Phần IINhững hoạt động của Nguyễn Ái Quốc
Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi. Đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu.
(Nguyễn Ái Quốc)
Trình bày và nhận xét những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn 1919 – 1925.
Trong hành trình tìm kiếm con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân đến rất nhiều quốc gia, châu lục. Trong đó, những năm 1919 – 1925 là khoảng thời gian mà Người đã có rất nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, có ý nghĩa to lớn đối với bản thân Người và với cách mạng Việt Nam.
– Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn 1919 – 1925:
+ Năm 1917, Nguyễn Ái Quốc lúc này với tên gọi Nguyễn Tất Thành rời nước Anh sang Pháp, sau đó gia nhập Đảng Xã hội Pháp vì đây là tổ chức chính trị duy nhất ở Pháp đấu tranh bảo vệ quyền lợi của các thuộc địa, và là tổ chức theo đuổi lý tưởng của Cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái.
+ Ngày 18/6/1919, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Vécxai “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”, đòi chính phủ Pháp và các nước Đồng minh thừa nhận quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng và quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam.
“Nội dung bản yêu sách phản ánh rõ khát vọng đấu tranh tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam, có tác động mãnh mẽ đến người Việt Nam trong nước và nước ngoài. Lần đầu tiên một người Việt Nam với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã dũng cảm đưa vấn đề chính trị của Việt Nam ra quốc tế, đòi cho Việt Nam có những quyền cơ bản chính đáng, thiết thực. Đây là một dấu hiệu mới của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên đường đi tới độc lập dân tộc”.
Mặc dù không được chấp nhận nhưng hành động của Nguyễn Ái Quốc đã gây tiếng vang lớn trong các dân tộc thuộc địa, cho thấy những lời tuyên bố của các nhà chính trị đế quốc về quyền tự do, dân chủ và quyền tự quyết của các dân tộc chỉ là trò lừa bịp.
Từ đó, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy rõ: “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”.
+ Giữa tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V. I. Lênin đăng trên báo Nhân Đạo của Đảng Xã hội Pháp, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc – cứu nước giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.
+ Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội của Đảng Xã hội Pháp họp tại Tua. Người đã đứng về số đông các đại biểu bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế thứ Ba và thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Nguyễn Ái Quốc trở thành đảng viên cộng sản, đồng thời là một trong những người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp.
“Việc Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920 đánh dấu một bước chuyển biến quyết định, bước nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người: Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Lênin”.
+ Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng với một số nhà yêu nước ở một số nước châu Phi lập ra Hội liên hiệp thuộc địa ở Paris nhằm tập hợp những người dân thuộc địa trên đất Pháp, nghiên cứu tình hình chính trị, kinh tế của thuộc địa để soi sáng cho cuộc đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân các nước thuộc địa.
Sự kiện này có ý nghĩa to lớn, thể hiện ở chỗ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực thành lập những tổ chức mang tính liên minh, liên kết các dân tộc thuộc địa với nhau nhằm đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc, trở thành “một trong những người có công đầu tiên trong việc xây dựng các tổ chức liên minh của các dân tộc thuộc địa”.
(Sau này, tháng 7/1925 Nguyễn Ái Quốc cũng cùng với các nhà yêu nước của Triều Tiên, Inđônêxia… lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông).
+ Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Pháp sang Liên Xô dự hội nghị Quốc tế Nông dân và được bầu vào Ban Chấp hành Hội.
Nguyễn Ái Quốc ở lại Liên Xô, vừa nghiên cứu, học tập, vừa viết bài cho báo Sự Thật của Đảng Cộng sản Liên Xô, Tạp chí Thư tín Quốc tế của Quốc tế cộng sản.
+ Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội, Nguyễn Ái Quốc trình bày lập trường, quan điểm của mình về vị trí chiến lược của cách mạng các nước thuộc địa, về mối quan hệ của phong trào công nhân ở các nước đế quốc với phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa, về vai trò và sức mạnh to lớn của giai cấp công nhân ở các nước thuộc địa.
+ Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) để trực tiếp đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức cách mạng. Trong hai năm 1925 – 1927, các lớp của Nguyễn Ái Quốc đã đào tạo được 75 học viên.
Sau đó, những học viên xuất sắc đã được cử sang học tại trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông (Liên Xô), một số khác được cử sang học tại Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc).
Việc làm này cho thấy tư duy, trí tuệ và tầm nhìn xa trông rộng của Nguyễn Ái Quốc. Trường Đại học Phương Đông là ngôi trường uy tín hàng đầu thế giới lúc bấy giờ, được thành lập để đào tạo các cán bộ cho phong trào cách mạng các nước, nhất là cán bộ lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Việc gửi những học viên của Việt Nam sang học tại trường Phương Đông, Nguyễn Ái Quốc muốn xây dựng cho cách mạng Việt Nam lớp cán bộ tiên phong để lãnh đạo phong trào cách mạng sau này khi Đảng được thành lập.
– Nhận xét:
Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trước năm 1920 mặc dù chỉ mới là bước đầu nhưng rất đúng hướng, là điều kiện quan trọng để ở giai đoạn sau đó Người đến với chủ Nghĩa Mác – Lênin và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc.
Từ sau năm 1920, trên cơ sở những nhận thức bước đầu đã chuẩn bị trước đó, Người tiếp tục có những hoạt động phong phú, sôi nổi, góp phần trực tiếp vào việc truyền bá lý luận cách mạng giải phong dân tộc và chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản. Để rồi, sự chuyển biến về kinh tế, xã hội và giai cấp ở Việt Nam, dưới ách thống trị của thực dân Pháp đã tạo điều kiện để “chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”.
Tóm lại, những bước tiến của cách mạng Việt Nam trong những năm 1919 – 1925 gắn liền với những hoạt động tích cực, sôi nổi và hiệu quả của Nguyễn Ái Quốc, tất cả cho thấy công lao to lớn của Người đối với Đảng và với dân tộc.
Có thể trình bày những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc bằng cách chia bảng:
Trình bày những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn 1925 – 1927.
Trình bày những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc nhằm chuẩn bị về mặt tư tưởng cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trình bày những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc nhằm chuẩn bị về mặt chính trị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Là những hoạt động tại Liên Xô |
Từ Pháp sang Liên Xô, tháng 6/1923 |
Tháng 10/1923, tham dự Hội nghị Quốc tế Nông dân |
Tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản (1924) |
Trình bày những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc nhằm chuẩn bị về mặt tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Là những hoạt động tại Trung Quốc (từ cuối tháng 11/1924) |
Gặp gỡ các nhà yêu nước và thanh niên Việt Nam đã sang Trung Quốc từ trước và đang có những hoạt động cách mạng tại đây |
Mở lớp học để đào tạo các học viên Việt Nam |
Trình bày những công lao của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam trong những năm 1920 – 1930.
Trong những năm 1920 – 1930, Nguyễn Ái Quốc đã có những công lao to lớn đối với cách mạng Việt Nam, cụ thể:
Tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
Truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và lý luận cách mạng giải phóng dân tộc vào Việt Nam, phổ biến đến giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng trong nước.
