“Học tập gắn liền với cuộc sống, và là sự nghiệp của cả một đời.”
- Bente Elkjaer
EXCEL
BE A LIFELONG LEARNER
HỌC SUỐT ĐỜI
Học suốt đời = Học – học tập và học hỏi – suốt đời sẽ giúp con người phát triển những kỹ năng giúp hoàn thiện bản thân.
Không bao giờ ngừng học
Học là để có được kiến thức, để nâng tầm hiểu biết của mình. Nhưng đôi khi, việc học có thể còn nhằm mục đích khác nữa. Ví dụ, các bạn học sinh chăm chỉ bài vở để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp, hoặc nhiều người ôn luyện lý thuyết và thực hành để đậu kỳ thi cấp bằng lái xe. Như vậy, thi cử cũng là lý do chúng ta phải học. Tuy nhiên, việc học của chúng ta không nên chỉ nhằm mục đích như vậy.
Với người muốn ngày càng hoàn thiện hơn, họ phải nhận ra rằng việc học là vô tận. Học là một hành trình hơn là một đích đến. Trên hành trình đó, ta có thể đạt được một số thành tựu, nhưng những thành tựu ấy chỉ nên được nhìn nhận như là cột mốc đưa ta đến chặng đường xa hơn mà thôi.
Lý Quang Diệu, người cha sáng lập của đất nước Singapore độc lập, đã từng nói: “Người có giáo dục là người không bao giờ ngừng học tập và luôn muốn học hỏi”. Bản thân Lý Quang Diệu cũng chưa từng ngừng học. Nhận ra tầm quan trọng của việc học song ngữ, ông đã học tiếng Hoa trong nhiều năm.
Học khiến ta mạnh mẽ. Vì vậy, đừng bao giờ ngừng học.
Sự khám phá và cơ hội học tập
Với một số người, học điều không cần thiết thật lãng phí thời gian. Đối với họ, việc học thêm thật nhàm chán. Họ thà dành thời gian đó để vui chơi hoặc chẳng làm gì cả. Những người suy nghĩ như vậy sẽ không thể tiến xa hơn trong sự nghiệp học hành. Nhưng nếu việc học được xem như là cuộc hành trình khám phá, hoặc một cơ hội để biết thêm những điều mới mẻ, thú vị, thì ta sẽ luôn có sự thôi thúc, hứng khởi để theo đuổi.
Tại sao trẻ nhỏ luôn có những câu hỏi táo bạo, bất ngờ nhưng cũng thật “có lý”? Đó là bởi chúng luôn có sự hiếu kỳ về thế giới, và chúng không ngại hỏi. Đối với chúng, thế giới xung quanh luôn đầy ắp những điều lý thú, và chúng chớp lấy mọi cơ hội để học hỏi, để khám phá, để thỏa mãn trí tò mò của mình.
Hãy như trẻ thơ. Tận dụng mọi cơ hội để học, để khám phá thế giới này và yêu thương nó nhiều hơn.
Học hỏi những điều khác nhau
Để duy trì sự hứng thú với việc học hành, hãy học hỏi những điều khác biệt, kể cả những điều không hề quen thuộc đối với ta. Thu thập thêm kiến thức ở lĩnh vực mình yêu thích là rất đáng khuyến khích, nhưng đôi khi lại khiến ta dễ nhàm chán. Vì thế, hãy thử những điều mới mẻ, để việc học đối với bạn là cả một sự háo hức, chờ mong.
Thoát ra khỏi vùng an toàn có thể là một thử thách không nhỏ. Phần lớn chúng ta sống theo thói quen. Chúng ta cảm thấy thoải mái với một tuyến đường nhất định mỗi ngày đi học, đi làm. Chúng ta thích ăn một số món ăn này và không bao giờ đụng đũa đến một số món ăn khác. Việc phiêu lưu một chút để thử điều mới đôi khi rất khó khăn, nhưng điều đó không có nghĩa là ta không thể làm được.
Bước đầu tiên, hãy làm điều gì đó khác lạ mỗi ngày. Thay vì bắt chuyến xe buýt như thường lệ, hãy thử một tuyến xe buýt khác. Tuyến xe này có thể xa hơn, nhưng hành trình có thể sẽ thú vị hơn với nhiều cảnh quan mới mẻ. Hay thử một món ăn mới vào bữa trưa hôm nay để thử thách vị giác của mình. Biết đâu ta sẽ yêu thích món ăn mới đó. Hãy học chơi một nhạc cụ nào đó, hoặc thử tham gia một môn thể thao khác. Bước đầu có thể hơi khó khăn, bỡ ngỡ đôi chút, nhưng khi đã qua được giai đoạn đó, đấy có thể là niềm vui mới của ta!
