Hãy thử cùng nhìn lại cách mà hầu hết mọi người đang làm với tiền của mình:
Chúng ta đi làm và đầu tháng lĩnh lương. Việc đầu tiên là chi tiêu: ta trả tiền cho người khác, thông qua đồ ăn thức uống, hóa đơn điện/nước/internet, tiền thuê nhà/phòng trọ, có thể trả một vài khoản nợ bạn bè người thân do tháng trước “vung tay quá trán”.
Số tiền còn lại ta tiêu dần trong tháng. Đôi khi có thể mua sắm bộ quần áo mới, sửa chữa bảo dưỡng vật dụng cá nhân, đi vài đám cưới đám hỏi ….
Cuối tháng phần lớn khả năng là không có dư tiền. Đôi khi vẫn có dư thì ta tiết kiệm hoặc cộng dồn cho tháng sau.
Với những người có thu nhập cao hơn, số dư cuối tháng nhiều hơn thì ta gửi tiết kiệm, mua mấy chỉ vàng, mở tài khoản chứng khoán, gom lại mua mảnh đất v.v..
Tóm lại mô hình thường thấy là:
Kiếm tiền - Chi tiêu - Tiết kiệm - Đầu tư.
Ở đây tôi muốn đưa ra một quy trình khác, bắt đầu với việc, thay vì trả cho người khác, chúng ta ưu tiên thanh toán cho bản thân trước tiên.
Khi bạn chi tiêu bất kỳ thứ gì, dù là cho chính bản thân, thì bạn đang trả-cho-người-khác. Điều này không sai. Chúng ta trả tiền để đổi lấy một sản phẩm, một dịch vụ, một giá trị gì đó. Ý tôi là, hãy ưu tiên trả cho bản thân theo quy tắc “Pay yourself first”.
Quy trình mới sẽ là:
Kiếm tiền - Pay your self first - Chi tiêu - Bảo vệ - Đầu tư.
Hàng tháng khi nhận lương, bạn cần trích ngay ra một số phần trăm nhất định vào tài khoản tiết kiệm-đầu tư để mua sự tự do của bạn. Mục đích là sau vài năm (tối đa là 20 năm), chúng ta có một kế hoạch đúng đắn đạt đến sự tự do tài chính, để thoát khỏi gánh nặng về tiền bạc quẩn quanh tâm trí. Lúc đó, bạn làm việc vì bạn chọn như vậy, không phải vì gánh nặng cơm áo gạo tiền nữa.
Số còn lại, chúng ta sẽ chi tiêu. Rồi bạn cần có các khoản dự phòng bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro như: thất nghiệp, bệnh tật, … Cuối cùng mới là đầu tư.
Bạn đã học về tháp tài sản và cách xây dựng từng lớp tài sản trong phần một của cuốn sách. Ở phần này chúng ta cùng tìm hiểu về một số phương thức phân bổ thu nhập phổ biến.
Nhưng trước tiên là một câu hỏi quan trọng:
Lesson 1: "Net worth" là gì và tại sao nó lại quan trọng hơn lương?
Nhiều người Việt có thói quen hỏi "Lương tháng bao tiền?" để đoán xem đối phương "đắt giá” bao nhiêu. Nhưng thực sự, câu hỏi đúng hơn phải là "Net worth thế nào?"
Nói theo thuật ngữ ngân hàng - bảo hiểm, “Net worth” (Giá trị tài sản ròng) được tính bằng tổng tài sản trừ đi tổng nợ. Bạn có thể hiểu đơn giản hơn là:
Net worth = Số tiền mình đang sở hữu (tiền mặt, tiền trong ngân hàng, tiền quy ra từ giá thị trường của các tài sản như: nhà cửa, đất đai, xe cộ...) - Số tiền đang nợ
Ví dụ: Bạn có 10 triệu đồng trong ngân hàng và đang vay người thân 2 triệu đồng. Net worth của bạn = 10 - 2 = 8 triệu đồng.
