Đời người có một nửa cuộc đời còn đang ở phía trước và một nửa cuộc đời đã trải qua, trở thành quá khứ, dĩ vãng. Cũng như vậy, một con người không chỉ có cuộc sống vật chất có thể nhìn thấy ở bên ngoài mà còn có thế giới tinh thần ẩn giấu bên trong. Vì thế, để trọn vẹn một kiếp sống, mỗi người chúng ta đối nhân xử thế đều phải có trước có sau, đối với người ứng với đời phải có thứ tự trên dưới; đồng thời phải tự trau dồi cho bản thân đạt thông kim cổ.
Người thế gian phần nhiều đều coi trọng sở hữu vật chất bên ngoài, mà không biết khai thác kho báu giàu có, phong phú ở trong tâm hồn mình. Nhà cửa, ruộng vườn có thể bị động đất phá hoại; của cải vật chất có thể bị năm nhà lấy mất (năm nhà là chỉ cho: người có quyền tước, trộm cướp, hỏa hoạn, thiên tai, con cái hư đốn). Chỉ có tâm hồn kiên định, tinh thần vững vàng, luôn tin vào tương lai mới có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Người xưa cho rằng, ai coi trọng tu dưỡng ở nội tâm thì có thể thành Thánh; ai coi trọng sự phát triển của ngoại cảnh thì có thể thành Vương. Nội thánh ngoại vương chính là cần chúng ta chú trọng tu dưỡng đạo đức bên trong tâm hồn và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bên ngoài vậy. Học thuật và đức hạnh đầy đủ, hiểu được nội tâm thì mới thấy biết được ngoại cảnh, thấu được lòng người. Một con người mà thiếu một trong hai yếu tố đó thì sự - lý không vẹn toàn, cũng là một khiếm khuyết rất lớn.
Trong gia đình, vợ con, anh em, cháu chắt, ông bà, thân bằng quyến thuộc, họ hàng hai bên nội ngoại... khi quan hệ qua lại đôi bên thân thiết, tình cảm, giúp đỡ lẫn nhau, thì sẽ làm cho sự gắn kết thâm tình của gia đình, dòng tộc ngày càng lớn mạnh.
Một người chỉ có vẻ đẹp tâm hồn thôi thì vẫn chưa đủ, mà còn cần có kiến thức, có sự hiểu biết sâu rộng. Vì vậy, nếu bạn đã có được tài sản vật chất thì bạn cần phải trau dồi thêm lòng từ bi trong tâm hồn; nội chính, ngoại giao đôi bên tương trợ mới có thể bổ sung đầy đủ cho nhau.
Xưa kia, võ tướng luyện cả nội công và ngoại công; thầy thuốc chữa bệnh có nội khoa và ngoại khoa; thuốc bệnh thì có cả thuốc uống và thuốc thoa bên ngoài; người kinh doanh thì có nội thương và ngoại thương1. Những thứ nội ngoại, trong ngoài ấy đều không đáng sợ bằng việc lòng dân bất ổn, đất nước có nội chiến; bởi vì khi đó cả trong lẫn ngoài đất nước đều đang bất an.
1 Nội thương: là ngành làm nhiệm vụ trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong một nước; góp phần đẩy mạnh chuyên môn hóa sản xuất của vùng, phục vụ nhu cầu cá nhân trong xã hội.
Ngoại thương: là ngành làm nhiệm vụ trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các quốc gia; góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, thúc đẩy phân công lao động đất nước.
Các bậc tiền bối xưa nay khuyên chúng ta trong cuộc sống phải “ngoài tròn trong vuông”, “ngoài mềm trong cứng”. Tuy nhiên, tất cả những lời khuyên đó đều có phần thiên lệch, bởi vì thực tế cho thấy, lời khuyên đúng nhất phải là “vuông tròn đều đủ”. Khi cần cứng thì phải cứng, khi cần mềm thì phải mềm, khi cần vuông thì phải vuông, khi cần tròn thì phải tròn, làm người phải biết tiến biết lùi, biết nắm biết buông, có như vậy mới không mắc sai lầm.
Chúng ta thường nghe: Trong nước và nước ngoài, trong nhà và ngoài ngõ, nội tâm và ngoại cảnh… Còn nếu nói: “Ngoài cứng trong mềm” vậy tức là trong lo ngoài sợ, trong ngoài đã phát sinh vấn đề rồi. Cho nên mới có câu: “Con người nếu không biết tự nhìn lại bản thân thì họa ắt sẽ đến”. Mỗi người cần cân nhắc lại việc làm của chính mình cũng như xét ngoại cảnh bên ngoài đưa đến, có như thế mới không phạm sai lầm.
Hoàng đế Khang Hy triều nhà Thanh, sau một ngày thị sát ở Vạn Lý Trường Thành, chỉ thị rằng: “Trường Thành không cần xây nữa!” Ông nói: “Tường thành dài đến mấy, cao đến mấy, kiên cố đến mấy, chẳng phải người Mãn ở ngoài thành vẫn chinh phục được người Hán đó sao? An toàn của quốc gia không phải dựa vào bức tường thành ở bên ngoài, mà là dựa vào sự anh minh của chính trị bên trong, sự đoàn kết của lòng người, mới có thể củng cố an ninh cho quốc gia”.
Phật môn thường nói, ngoài những lời Đức Phật dạy thì đều là “ngoại đạo”. Đây không phải là phỉ báng, mà bởi vì Phật giáo tự xưng là “nội học”, cho nên ngoài Phật giáo thì chính là “ngoại đạo”. Cũng như vậy, nói “Tâm ngoại cầu đạo” cầu đạo bên ngoài cái tâm chỉ là ví dụ về phương pháp học tập, rèn luyện chứ không phải là lời phỉ báng. Hy vọng dù là người nội học hay ngoại đạo cũng đều có thể nội ngoại kiêm tu, điều đó càng đáng quý!