Cuộc chiến sinh tồn
Ngành công nghiệp ngọc trai đã từng là trụ cột kinh tế của các quốc gia vùng Vịnh nói chung và Dubai nói riêng. Phần lớn người dân của khu vực đã tham gia vào thu hoạch ngọc trai hoặc có nghề nghiệp liên quan đến việc buôn bán ngọc trai. Buôn bán ngọc trai đã thịnh vượng ở Dubai đến mức biến Dubai trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn cho mặt hàng quý hiếm này.
Mặc dù mò ngọc trai đã mang lại một số lợi ích cho dân cư khu vực, nhưng nó cũng ẩn chứa những khó khăn và sự đau đớn vô cùng. Người mò ngọc trai và thủy thủ là những người phải chịu đựng nhiều nhất. Nó không khác gì một cuộc chiến tàn bạo để giành giật lấy cuộc sống cho gia đình họ. Nhưng người dân của khu vực vẫn kiên định với cuộc chiến khắc nghiệt này để tồn tại và chịu đựng mọi tai họa không chút do dự.
Khi những công dân trẻ của vùng Vịnh ngày nay nghe những câu chuyện về những gì mà cha hay ông của họ đã phải trải qua để tồn tại, họ nghĩ rằng đó là những truyền thuyết. Họ không thể tin rằng những câu chuyện đó là thật bởi vì ngày nay họ có tất cả nền văn minh xa hoa và hiện đại. Họ không thể tưởng tượng bất cứ thứ gì khác. Tôi còn nhớ rõ mình đã xúc động sâu sắc thế nào khi nghe kể về sự cực khổ của những người mò ngọc trai. Chúng ta phải nhớ đến họ với lòng biết ơn, sự cảm kích và lòng tự hào vì là hậu thế của những con người tuyệt vời này – những con người đã vượt qua được những thử thách khổng lồ.
Khủng hoảng ngọc trai
Theo lịch sử, khu vực vùng Vịnh, bao gồm cả vùng mà ngày nay được biết tới là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, đã giữ một vị trí quan trọng trong thương mại thế giới, như là một điểm trung chuyển quan trọng cho hàng hóa đường biển và các đoàn bộ hành qua sa mạc.
Những nhà lãnh đạo Dubai đã cống hiến cho sự ổn định của tiểu quốc và sự thịnh vượng thương mại bằng cách mở cửa cho các thương gia, chủ doanh nghiệp nước ngoài và cung cấp cho họ nhiều cơ sở thiết bị. Chính sách khôn ngoan này đã mang lại kết quả. Nó tác động tích cực đến nền kinh tế tiểu quốc và mang lại vị trí thống trị thương mại trong khu vực cho Dubai.
Sự nổi lên trong thương mại ngọc trai đã mang lại sự thịnh vượng cho nền kinh tế Dubai và biến tiểu quốc trở thành một trung tâm quan trọng cho việc cung cấp và buôn bán ngọc trai. Cũng vì thế, Dubai đương nhiên phải hứng chịu nhiều hơn tất cả các quốc gia vùng Vịnh khác trước sự suy sụp nhu cầu ngọc trai tự nhiên. Đây là hệ quả của cuộc đại khủng hoảng trên toàn thế giới trong những năm đầu thập niên 1930, cùng với nó là việc xuất hiện ngọc trai nuôi Nhật Bản rẻ hơn trong khoảng thời gian này. Người dân trong khắp khu vực đã phải hứng chịu việc mất đi nguồn thu nhập lớn và thương mại khu vực đã suy sụp mạnh.
Do cuộc đại khủng hoảng, thương mại thế giới cũng đã giảm hơn một nửa giá trị so với trước khi khủng hoảng xảy ra và kinh tế toàn cầu đã sụt giảm tới mức gần như suy vong. Các nhà máy đóng cửa trên khắp thế giới và hàng trăm nghìn người đã mất việc.
Khi người dân không còn khả năng đảm bảo cho những nhu cầu tối thiểu thì hiển nhiên là họ không có khả năng cho những thứ xa hoa hơn. Nhu cầu toàn thế giới về các loại hàng hóa xa xỉ bao gồm ngọc trai tự nhiên từ vùng Vịnh đã giảm đáng kể. Một số quốc gia thậm chí đã cấm nhập khẩu tất cả hàng hóa xa xỉ vì sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ. Nhưng ngọn gió “chết người” nhất thổi vào ngọc trai vùng Vịnh là ngọc trai nuôi. Trong khi vẻ bên ngoài rất giống nhau, ngọc trai nuôi lại rẻ hơn rất nhiều so với ngọc trai thiên nhiên.
