Cháu xa nhớ...
Đã hơn một năm trôi qua, kể từ ngày vào đơn vị trả phép đến nay cháu vẫn chưa có dịp về quê. Với người lính đảo, sự xa cách đó có lẽ đã trở nên quen thuộc bởi cháu nội của ông đang công tác ở Trường Sa. Ông và cả gia đình đều hiểu, cháu đang cùng anh em đồng đội ngày đêm bám trụ trên hòn đảo nhỏ nơi cương thổ địa đầu để canh giữ biển trời, đất đai hương hỏa tự ngàn xưa của dân tộc. Càng nghĩ về cháu ông càng cảm thấy hãnh diện và tự hào vì cháu đã tiếp nối truyền thống gia đình ta để trở thành người lính Hải quân nhân dân Việt Nam. Cháu đã theo chân ông và bố cháu trở thành những người sĩ quan chỉ huy, cùng trưởng thành trong quân ngũ, cùng góp công sức của mình để xây dựng quân chủng ngày càng lớn mạnh không ngừng. Ngắm nhìn hình ảnh của cháu làm ông như thấy bóng dáng của mình một thời trai trẻ, một thời hào hùng, hoa lửa. Ông vui lắm cháu ạ!
Cháu trai yêu quý!
Cháu biết không, ở cái tuổi 24 như cháu, ông cũng là một chàng sĩ quan trẻ, một người lính công binh Hải quân từng có những tháng năm trui rèn trong lửa đạn của chiến tranh ác liệt. Ông đã được tham gia vào cuộc chiến đấu chống phong tỏa trên sông, biển hết sức cam go, hiểm nguy nhưng cũng rất vẻ vang đối với mỗi người lính Hải quân. Đây là thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc cháu ạ!
Hồi đó, các đèn biển, cửa biển, luồng tàu đều là mục tiêu đánh phá của giặc nhằm cô lập Việt Nam với bạn bè quốc tế, đồng thời chặn đường chi viện của hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam. Một cuộc đối đầu khó khăn, nguy hiểm, khốc liệt giữa quân dân miền Bắc mà những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam như ông là lực lượng nòng cốt trước sự phong tỏa quy mô, hiểm độc của đế quốc Mỹ. Chúng coi đó là hành động quân sự có tính chất quyết định. Hàng chục ngàn quả thủy lôi và bom từ trường được chúng thả xuống 40 khu vực cửa sông, cửa biển thuộc 10 tỉnh duyên hải từ Quảng Ninh đến Quảng Trị.
Để bảo đảm mạch máu giao thông, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, những người lính công binh Hải quân nhận trọng trách mà cấp trên giao cho đó là rà phá, tháo dỡ bom mìn, thủy lôi mà giặc Mỹ đã rải xuống. Khó có thể kể hết những hiểm nguy, gian khổ, cả những mất mát, hy sinh mà ông và đồng đội đã trải qua. Giữa lằn ranh sinh tử, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào nhưng những người lính như ông luôn có niềm tin mãnh liệt vào cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc. Kẻ thù mà ông cùng đồng đội thường xuyên đối mặt là những quả thủy lôi hiện đại như MK50, MK52 và bom từ trường DST 36. Các tổ làm việc trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, trên trời máy bay địch oanh tạc, ngoài biển thì tàu chiến pháo kích trong khi vũ khí trang bị chỉ là những tấm tôn, thùng phuy, cuộn dây điện, nam châm… Mỗi lần đi làm nhiệm vụ là mỗi lần ông đối mặt với tử thần. Không ít những đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại trên các cửa sông, cửa biển. Với bản lĩnh, kinh nghiệm và lòng quả cảm, những người lính công binh Hải quân đã khuất phục được những loại vũ khí hiện đại mà kẻ thù đã gieo rắc xuống mảnh đất quê hương ta. Những kết quả đó đã góp phần vào thắng lợi của chiến dịch chống phong tỏa của chúng ta.
Cháu ơi, người già thường sống bằng kỷ niệm. Ông cùng đồng đội đã có những ký ức hào hùng trong những tháng năm không thể nào quên. Và ông đã có một thuở đôi mươi thật ý nghĩa phải không cháu? Ông muốn kể lại để cháu thêm hiểu, thêm trân quý những công sức, máu xương của những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam, trong đó có ông đã đổ xuống để chúng ta mới có được cuộc sống tươi đẹp hôm nay.
Đất nước đang đổi mới từng ngày nhưng biển cả vẫn chưa được bình yên. Ông tin, những người lính tuổi đôi mươi như cháu, bằng sức trẻ, tri thức, lòng dũng cảm và tình yêu biển đảo quê hương sâu nặng sẽ tiếp nối truyền thống anh hùng của Quân chủng để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng.
Tạm biệt cháu…!