Trong khoảng thời gian hiếm hoi được tận hưởng những giây phút thư giãn, nếu tôi không cưỡi ngựa, tôi say sưa ngắm nhìn chúng. Mười bốn năm trước, tôi nhận ra một đặc điểm thú vị của loài vật này là nếu ngựa được cho ăn những thức ăn giống nhau, huấn luyện theo một cách đơn điệu giống nhau, chúng thường hí lên và không nghe lệnh của người trông giữ chúng, chúng bắt đầu gầy mòn và mất năng lượng.
Nếu đây là trường hợp của những con ngựa, vậy điều gì sẽ xảy ra với con người nếu họ cũng được đối xử theo cách này? Khi nhân viên không hạnh phúc với tình trạng và chỗ làm việc hiện thời, công việc của họ sẽ tiến triển thật chậm chạp và đơn điệu, hay thiếu đi sự định hướng và chất lượng quản lý từ những người cấp cao, ý chí của họ sẽ suy giảm, công việc của họ sẽ bị thiệt hại và năng lực của họ sẽ giảm sút. Nếu điều ngược lại xảy ra, tất cả sẽ ổn.
Nhân viên thường thất vọng vì cảm thấy không an toàn, bị ngược đãi, bị thất hứa, nhìn thấy hy vọng của họ tiêu tan, chịu đựng những công việc hàng ngày nhàm chán và dịch vụ hỗ trợ kém, phải đối mặt với những lời quở trách lặp đi lặp lại, thiên vị hay không công bằng. Một số nhà quản lý nhấn chìm tiềm năng của nhân viên của họ, ngăn cản họ đưa ra các sáng kiến và đàn áp họ. Những người khác thì cho các trợ lý quyền đối xử khắc nghiệt với nhân viên, do đó đã tước đoạt mọi cơ hội thể hiện tài năng và năng lực của họ, và hậu quả là tước đoạt khả năng thăng tiến của họ.
Cách ứng xử như vậy là không thể chấp nhận được vì nó dẫn đến sự thất vọng, nó là một căn bệnh giống như tất cả các căn bệnh khác. Đây là một căn bệnh có cách chữa. Tuy nhiên, trước khi kê bất kỳ đơn thuốc nào, người quản lý cũng cần phải chắc chắn rằng chính sách quản lý của anh ta không phải là lý do của sự thất vọng.
Bao nhiêu người quản lý đã kiềm chế tiềm năng của nhân viên và dẫn họ tới thất vọng? Làm sao chúng ta có thể làm việc nếu thiếu một lực lượng lao động có đủ động lực? Làm sao chúng ta có thể mong chờ giành lại vị thế tiên phong và đạt được các mục tiêu của chúng ta trong hoàn cảnh như thế?
Chúng ta có thể giám sát năng lực của người lãnh đạo thông qua ý chí của nhóm anh ta. Các đội quân chiến thắng kẻ thù không phải bởi vì họ có vũ khí và cơ sở hạ tầng tốt. Họ thắng và thua các cuộc chiến là do ý chí của họ. Nếu ý chí của các thành viên trong nhóm cao, họ sẽ hưởng ứng tầm nhìn của người lãnh đạo, đạt được các mục tiêu và đi theo bước chân người lãnh đạo, nhưng nếu ý chí thấp, người lãnh đạo là người duy nhất phải tự chịu trách nhiệm.
Năng lượng tiêu cực
Mặc dù chúng ta đang ở giai đoạn đầu của thiên niên kỷ mới và đang tìm kiếm những ý tưởng mới, một số chính phủ Ả Rập vẫn thất bại trong việc mang lại lý do để người dân có thể lạc quan. Điều này dẫn đến việc người dân trở nên bi quan và như một hậu quả tất yếu, toàn xã hội sẽ bi quan.