Bạn có 10 triệu đồng trong ngân hàng và sở hữu một xe ô-tô có giá trị trường hiện tại là 200 triệu đồng. Nhưng vài năm trước, bạn đã mua trả góp chiếc xe ô-tô ấy với số tiền cao hơn rất nhiều, và còn nợ ngân hàng 300 triệu. Net worth của bạn = 10 + 200 - 300 = -90 triệu đồng
Bạn dồn tất cả tài sản vào đầu tư chứng khoán. Hôm nay giá trị cổ phiếu là 1 tỷ đồng, vì vậy Net worth của bạn là 1 tỷ đồng. Nhưng ngày mai, giá cổ phiếu đi xuống còn 800 triệu thì Net worth của bạn cũng sẽ chỉ còn 800 triệu.
Bạn nên có một danh sách "tài sản" và "nợ" rõ ràng, được cập nhật thường xuyên để tính toán Net worth được chính xác. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trường hợp bạn đang đầu tư, kinh doanh, hay mua nhà, mua xe trả góp.
Tại sao Net worth quan trọng hơn thu nhập hàng tháng?
Thứ nhất, mức thu nhập chỉ thể hiện được bạn "kiếm" được bao nhiêu tiền. Trong khi đó, Net worth cho bạn biết mình "giữ" được bao nhiêu tiền. Mà việc giữ được bao nhiêu trong tay mới phản ánh được tình trạng "sức khoẻ tài chính" thực sự của bạn.
Có những người nhìn bề ngoài rất "hoành tráng": nhà lầu, xe hơi, đi du lịch, mua sắm quanh năm... Tuy nhiên, những tài sản và trải nghiệm mà họ có được đó lại đều từ tiền vay mượn, trả góp, tín dụng mà ra. Net worth của họ ở mức rất thấp, hoặc thậm chí âm.
Thứ hai, tập trung vào Net worth thay vì lương tháng sẽ giúp kiểm soát được nguy cơ lạm phát lối sống (lifestyle creep/lifestyle inflation).
Nguy cơ này xảy ra khi bạn đột ngột có một mức lương cao và cảm thấy mình có thể chi tiêu rộng rãi hơn. Tuy nhiên, khi "vung tiền quá trán", Net worth của bạn thậm chí có thể xuống thấp hơn so với lúc bạn còn nhận mức lương cũ.
Nếu tập trung vào Net worth, bạn sẽ có kỷ luật hơn với đồng tiền mình kiếm được, trân trọng hơn mức lương tăng của mình và có định hướng đầu tư, tiết kiệm tốt hơn để phát triển bản thân.
Thứ ba, khi nắm được net worth của mình, bạn có thể tự đặt ra những cột mốc quan trọng để cải thiện năng lực tài chính. Ví dụ: trả nợ để đưa Net worth ra khỏi con số âm, có được 1 tỷ đồng Net worth ở tuổi 35...
Quản lý Net worth thế nào?
- Thường xuyên kiểm tra net worth của mình ít nhất 1 lần/tháng
- Vạch ra những cột mốc quan trọng, những mục tiêu mà bạn muốn nhắm tới cho Net worth của mình.
- Không nên quá ám ảnh với Net worth mà kiểm tra/tính toán hàng ngày, hoặc lo lắng khi Net worth giảm sút.
- Không so sánh Net worth của mình với người khác khi chưa hiểu rõ tình hình tài chính của họ.
Vì vậy, hãy cập nhật Net worth thường xuyên để kiểm soát nợ nần, tiết kiệm và đầu tư đúng đắn, cũng như có thêm động lực làm việc, nhằm đạt được mục tiêu tài chính mà mình mong muốn.
Lesson 2. Hệ thống “6 jars”
T. Harv Eker là tác giả cuốn sách "Secrets of Millionaire Mind". Chắc hẳn bạn không còn xa lạ gì với quy tắc 6 chiếc lọ. Có thể bạn đã từng thử nhưng không thành công. Hoặc bạn nghĩ nó khá rắc rối nên chưa làm. Tôi sẽ hướng dẫn bạn một lần nữa dựa trên kinh nghiệm cá nhân:
Khi bạn nhận được bất kỳ một khoản tiền nào, có thể là lương, tiền lãi đầu tư chứng khoán, bán đồ ... Việc đầu tiên là chia số tiền nhận được thành 6 phần (mở 6 tài khoản khác nhau, 6 ngăn trong ví, 6 chiếc phong bì… tùy bạn)
Chúng ta hình tượng chúng thành " những chiếc lọ" (jars). Bao gồm:
10% FFA - Tự do tài chính
Có thể nói đây là "chiếc lọ" đầu tiên bạn cần để ra, là ưu tiên hàng đầu, và nếu hệ thống "6 jars" chỉ còn "1 jar" thì FFA là khoản đó.
