“Tôi học được rằng dũng cảm không phải là sự vắng bóng nỗi sợ hãi, mà là chiến thắng nỗi sợ hãi. Người can đảm không phải là người không cảm thấy sợ, mà là chinh phục được nỗi sợ trong bản thân anh ta.”
- Nelson Mandela
EXCEL
BE COURAGEOUS
CAN ĐẢM
Can đảm = Không bị ngăn trở bởi hiểm nguy hay đau đớn; dũng cảm.
Tin vào chính mình
Can đảm thể hiện ở nhiều tình huống khác nhau: người mẹ bảo vệ đứa con thơ khỏi hiểm nguy, hay anh lính cứu hỏa xông vào ngôi nhà đang rực cháy để cứu người còn mắc kẹt bên trong. Trong thế giới loài vật cũng vậy. Chúng ta đã nhiều lần chứng kiến cảnh đàn voi cùng xông lên chống trả bọn cá sấu. Những ví dụ trên cho thấy, sự thể hiện lòng can đảm có thể thuộc về tiềm thức con người, hay sự can đảm xuất phát từ bên trong.
Để có lòng can đảm, ta phải tin vào bản thân. Trong cuộc sống, sẽ luôn có những người không tin vào điều bạn tin. Để chống lại những nghi ngờ, điều cốt yếu là hãy đừng bao giờ nghi ngờ bản thân. Cả thế giới này có thể chống lại ta, nhưng ta phải có lòng can đảm tin vào chính mình, vào những việc mình làm. Đó là lý do vì sao những người thành công trong kinh doanh, trong chính trị, cũng như trong các lĩnh vực khác, đều có niềm tin mãnh liệt vào con đường mình chọn.
Alex Craig là một chàng trai trẻ tốt nghiệp trường Đại học Bắc Texas. Anh là nhà sáng lập Potato Parcel, một doanh nghiệp khởi nghiệp bán trực tuyến những củ khoai tây mang thông điệp. Craig nảy ra ý tưởng kinh doanh này trong khi đang ăn tối cùng bạn gái. Nghe qua ý tưởng của Craig, bạn gái anh tỏ ra hoài nghi và bảo rằng sẽ không thể thành công. Nhưng Craig tin vào bản thân mình hơn. Anh đã bắt đầu công việc kinh doanh, và chẳng mấy chốc, doanh số bán khoai tây của anh tăng một cách nhanh chóng. Hiện nay, Craig kiếm được khoảng 10 ngàn đô la Mỹ mỗi tháng nhờ vào viết những thông điệp trên củ khoai tây và gửi chúng đi khắp nước Mỹ.
Tin vào chính mình và làm những gì mình tin tưởng sẽ giúp mở khóa những tiềm năng ẩn giấu trong chúng ta, và mang ta đến tầm cao mới.
Tin vào người khác
Có niềm tin vào bản thân và vào những gì mình đang làm là điều rất quan trọng, nhưng tin vào người khác cũng là một việc quan trọng không kém. Chỉ dựa vào bản thân đôi khi sẽ hạn chế khả năng tiến xa của chúng ta. Với sự trợ giúp của người khác, ta sẽ có thể tiến xa hơn trên con đường đi đến thành công. Mặc dù việc đặt số phận ta vào đôi tay người khác thật không mấy dễ dàng, nhưng kết quả có thể sẽ tốt hơn nếu ta “chọn mặt gửi vàng”, nhất là gửi vào tay những người ta biết rõ và đã từng làm việc cùng. Càng có được người mà ta tin tưởng, thì việc hợp tác càng có khả năng mang lại thành công.
Đây là trường hợp của Michael Jordan, một trong những cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại. Nhiều năm thi đấu dưới màu áo Chicago Bulls, Jordan luôn là ngôi sao của cả đội, dẫn dắt đội tham gia giải nhà nghề NBA, cũng như trong những kỷ lục ghi điểm của mình. Trong nhiều trận đấu, Jordan là người ghi điểm chính. Rất nhiều lần, anh bị cho là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân khi luôn đòi hỏi phải có bóng. Nhưng dù là một cầu thủ tài năng, anh vẫn không đeo được nhẫn vô địch NBA. Chỉ khi dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên Phil Jackson, Jordan nhận ra tầm quan trọng của việc tin tưởng vào người khác và bắt đầu chia sẻ bóng cho đồng đội. Anh tin tưởng đồng đội của mình hơn, khiến trận đấu trở thành màn thi đấu đồng đội. Đó cũng là lúc anh đạt được 6 danh hiệu NBA với đội Chicago Bulls trong sự nghiệp bóng rổ của mình.
