Chuyện kể mà thầy dành cho Vườn Yêu Thương xảy ra vào tháng Hai năm 1994 ở nước Đức, nơi mà tháng Mười hàng năm thầy luôn có mặt trong hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair.
Chuyện kể rằng đó là mùa Đông và tuyết phủ trắng khắp nơi. Cô nhi viện Yite Luo nằm bên bờ sông Rhine tĩnh lặng trong gió tuyết.
Sáng sớm hôm ấy, nữ tu sỹ 50 tuổi Terri ra ngoài làm việc. Lúc vừa ra đến cổng, bà láng máng nghe thấy có tiếng trẻ con khóc. Bà liền tìm theo tiếng khóc thì phát hiện một bé trai tóc vàng được đặt trong một bụi cây ở cạnh cổng trại. Nữ tu sĩ này đã đưa cậu bé về cô nhi viện nuôi dưỡng và đặt tên cho cậu là Derby.
Bảy năm ở cô nhi viện, cậu bé Derby lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn và có tấm lòng lương thiện, nhưng tính cách lại có chút u buồn.
Vào một ngày nắng đẹp, các nữ tu sĩ đưa bọn trẻ vượt qua một khu rừng để đến một đồng cỏ ở ven bờ sông chơi. Những người ở trong thị trấn gần đó đều chỉ vào những đứa trẻ này và nói rằng chúng là những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi và nếu con họ mà không nghe lời, họ cũng sẽ đem bỏ con vào cô nhi viện ấy.
Nghe thấy những lời nói này, Derby cảm thấy vô cùng đau lòng. Cậu bé liền hỏi nữ tu sỹ rằng tại sao cha mẹ cậu lại bỏ rơi cậu. Liệu có phải là do họ ghét cậu không. Giọng nói đầy buồn đau không giống với lời nói của những đứa trẻ khác cùng độ tuổi làm người nữ tu sĩ giật mình.
Khi được hỏi tại sao thì Derby trả lời là vì cậu ta nghe thấy mọi người đều nói như vậy, rằng tất cả đứa trẻ ở cô nhi viện đều là những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi.
Nghe xong, vị nữ tu sĩ an ủi cậu bé rằng mặc dù bà chưa từng gặp mẹ của cậu nhưng bà tin rằng nhất định mẹ cậu rất yêu thương cậu. Bởi trên đời này không có người mẹ nào là không yêu thương con của mình cả. Có thể năm đó mẹ của cậu để cậu lại là vì một lý do bất đắc dĩ nào đó mà thôi.
Các em biết không, Derby lặng im không nói câu nào nhưng từ đó trở đi cậu bé thay đổi rất nhiều. Cậu thường xuyên đứng bên cửa sổ của cô nhi viện nhìn ra dòng sông Rhine. Cậu hy vọng những dòng nước đang chảy trên sông Rhine có thể đem tình cảm của cậu đến với mẹ.
Rồi “Ngày của mẹ” năm 2003 đã đến. Không khí ấm áp của ngày hội lại dấy lên khát vọng mãnh liệt được gặp mẹ của Derby. Ngày hôm đó, các kênh truyền hình đều đưa tin về các hoạt động ăn mừng, đăng tải những hình ảnh về tình mẹ con. Derby xem được câu chuyện một cậu bé sáu tuổi với mồ hôi chảy đầm đìa trên người đang giúp mẹ cắt cỏ. Mẹ của cậu bé kia nhìn con mà cảm động rơi nước mắt.
Khi xem tới hình ảnh này, Derby đã nói với nữ tu sĩ rằng cậu cũng muốn được làm việc giúp bà. Và Derby hỏi rằng bà có biết cha mẹ của cậu đang ở đâu không?
Nữ tu sĩ im lặng. Mấy năm qua bà không hề nhận được tin tức gì của cha mẹ cậu bé cả. Rồi Derby chạy ra đường. Cậu cứ chạy. Trên đường có rất nhiều người mẹ nhưng lại không có ai là mẹ của cậu bé cả. Derby đau khổ và gào khóc.
