Lesson 1. Lạm phát
Tại sao tôi lại nhắc đến một khái niệm có vẻ “đao to búa lớn” trong chủ đề bảo vệ túi tiền của bạn? Đơn giản vì lạm phát chính là lý do khiến bạn “cảm thấy” giá cả mọi thứ năm nay lại tăng hơn so với năm trước. Năm ngoái bạn ra đầu ngõ ăn bát phở 25 ngàn, thì giờ giá nó lên 35-40 ngàn. Lạm phát đang âm thầm tác động trực tiếp lên cuộc sống của bạn.
Bạn trông thấy giá tăng. Thực tế, sức mua của đồng tiền bị giảm xuống theo thời gian.
Vậy lạm phát là gì?
Đó là sự tăng giá liên tục của hàng hóa hay dịch vụ theo thời gian và sự mất giá của một loại tiền tệ nào đó. Lạm phát thường được hiểu gồm 2 ý:
- Lạm phát của một loại tiền tệ nào đó tác động đến phạm vi nền kinh tế một quốc gia.
- Lạm phát của một loại tiền tệ có tác động đến phạm vi nền kinh tế sử dụng loại tiền tệ đó.
Các mức độ của lạm phát
- Lạm phát tự nhiên (Tỷ lệ lạm phát từ 0% – dưới 10%)
Khi xảy ra tình trạng lạm phát ở mức độ 0 – dưới 10%, nền kinh tế của quốc gia đó vẫn hoạt động bình thường, đời sống của người dẫn vẫn có sự ổn định.
- Lạm phát phi mã (Tỷ lệ lạm phát từ 10% đến dưới 1000%)
Lạm phát phi mã xảy ra sẽ khiến cho nền kinh tế của quốc gia đó bị biến động trầm trọng.
- Siêu lạm phát (Tỷ lệ lạm phát trên 1000%)
Tình trạng siêu lạm phát nếu xảy ra sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn và quốc gia sẽ rất vất vả để khôi phục được phục nền kinh tế về tình trạng như lúc ban đầu.
Nguyên nhân dẫn tới lạm phát
- Do cầu kéo: Khi nhu cầu của thị trường về một mặt hàng nào đó tăng lên kéo theo giá cả của hàng hóa khác cũng “leo thang”.
- Do chi phí đẩy: Tổng các chi phí mua nguyên liệu, tiền lương trả công nhân, chi phí bảo hiểm, tiền máy móc vận hành… của một doanh nghiệp tăng lên khiến doanh nghiệp phải tăng giá sản phẩm để đảm bảo thu được lợi nhuận tương ứng với chi phí bỏ ra khiến mức giá chung của toàn thể nền kinh tế tăng theo.
- Do cơ cấu: Có nhiều doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, nhưng theo xu hướng của thị trường, doanh nghiệp đó vẫn phải tăng lương cho người lao động. Vì không có doanh thu tốt, doanh nghiệp bắt buộc phải tăng giá sản phẩm để thu lãi, từ đó sinh ra lạm phát.
- Do cầu và cung thay đổi: Dẫn đến tình trạng độc quyền một loại mặt hàng nào đó, trong khi giá thành liên tục tăng. Lúc này, kể cả khi nguồn cầu có giảm thì giá của mặt hàng đó cũng không giảm.
- Do xuất khẩu: Là hiện tượng lạm phát do tổng cung và tổng cầu có sự mất cân bằng. Tổng cầu từ trong nước lẫn nước ngoài khiến tổng cung không đạt đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Khi đó, giá cả của các sản phẩm bị thiếu hụt sẽ tăng lên.
- Do nhập khẩu: Khi hàng hóa nhập khẩu tăng do thuế hoặc do giá cả khiến giá bán ra trong nước cũng tăng theo.
Ảnh hưởng của lạm phát tới nền kinh tế ra sao?
Lạm phát là một “căn bệnh” của bất kỳ nền kinh tế nào, nó vừa thúc đẩy, nhưng cũng vừa kìm hãm sự phát triển kinh tế của từng quốc gia.