Có công lao to lớn trong việc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – tổ chức tiền thân của Đảng; sau đó, Nguyễn Ái Quốc chính là người đã dẫn dắt, rèn luyện cho Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên qua việc cho xuất bản Báo Thanh Niên; xuất bản tác phẩm Đường Kách mệnh làm tài liệu học tập cho cán bộ của Hội.
Sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Nguyễn Ái Quốc đã hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đầu năm 1930 và tuyên bố thành lập Đảng, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Soạn thảo Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ tóm tắt và được Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thông qua, có ý nghĩa như Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.
“Sự kiện tuy nhỏ nhưng như chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân” là nhận xét của ai nói về sự kiện nào? Giải thích tại sao tác giả lại nhận xét như vậy?
– “Sự kiện tuy nhỏ nhưng như chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân” là nhận xét của Nguyễn Ái Quốc về sự kiện Phạm Hồng Thái đánh bom mưu sát toàn quyền Đông Dương Méclanh ở Sa Diện (Quảng Châu, Trung Quốc) ngày 19/6/1924.
– Nguyễn Ái Quốc nhận xét như vậy là vì:
Sự kiện trên là sự báo trước về sự nở rộ của cách mạng ở những năm sau đó, dự báo những thuận lợi mới sẽ mở ra, và chính những thuận lợi đó sẽ thúc đẩy cách mạng vượt qua những khó khăn để không ngừng phát triển.
Sau sự kiện, thanh niên Việt Nam nhận thấy Trung Quốc là nơi lý tưởng để hoạt động cách mạng, đã lôi kéo họ sang Trung Quốc tìm con đường giải phóng dân tộc mình.
Những thanh niên này đã được Nguyễn Ái Quốc tập hợp lại qua các lớp học ở Quảng Châu do vào cuối năm 1924. Họ được “học làm cách mạng, học cách hoạt động bí mật”. Từ năm 1925 – 1927, đã có 75 học viên được đào tạo tại các lớp huấn luyện của Nguyễn Ái Quốc, phần lớn số học viên đó sau khi học xong “bí mật về nước truyền bá lý luận giải phóng dân tộc và tổ chức nhân dân”. Một số người được gửi sang học tại Đại học Phương Đông ở Mátxcơva (Liên Xô) hoặc Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc).
Những thanh niên này qua các lớp học của Nguyễn Ái Quốc và thực tiễn hoạt động cách mạng ngày càng trưởng thành, được Nguyễn Ái Quốc tập hợp lại thành nhóm Cộng sản đoàn (2/1925). Từ nhóm Cộng sản đoàn phát triển thành Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6/1925). Mà Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Chưa dừng lại ở đó, sự kiện Phạm Hồng Thái đã báo hiệu thời kỳ mà “Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống cho công cuộc giải phóng nữa thôi”.
Một số đánh giá về vụ mưu sát toàn quyền Đông Dương Méclanh (Merlin) của Phạm Hồng Thái
Theo mô tả của tác giả Ép-ghê-nhi Ca-bê-lép trong cuốn sách “Đồng chí Hồ Chí Minh”, thì phủ toàn quyền mà Méclanh ở nằm ở một khu vực có những tòa nhà nhiều tầng theo kiểu kiến trúc phương Tây với biển lớn viết bằng chữ Hán: “Công ty Xen”, “Hãng Xanh – xia”, vút lên nền trời và ở phía dưới là những túp liều xiêu vẹo, rách nát. Giữa sông, cách bờ không xa lắm là đảo Sa Điện kiêu kỳ, nơi đặt lãnh sự quán của các cường quốc.
Phạm Hồng Thái đóng vai một nhà báo, anh giấu bom trong một bao giấy ảnh rồi lọt được vào buổi tiếp tân do chính quyền Sa Điện (Sách giáo khoa môn Lịch sử 12 cả Cơ bản và Nâng cao đều ghi là Sa Diện. Nhưng trong tác phẩm Đồng chí Hồ Chí Minh thì được ghi là Sa Điện) tổ chức để chiêu đãi vị khách quý người Pháp (chỉ Méclanh). Quả bom do Phạm Hồng Thái ném nổ tung làm chết một vài sĩ quan tùy tùng, còn Méclanh thì chỉ bị thương nhẹ. Phạm Hồng Thái chạy trốn, anh nhảy từ trên cầu xuống sông định bơi sang bờ bên kia, nhưng anh kiệt sức và sóng nước của dòng sông Châu Giang đã cuốn đi người thanh niên anh hùng.
Sau sự kiện ấy, chính quyền Sa Điện buộc tội chính quyền Quảng Châu là “vô chính phủ kiểu bôn–sê–vích”, là dung túng cho bọn khủng bố. Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Châu đã phản đối một cách đích đáng chính quyền Sa Điện, đứng ra bảo vệ nhà yêu nước Việt Nam đã hy sinh và các đồng chí của anh. Ông cho phép bạn bè Phạm Hồng Thái mai táng anh tại nghĩa trang trung ương Quảng Châu gần hàng mộ các liệt sĩ cách mạng Trung Quốc.
Hành động hy sinh anh dũng của Phạm Hồng Thái là một tấm gương sáng về lòng yêu nước, là nguồn động viên, cổ vũ thanh niên và các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ XX đang trên con đường đấu tranh giải phóng, đã gây được tiếng vang và ảnh hưởng không nhỏ trong phong trào dân tộc dân chủ lúc bấy giờ. Nguyễn Ái Quốc đã đánh giá sự kiện trên tuy nhỏ nhưng “như chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân”. Sau này, các hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trước khi được kết nạp phải làm lễ tuyên thệ trung thành với cách mạng trước mộ Phạm Hồng Thái.
Tố Hữu đã ca ngợi Phạm Hồng Thái trong bài thơ mang tên anh:
“Sống, chết, được như anh
Thù giặc, thương nước mình
Sống, làm quả bom nổ
Chết, như dòng sóng xanh !”
Tác phẩm nào được đánh giá là “lần đầu tiên một tác giả Việt Nam đã trình bày một cách rõ ràng học thuyết Lênin, đã nói về ý nghĩa của chủ nghĩa quốc tế vô sản, về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam”? Trình bày những nét chính về sự ra đời, nội dung chính và ý nghĩa của tác phẩm đó?
– “Lần đầu tiên một tác giả Việt Nam đã trình bày một cách rõ ràng học thuyết Lênin, đã nói về ý nghĩa của chủ nghĩa quốc tế vô sản, về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam” là tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc.
– Sự ra đời, nội dung và ý nghĩa của tác phẩm Đường Kách mệnh:
+ Sự ra đời:
Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, Trung Quốc. Người đã gặp gỡ các nhà yêu nước Việt Nam đang hoạt động ở đây và tích cực vận động tổ chức, huấn luyện đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.
Từ năm 1925 đến 1927, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức các lớp giảng dạy cho các học viên Việt Nam đa phần là thanh niên, học sinh, trí thức yêu nước (từ Việt Nam sang). Về sau, những bài giảng trong các lớp học đó được Nguyễn Ái Quốc tập hợp lại và in thành cuốn Đường Kách mệnh (năm 1927).
+ Nội dung chính:
Mục đích của sách là nói cho đồng bào ta biết rõ: “Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh? Vì sao cách mệnh là việc chung chứ không phải việc của một hai người? Đem lịch sử các nước làm gương cho chúng ta soi. Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. Ai là bạn ta? Ai là thù ta? Cách mệnh thì phải làm như thế nào?”.
