn vởn từ những ngày NASA thành lập. Thực tế này vẫn tiếp tục cho đến khi Musk công bố với họ rằng chẳng có lý do gì để không tạo ra một phi thuyền con thoi có thể phóng nhiều lần vào không gian, và cuối cùng đến sao Hỏa. Chi phí có thể giảm đi, độ an toàn gia tăng.
Tôi thường thấy rất khó để đóng khép trước thế gian khi những ngày chúng ta đang sống luôn đầy ăm ắp. Khi tôi hỏi Mark Juncosa, một trong những bộ não đứng sau chương trình không gian của Musk, liệu anh ấy đã từng có dịp nào để nghĩ kỹ hơn về những ý tưởng có thể tạo ra cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp chế tạo tên lửa không, anh ta đáp: “Một ngày làm việc bình thường có ít nhất tám giờ họp hành, vài giờ để trả lời email. Tất cả đều lẫn trộn vào nhau. Thời gian duy nhất tôi đóng được chính là khi tôi tập thể dục, lướt web, tắm hay đi vệ sinh. Đó là khi các giải pháp mới xuất hiện”.
Tôi nhận ra cái nguyên tắc thứ nhất này ở bản thân. Tôi đã thành lập công ty của chính mình hai mươi năm trước – một nhà xuất bản. Tôi sống ở Cambridge, bạn gái tôi đang mang thai, cô ấy sống ở Oslo, và tôi nghĩ đã đến lúc phải quay về nhà, tìm một công việc và hy vọng có thể mua được một căn nhà cho gia đình.
Trở về Na Uy, khi tôi đang rửa chén, tôi quyết định lập một nhà xuất bản. Toàn bộ nền công nghiệp sách vở bị thống trị bằng một chân lý có sẵn mà không một ai từng thắc mắc: sách có chất lượng cao phải bán tại các nhà sách và câu lạc bộ đọc sách với giá cao. Trong khi đó, tiểu thuyết lãng mạn buộc phải độc chiếm tại các cửa hàng tạp hóa. Chấm hết. Tôi không hiểu vì sao mọi thứ buộc phải như vậy. Nhiều người đã cho tôi những lời khuyên hay ho. Tôi cảm kích vì điều đó. Nhưng suy nghĩ một cách thấu đáo về ý tưởng này và đưa ra quyết định chỉ diễn ra khi tôi đang rửa chén, không bị quấy rầy, trong bếp.
Một chân lý sẵn có khác cho rằng nếu muốn là một nhà khởi nghiệp, bạn phải là một kẻ liều lĩnh. Điều này cũng sai toét. Tôi thường xuyên được nhắc rằng các tác giả thành danh sẽ không bao giờ muốn sách của họ được một doanh nghiệp mới thành lập xuất bản. Họ khăng khăng rằng văn hóa văn chương đã được xây vào tường lũy của các đối thủ cạnh tranh, đã có mặt ở đó suốt một trăm năm, và rằng nó không thuộc về văn hóa của chúng tôi. Tôi cho rằng quan trọng hơn là nền văn hóa trú bên trong đầu óc các đồng nghiệp của tôi.
Tôi không ngu ngốc đến độ tự đem mình so với Elon Musk. Tuy nhiên, khi nhìn lại quãng thời gian làm xuất bản, điều khác thường duy nhất mà tôi đã từng thực hiện, ở một tầm hoàn toàn khác xa với tầm vóc của Elon Musk, chính là đứng yên không bị quấy rầy trong bếp và đặt ra một vài câu hỏi về những chân lý được tôn thờ.
“Những gì không thể nói ra, chúng ta buộc phải để chúng chìm vào thinh lặng” là câu cuối cùng trong Cương lĩnh Luận lý và Phê bình Triết học của Ludwig Wittgenstein. Đấy là một phát biểu tài tình. Quyển sách ban đầu bị nhà xuất bản từ chối, có lẽ vì Wittgenstein cho rằng bản thảo có hai phần, phần đã viết ra và phần vẫn chưa được viết ra, và phần sau mới là phần quan trọng hơn. Hay có lẽ nhà xuất bản đã nghĩ triết gia là người nên được phép nói điều người khác không cho rằng nên nói ra.
Chính những cuộc tán gẫu mà Wittgenstein nghe lỏm ở các sa lông tư sản suy đồi ở Vienna đầu thế kỷ 20 đã thôi thúc ông đưa ra những kết luận như thế. Wittgenstein tin rằng những thứ ba hoa vô nghĩa của những người đồng hương với mình đang đe dọa chính cái ý nghĩa của cuộc sống. Tôi sẽ đồng tình với ông. Phí hoài thời gian dễ dàng đến đáng sợ.
Cương lĩnh có một phần được viết tại vùng Skjolden, ở cuối vịnh hẹp Lustrafjord, thuộc vùng sâu nhất của vịnh hẹp Sognefjord. Thiên nhiên, thinh lặng, và khoảng cách trước tất cả mọi người đã làm nên Wittgenstein và triết lý của ông: “Tôi không thể tưởng tượng mình sẽ làm việc được ở bất kỳ nơi nào khác như ở đây. Chính là sự thinh lặng và, có lẽ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ; ý tôi là sức hút yên tĩnh của nó”.
Lần đầu tiên tôi nghe thấy các kết luận này của Wittgenstein về việc giữ thinh lặng, tôi nghĩ ông ấy có ý nói chúng ta nên liên hệ thụ động với tất cả những gì chúng ta không thể tìm được ngôn từ để diễn tả. Nghe chừng hơi vụng về. Tôi thấy thật khó mà hiểu được làm sao Wittgenstein có thể đến với một kết luận như thế từ nơi ông ấy đã ngồi viết, giữa thác nước, vách đá, thung lũng đang đối diện với vịnh hẹp. Dĩ nhiên, những chân trời mới luôn hiển lộ bên ngoài những gì bất khả thành ngôn. Đây chính là lúc cuộc vui bắt đầu. Nhưng tôi đã hiểu sai ý Wittgenstein. (Vốn không có gì lạ lẫm, nếu biết rằng sau khi mua quyển Cương lĩnh, tôi đã lật thẳng đến trang cuối và đọc câu cuối cùng.)
