“Năng khiếu mà không có thái độ đúng mực thì cũng chẳng là gì cả.”
- Khuyết danh
Tại sao lại phải bận tâm đến “năng khiếu”?
“Năng khiếu = Kỹ năng, tiềm năng hay khả năng.”
Tôi không đủ khả năng
Đ
iều gì xảy ra khi ta thấy bạn bè mình đạt được điểm cao nhất trong bài kiểm tra? Vài người trong số chúng ta sẽ lấy đó làm động lực để cố gắng hơn và giỏi như họ, nếu không nói là giỏi hơn. Nhưng cũng rất nhiều người cảm thấy mình không giỏi như bạn bè của mình.
Nhiều người trong chúng ta tỏ ra chần chừ vì nghĩ rằng mình không có năng khiếu hay không đủ khả năng để hoàn thành một công việc nào đó. Hoặc cũng có thể chúng ta sợ rằng mình không thể làm được việc gì ra hồn. Chúng ta nghi ngờ khả năng của mình. Khi ấy, chúng ta cũng đồng thời nghi ngờ chính bản thân mình. Và điều này dẫn chúng ta đến sự chần chừ.
Nhiều người cho rằng: “Cuộc đời này thật không công bằng!”. Tuy nhiên, nếu đời công bằng thì tất cả chúng ta đều sẽ đạt được điểm cao chót vót, yêu thích chính bản thân mình và lúc nào cũng hạnh phúc. Nhưng thực tế thì điều này không xảy ra!
Phức cảm tự ti
Phức cảm tự ti là một trạng thái tâm lý xảy ra khi bạn cảm thấy mình không có đủ khả năng. Trạng thái tâm lý này thường rất nguy hại đối với lòng tự tôn của chúng ta và trở thành lý do chính khiến ta chần chừ.
Những người có phức cảm tự ti cảm thấy rằng họ không đủ khả năng và sẽ lấy đó làm lý do để tỏ ra chần chừ. Họ nghĩ rằng dù có cố gắng đến thế nào đi chăng nữa thì họ cũng chẳng bao giờ đạt được mục đích của mình cả. Và họ làm gì? Họ chần chừ. Bạn có phải là một trong số họ không?
Tôi thừa sức làm việc này
Điều ngược lại cũng đúng. Vài người trong chúng ta có khả năng hoàn thành mọi công việc được giao. Chúng ta nghĩ rằng mình có thể hoàn thành công việc đó mà không cần quá nhiều thời gian như những người khác. Chính vì thế, đôi khi chúng ta tỏ ra tự tin quá mức.
Bạn đã bao giờ chần chừ khi sắp bắt tay vào thực hiện một việc gì đó vì nghĩ rằng nó quá dễ dàng, để rồi sau đó bạn nhận ra rằng mình không có đủ thời gian hoàn thành nó chưa?
Vấn đề của sự chần chừ là khi chúng ta trì hoãn quá lâu, chúng ta sẽ quên mất công việc mình cần phải làm!
Tại sao ta không có một thái độ tích cực?
“Thái độ = Cử chỉ, cảm xúc hay quan điểm của một người đối với những sự vật, sự việc xung quanh.”
Thái độ là cách chúng ta xác định lại tư tưởng của mình để đối xử với một người hay một tình huống nào đó. Việc có được thái độ đúng đắn và tích cực là điều vô cùng thiết yếu giúp ta củng cố các mối quan hệ xung quanh và đạt được thành công trong cuộc sống.
Thái độ đúng đắn và tích cực sẽ thúc đẩy chúng ta đứng lên khỏi cái ghế thụ động và bắt tay vào hành động.
Đừng lo lắng nếu bạn không có khả năng làm công việc gì đó một cách hoàn hảo. Điều mà mọi người nhìn thấy và ghi nhận chính là nỗ lực của bạn trong công việc đó. Nếu nhận thấy bạn đang cố gắng, có thể họ còn giúp bạn một tay nữa.
Với thái độ đúng đắn, chúng ta sẽ có được sức mạnh cần thiết để làm được mọi thứ. Với thái độ đúng đắn, chúng ta có thể vượt qua được thất bại và xem đó như một quá trình học hỏi.
Ngược lại, thái độ sai lệch và tiêu cực sẽ càng khiến chúng ta chần chừ hơn. Chúng ta sẽ trở nên bi quan và thụ động trong công việc.
