Đảng Cộng sản Việt Nam, hạt nhân lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi cho cách mạng Việt Nam.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản (Hội nghị thành lập Đảng) tháng 2/1930
Hoàn cảnh lịch sử |
Từ năm 1929, phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ, kết hợp với phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân yêu nước khác đã kết thành một làn sóng dân tộc dân chủ ngày càng lan rộng. Trước sự phát triển đó, 3 tổ chức cộng sản ra đời ở 3 miền đất nước. Đó là Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ, An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ và Đông Dương Cộng sản liên đoàn ở Trung Kỳ. Ba tổ chức cộng sản này ra đời là một xu thế khách quan của phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cách mạng trong nước. Tuy nhiên, 3 tổ chức này lại hoạt động riêng rẽ, tranh giành ảnh hưởng, làm cho phong trào cách mạng có nguy cơ bị chia rẽ. Quá trình hoạt động riêng rẽ của 3 tổ chức này tuy không kéo dài, nhưng nếu không sớm khắc phục có thể gây tác động tiêu cực. Ngày 27/10/1929, Quốc tế Cộng sản gửi những người cộng sản Đông Dương tài liệu “Về việc thành lập một Đảng Cộng sản ở Đông Dương”, yêu cầu những người cộng sản Đông Dương phải khắc phục ngay sự chia rẽ giữa các nhóm cộng sản và thành lập một Đảng của giai cấp vô sản. Quốc tế Cộng sản chỉ rõ phương thức để tiến tới thành lập Đảng là phải bắt đầu từ việc xây dựng các chi bộ trong các nhà máy, xí nghiệp; chỉ rõ mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Đông Dương với phong trào cộng sản quốc tế. Như vậy, trước khi Nguyễn Ái Quốc sang Trung Quốc triệu tập hội nghị thành lập Đảng thì Quốc tế Cộng sản đã có những chỉ đạo đối với phong trào cách mạng Đông Dương. Khi biết được tình hình chia rẽ của những người cộng sản ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Xiêm đã sang Trung Quốc để thống nhất các tổ chức cộng sản. Với chức trách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến cách mạng Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc chủ động triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đến Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) để bàn việc thống nhất Đảng. |
Thời gian | 6/1 đến 8/2/1930 |
Địa điểm | Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) |
Thành phần |
Tham dự hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản có Nguyễn Ái Quốc; đại diện Đông Dương Cộng sản Đảng là Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh; đại diện An Nam Cộng sản Đảng là Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu. |
Nội dung |
Nguyễn Ái Quốc phê phán quan điểm sai lầm của mỗi tổ chức cộng sản riêng rẽ và nêu chương trình hội nghị. Hội nghị đã thảo luận và nhất trí với ý kiến của Nguyễn Ái Quốc là hợp nhất các tổ chức cộng sản và thành lập một chính Đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo (Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng). Nhân dịp Đảng ra đời, Nguyễn Ái Quốc ra Lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh, anh chị em bị áp bức, bóc lột. |
Ý nghĩa lịch sử |
“Hội nghị đã quy tụ 3 tổ chức cộng sản thành một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam theo một đường lối chính trị đúng đắn, dẫn đến sự thống nhất về tư tưởng và hành động của phong trào cách mạng cả nước, tạo nên truyền thống đoàn kết của Đảng và dân tộc từ đó về sau”. Thành công của hội nghị đã đánh dấu sự thắng thế của khuynh hướng cách mạng vô sản cũng như chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối đấu tranh và giai cấp lãnh đạo ở Việt Nam trong mấy chục năm đầu thế kỷ XX. Hội nghị này có ý nghĩa như một Đại hội thành lập Đảng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960), Đảng ta quyết định lấy ngày 3/2 hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng. |
Trình bày vai trò của Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị thành lập Đảng?
– Là người chủ động triệu tập và chủ trì hội nghị:
Nguyễn Ái Quốc là người nhận thấy nguy cơ của việc 3 tổ chức cộng sản ra đời nhưng hoạt động riêng rẽ nên đã triệu tập hội nghị ở Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) để thống nhất các tổ chức cộng sản.