Từ đó đến nay, tôi đã đọc tất cả những gì được viết ra ở phía trước. Và đấy là nơi Wittgenstein đã nhấn mạnh rằng chúng ta có thể trưng bày ra những gì chúng ta không thể tìm thấy từ ngữ để nói. “Những gì có thể thấy, song không thể nói ra”. Từ ngữ tạo ra những ranh giới: “Thiên hướng của tôi, và tôi tin rằng cũng là thiên hướng của tất cả những ai thử viết hay nói về đạo đức, tôn giáo, chính là chạy lao vào các ranh giới của ngôn ngữ. Cú va vào các bức tường của cái lồng nhốt chúng ta hoàn toàn, và cực kỳ, vô vọng”. Nhắc đến đạo đức, Wittgenstein có ý muốn nói đến chính cái ý nghĩa cuộc đời. Thậm chí khoa học cũng không thể tìm ra từ ngữ cho một cái gì đó như vậy. “Đạo đức chừng nào khởi phát từ mong muốn nói ra một điều gì đó về ý nghĩa tối hậu của cuộc sống, cái tuyệt thiện, cái tuyệt quý, thì không thể trở thành khoa học”.
Chia sẻ niềm vui là một điều hay.
Vào những ngày bận rộn, đôi khi tôi ngóng đợi một ai đó để tôi có thể chia sẻ cùng một niềm vui. Nhưng việc này cũng có thể mang lại cảm giác phá rối. Khi gần trưởng thành, tôi có nghe câu chuyện về anh hùng chiến tranh Claus Helberg, người về sau trở thành một hướng dẫn viên du lịch được kính trọng ở miền núi Na Uy. Câu chuyện nghe có vẻ giống một câu trả lời ngẫu nhiên nhưng lại chính xác với quan điểm của Wittgenstein về việc chừng nào ta không cố gắng “nói ra điều không thể nói ra, thì chẳng có gì mất đi”.
Một sáng nọ, Helberg dẫn một đoàn người leo núi đi từ Finsehytta, một lán trại trên núi nổi tiếng ở Na Uy. Nắng hè đang quay trở lại, mùa đông đã không còn chiếm cứ, và những màu sắc mới mẻ đang ửng hiện ở khắp mọi nơi. Điều kiện thời tiết tuyệt vời, và thay vì bình luận về nó, ông lại bắt đầu chuyến leo núi bằng cách trao cho mỗi người tham gia một tờ ghi chú trên đó viết rằng: “Đúng thế, mọi thứ đẹp tuyệt vời”.
Wittgenstein chỉ theo lệnh cấm khẩu những gì không thể nói ra của mình một phần. Ông ấy không yên lặng về chủ đề giữ yên lặng, và thường nói về nó. Helberg còn đi xa hơn Wittgenstein. Ông yên lặng hoàn toàn.
Tôi thường nghĩ về câu chuyện ấy. Sau một cuộc đời dài lâu trên núi, và với sự thấu hiểu mở rộng về quân Đức đang xâm lược, Helberg hiểu cách mà từ ngữ tạo ra ranh giới trải nghiệm của chúng ta. Ông ấy muốn né tránh tình huống mà các thành viên trong đội của mình suốt ngày không ngừng đánh giá về sự tuyệt vời của mọi thứ, thay vì chú trọng vào việc thiên nhiên đang trở nên tuyệt vời.
Ngôn từ có thể phá hoại bầu không khí. Chúng không tạo ra sự thỏa mãn. Phải, có thể chia sẻ những trải nghiệm lớn lao với người khác thì thật tuyệt, nhưng nói về chúng có thể tạo ra khoảng cách giữa ta với chuyện đang diễn ra. Có lúc tôi ngạc nhiên trước những niềm hân hoan giản dị, chẳng hạn như quan sát rêu xanh trên đá, vốn là những thứ khó đặt thành lời nhất. Helberg muốn mọi người đều nhìn, đều suy nghĩ và tư lự về những ngọn núi, về bầu trời, về rêu phong và cây cỏ, vốn đã khởi sự đơm nở thêm một mùa xuân nữa.
Có thể nào vừa hiện diện vừa không hiện diện trên thế gian này? Tôi nghĩ là có.
Với tôi, những khoảnh khắc ngắn ngủi khi tôi đắm vào đường chân trời và bị cảnh quan xung quanh gồm thâu, hay khi tôi chẳng làm gì khác ngoài ngẫm nghiền rêu xanh và không thể nào rời mắt, hoặc giả tôi chỉ đang bồng một đứa trẻ trong tay, chính là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất.
Thời gian bất chợt ngừng trôi, tôi đồng thời hiện diện bên trong bản thân và cũng hoàn toàn xa cách. Cùng lúc, một khoảnh khắc ngắn ngủi có thể kéo dài như vô tận.
Như thể khoảnh khắc ấy và sự vĩnh cửu đã quyện lại thành một. Đương nhiên, tôi đã biết cả hai là đối cực của nhau. Mỗi thực thể tồn tại ở mỗi đầu. Nhưng có những khi tôi không thể, cũng giống như thi sĩ William Blake, phân biệt giữa vĩnh cửu và cái đọt thời gian ngắn ngủi ấy:
Chứng kiến thế giới trong một hạt cát
Và Thiên đàng trong một đóa hoa dại
Nắm Vô hạn trong lòng bàn tay
Và Vĩnh hằng trong một giờ.
Tôi sống vì những trải nghiệm như thế. Tôi cảm thấy mình giống như thợ săn ngọc trai, khi mở một chiếc vỏ trai, lại bất chợt tìm thấy viên ngọc toàn mỹ.
Vĩnh cửu, thời khắc hay cái trải nghiệm tìm thấy viên ngọc toàn bích kia, “tuyệt đối không tồn tại ở thời gian”, triết gia Søren Kierkegaard đã viết. Nhìn chung, thời gian là một “sự nối tiếp vô tận”, mà giây phút này dẫn sang giây phút khác. Nhưng thình lình trải nghiệm về thời gian thay đổi, khi sự nối tiếp rốt cuộc không còn vô tận nữa. Một giây chẳng còn dẫn sang giây kế tiếp. Thời gian bị ngưng lại, và hiện tại không còn đối cực với quá khứ hay tương lai trong sự “nối tiếp vô giá trị”********, như Kierkegaard đã phát biểu. Bạn trải qua sự toàn vẹn của thời gian vào thời điểm ấy.