Lên lịch cho việc học
Một trong những lời than thở trường kỳ của chúng ta đó là không đủ thời gian để học. Công việc ngập đầu khiến ta chỉ muốn dành chút ít thời gian rảnh rỗi hiếm hoi trong ngày để thư giãn hay ngủ. Thật đúng là nhịp sống hối hả hiện đại ngày nay khiến ta thật khó có thời gian cho điều gì khác ngoài công việc.
Một cách làm khôn ngoan đó là chen vào thời gian biểu mỗi ngày một lịch học ngắn. Lịch học này có thể chỉ 30 phút thôi, dành cho việc đọc hay học điều gì đó mới mẻ. Để hiệu quả nhất, hãy loại bỏ những yếu tố có thể khiến bạn phân tâm khi học. Ví dụ, nếu máy tính hay các thiết bị điện tử khác khiến bạn mất tập trung, hãy tránh xa chúng.
Một cách khác cũng hiệu quả không kém là tận dụng các khoảng thời gian “thừa” một cách hiệu quả. Ví dụ, ta có thể đọc một chương sách khi đợi xe buýt, hay xem một đoạn video chuyên đề giáo dục trên smart phone trong lúc chờ đợi một cuộc hẹn. Với sự phổ biến của những chiếc điện thoại thông minh ngày nay, việc học hỏi, thu thập kiến thức dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều. Chỉ cần một cú chạm nhẹ hay một cú vuốt màn hình, chúng ta có thể tìm kiếm thông tin về bất cứ điều gì.
Vì thế, luôn có thời gian để học, ta chỉ cần biết cách tận dụng mà thôi.
Lặp lại liên tục
Một số bạn học sinh chỉ ôn lại khi ngày thi đã cận kề. Đây là một chiến lược rủi ro, bởi họ có thể không đủ thời gian ôn lại tất cả kiến thức cần thiết. Với những bạn có thói quen này, họ cũng sẽ mau chóng nhận ra lượng thông tin họ cố nhồi nhét không thể ở lại trong đầu họ lâu dài. Họ có thể vẫn sử dụng được lượng kiến thức đó trong bài thi, nhưng khó có thể nhớ chúng sau đó. Đây là một hiện tượng thường gặp ở những bạn học sinh chỉ học để thi. Họ chỉ có thể lưu giữ thông tin trong một khoảng thời gian cụ thể chứ không thể khắc sâu nó vào trong trí nhớ của mình. Nếu muốn giỏi, chúng ta không thể thỏa mãn với việc chỉ ghi nhớ kiến thức trong một thời gian ngắn. Chúng ta cần để chúng thấm vào mình, bằng cách là lặp đi lặp lại. Ngoài việc học, chúng ta cũng cần phải ôn luyện và thực hành những gì mình đã học. Đó mới là cách học đúng đắn.
Bạn có nhớ lần đầu mình tập đi xe đạp không? Sau nhiều cú ngã, nhiều lần bầm tím tay chân, cuối cùng thì ta cũng giữ được thăng bằng. Thêm nhiều lần thực hành sau đó, ta mới có thể đạp trọn vòng, và sau nữa mới nhuần nhuyễn kỹ năng đi xe đạp. Đây là minh chứng cụ thể của việc lặp đi lặp lại giúp ta học được cái mới.
Đọc, đọc và đọc
Mỗi trang sách mở ra một thế giới mới, đưa ta tiếp cận trí tuệ của loài người. Thông qua những quyển sách, ta học được cách thế giới này vận hành, biết được suy nghĩ của những nhà tư tưởng vĩ đại, và cách những nhà văn sáng tạo thêu dệt những điều thần bí, diệu kỳ và lãng mạn trong câu chuyện của họ. Đọc cũng giúp chúng ta biết đến những khám phá giúp định hình thế giới. Thông qua việc đọc sách, ta không phải lặp lại những sai lầm của người đi trước, và không cần trả giá thật đắt cho những bài học kinh nghiệm.
