Từ xưa đến nay, Trung Quốc luôn tự xưng là “Đất nước lễ nghĩa”. Nếu nhân dân của một quốc gia xem trọng lễ nghĩa, thì quốc gia đó mới có được “quốc thái dân an”. Nếu nhân dân không xem trọng hoặc không có lễ nghĩa, thì lớn nhỏ bất phân, đạo đức bại hoại, xã hội mất đi trật tự, đó cũng chính là căn nguyên khiến cho quốc gia đại loạn.
Chu Công sở dĩ được hậu nhân tôn xưng là bậc Thánh hiền, bởi vì ông chế định Lễ nhạc, thiết lập chuẩn mực về quan hệ giữa người với người. Phàm những gì hợp với lễ thì đều có đạo lý; việc gì không hợp với lễ thì cũng không thể gọi là có đạo lý được.
Có người dùng sự cúi lạy tôn kính để hành lễ; có người dùng những lời khen ngợi hoặc ca tụng mà thể hiện lễ. Có người dùng vật chất để thể hiện sự cung kính; có người sử dụng tiền bạc, lời chúc phúc như sự thể hiện của lễ nghĩa với người kia. Có người chăm chú nhìn người khác nói làm lễ, có người nâng súng lên làm lễ, có người giơ tay chào hoặc bắt tay chào hỏi để làm lễ… Mặc dù giữa người với người trên khắp thế giới có cách thể hiện cái “Lễ” khác nhau, song nghĩa lý thì không có gì khác biệt.
Ngày nay, các quốc gia trên thế giới đều có cách thức biểu đạt “Lễ” riêng. Ví như quân nhân dùng cách đứng nghiêm làm lễ; xã hội phương Tây thường dùng cái bắt tay lịch sự, cái ôm thân tình làm lễ. Phật giáo thì chắp hai tay để thể hiện lễ, học sinh cúi chào làm lễ. Tóm lại, “Lễ” được xuất phát từ tâm cung kính, chỉ cần bản thân mỗi người dùng tâm chân thành cung kính, giữ gìn lễ nghĩa khi qua lại giao thiệp với nhau thì nhất định sẽ có được sự an hòa tại chốn nhân gian.
Xã hội hiện đại đề cao tự do dân chủ, và cũng đặc biệt đề cao “Lễ”. Chẳng hạn, các hãng hàng không đều có chủ trương “hành khách là trên hết”. Họ coi trọng giá trị của lễ, dùng lễ để tiếp đón và phục vụ hành khách. Họ muốn khiến cho hành khách cảm thấy hài lòng và tiếp tục lựa chọn các chuyến bay tiếp theo. Ngay cả trong lĩnh vực thông tin truyền thông cũng như vậy, mặc dù coi trọng tự do ngôn luận nhưng cũng không vì thế bỏ qua “Lễ”; bởi vì tôn trọng tự do cũng có nghĩa là các thông tin đưa ra phải chân thật, chính xác và chính thống.
Khổng Tử nói: “Cái gì không đúng lễ thì không xem, không hợp lễ thì không nói, không theo lễ thì không nghe”. Tuy nhiên xã hội ngày nay, sự phát triển tràn lan của các thông tin xấu, gây nhiễu đã vô tình làm nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân bị chệch hướng. Người dân thích đọc, xem, nghe những điều trái ngược với “Lễ”. Hay nói cách khác, những điều càng không hợp “Lễ” thì càng dễ thu hút sự tò mò của mọi người. Người xưa có câu: “Tiên lễ hậu binh”. Cũng giống vậy trong các trò chơi như bóng rổ chẳng hạn, trước khi thi đấu các cầu thủ bắt tay nhau như một lời chào hỏi; hay đối với các môn Taekwondo, Karate,… trước khi các vận động viên thi đấu cũng phải cúi mình chào sân, sau đó mới bắt đầu tỷ thí cao thấp.
Trong cuộc sống, vợ chồng cần “kính trọng nhau như thượng khách”; anh em thì phải “anh nói em nghe”; cha con phải “trên từ ái dưới kính trọng”; bạn bè “khiêm cung lễ nhượng”; hàng xóm “quan tâm, tương trợ”,… Tất cả những điều này đều được gọi là “Lễ”. Đồng thời cũng cho chúng ta thấy rằng, Lễ đã trở thành nguyên tắc cư xử, nguyên tắc sống giữa người với người trong cuộc đời vậy.
Lễ giúp duy trì luân lý đạo đức, duy trì trật tự xã hội. Lễ thành tựu tôn nghiêm cho con người… Lễ luôn tồn tại và hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta. Tuy có câu: “Lễ nhiều thì người khác không trách” nhưng nếu lễ nghĩa quá nhiều, quá rườm rà thì lại không cần thiết, không phù hợp. Lễ tiết vừa đủ là điều mà thời đại ngày nay cần phải chú ý coi trọng.