******** Hiện tại không phải là một ý niệm thời gian, ngoại trừ việc hiện tại mãi mãi không có nội dung, tức sự tiêu biến vĩnh cửu. Nếu hiện tại không thể lưu giữ trong tâm trí, dẫu nó có biến mất sớm thế nào đi chăng nữa, hiện tại vẫn được thừa nhận, và việc được thừa nhận lại xuất hiện trong các phạm trù quá khứ và tương lai. Để suy nghĩ, sự trường cửu là hiện tại nối theo sự tiếp nối vô giá trị. Về biểu thị, hiện tại là sự xảy ra nhưng lại không bao giờ rời khỏi vị trí, vì sự trường tồn đối với biểu thị chính là hiện tại vĩnh cửu chứa đựng nội dung. Do đó, trong sự trường tồn không có sự phân chia giữa quá khứ và tương lai, hiện tại được thừa nhận như là sự tiếp nối vô giá trị. Khi đó, thời gian là sự tiếp nối vĩnh cửu; cuộc sống đang diễn ra trong thời gian không có hiện tại.
Sự khoan khoái mà tôi có được khi đọc sách, khi cảm nhận và nghĩ suy trong những khoảnh khắc ấy phản ánh trải nghiệm mà tôi có trong tự nhiên, trên giường. Nhưng hóa ra chúng lại chẳng có gì mấy khác thường. Thế gian bị đóng khép một lúc, sự an nhiên nội tại và thinh lặng xâm chiếm. Đấy là những cảm xúc mà tôi tin chúng ta đều có ở các mức độ khác nhau, theo những cách thức khác nhau, và là những cảm xúc mà tôi cho là xứng đáng để dung dưỡng. Khi này hay khi khác, tôi mang một hòn đá vấy rêu từ núi về và đặt nó lên quầy bếp hay trong phòng khách để nhắc nhở về những trải nghiệm như thế. Những hòn đá có nét đẹp riêng mà tôi đã cho đi như là món quà tặng. Tôi luôn giữ một hòn đá bên ngoài văn phòng làm việc.
“Sáng tác thi ca chính là lắng nghe”, Jon Fosse đã nói. “… không phải để sắp đặt, mà là, có thể nói rằng, tạo sinh một cái gì đó đã hiện hữu – đó là lý do vì sao khi người ta đọc thơ hay, họ thường có cảm giác “mình đã biết nó, chỉ không thể nào diễn đạt được”. Fosse bị khung cảnh xung quanh ông ở Vestlandet, phía Tây Na Uy ảnh hưởng. Nếu lắng nghe, dường như có cái gì đó được nói với bạn, và đó là cái bạn sẽ đặt bút viết ra. “Ngôn ngữ tự lắng nghe chính nó”. Mọi thứ không đến từ bên trong theo một cách nào đó mà chỉ là thông tin thứ cấp, theo những gì tôi hiểu Jon Fosse muốn nói. Cái gì đến với bạn từ bên ngoài đã được nói ra. Cái gì sống còn, cái gì riêng có, đã có ở bên trong bạn.
Một điều kiện chính là bạn phải “lôi chính mình trở lại sự an nhiên bên trong”. Jon Fosse đã làm như thế khi ông sống ở miền Tây Na Uy, ở Oslo, hay ở một ngôi làng ngoài Vienna. Cuộc sống thú vị hơn khi cảm nhận có thêm không gian để đùa chơi. Tôi cảm, rồi nghĩ, do đó tôi tồn tại. Vì, ngoài thói quen, vốn lẽ đã đặt ra nhiều hạn chế, chúng ta còn bị dẫn và bị lái bằng cảm xúc. Có những lúc rất dễ quên mất điều này, do đó ngẫm ngợi về những suy nghĩ của những người như Nansen, Helberg và Fosse âu cũng là hữu ích.
Cái gì là vô thanh bên trong ta hãy còn là một bí ẩn. Tôi không nghĩ các bạn nên mong mỏi điều ngược lại.
Kể cả khi tất cả các thách đố khác về khoa học đã được giải đáp, tôi vẫn tin bí ẩn này vẫn còn vẹn nguyên. Khoa học đã cạn lời và cạn luôn những con số. Khoa học chẳng bao giờ già cỗi dưới ánh mặt trời, nó luôn mới mẻ. Khoa học là sự quan sát lâu dài, là một cái có thể chứng minh được. Khoa học giải thích vấn đề thuộc về vật chất, về cái đã được tạo tác. Hay, nói một cách hay hơn, về cái đã được tạo ra mà chúng ta có thể nhận thấy và quan sát thấy. Nhưng thinh lặng chỉ khởi sự khi chúng ta tách khỏi sự nhận thức này.
Fosse đã kết luận: “Một người có thể hoàn toàn tin rằng chỉ những vật chất đã tạo ra mới tồn tại, chỉ có vật chất. Trong trường hợp đó, thi ca lẫn triết học, cũng như âm nhạc của Bach đều không hề hiện diện”. Không chỉ có thi ca, triết hay Bach mới ngừng tồn tại. Fosse còn nghĩ về bạn và về tôi.
Hãy lưu ý rằng cái thinh lặng mà bạn đang trải qua khác với cái thinh lặng mà người khác trải qua. Ai cũng sở hữu sự thinh lặng của riêng mình.
Thường thấy trong âm nhạc sự vắng bóng của âm thanh. Lắng nghe các sáng tác của Ludwig van Beethoven là cả một chuyến phiêu lưu…. da, da, da, daa********… nhưng chính cái cesur, những quãng lắng giữa nốt nhạc – sự thinh lặng giữa tiếng nhạc cụ – mới là cái làm tôi yêu thích. Đó là khi tôi được khuấy động.
******** Bốn nốt bắt đầu của bản Giao hưởng số 5, Giao hưởng Định mệnh, cung Đô thứ, sáng tác hoàn thành năm 1808.
Khoa học đã chứng minh rằng các quãng lặng như thế chính là cái tạo ra hoạt động mạnh mẽ, tích cực trong não. Đó cũng là cảm giác mà tôi trải qua. Không chỉ là những nốt nhạc. Chính những chỗ yên lặng bất chợt trong nhạc của Beethoven là thứ đã khuấy động tâm trí và tạo ra sự hứng khởi trong tâm trí chúng ta. Ông ấy hiểu rõ rằng khi đứng trước thinh lặng, tâm trí ta và các ý nghĩ của ta giãn ra. Miles Davis, nghệ sĩ kèn trumpet và nhà thơ viết về nỗi cô đơn, cũng hiểu rõ điều này. Trong một dòng nhạc đầy tính lễ lạc và hướng ngoại, Davis đã dần được kính nể vì những khoảng thinh lặng kịch tính trong trình diễn của mình: những nốt nhạc ông chủ đích không tấu lên cũng ý nghĩa không kém những nốt nhạc khác. Cuối mỗi buổi diễn như thế, khi nhạc đã chấm dứt, sẽ có một quãng thinh lặng bất chợt trước tiếng vỗ tay. Cảm giác cũng giống như não của ta tra số trước khi tiếp tục chạy.