Với sự sụp đổ của trụ cột kinh tế vùng Vịnh, người dân ở Dubai và các quốc gia vùng Vịnh khác đã phải hứng chịu khủng hoảng kinh tế diện rộng. Khoảng thời gian những năm sau sự phá sản của thương mại ngọc trai là một trong những thử thách lớn nhất cho toàn khu vực và Dubai không phải là ngoại lệ. Người dân đã phụ thuộc nặng nề vào công nghiệp ngọc trai. Sự sụp đổ của nó đã dẫn tới việc phá sản hàng loạt và những khó khăn không kể xiết. Dân cư ở khu vực nói chung và ở Dubai nói riêng đã rất kiên cường, quen với các khó khăn và rất tin tưởng vào lòng nhân từ của Thánh Allah – cũng như tin vào chính họ – rằng họ có thể vượt qua khủng hoảng.
Một số thương nhân đã thành công trong việc chuyển đổi sang kinh doanh mặt hàng khác, còn những con thuyền đánh bắt ngọc trai thì đã được chuyển đổi thành tàu chở hàng và chở khách, trong khi những người mò ngọc trai thì cố gắng kiếm sống bằng nghề đánh cá, trồng trọt và những loại công việc chân tay khác. Dubai có nhiều thuận lợi hơn nhờ vị trí chiến lược của bến cảng tự nhiên - Creek(36) - và những chính sách kinh tế sáng suốt của các nhà lãnh đạo. Nhờ đó nó thu hút được nhiều tàu, thương gia và doanh nhân hơn những nơi khác. Như một con chim phượng hoàng bay lên từ đống tro tàn, nền kinh tế phụ thuộc ngọc trai đã vươn mình chuyển hóa sang tất cả các loại hình thương mại khác, cho phép tiểu quốc trở nên thịnh vượng một lần nữa và trở thành một trung tâm thương mại của vùng Vịnh.
(36) Dubai Creek hay Khor Dubai là con lạch biển nằm ở Dubai, UAE. Nó kéo dài đến Khu bảo tồn Ras Al Khor.
Tìm kiếm sự thay thế
Người ta nói rằng trong suốt lịch sử con người, các thành tựu là sản phẩm của giấc mơ và ý tưởng. Trong chương tiếp theo, tôi sẽ nỗ lực làm sáng tỏ mục tiêu của giấc mơ, tầm nhìn và ý tưởng đã định hình nên khu vực này cho đến giữa thế kỷ và cả tương lai sau đó.
Dubai được định hướng tăng cường đường biên cạnh tranh quốc tế. Chúng tôi thực sự có tính cạnh tranh, nhờ vị trí chiến lược Đông – Tây, cơ sở hạ tầng tối tân và nền kinh tế miễn thuế mang lại cho các nhà đầu tư chất lượng, chi phí hiệu quả và mức quan liêu tối thiểu.
Những ý tưởng kinh tế như vậy quả thực có vẻ hiện đại và nền kinh tế miễn thuế không phải là đi trước thời đại so với hiện tại, nhưng sẽ vẫn tồn tại ở tương lai gần. Bất kể mức độ tối tân và phát triển, đến nay nhiều nước đã thất bại trong việc đạt đến mô hình kinh tế cho phép họ cân nhắc bãi bỏ thuế. Nếu chúng ta muốn thực tế hơn, chúng ta cần phải thừa nhận rằng thuế đã trở thành điều gì đó của nền công nghiệp tự tồn tại ở nhiều quốc gia. Từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, nền công nghiệp này đã không ngừng phát triển và đến nay đã tạo ra tất cả các loại hệ thống và nguyên tắc, những thứ có ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống.
Một số hệ thống thuế trở nên phức tạp đến mức người phương Tây không thể hoàn thành kê khai thuế hàng năm nếu không có sự hỗ trợ của một người kế toán chuyên nghiệp. Nếu như ngày nay, nền kinh tế miễn thuế được xem là phát triển và đi trước thời đại, hãy xem xét xem ý tưởng kinh tế này là tân tiến như thế nào ở 100 năm trước?
Mặc dù tôi đang dùng thuật ngữ mới nhất khi viết về ý tưởng nền kinh tế miễn thuế hiện đại, đôi lúc tôi vẫn cảm thấy tôi chỉ nhắc lại ý tưởng mà Dubai đã biết một thế kỷ trước khi WTO được thành lập. Những ý tưởng như vậy là một trong những lý do quan trọng nhất cho sự nổi lên của Dubai trong phạm vi thương mại.