Việc có một thái độ đúng đắn còn quan trọng hơn cả việc có khả năng. Chắc chắn là việc có khả năng sẽ giúp ta thực hiện công việc của mình nhẹ nhàng hơn. Nhưng nếu không có một thái độ đúng đắn, có thể ta sẽ không tận dụng được khả năng của mình và thậm chí còn lạm dụng khả năng của mình nữa! Chúng ta sẽ tự tin và kiêu ngạo quá mức. Kết quả là không ai ưa ta cả.
Bạn có muốn trở thành người như thế không?
Vơi một nửa hay đầy một nửa?
Nếu ai đó luôn suy nghĩ tiêu cực về những sự việc xảy ra trong cuộc sống, bạn có nghĩ người này sẽ làm được bất cứ điều gì không? Anh ta sẽ than phiền rằng cuộc sống thật bất công với mình và cau có về mọi thứ.
Một trong những cách hiệu quả nhất để hình thành nên thái độ tích cực là luôn nhìn vào mặt tốt đẹp của cuộc sống. Bằng cách làm này, chúng ta sẽ hướng sự chú ý và năng lượng của mình vào những thứ mà mình đang có. sau đó, ta có thể tập trung nỗ lực để đạt được những điều mà mình chưa có. Ngay cả khi gặp thất bại thì ta vẫn có thể xem đó là một trải nghiệm quý báu.
Sau đây là một câu hỏi dành cho bạn: Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy cái cốc này?
Cái cốc này vơi một nửa hay đầy một nửa? nếu bạn nghĩ nó vơi một nửa thì bạn đang tập trung vào khía cạnh tiêu cực của vấn đề. Ngược lại, nếu bạn nghĩ nó đã đầy một nửa thì bạn đang tập trung vào mặt tích cực. Và đây là thái độ mà ta nên có.
Chính vì thế trong tương lai, hãy luôn tập trung vào mặt tích cực của cuộc sống và thu hút năng lượng từ đó. Làm được việc này, bạn sẽ không dễ dàng rơi vào cái bẫy của sự chần chừ.
Tôn trọng công việc
Để giải quyết vấn đề của sự tự tin quá mức, chúng ta có thể sử dụng chiến thuật được nhắc đến ở Chương 5. Chúng ta cần phải có thái độ đúng đắn khi nhìn nhận công việc và không được xem thường nó. Khi dùng phương pháp “Cân nhắc hậu quả”, ta có thể hình dung điều gì sẽ xảy đến với ta nếu ta tự tin quá mức và không quan tâm đúng mực đến công việc của mình.
Bạn có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta quá tự tin và đợi đến phút cuối cùng mới bắt tay vào thực hiện công việc không? Chúng ta sẽ phải làm vội vàng và gần như không thể hoàn thành nó tốt như mong đợi. Lẽ ra, với khả năng của mình, ta có thể hoàn thành nó một cách xuất sắc chứ không phải biến nó thành nửa vời như vậy! Chắc chắn kết quả đó sẽ chẳng bao giờ mang lại cho ta cảm giác dễ chịu cả, phải vậy không?
Thỏ và Rùa
Tôi nghĩ hẳn bạn đã được nghe câu chuyện này từ trước rồi. Nói ngắn gọn, truyện này kể về cuộc chạy đua giữa thỏ và rùa. Thỏ chiếm ưu thế rõ rệt trong cuộc đua và gần như sẽ thắng cuộc. Thoạt đầu, thỏ ta chạy rất nhanh và bỏ xa rùa. Thế rồi, quá tự tin vào khả năng của mình, thỏ tìm một nơi nghỉ ngơi rồi ngủ thiếp đi mất. Và chuyện gì đã xảy ra? Rùa vượt qua thỏ và giành chiến thắng trong cuộc đua! Vậy chúng ta có thể rút ra được bài học gì từ câu chuyện này?
Thỏ có khả năng nhưng lại không có thái độ đúng đắn. Ngược lại, rùa tuy chậm chạp nhưng luôn theo sát mục tiêu của mình. Rõ ràng, có khả năng nhưng không có thái độ đúng đắn sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng tai hại.
Kết luận
Thái độ đúng đắn là yếu tố quyết định giúp chúng ta loại bỏ sự chần chừ và đạt được thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống. Nếu không có thái độ đúng đắn thì dù có khả năng chăng nữa bạn cũng sẽ chẳng đến đâu cả. Với một thái độ đúng đắn, giới hạn dành cho bạn là cả bầu trời!