Ngày 6/1/1930, Hội nghị đã được triệu tập với sự tham gia của đại diện 2 trong tổng số 3 tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng.
– Là người soạn thảo Cương lĩnh chính trị và được hội nghị thành lập Đảng thông qua:
Tại hội nghị, Nguyễn Ái Quốc nêu lên Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Người soạn thảo.
Hội nghị đã nhất trí thông qua các văn kiện này và được xem như Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.
– Là người nêu ý kiến về việc hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một tổ chức cộng sản duy nhất và đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam:
Tại hội nghị, Nguyễn Ái Quốc đã nêu ý kiến hợp nhất các tổ chức cộng sản đang hoạt động riêng rẽ lúc bấy giờ thành một Đảng Cộng sản duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thảo luận và nhất trí với ý kiến này. Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức được thành lập.
Sự xuất hiện của Nguyễn Ái Quốc là rất kịp thời, đúng vào thời điểm cách mạng cần. Với uy tín và năng lực của mình, Nguyễn Ái Quốc đã thống nhất ý chí, tư tưởng và hành động của các đại biểu tham dự hội nghị, từ chỗ hoạt động riêng rẽ với nhiều tổ chức cộng sản khác nhau, tranh giành ảnh hưởng đã đi đến thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo cách mạng vì lợi ích chung của phong trào cách mạng và của dân tộc.
Những quyết định mang tầm vóc lịch sử tại hội nghị là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, hội nghị thành lập Đảng đã thành công tốt đẹp, đi vào lịch sử với tư cách như một Đại hội thành lập Đảng.
Phân tích và chứng minh nhận định: “Hội nghị đã quy tụ 3 tổ chức cộng sản thành một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam theo một đường lối chính trị đúng đắn, dẫn đến sự thống nhất về tư tưởng và hành động của phong trào cách mạng cả nước, tạo nên truyền thống đoàn kết của Đảng và dân tộc từ đó về sau”?
Trong những năm 20 của thế kỷ XX, nhu cầu thành lập một chính Đảng vô sản ở Việt Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước đã xuất hiện, nhưng điều kiện thành lập Đảng lại chưa chín muồi, không thể nôn nóng thúc đẩy quá trình ra đời của Đảng trong bối cảnh Việt Nam là một nước thuộc địa lạc hậu.
Vì vậy cần có một tổ chức đóng vai trò trung gian, hoạt động để thúc đẩy sự chín muồi của các điều kiện thành lập Đảng. Tổ chức đó đã được Nguyễn Ái Quốc thành lập là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (HVNCMTN).
Thông qua những hoạt động tích cực của HVNCMTN (tiêu biểu như phong trào Vô sản hóa), phong trào quần chúng ngày càng phát triển. Đến năm 1929, phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân, tiểu tư sản, và các tầng lớp nhân dân yêu nước khác phát triển, kết thành một làn sóng dân tộc dân chủ ngày càng lan rộng.
Từ sự phát triển này, chi bộ cộng sản đầu tiên đã được thành lập vào tháng 3/1929 ở Hà Nội. Tiếp đó, 3 tổ chức cộng sản lần lượt ra đời ở 3 miền đất nước: Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ (6/1929), An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ (8/1929) và Đông Dương Cộng sản liên đoàn ở Trung Kỳ (9/1929).
Ba tổ chức cộng sản này ra đời là một xu thế khách quan của cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc lãnh đạo quần chúng đấu tranh, thúc đẩy sự phát triển của khuynh hướng vô sản trong phong trào cách mạng.
Tuy nhiên, các tổ chức này lại hoạt động riêng rẽ, có sự tranh giành ảnh hưởng trong quá trình hoạt động, dễ làm cho phong trào cách mạng bị chia rẽ. Quá trình này tuy không kéo dài nhưng nếu không chấm dứt thì vẫn có khả năng gây hậu quả tiêu cực.
Do vậy, vấn đề đặt ra cho cách mạng Việt Nam là thống nhất các tổ chức cộng sản thành một chính đảng.
Ngày 27/10/1929, Quốc tế Cộng sản gửi những người cộng sản Đông Dương tài liệu “Về việc thành lập một Đảng Cộng sản ở Đông Dương”, yêu cầu những người cộng sản Đông Dương phải khắc phục ngay sự chia rẽ giữa các nhóm cộng sản và thành lập một Đảng của giai cấp vô sản.