Nhiệm vụ của bất kỳ chính phủ nào cũng nên là nâng cao tính sáng tạo cho người dân và hiểu được rằng những việc làm bẽ mặt liên tiếp, sự giáng chức và chỉ trích sẽ dập tắt tính sáng tạo. Làm sao người dân có thể sáng tạo khi họ đang sợ hãi hoặc thất vọng? Khi quan liêu tràn lan, tham nhũng rộng rãi, những cơ hội bình đẳng đơn giản là không tồn tại và phần lớn công việc và sự thăng tiến được thực hiện thông qua những người có quyền lực – bạn đang có một tình trạng mà không để lại cho người dân một chút hy vọng nào về hiện tại và tương lai.
Môi trường này sẽ tạo ra những công dân hoàn toàn mất tinh thần, những người không thể đạt được bất kỳ mục tiêu nào. Những người thậm chí không thể mơ đến một tương lai tốt hơn vì họ sợ phải đối mặt với hiện thực cay đắng khi họ thức dậy mỗi buổi sáng.
Đơn giản là bạn không thể giết chết sức mạnh từ giấc mơ của những người trẻ và rồi yêu cầu họ phải sáng tạo và vượt trội. Nếu bạn giết chết giấc mơ, bạn sẽ giết cả niềm hy vọng. Nếu bạn giết chết hy vọng, cuộc sống sẽ là như thế nào đối với người dân? Cũng chỉ bình thường khi người trẻ cảm thấy bi quan và thất vọng, khi họ mắc kẹt trong hoàn cảnh như vậy. Và vì người trẻ không sở hữu gì và không có gì để mất, họ sẽ mất đi sự quan tâm vào mọi thứ.
Chúng ta phải phân biệt các vấn đề, cố gắng hiểu lý do phía sau và tìm cách giải quyết mỗi vấn đề. Khi một tình trạng trở nên phức tạp, một người lãnh đạo cần phải cực kỳ can đảm để tự mình gỡ rối và giải quyết các vấn đề.
Khi điều đó là không thể, thậm chí nó trở nên khó khăn hơn để tìm lối thoát. Tôi không biết bất kỳ một giải pháp nhiệm màu nào để thoát ra khỏi vòng tròn luẩn quẩn này, nhưng tôi biết một cách để ở lại trong vòng tròn này, đó là làm bẽ mặt nhiều hơn, phá hủy ý chí, thêm nỗi đau vào nỗi đau đã được gây ra bởi các yếu tố bên ngoài và rồi chấp nhận những năng lượng tiêu cực.
Một số người trong xã hội của chúng ta cư xử theo cách không phải luôn dễ để hiểu. Nếu cuộc sống có nghĩa là nguồn năng lượng tích cực, vậy năng lượng tiêu cực là điều ngược lại? Nếu chúng ta bị khuất phục rằng, cuộc sống là những giá trị sống, chúng ta có nên dồn tất cả năng lượng tích cực của chúng ta vào cuộc sống và nỗ lực để làm một điều gì đó ngoài chúng?
Tôi từng nghe một câu chuyện về một vườn hoa hồng với duy nhất một cây cỏ dại mọc trong đó. Hai người vào khu vườn và ngắm nhìn. Khi người đầu tiên đi ra, anh ta được hỏi anh ta đã thấy gì. “Tôi đã thấy những cây hoa hồng đẹp nhất mà có thể bạn chưa từng mơ ước được thấy”, anh ta trả lời. Người thứ hai được hỏi cùng một câu hỏi. “Tôi thấy một cây cỏ dại xấu xí”. Đó là câu trả lời.
Có những người nhìn vào cuộc sống một cách tích cực và thấy mọi thứ đều đẹp, và có những người nhìn vào cuộc sống một cách tiêu cực, thấy mọi thứ đều xấu xí và không hài lòng. Làm sao mà một người nhìn vào một điều gì đó và thấy nó đẹp trong khi người khác cũng nhìn vào điều đó mà lại thấy xấu? Có thể xấu và đẹp là nằm ở người xem chứ không phải là ở đối tượng được nhìn vào?
