“Tôi làm công việc của mình vào cùng một thời gian mỗi ngày - phút chót.”
- Khuyết danh
Tại sao lại dính lấy cái ti-vi?
“Ti-vi = Một thiết bị thu và phát các chương trình truyền hình.”
Tôi phải xem chương trình này trên ti-vi!
N
hiều người trong chúng ta không thể sống thiếu cái ti-vi của mình. Chúng ta có thể dính chặt lấy cục nam châm tuyệt vời này trong suốt nhiều giờ đồng hồ! Chúng ta thường ngồi dán mắt vào màn hình cả ngày trời, trì hoãn tất cả những việc cần làm. Tôi cũng đã từng rơi nào tình huống này. Tôi từng có thể ngồi trước màn hình ti-vi trong suốt nhiều giờ liền, bỏ mặc tất cả mọi thứ còn lại.
Chúng ta thường tự nhủ rằng mình sẽ làm việc này việc kia sau khi xem xong một chương trình truyền hình nào đó. Nhưng coi nào, hãy đối mặt với thực tế đi. sẽ có hàng tá chương trình khác hấp dẫn tiếp nối chương trình bạn vừa xem. Những bộ phim gay cấn như CSI, những chương trình thực tế như The Amazing Race và Survivor, những cuộc tranh tài như American Idol, những trận bóng đá, phim Hàn Quốc, phim hoạt hình, phim tài liệu… Danh sách này sẽ được kéo dài mãi.
Với quá nhiều chương trình hấp dẫn như vậy, ta rất dễ xao nhãng những công việc quan trọng của mình. Chúng ta cố gắng xem mọi chương trình để có thể buôn chuyện về chúng vào ngày hôm sau đi học.
Sự hấp dẫn chết người
Hãy để tôi hỏi bạn một câu: “Bạn có phải là một người nghiện ti-vi không?”.
Hãy thử làm bài kiểm tra ngắn sau đây:
1) Có phải bật ti-vi là điều đầu tiên bạn làm khi về nhà không?
2) Bạn có vừa ăn vừa xem ti-vi không?
3) Bạn có dành hơn tám giờ một ngày để xem ti-vi không?
nếu tất cả câu trả lời của bạn đều là “Có” thì xin thông báo: bạn là một con nghiện ti-vi chính hiệu! Không, bạn không nên quá tự hào về bản thân nếu bạn là người như thế. Việc nghiện ti-vi chẳng tốt cho bạn tí nào cả. Bên cạnh việc khiến bạn chần chừ, nó còn làm tăng nguy cơ cận thị và phá hủy mối quan hệ giữa bạn với những người xung quanh.
Xếp thời gian biểu quanh cái ti-vi
Là một người đã cai được cơn nghiện ti-vi, tôi biết vài người đang trải qua cuộc sống của mình quanh cái ti- vi nhà họ. Họ bật ti-vi ngay khi bước vào nhà. Họ vừa ăn vừa xem ti-vi, lúc tắm cũng bật ti-vi với âm lượng lớn để có thể “nghe” được nó. Và họ ngủ khi đang “xem” ti-vi. Thậm chí vài người còn mang cả cái ti-vi lên giường nữa!
Việc dính chặt lấy cái ti-vi sẽ khiến họ xao nhãng những công việc mà họ cần phải làm. Và đó là lý do khiến họ tỏ ra chần chừ.
Tôi nhớ có một học sinh tên là Terry bảo với tôi rằng toàn bộ thời gian biểu của cậu ấy xoay quanh cái ti-vi. Cậu ấy có thể nói cho bạn biết kênh nào đang chiếu chương trình gì vào bất cứ lúc nào bạn hỏi. Thời gian làm bài ở nhà của cậu ấy phụ thuộc vào lịch phát sóng của các chương trình trên ti-vi!
Tôi còn có thể nói gì nữa đây?
Sự đam mê đối với những món đồ điện tử
Bên cạnh ti-vi, nhiều người trong chúng ta không thể sống thiếu điện thoại di động, máy tính, máy pDA, ipod… sự thật là nhiều bạn trẻ còn xem ti-vi bằng máy tính của họ nữa. Những trang web chia sẻ thông tin như YouTube đang trở nên ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Và ai có thể không biết việc “nhắn tin” - một trong những trò tiêu khiển ưa thích của các bạn trẻ?
Khi đã nghiện mà không có được những món đồ điện tử này, chúng ta cảm thấy mình như trống rỗng. Đã bao giờ bạn cảm thấy trống trải và thiếu thốn khi quên mang theo điện thoại đến trường hoặc khi đang đi chơi với bạn bè? Bạn có cảm thấy khổ sở nếu không thể nhắn tin cho bạn bè mình vào mỗi tối? Bạn có thể tập trung làm bài tập ở nhà mà tai không cần kè kè chiếc ipod không?
Dường như chúng ta không thể sống thiếu những thiết bị điện tử này. Và vì cứ mải đắm đuối với chúng, ta có xu hướng bỏ mặc tất cả những điều khác đang cần đến sự chú ý của ta. Đó là lý do vì sao ta chần chừ.
Tại sao ta không điều tiết một chút?
“Điều tiết = giảm xuống một cách hợp lý.”
Vậy làm sao chúng ta cai được cơn nghiện ti-vi đây? phương pháp tốt nhất là tắt ti-vi đi và hoàn toàn tập trung vào công việc của mình. Tôi biết điều này rất khó thực hiện nên đề nghị một chiến thuật thực tế và dễ áp dụng hơn là giảm thời gian xem ti-vi xuống. Đây là chiến thuật mà tôi gọi là “Kỹ thuật điều tiết”. Bạn cũng có thể áp dụng chiến thuật này đối với những thiết bị điện tử khác.
Tôi sẽ chia sẻ với các bạn cách thức sử dụng chiến thuật này. Bảng mẫu sau đây sẽ thể hiện cách “Kỹ thuật điều tiết” làm việc.
Hãy viết ra số giờ đồng hồ bạn dành để xem ti-vi mỗi ngày, và cả tên chương trình bạn xem nữa. Có thể trong tuần đầu tiên, mỗi ngày bạn đều dành bốn giờ đồng hồ cho các chương trình truyền hình mình yêu thích. Nhưng sau đó, hãy điều tiết nó một chút - thay vì xem bốn chương trình, bạn hãy chọn ba trong số chúng để xem thôi. Nếu áp dụng cách thức này trong vài tuần, bạn có thể cắt giảm một cách hiệu quả số lượng thời gian bạn dành cho cái ti-vi đấy.
Chiến thuật này cũng có thể được áp dụng với những món đồ điện tử khác. Hãy giới hạn số giờ bạn dành ra cho máy tính hoặc điện thoại.
Ti-vi và những món đồ điện tử khác có thể rất thú vị, nhưng hãy coi chừng: Chúng có thể gây nghiện, khiến ta xao nhãng những việc mình cần làm và trở nên chần chừ.
Hãy học cách cân bằng cuộc sống của mình. Hãy nhớ rằng, mọi thứ chỉ thật sự tốt khi có điều độ.
Kết luận
Ti-vi (và những món đồ điện tử khác) có thể mang lại cho ta rất nhiều niềm vui và những giây phút giải trí thoải mái. Tuy nhiên, đừng để chúng kiểm soát ta. Hãy giới hạn thời gian dành cho chúng để cân bằng cuộc sống của mình.