Câu chuyện về Jordan đã minh chứng cho giá trị của việc đặt niềm tin vào người khác. Khi có niềm tin, con đường dẫn đến thành công và vinh quang sẽ dễ hơn rất nhiều.
Đối mặt với nỗi sợ hãi
Sợ, đó là một trong những trở ngại lớn nhất. Sợ hãi làm tê liệt chúng ta. Nó giống như việc bị nhốt vào một góc nhà và đối mặt với con mãnh hổ đang đói. Con đường đi đến thành công sẽ không thể hoàn thành nếu ta bị hạ gục bởi nỗi sợ hãi.
Cách tốt nhất để đối mặt với nỗi sợ hãi đó là nhìn thẳng vào nó và xác định xem điều gì thực sự khiến ta sợ. Với các bạn sinh viên, đó có thể là nỗi sợ thi sau nhiều lần thi hỏng. Với người sợ sự thăng tiến, thì đó có thể là nỗi sợ phải tăng thêm trách nhiệm khi ở vào vị trí cao hơn. Nếu ta hiểu được căn nguyên của nỗi sợ hãi, ta sẽ có khả năng vượt qua chúng dễ dàng hơn.
Với những sinh viên sợ thi cử sau nhiều lần thất bại, đã đến lúc phải nhìn lại kỹ năng học và ôn bài để điều chỉnh sao cho có thể chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi. Với những người sợ thăng tiến, họ cần tìm hiểu những đòi hỏi của vị trí thăng tiến để chuẩn bị cả về thể chất lẫn tâm lý. Nếu không thể chấp nhận được, từ chối thăng tiến có thể là sự lựa chọn tối ưu.
Alain Robert, người chuyên chinh phục các tòa nhà cao tầng, rất nổi tiếng với những lần leo lên các tòa nhà chọc trời trên khắp thế giới chỉ bằng phấn thoa tay và giày leo. Khi còn nhỏ, anh bị chứng sợ độ cao. Đến năm 11 tuổi, anh vượt qua được nỗi sợ từ một lần bị nhốt bên ngoài căn hộ của gia đình ở tầng bảy. Anh phải leo vòng ra bên ngoài tòa nhà mới có thể vào nhà của mình được. Trong những chuyến chinh phục tòa nhà cao tầng ở khắp thế giới, Robert đã gặp nhiều tai nạn. Anh đã hai lần bị ngã nặng vào năm 1982, cú tai nạn khiến anh tàn tật đến 60% và thường xuyên bị chóng mặt. Nhưng dù vậy, anh vẫn sắp xếp để vượt qua trở ngại về thể chất và tiếp tục cuộc hành trình của mình.
Câu chuyện về Robert thật sự truyền cảm hứng cho ta trong việc đối mặt và vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, để trở thành người chiến thắng.
Ra khỏi vùng an toàn
Khi thực hiện một việc gì đó ngày qua ngày, ta sẽ trở nên quen thuộc với nó. Sự quen thuộc mang lại cảm giác dễ chịu, nhưng lại khiến ta ngại thay đổi. Ở trong sự quen thuộc, êm ái càng lâu, ta sẽ càng có nguy cơ bị “ù lì”, và điều này rất nguy hại đối với sự phát triển bản thân.
Tác giả Neale Donald Walsch từng nói: “Cuộc sống thật bắt đầu khi rời vùng yên ấm”. Thật vậy, khi ở mãi trong vùng ấm êm, mọi thứ sẽ trở nên quen đến mức ta không còn động lực để tiến về phía trước và thử những điều mới lạ. Hãy thử tưởng tượng cuộc sống của một nhân viên văn phòng với tám tiếng làm việc mỗi ngày. Ý nghĩa thật sự của họ sẽ chẳng còn nữa nếu họ không thay đổi thói quen thường nhật của mình.
Thế nên, thỉnh thoảng hãy thoát khỏi “vùng an toàn” của mình. Thay vì ăn những món quen thuộc, hãy thử món ăn mới. Thay vì thực hiện công việc lặp đi lặp lại theo thói quen, hãy tự tin nhận lãnh nhiệm vụ mới thách thức hơn, vượt qua giới hạn bản thân để trở nên hoàn thiện mỗi ngày.
