Biển là một thế giới huyền bí, rộng lớn và thâm sâu vô tận. Không ai biết được độ sâu rộng của biển, lại càng không thể biết được những kho báu tiềm ẩn trong lòng biển như thế nào và công năng của biển ra sao. Trong cuộc sống, con người thường sử dụng “biển” là hình ảnh biểu tượng để so sánh, ẩn dụ cho các vấn đề. Ví dụ: sống quá đau khổ thì than thở “biển khổ vô bờ”; tìm người không gặp thì cảm thấy “biển người mênh mông” không biết tìm nơi đâu; người đi học thì ngậm ngùi “biển học vô bờ mà đời người thì có hạn”. Thậm chí, có người cho rằng “huyết hải thâm thù” là mối thù lớn sâu như biển, luôn mong muốn báo thù, rửa hận.
Sự bao la của biển tượng trưng cho sự vững chắc, vĩnh cửu và niềm hy vọng vô tận của con người. Có lẽ vì thế mà các cặp tình nhân hay sử dụng hình ảnh “biển cạn đá mòn” để thể hiện lòng chung thủy, không bao giờ thay đổi. Nếu như xảy ra tranh chấp gay gắt, thì người ta luôn khuyên rằng nên “lùi một bước biển rộng trời cao”; “thành quách trên biển” là để chỉ cho ảo giác của con người, là huyễn cảnh không có thật; “mò trăng đáy biển” chỉ cho những điều giả dối lừa người, mang đến những niềm hy vọng hão huyền; “hải lãng thao thiên” (sóng dâng ngất trời) biểu thị nước biển vô tình, sức nước dâng cao vô cùng nguy hiểm; “mò kim đáy biển” được dùng để chỉ cho các sự việc rất khó làm; “góc biển chân trời” để chỉ cho hành trình vạn dặm xa xôi, một khi chia tay khó có cơ hội gặp lại.
Ngày nay, mặc dù biết rằng thế giới rộng lớn, bao la nhưng vẫn có một số người luôn mong muốn có thể khống chế, kiểm soát vùng trời, vùng biển. Họ không nhận thức được rằng biển không phải thuộc sở hữu của riêng ai, cũng không tôn trọng những nguyên tắc công bằng trong luật biển, dẫn đến làm nảy sinh các mâu thuẫn, tranh chấp trên vùng biển quốc tế.
Trong Kinh điển nhà Phật cũng thường dùng hình ảnh biển để giải thích ý nghĩa của giáo pháp. “Tâm như biển lớn vô cùng tận, trồng khắp hoa sen độ người đời” hay “trăm sông đổ về biển lớn cũng chỉ cùng một vị mặn mà thôi”. Nước nơi sông ngòi dù có đục bẩn, ô nhiễm đến đâu thì một khi đổ về biển cả cũng không thể làm mất đi sự thanh tịnh, trong sạch của biển. Vì thế, nhân cách của một người nếu không thể cao như núi thì phải rộng như biển.
Người học đạo luôn hy vọng thâm nhập Tam tạng kinh điển để có được trí tuệ rộng sâu như biển. Phật giáo gọi Tam tạng kinh điển là “Tạng hải”, cũng có lúc so sánh lòng người với biển nên gọi là “tâm lượng như biển”. Khi nói lòng người như biển có nghĩa là nói chúng ta cần mở rộng tấm lòng bao dung, độ lượng như biển sâu.
Trên thế gian, không ít người có tâm lượng hết sức hẹp hòi, ích kỷ và nhỏ nhen. Bởi vậy tâm họ chẳng thế nào dung chứa nổi bất cứ một điều gì mà họ không vừa ý. Thậm chí đối với những người thân trong gia đình, họ cũng sẵn sàng trở mặt vô tình nếu ai đó làm ảnh hưởng đến dù chỉ là một chút lợi ích của họ. Giống như sức chứa của bao diêm chỉ có hạn mức, nếu chúng ta cố thêm một vài que diêm nữa thì nó sẽ không vừa; tuýp kem đánh răng, chỉ cần thêm vài ounce thì sẽ bị bung vỡ. Người có tâm lượng hẹp hòi sẽ không thể chứa đựng Phật pháp thậm thâm vi diệu. Ngay đến cả gia quyến thân thuộc cũng chẳng phải đối tượng được họ quan tâm. Cho nên Phật pháp càng không thể nào tồn tại trong cuộc sống của họ.
Trong cuộc sống, có người tâm lượng như biển nhưng cũng có người tâm lượng hẹp hòi. Tâm lượng của chúng ta càng lớn thì dung nhiếp được càng nhiều, cuộc đời càng vĩ đại. Vì thế, đối với người học Phật, nếu tâm mình không cởi mở, bao dung rộng lớn như biển, tâm không thể dung nhiếp được vạn hữu, thì sẽ không bao giờ có được lợi ích của Phật pháp.