Năm 1902, tiếp theo sự tăng thuế qua vùng Vịnh ở đảo cảng Lingeh của người Ba Tư ở vùng Vịnh, Hoàng thân Maktoum bin Hasher(37), người lãnh đạo Dubai lúc bấy giờ, đã bãi bỏ tất cả thuế hải quan cho nhập khẩu. Và kết quả của chính sách tự do của Hoàng thân Maktoum là hàng hóa Ấn Độ tràn ngập cảng thành phố chỉ một thời gian ngắn sau đó và Dubai sớm trở thành trung tâm của vùng Vịnh cho hoạt động tái xuất khẩu sang các cảng láng giềng hay thị trường nội địa, như là Buraimi Oasis(38). Một số lượng lớn các thương gia vùng Vịnh nổi bật đã sớm di chuyển đến Dubai và xây dựng trụ sở chính cho khu vực ở nơi này.
Người thừa kế Hoàng thân Maktoum, ông tôi, Hoàng thân Saeed bin Maktoum(39), đã tiếp tục thông qua chính sách kinh tế mở cửa và tự do thương mại với mọi loại thuế, bao gồm cả những loại thuế đã được đặt ra trước đây đối với xuất khẩu ngọc trai, phân khúc thương mại lớn nhất từ trước đến nay. Điều đó đóng góp cho sự phát triển phồn thịnh của Dubai và cho phép thành phố trở thành một trong những trung tâm thương mại ngọc trai quan trọng nhất của khu vực.
(37) Hoàng thân Maktoum bin Hasher Al Maktoum là người lãnh đạo Dubai từ 1894 đến 1906.
(38) Buraimi Oasis hay Al Buraymi là một thị trấn ốc đảo ở phía đông bắc Oman, ở biên giới của UAE.
(39) Hoàng thân Saeed bin Maktoum Al Maktoum (sinh năm 1878) là người lãnh đạo Dubai từ 1912 đến 1958.
Mặc dù UAE là một trong những đối tượng hưởng lợi lớn nhất của ngành thương mại này ở khu vực vùng Vịnh, điều đó cũng đồng nghĩa với việc UAE là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự sụp đổ.
Dubai đã nuôi dưỡng nhiều hoạt động kinh tế khác trong thời gian đó, một phần lớn trong các hoạt động đó là các hoạt động liên quan đến việc phục vụ cho thương mại ngọc trai. Trong 17 năm từ khi bắt đầu cuộc đại khủng hoảng năm 1929 cho đến khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai năm 1945, tiểu quốc đã tìm kiếm những sự thay thế cho thương mại ngọc trai và đã bằng mọi cách nỗ lực duy trì nền kinh tế và cung cấp cho người dân những dịch vụ cơ bản.
Năm 1937, Hoàng thân Saeed đã ký thỏa thuận sở hữu duy nhất về khai thác dầu mỏ với Công ty Dầu khí Trucial States(40). Thỏa thuận với công ty liên kết với Công ty dầu Iraq, đã mất 20 tháng để thương lượng và trao quyền khai thác 75 năm đổi lại tiền thuê mỏ hàng năm là 30.000 rupi Ấn Độ.
(40) The Trucial States là tên cũ của khu vực hiện nay được biết đến với tên UAE. Thuật ngữ “Trucial” đề cập đến thỏa thuận ngừng bắn trên biển ký kết giữa Anh Quốc và những nhà lãnh đạo của khu vực trong thế kỷ 19.
Dubai đã hy vọng nhiều vào việc phát hiện ra dầu mỏ trên lãnh thổ, đặc biệt là khi công ty này hứa trả cho Chính phủ Dubai 200.000 rupi trong hai tháng để tìm ra dầu mỏ với khối lượng thương mại và 3 rupi với mỗi thùng dầu xuất khẩu. Thật không may, công ty này đã thất bại trong việc tìm ra dầu và phải từ bỏ những quyền lợi của mình.
Dubai không còn lựa chọn nào khác là phải quay lại tập trung vào thứ mà chúng tôi biết là tốt nhất: thương mại nói chung và tái xuất khẩu nói riêng. Các thương nhân thường nhập khẩu hàng hóa miễn thuế về Dubai với số lượng lớn và giá cả cạnh tranh sau đó tái xuất khẩu chúng với mức thuế 0% sang các thị trường trong khu vực. Vàng là mặt hàng được tái xuất khẩu nhiều nhất từ Dubai, đặc biệt là sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, và đã tăng nhanh khi nhiều quốc gia trong khu vực cấm nhập khẩu vàng vì lý do kinh tế.
