Muốn xây dựng một tòa nhà cao tầng, chúng ta phải làm móng cho tốt, cũng vậy khi trồng một cây xanh, cần chú ý bộ rễ phải khỏe mạnh, chắc chắn. Thời nhà Đường, Quách Thác Đà là một người rất khéo trồng cây. Ông trồng cây nào sống cây đó, thậm chí sớm ra hoa kết quả hơn so với người khác. Có người lấy làm lạ mới hỏi bí quyết trồng cây của ông là gì? Ông trả lời: “Chẳng qua là tôi thuận theo tập tính phát triển của cây mà thôi! Ví dụ, gốc cây cần có không gian để khuếch tán, cũng là để cho bộ rễ có thể thẩm thấu chất dinh dưỡng; bồi đất phải đều, kỹ càng. Khi trồng cây, chúng ta phải giữ nguyên phần đất cũ nơi bộ rễ; vun bùn lấp đất cho cây cần cẩn thận, nhẹ nhàng; sau khi trồng xong thì hạn chế động vào gốc cây, chỉ đơn giản vậy thôi!”
Khi nhìn thấy tường nhà bị nứt, nếu chúng ta chỉ sửa sang trên bề mặt các vết nứt, mà không chú ý đến nguyên nhân các vết nứt là do móng nhà đã yếu, thì quả thật vô ích! Sớm muộn tường nhà cũng xuất hiện các vết nứt khác, thậm chí còn có những chỗ hư hỏng, xuống cấp gây nguy hiểm hơn nữa. Cây cối hoa cỏ khô héo, mà chúng ta chỉ biết cắt tỉa cành lá, trong khi bộ rễ của chúng đã thối rữa, hoặc thiếu chất dinh dưỡng thì khó có thể khiến cây tươi tốt trở lại được.
Trong quá trình học tập cũng vậy, có những người chỉ chú trọng bề ngoài, mà không coi trọng nền tảng kiến thức cơ bản cần thiết. Có câu: “Cái gốc có vững chắc thì tương lai mới phát triển được”. Cho nên trong Lục tổ đàn kinh, Đại sư Huệ Năng nói: “Không nhận được bản tâm thì học pháp cũng vô ích”.
Thông thường, một cây có rễ không ăn sâu vào đất thì cho dù cành lá um tùm, cũng không thể chịu nổi gió mưa, sương tuyết, rất dễ đổ ngã. Trái lại, cây có rễ dài, ăn sâu vào lòng đất, thì có thể đứng vững vàng hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm vẫn trường tồn với thời gian.
Học tập nghiên cứu cũng tốt, kinh doanh thương mại cũng tốt, tín ngưỡng tôn giáo cũng tốt,... Nhưng nếu chúng ta chỉ muốn nhanh chóng có được thành tựu mà lại không coi trọng việc xây dựng một nền tảng vững chắc, thì rất khó đạt được thành công. Bởi vậy mà, người mới học Phật trước tiên cần tu “Tứ gia hạnh”, tức là: Lễ Phật một trăm nghìn lễ, bố thí một trăm nghìn lần, tụng tâm chú một trăm nghìn biến, vấn đạo một trăm nghìn lần. Nếu như nền tảng cơ bản là “Tứ gia hạnh” không vững, công phu tu dưỡng không đủ thì cho dù bạn học hết tất cả các pháp môn, cũng đều là phù phiếm không thực, không thể đạt được thành tựu.
Tại Phật Quang Sơn, khi tổ chức lễ xuống tóc, đệ tử nhập môn được dạy rằng: “Trong mười năm không tự ý đi ra ngoài, an trụ một chỗ để tư duy tỏ tường các pháp”. Mục đích của việc này là để cho người mới nhập môn học theo hạnh của Đức Phật, nhiều năm chuyên tâm tu dưỡng, tư duy thiền định mới có thể đại triệt đại ngộ.
