Muôn sự, muôn vật trên thế gian đều sinh diệt đổi thay, đó là lẽ thường tình của tự nhiên. Cho nên trong cùng một thời đại có biết bao vương triều, có biết bao các bậc anh hùng hảo hán được sinh ra, thì cũng có biết bao quốc gia và không ít những bậc danh nhân đã diệt vong. Cùng đạo lý này, có lẽ trong một ngày, có bao nhiêu người dựa vào đôi bàn tay trắng mà khởi nghiệp thành công, lại cũng có bao nhiêu người đang trên đỉnh vinh quang bỗng ngã ngựa.
Lúc bình thường, để ý tới sự ra đời của các triều đại lịch sử, chúng ta sẽ thấy chúng thường bị diệt vong trong một khoảng thời gian ngắn; chúng ta cũng có thể nhận thấy người thân, bạn bè xung quanh chúng ta, có khi đạt tới vinh hoa phú quý trong chớp mắt, và có khi đột nhiên trắng tay trong một ngày. Trong thế giới của sinh tồn, khi thành công thì vui mừng, khi mất mát thì buồn bã, và cuộc sống chính là những nỗi buồn vui nối nhau thay đổi theo chuỗi sinh diệt.
Ngạn ngữ có câu: “Người không thể tốt lành mãi bởi giống như hoa cũng phải có lúc tàn”1. Thậm chí có người còn cảm khái vì “phú quý” chẳng giữ được quá ba đời, vui vì sự sinh, buồn vì sự diệt, đó chẳng phải là bức chân dung của đời người đó sao?
1 Âm Hán Việt: “Nhân vô thiên nhật hảo, hoa vô bách nhật hồng”.
Gặp thấy mỹ nhân yêu kiều duyên dáng bỗng đâu hoa tàn ngọc nát, chúng ta liền thương xót “hồng nhan bạc mệnh”. Gặp thấy nam tử khôi ngô tuấn tú, tài năng vẹn toàn, tiền đồ rộng mở, bỗng đâu lại gặp nạn mất mạng, thật khiến người khác tiếc thương thay.
Chúng ta cũng gặp thấy nhiều người dân nghèo bỗng đâu gặp dịp phất lên, trở thành nhà giàu sau một đêm ví như gặp lúc chính phủ quy hoạch đất đai và được đền bù, v.v. đây chẳng phải là đổi đời bởi gặp thời sao? Chúng ta cũng chứng kiến cảnh nhiều nhà cha mẹ để lại gia sản đồ sộ cho con cái nhưng không quá mấy năm, bởi con cái không khéo chèo chống công việc dẫn tới tán gia bại sản, rơi vào nghèo khổ. Như vậy có thể thấy được mức độ đáng sợ của mất mát.
Mở rộng quy mô bàn tới thì càng có nhiều chuyện đáng sợ hơn, chẳng hạn như sự hủy diệt của chiến tranh, sự tàn phá của thiên tai và sự suy thoái về kinh tế cũng đều dẫn đến khủng hoảng lớn cho thế giới.
Thậm chí, nhiều nhà khoa học cũng từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo về nguy cơ trái đất bị tàn phá bởi các tác động tiêu cực của con người.
Tục ngữ Trung Quốc có câu: “Người không biết lo xa tất có họa gần”. Một khi đã biết đến lẽ vô thường sinh diệt chốn nhân gian thì còn sống lúc nào chúng ta liền phải dìu dắt lẫn nhau, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau lúc ấy. Thế giới tự nhiên đã đem lại cho chúng ta quá nhiều tổn thương bởi mất mát, con người nếu lại còn ghen ghét, đả kích, phá hoại, tàn hại lẫn nhau thì thật là ngu xuẩn và dại dột biết bao! Cho nên, nếu muốn ngăn ngừa việc trái đất và loài người bị diệt vong, thì tất cả chúng ta phải biết vui vẻ khen ngợi lẫn nhau, tôn trọng và bao dung cho nhau.