Ở quần đảo Trường Sa, ngoài những người lính đang ngày đêm bám trụ, luôn chắc tay súng để bảo vệ cương vực nơi địa đầu Tổ quốc còn có những con người đang lặng thầm bám biển, bám đảo, chăm lo đời sống tinh thần, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Giữa nắng gió biển khơi, cuộc sống nơi đây vẫn đâm chồi, nảy lộc. Những đứa trẻ Trường Sa cứ thế lớn lên tràn đầy sức sống như những cây phong ba bám sâu vào mảnh đất tiền tiêu…
Hầu hết những ai đặt chân đến Trường Sa, được đến một số đảo có dân cư đều không khỏi ấn tượng xen lẫn xúc động, tự hào với hình ảnh những em nhỏ với nét mặt ngây thơ, trong trẻo, hồn nhiên chạy nhảy tung tăng và quý mến khách đất liền ra thăm. Chính những đứa trẻ ở đây đã mang tới một sức sống mới trên vùng biển đảo quê hương.
Các em nhỏ ở Trường Sa được học tập trong những ngôi trường có dáng đứng hiên ngang trên biển Đông. Những ngôi trường mới được xây dựng ở giữa khơi xa đã góp phần không nhỏ cho việc phát triển cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp giáo dục khắp mọi miền của Tổ quốc. Những ngôi trường đó đã giúp các thầy cô giáo, các cháu học sinh yên tâm đến trường, để cha mẹ các cháu yên tâm bám biển.
Có đến Trường Sa mới biết, những em nhỏ ở đây dường như đang được sống trong một tuổi thơ trọn vẹn hơn những đứa trẻ ở đất liền. Ở đây không có những thứ đồ điện tử hiện đại, đắt tiền, những tòa nhà cao tầng, đường phố nhiều xe cộ, siêu thị cũng như những khu vui chơi rực rỡ sắc màu, trang hoàng lộng lẫy. Những đứa trẻ Trường Sa không ngồi lặng yên một góc, cầm Smart phone nhí nhoáy nghịch chơi như các bạn ở đất liền. Nhưng bù lại, các em nhỏ ở đây được học những bài học giản dị từ thiên nhiên, về những loài thuỷ hải sản, về cây phong ba hay học về cây bàng vuông vững vàng giữa biển khơi. Đi đến đâu ta cũng có thể bắt gặp những gương mặt rạng rỡ, tươi vui, hoạt bát của các em như để át đi những sóng gió, bão giông đang vây quanh. Với trẻ em Trường Sa, có những em được “chôn nhau cắt rốn” ở đây, có những em được ba mẹ dạy nói cùng tiếng sóng vỗ, tiếng hiệu lệnh báo thức, tiếng hô vang của các chú bộ đội. Cuộc sống của các em là những giờ lên lớp, là những chiều cùng chạy tập thể dục vòng quanh đảo cùng những người lính trẻ, cùng những chú chó cưng… Các em không chỉ là bạn học mà còn như những anh chị em trong cùng một đại gia đình. Những điều ấy cứ thế ăn sâu vào tiềm thức của mỗi em và trở thành điều bình dị, thân thương, gần gũi nhất.
Đến Trường Sa, thử hỏi có đứa trẻ nào không thuộc nằm lòng bài thơ “Quê em ở Trường Sa” hay bài hát “Khúc quân ca Trường Sa”! Khi các em cất giọng lên, những vị khách đất liền ai mà không khỏi xúc động xen lẫn niềm tự hào khôn tả bởi những mầm non nơi đây đang tỏ rõ tình yêu bất tận với quê hương mình, với hòn đảo thân yêu của mình. Những người thầy đã truyền dạy, bồi đắp cho các em tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển đảo sâu nặng. Tình yêu đó cứ thế ngấm dần và chảy trong huyết quản của những công dân nhỏ tuổi Trường Sa.
Sinh sống giữa ngàn khơi, mối quan hệ gắn kết giữa quân và dân cũng vì thế mà ngày càng bền chặt. Tình yêu mến những người lính biển không chỉ dồi dào trong tim của những ông bố, bà mẹ mà còn ở những đứa trẻ nơi đây. Được lớn lên giữa biển khơi hùng vĩ và giữa những yêu thương giản dị mà ấm áp, đó là món quà mà không phải ở đâu những đứa trẻ cũng có được. Những bé gái cho biết ước mơ của mình sau này sẽ được làm cô giáo để dạy học trên đảo như những người thầy, người cô hiện tại của mình. Còn những bé trai cũng biểu lộ quyết tâm sau này sẽ trở thành người lính Hải quân nhân dân Việt Nam để tiếp bước cha anh bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.