Mọi quốc gia ngoài thế giới Ả Rập đều tự hào về những thành tích của đất nước mình. Tôi không biết một quốc gia nào ngoài những quốc gia trong thế giới Ả Rập chỉ trích chính mình một cách thật khắc nghiệt. Khi bạn nghe người dân nói về người Ả Rập một cách tiêu cực, bạn sẽ nghĩ sự vô định đang đến gần và rằng Thánh Allah đã bỏ rơi chúng ta. Người Ả Rập có xu hướng nói: “Chúng ta là những kẻ thua cuộc, chúng ta không là gì cả. Không ai quan tâm chúng ta. Chúng ta đã mất tất cả”.
Niềm tin này đã ăn sâu vào một số người trong chúng ta đến mức thậm chí chúng ta đang để nó chỉ huy cuộc sống. Một số người chỉ trích chính mình khắc nghiệt đến mức họ trở thành kẻ thù lớn nhất của chính mình cũng như của đất nước họ. Những người này trở nên thất vọng và bi quan đến nỗi họ không còn thấy bất cứ điều gì tích cực nữa, họ xem bất cứ ai nói với họ rằng thế giới còn đầy hy vọng và hứa hẹn là những người theo chủ nghĩa xét lại.
Tôi không đồng ý với kiểu suy nghĩ này. Tôi tin rằng những người theo chủ nghĩa xét lại và phản động sẽ giết chết nguồn năng lượng tích cực ở người dân và truyền bá năng lượng tiêu cực. Họ giết chết hy vọng và làm hồi sinh sự thất vọng, dập tắt sáng tạo và thúc đẩy thói quan liêu. Họ muốn ngăn chặn sự phát triển và làm chậm quá trình hiện đại hóa. Họ muốn cộng đồng trở lại phong tục và tập quán cũ đã không còn phù hợp với thời đại này. Những con người này làm như thế vì họ muốn bảo vệ lợi ích cá nhân chứ không phải lợi ích của cộng đồng.
Một số người tin rằng cản trở một cuộc hành quân dễ hơn là theo kịp nó và rằng phá hủy tất cả những ngôi nhà xinh đẹp xung quanh những ngôi nhà xấu của họ dễ hơn là tân trang lại nhà của họ. Tại sao? Bởi vì họ muốn bảo vệ chính họ – và công việc của họ – và tin rằng họ không thể cạnh tranh với người khác. Nhưng sự lười biếng không thể cạnh tranh với sự năng động, sự sáng tạo không thể cạnh tranh với sự đơn điệu, và động lực không thể cạnh tranh với nỗi thất vọng. Chúng không thể cạnh tranh với nhau, thậm chí khi tồn tại cùng nhau. Chúng phải vượt qua nhau để giành lấy vị trí – và điều này không đơn giản diễn ra bởi sự ngẫu nhiên hay những mơ tưởng.
Thay đổi
Nhiệm vụ của một người lãnh đạo thành công bao gồm tìm kiếm những người quản lý và quản trị đủ tài năng để hoàn thành tầm nhìn và mục tiêu của anh ta. Nhiệm vụ này không bao giờ được hoàn thành nếu anh ta không tìm kiếm họ giữa những nhân viên năng động, sáng tạo và suy nghĩ tích cực – những người cũng tràn trề hy vọng vào cuộc sống và tương lai – vào phòng ban của họ. Nó cũng không được hoàn thành trước khi người lãnh đạo tìm kiếm những người trong nhóm của anh ta – những người thất vọng, chán nản và mệt mỏi, để cố gắng làm hồi sinh ý chí của họ và đưa họ thoát ra khỏi chán chường. Một người lãnh đạo cũng nên cố gắng thay đổi những điều kiện dẫn đến sự suy giảm ý chí và khiến người dân của họ bi quan và thiếu năng động.