Mấy tháng sau, khi Derby được chín tuổi, cậu bé rời khỏi cô nhi viện để đến học tập ở một ngôi trường gần đó. Một lần lên lớp, thầy giáo kể cho học sinh nghe một câu chuyện: “Thời xưa, có một vị hoàng đế rất yêu thích chơi cờ vua, vì vậy ông liền quyết định ban thưởng cho người phát minh ra trò chơi này. Kết quả, người phát minh này lại mong muốn vua ban thưởng cho anh ta mấy hạt gạo theo cách sau. Tại ô thứ nhất trên bàn cờ đặt một hạt gạo, ô thứ hai đặt hai hạt gạo, tại ô thứ ba số hạt gạo gấp lên bốn lần… Theo đó suy ra, đến khi bỏ đầy bàn cờ thì số hạt gạo đã là 18 tỷ tỷ hạt”.
Câu chuyện này làm cho Derby nảy ra một ý tưởng. Cậu nghĩ nếu như cậu giúp một người, sau đó đề nghị người đó giúp 10 người khác… Với cách này, Derby hy vọng một ngày nào đó biết đâu người được trợ giúp lại là mẹ cậu. Ý nghĩ này đã khiến Derby vui mừng khôn tả.
Từ đó về sau, mỗi lần cậu làm một việc tốt giúp một người nào đó, sau khi người đó cảm ơn Derby, cậu đều nói: “Xin cô/chú. Cháu muốn cô/chú hãy giúp đỡ 10 người khác ạ. Đó là cách cảm ơn lớn nhất đối với cháu.”
Những người này sau khi nghe thấy vậy, đều vô cùng cảm kích trước tấm lòng lương thiện của cậu bé. Tất cả họ đều thực hiện lời hứa của mình. Mỗi khi họ giúp ai đó họ lại đề nghị người kia giúp đỡ 10 người khác. Cứ như vậy, toàn bộ người dân ở thành phố đó đều âm thầm thực hiện lời hứa của mình.
Thế rồi điều kỳ diệu đã xảy ra. Derby đã giúp đỡ ông Rick, một người dẫn chương trình nổi tiếng của Đức. Mặc dù ông đã 50 tuổi nhưng với phong cách hài hước hóm hỉnh của mình, ông vẫn thu hút sự yêu mến của khán giả.
Tuy nhiên, có lẽ là do áp lực từ hãng truyền hình và sự cạnh tranh trong công việc, hơn nữa phải chứng kiến quá nhiều mảng tối của xã hội nên vào năm 2003, ông mắc bệnh trầm cảm và không thể tiếp tục được công việc.
Tháng 10/2003, ông Rick đã xin đài truyền hình cho ông được nghỉ dưỡng một năm. Ông hy vọng trong thời gian nghỉ ngơi, ông có thể thả lỏng và thư giãn để sức khỏe được tốt hơn.
Một thời gian sau, ông Rick đã tới thành phố mà Derby đang sinh sống để tham quan. Ông đã bị vẻ đẹp của dòng sông Rhine thu hút. Một lần khi trời chạng vạng tối, đang đi trên bờ sông dạo chơi thì bệnh tim của ông đột nhiên tái phát. Ông chưa kịp lấy thuốc từ trong túi ra uống thì đã ngã ngất xỉu trên mặt đất. Cậu bé Derby lúc ấy đang câu cá trên bờ sông phát hiện ra ông bị ngất xỉu nên đã gọi điện cho xe cấp cứu đến đưa ông đi bệnh viện.
Nhờ được cấp cứu kịp thời, ông Rick đã qua khỏi. Ông nắm lấy đôi tay của Derby và nói rằng ông không biết phải làm sao để cảm ơn cậu, nếu như cậu cần tiền, ông có thể cho cậu rất nhiều tiền.
Derby nghe xong liền lắc đầu và nói ông hãy giúp đỡ 10 người khác khi họ cần sự giúp đỡ đó chính là ông đã cảm ơn cậu ta rồi.
Ông Rick cảm thấy khó hiểu liền hỏi cậu bé liệu cậu ta chỉ cần thế thôi sao. Derby cười và gật đầu.