Cũng trong lúc đó, khi hay tin 3 tổ chức cộng sản hoạt động riêng rẽ, Nguyễn Ái Quốc đã từ Xiêm sang Trung Quốc để triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản.
Tham dự hội nghị có 2 trong tổng số 3 tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng. Hội nghị thảo luận và nhất trí với ý kiến của Nguyễn Ái Quốc về việc hợp nhất các tổ chức cộng sản và thành lập một chính Đảng thống nhất tại Việt Nam, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đến đây, cách mạng Việt Nam đã được sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của một chính Đảng vô sản là Đảng Cộng sản Việt Nam, chấm dứt thời kỳ hoạt động riêng rẽ, tạo ra sức mạnh thống nhất, đoàn kết trong Đảng cũng như trong phong trào cách mạng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc giành độc lập tự do.
Hội nghị thành lập Đảng tháng 2/1930 đã thông qua Cương lĩnh chính trị của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bằng một đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo đã đưa cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo của cách mạng vô sản, do giai cấp công nhân lãnh đạo, để cùng tập trung sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng, tạo nên sự thống nhất về tư tưởng và hành động để tất cả cùng hướng đến mục tiêu chung: “Tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.
Cho đến nay, đoàn kết, thống nhất trong Đảng và dân tộc vẫn luôn được giữ vững, phát huy qua mọi thời kỳ, đó là do ta có được xuất phát điểm thuận lợi, truyền thống lâu đời, vẻ vang và đáng tự hào kể từ ngày hợp nhất các tổ chức cộng sản đầu năm 1930.
Nêu và nhận xét về nội dung Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (2/1930).
– Nội dung Cương lĩnh:
Cương lĩnh xác định đường lối chiến lược cách mạng của Đảng là: “Tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.
Nhiệm vụ của cách mạng là đánh đổ đế quốc Pháp, bọn phong kiến và phản cách mạng làm cho nước Việt Nam được độc lập tự do; lập chính phủ công – nông – binh, tổ chức quân đội công – nông – binh, tịch thu hết sản nghiệp của đế quốc, tịch thu hết ruộng đất của đế quốc và bọn phản cách mạng chia cho dân cày nghèo, tiến hành cuộc cách mạng ruộng đất.
Lực lượng của cách mạng là công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức. Đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản chưa lộ bộ mặt phản cách mạng thì lợi dụng, nếu không lợi dụng được thì phải làm cho họ đứng trung lập, không để họ ngả về phe đế quốc; bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ.
Lãnh đạo cách mạng Việt Nam là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, phải liên hệ mật thiết với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
– Nhận xét:
Đây là một cương lĩnh giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, thấm đượm tính dân tộc, nhân văn sâu sắc, kết hợp đúng đắn vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp.
Độc lập tự do là tư tưởng cốt lõi của cương lĩnh này.
Chính vì thế nên Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã trở thành ngọn đuốc soi đường, có giá trị thực tiễn và lâu dài đối với cách mạng Việt Nam.
Lập bảng so sánh Cương lĩnh chính trị (2/1930) của Nguyễn Ái Quốc và Luận cương chính trị (10/1930) của Trần Phú theo các tiêu chí: tính chất xã hội, nhiệm vụ cách mạng, lực lượng cách mạng, ưu điểm, hạn chế. rút ra nhận xét.
– So sánh Cương lĩnh và Luận cương:
– Nhận xét:
Nhận xét chung: Luận cương chính trị 10/1930 có nhiều điểm khác biệt so với Cương lĩnh chính trị 2/1930, khác biệt rõ rệt và sâu sắc nhất chính là Luận cương đã không chấp nhận những quan điểm cách mạng tiến bộ và đúng đắn mà Nguyễn Ái Quốc đã nêu ra trong Cương lĩnh.
Nguyên nhân của hạn chế trên là do: Luận cương chưa tìm ra và chưa nắm vững những đặc điểm của xã hội thuộc địa, nửa phong kiến Việt Nam lúc bấy giờ; do nhận thức giáo điều, máy móc về vấn đề dân tộc trong cách mạng ở thuộc địa; chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tư tưởng “tả khuynh” của Quốc tế Cộng sản cũng như một số đảng cộng sản khác trên thế giới lúc đó.