Ở góc độ tiêu cực:
- Lạm phát khiến thu nhập thực tế bị giảm đi
- Sự mất cân bằng giữa giàu và nghèo
- Ảnh hưởng đến các khoản nợ của quốc gia
Ở góc độ tích cực:
- Kích thích nhu cầu tiêu dùng, vay nợ, từ đó giảm bớt thất nghiệp trong xã hội.
- Thúc đẩy các quốc gia đầu tư, phát triển và định hướng để đạt được mục tiêu kinh tế và xã hội mạnh hơn.
Hiểu sơ sơ là vậy. Giờ chúng ta cùng quay lại với những gì “gần gũi” hơn để bảo vệ ví tiền của bạn.
Lesson 2. Emergency Fund
Dù kiến thức về tài chính cá nhân hạn chế thì chúng ta vẫn có thói quen dành ra một khoản tiền để “nhỡ chẳng may có việc gì” thì dùng đến. Đó chính là Quỹ dự phòng, hay còn gọi là Quỹ khẩn cấp.
Những cái “việc gì” đó chính là ốm đau, bệnh tật, thất nghiệp, mất mát/hỏng hóc đồ dùng thiết yếu trong nhà (tivi, tủ lạnh, máy tính, máy giặt…)
Vậy bao nhiêu thì đủ?
Chúng ta nên để dành ra số tiền thiết yếu làm chi phí sinh hoạt trong vòng 3 tháng, 6 tháng cho đến 1 năm. Bạn có thể tham khảo gợi ý sau:
Bạn chỉ cần dự phòng 3 tháng chi tiêu nếu:
- Bạn tương đối khỏe mạnh, và có lối sống khỏe mạnh.
Bạn không có nợ.
- Bạn sống ở khu vực có chi phí sinh hoạt chung thấp: các quận huyện ngoại thành, tỉnh lẻ, ven đô.
- Bạn chỉ thuê ô tô hoặc ô tô còn mới.
-Bạn có 1 công việc khó bị thay thế (những công việc ở vị trí cao hoặc mang tính chuyên môn cao); hoặc bạn dễ dàng tìm việc mới nếu thất nghiệp
- Bạn không có/không còn người phụ thuộc.
-Bạn có những mối quan hệ giàu có sẵn sàng chu cấp khi bạn cần.
- Bạn vẫn đang sống cùng bố mẹ
Bạn nên chuẩn bị 6 tháng (nửa năm) chi tiêu nếu:
- Bạn sống ở khu vực có chi phí sinh hoạt cao: các thành phố lớn, quận nội thành, khu vực đông dân cư.
- Bạn sở hữu nhà riêng (đặc biệt là nhà đã cũ).
- Bạn đang có nợ trả góp hàng tháng
- Khi công việc của bạn có thu nhập không ổn định (bán hàng, freelance, làm việc theo dự án …)
- Bạn có con nhỏ hoặc có người phụ thuộc; gia đình chỉ có 1 nguồn thu nhập duy nhất.
- Bạn có thể trạng yếu, hay ốm bệnh, có bệnh mãn tính hoặc thường tham gia những hoạt động mạo hiểm.
- Bạn thiếu mạng lưới hỗ trợ tài chính: không có nhiều bạn bè dư dả, bố mẹ không có khả năng chu cấp.
Bạn cần sẵn sàng cho 1 năm chi tiêu nếu:
- Bạn có thu nhập cao. Nghe thì hơi lạ, nhỉ. Thật ra những người đang có thu nhập cao lại có mức sống tương ứng với số tiền họ kiếm được. Nên khi những khoản thu (chẳng may) không còn nữa, rất khó để họ thắt chặt ngay chi phí.
- Bạn có 1 công việc đặc thù cần di chuyển, thay đổi chỗ ở nhiều
- Bạn là người chu cấp cho nhiều người phụ thuộc.
- Bạn đã/sắp nghỉ hưu.
Quỹ dự phòng nên để ở đâu?
Nơi an toàn nhất vẫn là gửi tiết kiệm ngân hàng thôi, điều này chắc ai cũng biết. Bạn có thể chọn kỳ hạn 6 tháng và tự động cho số tiền lãi nhập gốc.