Thực tế, trong cuốn sách "The richest man in Babylon" thì công thức quản lý tiền sơ khai nhất, xuyên suốt toàn bộ nội dung là 10% dành cho việc đầu tư, chi tiêu 90% còn lại.
FFA là số tiền dùng để đầu tư, bạn có thể góp vốn kinh doanh cùng người khác, mua cổ phiếu, thử mọi cách để tiền làm việc cho bạn. Hiểu đơn giản là xây dựng một hệ thống mang lại thu nhập thụ động, để bạn vẫn có tiền dù thức hay ngủ, dù làm việc hay không.
Mục đích FFA là giải phóng tâm trí bạn khỏi áp lực tiền bạc. Lúc đó, bạn tự do làm điều mình thích và tận hưởng cuộc sống.
Một yếu tố quan trọng trong đầu tư là thời gian. Bắt đầu sớm và để lãi kép hoạt động tốt hơn rất nhiều so với tỷ suất sinh lời khủng. Đó là lý do bạn cần quản lý tiền ngay.
55% NEC - Chi tiêu thiết yếu.
Tiền sinh hoạt hàng tháng, tiền nhà, chợ búa, ăn uống, thanh toán hoá đơn điện/nước/internet và mọi chi phí hàng ngày khác đều nằm ở đây.
Tiền phong bì mừng cưới bạn bè người thân cũng ở đây.
Bạn bị hỏng laptop, muốn đi bảo dưỡng xe ... Số tiền bạn cần vẫn nằm ở đây.
Số tiền này dường như không thể đủ. Không sao cả! Bạn có thể theo dõi chi tiêu (chỉ đơn giản là ghi lại và theo dõi các khoản chi phí của mình hàng tháng) trong thời gian 3-6 tháng để cân đối lại các khoản chi. Cảnh báo "red flag" xuất hiện nếu NEC > 80% tổng thu nhập, lúc này bạn cần ngay lập tức tăng thu, hoặc mạnh tay cắt giảm chi phí.
10% EDU - Giáo dục
Đây là số tiền quan trọng. Tôi muốn nhắc lại: số tiền này rất quan trọng. Nếu bạn nghĩ giáo dục là tốn kém, hãy thử ngu dốt.
EDU có thể dùng cho việc mua sách, đăng ký khoá học phát triển bản thân, mời người thành công một bữa ăn/rủ họ đi cà phê để học hỏi tư duy/kinh nghiệm của họ. Có thể bạn sẽ nói: "Tại sao? Họ đã có quá nhiều tiền, họ nên tự đi ăn uống với nhau và tự thanh toán". Dĩ nhiên bạn có thể làm vậy. Nhưng bài học ở đây "Người thành công sẵn sàng trả tiền cho những thứ giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn"
Bạn cũng đừng gọi đây là "đầu tư". Trong hoạt động đầu tư, tiền (kỳ vọng) phải sinh ra tiền. EDU vẫn là chi phí, tôi gọi đó là "chi phí tốt" vì số tiền này giúp bạn đến cái đích mà bạn mong muốn: công việc thuận lợi hơn, cuộc sống hạnh phúc hơn...
Hãy tích lũy EDU để mua những kiến thức thật sự chất lượng.