Ông Rick liền bị cậu bé kỳ lạ này thu hút. Ông đã đưa Derby trở về trường và để lại địa chỉ liên lạc của mình cho cậu. Trước khi ông Rick rời đi, Derby lại một lần nữa xin ông nhất định hãy làm đủ 10 việc tốt. Ông Rick nhìn qua đôi mắt đang rực sáng của cậu bé, trong lòng ông cảm thấy ấm áp, ông liền nghiêm túc gật đầu.
Từ đó, ông Rick cảm thấy cuộc sống vui vẻ hơn và chăm chú giúp đỡ 10 người khác. Mỗi lần giúp đỡ được một người, trong lòng ông lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nhất là những lúc họ nói lời cảm ơn với ông, ông cảm thấy bản thân mình có giá trị hơn rất nhiều.
Chưa đến nửa kỳ nghỉ phép, ông Rick đã trở lại đài truyền hình làm việc. Khi ông quay lại, tất cả mọi người đều ngạc nhiên vì sự thay đổi chóng mặt của ông. Ông trở nên vui tươi, lạc quan và hòa đồng với mọi người hơn.
Ngày 01/12/2003, ông Rick lần đầu tiên lên sóng truyền hình sau kỳ nghỉ dài. Ông xúc động kể về sức mạnh của 10 việc tốt trong vòng một tiếng đồng hồ. Cuối cùng, ông nói rằng: “Có lẽ không ai tin đây là chuyện thật, nhưng chuyện này đã tiếp thêm rất nhiều động lực sống cho tôi. Ông cũng xin những bạn đang xem truyền hình hãy giúp đỡ 10 người khác khi họ cần bởi ông tin rằng họ cũng sẽ cảm nhận được loại cảm giác kỳ diệu này.
Thông qua truyền hình, chương trình của ông Rick được phát sóng trên khắp nước Đức. Mọi người đều rất xúc động về câu chuyện này. Đã có rất nhiều người gọi điện cho ông Rick nói rằng họ sẵn lòng làm 10 việc tốt. Thậm chí còn rất nhiều khán giả yêu cầu được nghe Derby nói chuyện trên truyền hình bởi vì họ muốn gặp cậu bé lương thiện này.
Tháng 1/2004, Derby đã đến đài truyền hình chia sẻ về câu chuyện của mình. Tại hậu trường, có người đã hỏi tại sao cậu lại có suy nghĩ như vậy. Derby cắn môi đứng lặng một lúc rồi mới cất tiếng kể rõ chuyện đời mình. Rất nhiều người đã vô cùng xúc động và bật khóc trước tình yêu vô bờ bến của cậu bé dành cho mẹ mình.
Ông Rick đã ôm chặt lấy Derby và nói rằng mẹ của cậu nhất định yêu cậu vô cùng và rằng cậu ta nhất định sẽ tìm được mẹ.
Sau câu chuyện cảm động ấy, toàn bộ người dân biết chuyện này đã đề ra chiến dịch “10 việc tốt”. Mọi người đều mong rằng người mà mình đang giúp chính là mẹ của cậu bé Derby kia.
Rồi Derby đã trở nên rất nổi tiếng. Đài truyền hình cũng giúp cậu tìm mẹ. Nhưng mẹ của Derby mãi vẫn không thấy xuất hiện.
Tháng 2/2004, một sự việc bất hạnh và đau lòng đã xảy ra với Derby. Nơi cậu bé sinh sống là một khu phố nghèo. Sau khi Derby nổi tiếng, các tay xã hội đen nghĩ rằng cậu bé có nhiều tiền. Đêm ngày 16/02/2004, trên đường trở về trường học, Derby đã bị một nhóm lưu manh vây quanh, nhưng bọn chúng không tìm thấy tiền trên người cậu, nên đã đâm trọng thương cậu bé.
Derby bị thủng bụng và gan, cậu nằm trên vũng máu đến hai tiếng đồng hồ sau mới được cảnh sát tuần tra phát hiện. Họ đưa cậu bé vào bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, trong lúc hôn mê, Derby một mực gọi mẹ mãi không thôi.