Luận cương cho rằng, tư sản thương nghiệp thì đứng về phe đế quốc và địa chủ chống lại cách mạng, còn tư sản công nghiệp thì đứng về phía quốc gia cải lương và khi cách mạng phát triển cao thì họ sẽ theo đế quốc. Trong giai cấp tiểu tư sản, bộ phận thủ công nghiệp thì có thái độ do dự; tiểu tư sản thương gia thì không tán thành cách mạng; tiểu tư sản trí thức thì có xu hướng quốc gia chủ nghĩa và chỉ có thể hăng hái tham gia chống đế quốc trong thời kỳ đầu…
Về tính chất xã hội:
+ Giống nhau: Cương lĩnh và Luận cương đều xác định là xã hội thuộc địa, nửa phong kiến với hai mâu thuẫn chính là mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp.
+ Khác nhau: Cương lĩnh xác định tính chất của xã hội Việt Nam với mâu thuẫn dân tộc là chủ yếu nhất; Luận cương thì xác định tính chất của xã hội Đông Dương với mâu thuẫn giai cấp là chủ yếu nhất.
Lãnh đạo cách mạng:
+ Giống nhau: Cương lĩnh và Luận cương đều xác định lãnh đạo cách mạng là công nhân thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản.
+ Khác nhau: Cương lĩnh xác định lãnh đạo cách mạng là Đảng Cộng sản Việt Nam; Luận cương xác định lãnh đạo cách mạng là Đảng Cộng sản Đông Dương.
Về nhiệm vụ cách mạng:
+ Giống nhau: cả hai đều xác định là cách mạng tư sản dân quyền, đánh đổ đế quốc và phong kiến.
+ Khác nhau: Cương lĩnh xác định chống đế quốc, giành độc lập dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu; Luận cương chưa đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu mà đặt nặng đấu tranh giai cấp và cách mạng ruộng đất.
Về lực lượng cách mạng:
+ Giống nhau: cả hai đều xác định lực lượng cách mạng có công nhân và nông dân.
+ Khác nhau: Cương lĩnh xác định lực lượng cách mạng bên cạnh công nhân, nông dân còn có tiểu tư sản, trí thức và các lực lượng xã hội khác, bất kỳ ai có tinh thần yêu nước, muốn đấu tranh chống đế quốc và tay sai giành độc lập dân tộc đều phải tranh thủ họ về phía cách mạng, cho dù có thể trước đó họ từng đi theo đế quốc.
Luận cương xác định lực lượng cách mạng gồm công nhân và nông dân, không tranh thủ các lực lượng khác bởi không nhận thấy được trong lực lượng tư sản và địa chủ vẫn có một bộ phận có tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc dân chủ.
Cương lĩnh là gì?
Trong xã hội có mâu thuẫn giai cấp đối kháng, đấu tranh giai cấp mang tính tự phát với mục tiêu kinh tế sẽ phát triển dần đến đấu tranh mang tính tự giác – đấu tranh chính trị, liên quan đến vấn đề giành hoặc giữ chính quyền.
Đấu tranh chính trị đòi hỏi giai cấp phải có mục tiêu chính trị rõ ràng, tổ chức chặt chẽ, tập hợp, huy động đông đảo lực lượng của giai cấp và các lực lượng liên minh với mình. Đó là yêu cầu và điều kiện ra đời của đảng chính trị – đội tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu, tổ chức cao nhất, chặt chẽ nhất, kiên quyết nhất của giai cấp.
Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử đó, đảng chính trị phải có Cương lĩnh chính trị (còn được gọi là Chính cương; Luận cương chính trị).
Theo Lênin: “Cương lĩnh là một bản tuyên ngôn vắn tắt, rõ ràng và chính xác nói lên tất cả những điều mà đảng muốn đạt được và vì mục đích gì mà đảng đấu tranh”.
Theo ý nghĩa đó, Cương lĩnh chính trị là văn bản trình bày những nội dung cơ bản về mục tiêu, đường lối, nhiệm vụ và phương pháp cách mạng trong một giai đoạn nhất định.
