Nhà giàn, theo cách cảm nhận của mỗi người một khác. Có người ví nhà giàn như chiếc tổ chim giữa biển. Có người lại thấy nhà giàn như một dấu chấm trên tờ giấy khổng lồ màu xanh biếc. Với tôi, những ngôi nhà giàn của Hải quân nhân dân Việt Nam như những pháo đài thép giữa muôn trùng đại dương thăm thẳm. Bên trong đó có những người lính mang trái tim quả cảm nhưng cũng rất đỗi lạc quan, yêu đời và tràn đầy sức trẻ.
“Nhà giàn trong mây canh một hướng Tây Nam/ Khi nước triều dâng nằm ngang mặt sóng/ Ngồi chờ trăng lên chung lá thư tình/ Biển sóng hát ca mơ về quê nhà…”. Với những ai chưa có dịp đến với những ngôi nhà giàn nhỏ bé nằm giữa biển trời Tây Nam của Tổ quốc, khi nghe những giai điệu thiết tha, đầy chất lãng mạn trên đều xao xuyến và ước mong được ra đó dù chỉ một lần. Còn những người đã được ra thăm hay những thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã từng sống nơi đây thì nhà giàn luôn chất chứa cả một miền kỷ niệm mà mỗi khi nhớ lại đều không khỏi trào dâng cảm xúc.
Với lính nhà giàn, cái cảm giác bung biêng luôn thường trực bởi quanh năm họ sống trên mặt nước, khác hẳn với sống trên đảo. Nghĩa là, lính đảo thì được ở trong những ngôi nhà xây kiên cố trên nền đất, còn lính nhà giàn thì lại ở trong cái “tổ chim” có bốn chiếc cọc cắm xuống biển. Anh em cán bộ, chiến sĩ sống trên các Nhà giàn DK1 thường ví von một cách tếu táo rằng, các anh là những người “đầu đội trời, chân không đạp đất”. Với chỉ hơn 100 mét vuông, chật hẹp là vậy nhưng những cán bộ, chiến sĩ ở đây vẫn ngày ngày huấn luyện, học tập công tác, chơi thể thao, trồng rau, câu cá... Mọi tiện nghi, vật dụng được bố trí như một ngôi nhà nhỏ nhắn, xinh xinh. Từ nơi ăn, ngủ, tiếp khách, làm việc đều rất gọn gàng, ngăn nắp toát lên vẻ ấm cúng, thân thương. Tất cả đều chỉ gói gọn trong một không gian nhỏ bé nhưng chính điều đó mới làm nên nét đặc trưng rất… nhà giàn!
Những người lính Hải quân trên các nhà giàn bám trụ trên biển từ 8 đến 12 tháng. Cũng có khi do yêu cầu nhiệm vụ nên phải ở hơn 20 tháng mới vào đất liền. Sống giữa biển trời với thời gian dài dằng dặc như thế đương nhiên là khó khăn, vất vả đủ bề, nhưng bằng tình yêu Tổ quốc và biển, đảo quê hương tha thiết, những người lính nhà giàn đã vượt qua mọi trở ngại để sống một cuộc sống lạc quan, yêu đời, tràn đầy sức trẻ và luôn vững vàng bản lĩnh nơi đầu sóng ngọn gió.
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Tây Nam Tổ quốc, bộ đội nhà giàn còn là chỗ dựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm bám biển. Các anh luôn hiểu, sự có mặt của ngư dân với những hoạt động thường ngày cũng chính là bằng chứng khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Bởi vậy, mặc dù anh em phải tiết kiệm từng giọt nước ngọt, từng cọng rau nhưng khi ngư dân cần, những người lính nhà giàn vẫn sẵn sàng chia sẻ cho bà con. Và khi nghe bà con phát tín hiệu sự cố khẩn cấp là cả nhà giàn lại tất bật cứu người. Những năm qua, đã có biết bao trường hợp bà con ngư dân bị tai nạn hay bệnh đột xuất đã được bộ đội nhà giàn cứu thoát khỏi lưỡi hái của tử thần để được trở về với gia đình, làng xóm. Những việc làm đó góp phần tô đẹp mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân dân, hình thành thế trận lòng dân vững chắc để cùng nhau giữ biển quê hương.
Giữa biển cả bao la, 15 Nhà giàn DK1 thuộc các cụm Ba Kè, Phúc Tần, Quế Đường, Tư Chính, Phúc Nguyên, Huyền Trân và Cà Mau tạo thành một vành đai thép. Đó là những cột mốc sống trên Biển Đông. Những lá cờ đỏ tươi tung bay trên nóc nhà giàn giữa ầm ào sóng gió đã thể hiện được ý chí, sức mạnh chính nghĩa và chủ quyền bất biến của dân tộc Việt Nam. Những người lính nhà giàn luôn phải đương đầu với bao khó khăn vất vả và hiểm nguy rình rập nhưng vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, giữ cho Tổ quốc mãi bình yên…