Bạn cũng không cần phải quá khắt khe chọn ngân hàng lãi cao nhất làm gì, vì đây là khoản dự phòng nên tiêu chí tiện lợi, nhanh chóng sẽ được ưu tiên hơn lãi suất.
Phân biệt Quỹ khẩn cấp (Emergency Fund) và Quỹ chi tiêu (Sinking Fund)
Một. Quỹ khẩn cấp là khoản chi tiêu không lường trước được, chúng ta chỉ để phòng xa cho mấy cái “nhỡ ra”. Còn Quỹ chi tiêu là những khoản tiền đã được lên kế hoạch trước.
Ví dụ: cùng là mua Iphone, nhưng nếu là do điện thoại của bạn chẳng may bị mất, rơi xuống nước, vỡ thì được rút tiền từ Emergency Fund. Còn nếu Iphone cũ của bạn vẫn còn dùng được, chẳng qua muốn thay máy thì bạn dùng tiền từ Sinking Fund.
Hai. Quỹ khẩn cấp không có kỳ hạn cố định, có thể phát sinh bất cứ khi nào cần. Còn Quỹ chi tiêu thì có kỳ hạn định sẵn từ khi lập kế hoạch.
Lesson 3. Bảo hiểm
Trong cốp xe máy của tôi luôn có một bộ quần áo mưa (thực chất là 2, vì tôi luôn mang sẵn thêm 1 bộ để cho ai đó mượn khi trời mưa mà họ quên mang theo).
Không phải vì tôi biết chắc chắn trời mưa nên tôi mang sẵn áo, cũng không phải do tôi xem dự báo thời tiết …
Có những ngày trời chẳng bao giờ mưa nhưng bộ áo mưa trong cốp xe mang lại cảm giác yên tâm kiểu “trấn an tâm lý” khi tôi nghĩ “nhỡ lúc nào đó” trời đổ mưa.
Bảo hiểm cũng vậy!
Bảo hiểm là thứ bạn mua và bạn ước rằng không bao giờ mình phải dùng đến.
Bạn mua bảo hiểm y tế nhưng bạn không muốn phải đi viện.
Bạn mua bảo hiểm xe máy nhưng bạn không muốn gặp tai nạn.
Bạn mua bảo hiểm nhân thọ nhưng bạn không muốn tử vong hoặc bị bệnh hiểm nghèo.
Nhưng bạn vẫn mua. (Hoặc bạn không mua)
Tôi mua các loại bảo hiểm. Tôi không tìm ra lý do tại sao để không mua chúng. Còn một số người khác, lý do của họ là:
- Không chú trọng đến sức khỏe thể chất. Ngại đi viện (mất công mất việc). Ốm thì tự mua thuốc. Hy vọng không gặp bệnh nặng. Họ không mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể.
- Lạc quan cho rằng họ có sức khỏe tốt và khó có thể xảy ra chuyện gì được. Họ không tìm hiểu về bảo hiểm nhân thọ.
Tôi khá ngạc nhiên khi tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam rất thấp, trong khi trên thế giới thì 3 “chân kiềng” tài chính được chú trọng luôn là Tiết kiệm - Bảo hiểm - Đầu tư. Tôi không thuyết phục bạn mua bảo hiểm, việc đó hãy để những người bán bảo hiểm làm. Tôi sẽ chỉ phân tích thêm một vài ý về bảo hiểm nhân thọ mà bạn cần hiểu như sau:
- Về nguyên tắc: bằng việc tham gia Bảo hiểm nhân thọ (BHNT), mỗi người sẽ bù đắp hỗ trợ lẫn nhau khi rủi ro xảy ra.
- Bạn không nên so sánh lãi suất với việc gửi tiết kiệm hoặc đầu tư. Bởi vì bản chất của chúng vốn đã không hề giống nhau. Chúng ta đang dùng tiền cho mục đích khác nhau mà (Việc phòng tránh rủi ro khác với tích lũy và tăng lượng tài sản).