Chính phủ Dubai đã hỗ trợ mạnh mẽ thương mại tái xuất bằng cách xây dựng một sân bay quốc tế hiện đại năm 1959 và mở rộng cũng như phát triển con lạch tự nhiên Creek, nơi đã và vẫn đang là một trong những nguồn lực kinh tế chủ chốt. Cùng với thời gian và với kinh nghiệm cũng như chuyên môn đã được tích lũy đầy đủ, Dubai đã trở thành một trong những trung tâm hàng đầu về tái xuất khẩu vàng và là nơi đặt trụ sở khu vực ưa chuộng của một số lượng lớn các ngân hàng cũng như công ty kinh doanh thứ kim loại quý hiếm này.
Ngợi khen và chỉ trích
Tôi đã từng chạy theo cha, bừng bừng tức giận khi nói với ông việc một số tờ báo đăng những câu chuyện sai sự thật về Dubai và đề xuất rằng, ông nên cấm việc bán những tờ báo này ở tiểu quốc. Cha tôi trấn an và giải thích, sẽ là tốt hơn khi chấp nhận những tờ báo đó lưu hành trong thành phố của chúng ta, và nếu những gì nó đăng là đúng, chúng ta xứng đáng bị chỉ trích, còn nếu không, sẽ không ai tin chúng. Tôi đã bị thuyết phục bởi sự khôn ngoan của cha và xác định sẽ không bao giờ cấm bất kỳ một sự xuất bản nào trong mọi hoàn cảnh.
Tôi thích thấy những chỉ trích có tính xây dựng trên báo chí hơn là sự ngợi ca. Mọi người đều biết về các thành tích và chúng tôi thực sự không cần một lời nhắc lại nào cả, nhưng khám phá ra sai lầm sẽ dẫn các quan chức và những người ra quyết định đến việc sửa sai và tránh mắc thêm sai lầm. Tôi không bao giờ cố gắng áp đặt hay hàm ý với báo chí điều gì họ nên viết và xuất bản, bởi vì các chuyên gia truyền thông biết công việc của họ rõ hơn tôi. Tuy nhiên, điều mà tôi luôn mong muốn là những chỉ trích phải đúng và xác thực với nội dung được đúc kết từ những nghiên cứu chuyên môn, không bắt nguồn từ những điều mơ hồ, tin đồn hay lời nói bóng gió.
Quay lại với tái xuất khẩu vàng, lời mở đầu này là cần thiết để khuyến dụ những ai đã nói hay đã hàm ý rằng Chính phủ Dubai từng khuyến khích buôn lậu vàng vào tiểu lục địa Ấn Độ. Những lý lẽ của họ là không có căn cứ. Điều thực sự đã xảy ra là vàng được nhập khẩu một cách hợp pháp vào tiểu quốc, theo thỏa thuận ký kết giữa các ngân hàng, công ty buôn bán vàng và các thương nhân địa phương, và cũng được tái xuất một cách hợp pháp. Vàng được quản lý như thế nào sau khi rời khỏi biên giới của tiểu quốc không phải là trách nhiệm của tiểu quốc.
Anh Quốc vẫn thuộc khối Trucial States cho đến năm 1971 và đã khảo sát những khiếu nại về buôn lậu vàng, nhưng họ chưa từng tìm thấy một lý lẽ nào để có thể dừng việc buôn bán vàng vì nó tuân theo tính hợp pháp của thương mại. Tuy nhiên dù cho chúng ta biết vai trò của vàng trong thương mại tái xuất của Dubai những năm 1950 và 1960 thì cũng cần phải nói rằng đó không phải là mặt hàng duy nhất được tái xuất khẩu từ các cảng Dubai lúc bấy giờ. Hàng trăm mặt hàng khác cũng đã được vận chuyển đến những quốc gia vùng Vịnh khác như Iran, Iraq, tiểu lục địa Ấn Độ và Tây Phi.
Mọi người cũng cần phải biết rằng thực tế bù lại cho Dubai sau sự sụp đổ của thương mại ngọc trai không phải là vàng lúc bấy giờ, không phải là dầu lửa sau này, cũng như không phải bất kỳ mặt hàng nào khác. Điều thực sự đã cứu tất cả là sự lo xa và tầm nhìn mà các nhà lãnh đạo Dubai đã đưa ra từ cuối thế kỷ 19.
