Dùng kế chính là dùng mưu lược, kế sách tính toán. Nói đến dùng mưu kế thì trong lịch sử Trung Quốc “tam thập lục kế” là nổi tiếng nhất người người đều biết. Trong cuộc đấu tranh thời kỳ Tam Quốc “Ngụy - Thục - Ngô” Gia Cát Lượng có kế “Thất cầm Mạnh Hoạch” tức là muốn bắt thì phải thả; kế “Xảo đoạt Kinh châu” của Lã Mông là kế thứ 8 trong 36 kế, chọn cách thức tấn công mà không ai nghĩ tới; Tào Tháo có “Hỏa thiêu Ô Sào”, chính là kế rút củi đáy nồi, đánh vào hậu cần tiêu hao lương thực của quân địch; Chu Du dùng “Mỹ nhân kế” đối với Lưu Bị, nào ngờ khiến cho Tôn Quyền mất cả chì lẫn chài.
Ngoài ra, từ xưa đến nay, giống như Châu Á Phu có thể bình loạn 7 nước, bởi ông dùng kế “Dương Đông kích Tây”; Tần Thủy Hoàng có thể thống nhất thiên hạ chính là nhờ dùng kế “Viễn giao cận công” tức là xa thì kết giao, gần thì dùng vũ lực; Triều Mãn Thanh có thể đoạt được giang sơn nhà Minh là bởi vì dùng kế “Thuận thủ khiên dê” tức là thuận tay bắt dê, tranh thủ nắm lấy cơ hội ngay khi có thể.
Dùng kế chính là khiến đối phương bị lừa, bản thân hoặc tập thể được lợi. Cho nên trong lịch sử có biết bao nhiêu các nhà kế sách, chuyên gia mưu lược có thể ung dung, bình thản dạo chơi không lo sống chết bên cạnh các vương hầu, như Tô Tần, Trương Nghi,... Những nhà mưu lược này lập ra trăm phương ngàn kế để khắc chế kẻ địch. Dù các kế sách có là diệu kế, gian kế hay nguy kế thì cũng đều là những cách thức lập ra để dụ kẻ địch trúng kế.
Mưu kế không chỉ dùng trong chiến tranh mà còn được dùng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Giống như bầu cử dân chủ, các chiến thuật và chiến lược vận động tranh cử, không nằm ngoài mục đích muốn có được sự bầu chọn. Người làm ăn kinh doanh dùng các kế hoạch quảng bá sản phẩm nhằm mục đích thúc đẩy cơ hội kinh doanh.
Trong xã hội, có nhiều người lập ra kế hoạch, tính toán các khoản chi tiêu hợp lý để đảm bảo cuộc sống của họ và gia đình. Đôi lúc giữa bạn bè với nhau, cũng có những người chẳng thật lòng, dùng kế sách đối đãi với người thân thiết bên cạnh mình để kiếm lợi; có người lại dùng kế hoãn binh, tương kế tựu kế,... tất cả đều là chiêu trò vì mục đích nhất định nào đó. Tóm lại, không phân biệt việc quan trọng hay không, không phân biệt người lớn hay nhỏ, chúng ta luôn phải có kế hoạch, tính toán mọi công việc để đạt được mục tiêu mong muốn.
Kỳ thực, dùng kế không có gì là không tốt. Chẳng hạn, biết cách phân bổ thời gian gọi là “kế thời”; khi thực hiện một công việc nào đó thì đề ra phương án một, phương án hai, phương án ba, được gọi là “kế hoạch”. Mọi sự trên đời đều có nhân quả, cho nên làm việc gì chúng ta cũng phải biết tính toán thận trọng. Khi gian nan, khốn khó không thể không nghĩ cách vượt lên nghịch cảnh, vì xã hội và thế hệ tương lai mà có kế hoạch phát triển lâu dài. Cũng vậy, muốn bảo vệ môi trường cũng cần xây dựng kế hoạch trăm năm. Cũng có thể nói “kế” là kết tinh của lý tưởng, của trí tuệ con người. Con người muốn sinh tồn trong cuộc đời thì cần nghĩ đến cách tạo ra năng lượng hạnh phúc, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho chính bản thân và mọi người xung quanh.
Ngày nay, bất luận việc gì cũng đều cần tính toán, như kế hoạch hóa gia đình, kế hoạch giáo dục, kế hoạch thu chi,… Có câu: “Kế hoạch một năm bắt đầu từ mùa xuân, kế hoạch một ngày bắt đầu từ sáng sớm, kế hoạch một đời bắt đầu từ sự lao động chăm chỉ”. Cho nên, bản thân mỗi người đều phải hoạch định hướng đi của cuộc đời mình một cách cẩn thận trên tinh thần vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì sự phát triển của xã hội và lợi ích cho mọi người sống xung quanh mình. Làm được như vậy cũng chính là góp phần hoàn thiện kế hoạch lớn của đất nước, là cống hiến của bản thân đối với quốc gia.