- Thực ra, việc bạn có “lãi” hay không phụ thuộc vào quan điểm: người mua cho rằng họ có thể gặp rủi ro hay không. Nếu bạn gặp rủi ro sớm, bạn rất “lãi” về tiền (nhưng tin tôi đi, bạn không thích kịch bản đó đâu)
- BHNT có 3 lợi ích: (1) Bảo vệ bản thân trước rủi ro không mong muốn (2) Giá trị nhận lại khi đáo hạn (3) Khi đóng phí định kỳ, bạn đã thực hiện được thói quen giữ lại đều đặn một số tiền hàng tháng/năm và đầu tư nó.
Nếu bạn đang chu cấp cho gia đình và thu nhập tháng của bạn khoảng 10 triệu trở lên, hãy cân nhắc tìm hiểu về Bảo hiểm nhân thọ. Mức đóng định kỳ 1 triệu đồng/tháng không quá khó. Và lời khuyên là giá trị hợp đồng bảo hiểm của bạn nên bằng 10 năm thu nhập.
Ví dụ: bạn có thu nhập 10 triệu/tháng, tương đương 120 triệu/năm. Bạn nên có một gói bảo hiểm 1,2 tỷ.
Lesson 4: Mô hình Ponzi
Nhận biết sớm những dấu hiệu của mô hình lừa đảo Ponzi là cách thiết thực để bạn bảo vệ túi tiền của bản thân và gia đình.
Nhiều người trong chúng ta thích kinh doanh, thích đầu tư và hay được mời chào những cơ hội hấp dẫn. Hầu hết cơ hội lại là “bánh vẽ”. Và hầu hết các loại bánh vẽ chính là Ponzi. Hãy cùng tìm hiểu!
Ponzi (hay mô hình đa cấp kim tự tháp) là hình thức lừa đảo, mời gọi mua sản phẩm hoặc đầu tư, cam kết trả lãi cao, đồng thời đưa ra nhiều tấm gương đã nhận lợi tức cao trước đó. Thực tế không hề có hoạt động kinh doanh - đầu tư nào diễn ra, hoạt động chỉ dựa trên việc lấy tiền của người đến sau trả cho người đến trước.
Nhiều nhà đầu tư tham gia Ponzi nhưng không nhận ra dấu hiệu lừa đảo bởi lợi nhuận được cam kết quá hấp dẫn. Họ bị mờ mắt trước lợi nhuận nên quên mất những rủi ro có thể gặp phải.
“Cha đẻ” mô hình này là Charles Ponzi (sinh năm 1882) – một trùm lừa đảo người Ý đã lừa được 15 triệu USD từ hàng vạn khách hàng, khiến cho 6 ngân hàng phá sản. Có thể coi Charles Ponzi chính là “tổ nghề” của mô hình kim tự tháp đa cấp.
Các thành phần trong mô hình Ponzi:
- Schemer: Đây là kẻ chủ mưu lập nên hệ thống, xây dựng hình ảnh cá nhân là những doanh nhân thành đạt, kỹ năng hùng biện và thuyết phục tốt, kêu gọi nhà đầu tư góp vốn.
- Investor: Đây là đội “gà” được chăn dắt bởi Schemer. Họ sẵn sàng bỏ tiền tỷ để tham gia vào hệ thống hy vọng hưởng lợi từ lãi suất cao ngất ngưởng trên số tiền thu của người đến sau mà không cần phải làm gì.
- Ponzi Introducing Investor: Những thành viên này không bỏ vốn vào mô hình mà kiếm tiền bằng cách giới thiệu nhiều người gia nhập.
Đặc điểm nhận diện:
- Kêu gọi đầu tư làm giàu một cách nhanh chóng nhưng thiếu cơ sở
- Thông tin đưa ra mơ hồ và thường phóng đại
- Hứa hẹn lãi suất cao ngất ngưởng hoặc “không làm gì vẫn có tiền”
- Cam kết chắc chắn không rủi ro, đưa ra tỷ lệ hoàn vốn cố định.
- Khó rút vốn: Ban đầu có thể cho rút số vốn nhỏ để tạo niềm tin, nhưng sau đó rất khó rút khỏi mô hình này.
- Hoạt động chui, không khai báo với cơ quan có thẩm quyền
- Sản phẩm đầu tư hời hợt, hoa hồng giới thiệu nhiều lớp
Phương thức hoạt động:
Schemer khởi xướng, quảng cáo về một cơ hội đầu tư nào đó “hứa hẹn” lãi suất hấp dẫn, nhà đầu tư muốn tham gia phải góp vốn trước và được “hứa hẹn” sẽ trả lại cả vốn và lãi trong thời gian cụ thể. Từ khóa ở đây là “hứa hẹn”.