Đài truyền hình phát sóng trực tiếp tình trạng của Derby. Tất cả mọi người đều cầu nguyện cho cậu. Rất nhiều sinh viên đến quảng trường Alexanderplatz, nắm tay nhau thành một vòng tròn và cùng nhau gọi giúp cậu một từ mẹ mà thôi. Những tiếng gọi này làm cảm động những người qua đường. Họ liền gia nhập vào nhóm đứng xếp thành hình trái tim. Số người tham gia càng lúc càng đông. Trái tim cũng càng lúc càng lớn hơn.
Điều cảm động hơn nữa là có hàng trăm người mẹ đã gọi điện đến đài truyền hình xin được giả làm mẹ của Derby. Cô Rita, một giáo sư tại trường đại học Munich đã khóc nức nở và nói rằng Derby là một đứa trẻ tốt như vậy, được giả làm mẹ của cậu bé, bà cảm thấy vô cùng tự hào. Một phụ nữ khác 35 tuổi gọi điện đến nói rằng từ nhỏ bà đã không có mẹ. Bà cũng vô cùng khát khao được gặp mẹ. Bà rất hiểu được tâm tình của Derby.
Có hàng trăm người phụ nữ đã gọi điện đến để xin được làm mẹ của Derby, nhưng mẹ của Derby thì chỉ có một. Cho nên, đài truyền hình đã thảo luận và chọn cô Judy làm mẹ của Derby. Bởi vì cô ấy sống cùng thành phố với cậu bé, hơn nữa giọng nói của cô ấy cũng giống với giọng của cậu bé, như vậy sẽ càng có cảm giác thân thiết hơn.
Sáng sớm ngày 17/02/2004, sau một thời gian dài bị hôn mê, cậu bé Derby đã mở mắt. Cô Judy với một bó hoa loa kèn đẹp xuất hiện ở đầu giường của Derby. Cô nắm lấy bàn tay nhỏ bé của Derby và nói: “Con trai Derby yêu quý! Mẹ chính là mẹ của con đây!”.
Derby dường như nhìn thấy ánh mặt trời, đôi mắt cậu đột nhiên sáng rực lên, cậu đã rất ngạc nhiên và hỏi: “Mẹ thực sự đã đến gặp con sao?”
Cô Judy dùng hết sức không bật khóc và gật gật đầu. Tất cả mọi người có mặt ở đây cũng mỉm cười nhìn Derby và gật đầu. Hai dòng nước mắt nóng hổi chảy ra từ đôi mắt của Derby, cậu vừa khóc vừa nói rằng mình đã tìm mẹ từ rất lâu lắm rồi. Cậu xin mẹ đừng bỏ rơi cậu nữa.
Cô Judy gật đầu nghẹn ngào và đáp lại rằng cậu hãy yên tâm, cậu sẽ không bao giờ rời xa mẹ nữa. Trên khuôn mặt tái nhợt của Derby nở một nụ cười. Cậu còn muốn nói nhiều hơn nữa nhưng đã không còn sức lực nữa rồi.
Đó là ngày cuối cùng Derby ở trên cõi đời này. Derby nắm thật chặt bàn tay của mẹ mà không buông ra. Cậu cũng không muốn nhắm mắt lại vì muốn được nhìn thấy mẹ nhiều hơn. Tất cả mọi người đều òa khóc, cảm thấy như trái tim mình đang vỡ tan ra.
Hai giờ sáng ngày 18/02/2004, Derby đã vĩnh viễn rời xa thế gian nhưng đôi bàn tay của cậu bé vẫn còn nắm chặt bàn tay của mẹ.
Thế đấy các em à. Câu chuyện kết thúc ở đây. Và bây giờ thì các em đã hiểu tại sao mấy chục năm nay thầy luôn tự nhắc mình làm điều tốt và hàng ngày luôn ôn lại xem một ngày trôi qua mình làm được bao nhiêu điều tốt.
Bây giờ thì chắc các em hiểu, tại sao Vườn Yêu Thương ra đời. Và thầy tin rằng các em đã hiểu ý nghĩa pháp danh của thầy là Thiện Đức, tức là hành thiện tích đức.
Bây giờ thì các em có thể hiểu thầy không nhận quà tặng, không muốn trả ơn. Và các em đã thấy, thầy đã tặng rất nhiều quà, nỗ lực giúp thật nhiều người và tặng rất nhiều sách, trong đó có tất cả các em ở Vườn Yêu Thương.