Như vậy, sách đã nêu lên và trả lời rất mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ những vấn đề cơ bản nhất của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Sách nêu rõ 3 loại hình cách mạng: Cách mạng tư sản, cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản. Cách mạng của nhân dân các nước thuộc địa chống lại các nước đế quốc là cách mạng giải phóng dân tộc.
Cách mạng là sự nghiệp của đông đảo quần chúng gồm sĩ, nông, công, thương trong đó công nông là gốc cách mạng, còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ là bầu bạn của công nông.
Cách mạng phải có Đảng theo chủ nghĩa Mác – Lênin lãnh đạo. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Như vậy, không phải đến Cương lĩnh chính trị tháng 2/1930 mà ngay trong tác phẩm Đường Kách mệnh năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản.
Cách mạng của mỗi nước là một bộ phận của cách mạng quốc tế. Cần đoàn kết và tranh thủ sự ủng hộ của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, song trước hết cần phải dựa vào sức mạnh của chính mình.
Cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận của cách mạng thời đại – cách mạng vô sản. Giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng nhân dân lao động, giải phóng giai cấp công nhân. Đó là sự nghiệp to lớn, lâu dài. Chỉ có giai cấp vô sản mới giải phóng được dân tộc. Cả hai cuộc giải phóng này là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và cách mạng thế giới.
Sách nêu rõ mọi người cần phải đồng tâm hiệp lực, phải có tổ chức và phương pháp đấu tranh đúng để đánh đổ giai cấp thống trị chứ không thể dựa vào ám sát cá nhân.
+ Ý nghĩa:
Cùng với Báo Thanh niên, tác phẩm Đường Kách mệnh đã trang bị lý luận giải phóng dân tộc cho các cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, để truyền bá vào giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân.
Là nền móng cho Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, nêu lên những vấn đề cốt lõi nhất của cách mạng, nêu lên những chân lý lớn của thời đại nhưng lại được diễn đạt bằng một ngôn ngữ giản dị, làm cho mọi người đọc đều có thể hiểu.
Vì sao nói tác phẩm Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc đã đặt nền móng cho Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng?
Tác phẩm đã nêu lên những vấn đề cốt tử của cách mệnh: các loại cách mệnh; nhiệm vụ cách mệnh; phương pháp cách mệnh; kẻ thù của cách mệnh; lực lượng lãnh đạo và tham gia cách mệnh. |
Những vấn đề đó sau này cũng đã được Cương lĩnh chính trị nêu lên một cách cụ thể. “Văn kiện Hội nghị thành lập Đảng đã phát triển thêm một số luận điểm quan trọng của tác phẩm Đường Kách mệnh”. |
Đánh giá sơ nét về ý nghĩa, tác dụng của Đường Cách mệnh |
Kể tên những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc ra đời trong những năm 20 của thế kỷ XX? Ý nghĩa của những tác phẩm đó đối với cách mạng Việt Nam?
– Những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc ra đời trong những năm 20 của thế kỷ XX: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường Kách mệnh (1927).
– Ý nghĩa của những tác phẩm đó đối với cách mạng Việt Nam:
Là những tác phẩm xuất sắc đã trang bị lý luận cách mạng giải phóng dân tộc cho những thanh niên yêu nước và các tầng lớp nhân dân Việt Nam, thúc đẩy phong trào yêu nước phát triển. Là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam, tố cáo tội ác của thực dân Pháp và tay sai, qua đó vạch ra con đường cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc giải phóng dân tộc.
Nếu như tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp ra đời năm 1925 là một bức tranh hiện thực nêu lên tình cảnh nhân dân Việt Nam đang rên xiết dưới ách áp bức của thực dân Pháp, qua đó vạch trần và tố cáo tội ác tày trời của chúng, thì như một sự tiếp nối hết sức lôgic và liền mạch, hai năm sau (1927), tác phẩm Đường Kách mệnh ra đời để nêu lên những công việc cần phải làm để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh thoát khỏi ách áp bức đó. Đúng với tên gọi của mình, tác phẩm Đường Kách mệnh đã chỉ ra con đường đấu tranh cách mạng cho nhân dân Việt Nam.
Qua các tác phẩm này, lý luận cách mạng giải phóng dân tộc được truyền bá ngày càng sâu rộng vào Việt Nam, góp phần giác ngộ quần chúng nhân dân đi theo con đường cách mạng vô sản. Từ đó, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, đưa đến sự ra đời của các tổ chức cộng sản và sau đó được Nguyễn Ái Quốc thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một số đánh giá về các tác phẩm Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc.
Tác giả Ép-ghê-nhi Ca-bê-lép (Nga) trong cuốn sách “Đồng chí Hồ Chí Minh” đã cho biết: Khi còn ở Paris, Nguyễn Ái Quốc đã có ý định viết một cuốn sách theo thể chính luận để lên án chủ nghĩa thực dân Pháp.
Ở Mátxcơva, các đồng chí trong Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản và Ban biên tập Tạp chí Thư tín Quốc tế đã tích cực giúp anh thực hiện ý định này. Cuốn sách được viết bằng tiếng Pháp với nhan đề là “Bản án chế độ thực dân Pháp” và được xuất bản ở Paris năm 1925. Nhiều bài viết của anh đã được in trên các báo cánh tả, báo Người cùng khổ, tạp chí Thư tín Quốc tế đã được anh sửa chữa và đưa vào tác phẩm này. Những người cách mạng Việt Nam đã tìm cách đưa được một số cuốn sách này về Việt Nam.
Cuốn sách nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong các giới thanh niên yêu nước. Sức hấp dẫn của cuốn sách là ở chỗ, lần đầu tiên một tác giả Việt Nam đã đánh giá chủ nghĩa thực dân trên lập trường chủ nghĩa Mác – Lênin, vạch rõ tính chất đối kháng của những mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp, sự bùng nổ quá trình phát triển tất yếu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa cũng như sự diệt vong của chủ nghĩa thực dân là không tránh khỏi.
Tất cả những người Việt Nam yêu nước nào đã đọc Bản án chế độ thực dân Pháp đều nhận thấy rằng, tác giả của cuốn sách này là một lãnh tụ kiểu mới, khác về nguyên tắc so với các lãnh tụ trước đây của phong trào yêu nước, một người trung thành với học thuyết cộng sản, một nhà quốc tế triệt để.
Khi nói đến ý nghĩa của cuốn sách đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam, các nhà sử học Việt Nam nhấn mạnh rằng cuốn sách ra đời như một cơn gió xua tan nhưng đám mây đem che phủ mặt trời. Tác phẩm là sản phẩm của sự kết hợp một cách biện chứng, sinh động và hữu cơ những luận điểm của Lênin về vấn đề dân tộc với kinh nghiệm thực tiễn của phong trào giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa thực dân, với việc nghiên cứu sâu sắc kinh nghiệm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại.