Sau khi kêu gọi được nhiều nhà đầu tư, người khởi xướng sẽ trích tiền từ hai người đến sau để trả cho người đầu tiên.
Người đầu tiên bị hấp dẫn bởi mức lợi nhuận cao ngất ngưởng nên tiếp tục đầu tư.
Bằng cách lấy tiền từ người mới, Schemer có đủ tài chính để trả cho người đến trước (ở tầng trên) và thuyết phục họ tái đầu tư, đồng thời kêu gọi thêm nhiều người khác tham gia.
Khi lợi nhuận được cam kết càng cao, nhà đầu tư có xu hướng để tiền của họ vào mô hình càng nhiều, họ sẽ lựa chọn tiếp tục để tiền ở đó để tích lũy tiền lãi. Lúc này schemer không thực sự trả tiền mà chỉ gửi báo cáo số tiền kiếm được cho nhà đầu tư.
Mặc dù mô hình chưa sụp đổ nhưng các nhà đầu tư sẽ không rút được số tiền này. Schemer sẽ giảm thiểu việc rút tiền bằng kế hoạch mới với nội dung là sẽ được hưởng lợi nhuận cao hơn nhưng không thể rút tiền trong một khoảng thời gian nhất định.
Trường hợp khác, nhà đầu tư rút được tiền khi làm theo các quy định và dễ ảo tưởng rằng nơi này có khả năng thanh toán và tài chính ổn định, từ đó yên tâm đổ tiền vào tiếp.
Khi hệ thống đã dần ổn định, người khởi xướng bắt buộc phải tìm thêm nhà đầu tư mới để duy trì khả năng trả lãi. Nếu hệ thống không duy trì được nữa, Schemer sẽ biến mất cùng số tiền thu được từ các nhà đầu tư.
Như vậy bạn đã hiểu một cách khá chi tiết về mô hình Ponzi rồi. Nên nhớ, họ sẽ lấy tiền của bạn bằng cách bán cho mỗi người một giấc mơ không có thật. Tôi luôn tâm niệm câu “Too good to be true”. Bạn cũng nên như vậy.
Bonus !!!
Dưới đây là một bài viết trên blog cá nhân của tôi, tản mạn về tâm lý những người tham gia mô hình Ponzi:
Ừ nhỉ, hóa ra … người có tiền thường không ngu ngốc (Nguồn: https://buituananh.name/)
Lâu nay tôi có một câu hỏi giản đơn, rằng những người có tiền để đầu tư, tại sao lại liên tục chọn những gói đầu tư tồi tệ như: coin rác, cổ phiếu lởm, đa cấp trá hình (qua huy động vốn và BO) …
Chẳng lẽ họ không hề nghe truyền thông cảnh báo?
Chẳng lẽ họ không học được gì từ quá khứ: những dạng thức lừa đảo từng được phơi bày?
Chẳng lẽ họ không nhận ra điều gì từ những sai lầm của mình, mà chỉ liên tục rớt từ cái hố này sang cái hố khác?
Tôi từng nghĩ họ ngu ngốc.
Chiều nay mưa lất phất. Ngồi cà phê với cậu em.
Một khoảnh khắc “À há” lóe lên trong đầu.
Khi tôi nhận ra mình mới là kẻ ngốc.
Người có tiền thường không ngu ngốc. Hiếm khi ngu ngốc.
Không ai vừa ngu ngốc vừa có tiền. Nên ít ra họ cũng giỏi kiếm tiền.
Nhưng tại sao rất đông người lại muốn lên những chuyến tàu mang tên Titanic? Tôi nghĩ rằng có 2 lý do:
Một. Sự tham lam
Họ biết đó là đa cấp. Họ biết đó là “hàng lởm”. Họ thấy “bong bóng”. Họ cũng “ngửi” ra mùi Ponzi. Nhưng họ không biết (hoặc không tin) mình là kẻ đến sau. Ponzi là một bữa tiệc mà bất kỳ ai đến sớm cũng có phần, còn hóa đơn do người đến muộn trả.
