Lesson 1. Tại sao chúng ta được trả tiền?
Khi chúng ta trêu đùa nhau về một anh chàng "Thoáng nhìn đã thấy đẹp trai rồi", thì cái nhìn "thoáng qua" đó, ta nhìn vào chiếc đồng hồ hàng hiệu, điện thoại đắt tiền, xe ô tô, đồ xa xỉ...
Ta nhìn vào thứ vật chất mà người đó sở hữu. Ta đánh giá anh ta là người "có tiền", khả năng tài chính tốt.
Càng kiếm nhiều tiền người ta càng được những người lạ ngưỡng mộ, được coi là người thú vị và đáng quan tâm. Sự tôn trọng thường được ban phát theo thu nhập. Hệ quả là, nếu bạn không có khả năng tài chính đủ tốt, bạn sẽ khó lòng khiến xã hội coi trọng cá tính và quan điểm của bạn.
Hãy thử đi sâu hơn. Tiền chúng ta kiếm được từ đâu ra?
Tiền đến từ nhiều nguồn. Từ bán hàng, kinh doanh, đầu tư ... Có thể do vay nợ, được thừa kế, bỗng dưng trúng số.
Cách phổ biến dành cho đa số là ta được "lĩnh lương" hàng tháng. Lương là nguồn thu nhập chính.
Vậy chính xác thì ta được trả tiền cho điều gì? Hãy cùng xét 2 góc nhìn:
Một. Góc nhìn của chủ nghĩa tư bản.
Mức lương một người được xác định nhờ mức độ đóng góp của họ cho xã hội.
"Một ngày tôi làm việc ở công ty 8 tiếng và tôi có lương 15 triệu/tháng". Có phải bạn được trả tiền theo thời gian? Không!
Tác giả Jim Rohn trong cuốn "7 chiến lược thịnh vượng và hạnh phúc" đã làm rõ điều này.
Một cách sai lầm, "người đàn ông" sẽ nói: "Tôi kiếm được 20 đôla mỗi giờ". Điều đó không đúng! Nếu điều đó đúng, anh ta chỉ việc ở nhà để nhận tiền được gửi đến. Không, anh ta không được trả 20 đô la cho một giờ đó. Anh ta được trả 20 đô la cho giá trị được đưa vào một giờ đồng hồ mà anh ta làm việc. Trả lương theo giờ chỉ đơn giản là một cách thức tiện lợi để đo lường giá trị đã được tính toán trước.
Đó là lý do tại sao câu hỏi "Liệu có thể trở nên có giá trị gấp đôi và làm ra số tiền gấp đôi cho mỗi giờ làm việc? Có cách nào để tôi có thể trở nên có giá trị gấp 3 hay thậm chí gấp 4 trong cùng một giờ làm việc?" lại rất quan trọng. Và câu trả lời là: "Dĩ nhiên!" Bạn có thể trở nên giá trị hơn.
Vậy, nếu cùng trình độ học vấn, cùng thâm niên, cùng công ty, anh A được trả lương 5 triệu/tháng, chị B có thu nhập 10 triệu/tháng, ta hiểu rằng giá trị tạo ra của chị B trong cùng lượng thời gian là gấp đôi anh A.
Nếu chị B muốn được trả nhiều tiền hơn, công thức là:
Thu nhập = Giá trị x Thời gian x Quy mô
Trong đó,
- Thời gian = Làm nhiều giờ hơn. Nguồn lực này hữu hạn, maximum 24h/ngày/người.
- Quy mô = Mang giá trị đến nhiều người hơn. Ví dụ bạn dạy gia sư 1 kèm 1, học phí 100 ngàn/buổi. Một giáo viên dạy trung tâm, lớp 15 học sinh, 20 ngàn/học sinh/buổi. Giáo viên dạy quy mô lớn hơn thu về 300 ngàn, gấp 3 lần bạn khi thời gian và giá trị tương đương nhau.