Cương lĩnh chính trị là cơ sở thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng, là ngọn cờ tập hợp, cổ vũ các lực lượng xã hội phấn đấu cho mục tiêu lý tưởng của Đảng.
Đối với một Đảng chính trị, một trong những công việc có thể nói là hệ trọng bậc nhất là phải đưa ra được tuyên ngôn chính trị của mình. Tuyên ngôn đó có tầm quan trọng rất đặc biệt: là cơ sở tạo sự thống nhất trong nội bộ Đảng, là ngọn cờ để tập hợp, hiệu triệu đối với dân chúng và qua tuyên ngôn của một đảng chính trị có thể đánh giá được bản lĩnh chính trị, quyết tâm chính trị và tầm trí tuệ của đảng chính trị đó.
Vì sao nói Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930 là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam?
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930 là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, bởi vì:
Đảng ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp ở Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ XX, là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam trong giai đoạn này; là kết quả của sự sàng lọc và đánh giá nghiêm khắc của lịch sử dân tộc Việt Nam trong 30 năm đầu của thế kỷ XX.
Đảng ra đời đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ khủng hoảng sâu sắc về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng. Trước khi Đảng thành lập, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam diễn ra sôi nổi, liên tục và mạnh mẽ nhưng đều thất bại do sự khủng hoảng về đường lối đấu tranh và giai cấp lãnh đạo. Đảng ra đời đã đưa cách mạng Việt Nam đi theo đường lối đúng đắn là con đường cách mạng vô sản. Đây là con đường tất yếu, duy nhất đúng và rất phù hợp với hoàn cảnh một nước thuộc địa như Việt Nam.
Đảng ra đời đánh dấu bước trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam, ngọn cờ cách mạng từ đây chính thức chuyển vào tay giai cấp công nhân với đội tiên phong là Đảng Cộng sản. Giai cấp công nhân Việt Nam trở thành giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đánh dấu bước chuyển quan trọng của cách mạng nước ta là đã đưa cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta đi theo quỹ đạo của cách mạng vô sản.
Đảng ra đời đã xây dựng lực lượng cho cách mạng Việt Nam đó là lực lượng của cả dân tộc do giai cấp công nhân lãnh đạo thông qua chính đảng vô sản, hình thành nên khối liên minh công – nông vững chắc làm nền tảng cho cách mạng. Từ đó, Đảng ta lãnh đạo và sử dụng hai lực lượng quan trọng là lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang trong các cao trào cách mạng, nhất là trong Cách mạng tháng Tám, làm nên những thắng lợi vị đại.
Đảng ra đời đã gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Trước đây, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và nhiều nhà yêu nước khác của Việt Nam cũng ra nước ngoài tìm đường cứu nước nhưng chưa thấy được rằng để cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta thắng lợi thì cần đặt phong trào cách mạng trong mối quan hệ mật thiết với cách mạng thế giới. Đảng ra đời đã khắc phục hạn chế nói trên. Từ đây, cách mạng Việt Nam nhận được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của cách mạng thế giới. Đồng thời, cách mạng Việt Nam cũng góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng thế giới (phong trào cách mạng 1930 – 1931, Cách mạng tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước).
Đảng ra đời với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, sáng tạo đã xác định đường lối đấu tranh đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Đó là làm “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để tiến tới xã hội cộng sản”. Điều này phù hợp với đặc điểm của xã hội Việt Nam và tuân theo quy luật phát triển của lịch sử dân tộc.
Sự ra đời của Đảng là sự chuẩn bị mang tính tất yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng về sau này.
Xem thêm:
Phan Bội Châu, yêu nước mãnh liệt vô cùng, dùng lời huyết lệ động viên nhân dân đứng lên chống giặc nhưng lại không nhắc đến công nhân. Lựa chọn học sinh đi Nhật du học, Phan Bội Châu đưa ra 4 tiêu chuẩn: là con nhà quan, con nhà giàu, con nhà có thế lực và con nhà có cựu thù. Không thấy ông đề ra con của công – nông. Nhiệt huyết tràn đầy nhưng Phan Bội Châu không thể xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Tinh thần nhiệt quyết cách mạng của Phan Bội Châu thể hiện rõ qua câu nói: “Đúc gan sắt để dời non lắp biển, xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”.