Beethoven, như nhiều người đã biết, về cuối đời đã điếc hoàn toàn. Sự thể này đã giải phóng một sự độc đáo sâu thẳm bên trong ông, một tinh thần tự do tự tại. Ông sáng tác bản Giao hưởng số 9 từ những âm thanh chỉ hoàn toàn đến từ trong đầu. Trong lần công diễn tác phẩm, ông ngồi xoay lưng về phía khán giả để chỉ huy dàn nhạc. Sau khi nhạc đã hết, ông phải quay lưng lại để nhìn xem khán giả đang vỗ tay ủng hộ hay phản đối. Họ không chỉ vỗ tay, mà sự hào hứng và khen ngợi của họ áp đảo đến mức cảnh sát thành Vienna phải được viện tới để khôi phục lại trật tự.
Về cuối đời, Beethoven sáng tác ra những tác phẩm quá cao cấp so với khán giả tham gia các buổi hòa nhạc của mình. Các tác phẩm của Beethoven cho dàn dây hiện đại đến nỗi những người đương thời tin rằng âm nhạc của ông hẳn là kết quả của cơn điên của nhà soạn nhạc lớn tuổi. Một trăm năm sau, khi chúng được thưởng thức lại, các tác phẩm viết cho tứ tấu của Beethoven được khen ngợi như là những kiệt tác.
Nhà soạn nhạc John Cage, trong bài giảng “A Lecture on Nothing”, vốn đã là một nguồn cảm hứng với cá nhân tôi, đã trích dẫn nhà soạn nhạc Claude Debussy về phương pháp sáng tác: “Tôi lấy ra tất cả các âm điệu đang có, lấy ra những âm điệu mà tôi không muốn, và sử dụng tất cả những âm điệu còn lại”. Sau đó, Cage đã lấy ra mọi âm điệu trong tác phẩm 4’33” và tạo ra sự thinh lặng trong bốn phút ba mươi ba giây. Khán giả yêu mến tác phẩm của sự thinh lặng này kể cả ngày hôm nay. Hay nói cách khác: cái thinh lặng còn lại sau khi loại trừ tất cả những tiếng động mà khán giả tạo ra khi họ cố tìm cách giữ yên lặng.
Cage đã có rất nhiều suy tư trí tuệ về sự thinh lặng; rất đáng để tìm nghe những gì ông nói trên YouTube. Nhưng tôi thường nghĩ về thinh lặng như là một phương pháp thực hành hòng khơi tìm những câu trả lời cho câu đố bí hiểm là chính bản thân ta, và để giúp có được một quan điểm mới về bất cứ điều gì đang lẩn trốn ở xa khuất đường chân trời.
Bạn cũng có thể lắng nghe qua quai hàm của mình. Sau khi nhà phát minh Thomas Edison, người cũng bị điếc, đã phát minh ra chiếc máy chạy đĩa than, tiền thân của máy thu âm, ông buộc phải chồm người và cắn chặt vào thanh gỗ gắn ở mép của cơ chế hoạt động. Bằng cách này ông có thể cảm nhận được rung động qua quai hàm của mình. “Tôi đã cắn răng vào gỗ đủ mạnh và đủ chặt để có thể nghe được nhạc hay và rõ”, ông nói. Đồng thời là cách duy nhất để cảm nhận về phát minh của riêng ông, đấy cũng là cách duy nhất mà ông có thể thưởng thức âm nhạc.
Các nhà sản xuất và nhạc sĩ đương đại luôn bị chỉ trích vì chất vào mỗi giai điệu hàng đống hiệu ứng âm thanh, mà chẳng bao giờ tìm cơ hội để sáng tác ra những đoạn nhạc yên ắng hơn, nhưng tôi cho rằng những nhà phê bình đã hiểu sai vài thứ. Dĩ nhiên, có rất nhiều sự thinh lặng đã bị mất khỏi những bản hit cũ mỗi khi chúng được master lại thành định dạng MP3, và vì ai ai giờ đây cũng nghe nhạc trên tai nghe, trường âm thanh đã bị hạn chế và tạo cảm giác trở nên ngang hơn. Đây là một trong những lý do đĩa than có âm thanh rất khác. Âm thanh ấy đa dạng hơn; có những biến chuyển trong âm lượng.
Tuy nhiên, sự thinh lặng vẫn tồn tại trong âm nhạc, kể cả trong các bản thu mới. Đơn giản là thinh lặng đã trở nên cao hơn theo thời gian. Khi một bản hit như Diamonds của Rihanna được tạo ra, các nhà sản xuất bắt đầu bằng sự yên lặng. À thì, theo họ nói, họ luôn bắt đầu bằng sự yên lặng. Trước hết là thinh lặng, và rồi các thành phần khác được tỉ mẩn thêm vào. Tuy nhiên, cái thành phần đầu tiên này lại là thành phần quan trọng nhất và cũng là khó nhất. Nếu có quá nhiều nhạc cụ, ý tưởng và tiếng ồn được xếp chồng lên đó, rất khó để sáng tác ra bản nhạc. Họ đã tiết chế với bản Diamonds, và giai điệu bài hát là một ví dụ tiêu biểu cho việc sử dụng ít yếu tố âm nhạc hơn cho phép các ý tưởng ban đầu được thể hiện rõ rệt hơn.
Rất nhiều đoạn không có âm thanh có thể tìm thấy trong các đoạn nhạc dạo của các bản nhạc pop thời nay, vốn có đoạn dựng khung cảnh tác phẩm (build-up) dài hơn trước kia, trước khi đoạn gọi là vào nhạc (drop) xuất hiện. Đó là lúc tiếng trống và các chủ đề quan trọng nhất của sáng tác xuất hiện. “We’re like diamonds in the sky”. Rồi mọi thứ bắt đầu yên lặng và vòng lặp lại tiếp diễn.
Cuộc sống cũng hệt như vậy, để truyền đạt một quan điểm quan trọng, sẽ là khôn ngoan khi đưa ra một quãng dừng trước và sau đoạn cao trào. Não của chúng ta chuộng thích sự tương phản. Chúng sẽ chú ý mỗi khi trường âm thanh thay đổi, và sẽ đóng lại khi mọi thứ trở nên đơn điệu.
