Lesson 1. Các hình thức vay tiền
Ai cũng từng có lúc vay nợ, chắc chắn rồi, đừng nói với tôi là bạn chưa bao giờ vay tiền ai. Điều này không xấu. Có những người rất ngại mắc nợ, nhưng nợ cũng được chia ra thành nợ tốt và nợ xấu.
Quan trọng là mục đích vay nợ để làm gì. Từ đó chúng ta có 3 dạng thức:
Vay tiền để đầu tư (hay còn gọi là dùng Đòn bẩy tài chính). Về mặt nguyên tắc, bạn nên vay tiền để đầu tư vào những cơ hội có lợi nhuận kỳ vọng cao hơn lãi vay.
Tôi sẽ ví dụ: Giả sử bạn có một phương pháp đầu tư cổ phiếu dài hạn với kỳ vọng lợi nhuận là 15%/năm. Vốn của bạn là 100 triệu.
Nếu bạn đầu tư bằng vốn của bản thân, sau một năm bạn có lãi: 100 triệu x 15% = 15 triệu.
Bây giờ bạn đi vay thêm 100 triệu. Lãi vay là 10%/năm. Số tiền lãi bạn phải trả: 100 triệu x 10% = 10 triệu.
Lúc này vốn đầu tư cổ phiếu của bạn là 200 triệu. Sau một năm bạn có lãi: 200 triệu x 15% = 30 triệu
Sau khi trừ đi lãi vay, lợi nhuận thực tế còn lại: 30 triệu - 10 triệu = 20 triệu
Lợi nhuận trên vốn của bạn lúc này là 20%. Bằng việc sử dụng đòn bẩy tài chính, bạn có thêm 5 triệu (5% lợi nhuận/vốn).
Lợi nhuận thu được từ khoản vay tự động trả cho lãi vay, đây gọi là nợ tốt.
Ngược lại, nếu bạn kỳ vọng lợi nhuận là 15%/năm, bạn có vay thêm 100 triệu như kịch bản đầu tiên, nhưng lãi thực tế năm đó chỉ là 8%.
Tính toán tương tự, ta có:
Lãi thực tế khi vay = (200 triệu x 8%) - 10 triệu = 6 triệu
Nếu bạn không vay, lãi thực tế = 100 triệu x 8% = 8 triệu
Lúc đó, không vay nợ lại tốt hơn. Khoản lãi vay đã bào mòn số tiền của bạn. Thậm chí nếu lợi nhuận năm đó âm, lãi vay sẽ làm hao hụt tiền gốc.
Như vậy, đòn bẩy là con dao hai lưỡi. Bạn vẫn nên sử dụng nhưng cần thận trọng và tính toán hợp lý. Dù sao việc vay tiền cũng sẽ tạo ra những áp lực tâm lý nhất định, nếu vay tiền, hãy chắc chắn bạn cảm thấy thoải mái.
Vay tiêu dùng. Về bản chất bạn đang tạm ứng dòng tiền tương lai để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Số tiền đó không hề mang lại lợi nhuận, nên bạn cần hạn chế. Ngoài ra, bạn cần nắm được cách tính lãi suất vay trong một số trường hợp thông dụng mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài sau.
Việc sử dụng thẻ tín dụng chính là chúng ta đã vay tiêu dùng. Mặc dù có một số lợi ích như: không cần đem theo tiền mặt, không lãi suất trong 45-60 ngày, tiện lợi khi mua sắm online… nhưng thẻ tín dụng cũng tiềm ẩn những nguy cơ như: rất dễ mất kiểm soát khi không phải dùng tiền mặt dẫn đến chi tiêu vượt ngân sách, tự động bị trừ tiền khi gia hạn gói dịch vụ đã đăng ký (nhiều người dùng thử rồi quên hủy dịch vụ), bị tính lãi cao nếu không trả tiền đúng hạn…Tóm lại, lựa chọn có hay không việc sử dụng thẻ, và dùng thẻ sao cho thông minh là điều bạn cần tìm hiểu kỹ càng.
Vay tiền để trang trải những vấn đề khẩn cấp. Những người có quỹ dự phòng thường không rơi vào trường hợp này. Nhưng nếu bạn phải “vay nóng”, có 2 lưu ý nhỏ:
- Không vay lãi suất quá cao trên 20%/năm.
