Ngoài thị trường có một loại hạt màu trắng gọi là “hạt dẻ cười”, thường ăn kèm lúc mọi người uống trà nói chuyện. Trong tập thể có một số người có tính cách hài hước vui tính, có khả năng mang lại tiếng cười cho người khác. Vì thế ở bất kỳ hoàn cảnh nào, chỉ cần có họ thì nơi đó không khí sôi nổi, tràn ngập tiếng cười vui vẻ.
Hạt dẻ cười cũng giống như là thức ăn dinh dưỡng của tinh thần. Chẳng hạn, lời nói ngây thơ của trẻ em chính là hạt dẻ cười mang lại niềm vui cho cả gia đình. Lão Lai Tử 70 tuổi mà còn mặc áo sặc sỡ, múa hát để làm cho cha mẹ vui cười, ông chính là hạt dẻ cười của cha mẹ. Chú hề thường là một nhân vật gây cười trong các vở kịch, là hạt dẻ cười của khán giả. Người lạc quan, yêu đời, người có lòng từ bi yêu thương cũng đều là hạt dẻ cười cho người xung quanh.
Người có tố chất như “hạt dẻ cười” đi đến đâu cũng đều được mọi người hoan nghênh. Họ được ví như những làn gió xuân thổi khắp đại địa, tắm mát và thổi bùng sức sống cho vạn vật. Bởi thế, mỗi người nên là hạt dẻ cười cho chính bản thân và thế giới quanh mình. Một xã hội có nhiều “hạt dẻ cười” thì cho dù vật chất không đầy đủ đi chăng nữa vẫn luôn giàu có, phong phú về mặt tinh thần.
Trong Phật giáo, Phật Di Lặc chính là vị Phật hoan hỷ, là hạt dẻ cười được chúng sinh yêu mến. Ngài Tu Đạt Noa không trái ý người, cũng phát nguyện làm hạt dẻ cười cho chúng sinh. Cõi Tây phương Cực Lạc không những hoa nở cho người hoan hỷ, mà còn có hoa nở thấy Phật, cho đến Hoan Hỷ địa Bồ tát đều là hạt dẻ cười.
Hạt dẻ cười còn được dùng để chỉ cho sự hoan hỷ, hăng hái của con người. Trên thế giới, thứ quý giá nhất không phải tiền bạc, cũng không phải danh vị mà là sự hoan hỷ vui tươi. “Hoan hỷ” khiến cho thế giới tràn đầy màu sắc, cuộc đời của chúng ta ngập tràn hy vọng. Vì thế, bản thân mỗi chúng ta cần phải luôn hoan hỷ và đồng thời mang sự hoan hỷ chia sẻ, lan tỏa đến những người xung quanh mình. Người mà trong tâm lúc nào cũng hoan hỷ là người giàu có, hạnh phúc nhất thế gian.
“Thích” hay “không thích” cũng chỉ trong khoảng thời gian một niệm là đã có thể thay đổi. Con người đến với thế giới này nên đem tới sự hoan hỷ, vui vẻ không nên đem ưu sầu, ô nhiễm cho người khác. Chúng ta lại càng phải cần vì bản thân cũng như vì mọi người mà tạo nên niềm hoan hỷ, hạnh phúc. Chẳng hạn, thương nhân mua bán đồ, muốn thu hút khách hàng thì phải cho khách hàng của họ sự an tâm, tin tưởng. Đồng hồ có các thanh âm khác nhau, điện thoại cũng có rất nhiều bản nhạc chuông, nhạc chờ, máy vi tính cũng có những hình ảnh nền tuyệt đẹp,... Tất cả đều vì mong muốn thu hút, hấp dẫn đem lại sự thoải mái, thú vị cho con người.
Dần dần các con vật được người nuôi chúng cũng có linh tính và biết cách khiến chủ của chúng vui vẻ. Như con chó biết vẫy đuôi mừng chủ, con gà mổ thóc thành tiếng nghe vui vui tai, con mèo bện quanh kêu meo meo ra chiều nũng nịu mong chủ nhân âu yếm, vuốt ve nó,... Bên cạnh đó, mùi hương nhè nhẹ của các loài hoa cũng khiến cho tâm hồn con người thư thái, thoải mái. Các loài cá nhiệt đới nhiều màu, các loài sinh vật biển đa dạng cũng kích thích sự khám phá, thích thú của con người. Kỳ thực, con người đến với thế giới này đem theo niềm hoan hỷ, vui tươi. Và thế giới muôn màu ngàn sắc cũng đáp lại chúng ta vô vàn những điều thú vị, thu hút chúng ta khám phá, thụ hưởng giá trị nhân sinh.
Như vậy chúng ta thấy, vẻ đẹp của “sự hoan hỷ” không có gì sánh bằng. Con người sống trên thế gian này chẳng phải đều truy cầu hạnh phúc, vui vẻ đó sao? Khi trong tâm hồn của chúng ta có nhiều chất liệu của niềm tin và hạnh phúc thì cuộc sống của chúng ta mới có ý nghĩa và giá trị. Bởi vậy, chúng ta cần chế tác “niềm hoan hỷ” cho chính bản thân cũng như những người quanh mình. Có như vậy, chúng ta mới không để uổng phí một kiếp người.