Tôi đã từng thấy ở các phòng ban và Bộ của chính phủ những nhân viên bị nhấn chìm bởi công việc hàng ngày, sa lầy bởi năng lượng tiêu cực, trống rỗng sáng tạo và đổi mới. Điều duy nhất khiến những nhân viên này làm việc là tiền lương mà họ nhận được cuối mỗi tháng. Mỗi sáng, họ đến văn phòng và đến tối trở về nhà, không thu được gì cả, ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác.
Những nhân viên này làm việc bằng những phương pháp giống nhau và theo những thói quen chết người hàng ngày, trong khi những người đứng đầu bộ phận thậm chí có thể còn lười biếng hơn họ, cũng miệt mài hơn với những công việc hàng ngày và sự chán nản. Trên thực tế, gọi họ là “nguồn lực nhàn rỗi” sẽ là một lời khen, hàm ý rằng những nguồn lực này có thể được hồi sinh và sử dụng đúng cách. Tình trạng này có thể kéo dài hàng năm mà không có bất kỳ sự tăng tiến nào trong năng suất và công việc của các ban ngành hay Bộ liên quan sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự có mặt hay vắng mặt của họ.
Điều mà một nhà lãnh đạo tốt thật sự cảm thấy thoải mái là có một thế hệ lãnh đạo trẻ hơn, đủ tài năng mà chúng ta có thể tự hào, tiếp quản những phòng ban và Bộ này. Nhưng chỉ có thoải mái không thôi cũng không phải là cảm xúc đúng của một nhà lãnh đạo, bởi vì anh ta không nên cho phép những người tiêu cực vẫn mắc kẹt trong sự mê muội, chán chường và quan liêu. Một người lãnh đạo nên sẵn sàng để tạo ra sự thay đổi từ cấp cơ sở và để mọi chuyện bắt đầu lại từ đầu.
Một nhà hiền triết đã nói: “Ước muốn chỉ là những mộng mơ và ảo tưởng của sự túng quẫn”. Thay đổi không đến từ những suy nghĩ mơ mộng và người lãnh đạo chỉ ngồi và cầu mong thay đổi, không còn nghi ngờ gì nữa, chính là người thất bại. Đó là một thực tế của cuộc sống và có nghĩa là phải thích nghi bản thân với môi trường, bởi vì những ai không thể thích nghi, sẽ không thể vượt qua và cùng tồn tại với xã hội. Nếu chúng ta đồng ý rằng thế giới đang vận động qua sự thay đổi, chúng ta cũng phải đồng ý rằng chúng ta cần thay đổi để thích nghi.
Trong thế giới ngày nay, thay đổi là quy luật và trì trệ là cái bị thải loại, bởi vì trì trệ tương đương với rút lui và là biểu hiện rõ ràng của sự thiếu tính cạnh tranh. Chúng ta muốn toàn cầu hóa để tăng cường tinh thần cạnh tranh. Chúng ta không có lựa chọn khác – thế giới đang thay đổi và chúng ta phải thay đổi cùng nó. Niềm tin này giúp giảm bớt những khó khăn của việc thay đổi cũng như giảm một số tác động nó.
Khi chúng ta công nhận sự cần thiết phải thay đổi, chúng ta có thể xác định tốc độ của chúng ta đối với sự thay đổi và lựa chọn quyền ưu tiên của chúng ta. Nếu chúng ta không nhận ra điều này, thế giới sẽ áp đặt thay đổi lên chúng ta và chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác. Tồi tệ hơn, nếu chúng ta không lựa chọn tốc độ thay đổi của riêng chúng ta, thế giới sẽ đặt ra tốc độ cho chúng ta.
Thời đại của chúng ta đòi hỏi mọi người phải biết Internet, vì vậy không người lãnh đạo nào có thể giấu sự kém hiểu biết của mình bằng cách cấm mọi người sử dụng Internet. Tốt hơn là anh ta nên bắt kịp với sự phát triển hiện đại nhất trong kinh tế và quản lý, học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác, xác định các cơ hội tốt và tìm con đường tốt nhất để đất nước có thể tận dụng cơ hội đó, cuối cùng kết hợp tất cả những điều trên cho tầm nhìn của anh ta.