Đường Kách mệnh là cuốn sách lần đầu tiên một tác giả Việt Nam đã trình bày một cách rõ ràng học thuyết Lênin, đã nói về ý nghĩa của chủ nghĩa quốc tế vô sản, về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Đồng thời trong cuốn sách này, cũng như trong cuốn sách “Gửi dân cày nghèo” của Lênin những vấn đề lý luận phức tạp được trình bày bằng hình thức rất đại chúng, dễ hiểu cho nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ. Trong lịch sử cách mạng Việt Nam có thể nói rằng, cuốn “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc cũng đóng một vai trò như cuốn “Làm gì” của Lênin trong phong trào cách mạng Nga.
Theo đánh giá của các nhà sử học Việt Nam, cuốn “Đường Kách mệnh” đã đặt nền móng cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam sau này và là cơ sở đầu tiên cho Cương lĩnh chính trị của Đảng. Đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cùng các đồng chí khác của Đảng và Nhà nước Việt Nam kể lại rằng, các đồng chí ấy bắt đầu việc tìm hiểu sách báo mác – xít bằng cuốn “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc, và chính cuốn sách này đã vĩnh viễn gắn cuộc đời các đồng chí ấy với cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân lao động.
Vì sao năm 1911, Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước?
Năm 1911, Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước là bởi vì:
– Xuất phát từ truyền thống quê hương, gia đình:
Nguyễn Ái Quốc sinh ra và lớn lên tại một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, văn hóa, văn hiến và cách mạng. Đó là vùng đất Nghệ An “địa linh nhân kiệt”, nơi từng diễn ra những cuộc đấu tranh quật khởi trong lịch sử dân tộc, gắn với đó là những nhân vật lịch sử nổi tiếng.
Gia đình Nguyễn Ái Quốc có truyền thống yêu nước sâu sắc. Cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một nhà nho yêu nước, người ta biết đến Nguyễn Sinh Sắc qua câu nói bất hủ: Làm quan trong đám người nô lệ thì càng nô lệ hơn. Không chỉ vậy, ông từng khảng khái nói rằng: “Có nhà không về vì có nước – Chết mà vô ích sống còn hơn”. Ông đã truyền bá, giáo dục tư tưởng yêu nước, ý chí căm thù giặc trong nhân dân, được ca ngợi là người đã “gieo mầm cho chủ nghĩa yêu nước” ở Việt Nam.
“Bà Hoàng Thị Loan – thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh – sinh năm 1868. Bà là một phụ nữ thông minh, cần cù chịu khó, hết mực thương yêu chồng con và giàu lòng nhân ái. Bằng nghề làm ruộng và dệt vải, bà đã hết lòng chăm lo cho chồng và các con. Cuộc đời của bà tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại hình ảnh đẹp về một phụ nữ Việt Nam sống có tình nghĩa và có ảnh hưởng đến tư cách của các con mình”.
Những điều kiện cơ bản trên đây đã tác động đến việc hình thành và hun đúc tư tưởng yêu nước cũng như ý chí ra đi tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc.
– Xuất phát từ bối cảnh đất nước và thời đại:
Nguyễn Ái Quốc sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, nhân dân ta bị thực dân Pháp đô hộ và áp bức bóc lột nặng nề. Ngay tại làng Kim Liên quê hương mình, Nguyễn Ái Quốc đã tận mắt chứng kiến cảnh đồng bào rất khổ cực khổ dưới ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp.
Lúc bấy giờ, các cuộc đấu tranh của nhân dân ta dù diễn ra rất sôi nổi, mạnh mẽ nhưng đều thất bại. Tuy rất khâm phục các nhà yêu nước tiền bối như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh nhưng Nguyễn Ái Quốc không tán thành cách cứu nước của họ bởi Người đã nhận ra sự bế tắc trong những con đường cứu nước đó. Người đã đánh giá sâu sắc: việc Phan Bội Châu cầu viện Nhật Bản để đánh Pháp chẳng khác nào “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”, còn Phan Châu Trinh muốn dựa vào Pháp để chống phong kiến chẳng khác nào “cầu xin Pháp rủ lòng thương”.
Thời đại của Nguyễn Ái Quốc là thời đại chủ nghĩa đế quốc áp bức, nô dịch các dân tộc thuộc địa. Từ bối cảnh thời đại như thế đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến một hướng tiếp cận hoàn toàn mới: “Phải tìm hiểu cho rõ bản chất của những từ Tự do, Bình đẳng, Bác ái của nước Cộng hòa Pháp, phải đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, sẽ trở về giúp đồng bào mình”.
Hơn nữa, trong thời đại của chủ nghĩa đế quốc đã có những dân tộc vùng dậy đấu tranh và giành thắng lợi, đã để lại cho các dân tộc thuộc địa khác con đường đấu tranh giải phóng như Cách mạng tháng Mười Nga (11/1917) vĩ đại đã hình thành trong thực tế con đường đấu tranh mới là con đường cách mạng vô sản.
– Xuất phát từ bản thân Nguyễn Ái Quốc
Nguyễn Ái Quốc dù lúc ấy còn rất trẻ nhưng đã có những phẩm chất và lý tưởng cao cả. Là người giàu lòng yêu nước, có tư chất trí tuệ, giàu lòng yêu thương con người cũng như yêu thương đồng bào mình. Chính vì vậy nên Nguyễn Ái Quốc mới thấy đau đớn trước cảnh đồng bào bị áp bức, từ đó hình thành ở Người ý chí ra đì tìm đường cứu nước và một lý tưởng giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.
Về những nguyên nhân thôi thúc Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, có một vấn đề được quan tâm đặc biệt là, khi thấy đồng bào mình bị áp bức bóc lột, bị đọa đày cực khổ, Nguyễn Ái Quốc cũng như bao người luôn thấy đau xót, muốn chia sẻ nỗi đau ấy. Nhưng vượt lên trên tất cả, Nguyễn Ái Quốc không chỉ đau xót mà còn muốn tìm cách làm sao để giải thoát cho đồng bào thoát khỏi cảnh áp bức, bóc lột.
Như vậy, những nhân tố chủ quan và khách quan trên đây đã tác động đến việc Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm kiếm con đường cứu nước giải phóng dân tộc vào năm 1911.
Nêu và phân tích những điểm chính trong con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc lựa chọn cho nhân dân Việt Nam.
Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Đó là cứu nước giải phóng dân tộc theo khuynh hướng cách mạng vô sản. Trong đó, gắn đấu tranh dân tộc với đấu tranh giai cấp, chủ nghĩa yêu nước gắn với quốc tế vô sản, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.
Đầu năm 1930, tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc nêu lên “Chính cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt”, “Điều lệ tóm tắt” và được Hội nghị thông qua. Những văn kiện này có ý nghĩa như Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Theo đó, tư tưởng cứu nước của Nguyễn Ái Quốc được thể hiện qua những điểm chính sau:
Cách mạng Việt Nam là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, Đảng lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.
Cách mạng tư sản dân quyền Việt Nam có nhiệm vụ là đánh đổ đế quốc Pháp, bọn phong kiến và phản cách mạng để làm cho nước Việt Nam độc lập tự do. Bên cạnh đó, cách mạng còn có nhiệm vụ tịch thu ruộng đất của đế quốc và bọn phản cách mạng chia cho dân cày nghèo, tiến hành cách mạng ruộng đất.
Để làm cách mạng thắng lợi, phải xác định được động lực của cách mạng là công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức. Trong đó, lãnh đạo cách mạng là giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản.