Đứng lên vì niềm tin của mình
Ở yên một chỗ, tuân lệnh và để mặc dòng đời đẩy đưa, điều đó thật dễ dàng. Phần lớn mọi người thích như vậy, và thực tế thì đó đích xác là những gì họ làm với cuộc đời mình. Họ sợ con thuyền lắc lư, họ không muốn thay đổi. Xét cho cùng, thay đổi có chắc chắn dẫn đến điều tốt đẹp hơn không? Người khuấy động sự tĩnh lặng, yên bình thường chỉ mang lại rắc rối cho mình, và càng bị giao thêm nhiều nhiệm vụ.
Tuy nhiên, nếu ta có niềm tin mạnh mẽ về một điều gì đó, ta nên sẵn sàng đứng lên cho niềm tin ấy.
Vào ngày 1 tháng 12 năm 1955, sau giờ làm việc, Rosa Parks, người phụ nữ Mỹ gốc Phi, lên xe buýt trở về nhà. Cô ngồi ở khoảng giữa chiếc xe buýt, sau 10 ghế ưu tiên dành riêng cho người da trắng. Chẳng mấy chốc, ghế trên xe buýt được lấp đầy. Ở trạm tiếp theo, một người đàn ông da trắng bước lên xe. Tài xế xe, tuân thủ những quy định phân biệt đối xử thời đó, nhất quyết đòi Parks phải nhường ghế cho người đàn ông kia. Parks từ chối, và hậu quả của hành động này là cô bị bắt giữ và kết án vi phạm luật phân biệt đối xử. Hành động của Parks đã khởi đầu cho một thời kỳ mới đòi quyền tự do và công bằng ở Mỹ.
Việc dũng cảm đứng lên bảo vệ bản thân và bảo vệ niềm tin của Parks đã gây một ấn tượng sâu sắc. Chúng ta cũng cần có được dũng khí ấy, để không sợ hãi khi tiến bước vào thời điểm cần dấn thân.
Tê liệt phân tích
Đứng trước quá nhiều sự lựa chọn, đôi khi ta bị rơi vào trạng thái “tê liệt phân tích” – tình trạng xảy ra khi một người phải ra một quyết định quan trọng, nhưng lại không chắc liệu quyết định đó sẽ dẫn mình đến đâu. Thường thì anh ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn với những gì có thể dễ dàng đoán trước. Khi đứng trước một việc không chắc chắn 100%, sự lo lắng, căng thẳng sẽ xảy đến, và dẫn đến tình trạng “tê liệt phân tích”.
Với Internet, con người có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin trước khi ra quyết định. Nhưng khi đứng trước lượng thông tin quá lớn, một số người sẽ bị choáng ngợp. Các bạn sinh viên ngày nay cũng vậy. Khi thực hiện một dự án nào đó ở trường, họ tìm kiếm các tài liệu hữu ích trên mạng. Phân tích quá kỹ thông tin có thể khiến ta nghi ngờ chính bản thân, từ đó dẫn đến mất tự tin. Như vậy, chính nó lại trở thành một trở ngại, thay vì mang lại sự giúp đỡ cần thiết.
Để vượt qua hay ngăn chặn tình trạng này, một số chuyên gia khuyên rằng hãy lắng nghe bản năng của mình, trong khi số khác hướng dẫn lên danh sách những điểm được và mất trước khi ra quyết định. Nhưng điểm mấu chốt là dựa trên thông tin, hãy ra quyết định và ngừng lo lắng về kết quả.
Học cách thét!
Đúng vậy, mặc dù điều này nghe có vẻ hơi lạ lùng.
Gào, thét thì có liên quan gì đến lòng can đảm và việc hoàn thiện bản thân?
Trong võ thuật, một trong những điều đầu tiên mà võ sư dạy cho các môn đồ của mình đó là thét. Tiếng thét kiai trong võ thuật có thể dịch ra như sau:
ki – tinh thần
ai – tham gia
Kiai là sự kết hợp giữa sức mạnh thể chất và nội lực (adrenaline). Nó là tiếng thét ngắn, to, sắc của tinh thần. Tiếng thét này:
1. Giúp tạo thêm năng lượng cho cơ thể khi tung đòn trước đấu thủ
2. Giúp tập trung vào mục tiêu
3. Khiến đấu thủ e dè, mất tập trung
Khi mất tinh thần, khi không tự tin vào chính mình, tiếng thét giúp giải tỏa rất tốt. Bạn có thể thét trước biển, thét khi úp mặt vào gối, hoặc đơn giản là tham gia vào lớp võ thuật.