10% PLAY - Hưởng thụ
Làm hết sức, chơi hết mình là một phương châm sống. Nhưng phần đông lại làm như chơi, và chơi như dở hơi. PLAY là khoản tiền dành cho việc hưởng thụ, bạn có thể chi tiêu phung phí theo sở thích cá nhân và phong cách sống của mình. Đi cà phê, ăn nhà hàng, bộ quần áo mới, đồ xa xỉ... Bạn có thể "vung tay quá trán" trong hạn mức này. Bạn có thể tiêu cho bằng hết trong tháng hoặc tích lũy cho những cuộc chơi lớn. PLAY cân bằng lại mọi thứ, khiến bạn nghiêm túc với việc quản lý tiền nhưng không đẩy hành động đến giới hạn của sự nghiêm khắc.
Đôi khi mệt mỏi và nhàm chán, bạn sẽ tặc lưỡi kiểu "Kệ, tiền của tôi, tôi muốn tiêu sao thì tiêu. Bao giờ có nhiều tiền mới học cách quản lý" rồi bạn không quản lý tiền nữa. PLAY giải quyết bài toán đó.
5% GIVE - Cho đi
Cho đi định hình lối sống của bạn. Tôi sẽ nói một chút về việc cho đi:
Một. Cho đi khiến bạn cảm thấy mình giàu có, đầy đủ, dư dả, hạnh phúc hơn.
Hai. Cho đi là một kỹ năng mà nếu muốn, bạn nên học từ sớm. Tôi không tin rằng khi bạn có 10 tỷ, bạn có thể cho ai đó 1 tỷ. Nên bạn cần học dần và lặp lại thói quen khi số tiền còn đang nhỏ.
Ba. Dù bạn là ai, thử cho đi. Bạn có thể nói rằng, bạn có gia đình phải lo, bạn khó khăn, bạn nợ nần, cuộc sống bạn đầy sóng gió và bạn nên là người nhận. Thôi nào, bạn không đặc biệt đến mức cuộc sống đến thăm, vỗ vai và nói “Hey, anh bạn, tôi mang khó khăn thử thách đến cho một mình anh đây, còn lũ người ngoài kia không có đâu”. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh hết, thái độ và cách nhìn của bạn sao thôi.
Bốn. Cho người xứng đáng, không phải người cần. Tiền thì ai cũng cần hết. Người nghèo cần ít tiền. Người càng giàu càng cần nhiều tiền. Tôi chưa thấy ai không cần tiền cả. Chỉ những người thiếu tiền mới hay nói tiền không quan trọng, giống như con cáo chê chùm nho xanh trong truyện ngụ ngôn. Dù nó nói gì và nghĩ gì, nó cũng không bao giờ có chùm nho đó.
GIVE là số tiền bạn dành ra cho người bạn cảm thấy xứng đáng. Sử dụng nó hợp lý với lòng trắc ẩn.
10% LTSS - Tiết kiệm dài hạn
Điện thoại mới. Một chiếc xe. Tiết kiệm mua nhà. Những khoản tiền lớn cần tích lũy dần, tích lũy sớm đều nằm ở đây. NEC và PLAY chỉ xử lý được các chi phí nhỏ, đều đặn. Với số tiền lớn, kế hoạch dài hạn, hoặc bạn đang vay nợ, bạn cần dùng LTSS.
Nếu bạn để ý, cả 5 "chiếc lọ" ở trên đều là chi tiêu. Ngay cả FFA, dù đầu tư với kỳ vọng tiền sinh ra tiền, bạn vẫn chịu rủi ro mất tiền, có thể là một phần tiền nhưng có khi là mất trắng. Chỉ có LTSS là ở lại, là dành dụm.
Nên, dù bạn đã có nhà, có xe, bạn không có kế hoạch chi lớn, bạn vẫn nên đều đặn để ra LTSS. Trong những ngày mùa đông tài chính, khi bạn băn khoăn tự hỏi, bạn đi làm bao nhiêu năm để rồi có gì, dành ra được gì, thì LTSS sẽ an ủi bạn. Nếu bạn nhân khoản này với 10, đó là tổng tiền bạn từng kiếm ra. Điều đó sẽ cho bạn động lực.