Đối với các lực lượng khác trong xã hội (phú nông, trung tiểu địa chủ, tư sản dân tộc…) phải lôi kéo họ về phía cách mạng. Nếu không lôi kéo được phải tìm cách trung lập họ; bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ.
Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản thông qua Cương lĩnh tháng 2/1930.
Cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới. Phải liên lạc mật thiết với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”.
Vì sao năm 1920 Nguyễn Ái Quốc lựa chọn con đường cứu nước theo khuynh hướng cách mạng vô sản? Sự lựa chọn đó có ý nghĩa như thế nào đối với bản thân Nguyễn Ái Quốc và đối với cách mạng Việt Nam?
– Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc lựa chọn con đường cách mạng vô sản là bởi vì:
Do trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu cách mạng nhiều nước tư bản đi trước, nhất là các nước Mỹ, Anh, Pháp để tìm con đường phù hợp với Việt Nam. Nhưng Người nhận thấy cách mạng tư sản là cách mạng không đến nơi, thực chất chỉ là thay thế sự áp bức bóc lột này bằng sự áp bức bóc lột khác.
Đến năm 1917, Cách mạng tháng Mười Nga thành công đã chỉ ra con đường đấu tranh thoát khỏi ách áp bức cho các dân tộc. Tính đúng đắn và triệt để của con đường cách mạng vô sản đã được kiểm chứng trong thực tế qua sự thành công của Cách mạng tháng Mười Nga, đã “thức tỉnh các dân tộc châu Á”, mở ra “thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc”.
Những năm bôn ba tìm đường cứu nước trước năm 1920 đã chuẩn bị cho Nguyễn Ái Quốc những điều kiện quan trọng để sau đó Người bắt gặp con đường cách mạng vô sản và tiếp thu tinh hoa từ nó.
Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Đó là con đường cứu nước theo khuynh hướng cách mạng vô sản mà Cách mạng tháng Mười Nga đã để lại.
– Ý nghĩa của sự lựa chọn đó:
+ Đối với bản thân Nguyễn Ái Quốc:
Đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình tìm đường cứu nước nói riêng và trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc nói chung. Là thành quả của bao nhiêu năm xa quê hương bôn ba tìm con đường cứu nước giải phóng dân tộc. Quãng thời gian 9 năm đó là một hành trình đầy gian truân, thử thách.
Nguyễn Ái Quốc bôn ba tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, và sau khi tìm ra được con đường cứu nước đúng đắn, chính Nguyễn Ái Quốc cũng là người đã dẫn dắt cả dân tộc đi theo con đường mà Người đã chọn và từ con đường ấy làm nên thắng lợi của cách mạng, hoàn thành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Từ đây, những hoạt động cách mạng tiếp theo sau đó của Người sẽ hướng vào việc truyền bá lý luận cách mạng vô sản vào Việt Nam, ra sức chuẩn bị cho việc thành lập chính đảng vô sản để lãnh đạo công cuộc đấu tranh của nhân dân ta theo con đường cách mạng vô sản.
+ Đối với cách mạng Việt Nam:
Mở ra con đường giải phóng dân tộc theo một khuynh hướng mới, khoa học, cách mạng, có thể đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là một cột mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Việc Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước mới theo khuynh hướng cách mạng vô sản là một bước chuẩn bị quan trọng cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và cho cả cuộc Cách mạng tháng Tám sau này.
Bởi sau khi tìm ra con đường cứu nước theo khuynh hướng cách mạng vô sản, Nguyễn Ái Quốc thực hiện việc tuyên truyền vào Việt Nam thúc đẩy phong trào yêu nước và phong trào công nhân phát triển dẫn đến sự ra đời của các tổ chức cộng sản trong năm 1929, sau này đã hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng với đường lối cách mạng khoa học, đúng đắn, nhân dân ta đã làm nên hết thắng lợi vĩ đại này đến thắng lợi vĩ đại khác, trong đó có Cách mạng tháng Tám 1945.
Sau khi chọn con đường cách mạng vô sản, năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã làm gì để có thể cụ thể hóa con đường ấy vào thực tiễn phong trào yêu nước Việt Nam?
Sau khi tìm ra con đường cứu nước thì Nguyễn Ái Quốc tiếp tục làm gì? Đó là những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1920 đến 1930. |
Đối với các hoạt động này cần nhấn mạnh nó đã chuẩn bị cho việc truyền bá lý luận cách mạng theo con đường Cách mạng vô sản. |
Cuối năm 1929, trước sự phát triển của phong trào cách mạng, 3 tổ chức cộng lần lượt ra đời. |
Nêu ý nghĩa và tác động của việc thành lập Đảng. Cần nhấn mạnh cách mạng nước ta đã đi theo con đường của cách mạng vô sản, cách mạng vô sản thắng thế, đánh dấu bằng sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ra đời phải trãi qua một quá trình chuẩn bị lâu dài về chính trị, tư tưởng và tổ chức thông qua những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc. |
Phân tích mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội?
Không phải quốc gia nào trên thế giới khi đấu tranh giành được độc lập dân tộc đều đi theo con đường chủ nghĩa xã hội. Do vậy, xét riêng trong hoàn cảnh, điều kiện cũng như những đặc điểm của Việt Nam thì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội có mối quan hệ biện chứng với nhau.
Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản. Mà xu hướng phát triển tất yếu của cách mạng vô sản là tiến lên chủ nghĩa xã hội. Do vậy, chính chủ nghĩa xã hội đã mang lại độc lập cho dân tộc Việt Nam. Xét trong điều kiện, hoàn cành của Việt Nam thì con đường chủ nghĩa là tất yếu, duy nhất đúng. Như vậy, con đường chủ nghĩa xã hội là con đường phù hợp với thực tế lịch sử dân tộc, phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử Việt Nam.
Tiếp đó, khi đã giành độc lập, tất yếu Việt Nam sẽ xây dựng và phát triển đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội – độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.
Đất nước độc lập, hòa bình, nhân dân đã giành và làm chủ được chính quyền thì đó chính là điều kiện để xây dựng, củng cố và bảo vệ chế độ chủ nghĩa xã hội.
Đồng thời, chủ nghĩa xã hội là một trong những điều kiện quan trọng để độc lập dân tộc được bảo vệ một cách vững chắc.
Tại sao nói: Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập tháng 2/1930 là “sự chuẩn bị có tính tất yếu đầu tiên có tính quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt tiếp theo trong lịch sử dân tộc Việt Nam”?
Trước khi Đảng ra đời năm 1930, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ và quyết liệt với những khuynh hướng khác nhau nhưng đều thất bại do sự khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo, đất nước tăm tối tưởng chừng không có đường ra.
Năm 1930, Đảng ra đời cùng với việc thông qua Cương lĩnh chính trị xác định những vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng: đường lối chiến lược cách mạng của Đảng là “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”; nhiệm vụ của cách mạng là chống đế quốc, chống phong kiến và phản cách mạng làm cho nước Việt Nam độc lập tự do; lực lượng cách mạng là công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức; lãnh đạo cách mạng là giai cấp công nhân thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản. Như vậy, việc Đảng ra đời đã đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng, đưa phong trào cách mạng nước ta đi theo con đường cách mạng vô sản.