- Không vay ngắn hạn để giải quyết việc dài hạn.
Việc trả nợ ta sẽ bàn đến trong các bài học kế tiếp.
Lesson 2. Lãi suất
Giả sử bạn gửi tiết kiệm ngân hàng 100 triệu đồng với lãi suất 9%/năm. Điều này có nghĩa là sau kỳ hạn 1 năm, bạn nhận lại 100 triệu tiền gốc và 9 triệu tiền lãi. Rất dễ hiểu. Tuy nhiên có một số trường hợp cần bóc tách ra để tính lãi suất thực tế. Chúng ta sẽ cùng giải quyết một số bài toán.
Bài toán 1. Anh A mua mảnh đất giá 1,4 tỷ và bán được 1,6 tỷ. Anh lấy 200 triệu tiền lãi chia cho số vốn 1,4 tỷ và kết luận rằng tỷ suất sinh lợi của mình là 14,29%. Điều này đúng không?
Lời giải: Con số 14,29% có thể đúng hoặc sai do thiếu dữ kiện. Chúng ta cần biết thêm yếu tố thời gian. Nếu anh A mua năm trước và bán năm sau, 14,29% là đáp án chính xác. Còn nếu 3-5 năm sau anh mới bán được mảnh đất, lãi suất sẽ khác.
Giả sử anh A mua mảnh đất vào năm 2019, giá 1,4 tỷ. Đến năm 2021, anh bán lại với giá 1,6 tỷ. Chúng ta sẽ lập bảng bóc tách dòng tiền trên Excel và dùng công thức IRR (Tỷ suất hoàn vốn nội bộ dựa vào dòng tiền định kỳ) theo mẫu như sau:
Khi đó, tỷ suất lợi nhuận của anh A chỉ là 7%, thay vì 14% như anh nói. Bài học ở đây là tỷ suất lợi nhuận phải đi kèm với mốc thời gian cụ thể.
Bài toán 2. Chị B vay anh C số tiền là 100 triệu trong vòng 1 năm. Do là bạn bè nên anh C tính lãi suất vay nhỏ hơn lãi ngân hàng, anh C chỉ tính 8%/năm. Tổng cả gốc và lãi chị B cần trả là 108 triệu. Anh C đề xuất mỗi tháng chị C trả 9 triệu, và trả đều trong 12 tháng.
Lãi thực tế chị B phải trả cho anh C có đúng là 8% như lời anh C nói không?
Lời giải: Để giúp bạn hiểu rõ hơn, tôi sẽ xét 4 phương án:
Phương án 1: Nếu chị B vay 100 triệu, đến hết kỳ hạn 1 năm mới thanh toán cho anh C cả gốc và lãi thì con số 8% là đúng như anh C nói.
Phương án 2: (Anh C đề xuất) Vấn đề là chị C đang phải trả cả gốc và lãi đều đặn từng tháng, thay vì được giữ số tiền gốc 100 triệu đến hết kỳ hạn, nên lãi suất thực tế phải là:
Lãi suất tháng = 1,2%
Lãi suất năm được tính theo công thức:
Tỷ suất sinh lợi năm
= (1+ Tỷ suất sinh lợi tháng)^12 - 1
= (1+1,2%)^12 - 1 = 15,39%
Chúng ta thấy lãi thực tế (15,39%) gần như gấp đôi con số mà anh C nói (8%).
Phương án 3: Trong trường hợp mà anh C yêu cầu chị B “nhân tiện đây” trả luôn 9 triệu của tháng này, thay vì bắt đầu trả lãi từ tháng kế tiếp thì con số lãi suất còn lớn hơn nữa:
Lãi suất tháng = 1,43%
Lãi suất năm = (1+1,43%)^12 - 1 = 18,58%
Phương án 4: Với đề xuất trả cả gốc và lãi, trong khi lãi suất theo thỏa thuận là 8%/năm, số tiền trả nợ của chị B theo thời gian sẽ như sau:
Lãi suất tháng = 8/12 = 0,67%. Sau 11 tháng chị B sẽ trả hết nợ như trong hình dưới đây:
Bài học rút ra ở phần này là bạn nên bóc tách dòng tiền ra vào theo các giai đoạn để tính toán chính xác tỷ suất sinh lợi của một khoản đầu tư hay lãi suất cho vay trong các trường hợp cụ thể (Đặc biệt là khi vay trả góp).