Nhưng với những hạn chế mang tính thời đại nói trên, Phan Bội Châu đã phải cay đắng thừa nhận: “Trăm thất bại mà không có lấy một thành công”.
Phân tích tính đúng đắn, sáng tạo trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (2/1930).
Tháng 2/1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc). Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Những văn kiện trên là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, có giá trị lý luận và thực tiễn lâu dài với cách mạng Việt Nam.
Đây là Cương lĩnh giải phóng dân tộc đúng đắn, sáng tạo, thấm nhuần quan điểm giai cấp, mang tính dân tộc, nhân văn sâu sắc mà độc lập tự do là tư tưởng cốt lõi. Tính đúng đắn, sáng tạo của Cương lĩnh thể hiện ở:
Cương lĩnh vạch rõ tính chất của cách mạng Việt Nam là phải trải qua hai giai đoạn: cách mạng tư sản dân quyền (về sau gọi là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân) và cách mạng xã hội chủ nghĩa (“tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”). Như vậy, ngay từ đầu Đảng ta đã thấu suốt con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam là giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Cương lĩnh đã xác định rõ nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền Việt Nam là đánh đổ bọn đế quốc Pháp, bọn phong kiến và phản cách mạng làm cho nước Việt Nam được độc lập, tự do; lập chính phủ công – nông – binh; tổ chức quân đội công – nông – binh, tịch thu hết sản nghiệp lớn của đế quốc; tịch thu ruộng đất của bọn phản cách mạng chia cho dân cày nghèo, tiến hành cuộc cách mạng ruộng đất. Như vậy, Cương lĩnh bao gồm nội dung dân tộc và dân chủ, chống đế quốc và chống phong kiến nhưng nổi bật là chống đế quốc và tay sai phản động, giành độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc.
Cương lĩnh đã xác định lực lượng của cách mạng là công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức. Đối với các lực lượng trung gian như phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản thì phải lôi kéo họ đứng về phe cách mạng, nếu không lôi kéo được thì phải làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì đánh đổ.
Như vậy, Cương lĩnh đã tranh thủ tối đa lực lượng cho cách mạng, cô lập tối đa lực lượng kẻ thù.
Cương lĩnh xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới. Đảng phải liên hệ mật thiết với giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc – ai làm cách mạng đều là đồng chí của Việt Nam.
Cương lĩnh chính trị tháng 2/1930 đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
CÂU HỎI KHÁC
• Vì sao nói Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng là một cương lĩnh giải phóng dân tộc đúng đắn, sáng tạo, thấm đượm tính dân tộc, nhân văn sâu sắc, kết hợp đúng đắn vấn đề dân tộc và giai cấp và có giá trị thực tiễn và lâu dài đối với cách mạng Việt Nam?
• Chứng minh rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam trong 30 năm đầu thế kỉ XX.
• Chứng minh rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp của nhân dân Việt Nam và là sự sàng lọc đánh giá nghiêm khắc của lịch sử những năm 20, 30 của thế kỉ XX.
• Vì sao vào đầu năm 1930 lại diễn ra Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản?
• Tại sao nói Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đầu năm 1930 có ý nghĩa như Đại hội thành lập Đảng?
• Đại hội lần thứ III của Đảng (9/1960) đã quyết định chọn ngày 3 tháng 2 hàng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng? Anh (chị) có đánh giá như thế nào về ý nghĩa của sự kiện này?
Đâu là quy luật riêng biệt trong sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam? Vì sao?
Đó chính là phong trào yêu nước
Bởi vì:
Theo chủ nghĩa Mác – Lênin, Đảng Cộng sản ra đời khi có đủ 2 điều kiện: sự phát triển của phong trào công nhân và sự truyền bá rộng rãi của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thể hiện qua công thức:
Đảng Cộng sản = phong trào công nhân + chủ nghĩa Mác – Lênin
Trong khi đó, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một sự khác biệt:
Đảng Cộng sản Việt Nam = phong trào công nhân + chủ nghĩa Mác – Lênin + phong trào yêu nước
Phân tích mối quan hệ giữa các nhân tố đưa đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Có ba nhân tố đưa đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930 là: chủ nghĩa Mác – Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Mối quan hệ giữa ba nhân tố trên:
– Quan hệ chung:
Chủ nghĩa Mác- Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau; mỗi nhân tố đều đóng vai trò quan trọng đưa đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.
