Những người được ghi danh trong lịch sử phần lớn đều là những người đáng kính và giàu “đức hy sinh”. Có người hy sinh tình cảm vợ chồng để ra đi bảo vệ đất nước, như nhà cách mạng Lâm Giác Dân, một trong 72 liệt sĩ được tưởng niệm ở công viên Hoàng Hoa Cương. Có người hy sinh gia sản, gia đình và trở thành anh hùng cứu nước, như Dương Tú Thanh thời cai trị của Thái Bình Thiên Quốc. Đất nước Myanmar có bà Aung San Suu Kyi đấu tranh vì tự do và dân chủ, cho nên bị lao ngục nhiều năm. Ấn Độ có ngài Gandhi cũng vì nền độc lập của đất nước, mà bản thân phải chịu cảnh ngục tù thời gian dài, thậm chí bị thương Ngài cũng không từ bỏ ý định lập lại hòa bình cho nhân dân.
Tuy nhiên, chúng ta cần phân định rõ việc hy sinh có ý nghĩa và hy sinh vô nghĩa. Có những bậc cha mẹ tình nguyện hy sinh từ bỏ mọi ước mơ riêng mình để dành tất cả tình thương và điều kiện tốt nhất cho con cái. Nhưng vô tình sự dung dưỡng nuông chiều của cha mẹ đã biến con cái mình thành kẻ ăn chơi trác táng, thành tội phạm xã hội, đây là một sự hy sinh vô nghĩa. Trong lịch sử cũng có những ngu trung như Nhạc Phi, mặc dù anh tài, dũng mãnh nhưng do Tần Cối hãm hại mà hy sinh một cách vô ích, không đem lại giá trị gì. Nếu như bản thân ông ta xem việc cứu nước là trách nhiệm của mình thì sự hy sinh đó của ông ta mới thực sự có ý nghĩa.
Có người hy sinh sự hưởng thụ của bản thân vì mục đích cao cả, bên cạnh đó cũng có người được hưởng thụ kết quả từ sự hy sinh của người khác. Thông thường, đàn ông hy sinh vì những thứ lớn lao của quốc gia xã hội, trong khi đó người phụ nữ thì hy sinh tất cả vì chồng con, vì gia đình. Cho nên, chúng ta thấy đàn ông xem đại cục quốc gia làm trọng còn phụ nữ thì xem gia đình làm trọng.
Trước đây, Nhật Bản có đội cảm tử Thần Phong lái máy bay tự sát, họ rất mạnh mẽ, anh dũng hy sinh nhưng rốt cuộc chẳng mang lại lợi ích gì cho nhân loại. Điều đó chỉ là thỏa mãn dã tâm của thiểu số những kẻ xâm lược, không đáng để được ca tụng. Bên cạnh đó có những người nhìn thấy người đuối nước, dù bản thân không biết bơi cũng dũng cảm nhảy xuống cứu người mà mất mạng. Hành động này lại thể hiện được tình người cao đẹp.
Có những doanh nghiệp vì lợi ích của quốc gia, thà rằng hy sinh rất nhiều cơ hội kiếm tiền cũng không làm nguy hại đến đất nước. Nhưng cũng có rất nhiều thương gia bất lương, đầu cơ tích trữ, thao túng vật giá, gây nên sự đại loạn tài chính xã hội. Họ chỉ mưu cầu lợi ích riêng “bứt cọng lông để làm lợi thiên hạ, họ cũng nhất quyết không làm”. Có câu chuyện kể rằng, khi con khỉ yêu cầu Diêm La Vương cho nó đầu thai làm người, Diêm La Vương nói: “Bản thân ngươi thấy bứt lông rất đau nên một cọng cũng không bứt. Sự hy sinh nhỏ bé như thế ngươi còn không làm được thì thử hỏi làm sao có thể làm người được đây?”
Làm người phải biết hy sinh cái tôi nhỏ bé cá nhân, thậm chí hy sinh cả sinh mạng để thành tựu đại cuộc. Đây là tinh thần vĩ đại được lưu danh sử sách ngàn đời, là gương sáng để nhiều thế hệ hậu học noi theo.