Chúng ta đã thảo luận về thành tích và thành công một cách rộng rãi trong cuốn sách này và đến bây giờ thì đã biết rằng may mắn sẽ không bao giờ dẫn ta đến bất cứ thành tích nào. Tất cả những gì chúng ta đã hoàn thành cho đến nay đều là thành quả của việc tập trung mọi nỗ lực vào mục tiêu của chúng ta và điều đó sẽ không thay đổi trong tương lai. Tuy nhiên, bất cứ ai xem thường tầm quan trọng của những trở ngại trên con đường và tin rằng anh ta hay cô ta có thể đi đến đích chỉ bằng ngọn gió của niềm tin thì đã nhầm lẫn.
Chúng ta phải tính đến sự kháng cự thay đổi, và do đó phải chuẩn bị để thuyết phục những kẻ phản thùng rằng nỗi lo sợ của họ là không có căn cứ, và rằng lợi ích của chúng ta nằm ở sự thay đổi.
Nếu chúng ta trông đợi khu vực công hưởng ứng một cách dễ dàng và ngay lập tức những kế hoạch phát triển được đề ra thì chúng ta đã không hoàn toàn hiểu cấu trúc và “truyền thống” của các phòng ban chính phủ. Cảm giác tiêu cực mà con người ở khắp nơi trên thế giới cảm nhận về các phòng ban chính phủ nói chung không phải là không có cơ sở, mà đúng hơn là kết quả của những kinh nghiệm đã được tích lũy.
Người nào tin rằng anh ta có thể trình bày một dự án hành động nhằm mục đích đạt tới sự vượt trội trước khu vực công và mong đợi người quản lý reo lên: “Hãy để chúng tôi làm điều đó!” thì đơn giản là đã không hiểu hết các thể chế này. Từ “quan liêu” là tương đối mới, nhưng bản chất quan liêu là trạng thái của vấn đề đã theo loài người từ thuở bình minh của nền văn minh. Một cách “truyền thống” rất hiếm khi thấy khu vực công cộng được khen ngợi vì tính hiệu quả và năng suất của nó.
Chúng ta cũng không thể trông đợi rằng tất cả, không có ngoại lệ, sẽ đi theo những thay đổi tích cực, mở những cánh cửa đang đóng, loại bỏ các bế tắc và thúc đẩy kinh doanh. Một số nhà quản lý bản chất đã không nhiệt tình với sự thay đổi. Khi bạn đòi hỏi những nhà quản lý kiểu này từ bỏ cách ứng xử cứng nhắc và những thói quen cổ hủ để bắt đầu cho công chúng thấy một vài sự lưu tâm, hay quan tâm thực sự, hoặc để giao lại một số quyền lực của họ thì thường là họ sẽ thấy việc này thật khó hiểu và khó áp dụng.
Kiểu thay đổi này có thể trở nên bớt khó khăn hơn cho các nhân viên để làm theo khi họ thấy tấm gương ở người lãnh đạo này. Nếu người lãnh đạo không nhiệt tình với thay đổi, anh ta cũng không thể trông chờ người khác thay đổi. Một người lãnh đạo chân thành muốn thay đổi mọi người thì phải bắt đầu bằng việc tự thay đổi trước khi đòi hỏi người khác làm điều đó. Nhiều nhà lãnh đạo đã cố gắng triệt tiêu thói quan liêu ở đất nước họ, mà vẫn chỉ thấy nó cố thủ vững chắc hơn bao giờ hết đến khi họ từ nhiệm. Điều đó không chứng minh rằng quan liêu là không thể chinh phục, mà đơn giản là cho thấy những nhà lãnh đạo này đã thất bại.
Người lãnh đạo phải tìm kiếm lý do mà một số người không muốn thay đổi. Khi người dân đã quen với một hệ thống nhất định, họ cảm thấy thoải mái và an toàn với nó. Thay đổi đối với những người này có nghĩa là phải thích nghi với hiện thực mới, điều mà một số người thấy không dễ, và hậu quả là họ nắm lấy cơ hội đầu tiên để từ chối.