Nếu bạn nghe DJ ở một khu vực nào đó, bạn sẽ nghe chừng hai ba giờ liên tục những đoạn lên và xuống, lên và xuống. Khi tăng âm lượng, sử dụng các đoạn thay đổi cường độ, và khi cao độ chạm tới cơ thể mình, tôi được nhắc rằng âm thanh là một cái gì đó hữu hình, một cái gì đó di chuyển qua không khí và có thể khiến địa điểm tổ chức rung chuyển. Âm thanh chính là không khí đang chuyển động. Để mang ra tiếng bass, các dàn âm thanh cần một khu vực phẳng rất rộng – có rất nhiều không khí phải được dịch chuyển đi – trong khi các âm cao hơn lại cần một khu vực kém phẳng hơn.
Người DJ có thể chèn vào một hay hai nhịp yên lặng trước khi hạ nhạc. Sự thinh lặng này tạo ra sự trông ngóng, cái cảm giác mà một điều gì đó sắp sửa xảy ra. Hay nếu khác đi, người DJ ấy có thể chơi một đoạn bùng nổ âm thanh tần số cao. Điều cốt yếu chính là sự tương phản giữa ít và nhiều. Cách này luôn hiệu quả. Não của bạn háo hức muốn hòa vào khi âm nhạc đang ở vùng tiếp giáp nơi nó có thể biến chuyển – thình lình nó yên lặng, một âm thanh tiếp nối một đoạn dừng vô thanh, hoặc không bạn lại nhảy và chờ âm điệu đổi đi, hay âm lượng thay đổi. Cảm giác giống như bộ não của bạn đang giãn nở ra. Tôi ngạc nhiên trước những suy nghĩ và phản tỉnh thình lình trỗi lên vào những thời điểm như thế. Mặt khác, nếu trường âm thanh cứ đều đặn và dễ đoán thì hoạt động thần kinh sẽ giảm xuống: bộ não không được thử thách.
Những tiếng ồn cao độ có thể có nhiều kiểu thể hiện, nhưng tiếng thét mạnh mẽ nhất mà tôi từng trải qua là tiếng thét không có âm thanh: Tiếng thét của Edvard Munch********. Tôi hóa ra lặng thinh khi nhìn thấy bức tranh. Đã xảy ra một sự thinh lặng đối thoại giữa bức tranh và tôi. Phải, tôi biết rõ tôi không thể nhảy phốc vào bức tranh và trở thành cái người sẽ đặt tay lên vai phải của người đang thét gào kia, thế nhưng tôi cảm thấy rất đỗi thân thuộc với trải nghiệm của anh ta.
******** Edvard Munch (1863 - 1944) là họa sĩ người Na Uy. Tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất của ông, Skrik (Tiếng thét), là một trong chuỗi các tác phẩm có tựa đề The Frieze of Life, trong đó Munch khám phá những đề tài về tình yêu, cuộc sống, nỗi sợ hãi, cái chết và sự sầu muộn.
Triết gia Denis Diderot tin rằng một người đang quan sát một tác phẩm nghệ thuật lý thú cũng giống người điếc đang xem tín hiệu của người câm về một chủ đề mà anh ta đã biết. Sự diễn đạt bằng ngôn từ này có vẻ hơi nặng nề, nhưng lại chính xác. Bạn là kẻ điếc khi đứng trước tác phẩm, tìm cách diễn giải cái đang được đặt, treo hay bày ra trước mình. Điều kỳ lạ chính là giả thuyết này cũng áp dụng cho những bức tranh nội quan hơn nhiều của họa sĩ Marc Rothko. Những mảng màu lớn, hình chữ nhật trong các sắc đậm, thường tông trầm, theo cách nào đó đối nghịch với bức Tiếng thét. Chúng dường như chứa chất một nguồn năng lượng khổng lồ. “Thinh lặng cũng rất là chính xác”, Rothko đã nói khi ông từ chối giải thích về những hình ảnh của mình. Giả sử ông ấy giải đáp bằng từ ngữ, thì có lẽ ông ấy đã viết hẳn ra một bài báo thay vì thực hiện một bức tranh.
Tôi không chắc vì sao, nhưng thực tế là có một sự yên ắng khẽ ập đến mỗi khi ta xem xét những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, tìm cách hiểu xem điều người nghệ sĩ muốn truyền đạt là gì. Điều này cũng phần nào gợi nhắc tôi về những thiên đường sao giăng của Nansen.
Một tác phẩm nghệ thuật, hay là một cỗ máy suy tư, phản ánh ý tưởng, hy vọng, thất bại và trực cảm của người nghệ sĩ. Có lẽ tôi giữ im lặng trước nghệ thuật vì tôi cảm thấy tôi đang tách rời khỏi một cái gì đó hàng ngày. Có quá nhiều điều tôi không hiểu, không thể vượt qua, và nghệ thuật gợi nhắc tôi về điều đó. Tôi trở nên thành thật hơn, sống động hơn trong những điều mình đang làm, và có thể đóng khép lại trước thế giới. Nếu, trên tất cả, tôi thêm vào dăm chút thiện chí, tôi có thể cảm nhận một cảm giác mà tôi đã có khi kiệt sức sau một chuyến trượt tuyết dài, hay khi tôi ăn hoặc uống một món cực kỳ ngon lành. Rồi tôi không còn có thể tách rời chính tôi với những gì tôi đang làm.
Nghệ sĩ trình diễn Marina Abramović đã biến thinh lặng trở thành một hình thức nghệ thuật. Fosse đã dành phần lớn những gì ông viết cho thinh lặng, còn Abramović trong một số tác phẩm đơn giản chỉ hoàn toàn thinh lặng. Cô sử dụng thinh lặng theo cách như một nhạc công sử dụng âm thanh, hay một thợ vẽ sử dụng tấm toan vẽ.
Năm 2010, cô đã ngồi suốt 736 giờ 30 phút trong bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) ở New York, nhìn thẳng vào mắt tổng cộng 1.545 khách tham quan mà không nói một lời. Tác phẩm được đặt tên là The Artist is Present.
Trong những ngày đầu cô ngồi ở MoMa, cô đã nghe cùng những tiếng ồn mà chúng ta vẫn nghe trong một viện bảo tàng đông kín khách tham quan. Người bước qua lại, đi vô định, nói với nhau bằng giọng khẽ. Sau vài ngày, cô đã có thể cảm nhận được tiếng xe chạy bên ngoài tòa nhà. Vài tuần sau, cô đã nghe thấy tiếng va chạm của xe chạy cán qua chiếc nắp cống nào đó trên đường. Tôi chưa bao giờ nghe thấy tiếng ồn nào ngoài tiếng từ công chúng ở MoMA, nhưng tôi nhận ra cái cách mà các giác quan cơ bản được tăng tiến trong suốt những lần du hành kéo dài giữa hoang dã. Hay mỗi khi tôi nhắm mắt lại. Khứu giác và thính giác nhạy bén hơn. Và nếu bịt tai lại, tôi có thể nhìn rõ hơn.