Định hướng phát triển Dubai hiện nay không phải là chính sách mà chúng tôi chọn từ một danh sách các lựa chọn khác nhau sẵn có cho chúng tôi. Đó cũng không phải là chính sách mà trong quá khứ, cha tôi, ông tôi hay tổ tiên đã chọn ra từ những lựa chọn khác nhau. Đó là một phần trong toàn bộ hiến pháp của Dubai và nằm trong tâm trí của các nhà lãnh đạo. Đó là vũ khí hiệu quả nhất cho cuộc chiến sinh tồn của chúng tôi. Vì đó là quá khứ và sẽ là tương lai, đó cũng là sự lựa chọn duy nhất có khả năng chắc chắn về sự tiếp nối và sự phát triển của Dubai.
Phương pháp phát triển của chúng tôi là con đường duy nhất để tránh các tác động từ cú sốc kinh tế ở phía Đông và phía Tây. Đây là một phương pháp dựa trên nguyên lý tự do thương mại, thị trường mở và hệ thống kinh tế miễn thuế. Sự tương tác giữa những nguyên lý này với kỹ năng và chuyên môn cao của những thương nhân Dubai và sự hợp tác của tất cả mọi người dân là những nhân tố thực sự làm nên cơ hội tuyệt vời, đưa tiểu quốc trở thành điểm dẫn đầu về thương mại và kinh tế ở vùng Vịnh.
Dubai hiện đại
Không có một mốc thời gian cụ thể ấn định sự khởi đầu phát triển của Dubai hiện đại. Việc tìm kiếm các phương án thay thế cho ngành thương mại ngọc trai không còn tồn tại chưa bao giờ dừng lại, sự phát triển đã bắt đầu khi ông tôi qua đời và cha tôi lên nắm quyền năm 1958. Tuy nhiên, một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử hiện đại Dubai là việc nạo vét con lạch năm 1960.
Người Anh vẫn thường nói: “Chết đuối vớ được cọc”. Không một thuyền trưởng nào không mong đợi một cảng biển an toàn và vững chắc như Dubai Creek. Mười bốn kilômét đường biển này là một trong những bến cảng tự nhiên tốt nhất ở vùng Vịnh, nếu không phải là trên thế giới. Do đó, cũng là tự nhiên khi cảng Creek định hướng cho Dubai và trở thành nguồn gốc của sự tồn tại, khác biệt và tăng trưởng qua nhiều năm. Nơi đây đúng là trái tim và tâm hồn của Dubai – là lý do tồn tại của Dubai.
Cảng Creek là một bến cảng tuyệt vời cho những con thuyền nhỏ và vừa neo đậu dọc bên bờ, để dỡ xuống khoảng 300 tấn hàng và quay lại Ấn Độ hoặc Đông Phi và tiếp nhận mọi loại hàng hóa khác. Sự tăng vọt về vận chuyển hàng hóa sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, việc sử dụng những con thuyền buôn động cơ lớn đã buộc thuyền lớn phải neo đậu bên ngoài cảng Creek, vì bên trong cảng không thể chứa được mớn nước sâu của những con thuyền này. Sau đó hàng hóa sẽ được trung chuyển bằng sà lan có khả năng di chuyển đến vùng nước nông của Creek.
Sự bất lợi này đã làm chậm quá trình vận chuyển và tăng chi phí đến mức đã thúc giục cha tôi, thái tử của Dubai, tìm một phương án giải quyết. Năm 1954, ông đã ra lệnh nghiên cứu tính khả thi của việc nạo vét con lạch Creek. Vì chính phủ không thể tự tài trợ cho dự án, cha tôi đã thành lập một quỹ đặc biệt mà các ngân hàng địa phương đóng góp 200.000 bảng, trong khi Kuwait cho nợ 400.000 bảng.
Cảng Creek sau đó đã được nạo vét và trang bị hai bến neo đậu dài dọc theo bờ với một cây cầu nối với đất liền – Cầu Al Maktoum, thông tuyến năm 1963. Đồng thời, cha tôi, với niềm hy vọng ấp ủ về việc khám phá ra dầu mỏ, đã thành lập hai công ty để tìm kiếm dầu ở Tiểu quốc năm 1963. Hai công ty, Dầu khí Dubai và Công ty TNHH khai thác xa bờ Dubai, đã trở thành đối tác với một số công ty nước ngoài, cùng phân chia quyền lợi trong và ngoài nước.