Tuy nhiên, từ chối không có nghĩa là một cái gì đó triệt để như tổ chức các cuộc biểu tình hay đình công mà có thể dẫn đến một hình thức tinh tế hơn – như là một số người nói “có” trong khi ý của họ là “không”. Từ chối không có nghĩa là từ chối làm việc mà là sản xuất sẽ bị giảm tới mức gần bằng không. Những người có suy nghĩ và hành động tiêu cực trên thực tế có thể làm trì hoãn và cản trở bất cứ điều gì, che giấu bản chất sau nguyên tắc, thủ tục và việc giả vờ không biết.
Nói ngắn gọn, không ai có thể cư xử tiêu cực suốt cả ngày mà đảm bảo không có ai khác nhận ra điều đó. Điều này có thể đạt đến điểm mà một số người không biết thực tế có thể xem người đó là một nhân viên tốt, đơn giản qua những gì họ thấy.
Một số nhà lãnh đạo sử dụng quyền lực của họ để áp đặt thay đổi – theo kiểu tiếp cận “dù–bạn–có–thích–hay–không”. Những người khác thậm chí có thể sử dụng quyền lực tối cao. Ở Dubai, chúng tôi không hành động như vậy và lựa chọn một cách tiếp cận văn minh hơn, bởi vì chúng tôi tin rằng đó là cách tốt nhất để đối xử với công dân của đất nước mình. Mặc dù xây dựng khó hơn là phá hủy, hòa bình khó hơn chiến tranh và thuyết phục khó hơn áp đặt, thì ba cách trước vẫn bền vững hơn.
Chúng ta muốn mọi người hợp tác với niềm tin rằng bất cứ điều gì chúng ta thay đổi cũng là vị lợi ích của cộng đồng. Tôi không thể tìm cách nào tốt hơn để điều này được thấu hiểu ngoài cách thuyết phục từng người và mọi người, những công dân của chúng ta. Chúng ta có những sức mạnh tiêu cực và tích cực, lười biếng và năng động, trì trệ và sáng tạo, sợ hãi và bình an. Tất cả những nỗi sợ hãi phải thay đổi của chúng ta chỉ là một sự ảo tưởng và chúng ta phải đảm bảo với những người sợ thay đổi rằng, thay đổi sẽ tạo ra những cơ hội việc làm dài hạn và không bao giờ làm giảm cơ hội đó.
Chúng ta cũng phải nói với họ thay đổi sẽ mang lại sự tăng trưởng năng suất như thế nào, thúc đẩy thăng tiến trong vị trí của nhân viên thay vì làm suy giảm, và việc quan tâm đến cộng đồng sẽ khiến cộng đồng tôn trọng và tán dương sự nỗ lực của các nhân viên như thế nào. Chúng ta phải loại bỏ nỗi sợ hãi và duy trì cảm giác an toàn, thức tỉnh sự sáng tạo và hạn chế lười biếng, cũng như tập trung vào năng lượng tích cực và loại bỏ sự tiêu cực. Chúng ta phải thuyết phục mọi người về con đường đúng đắn phía trước nhiều lần nữa, bằng cách sử dụng tất cả các phương pháp tích cực mà chúng ta có.
Nếu chúng ta được trang bị những lý luận sắc bén và sự quyết tâm, chúng ta sẽ có thể thuyết phục mọi người – ít nhất là phần lớn họ – về lợi ích của thay đổi. Một khi bị thuyết phục, mọi người sẽ bắt đầu thay đổi. Nếu điều đó xảy ra, họ sẽ bắt đầu khám phá ra những khía cạnh tích cực mà họ chưa từng biết là chúng tồn tại trong cuộc sống của họ. Họ sẽ nghe thấy mọi người cảm ơn họ một cách chân thành và cảm thấy thoải mái khi phục vụ mọi người. Họ sẽ sớm nhận ra họ có thể phát triển công việc, tăng năng suất, đưa ra các đề xuất hữu ích, cống hiến cho sự phát triển của các phòng ban tương ứng của họ và tận hưởng cảm giác đạt thành tích và hoàn thành một việc gì đó.