- Giá trị. Nhân tố quan trọng nhất theo góc nhìn của chủ nghĩa tư bản. Nếu bạn cung cấp nhiều giá trị hơn, bạn nhận lại nhiều hơn. Từ khoá là "phát triển bản thân". Triết lý "If you want to have more, you first have to become more valuable"
Hai. Cách nhìn của kinh tế học.
Lương được xác định không phải nhờ giá trị đóng góp, mà nhờ số người có khả năng và sẵn sàng làm công việc đó, trong khi những người khác không muốn hoặc không thể thực hiện.
Nếu nhiều người có thể làm tác vụ này, mức độ cạnh tranh cao, dù công việc phức tạp đến đâu, tin buồn là số tiền bạn có thể nhận sẽ không nhiều.
Ngược lại, nếu rất ít người làm được công việc đó, bạn được trả cao hơn.
Ví dụ: Sếp có lương cao gấp 10 lần bạn, nhưng bạn không thể ngồi vị trí đó do không có tư duy chiến lược, đầu óc quản trị…
Ở góc nhìn này, không có chỗ nào phán xét giá trị của công việc. Lương chỉ đơn giản là độ chênh lệch giữa cầu và cung.
Hy vọng qua nội dung này, bạn đã hiểu vì sao chúng ta được trả tiền. Bài học tiếp theo hướng dẫn cách để bạn nhận được nhiều hơn nếu chưa hài lòng về số tiền đó.
Lesson 2. Cashflow Quadrant
Cashflow quadrant (Kim tứ đồ) là một khái niệm được Robert Kiyosaki đưa ra trong bộ sách Rich Dad. Mô hình này thể hiện 4 cách khác nhau để tạo ra tiền bạc, tương ứng là 4 nhóm người.
Nhóm E (Employee) hay còn gọi là nhóm Người làm công. Đặc điểm: họ có một công việc.
Nhóm S (Self-employed) tự làm chủ một công việc.
Nhóm B (Business Owner) là nhóm Chủ doanh nghiệp. Những người này làm chủ một hệ thống và người khác làm việc cho họ.
Nhóm I (Investor) là nhóm Nhà đầu tư. Tiền làm việc cho họ.
Chúng ta cùng đến với một số quy tắc quan trọng về Kim tứ đồ:
Quy tắc 1: Phần lớn mọi người thuộc nhóm E. Chúng ta làm công cho một doanh nghiệp/công ty nào đó và được trả lương hàng tháng. Với nhóm E, định hướng phát triển và cách tăng thu nhập như sau:
Làm đúng việc. Mỗi người sinh ra chỉ làm tốt một vài công việc nhất định. Bạn có thể nghiên cứu thêm về Ikigai để tìm ra công việc phù hợp với mục đích sống.
Làm hiệu quả. Những người nhóm E bạn gặp thường rơi vào các dạng sau:
- Làm cầm chừng để giữ công việc. Họ không thích đi làm, mơ mộng một ngày nào đó sẽ “nhảy việc”, yêu ngày lĩnh lương và ghét thứ hai đầu tuần. Nhưng họ sẽ không dám nghỉ việc vì áp lực cuộc sống.
- Làm đúng với số tiền được trả. Những người này sợ "lỗ" công sức bỏ ra, nếu công ty trả 10 đồng thì họ làm đúng 10 đồng.
- Làm việc 1 cách chuyên nghiệp và có trách nhiệm.
- Làm việc với tinh thần làm chủ: trăn trở, nhiệt huyết với công ty, san sẻ gánh nặng với sếp. Đây là cái đích bạn nên hướng đến.
Làm tận lực. Khi bạn còn trẻ, hãy lăn xả, dám xông pha. Thử buôn bán, kinh doanh, làm part time, thêm nghề tay trái vào những ngày nghỉ. Bạn cần có nhiều hơn một nguồn thu nhập. Dĩ nhiên bạn có thể nói, vì bạn đã làm đủ 8 tiếng/ngày, 48-50 tiếng/tuần, bạn có quyền nghỉ ngơi, thư giãn, đi mua sắm, vui chơi, tụ tập bạn bè, yêu đương, hay thậm chí nằm dài trên ghế xem một bộ phim ưa thích.