Vừa ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân trong phong trào cách mạng 1930 – 1931, giành nhiều thắng lợi to lớn, được đánh giá cao trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, trở thành cuộc tổng diễn tập đầu tiên cho Cách mạng tháng Tám.
Dưới ngọn cờ của Đảng, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà đỉnh cao là Cách mạng tháng Tám với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ; thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; khởi xướng, lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước và giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Cho nên, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập tháng 2/1930 là sự chuẩn bị có tính tất yếu đầu tiên có tính quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt tiếp theo trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Nêu nhận xét, đánh giá của anh (chị) về con đường cứu nước mà Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn cho nhân dân Việt Nam?
Con đường cứu nước của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ chính thực tại quê hương, đất nước đang chịu ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, nhân dân Việt Nam phải sống trong cảnh lầm than dưới ách áp bức, bóc lột, chịu nhiều đọa đày, đau khổ. Chính bối cảnh ấy, cùng với tác động từ truyền thống yêu nước, cách mạng từ chính quê hương, gia đình, từ những phẩm chất hiếm có ở chính bản thân đã thúc giục Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước.
Con đường cứu nước của Hồ Chí Minh đã trải qua biết bao khó khăn, gian khổ để tìm tòi, để không ngừng vun đắp, học hỏi; đồng thời, cũng trải qua một giai đoạn đầy thử thách khắc nghiệt để đấu tranh bảo vệ, kiên trì, kiên định thực hiện con đường đã chọn; và cũng chính Hồ Chí Minh sau này đã dẫn dắt cả dân tộc đi theo con đường mà chính Người đã trực tiếp trải qua.
Con đường cứu nước Hồ Chí Minh là một con đường độc đáo ở cách tiếp cận, tiếp thu một cách có chọn lọc; là con đường đã kế thừa và phát huy một cách mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc.
Con đường cứu nước của Hồ Chí Minh lựa chọn cho nhân dân Việt Nam là một con đường độc đáo, sáng tạo, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử dân tộc – các nhà yêu nước khác của Việt Nam gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa phong kiến hoặc chủ nghĩa tư bản, còn Hồ Chí Minh gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.
Đó là con đường cứu nước đúng đắn, đã đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu của lịch sử dân tộc Việt Nam là đánh đổ đế quốc, phong kiến giành lại độc lập cho dân tộc.
Dựa vào nội dung sách giáo khoa, hãy kể tên những tờ báo, tạp chí mà Nguyễn Ái Quốc đã làm việc trong giai đoạn 1920 – 1930?
CÂU HỎI KHÁC
• Anh (chị) có đồng ý với quan điểm cho rằng, trong khoảng thời gian từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc là khoảng thời gian “nếm mật nằm gai” của Nguyễn Ái Quốc hay không? Vì sao?
Tại sao Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp? Nguyễn Ái Quốc đã có những hoạt động gì nổi bật trong tổ chức này và nêu ý nghĩa của những hoạt động đó?
– Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp là vì:
Đây là tổ chức chính trị duy nhất ở Pháp đấu tranh cho quyền lợi của các dân tộc thuộc địa và theo đuổi lý tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái của Cách mạng Pháp.
– Những hoạt động nổi bật của Nguyễn Ái Quốc tại Đảng Xã hội Pháp:
+ Tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua tháng 12/1920.
+ Tham gia biểu bỏ phiếu và tán thành việc Đảng Xã hội Pháp gia nhập Quốc tế Cộng sản.
+ Tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
– Ý nghĩa của những hoạt động đó:
Với việc tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Như vậy, không chỉ là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam mà Nguyễn Ái Quốc còn có đóng góp trong việc sáng lập nên một trong những tổ chức có ảnh hưởng lớn trong phong trào cách mạng vô sản thế giới là Đảng Cộng sản Pháp.
Đánh dấu sự trưởng thành của Nguyễn Ái Quốc trong quá trình hoạt động cách mạng. Những hoạt động này đã góp phần quan trọng để Người chuẩn bị cho việc thành lập và dẫn dắt Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.
Vì sao Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”? Nhận định trên phản ánh như thế nào tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và nó được thể hiện như thế nào trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Người sau này?
– Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào lực lượng của bản thân mình” là bởi vì:
Quyền độc lập, chủ quyền của một dân tộc do chính dân tộc đó quyết định, không thể trông cậy vào sự giúp đỡ của lực lượng bên ngoài. Nếu một dân tộc không biết dựa vào sức mình để đấu tranh chống đế quốc thì chỉ có thể chịu mãi kiếp nô lệ.
Thực tế lịch sử dân tộc Việt Nam đã từng có tư tưởng muốn dựa vào lực lượng bên ngoài để giành độc lập nên đều thất bại.
Bản chất của chủ nghĩa đế quốc không thay đổi khi chúng luôn tìm cách, mọi thủ đoạn để thống trị các dân tộc thuộc địa. Một minh chứng tiêu biểu là việc Nguyễn Ái Quốc bị khước từ dâng Bản yêu sách 8 điểm tại Hội nghị Vecxay.
– Tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc qua nhận định trên:
Sự nhận thức sâu sắc về nguồn sức mạnh tự giải phóng của các dân tộc thuộc địa.
Đây là một phát hiện của Nguyễn Ái Quốc đồng thời cũng chính là đóng góp to lớn của Người khi nhận thấy một dân tộc muốn được giải phóng thì không có lực lượng nào khác mà chính lực lượng của dân tộc đó, chính những con người bị chủ nghĩa đế quốc áp bức nô dịch sẽ tự lực đứng lên đấu tranh giải phóng họ. Vấn đề là phải làm sao khơi dậy ý thức đấu tranh, làm cho dân tộc thấy được khả năng tự giải phóng của mình.
– Tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc thể hiện qua các thời kì cách mạng:
Trong thời kỳ giải phóng dân tộc 1930 – 1945, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục thể hiện tinh thần tự lực đấu tranh giải phóng qua lời kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Chính tinh thần ấy đã giúp phát huy cao độ sức mạnh của quần chúng, làm nên thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám sau 15 ngày.
Trong kháng chiến chống Pháp, Người cùng với Trung ương Đảng xây dựng và hoàn thiện đường lối kháng chiến, trong đó nổi bật lên một nội dung: trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh. Chính tinh thần tự lực cánh sinh đã phát huy mạnh mẽ sức mạnh của dân tộc, nó được thể hiện qua hình ảnh đội tự vệ thủ đô chiến đấu với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, rồi nhân dân ta không tiếc đóng góp tài sản, công sức của mình cuộc chiến bảo vệ nền độc lập.
Chính nhờ tinh thần ấy mà trong suốt 5 năm chiến đấu trong vòng vây quân thù, ta vẫn giành được những thắng lợi to lớn, từ thắng lợi Việt Bắc cho đến chiến thắng Biên giới…
Để nhờ đó, khi quốc tế công nhận và ủng hộ cuộc kháng chiến của ta, ta có điều kiện phát huy những yếu tố nội lực để kết hợp với nguồn ngoại lực to lớn là sự ủng hộ về vật chất của thế giới để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.
Vì sao tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên? Vai trò của Hội đối với cách mạng Việt Nam?
– Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là vì:
Nguyễn Ái Quốc nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc thành lập một chính đảng vô sản để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, bởi giai cấp vô sản Việt Nam cần có chính đảng để làm đội tiên phong chính trị của mình.