Nếu người đọc kết luận từ những gì tôi viết rằng năng lượng tiêu cực chỉ tồn tại ở khu vực công cộng và rằng khu vực tư nhân miễn dịch với tiêu cực thì đó không phải là ý của tôi.
Có lần một nhà báo đã nói với tôi: “Ông nói rằng nhiệm vụ của khu vực công cộng là thúc đẩy năng lực của khu vực tư nhân, nhưng một số người trong khu vực công lại không nhìn mọi việc theo cách đó”.
“Tôi không thể đổ lỗi cho họ”, tôi trả lời. “Nền kinh tế hiện nay kết hợp giữa thương mại hiện đại và truyền thống. Những người làm việc trong ngành thương mại truyền thống cảm thấy khó khăn để chuyển sang phương pháp hiện đại và muốn duy trì phương cách cũ. Bản chất của khu vực tư nhân là năng động. Thế hệ doanh nhân mới hiểu được những yêu cầu để đối phó với nền kinh tế hiện đại và họ hiểu rằng, họ không đối mặt với những khó khăn giống như những khó khăn thế hệ cũ đã phải chịu trong khi thích ứng với nền kinh tế hiện đại ngày nay.”
Người lãnh đạo và khả năng lãnh đạo
Ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, chúng tôi được ban phúc bởi một sự lãnh đạo trung thành với Thánh Allah và người dân, và mong muốn cho người dân UAE trở nên phồn vinh và phát triển. Sự lãnh đạo này không muốn thế hệ trẻ chỉ đơn giản mơ tưởng về tương lai mà muốn giúp họ hoàn thành những giấc mơ đó. Giới trẻ của chúng ta không phải chịu đựng những vấn đề của các quốc gia Ả Rập khác, vậy tại sao chúng ta lại bi quan về tương lai của họ? Chúng ta đã đạt được nhiều thành tích, vậy tại sao chúng ta lại cứ tập trung vào những gì chúng ta chưa đạt được? Đó không phải là một quan điểm tiêu cực? Không phải là chúng ta đang giống người chỉ biết tập trung vào cây cỏ dại mà không nhìn thấy những cây hoa hồng rực rỡ xung quanh hay sao?
Hãy suy nghĩ một cách tích cực và bạn sẽ thấy mọi thứ tích cực. Đất nước chúng ta đang làm tốt và nếu Thánh Allah muốn, chúng ta sẽ tiếp tục làm điều đó. Chúng ta đã đạt được nhiều điều và nhiều điều nữa đang đến, vậy hãy để chúng ta lạc quan và lan tỏa thái độ tích cực khắp xã hội của chúng ta. Điều đó không thể đạt được chỉ bằng lời nói, mà phải thông qua làm việc, kinh doanh, những câu chuyện thành công và bằng cách giao nhiệm vụ cụ thể cho mọi người, cho phép họ trở nên hiệu quả.
Nếu công việc không có sẵn, chúng ta không thể khai thác tiềm năng của đất nước – tiềm năng nằm ở suy nghĩ của giới trẻ và ở niềm tin của họ đối với bản thân cũng như đối với đất nước.
Động lực là nhiên liệu cho sự ưu tú ở người dân và kích thích nguồn năng lượng tích cực của họ. Đây là sức mạnh thổi bùng lên sự năng động, chủ động, trung thành và sáng tạo. Đây cũng là cơ sở cho thành công và là chìa khóa để đạt được mục tiêu. Những người lãnh đạo thành công, theo định nghĩa, là người có khả năng tạo động lực cho người dân nhiều nhất. Anh ta là người có khả năng nhất trong việc khuyến khích họ sáng tạo và vượt trội. Không còn nghi ngờ gì khi nói rằng động lực và ý chí sẽ dẫn năng lực của nhân viên đạt đến đỉnh cao.