Điều này không sai. Tận lực không phải điều kiện bắt buộc. Có những người đang tận lực. Có người không.
Lựa chọn là ở bạn!
(Có một lý do chính đáng cho việc tại sao chúng ta nên tận lực làm việc, tôi sẽ nói trong bài học tiếp theo).
Quy tắc 2: Mỗi người đều có thể kiếm tiền trong cả 4 nhóm.
Quan điểm, suy nghĩ, cách tư duy của mỗi cá nhân sẽ định hướng người đó vào một nhóm chủ đạo:
Nhóm E có nhu cầu thiết yếu là sự bảo đảm, ổn định.
Nhóm S mong muốn độc lập trong suy nghĩ, tự do trong cách làm, được nể trọng như một chuyên gia trong lĩnh vực của họ. Điều đó quan trọng hơn tiền bạc.
Nhóm B có khả năng kinh doanh và tài lãnh đạo. Họ thích tập hợp quanh mình những người giỏi.
Điểm phân biệt nhóm B với nhóm S: Trong khi nhóm B làm chủ hệ thống kinh doanh thì nhóm S là một phần mắt xích của hệ thống. Những người nhóm B có thể rời bỏ công việc kinh doanh từ 1 năm mà khi quay lại, hệ thống vẫn vận hành hiệu quả và phát triển mà không cần sự có mặt của họ. Còn nhóm S thì không.
Nhóm I cần sự kiên nhẫn, làm chủ cảm xúc khi ra quyết định đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh nhóm chủ đạo (thu nhập chủ yếu đến từ nhóm này), bạn vẫn có thể kiếm tiền ở 3 nhóm còn lại. Ví dụ: anh Quyết là bác sĩ nội khoa tại bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (nhóm E). Ngoài thời gian ở viện, anh mở phòng khám tư tại nhà chuyên khám chữa bệnh buổi tối và cuối tuần (nhóm S). Anh lại cùng bạn mở chuỗi quầy thuốc, thuê nhân viên, thuê quản lý. Các quầy thuốc tự vận hành mà anh Quyết không cần có mặt (nhóm B). Đồng thời, anh mua mã cổ phiếu TNH của bệnh viện nơi anh làm việc (nhóm I). Như vậy anh Quyết kiếm tiền trong cả 4 nhóm.
Quy tắc 3: Bạn có thể giàu hoặc nghèo ở cả 4 nhóm.
Nhiều người cho rằng phải ở nhóm B hoặc nhóm I mới trở nên giàu có. Còn làm công ăn lương hay tự kinh doanh thì không khá lên được. Suy nghĩ vậy là sai lầm do ảnh hưởng bởi thiên kiến sống sót. Truyền thông cho chúng ta thấy rất nhiều gương doanh nhân - nhà đầu tư thành công nhưng đằng sau đó là vô số trường hợp thất bại không hề được nhắc đến (do không ai quan tâm điều đó).
Thực tế, ở phía bên phải Kim tứ đồ, xác suất khởi nghiệp thất bại rất cao, và hầu hết nhà đầu tư thua lỗ. Ngược lại, phía bên trái có những CEO được trả lương hậu hĩnh trong nhóm E hay tác giả Nguyễn Nhật Ánh sống nhờ nghề viết sách ở nhóm S.
Câu chuyện ở đây là, dù bạn ở nhóm nào, bí quyết thành công/giàu có là bạn cần trở thành số ít chuyên gia trong lĩnh vực của mình.
Quy tắc 4: Bạn nên học cách kiếm tiền ở phía bên phải của Kim tứ đồ.
Mặc dù nhóm nào cũng có khả năng kiếm được rất nhiều tiền, nhóm bên phải (B,I) lại có một lợi thế bất công mà phía bên trái (E,S) không có. Đó là đòn bẩy thời gian.
Với nhóm E và S, càng kiếm được nhiều tiền càng phải bỏ ra nhiều thời gian của bản thân cho công việc, dễ dẫn đến mất cân bằng với thời gian dành cho cuộc sống. Trong khi nhóm B sử dụng thời gian và giá trị của người khác, còn nhóm I dùng tiền để sinh ra tiền. Thời gian là nguồn lực hữu hạn, phía bên phải của Kim tứ đồ là những con người tự do sử dụng thời gian theo ý mình.