Đồng thời Nguyễn Ái Quốc cũng nhận thức rõ không thể vội vàng, nôn nóng đẩy nhanh quá trình thành lập Đảng Cộng sản, bởi những điều kiện cho sự ra đời của Đảng vô sản ở Việt Nam chưa chín muồi, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là một nước thuộc địa lạc hậu.
Như vậy, nhu cầu khách quan phải có một đảng của giai cấp công nhân ở nước ta đã xuất hiện, nhưng điều kiện chủ quan để Đảng đó ra đời lại chưa đầy đủ. Vì vậy, lúc bấy giờ cần có một tổ chức đóng vai trò trung gian, chuyển tiếp để tiến tới thành lập một Đảng Cộng sản trong tương lai.
Tổ chức trung gian nói trên đã được Nguyễn Ái Quốc thành lập tháng 6/1925 là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
– Vai trò của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đối với cách mạng Việt Nam:
Trong thời gian tồn tại của mình, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là tổ chức có ảnh hưởng to lớn trong phong trào cách mạng Việt Nam, thu hút sự tham gia của những phần tử tiên tiến nhất.
Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không chỉ thu hút nhiều thanh niên tiên tiến tham gia, mà còn đào tạo họ trở thành đội ngũ cán bộ nòng cốt cho phong trào cách mạng. Không chỉ đào tạo về lý luận, giúp cho thanh niên được tiếp cận với những kiến thức mới mẻ của thời đại (lý luận cách mạng giải phóng dân tộc, chủ nghĩa Mác – Lênin, Quốc tế Cộng sản và các tổ chức thuộc Quốc tế Cộng sản, phong trào cách mạng thế giới…) mà còn đưa các hội viên vào hoạt động trong thực tiễn (như trong phong trào Vô sản hóa, rất nhiều hội viên được đưa vào các nhà máy, đồn điền, hầm mỏ cùng sống, làm việc và hoạt động trong giai cấp công nhân, nhiều người trong số đó sau này đã trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng).
Là tổ chức đóng vai trò trung gian, chuyển tiếp để xúc tiến việc thành lập Đảng trong bối cảnh mà điều kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam chưa chín muồi.
Thông qua báo Thanh niên, tác phẩm Đường Kách mệnh, Hội đã tham gia tích cực vào việc truyền bá lý luận cách mạng giải phóng dân tộc, chủ nghĩa Mác – Lênin vào giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân Việt Nam, góp phần thúc đẩy phong trào yêu nước, phong trào công nhân phát triển. Thông qua những hoạt động phong phú, sôi nổi của mình, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã tích cực tuyên truyền, vận động cách mạng trong công nhân (tiêu biểu như phong trào “Vô sản hóa”), thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của phong trào quần chúng.
Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là tổ chức tiền thân của Đảng.
Trong năm 1929, trước sự phát triển của phong trào cách mạng, Hội đã phân hóa thành các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng. Các tổ chức này sau đó đã hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tóm lại:
Vai trò của Nguyễn Ái Quốc được thể hiện:
+ Trong giai đoạn 1919 – 1925; hoặc 1919 – 1930
+ Trong Hội nghị tháng 5/1941
+ Trong giai đoạn 1941 – 1945
+ Trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám
+ Trong năm đầu sau Cách mạng tháng Tám
+ Trong cuộc kháng chiến chống Pháp
+ Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
Người đi tìm hình của nước
(Chế Lan Viên)
Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác!
Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất,
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre.
Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?
Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!
Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở,
Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương!
Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con!
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp!
Một mái nhà yêu rủ bóng xuống tâm hồn.
Trăm cơn mơ không chống nổi một đêm dày
Ta lại mặc cho mưa tuôn và gió thổi
Lòng ta thành con rối
Cho cuộc đời giật dây!
Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ
Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ
Tìm đường đi cho dân tộc theo đi.
Hiểu sao hết Người đi tìm hình của Nước
Không phải hình một bài thơ đã tạc nên người
Một góc quê hương, nửa đời quen thuộc,
Hay một đấng vô hình sương khói xa xôi...
Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất
Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai
Thế đi đứng của toàn dân tộc
Một cách vinh hoa cho hai mươi lăm triệu con người.
Có nhớ chăng, hỡi gió rét thành Ba Lê?
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá
Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?
Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi,
Những đất tự do, những trời nô lệ,
Những con đường cách mạng đang tìm đi.
Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa.
Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?
Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?
Bao giờ dải Trường Sơn bừng tỉnh giấc ngủ
Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?
Nụ cười sẽ ra sao?...
Ơi, độc lập!
Xanh biếc mấy là trời xanh Tổ quốc
Khi tự do về chói ở trên đầu.
Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông
Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt
Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc
Sao vàng bay theo liềm búa công nông.
Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin.
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin.
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc:
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước.
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười,
Bác thấy:
Dân ta bưng bát cơm mồ hôi nước mắt
Ruộng theo trâu về lại với người cày
Mỏ thiếc, hầm than, rừng vàng, biển bạc...
Không còn người bỏ xác bên đường ray.
Giặc đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát
Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân
Những kẻ quê mùa đã thành trí thức
Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng.
Nước Việt Nam nghìn năm Đinh, Lý, Trần, Lê
Thành nước Việt nhân dân trong mát suối
Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói
Những đời thường cũng có bóng hoa che.
Ôi! Đường đến với Lênin là đường về Tổ quốc
Tuyết Mátxcơva sáng ấy lạnh trăm lần
Trong tuyết trắng như đọng nhiều nước mắt
Lênin mất rồi! Nhưng Bác chẳng dừng chân.
Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt
Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi
Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai.
Một số câu nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh
“Hãy cảm ơn Đảng Cộng sản, lòng ta ơi!
Hãy cảm ơn Hồ Chí Minh đồng chí
Đã rèn luyện một nửa già thế kỷ,
Xây dựng từng chi bộ, giành từng tấc non sông!”
(Xuân Diệu)
“Một trái tim ngừng đập
Cả thế giới bỗng lạnh ngắt tái tê”
Blaga Đimitrôva (nữ thi sĩ Bungagi)
Trên thế giới hiện nay không có lãnh tụ nào đối với nhân dân mình vừa là người phát sinh vừa là người bảo vệ; vừa là nguồn gốc vừa là phương hướng, vừa là tư tưởng vừa là thực hành, vừa là dân tộc vừa là cách mạng, vừa là người Bác nhân hậu, vừa là vị tướng cầm quân (như Hồ Chí Minh)… Qua những lời dạy của Người, các chân lý lớn của thời đại được diễn đạt trong những lời giản dị và hàm súc”.
(Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
Hồ Chí Minh thuộc về tương lai, vì Hồ Chí Minh đã tạo ra tương lai vĩ đại ấy… Người là một người làm nên lịch sử hiện đại. Người đã trở thành một nhà kiến trúc và tạo hình của quá trình cách mạng thế giới trong thời kỳ nó có tính chất bùng nổ nhất… Người đã trở thành ngọn đèn biển soi sáng đường đi cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới… Có lẽ hơn bất kỳ người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc mình và đối với cả thế giới, Hồ Chí Minh là hiện thân của thời đại chúng ta”.