Dầu thời bấy giờ được tìm thấy ở khu vực Fateh năm 1966. Ngoài ra, dầu còn được khai thác ở khu vực Tây Nam Fateh 4 năm sau, cùng với sự khai thác ở hai khu vực khác là Falah và Rashid. Tất cả những khu vực này đều nằm ngoài khơi.
Các công ty chịu trách nhiệm sản xuất đã đối mặt với vấn đề lưu trữ dầu chiết xuất do mực nước nông ở khu vực khai thác. Họ đã ứng biến với một ý tưởng tiên phong là sản xuất những bể chứa nổi lớn ở Dubai và lai dắt chúng đến khu vực sản xuất để lưu trữ và bơm vào tàu chở dầu để xuất khẩu. Con thuyền đầu tiên rời khu vực Fateh vào ngày 22 tháng 9 năm 1969, cho phép Tiểu quốc tự trang trải cho các kế hoạch phát triển đầy tham vọng và mở ra một giai đoạn lịch sử mới, với những dự án khổng lồ, những điều mà vùng Vịnh và Trung Đông chưa từng chứng kiến trước đó.
Sau khi đào sâu và mở rộng bến cảng Creek, các thuyền trọng tải đến 800 tấn hàng có thể sử dụng các cơ sở neo đậu mới và thương mại đã phát triển thịnh vượng. Cha tôi mong đợi Dubai sẽ sớm thu hút thương mại nhiều hơn và khi cảng Creek hoạt động hết công suất, ông đã quyết định cần những cơ sở cảng biển lớn hơn ở vùng nước sâu hơn.
Năm 1969, ông ra lệnh xây dựng cảng Rashid với bốn bến neo đậu, nhưng rất sớm trước khi cảng này được hoàn thành, ông đã ra lệnh cho công ty xây dựng thiết kế thêm 11 bến neo đậu nữa.
Giai đoạn đầu tiên của cảng được hoàn thành năm 1972 và sau đó là một dự án mở rộng năm 1978 làm tăng tổng số lượng bến neo đậu lên 15, năm trong số đó có thể chứa những con tàu chở container lớn nhất thế giới ở thời điểm đó. Sau đó, chỉ hai năm trước khi hoàn thành dự án mở rộng, cha tôi đã làm mọi người ngạc nhiên khi ra lệnh xây dựng một cảng lớn mới. Đó là Cảng Jebel Ali, được trang bị gấp hai số bến neo đậu so với cảng Rashid và với một xưởng đóng tàu lớn để bảo dưỡng tàu.
Năm 1979 được nhiều người ghi nhận là năm có dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Dubai khi ba dự án lớn nhất của Tiểu quốc được khởi công.
Dự án đầu tiên là Cảng Jebel Ali. Dự án thứ hai là lò nấu nhôm được xây dựng và sở hữu bởi Công ty Nhôm Dubai (DUBAL), với công suất hàng năm ban đầu khoảng 135.000 tấn. Dự án khổng lồ thứ ba được khởi công vào năm này là Trung tâm Thương mại Quốc tế Dubai (hiện nay được biết đến là Trung tâm Thương mại Thế giới Dubai), tòa nhà cao nhất ở Trung Đông lúc bấy giờ và là một trong những tòa nhà cao nhất thế giới. Vào thời điểm đó, cha tôi đã trang bị cho người dân Dubai một cơ sở hạ tầng độc đáo và nền tảng thương mại thành công mà ngay sau đó đã đưa Tiểu quốc trở thành một trung tâm kinh doanh nổi bật trong khu vực.
Phát triển và lạc quan
Chính xác điều gì là lợi thế của Dubai? Nếu thời tiết, sa mạc, những bãi cát và biển không làm nên sự phát triển đó, vậy đó là gì?
Chỉ có con người mới làm nên sự phát triển. Bí mật của sự phát triển thành công nằm ở việc đạt được một công thức lý tưởng để có thể sử dụng một cách hiệu quả các kỹ năng của những yếu tố xung quanh, trong trường hợp của Dubai là sự tồn tại của cảng Creek, những bầu trời đầy nắng, sa mạc, bãi cát và biển, được sử dụng để xây dựng nên một thủ phủ độc đáo thành công. Bối cảnh của công thức này là tầm nhìn đúng đắn, và chìa khóa cho sự thành công đó là người lãnh đạo - người đã kết hợp các mục tiêu với sự quyết tâm, để biến chúng thành hiện thực, bất kể mọi trở ngại.