Tôi muốn mượn cái ngụ ý của Warren Buffett – một hình ảnh so sánh kinh điển – khi nhà đầu tư thiên tài này dùng câu chuyện của Lọ Lem trong thư gửi cổ đông năm 2000:
“Không có gì làm mất đi sự hợp lý bằng mong muốn kiếm được một khoản tiền lớn mà không cần nỗ lực. Nhiều nhà đầu tư chỉ muốn sử dụng giác quan của họ trên thị trường và mong muốn đạt được mọi thứ sau một đêm, giống như cô bé Lọ Lem trong truyện cổ tích… Cuối cùng họ vẫn lựa chọn không bỏ lỡ một phút giây nào của bữa tiệc vui vẻ. Cũng giống như cô bé Lọ Lem, tất cả những người tham gia đều tự nhủ sẽ rời khỏi buổi tiệc trước 12 giờ đêm. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là họ đang nhảy múa trong một căn phòng với những chiếc đồng hồ không có kim. Hay nói cách khác, những nhà đầu cơ này không hề biết khi nào nhạc sẽ dừng và họ có thể mất hết tất cả chỉ sau một vài tích tắc…”
Ai cũng nghĩ mình là kẻ đến trước. Ai cũng tự nhủ bản thân sẽ “rút chân” vừa kịp lúc. Khi sự sụp đổ tất yếu xảy ra, người đến sớm thì đã ê chề, người “biết thân biết phận” cũng no nê và số còn lại thanh toán. Kết thúc bữa tiệc.
Nhưng đến muộn trong bữa tiệc này không có nghĩa là tiếp tục đến muộn trong bữa tiệc tiếp theo. Một “kim tự tháp” mới lại dựng lên. Kẻ tạo dựng là “đệ tử” của Mr. Ponzi lại kiếm bộn tiền. Những người khác lại ùa vào. Một số tiếp tục đến sớm (dù chắc chắn còn đi ăn kiểu này rồi sẽ có lúc đến sau). Một số sau khi đến muộn đã may mắn tới sớm hơn và gỡ gạc chút đỉnh. Họ lại có động lực đi ăn tiệc lần tới. Số khác thì cứ liên tục tới muộn, nhưng họ tự nhủ “Just once time”. Chỉ cần một lần duy nhất thành công thôi, họ sẽ kéo lại gấp vài lần thua lỗ trước kia.
Tóm lại, những người có tiền không ngu ngốc. Họ chỉ bị lòng tham chi phối. Với họ, không có khái niệm “đầu tư”. Tất cả chỉ là “cơ hội” kiếm tiền nhanh, làm giàu nhanh, để tài khoản tăng theo cấp số nhân và đổi đời sau một đêm.
Hai. Khẩu vị rủi ro
Phần lớn thời gian tôi dành cho việc đầu tư giá trị cổ phiếu và hài lòng nếu mức lợi nhuận 20%~25%/năm. Nhưng không phải ai cũng giống vậy. Với tôi, từ 5%/tháng trở lên được coi là rủi ro. Còn với nhiều người, 10%/tháng vẫn “khả thi” lắm.
Việc lợi nhuận lớn đi kèm rủi ro lớn là có thật. Siêu lợi nhuận đồng hành cùng siêu rủi ro. Một vốn bốn lời, thậm chí bốn mươi lời cũng có nếu bạn chấp nhận mất trắng toàn bộ số tiền trong 99% trường hợp. Nên, mọi thứ tùy theo khẩu vị rủi ro của mỗi người.
Với lớp người này, cũng không có khái niệm “đầu tư”. Hoặc “đầu tư” cũng chỉ được hiểu là trò chơi được mất. Họ không ngu ngốc. Họ can đảm đến liều lĩnh, mà “có chí làm quan, có gan làm giàu”
Tôi có những người bạn, họ đang kiếm tiền từ các giao dịch CFD (contract for different), đó là những hình thức xếp hạng rủi ro cao cho đến rất cao, giống như bắn Gunbound với góc từ 75-90 độ (bắn siêu cao) vậy, đạn rơi trúng đầu bất kỳ lúc nào. Trước đây tôi đã nghĩ nên cảnh báo rủi ro với họ. Còn giờ tôi hiểu rằng họ cũng nhận thức được mức độ rủi ro mà bản thân đang đương đầu.