Theo Abramović, thinh lặng chính là bộ não đang hoạt động. Suy nghĩ. Nếu muốn tìm thấy sự an yên, trước hết bạn phải ngừng suy nghĩ. Không làm gì cả. Thinh lặng là một công cụ giúp chúng ta thoát khỏi thế gian xung quanh. Nếu bạn có thể làm được, nó sẽ trở nên giống như một “thác nước bên trong bộ não”, cô ấy cho biết. Điện trong không khí thay đổi khi thế gian bị đóng khép. Có thể kéo dài một thời gian dài, hay chỉ một khắc của một giây. Thời gian đứng bất động, theo Søren Kierkegaard đã từng khám phá.
Ý niệm này nghe chừng có vẻ đơn giản, nhưng lại không hề chút nào. Lần đầu tiên Abramović đi ra sa mạc, cô đã sợ. Cô trải qua cái đối nghịch của thinh lặng, cho dù xung quanh cô yên ắng đến mức thứ duy nhất mà cô nghe thấy là tiếng mạch đập khi tim bơm máu tuần hoàn trong cơ thể mình.
Tôi đã tìm kiếm sự thinh lặng tuyệt đối, nhưng chưa từng tìm thấy. Một người bạn của tôi đã nghiêm túc thử sức bằng cách tự nhốt mình vào một căn phòng cách âm. Căn phòng không chỉ có tác dụng chặn tiếng động từ bên trong ra ngoài, và người ở trong đó cũng không nghe thấy bất cứ tiếng động nào từ ngoài vào. Căn phòng hoàn toàn vô thanh. Có thật thế không? Bạn tôi nghe thấy cả những âm thanh bên trong. Có lẽ anh ấy đã tưởng tượng ra, hay có lẽ đó là máu đang tuần hoàn bên trong cơ thể anh ta. Tôi không rõ, nhưng tôi tin rằng sự thinh lặng tuyệt đối gần với mơ hơn là thực.
Hỗn loạn. Đó chính là từ Abramović sử dụng để mô tả điều mà cô ấy đã trải qua trên sa mạc. Bất chấp thực tế tất cả mọi thứ xung quanh cô ấy hoàn toàn yên tĩnh, đầu của cô lại ngập tràn những suy nghĩ rời rạc. Cô ấy vật lộn để tìm thấy sự tĩnh tại, thậm chí khi đang ở giữa thinh lặng. Ký ức và suy nghĩ của cô xô chen để giành lấy sự chú ý của cô. Dường như giống một sự trống rỗng trống rỗng, khi mục tiêu của trải nghiệm chính là trải qua một sự trống rỗng toàn diện. Sự trống rỗng trống rỗng một cách khó chịu đến mức ngày nay khi nói về nó, cô ấy vẫn bị xúc động.
Tôi nhận biết được cái trải nghiệm đó. Đầu tôi ngập tràn trong những suy nghĩ dồn nén và tôi không thể nào đóng khép mình lại trước thế giới. Hiện tại cần phải được trải nghiệm. Đó chính là điều mà Abramović thử thực hiện, nhưng các ý nghĩ của cô lại tìm về quá khứ lẫn tương lai. Chúng là một trở ngại mà cô buộc phải vượt qua. Tạo ra thinh lặng có lúc chỉ là một hành động nhỏ nhoi. Đôi khi tôi làm điều đó bằng cách nguệch ra những ý nghĩ rời rạc của mình vào một mẩu giấy để xóa chúng khỏi đầu. Sau đó, tôi nhìn lại những ghi chép của mình để xem liệu chúng có tí gì thú vị để tôi nên làm theo hay chỉ đơn giản là nhớ đến mà thôi. Abramović nói rằng cô ấy đã thử xóa mọi thứ trong đầu bằng cách thở nhẹ qua đường mũi, bằng cách đó cô có thể kiểm soát hơi thở. Nó “hoàn toàn là hít thở”. Điều này cho phép cô đạt được mục đích, một sự trống rỗng toàn diện, một sự “tĩnh tại của tâm trí”.
(Vài tuần sau khi quyển sách này xuất bản ở Na Uy, tôi tình cờ gặp lại Abramović. Chúng tôi đã trò chuyện về thinh lặng và cô ấy nói cách hữu hiệu nhất để mô tả thinh lặng chính là bỏ một tờ giấy A4 vào máy photocopy, rồi giữ bản gốc bên cạnh bản photo. “Đó mới là thinh lặng”.)
Một bài thơ mà tôi đã học thuộc lòng là một bài haiku, một thể thơ của sự tinh giản, của thi sĩ Basho người Nhật.
Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao.
Khi tôi đọc lại bài thơ cho chính mình, tôi hình dung một khung cảnh thanh bình, chú ếch gần như khẽ chạm vào mặt nước, và những gợn li ti của một bề mặt trước đó phẳng lặng như gương đang tỏa ra thành một hình tròn từ chỗ chú ếch đã nhảy vào.
Một bài thơ khác, được một nhà thơ khuyết danh người Nhật đến từ cụm đảo Matsuhima sáng tác, chỉ gồm có hai từ: “Ôi, Matsushima”. Tôi đặc biệt yêu thích bài thơ ấy. Thi sĩ rõ ràng đã bị choáng ngợp bởi những gì ông đang quan sát, cái vẻ đẹp đã tự nó hiển lộ, tới mức tất cả những gì có thể thốt ra được chính là tên của cụm đảo trước khi rơi vào thinh lặng. Khi chân lý hay thực tại không cho phép chúng được tạc thành lời, như Wittgenstein và Helberg đã khẳng định, những lời bâng quơ dường như suy đi mất. Nếu giả như nhà thơ đã tiếp tục viết thêm về cảm giác mà ông đang có, nói về chúng rồi khái niệm chúng thành lời, tôi e là những suy nghĩ ấy có thể sẽ làm hỏng cả bài thơ. Mũi tên đã rời cung, cái cách một Thiền sư đã mô tả về sự khởi đầu của một bài thơ dở, nhưng “không bay trúng mục tiêu, còn mục tiêu cũng không còn ở chốn cũ…” và thi sĩ lạng quạng tìm đường giữa quá nhiều chữ nghĩa.