Tôi tin rằng cha tôi có nhân tố thứ ba giúp ông thành công, đó là không có bất cứ sự chia cắt nào giữa mục tiêu của ông và quá trình thực hiện. Hai yếu tố này là một đối với ông và chúng thường trực trong cuộc đua với thời gian và sự cạnh tranh. Đó là lý do vì sao ông luôn thực hiện các dự án của mình trong một thời gian kỷ lục, bất chấp những thử thách to lớn mà ông phải đối mặt, và cũng giải thích vì sao những dự án của ông lại thành công như ông mong đợi.
Bất cứ ai nhìn lại thời kỳ mà các dự án khổng lồ của Dubai được thực hiện, và rồi nhìn vào khoảng thời gian đầu những năm 1980, khi nền kinh tế vùng Vịnh nở hoa, thì nhất định sẽ khám phá ra mối quan hệ rõ ràng giữa sự bùng nổ của các dự án và sự bùng nổ trong phát triển sau đó. Nhưng làm sao từ những năm 1970 cha tôi có thể dự đoán được chính xác đến vậy những cái sẽ mang lại vào những năm 1980?
Trước tiên hãy xem những gì xảy ra vào những năm 1970. Giá của dầu nằm vào khoảng 2 USD một thùng, khi giai đoạn đầu của dự án cảng Rashid được khởi công. Nhưng mức giá đã leo thang trong những năm 1970 để đạt mức 38 USD năm 1982. Sự tăng mạnh của thu nhập từ dầu đã giải thích những tăng trưởng sâu rộng chưa từng có mà nền kinh tế vùng Vịnh đã chứng kiến trong những năm đó. Khi những dự án khổng lồ này được khởi công, Dubai ở một vị trí lý tưởng để thực hiện những dự án đó.
Chẳng hạn, nhu cầu về nhôm tăng cao đã khiến Công ty Nhôm Dubai (DUBAL) quyết định tăng sản lượng của họ lên hơn 151.000 tấn năm 1983. Số tiền thu được từ xuất khẩu lượng nhôm này đạt mức 460 triệu AED (125 triệu USD) và tương ứng với khoảng một nửa thu nhập về xuất khẩu phi dầu thời điểm bấy giờ. Kể từ đó, DUBAL đã duy trì, mở rộng năng lực sản xuất và đạt 722.000 tấn năm 2005.
Cha tôi còn có một phẩm chất đáng quý khác – đó là tính lạc quan. Dù tự tin vào mục tiêu của mình, không một người lãnh đạo nào có thể dấn thân vào những nguy cơ lớn như cha tôi đã gặp phải khi thực hiện những dự án huyền thoại nhiều tỷ đô la nếu lạc quan không phải là một phần lớn trong tầm nhìn của người lãnh đạo đó. Ông muốn duy trì sự lạc quan ngay cả khi bi quan đang là suy nghĩ phổ biến trong khu vực, và ngay cả khi những nhà đầu tư đáng tin cậy nhất đã tránh xa những nguy cơ không rõ ràng, trong một môi trường đầy u ám và sợ hãi. Không có gì ngạc nhiên, lạc quan là một điều khác mà tôi đã học được từ cha tôi: lạc quan về tương lai và người dân của Dubai, về UAE, vùng Vịnh và toàn thế giới Ả Rập.
Tôi tin rằng sự ổn định xã hội thực sự có quan hệ mật thiết với sự ổn định kinh tế. Tôi cũng tin rằng mục tiêu cuối cùng của bất kỳ việc thực hiện phát triển kinh tế mạnh mẽ nào cũng nên là sự sống còn của người dân và đất nước, và đảm bảo cho người dân được an toàn, tiện nghi cũng như tạo động lực để họ xây dựng vận mệnh của chính họ.
Đây cũng là những mục tiêu mà ngày nay chúng tôi đang phấn đấu để đạt được, trang bị thêm lòng quyết tâm để thành công, niềm tin vào tầm nhìn và người dân, niềm lạc quan và sự bền bỉ khi thực hiện quá trình phát triển độc đáo của Dubai. Đây là loại hình phát triển tiếp theo mà với Dubai thì đã quen thuộc.
Cha tôi đã sống qua khủng hoảng kinh tế diễn ra sau sự sụp đổ của thương mại ngọc trai và đã chứng kiến sự gian khổ cay đắng mà người dân phải hứng chịu. Do đó, ông đã nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc sống trong sự mất mát và lạc hậu. Ông muốn cải thiện mức sống cho người dân bởi vì ông nhận thức được sự hy sinh cao cả của họ. Đây là điều duy nhất tạo động lực cho mọi suy nghĩ của cha tôi. Ông muốn đói nghèo, lạc hậu sẽ rời xa lãnh thổ Dubai.