Mỗi quốc gia đều lấy “Thủ đô” làm trung tâm hành chính của đất nước, là cơ quan đầu não của quốc gia, nơi thể hiện nền tảng phát triển, trình độ dân trí của đất nước đó. Một tôn giáo cũng có “Bổn sơn” là nơi phát xuất, là gốc phát triển ra tôn giáo đó, hay nói cách khác là trung tâm của một tôn giáo. Các vương triều cổ đại chủ yếu lấy đạo đức Nho giáo làm nền tảng quản lý đất nước, coi “Lễ - nghĩa - liêm - sỉ” là giềng mối, kỷ cương của đất nước. Cho nên, một khi kỷ cương, phép tắc không vững chắc thì quốc gia diệt vong. Nhưng hiện nay, có một số người ít quan tâm đến nhân cách đạo đức, chỉ chú trọng phát triển kinh tế, khiến cho xã hội đâu đâu cũng có những kẻ tham tài cầu lợi. Hoặc có nhà lãnh đạo chỉ chú trọng phương diện quốc phòng, coi trọng nghiên cứu phát triển vũ khí, khiến làn gió hiếu chiến thị uy ngập tràn cả xã hội.
Những năm gần đây, tuy một vài vị lãnh đạo có tầm nhìn xa, nhận thấy giáo dục mới là cái gốc của đất nước. Nhưng các vị đó lại không tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có trình độ, cũng không biên soạn sách giáo khoa phù hợp, không đề xướng quân bình “đức, trí, thể, mỹ và giáo dục tình đoàn kết”. Họ căn bản mới chỉ bắt đầu công việc như khi nhức đầu thì trị nhức đầu, đau chân thì trị đau chân. Một khi nền tảng quốc gia không được xây dựng vững chắc thì học thuật, đạo đức làm sao có thể phát triển?
Xã hội ngày nay thịnh hành các lớp cấp tốc, không giống như xưa kia coi trọng “mười năm đèn sách”, “mười năm trồng cây”, “mười năm bồi dưỡng thực lực”. Một người học hỏi “cái tốt” phải cần hơn mười năm mới có thể liễu ngộ tỏ tường, nhưng học “cái xấu” thì chỉ cần ba ngày. Vì thế, cha mẹ nên bắt đầu giáo dục con cái ngay từ lúc mới lọt lòng, khi còn nằm nôi, đây là công việc căn bản quan trọng và thiết yếu. Có không ít người tầm nhìn hạn hẹp, vì mục đích kiếm tiền mà trồng cây cau ở nơi sườn núi. Cây cau gốc vốn nông, rễ không ăn sâu vào đất nên không có khả năng giữ được đất khỏi sạt lở, không thể cản được nước lũ gây xói mòn. Điều này làm nguy hại cả tài sản lẫn sinh mạng, quả thực là “lợi bất cập hại”.
Michael Jordan được mọi người tôn xưng là “Thần bóng rổ”, có người hỏi anh ta làm sao có được kỹ thuật tuyệt đỉnh như vậy? Anh ta nói: “Bởi vì tôi chú ý luyện tập những động tác cơ bản nhất. Cũng như người luyện võ công cần phải chú trọng những động tác căn bản đầu tiên từ đứng tấn v.v.” Như vậy, vận động viên của bất kỳ một môn thể thao nào cũng cần phải nắm chắc những động tác cơ bản nền tảng từ ban đầu, thì sau mới có thể thành thục và phát huy năng lực được”.
Trong Tây du ký, Tôn Ngộ Không nếu chưa từng trải qua những bước khổ luyện nghiêm khắc, nhẫn nại không nản, từ đứng tấn, luyện công, ngâm mình trong nước v.v. thì thử hỏi làm sao đạt đến thần thông quảng đại. Cũng vậy, một cái cây mà gốc rễ không vững vàng kiên cố, thì làm sao cành lá có thể sinh trưởng tốt tươi!