Cái mà chừng như diễn ra giữa hai người tự khắc chỉ là một phần của câu chuyện. Bên dưới bề mặt là một điều khác đang xảy ra. Nếu những rung động ấy có thể được ghi lại, tôi ngờ rằng sẽ có đủ tiếng ồn cho một ban nhạc kèn đồng Serbia. Tôi thường nhận ra có một cái gì đó đang diễn ra, nhưng hiếm khi tôi hiểu rõ nó là gì.
Khi tôi du lịch ở Nhật, tôi cảm thấy nhận thức này trồi lên bề mặt. Tôi không hiểu ngôn ngữ nhưng lại có may mắn ở bên những người đã thuần thạo về nó. Vì khi mà những người Na Uy chúng tôi trải qua thinh lặng, một buổi trò chuyện như một cái gì đó ngắt đi – một nhà báo giỏi biết rõ những thời điểm hay ho nhất của một bài phỏng vấn sẽ đến sau khi họ cất đi laptop hay thiết bị ghi âm, và chính thức chấm dứt buổi phỏng vấn. Thinh lặng ở Nhật bao gồm một phần quan trọng trong cuộc đối thoại. Khi tôi có thể quan sát hai người nói với nhau bằng tiếng Nhật trong một quãng thời gian dài, tôi ngạc nhiên trước cảm giác về cách những khoảng nghỉ ngắn hay dài hẳn đã khó khăn như thế nào để họ diễn đạt khi tìm kiếm đúng từ họ muốn dùng để diễn đạt. Sự thinh lặng ấy dường như cũng phong phú như chính nội hàm của từ ngữ.
Các khoảng nghỉ có lẽ giống như một chiếc cầu, ở đó hai con người đang trò chuyện đang đứng ở hai bờ sông đối nhau, và khi nói trở lại, họ cùng nhau băng qua con sông.
Nó giống như kiểm soát được thinh lặng.
Là một người đã có người yêu, đôi lúc tôi thèm khát thinh lặng. Tôi thích nói, và thích nghe, nhưng chính trải nghiệm của bản thân nói lên rằng sự thân thương gần gũi đích thực chỉ có được khi một lúc nào đó cả hai không nói gì với nhau. Nếu không có sự dịu dàng diễn ra sau sự an nhiên và yên tĩnh, rất khó có thể cảm nhận được những sắc thái tinh tế của một mối quan hệ tình cảm, để hiểu về nhau. Tán chuyện và những tiếng động khác có thể dễ dàng trở thành những cơ chế tự vệ giúp ta lảng tránh sự thật. Đúng thế, khi mọi thứ tôi muốn đang ở trong tay, lời lẽ chỉ là thừa thãi.
Depeche Mode đã hát:
Tất cả những gì anh muốn
Tất cả những gì anh muốn
Đang tại đây trong tay anh********.
******** Lời bài hát Enjoy the Silence của Depeche Mode, ghi âm năm 1989 và phát hành năm 1990.
Đó là khi lời lẽ có thể gây hại, khi ban nhạc tiếp tục xướng lên bản hoan ca synthrock của mình. Luôn có, như Stendhal đã khẳng định trong khảo luận triết học mang tên Bàn về tình yêu, một chút gì đó nghi ngờ trong một mối quan hệ thành công. Nghi ngờ ấy “ban cho mỗi khoảnh khắc ấy một sự khát khao, chính là cái tạo ra sức sống cho một chuyện tình thành công”. Khi hiện diện nỗi sợ hãi, bạn sẽ không bao giờ chán với niềm sung sướng của mối quan hệ. Nghe thật tàn nhẫn, nhưng Stendhal nói đúng. Cuộc sống tàn nhẫn. Tôi đang sống một cách nguy hiểm khi tôi xem một mối quan hệ chỉ là điều tất yếu. Hầu hết mọi người nghĩ rằng việc leo lên Everest rất nguy hiểm, nhưng thường nó lại thành công. Tuy nhiên, nếu xem tình cảm song phương là tất yếu, tôi không đời nào dám làm như thế.
Cái hình thái thành công ấy đặc trưng bởi sự nghiêm túc, chín chắn của nó, như lời Stendhal đã nói. Đối với tôi, đó là khi các bạn có thể ngồi cạnh bên nhau trong thinh lặng.
Chuyện trò và thưởng thức âm nhạc có thể mở ra những cánh cửa, nhưng nó cũng đóng lại cùng những cánh cửa để tiến vào những gì thiết yếu. Nếu người bạn đồng hành của bạn không hiểu được bạn khi im lặng, liệu có khó khăn hơn để họ hiểu bạn khi bạn đang nói hay không? Tôi tin là khó hơn. Dù trong trường hợp nào, các nhà văn và các nhạc sĩ đều phần đông bày tỏ những lời lẽ vốn là tự nhiên để nói cùng với một ai đó mà ta đang yêu, do đó rất nhiều khả năng người mà bạn yêu thương đã nghe hết những lời lẽ trọn vẹn ấy – có lẽ thậm chí còn hay ho hơn nữa. Như huyền giả Rumi tương truyền đã viết ra rằng: “Giờ đây ta sẽ trở nên lặng thinh, và để cho thinh lặng chia cách cái gì đó có thực ra khỏi cái gì đó dối trá”.
Hơn hai mươi năm trước, nhà tâm lý học Arthur Aron đã có thể biến những người hoàn toàn xa lạ trở nên yêu nhau trong phòng thí nghiệm của mình. Hai người gặp nhau: họ không biết về nhau, nhưng dựa trên một danh sách câu hỏi đã điền từ trước, họ đã có vài điểm chung với nhau. Trong cuộc thí nghiệm, người tham gia được ghép cặp được hỏi một loạt ba mươi sáu câu hỏi như là: “Nếu có cơ hội gặp bất cứ ai trên thế giới này, bạn muốn mời ai ăn tối cùng với mình?” (câu hỏi 1), “Hãy lần lượt chia sẻ cho nhau về một đặc điểm mà bạn cho là tích cực ở người bạn đời, tổng cộng năm đặc điểm” (câu hỏi 17) – điều quan trọng ở đây là cần phải chọn lọc từ ngữ sử dụng – và “Ký ức đáng trân quý nhất của bạn là gì?” (câu hỏi 28).
Câu hỏi thứ 36 là… Tôi nghĩ bạn nên tự mình tìm lấy.