John C. Maxwell – tác giả, diễn giả và mục sư người Mỹ – là người đặc biệt tin tưởng vào tầm quan trọng của việc đọc. Khi còn nhỏ, ông đã tập thói quen đọc sách và chưa bao giờ từ bỏ thói quen đó. Cách để duy trì việc đọc là hãy tiếp cận với nhiều loại sách khác nhau. Còn nơi nào giúp ta tiếp cận được nhiều loại sách khác nhau hơn là thư viện chứ.
Tất nhiên, bên cạnh sách, còn những loại hình đọc khác như báo, tạp chí, truyện tranh,… Chúng cũng không kém thú vị và hấp dẫn. Ví dụ, quyển sách The Cartoon Introduction to Economics, Volume 1: Microeconomics của Grady Klein và Yoram Bauman truyền tải những lý thuyết kinh tế học “đau đầu” bằng hình thức rất thú vị và đơn giản. Nó thật sự hữu ích và dễ chịu với những người mới nhập môn!
Trong thời đại ngày nay, chúng ta còn có thể dễ dàng tiếp cận với báo chí hoặc sách điện tử. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc chiếc máy tính bảng, một thế giới sách báo mở ra chỉ với một cú chạm nhẹ của đầu ngón tay.
Cuối cùng thì việc bạn đang cầm trên tay quyển sách này là minh chứng rõ nét thể hiện bạn đang đi đúng hướng rồi đấy!
Vì vậy, hãy tiếp tục đọc, đọc mãi!
Áp dụng
Chúng ta đã nói nhiều về việc đọc và học. Nhưng tất cả sẽ vô nghĩa nếu chúng ta không áp dụng những kiến thức đã thu thập được vào thực tế. Việc áp dụng này sẽ giúp ta kiểm tra được mình nắm rõ kiến thức đến đâu, bởi nếu có lỗ hổng ở đâu đó, việc áp dụng sẽ gặp rất nhiều trở ngại.
Hãy cùng xem cách John C. Maxwell áp dụng những gì mình đã học như thế nào. Là một tác giả và diễn giả, ông đọc rất nhiều. Ông đã tự phát triển một hệ thống lưu trữ riêng của mình để có thể lưu lại những ý tưởng hay, những lời trích dẫn đẹp từ những quyển sách ông đã đọc. Ông sẽ đánh dấu những đoạn dẫn ông thích, bên cạnh đó ghi chủ đề ông muốn sắp xếp. Trợ lý của ông sẽ photo những trang này ra, cắt riêng đoạn ông đánh dấu và dán nó vào tấm thẻ lưu trữ theo từng chủ đề. Với cách sắp xếp này, Maxwell có thể dễ dàng lấy ra những thông tin ông cần để phục vụ cho việc viết lách của mình. Đây là một ví dụ tuyệt vời cho việc tận dụng một cách khoa học những kiến thức mình thu thập được.
Nếu không áp dụng những gì mình đã học được, thông tin và kiến thức sẽ chỉ nằm yên bên trong chúng ta mà thôi. Hãy để chúng được triển nở.
Dạy dỗ và chia sẻ
Joseph Joubert, nhà lý luận học và cây bút người Pháp, đã từng nói: “Dạy là học thêm lần nữa”. Câu nói này nhấn mạnh ý nghĩa của việc dạy. Khi dạy, ta phải chắc chắn mình đã hiểu thấu chủ đề, đã nắm chắc mọi thứ liên quan đến chủ đề đó. Nếu không, ta sẽ bị làm khó bởi những câu hỏi của học viên. Dạy, cũng có nghĩa là củng cố hiểu biết của mình. Những câu hỏi đặt ra của học viên cũng có thể giúp ta có được nhận thức mới về những gì mình đã học qua. Như vậy, việc dạy thể hiện ta đã thấu hiểu chủ đề hay vấn đề ở mức độ nào.
Bên cạnh dạy, chia sẻ cũng là cách để học một cách hiệu quả. Chúng ta có thể chia sẻ thông tin, trao đổi ý tưởng với những người đồng điệu. Với sự phổ biến của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội ngày nay, bất kỳ ai cũng có thể chia sẻ thông tin với người khác. Có rất nhiều phương tiện cho bạn lựa chọn – bạn viết blog về những khám phá, những xu hướng thịnh hành,... Bạn tham gia trả lời câu hỏi hay thắc mắc trên các trang web. Bạn đăng tải những vấn đề lên các diễn đàn, hay bàn luận ý kiến cùng những thành viên khác. Cơ hội để bạn đóng góp, chia sẻ trực tuyến là vô cùng, vô tận.
