Thầy rất thích Nhật. Và nếu có thể thì một năm hai lần đi Nhật vào mùa hoa anh đào tháng Tư và mùa lá đỏ, lá vàng tháng Mười một. Thiên nhiên đẹp lắm. Nhưng cái cuốn hút thầy nhất là người Nhật. Họ tuyệt vời lắm. Quá nhiều cái để học hỏi từ họ các em à.
Câu chuyện thầy kể hôm nay là về tờ báo. Chuyện rằng một lần, khi thầy đến Nhật, thì được các bạn ở Nhật bảo rằng khi đọc xong một tờ báo Mainichi thì đừng vội vứt nó đi, hãy xé nhỏ tờ giấy báo và gieo nó vào chậu đất tơi xốp, tưới lên một chút nước, chỉ vài tuần sau bạn sẽ có một chậu hoa, một luống rau sạch mini hay những loại cây thảo mộc hạt nhỏ. Thế đấy. Có thú vị không nào các em.
Những tờ giấy quen thuộc mà chúng ta dùng hàng ngày được chế biến từ nguyên liệu chính là gỗ từ các cây trong tự nhiên. Điều này chắc các em biết hết rồi chứ. Thế nhưng nếu ai đó nói với em rằng giấy khi được gieo xuống đất vẫn có thể mọc trở lại thành cây thì các em có tin nổi không.
Các em nghe và nghĩ có vẻ như thấy đó là chuyện hoang đường. Nhưng đó là sự thật tại Nhật Bản. Thầy đã tận mắt chứng kiến đấy nhé. Người Nhật luôn gây bất ngờ về những phát minh công nghệ cao, tiên tiến và hữu ích cho môi trường và cho cả vũ trụ.
Các em có biết không, Nhật báo nổi tiếng bậc nhất xứ sở hoa anh đào Mainichi Shimbunsha đã phát minh và đưa vào sản xuất loại giấy báo ngàn năm. Từ một tờ báo có thể mọc lên hàng trăm cây con. Chuyện lạ của thế kỷ 21 nhưng thời của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là thế đấy các em à.
Những hạt giống đã được đặt sẵn trong các tờ báo. Sau khi tờ báo không còn giá trị sử dụng nữa, chúng được gieo xuống đất để mọc thành cây con. Đấy. Tuyệt vời như vậy đấy.
Khi ở Nhật, thầy được các bạn Nhật chia sẻ rằng, vì khả năng kỳ diệu này nên những số báo Mainichi Shimbunsha xuất bản được gọi là báo xanh. Bởi tất cả giấy báo có thể được hồi sinh thành thực vật.
Trong chuyến đi gần đây nhất, thầy đã nghiên cứu và đặt vấn đề để công ty sách Thái Hà có thể học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng tại Việt Nam. Thầy muốn rằng một khi báo xanh đã không còn lạ lẫm ở Nhật Bản trong vài năm nay thì nhất định phải xuất hiện ở công ty sách Thái Hà, ở Việt Nam ngay trong năm 2019 này.
Năm 2019 này, thầy muốn các em tham gia nhiều hơn vào công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta. Nếu như bây giờ bất cứ người dân Nhật nào, từ trẻ nhỏ đến cụ già, đã dễ dàng thực hiện gieo mầm cây từ giấy báo với vài bước đơn giản tại nhà, thì tại sao thầy trò chúng ta không bắt tay ngay để gieo mầm, chăm cây từ bây giờ nhỉ.
Các bạn Nhật là lãnh đạo các tập đoàn lớn, chia sẻ cho thầy biết rằng ý tưởng tờ báo xanh do Mainichi Shimbunsha hợp tác với Dentsu Inc, một trong những công ty quảng cáo hàng đầu tại Nhật Bản đưa ra. Các bạn cũng cho biết Mainichi thường xuyên cho ra đời những giải pháp kinh doanh bền vững như vậy đấy các em à.
Thầy muốn chúng ta cùng học theo, cùng cam kết và thành tâm hết mình bảo vệ môi trường. Thầy muốn chúng ta đi đầu và gương mẫu làm những việc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp mà có thể bắt đầu bằng phong trào nói không với túi ni lông, bằng cách tuyên truyền để người dân Việt Nam không vứt rác ra đường một cách bừa bãi nữa.
Và các em đã hiểu tại sao chúng ta luôn tránh dùng túi ni lông, cốc nhựa một lần và tại sao thầy luôn nhắc các em phân loại rác cũng như tiết kiệm nước, tiết kiệm điện, tiết kiệm xăng dầu và bất cứ thứ gì một cách tối đa rồi chứ.
Và nếu hàng tỉ tờ báo, hàng tỷ trang sách trên khắp thế giới có thể làm được điều này mỗi ngày thì trái đất của chúng ta sẽ là rừng cây xanh mát mẻ, sản xuất thật nhiều oxy cho chính chúng ta.
Chủ nhật cuối tuần này chúng ta sẽ cùng nhau đi nhặt rác nhé các em. Chúng mình chọn một nơi nào đó như công viên Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hòa Bình hay hồ Tây, Hoàn Kiếm, Giảng Võ, Thành Công để làm sạch môi trường nhé.
Nhớ nhé, rằng sáng kiến vô cùng thân thiện với môi trường của báo Mainichi, mà mỗi ngày có hơn 4 triệu bản được phát hành đã góp phần đem lại khoản doanh thu khoảng 80 triệu Yên, tương đương với hơn 15 tỷ đồng đấy các em à.
Sáng kiến của báo Mainichi cũng đã có mặt tại rất nhiều trường học của Nhật Bản, nhằm nâng cao nhận thức của các em học sinh về những vấn đề môi trường và tầm quan trọng của việc tái chế rác thải. Liệu các sáng kiến của chúng ta về Tết Sách, Tết Yêu Thương, Tết Thiền, Tết Thầy Trò, Tết Chay có lan tỏa đến được các trường học và các cơ quan doanh nghiệp không nhỉ?