– Quan hệ riêng:
Phong trào yêu nước có trước phong trào công nhân. Phong trào yêu nước ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX bùng nổ nhằm chống ách đô hộ của thực dân Pháp giành độc lập dân tộc.
Khi thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa, xã hội Việt Nam có nhiều chuyển biến quan trọng, tiêu biểu trong đó là sự ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam.
Vừa ra đời, hòa trong phong trào đấu tranh yêu nước, phong trào công nhân cũng đã bùng nổ. Như vậy, phong trào công nhân là một bộ phận không thể tách rời của phong trào yêu nước, góp phần tạo thêm sức mạnh cho phong trào yêu nước, góp phần làm đa dạng, phong phú thêm hình thức đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào yêu nước và phong trào công nhân đã tạo tạo cơ sở xã hội (giai cấp), điều kiện chính trị (phong trào yêu nước) để tiếp thu Chủ nghĩa Mác – Lênin khi được truyền bá vào Việt Nam. Như vậy, Việt Nam trong bối cảnh là nước thuộc địa với sự phát triển mạnh mẽ của các cuộc đấu tranh yêu nước và phong trào công nhân là “mảnh đất màu mỡ” để chủ nghĩa Mác – Lênin có thể “bén rễ”.
Mác – Lênin đã trang bị lý luận giải phóng dân tộc cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, góp phần chấm thời kỳ khủng hoảng về đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam trong 30 năm đầu thế kỷ XX.
Chủ nghĩa Mác – Lênin đã thúc đẩy sự phát triển của phong trào công nhân, đưa phong trào công nhân chuyển từ “tự phát” lên “tự giác”. Tất cả góp phần đưa đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một số lưu ý trong chuyên đề này:
Đây là chuyên đề không khó, nhưng nếu không cẩn thận chúng ta dễ mắc phải một số lỗi sau:
– Về tên gọi của Hội nghị thành lập Đảng:
+ Cách gọi đúng: Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản (hay còn gọi là Hội nghị thành lập Đảng).
+ Cách gọi không đúng: Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản.
Bởi vì:
Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam được hợp thành từ 3 tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Nhưng tại Hội nghị hợp nhất đầu năm 1930 thì chỉ có Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng tham gia.
Cho nên, khi gọi tên Hội nghị, cách gọi chính xác theo quan điểm từ trước đến nay vẫn là Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản.
– Ngày thành lập Đảng và ngày kỷ niệm sự kiện thành lập Đảng:
Ngày thành lập Đảng và ngày kỷ niệm thành lập Đảng là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
+ Ngày thành lập Đảng:
Là mốc thời gian ngày tháng năm cụ thể mà Đảng ra đời. Khi nói về thời gian cụ thể mà Đảng ta ra đời, có tài liệu viết là tháng 1/1930, hoặc đầu năm 1930, mùa xuân 1930, cũng có tài liệu viết là tháng 2/1930, nhưng đều được chấp nhận.
Bởi vì: nói tháng 1/1930 là vì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản bắt đầu từ tháng 1 (cụ thể là ngày 6/1). Còn nói Đảng thành lập tháng 2/1930 là vì lấy mốc Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản kết thúc vào tháng 2 (cụ thể là ngày 8/2).
Do Đảng ta được thành lập tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản diễn ra trong nhiều ngày nên thời gian thành lập Đảng không phải là một ngày cụ thể.
+ Ngày kỷ niệm thành lập Đảng: là ngày 3/2 hàng năm
Do thời gian thành lập Đảng không phải là một ngày cụ thể nên để kỷ niệm sự kiện Đảng ra đời cần chọn một ngày trong số các ngày từ 6/1 đến 8/2. Và ngày được chọn là ngày 3/2, do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960) quyết định.