Và ai biết được chứ, rất có thể bạn sẽ tìm được cho mình những người bạn đồng suy nghĩ, đồng chí hướng từ thế giới ảo ấy, và điều đó sẽ dẫn đến cơ hội học hỏi, chia sẻ to lớn hơn nữa.
Bạn học thân thiết
Nhiều người cho rằng học là một quá trình đơn độc – người học một mình rèn giũa, luyện tập trong suốt cuộc hành trình dài. Họ cho rằng học là một nhiệm vụ riêng lẻ. Cũng có nhiều người cảm thấy thích cảm giác độc hành trên con đường học vấn, nhưng không phải ai cũng thế. Học hành không cần phải lúc nào cũng một mình. Chúng ta có bạn học, có các đồng môn cũng đi cùng một cuộc hành trình như mình vậy.
Nếu muốn có người học cùng, hãy chọn những người cũng hứng thú với việc học như ta. Ta có thể lập một nhóm học, hoặc một nhóm có cùng chủ đề quan tâm, và cùng trao đổi với nhau trực tiếp, cũng như qua Internet. Nhóm này có thể trợ giúp bạn rất nhiều trong quá trình học, đặc biệt khi bạn có một vài điểm khó hiểu nào đó về bài học. Nhóm học cũng giúp bạn có thêm động lực học hành, nhất là khi bạn cảm thấy lười biếng hay không có hứng thú với bài học.
Có câu châm ngôn rằng: “Không ai có thể sống lẻ loi cả đời”. Không lúc này thì lúc khác, chúng ta cần những lời động viên để tiến bước, đặc biệt là khi những thử thách ngăn chặn bước chân ta. Và còn có ai ta có thể nhờ giúp đỡ thích hợp hơn là nhóm bạn học thân thiết của mình chứ?
Nghiền ngẫm và thấu hiểu
“Điều đó diễn ra thế nào?”
“Nó có hợp lý không?”
“Có thực là như vậy không?”
“Nguồn dữ liệu có đáng tin cậy không?”
“Có thể xác thực điều đó được chứ?”
Đó là những câu hỏi thường gặp khi chúng ta học hỏi (hy vọng là như vậy, nếu không, có nghĩa là chúng ta không đủ khả năng biện luận và chỉ chấp nhận mọi thứ ở giá trị thể hiện bên ngoài, và điều này thì không tốt cho việc học hỏi). Khi học, chúng ta tiếp nhận và xử lý thông tin. Chúng ta có thể có những câu hỏi phát sinh với thông tin mình học. Điều này là rất hữu ích, và là một phần không thể thiếu đối với việc học tập hiệu quả.
Trong hành trình học hỏi của mình, chúng ta có thể có những “giây phút Eureka” – khoảnh khắc đột phá của sự lĩnh hội và khám phá. Archimedes, triết gia vĩ đại của Hy Lạp cổ đại, đã reo lên: “Eureka!” khi ông bước vào bồn tắm và trông thấy mực nước trong bồn dâng lên. Ngay khoảnh khắc đó, ông nhận ra lượng nước dâng lên bằng với thể tích cơ thể ông đang ngập trong nước. Cũng như Archimedes, những khoảnh khắc Eureka của chúng ta cũng thể hiện chúng ta tìm ra được điều gì đó có giá trị, và chúng ta được “giác ngộ”. Đó có thể là một mảnh kiến thức hoàn toàn mới, hoặc cái nhìn mới mẻ về một vấn đề vốn đã quen thuộc.
Khi chúng ta nghiền ngẫm những kiến thức mình đã học, chúng ta rất có khả năng thu thập được những góc nhìn mới. Đôi khi, phải trải qua quá trình ngẫm nghĩ và “tiêu hóa” thông tin, ta mới thực sự hiểu thấu được nó. Vì vậy, đừng ngại đặt ra những câu hỏi về bài học của mình. Rõ ràng chúng ta đâu hề muốn mình cũng giống như con ếch ngồi nơi đáy giếng, bằng lòng với thế giới nhỏ bé trên đầu miệng giếng kia, bởi ta biết rõ thế giới rộng lớn còn vô số điều chờ ta khám phá.
Kết luận
Học tập, đó không phải là một đích đến, mà là một quá trình tiếp diễn. Vậy tại sao không biến nó thành một quá trình kéo dài cả cuộc đời?