Sau các câu hỏi của Aron, cuộc thí nghiệm kết thúc với cả hai người tham gia ngồi và nhìn vào mắt nhau mà không nói một lời nào trong tối đa bốn phút. Hai người trong số họ đã kết hôn sáu tháng sau đó và mời tất cả mọi người ở phòng thí nghiệm đến dự lễ cưới.
Một trong những bài báo được đọc nhiều nhất trên New York Times vào năm 2015 là của nhà báo Mandy Len Catron, người đã thử áp dụng lý thuyết của Aron vào thực tế. Cô ấy rốt cuộc đã hiểu rằng yêu nhau không hề là một cái gì đó tự nhiên xảy ra, mà là một hành động, và cô ấy đã chọn ra một loạt những lời sáo rỗng hay ho để mô tả về bốn phút yên lặng không có gì khác ngoài bốn mắt nhìn nhau.
“Tôi đã trượt những dốc núi đứng và treo đong đưa từ một bề mặt đá chỉ bằng một đoạn thừng, nhưng nhìn vào mắt ai đó suốt bốn phút yên lặng là một trong những trải nghiệm đáng sợ và hồi hộp nhất trong đời. Dăm ba phút đầu tiên, tôi cốt chỉ tìm cách hít thở đường hoàng. Có rất nhiều nụ cười nhăn nhó cho đến khi chúng tôi đã quen thuộc về nhau. Tôi biết đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, hay đại khái là thế, nhưng mấu chốt đích thực của thời điểm ấy không chỉ nằm ở chỗ tôi đang thật sự nhìn một ai đó, mà tôi đang nhìn thấy ai đó nhìn vào mình. Một khi tôi đã trân trọng được nỗi sợ hãi bị nhận diện này và cho nó thời gian lắng dịu, tôi đã đến được một nơi chưa bao giờ ngờ tới.”
Các câu hỏi thì thông minh. Tôi đã tự mình thử qua thí nghiệm này. Cảm giác gần như thôi miên. Người kia lắng nghe, bạn cảm thấy mình được thấu hiểu, họ đang nhìn và tôn trọng bạn mà không cần giới thiệu gì thêm. Cuối cùng, khi bạn đã hoàn thành, nhìn nhau trong mắt trong – tiện đây, bốn phút dường như là cả một quãng thời gian dài – nó như thể cả hai bạn đang được hút về nhau.
Tôi chưa bao giờ là một kẻ học nhanh. Hồi còn nhỏ tôi bị chứng khó đọc nặng đến nỗi không thể đánh vần được chữ khó đọc cho đến tận tuổi hai mươi. Những trải nghiệm mà tôi có thể hấp thu được – khi ở phương xa trên băng tuyết châu Nam Cực, dưới lòng Manhattan, đi bộ quanh Oslo, trên đường đến văn phòng, hay ngồi trên ghế ở nhà – là những sung sướng đến từ những gì nhỏ nhoi. Hàm ơn vì thức ăn khi mà tôi đã đói rã sau một ngày dài. Lắng nghe và chứng kiến những điều tinh tế mà thông thường tôi không nhận ra. Khai thông những suy nghĩ và ý tưởng mới mẻ ở cái không gian nằm chính giữa đôi tai. Bắt những chú cá nhỏ. Cắn từng mẩu nhỏ.
Cho phép thế gian tiêu tan khi ta bước vào.
Lắng nghe là tìm kiếm những cơ hội, là tìm kiếm những thử thách tươi mới. Quyển sách quan trọng nhất mà bạn có thể đọc là quyển sách viết về chính mình. Nó luôn mở. Tôi đã bắt đầu hiểu ra vì sao từ tấm bé, tôi đã luôn hứng thú với con ốc sên chất ngôi nhà trên lưng. Chúng ta cũng có thể mang ngôi nhà của mình – tất cả những gì chúng ta có được – bên trong.
Mỗi dịp có ai đó hỏi tôi điều gì là khó khăn nhất khi trượt xe băng qua châu Nam Cực, thì không chút nghi ngờ gì, câu trả lời của tôi là: đến được cực Nam. Những lời đầu tiên tôi nghe thấy khi đến nơi là: “Anh ổn không?”.
Tôi đã mặc độc một chiếc quần lót trong suốt năm mươi ngày đêm, do đó tôi đã trả lời: “Như heo trong bãi cứt”. Ở ngay trong chuyến hành trình gần như luôn thoải mái hơn là đạt đến mục tiêu. Chúng ta ưa thích cuộc săn thỏ hơn là bắt được thỏ.
Hầu hết những người tôi đã gặp có cái bồ kiến thức đủ để lấp đầy chín cuộc đời. Chưa từng có một quyển sách nào được viết ra có thể kể với bạn nhiều hơn những gì chính bạn đã từng trải qua.
Do đó, hãy hít một hơi thật sâu. Chúng ta không cần quá nhiều để hiểu về thinh lặng hay cách bạn có thể tìm kiếm niềm vui từ việc đóng khép lại trước thế gian. Cái kiến thức con này, như nhà thơ Olav H. Hauge đã viết, là một cái gì đó mà con tim bạn vẫn hằng sở hữu:
“Khi đến lượt cú đấm, chẳng còn gì
Thêm nữa, và cái chút nhỏ nhoi ấy
Con tim vẫn luôn biết tới.”
Những con đường nào sẽ dẫn đến thinh lặng? Chắc chắn là những chuyến đi vào hoang dã. Hãy bỏ lại ở nhà những thiết bị điện tử, hãy chọn một hướng và đi cho tới khi không còn gì nữa xung quanh. Ở một mình tại đó trong ba ngày. Đừng nói gì với ai. Dần dà bạn sẽ khám phá trở lại những khía cạnh khác của bản thân.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không hề là cái mà tôi tin là gì, mà chính là mỗi người chúng ta sẽ khám phá theo cách riêng của mình. Bạn, ba đứa con gái của tôi, tôi – chúng ta đều có những con đường riêng. Dễ dàng tìm thấy thinh lặng hơn nhiều người nghĩ, hay tin là như thế. Và chẳng có vị giáo sư, nhà tâm lý học, Pascal, Cage hay một người cha nào có ba đứa con như tôi có thể trọn vẹn giải thích tất cả mọi thứ bằng lời lẽ. May mắn thay, cũng chẳng có phép màu nào cả.
Tôi đã phải dùng đôi chân mình để đi và khám phá ra điều đó, nhưng giờ đây tôi biết rằng hoàn toàn có thể tìm đến thinh lặng ở bất cứ mọi nơi. Chỉ cần trừ bớt ra.
Bạn buộc phải tìm thấy cực Nam của mình.