(Thủ tướng Phạm Văn Đồng)
Hồ Chí Minh là người năng động và linh hoạt trong ứng biến, minh triết và thanh thản trong tâm hồn và phong độ. Hoàn cảnh càng khó khăn, nguy hiểm, Hồ Chí Minh càng bình tĩnh, sáng suốt. Giải pháp đúng đắn đến thần tình thường bật ra trong một phản ứng tự nhiên, như từ trực giác cách mạng. Bản lĩnh ứng biến năng động và linh hoạt đi đôi với sự minh triết và thanh thản trong tâm hồn, sự ung dung, thoải mái trong phong độ. Hồ Chí Minh hoàn toàn không theo kiểu hiền triết như thời xưa, coi mọi thứ trên đời đều là phù du, không đáng kể. Hồ Chí Minh luôn luôn sống giữa cuộc đời, đúng như câu phương ngôn mà Mác ưa thích: Không có cái gì thuộc về con người đối với Hồ Chí Minh lại là xa lạ.
(Thủ tướng Phạm Văn Đồng)
Mỗi bước đi của nhân dân và Đảng ta trong bốn mươi năm qua đều gắn liền với cuộc đời cách mạng vô cùng sôi nổi và đẹp đẽ của Người cùng với sự nghiệp của nhân dân và của Đảng ta là một thiên anh hùng ca bất diệt của cách mạng Đảng ta.
(Tổng Bí thư Lê Duẩn)
Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non song đất nước ta.
(Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, ngày 9/9/1969)
Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam ta. Người luôn luôn kết hợp chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam hoặc nói một cách khác, Người vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta để định ra đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng ta. Đường lối cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng tỏ, Người là một bậc đại trí. Thế giới quan của chủ nghĩa Mác – Lênin và những kinh nghiệm đấu tranh lâu năm đã làm cho Người có khả năng đoán trước thời cuộc, mau lẹ nhận ra những bước ngoặt của lịch sử và đề ra những khẩu hiệu thích hợp nhằm xoay chuyển tình hình. Thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin, điều tra nghiên cứu tình hình cụ thể, tổng kết và học tập kinh nghiệm đấu tranh giai cấp và kinh nghiệm sản xuất của quần chúng, cần cù, giản dị, tận tụy và khiêm tốn, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp giải phóng của dân tộc và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đó là những đức tính làm cho Hồ Chủ tịch trở thành một lãnh tụ sáng suốt được nhân dân yêu mến.
(Tổng Bí thư Trường Chinh)
“Con đường cứu nước Hồ Chí Minh là một sự tìm lại cho Việt Nam một “quốc thể”, “một là độc lập dân tộc và hai là công bằng xã hội và kinh tế”. Con đường cứu nước của Hồ Chí Minh thiên tài “ở chỗ đã kết hợp được những giá trị của phương Tây với những giá trị của chủ nghĩa xã hội vào Việt Nam”.
(William J. Duiker, Giáo sư Sử học Mỹ)
Hồ Chí Minh! Tên mỗi người Việt Nam hoài bão trong lòng!
Hồ Chí Minh! Tên làm xúc động mỗi người Việt Nam!
Hồ Chí Minh! Một ánh sáng! Một tấm lòng! Một biểu hiện!
Hồ Chí Minh! Một ý chí! Một hy sinh! Một tin tưởng!
(William J. Duiker, Giáo sư Sử học Mỹ)
Hồ Chí Minh tượng trưng cho trí anh minh cộng sản ở châu Á.
(R. A-Rít-Xmen-đi)
Có hai đặc điểm làm tôi đặc biệt chú ý. Trong đề cương của Người, đồng chí Hồ Chí Minh đã gạch tất cả những công thức tiêu cực để thay bằng những công thức tích cực cùng nghĩa: Người không viết “không có chủ nghĩa xã hội thì các dân tộc không thể đi đến giải phóng hoàn toàn” mà viết “chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể đảm bảo cho các dân tộc được giải phóng hoàn toàn…”. Đây không phải là một cái tật trong cách sử dụng ngôn ngữ mà đây chính là một nếp nghĩ của Người. Nếp suy nghĩ ấy thể hiện ra như vậy, làm cho người ta thấy rằng trong tất cả mọi tình huống dù đen tối nhất, Người đã phân biệt rõ cái gì là tích cực, cái gì hướng về cuộc sống và tương lai”.
(Sáclơ Phuốcniô)
Người với đôi mắt của người chiến sỹ, của người chiến thắng, của một nhà thơ, đôi mắt của một vị lãnh tụ, của một người cha thân yêu đang sống cùng chúng ta. Bằng con mắt ấy, suốt cả đời mình, Người đã nhìn trước những bước đường của nhân dân và đã chỉ cho nhân dân đi tới tương lai hạnh phúc, huy hoàng. Hơn thế, Người đã góp phần đấu tranh cho lẽ phải và hạnh phúc của cả loài người.
Ai hiến dâng mình cho nhân dân, cho loài người, người ấy trở thành bất tử.
(Otto Grotewhol)
“Cả đời đục cả, một mình ta trong; mọi người say cả, một mình ta tỉnh”. Nghiệm lại câu nói của Khuất Nguyên với trường hợp Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh lúc này thật ý vị: “Nguyễn Ái Quốc đúng trong khi mọi người sai. Nguyễn Ái Quốc thức trong khi mọi người đang ngủ”.
(Dẫn lại trong sách: TS. Phạm Ngọc Trâm, Con đường cứu nước Hồ Chí Minh, NXB Tổng hợp TP. HCM, 2011, tr. 157 – 158)
Chủ tịch Hồ Chí Minh “khi đến New York cũng đã chiêm ngưỡng tượng thần Tự do và duy chỉ có Hồ Chí Minh đến xem tượng thần Tự do nhưng nhìn xuống dưới chân tượng và ghi: “Ánh sáng trên đầu thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự do thì người da đen bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”.
Duy nhất chỉ có Hồ Chí Minh nhìn xuống chân tượng thần Tự do và ghi lại những ý kiến trên. Hồ Chí Minh nhìn số phận con người không chiêm ngưỡng hào quang tỏa sáng từ bức tượng thần Tự do”.
(TS. Phạm Ngọc Trâm, Con đường cứu nước Hồ Chí Minh, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2011, tr. 70)
… Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
… Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.
(Nghị quyết của Unesco về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dẫn lại trong: TS. Phạm Ngọc Trâm, Con đường cứu nước Hồ Chí Minh, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2011, tr. 181 – 182)
Nhân dân Việt Nam, nhân dân đã sinh ra người Mác-xít Lê-nin-nít khiêm tốn và triệt để nhất thời đại chúng ta là đồng chí Hồ Chí Minh thân yêu và không thể nào quên được; nhân dân anh hùng ấy đã hàng nghìn lần làm cho cả thế giới kinh ngạc vì những chiến công yêu nước và cách mạng của mình.
(Lãnh tụ CuBa Phi-đen Ca-xtrô)
“Cuộc tiếp kiến lần đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp tôi khẳng định dứt khoát phải theo đuổi sự nghiệp cách mạng, đến với Đảng Cộng sản và dấn thân vào công cuộc chiến đấu cứu dân, cứu nước Lào”.
(Hoàng thân Lào Xuphanuvong)