Tất cả những gì chúng tôi làm được ở Dubai đến bây giờ – và sẽ làm trong tương lai – là luôn theo đuổi sự phát triển mà cha tôi đã khởi đầu. Tuy nhiên, điều khác biệt quan trọng nhất giữa quá khứ và hiện tại, là chúng ta sẽ cần một con đường rộng hơn – con đường rộng nhất cho phép nền kinh tế thế giới mới thâm nhập vào lãnh thổ của chúng ta. Điều này đòi hỏi phải thực hiện những chính sách đa dạng kinh tế chiến lược và đưa Dubai từ một trung tâm thương mại khu vực thành trung tâm tài chính, dịch vụ và thương mại điện tử quốc tế.
Thương mại và dịch vụ là nền tảng trong những mục tiêu phát triển của cha tôi. Chắc hẳn ông đã dự kiến trước được những điều cần thiết cho mục tiêu đó. Ông đã quyết định phát triển hai ngành công nghiệp và tìm thấy nguồn tài chính cần thiết, bất kể kết quả của việc khai thác dầu như thế nào.
Cuối năm 1984, quyền khai thác dầu ở Tiểu quốc nằm trong phạm vi 10.000 km2. Bảy tập đoàn quốc tế đã thu được khoảng 324.000 thùng dầu mỗi ngày từ 200 giếng dầu. Trong đó, bao gồm cả vùng đất Murgham nối liền với khu vực Jebel Ali bằng 65 km đường ống. Năm tiếp theo, lượng dầu sản xuất của Tiểu quốc tăng lên 348.000 thùng mỗi ngày và đạt đỉnh 400.000 thùng trước khi dần suy giảm.
Tuy nhiên, nền kinh tế của chúng tôi vẫn tiếp tục tăng trưởng, bởi vì chúng tôi đã thành công trong việc tăng cường lĩnh vực phi dầu mỏ và phát triển các ngành công nghiệp khác, tạo ra 37 tỷ USD (136 tỷ AED) năm 2005, tương ứng với 94% GDP của chúng tôi.
Tôi phải tận dụng cơ hội này để bày tỏ lòng biết ơn sự hỗ trợ của Hoàng thân Zayed. Nếu không có Hoàng thân Zayed, Dubai đã không có khả năng đạt được vị thế thương mại và kinh tế hiện tại. Ông đã hỗ trợ sự phát triển của Dubai một cách vô điều kiện, bên cạnh niềm tin vững vàng vào tương lai và sự thành công của Liên bang. Ông chưa từng ngần ngại thậm chí chỉ một giây khi nỗ lực hỗ trợ để nâng cao vị thế của UAE trên bản đồ kinh tế thế giới.
Hoàng thân Zayed đã làm tất cả và hơn thế nữa, bằng sự công bằng, sự thảo luận, tính trung thực, đạo đức công việc, sự cống hiến, ông đã phục vụ cho người dân và đất nước và tập trung vào sự phát triển sáng suốt. Ông đã mở cửa ra thế giới – một hành động cho phép UAE được đứng trong hàng ngũ những quốc gia tiên tiến nhất thế giới với một tốc độ kỷ lục. Tôi tin tưởng rằng ông đã cho chúng ta biết giá trị tuyệt vời của những thành tựu của ông, những thành tựu có thể so sánh với những người anh hùng cao cả trong lịch sử.
Cha tôi đã đối mặt với những thử thách kinh khủng trong cuộc đời ông, ông đã tìm cách vượt qua với sự giúp đỡ của Thánh Allah và sự quyết tâm vững vàng của chính ông. Với sự giúp đỡ của Thánh Allah, chúng ta sẽ đi theo bước chân ông.
Đã có thời gian chúng tôi từng lo lắng về hậu quả của sự cạn kiệt nguồn dầu, nhưng những lo lắng này nay đã tiêu tan. Chúng tôi đã đa dạng hóa thành công nền kinh tế của chúng tôi bằng cách tập trung vào thương mại, du lịch, dịch vụ và tạo ra những cơ hội mới. Chúng tôi đã thành công bởi vì chúng tôi làm chủ được nghệ thuật khai thác nguồn tài nguyên tốt nhất trên thế giới để giành được những tài sản vô tận. Tôi sẽ thảo luận chi tiết hơn về điều này ở chương sau.