Hệ thống "6 jars" trong thực tế: Cách giải quyết một số tình huống thường gặp
Ví dụ 1: Bạn bè hỏi vay tiền. Bạn sẽ lấy ở "chiếc lọ" nào? Tôi đánh cược bạn sẽ lấy ở NEC nếu bạn bè “vay nóng” hoặc LTSS nếu họ vay dài hạn khoảng 1 năm. Nhưng cả hai hướng xử lý này đều sai, vì bạn chưa tính trường hợp người vay chậm trả hoặc số tiền bị mất đi. Bạn cần lấy số tiền ở GIVE. Đó là khoản mục "cho đi" những người bạn cảm thấy xứng đáng. Nếu GIVE được trả lại, tốt thôi, nhưng nếu không, sẽ không có vấn đề gì quá lớn với mối quan hệ đó, vì bạn xác định trong tâm trí là đã cho rồi.
Nếu GIVE không đủ, ví dụ bạn chỉ có 5 triệu nhưng họ cần vay 10 triệu, hãy thẳng thắn rằng lúc này bạn chỉ giúp được chừng đó thôi. Học cách nói "không", rằng thời điểm này rất tiếc bạn không giúp được. Việc cả nể sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của bạn.
Ví dụ 2: Bạn thu lời 120,000₫ khi bán bộ quần áo và có lãi. Số tiền này chia thế nào?
12 ngàn cho PLAY, 6 ngàn cho GIVE v.v.. Cứ theo công thức vậy hả? Lời khuyên là đừng trở thành một người quá chi li. Số phần trăm chỉ mang tính tương đối. Thói quen mới là quan trọng.
(1) Bạn có thể làm tròn con số nhỏ nhất thành 10 ngàn, 20 ngàn, 50 ngàn... Như vậy có thể chia thành 10 ngàn PLAY, 10 ngàn EDU ...
(2) Hoặc thoáng hơn nữa, bạn lấy một nửa cho FFA còn một nửa cho NEC. Bỏ qua một số "chiếc lọ" khác khi số tiền nhận được nhỏ.
Ví dụ 3: tháng "bội chi". Vì nhiều lý do, NEC của bạn hết sạch trong tháng.
Trình tự giải quyết sẽ thế này: bắt đầu với PLAY, tháng đó không chơi nữa. Rồi đến LTSS, vì đó là khoản tiết kiệm. Tiếp theo, sử dụng số tiền trong EDU. Khoản GIVE khiến bạn cảm thấy giàu có, nên khi các khoản khác đã "cháy" bạn mới xài đến. Cuối cùng là FFA, số tiền mua sự tự do của bạn. Hy vọng bạn không rơi vào hoàn cảnh tệ nhất. Nhưng bạn cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.
Giai đoạn khủng hoảng có thể khiến bạn cháy túi, khánh kiệt, công sức quản lý tiền thời gian qua dường như đổ sông đổ bể. Nhưng bạn cần biết là, các triệu phú tỷ phú cũng có lúc từng phá sản. Họ gây dựng lại khối tài sản bằng tư duy của mình. Từ khoá là "thói quen". Khi bạn gây dựng được thói quen quản lý tiền đúng đắn, kỷ luật, thời kỳ đen tối rồi sẽ qua, và bạn sẽ làm lại tốt hơn. Vì thế, quản lý tiền không phải là kỹ năng bạn nên học khi bắt đầu có tiền dư. Ngược lại mới đúng.
Nếu bạn chứng tỏ rằng bạn có thể quản lý được số tiền lớn hơn, bạn mới có nhiều hơn.
Bạn nên thực hành một trong những nguyên tắc phân bổ thu nhập mà tôi sẽ lần lượt giới thiệu trong phần này để kiến tạo thói quen. Khoảng thời gian áp dụng từ 3-6 tháng là đủ dài để phương pháp chứng minh tính hiệu quả.
Lesson 3. Quy tắc 50/30/20.
"The 50/30/20 budgeting rule" được giới thiệu trong cuốn sách “All Your Worth: The Ultimate Lifetime Money Plan” của Elizabeth Ann Warren & Amelia Warren Tyagi.