Tại sao Hội nghị thành lập Đảng tháng 2/1930 (Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản) lại diễn ra trong một thời gian kéo dài?
Đầu tiên có thể thấy, hội nghị phải tổ chức ở nước ngoài đã nói lên những khó khăn, khắc nghiệt mà Nguyễn Ái Quốc và các nhà yêu nước Việt Nam phải đối mặt.
Nhưng khi hội nghị được tiến hành ở Trung Quốc thì vẫn phải đối mặt với sự kiểm soát, nhòm ngó của kẻ thù, đặc biệt từ sau thất bại của công xã Quảng Châu cách mạng Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
Diễn ra trong hoàn cảnh và điều kiện như vậy nên hội nghị phải được tiến hành một cách bí mật, không để lộ tung tích và bất cứ thông tin gì ra bên ngoài, nếu không sẽ bị chính quyền địch phát hiện và đàn áp.
Hội nghị tiến hành rất khó khăn, phải thay đổi địa điểm liên tục, thậm chí có những buổi hợp chỉ mới vừa ngồi xuống đã phải thay đổi địa điểm để tránh bị phát hiện. Có khi hội nghị bị gián đoạn không thể tiến hành hội họp bởi mọi người không thể gặp nhau để bàn bạc.
Chính vì vậy nên hội nghị thành lập Đảng đã kéo dài, trải qua nhiều khó khăn mới hoàn thành.
Ai là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng?
Theo quan điểm chính thống từ trước đến nay thì Trần Phú là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ nhất, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam (10/1930) đã cử ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức do Trần Phú làm Tổng Bí thư.
Thứ hai, vào thời điểm lúc bấy giờ, những hoạt động của Đảng ta đặt dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản.
Thực chất, việc Trần Phú làm Tổng Bí thư của Đảng khi đó là do Quốc tế Cộng sản chỉ định.
Trước đó, Quốc tế Cộng sản chưa từng chỉ định người nào đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Với sự chỉ định này thì việc Trần Phú đứng đầu Đảng là cơ sở vững chắc. Từ đó, Trần Phú đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng với chức danh Tổng Bí thư, đồng thời là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Vấn đề đặt tên Đảng
Các bạn có bao giờ thắc mắc tại sao Đảng ta có tên gọi là Đảng Cộng sản Việt Nam?
Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đầu năm 1930 tại hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản. Tại hội nghị này, Người đã chủ trì việc hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một tổ chức thống nhất và đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau này khi trả lời báo chí nước ngoài về việc tại sao năm 1930 lại đặt tên Đảng ta là Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác đã giải thích: lúc bấy giờ cách mạng Việt Nam rất cần một chính đảng thống nhất để lãnh đạo, do đó mà năm 1930 Bác đã thành lập tổ chức Đảng. Nhưng lúc ấy chưa biết đặt tên Đảng này là gì, chỉ thấy rằng lúc bấy giờ trên thế giới Đảng Cộng sản là phổ biến nhất nên đặt tên cho tổ chức Đảng mới vừa được hợp nhất là Đảng Cộng sản. Mà Đảng Cộng sản này được thành lập ở Việt Nam nên gọi là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc có phải là người tìm ra con đường cách mạng vô sản?
Chúng ta đều biết Nguyễn Ái Quốc là người tìm kiếm con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Đó là con đường cứu nước theo khuynh hướng cách mạng vô sản. Nhưng lại có phát biểu cho rằng: Nguyễn Ái Quốc là người đã tìm ra con đường cách mạng vô sản.
Phát biểu như thế không đúng vì, con đường cách mạng vô sản đã được hình thành trong thực tế khi Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi vào năm 1917. Đến 3 năm sau, năm 1920, Nguyễn Ái Quốc mới đọc “Sơ thảo Luận cương các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn.
Cụ thể, nhận định chính xác phải là: Nguyễn Ái Quốc là người tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, đó là cứu nước giải phóng dân tộc theo khuynh hướng (con đường) cách mạng vô sản.
Cho nên, cần nhận định chính xác rằng, con đường cách mạng vô sản đã có từ trước, Nguyễn Ái Quốc là người tiếp nhận.