Con người sống trên đời, bất cứ ai cũng cần phải có mục tiêu. Ví dụ, mục tiêu của người kinh doanh là có lợi nhuận, mục tiêu của người học là sáng tỏ chân lý, hiểu biết sâu rộng, mục tiêu của người tu hành là khai ngộ, chứng đạo.
“Khai ngộ” chính là biết mình, biết người, biết được mối liên hệ tương quan duyên khởi của mọi sự mọi việc. Đồng thời người khai ngộ cũng biết được nhân duyên, quả báo, không gian thời gian rõ ràng cho từng tình huống xảy đến với mình. Từ đó mà họ có cách ứng xử, giải quyết phù hợp trên cơ sở thấu rõ vạn vật đồng nhất thể. Thế gian có bao nhiêu người đã thực sự khai ngộ? “Tiểu nghi tiểu ngộ”, “đại nghi đại ngộ”, “không nghi không ngộ”. Chỉ khi nào chúng ta hiểu hết những vấn đề vũ trụ nhân sinh, xử lý một cách bình đẳng, hài hòa các mối quan hệ tương giao giữa ta với người, với xã hội thì việc ngộ đạo mới có thể thành công.
Ngộ đạo cũng giống như nói: “Tôi hiểu rồi, nghĩ thông rồi, biết rồi,…” nhưng quan trọng là thật sự hiểu biết, thông suốt hay không? Gọi là “hiểu”, “biết” chỉ là tương tự như việc lĩnh hội tri thức mà thôi. Chúng ta muốn thật sự khai ngộ, cần thấu tỏ rằng nhân sinh không phân biệt ta - người, bởi đều cùng một thể, bình đẳng như nhất, “không tức là sắc, sắc tức là không”. Từ chân như pháp tính mà nói, hữu và vô (có và không) không hề đối đãi nhau mà là đồng một thể. Cho nên, phiền não tức Bồ đề, ngay nơi phiền não ấy mà Bồ đề phát sinh, chính phiền não ấy chuyển hóa thành Bồ đề vậy.
Người sống trong chốn Thiền môn nhìn thấy hoa nở hoa tàn mà ngộ ra thế gian “vô thường”; Nhìn thấy cha mẹ quát mắng con cái, nhìn người đời tranh nhân tranh ngã, thị phi liền ngộ ra cuộc đời là “khổ”; Nhìn thấy vạn hữu đều không thật có nên ngộ được “vô ngã” chẳng có gì là ta hay thuộc về ta cả. Chúng ta có thể thấu hiểu được “vạn pháp giai không”, trong cái “không” có diệu hữu, mọi sự vạn vật trên đời đều do nhân duyên giả hợp mà thành, thì đó chính là “khai ngộ” vậy!
Trong cuộc sống thường ngày, có rất nhiều vấn đề cần chúng ta hiểu. Tại sao ăn cơm rồi thì sẽ no? Tại sao uống trà có thể giải khát? Tại sao quần áo có thể giữ ấm? Tại sao nói lời hay thì người khác hoan hỷ? Nếu bạn có thể hiểu rõ, thông đạt và thấu triệt những vấn đề ấy, thì trí tuệ của bạn sẽ dần khai mở, tỏ ngộ.
Đối với mỗi một vấn đề đều cần chúng ta phải có cái nhìn toàn diện nhiều mặt, nhìn cả mặt chính và mặt trái của vấn đề. Khi bạn chấp nhận hướng đó là Đông thì cũng nên hiểu rằng đối diện với nó là hướng Tây. Khi bạn chán ghét cái giá buốt ghê người của mùa đông thì hãy nhớ đến ánh nắng ấm áp và mùi thơm cỏ mới nhẹ nhàng, thoang thoảng của mùa xuân. Bạn hãy trân trọng khi tận hưởng cái mát mẻ và bầu không gian lãng mạn của mùa thu vì biết rằng khoảnh khắc này khó có được lúc hè về oi bức. Nếu bạn nghĩ rằng bản thân có thể nghe một biết mười, biết một là biết tất cả, thì bạn rất dễ mắc phải sai lầm, bởi cái bạn biết đó mới chỉ như “người mù sờ voi” mà thôi. Nhưng bạn cũng không thể chỉ biết một mà không biết hai, chấp mê bất ngộ, vì lằn ranh giữa mê và ngộ chỉ ở trong một ý niệm.
Thiền môn không phải dạy người tham thiền thành Phật, mà muốn người tham thiền để khai ngộ, mở mắt trí tuệ. Một khi đã có tuệ nhãn thì trên hành trình cuộc đời, sông núi, hoa cỏ đều sẽ cùng bạn đi về phía trước.
Khi đã khai ngộ rồi thì đối diện với vũ trụ vạn vật, tâm bạn sẽ giống như tấm gương tự nhiên soi tỏ tất cả. Tâm tỏ ngộ rồi thì bạn thấu rõ vạn vật cả về hình tướng bề ngoài và bản chất bên trong; biết được nguồn gốc của vũ trụ thế gian, mối liên hệ qua lại của vạn vật cũng như vẻ đẹp kỳ diệu của nó.