Công thức ở đây đơn giản hơn hệ thống "6 jars" chúng ta đã học. Cụ thể, ta sẽ chia thu nhập thành 3 khoản:
50% Needs. Những gì thiết yếu hàng tháng bao gồm sinh hoạt phí và các hoá đơn. Nó tương đương với NEC trong "6 jars", nhưng thấp hơn 5%. Nếu con số này không đủ để chi tiêu, bạn cần tăng thu nhập và giảm chi phí. Nếu vẫn không đủ, bạn sẽ giảm trừ ở hai khoản còn lại, mỗi khoản 5%. Công thức lúc đó sẽ có dạng 60/25/15. Một lần nữa chúng ta thấy sự linh động trong các tỷ lệ, chìa khóa quan trọng vẫn là "thói quen".
30% Wants. Tương ứng với "6 jars", đó là các khoản cộng gộp của PLAY+EDU+GIVE. Vấn đề nhỏ tôi nhận ra là, mong muốn nào xuất hiện trước sẽ được ưu tiên cho đến khi "hết ngân sách". Ví dụ, số tiền quỹ Wants của tôi là 3 triệu, nếu tôi mua sắm hết 2 triệu, tôi sẽ chỉ còn 1 triệu cho cả hai mong muốn còn lại là mua sách và cho đi. Hoặc ai đó muốn vay 3 triệu, tôi có khả năng cho vay toàn bộ nhưng phải tạm dừng ý định phát triển bản thân cũng như "ăn chơi" trong tháng.
20% Savings. Trong "6 jars", đây là tổng tiền của FFA+LTSS. Thêm một quyết định khó khăn khi phải lựa chọn giữa đầu tư hoặc tiết kiệm. Giả sử lãi suất ngân hàng đang cao và thị trường chứng khoán đang giảm, tôi nên gửi quỹ 20% này vào ngân hàng hay mang tiền vào thị trường? Và nếu tôi muốn cả hai thì tỷ lệ nào hợp lý?
Thêm nữa, nếu bạn đang mắc nợ, quỹ Savings sẽ được trích ra để trả nợ trước. Khi còn đang nợ (trừ nợ vay ngân hàng trả góp mua nhà), thường chúng ta sẽ không đầu tư. Nhưng tiết kiệm vẫn là việc nên làm. Tỷ lệ phân bổ cho tiết kiệm và trả nợ là bao nhiêu?
Đánh giá cá nhân, tôi cho rằng 50/30/20 là công thức đơn giản cho người mới bắt đầu. Bạn có thể thử áp dụng trong 3-6 tháng, bổ sung thêm những quy tắc phụ để phân bổ tiền cho hợp lý. Nếu cần sự rõ ràng và chi tiết hơn, bạn có thể chuyển sang "6 jars" của T. Harv Eker.
Lesson 4. Quy luật 70/30
"Nếu bạn không độc lập tài chính ở tuổi 40 hay 50 thì không có nghĩa là bạn sinh nhầm quốc gia, sống sai cộng đồng, thời đại. Nó đơn giản có nghĩa là bạn đã có kế hoạch sai lầm" - Jim Rohn
Quy luật 70/30 được tác giả Jim Rohn viết trong cuốn sách "7 chiến lược thịnh vượng và hạnh phúc". Ông cho rằng mỗi người cần học cách sống với 70% thu nhập của mình.
70% bạn sẽ chi tiêu cho những thứ cần thiết và xa xỉ. Nếu so sánh với quy tắc 50/30/20, điều này có nghĩa 70% rơi vào mục Wants và Needs.
Quan trọng là cách bạn phân bổ 30% còn lại. Jim Rohn gợi ý như sau:
10% Từ thiện. Trả lại cho cộng đồng những gì bạn nhận được để giúp đỡ những người cần được hỗ trợ. Tôi cũng đã phân tích khá kỹ những lý do bạn nên cho đi trong bài trước. Việc cho đi khiến bạn cảm thấy dư dả và giàu có, ngay lúc này, ngay thời điểm hiện tại. Không cần thiết phải có thật nhiều tiền để trở thành người hào phóng và tử tế.
Nếu như T. Harv Eker cố định GIVE ở mốc 5% thì Jim Rohn cho rằng bạn có thể tùy chỉnh con số dựa trên kế hoạch cá nhân.