Tôi đã cam kết rằng tôi sẽ cho những người trẻ tài năng, làm việc chăm chỉ và có năng lực, cho dù ở vị trí quản lý thứ hai hay thứ ba, cơ hội để đạt đến vị trí lãnh đạo khi họ xứng đáng với điều đó. Tôi ước rằng mọi người trẻ UAE đều trở thành lãnh đạo, nhưng đáng tiếc, không phải tất cả họ đều đủ khả năng cho trình độ này. Thế hệ trẻ của chúng ta đã đủ trưởng thành để hiểu điều đó. Họ cũng hiểu rằng sự ưu tú không bị giới hạn ở vị trí lãnh đạo và rằng vị trí này không phải luôn luôn là thước đo chính xác cho tính hiệu quả.
Lương, một mặt khác, nên được liên hệ với năng suất và mức độ thành tích nên đặt ra mức độ phần thưởng hữu hình. Việc thăng tiến có thể theo thông thường hoặc ngoại lệ, và đôi lúc thì rất ngoại lệ. Mặc dù, chúng ta đang có một hệ thống khen thưởng và động lực, chúng ta vẫn luôn cần phải khuyến khích mọi người theo một cách khác – một cách phi tài chính. Điều này sẽ thúc đẩy mọi người vượt trội, phát triển và đạt thành tích, trong khi tránh được những thói quen nhàm chán hàng ngày.
Khi một nhân viên cảm thấy cấp trên của anh ta đang giám sát năng lực của mình và bày tỏ sự khích lệ bằng lời nói hoặc thư riêng, ý chí của anh ta sẽ ở mức cao và anh ta sẽ biết rằng hưởng ứng những lời khuyến khích ấy là con đường đến với sự ưu tú và thành công cũng như thăng tiến và đạt được các lợi ích tài chính. Điều đó sẽ làm cho anh ta tin rằng sự thăng tiến phụ thuộc vào chính năng lực của anh ta và rằng phần còn lại chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tất cả những điều trên đều là những công cụ và cách ứng xử cần thiết để khích lệ nhân viên làm việc, phát triển và vượt trội. Không gì tạo động lực cho một người tốt hơn là một thành tích. Những khích lệ về tài chính và tinh thần là quan trọng và một điều cũng quan trọng là tạo một môi trường làm việc thúc đẩy sự ưu tú. Một nhân viên nên tự hào về công việc của anh ta và thành tích là chìa khóa cho lòng kiêu hãnh.
Thành tích là vinh quang hoàn thiện của một nỗ lực và không phải là điểm bắt đầu của nỗ lực đó. Cũng là đương nhiên khi được liên kết đúng cách, tiềm năng và chuyên môn nhất định sẽ dẫn đến thành tích. Đây là những yếu tố cần phải cung cấp cho thế hệ trẻ trước khi họ thực sự có thể thành công, đó là một sự đào tạo tuyệt vời, một môi trường làm việc thích đáng cùng với những cơ hội phù hợp.
Chúng ta có thể loại bỏ sự thất vọng, năng lượng tiêu cực, nỗi buồn chán và các nhân tố gây hại tâm lý khác bằng cách làm việc và phát triển tiềm năng và kỹ năng của chúng ta. Người lãnh đạo phải giúp người dân của mình duy trì sự cân bằng tâm lý, thông qua sự quan tâm, khích lệ và tạo động lực liên tiếp.
Hành động quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm một khi chúng ta loại bỏ năng lượng tiêu cực là không cho phép nó nắm giữ chúng ta nữa. Có nhiều cách để làm điều đó, cách quan trọng nhất trong số đó là thành công, điều không thể đạt được nếu thiếu những năng lượng tích cực. Khi chúng ta thành công, chúng ta sẽ cảm thấy tự tin và háo hức để phát triển và vượt trội.