Tiếng thét tinh thần chính là điểm xuất phát cho sức mạnh và lòng can đảm.
Sống trong thực tại
Sợ hãi là cảm xúc mạnh mẽ có thể ngăn cản ta tiến về phía trước. Sợ hãi chỉ tồn tại trong tâm trí ta – điều này càng khiến nó trở nên mạnh mẽ hơn nữa. Trẻ con thường bị người lớn dọa rằng phải nằm yên trên giường, nếu không, con quái vật dưới gầm giường sẽ chui lên và ăn thịt chúng. Lời đe dọa này, cũng như một số câu chuyện kinh dị khác và những thất bại trong cuộc sống, khiến cho nỗi sợ ngày một lớn dần lên trong lòng con trẻ.
Nỗi sợ khiến chúng ta nhìn thấy tương lai không thực sự tồn tại. Nó khiến ta mắc kẹt trong hoàn cảnh thực tại thay vì thoát ra. Chúng ta kẹt lại với quá khứ, bởi những nỗi sợ hãi, những sai lầm, thất bại giống như những mũi neo cắm sâu trong lòng đại dương và giữ chặt ta lại đó, không thể nào vượt qua được.
Để vượt qua nỗi sợ, điều quan trọng là ta sống cho thực tại, tập trung vào chính thời điểm này đây. Quá khứ rất quan trọng, bởi nó định hình nên ta của ngày nay, nhưng bị bóng đen của quá khứ đè nặng là điều ta không hề mong muốn.
Vì vậy, hãy tập trung vào hiện tại.
Tập trung vào giây phút này!
Thành công trong quá khứ
Phần lớn con người chúng ta luôn bị ám ảnh bởi những thất bại ở quá khứ. Ta không dễ dàng xua đi ký ức về những ngày khốn khó, ảm đạm. Trong quãng thời gian khó khăn ấy, trên thực tế, có rất nhiều bài học quý giá ta có thể rút ra.
Nhưng những vinh quang và thành công trong quá khứ cũng là những kinh nghiệm vàng ngọc để ta nhìn vào. Khi lâm vào tình huống khó khăn mà trước đây đã từng gặp, những kinh nghiệm vượt qua trở ngại sẽ vô cùng quý báu để một lần nữa ta chinh phục thử thách. Có vô số câu chuyện minh họa cho việc này, đặc biệt là trong lĩnh vực thể thao – khi các vận động viên thường xuyên phải sử dụng kinh nghiệm chinh chiến của mình để vượt qua và giành chiến thắng trước đối thủ. Chicago Bulls, đội bóng sáu lần vô địch NBA, phần lớn dựa vào cầu thủ ngôi sao Michael Jordan cũng như kinh nghiệm dày dạn của mình để có thể giành giải vô địch nhiều lần như vậy.
Dẫu vậy, ta không nên mải mê với vinh quang quá khứ, bởi nó khiến ta mãi mắc kẹt với những gì đã qua mà bỏ quên thực tại. Nhận thức đúng đắn về thành công quá khứ và tận dụng chúng một cách thông minh sẽ hữu ích rất nhiều cho con đường phía trước.
Để can đảm trở thành thói quen
Lòng can đảm – đối với phần lớn mọi người – không đến một cách tự nhiên. Khi học bơi, học viên phải vượt qua nỗi sợ nước, mỗi ngày xây dựng sự tự tin khi vận động dưới hồ. Một khi môi trường nước với ta đã quen thuộc và dễ chịu, việc học một kiểu bơi mới sẽ dễ dàng hơn nhiều. Tương tự như vậy, người lính cứu hỏa không được sinh ra với khả năng bình tĩnh xông thẳng vào tòa nhà cháy để cứu người. Sự dũng cảm của họ phải trải qua quá trình luyện tập và huấn luyện để có thể cứu người mà không gây nguy hiểm cho bản thân.
Như vậy, lòng can đảm phải được xây dựng một cách thường xuyên, tốt nhất là mỗi ngày. Nếu được thực hành thường xuyên, nó sẽ trở thành thói quen. Charles Duhigg, tác giả của The Power of Habit: Why We Do What We Do in Life and Business, đã từng nói: “Không gì là không thể nếu có thói quen tốt”.
Vì vậy, nếu thể hiện lòng can đảm thường xuyên để nó trở thành thói quen, ta có thể đạt được mọi điều mình mong muốn.
Kết luận
Hãy tin vào chính mình. Có lòng can đảm tiến bước và thực hiện điều cần thiết.