Tiếp cận thị trường tài chính có 2 trường phái: nhanh và chậm (như thỏ và rùa). Rùa đi chậm có thể đến sau. Thỏ đi nhanh có thể lạc đường. Nhưng sẽ mất thời gian vô bổ nếu đánh giá lối đi nào tốt hơn, vì lối đi dành cho tôi đâu có nghĩa phù hợp với bạn.
Tôi là rùa. Tôi không thể bắt thỏ dạo bộ cùng mình được. Dù sao chúng tôi cũng đều đi chung một tuyến đường và sẽ gặp nhau tại đích.
Lesson 5: CFD là gì?
“CFD là cái gì, tôi chưa có nghe. Tại sao tôi phải học về nó?”
Tôi nghĩ bạn nên hỏi như vậy. Tại sao một cuốn sách cơ bản về tài chính cá nhân lại đưa ra khái niệm này? Tôi có cần biết không? Có nên biết không?
Tôi thích cái sự so sánh của nhân vật Sherlock Holmes khi so sánh bộ não như một ngăn tủ. Bạn cần chọn lọc dữ liệu đầu vào và sắp xếp một cách ngăn nắp. Như vậy trong tình huống cần thiết, bạn có thể lấy những file thông tin/kiến thức từng thu nhận được ra khỏi ngăn lưu trữ kia một cách dễ dàng.
Cuốn sách này, tôi chắc chắn với bạn, sẽ chỉ đưa ra những kiến thức cần thiết. Không quá màu mè, không quá đa dạng. Đây là bước đệm để nếu hứng thú, bạn sẽ tiếp tục tìm hiểu chủ đề tài chính cá nhân và đầu tư tích lũy gia sản sau.
Quay lại với bài học lần này: CFD là gì?
Bạn đã nghe về giao dịch Forex rồi chứ? Forex là viết tắt của cụm từ “Foreign Exchange”. Bạn nghĩ những người tham gia Forex có trao đổi ngoại tệ không?
Không! Thực chất họ đang giao dịch CFD - Kiếm lợi nhuận từ sự chênh lệch tỷ giá.
Hiểu về CFD, chính là để hiểu những người giao dịch Forex (trader) họ đang làm cái gì. Từ đó, khi nhận được những lời mời kiếm tiền từ thị trường này, bạn sẽ có đủ thông tin để quyết định có nên tham gia hay không
CFD - Contracts for Difference - Hợp đồng chênh lệch là một loại thỏa thuận giữa bên mua và bên bán, được thực hiện nhờ vào khoảng chênh lệch giá của chứng khoán hoặc loại tài sản nào đó tại thời điểm mở và đóng lệnh.
Hiểu một cách đơn giản, CFD mô phỏng theo cách thức giao dịch thông thường, nghĩa là vẫn phải có giá của 1 loại sản phẩm nào đó làm cơ sở rồi dựa trên sự chênh lệch giữa giá mở và giá đóng để trader kiếm lời.
Đặc điểm:
- CFD là một loại hàng hóa phái sinh.
- Có thể sử dụng các đòn bẩy khi giao dịch.
Cách thức hoạt động:
Để giao dịch CFD, nhà đầu tư không cần sở hữu tài sản cơ bản. Thay vào đó giao dịch sẽ dựa trên sự thay đổi giá của tài sản đó tính doanh thu cho nhà đầu cơ.
Về đòn bẩy: trader chỉ cần một tỷ lệ vốn nhỏ so với tổng giá trị thực của giao dịch để đặt lệnh, phần còn lại vay từ nhà môi giới. Giao dịch đòn bẩy hay còn được gọi là giao dịch ký quỹ.
Giao dịch CFD mặc dù không phải lừa đảo, tuy nhiên độ rủi ro rất cao và giao dịch Forex hiện tại chưa được sự cho phép tại thị trường Việt Nam. Các bạn cần cân nhắc kỹ trước khi tham gia loại hình này.