Lesson 3. Nguyên tắc trả nợ
Có vay thì có trả, dĩ nhiên rồi, nhưng trả nợ sao cho khoa học thì ít người biết cách.
Vậy nên trong bài này, tôi sẽ hướng dẫn các bạn 2 cách trả nợ phổ biến nhất:
Đầu tiên, đó là phương pháp Snowball, phát triển bởi Dave Ramsey – một chuyên gia tài chính cá nhân và là tác giả của cuốn sách “The Total Money Makeover”.
Snowball – dịch sang tiếng Việt là quả cầu tuyết. Những quả cầu tuyết có kích thước ban đầu rất nhỏ, và khi lăn từ trên cao xuống chúng sẽ trở thành một quả cầu lớn.
Về nguyên tắc, bạn sẽ bắt đầu xử lý từ khoản nợ từ nhỏ đến lớn. Lý do:
• Thông thường, số lượng nợ nhỏ chiếm phần lớn tổng lượng nợ của bạn
• Trả dứt điểm nợ nhỏ là cách để bạn giữ uy tín của bản thân
• Năng lực tài chính của bạn dễ dàng đáp ứng các khoản nợ nhỏ
Khi khoản nợ nhỏ nhất đã được trả xong, bạn tiếp tục giải quyết khoản nợ nhỏ nhất tiếp theo. Dần dần những khoản nợ nhỏ này được thanh toán thì tổng số tiền nợ của bạn cũng bắt đầu vơi dần.
Giả sử bạn có 4 khoản cần thanh toán, gồm: trả nợ thẻ tín dụng, trả góp mua laptop, trả góp mua điện thoại, vay mua nhà. Bạn có thể làm theo các bước:
Bước 1: Liệt kê nợ từ nhỏ nhất đến lớn dựa theo tổng tiền (không tính lãi suất), ghi chú số tiền tối thiểu phải trả hàng tháng
Bước 2: Ưu tiên trả khoản nợ nhỏ nhất nhiều hơn, đồng thời trả mức tối thiểu các khoản còn lại
Bước 3: Mỗi khi trả dứt một món nợ, bạn cộng dồn số tiền đã trả cho mục đó vào mục nhỏ nhất tiếp theo
Bước 4: Lần lượt làm như vậy cho đến khi thanh toán tất cả nợ
Cần lưu ý rằng trong thời gian thực hiện phương pháp Snowball, bạn nên hạn chế đến mức tuyệt đối không vay thêm nợ.
Tuy nhiên, Snowball hay bất kỳ phương án trả nợ nào khác đều không hoàn hảo.
Về nhược điểm, Snowball không tính lãi suất nên khi thời gian trả các khoản nợ lớn bị kéo dài, bạn sẽ mất nhiều tiền lãi hơn.
Về ưu điểm, Snowball lại tạo ra động lực: khi bạn thấy các khoản nợ dần biến mất, điều này sẽ giúp thúc đẩy năng lượng để bạn tiếp tục làm việc chăm chỉ và trả nợ. Bạn nhìn thấy kết quả rất nhanh và nó tạo ra trạng thái tâm lý tích cực khi số lượng khoản nợ nhanh chóng biến mất.
Nếu Snowball chưa thuyết phục bạn thì chúng ta cùng đến với phương án trả nợ thứ hai giúp bạn phải trả tổng nợ ít hơn: Chiến lược tuyết lở (Avalanche). Điểm khác biệt là, phương pháp này ưu tiên trả các khoản nợ có lãi suất cao nhất trước.
Vậy đâu là phương án tối ưu? Tôi không có câu trả lời dành cho bạn. Điều này phụ thuộc vào việc tâm lý và tính cách cá nhân bạn phù hợp với kiểu nào hơn.
Tin tốt là, tôi sẽ đưa ra cho bạn một bảng tính excel, bạn có thể download file theo đường link này, điền thông tin các khoản nợ cùng lãi suất, rồi căn cứ vào số liệu để cân nhắc phương án phù hợp nhất với bạn:
https://bit.ly/BangTinhKeHoachTraNo
QR Code