Trong âm nhạc, giọng hát có âm vực bổng, trung hoặc trầm, bên cạnh đó còn có các thể loại, các dòng nhạc khác nhau với các kỹ thuật hát, luyến láy khác nhau. Bạn cần biết cách phối hợp các giai điệu, chuyển tông giọng sao cho hài hòa với nhịp phách tương ứng thì mới có thể tạo ra một bài hát hay được. Nếu như nốt nhạc cao mà bạn lại bắt nhịp vào tông thấp thì thành “lạc nhịp nửa vời”, làm sao mà có bài hát hay cảm lòng người được.
“Nửa vời” là không hài hòa, không phù hợp với giai điệu. Có một số người lúc nói chuyện thì không phù hợp hoàn cảnh, không biết lựa người mà nói; khi làm việc thì không đúng chức trách, vượt quá hoặc không tròn nhiệm vụ của bản thân,... Những người này thường bị phê bình là “người sống nửa vời”. Trong xã hội ngày nay, người sống nửa vời rất nhiều, không biết nhưng tự cho là biết, không hiểu nhưng lại nghĩ là mình hiểu, không tự lượng sức mình.
Có những người “cái gì cũng biết, biết gì cũng sơ sơ”, họ biết mọi việc nhưng chỉ hời hợt, qua loa không hiểu rõ một cách chuyên sâu bất cứ việc gì. Đối với công việc họ cũng muốn làm, muốn hoàn thành nhưng chỉ làm nửa vời, không chu toàn, không viên mãn. Chẳng hạn, có một số người khi học ngoại ngữ Anh, Nhật, Trung, Pháp,… họ chú ý luyện tập, thực hành và sử dụng một cách thông thạo, lưu loát nhưng có người chỉ học nửa vời, biết chút chút rồi để đó.
Tây Thi rất đẹp, nụ cười hay cái nhíu mày, thậm chí vẻ bề ngoài của cô ấy đều khiến người ta thương cảm. Đông Thi thấy thế bèn bắt chước, mỗi ngày đều nhíu mày để mong muốn được người khác thương cảm, nhưng rốt cuộc vẫn không thể làm giống như Tây Thi, tạo nên câu chuyện cười “Đông Thi bắt chước”. Đây là ví dụ điển hình cho việc học theo một cách nửa vời.
Người dân ở Hàm Đan (thủ đô của nước Triệu) có dáng đi rất đẹp. Có một người nước Yên rất muốn học theo, bèn từ ngàn dặm xa xôi đến Hàm Đan để mong học được dáng đi đẹp như thế. Sau ba năm, người này không những không học được dáng đi của người Hàm Đan, mà ngay cả cách đi lại của bản thân cũng không còn nhớ nữa, rốt cuộc đành phải bỏ về lại nước Yên. Đây cũng là ví dụ cho việc học tập nửa vời, thậm chí chẳng đáng được gọi là nửa vời.
Một người bất luận là học gì, làm gì đều được, thất bại cũng không sao nhưng tuyệt đối làm người thì không thể “làm nửa vời”. Không biết lễ độ, không phân biệt được khinh - trọng thế nào, mạo xưng chuyên gia, thích khoác lác khoe khoang, không lo gây dựng sự nghiệp mà chỉ rong chơi suốt ngày,... tất cả đều là biểu hiện của việc làm người nửa vời. Một khi ai đó bị phê bình là “nửa vời” thì đó thực sự là điều hối tiếc lớn nhất trong cuộc đời.
Đặc biệt, những người “sống nửa vời” lại thường không biết giấu cái chưa hoàn thiện đó của mình, dương dương tự đắc nên tự biến mình trở thành trò cười trước mặt người khác. Làm người không thể nửa vời, hàng ngày nên tự suy xét chính mình, tự kiểm thảo hành động, lời nói của chính mình mà sửa đổi những điều chưa phù hợp. Đặc biệt đối với người thân và bạn bè xung quanh, nên biết khiêm tốn học hỏi những điều tốt đẹp của họ. Nếu làm được điều đó thì chúng ta dần dần có thể loại bỏ được sự nửa vời và hoàn thiện được bản thân mình.