10% Đầu tư vốn. Tương đương 10% FFA trong "6 jars". Số tiền này sẽ tham gia vào lĩnh vực thương mại, bạn thỏa sức sáng tạo để biến kỹ năng thành những công việc kinh doanh sinh lợi. Buôn bán, bất động sản, cổ phiếu... Tóm lại, dùng tiền để sinh ra tiền.
10% Tiết kiệm. Điều này mang lại sự yên tâm khi bạn đã có sự chuẩn bị cho những mùa đông tài chính.
Để đánh giá thì đây là phương pháp tôi ưa thích nhất, cũng như đang áp dụng hàng tháng. Nó không quá cầu kỳ như "6 jars" nhưng cũng đủ chi tiết hơn quy tắc 50/30/20.
Đến đây thì bạn cũng đã có trong tay 3 bộ công cụ. Chọn lấy 1 và thực hiện. Từ khóa là "thói quen".
Có những người không biết quản lý tiền. Có những người biết nhưng không đủ kỷ luật để thực hiện. Bức tranh tài chính của bạn nên khác họ, bắt đầu từ những thói quen đơn giản để hướng đến tự do tài chính.
Lesson 5. Tỷ lệ tiết kiệm.
Tỷ lệ tiết kiệm được tính bằng cách lấy số tiền tiết kiệm được chia cho tổng thu nhập của bạn. Ví dụ: mỗi tháng bạn có thu nhập 10 triệu đồng, để ra được 1,5 triệu thì tỷ lệ tiết kiệm của bạn là 15%.
Tôi sẽ biến đổi công thức tính một chút:
Tỷ lệ tiết kiệm % (savings rate)
= Tiết kiệm/Thu nhập
= (Thu nhập - Chi tiêu)/Thu nhập
= (Thu nhập/Thu nhập) - (Chi tiêu/Thu nhập)
= 1 - Chi tiêu/Thu nhập
Công thức mới có ý nghĩa hơn, bởi chúng ta không thể kiểm soát số tiền tiết kiệm, nhưng có thể kiểm soát được chi tiêu và thu nhập để từ đó tác động vào kết quả.
Để tăng tỷ lệ tiết kiệm (điều này là cần thiết), chúng ta sẽ giảm chi tiêu và/hoặc tăng thu.
Tuy nhiên bạn không thể giảm chi tiêu được mãi. Chúng ta không muốn giàu có bằng cách sống tằn tiện. Cắt giảm chi tiêu là điều không hề dễ dàng, nhất là khi bạn đã quen với một lối sống rồi bỗng nhiên phải giảm chất lượng cuộc sống. Bạn chỉ có thể cắt giảm những khoản chi lãng phí đến một chừng mực nào đó. Tiếp theo, điều quan trọng hơn cần làm là tìm cách tăng thu nhập.
Một mục tiêu đầy hứng khởi và thách thức: Hãy tìm cách để mỗi năm tăng gia tốc đầu tư thêm 1%.
Để tôi chứng minh điều này là có thể. Vì mỗi năm, bạn đều học thêm những kiến thức mới, kinh nghiệm mới. Đừng nói với tôi rằng bạn đã ngừng học. Với nhiều người, việc học sẽ ngừng lại khi họ rời ghế nhà trường. Điều này thật đáng tiếc, vì giống như lội ngược dòng sông, bạn không tiến là bạn đang lùi.
Mỗi năm bạn sẽ có những kinh nghiệm mới. Vì bạn không ngừng phát triển bản thân. Hãy lấy kinh nghiệm của năm thứ nhất đầu tư vào năm thứ hai.
Lấy kinh nghiệm của năm thứ nhất và năm thứ hai đầu tư cho năm thứ ba.
Lấy kinh nghiệm của cả ba năm để đầu tư cho năm thứ bốn.
Quy trình cứ liên tục như vậy. Bạn sẽ đi được rất xa.
Như vậy bài học ở đây là tăng tỷ lệ tiết kiệm. Bao nhiêu là đủ? Một mẹo đơn giản là con số này cần lớn hơn hoặc bằng số tuổi của bạn. Nếu năm nay bạn 25, tỷ lệ tiết kiệm hàng tháng nên từ 25% trở lên.