Bạn đã hiểu về các cách kiếm tiền. Giờ hãy cùng tối ưu hoá thu nhập.
Lesson 3. Vốn và mô hình thu nhập.
Về cơ bản, tổng thu nhập của một người đến từ hai nguồn:
- Vốn con người (Human capital)
- Vốn tài chính (Financial capital).
Vốn con người là tổng hòa của trình độ chuyên môn (kiến thức, kỹ năng) cùng với những mối quan hệ chất lượng mà bạn tích lũy được.
Vốn tài chính là tổng giá trị tài sản của bạn, trừ đi các khoản nợ.
Những điều này không thể có trong một sớm một chiều, nên bạn cần xây dựng các nền tảng vốn càng sớm càng tốt.
Trong đời người, hai nguồn vốn này có mối tương quan như trong biểu đồ:
Từ vốn con người, chúng ta có thể chia ra 4 dạng mô hình thu nhập sau:
Một. Thu nhập đi ngang. Trong suốt sự nghiệp, thu nhập của nhóm này không có sự tăng lên hoặc giảm xuống quá nhiều. Ví dụ: người làm công chức nhà nước có tốc độ tăng thu nhập khá chậm và lộ trình tăng rõ ràng, nhìn chung thu nhập không biến chuyển đáng kể
Hai. Thu nhập linh hoạt. Thu nhập hàng tháng thay đổi theo khối lượng và/hoặc hiệu quả công việc mà họ đạt được. Ví dụ: những người làm nghề bán hàng được hưởng lương theo doanh số.
Ba. Thu nhập giảm dần. Đây là nhóm có thu nhập rất cao ở những năm đầu sự nghiệp, nhưng giảm dần theo thời gian. Ví dụ: nghệ sĩ, cầu thủ, vận động viên thể thao.
Bốn. Thu nhập tăng dần. Thu nhập của nhóm này tăng dần theo thời gian bởi giá trị họ cung cấp được cho xã hội ngày càng lớn, làm lâu năm có thêm kinh nghiệm. Ví dụ: những người làm tư vấn, cố vấn.
Đầu tiên bạn cần xác định mô hình thu nhập của bản thân thuộc nhóm nào, từ đó đưa ra chiến thuật phù hợp để tối ưu mô hình đó. Không có mô hình nào mang lại lợi thế hơn các mô hình khác, bạn cần nắm được đâu là giai đoạn vàng để tập trung phát triển sự nghiệp, và đâu là điều nên kỳ vọng.
Ví dụ nếu bạn thuộc nhóm thu nhập giảm dần, những năm đầu sự nghiệp bạn cần phát huy tối đa khả năng của bản thân, mang tiền về nhiều nhất có thể. Còn nếu bạn thuộc nhóm thu nhập tăng dần, những năm đầu không nên kỳ vọng việc kiếm được nhiều ngay, mà nên tích lũy kinh nghiệm, phát triển bản thân, tăng giá trị “human capital”.
Từ biểu đồ tương quan, bạn cũng có thể thấy vốn con người sẽ giảm theo thời gian, do tuổi trẻ là giai đoạn tốt nhất cho sự học hỏi và phát triển, nhưng càng lớn tuổi thì “vốn” sẽ giảm đi liền với sức khỏe bản thân. Đây chính là lý do cho việc tại sao bạn nên làm tận lực như bài trước tôi đã nói.
Chăm lo sức khỏe cho bạn cũng là cách làm chậm sự suy giảm Vốn con người. Đồng thời, bạn cần học về tài chính cá nhân và có kế hoạch phát triển nền tảng Vốn tài chính càng sớm càng tốt. Càng về sau, thu nhập cũng như sự giàu có của bạn sẽ phụ thuộc vào nguồn này.
Như vậy tôi cùng các bạn đã giải quyết xong bài toán 1 của tài chính cá nhân: kiếm tiền. Bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang bài toán 2: Giữ tiền.