T
ôi bắt đầu được đào tạo với tư cách là một nhà trị liệu tâm lí từ hơn 30 năm trước. Kể từ đó đến nay, tôi đã dành phần lớn thời gian sự nghiệp của mình để trị liệu riêng cho những người trẻ tuổi. Họ thường xuyên lo lắng hoặc lâm vào trạng thái trầm cảm không thể dứt nổi. Họ cảm thấy không hạnh phúc trong hôn nhân, bị rối loạn ăn uống, thường tự hạ thấp và dằn vặt bản thân, hay có những hành vi cưỡng bách. Họ đến với tôi vì nhiều lí do khác nhau, nhưng mỗi người trong số họ đều mang theo mình một nỗi đau sâu sắc. Cuốn sách này chính là những kinh nghiệm của bản thân tôi, được chắt lọc qua các ca trị liệu. Tôi hi vọng nó sẽ trở thành một cẩm nang hữu ích cho những người không nhất thiết phải tham gia trị liệu, hoặc có thể là không đủ khả năng để tham gia.
Tôi nhìn nhận bản chất và tâm lí của con người từ góc độ tâm động học1. Tôi tin rằng với mỗi người, những góc khuất tiềm ẩn trong đời sống tinh thần vẫn nằm ngoài nhận thức của chúng ta và do vậy, nó được xếp vào vô thức. Với tư cách là một nhà trị liệu tâm lí động lực học, công việc của tôi là làm quen với các góc khuất tiềm ẩn của thân chủ, giúp họ hiểu được cơ chế phòng vệ tâm lí của mình, qua đó đẩy lùi những cảm xúc đau đớn, những suy nghĩ và nỗi sợ hãi ra khỏi nhận thức của họ.
1 Tâm động học (psychodynamic) nhấn mạnh vai trò của các động lực thúc đẩy hành vi con người, đặc biệt là các hành vi vô thức. Lí thuyết này cho rằng trải nghiệm thời thơ ấu là nguồn gốc cho nhân cách và các mối quan hệ của người trưởng thành. Lí thuyết tâm động học bắt nguồn từ các lí thuyết phân tâm học của Freud và những lí thuyết khác dựa trên ý tưởng của ông, bao gồm các lí thuyết của Anna Freud, Erik Erikson và Carl Jung.
Những cơ chế phòng vệ đó cũng chính là chủ đề của cuốn sách này: (1) Cách chúng diễn hóa; (2) Những nhân tố tổn thương trong đời sống mỗi người mà chúng ta thường cố-quên đi; (3) Lí do tại sao ta mãi mắc kẹt trong mớ tổn thương ấy; và (4) Những lợi ích lớn lao của việc nhận biết tổn thương và đối mặt với những nỗi đau vô thức ngầm ẩn đằng sau chúng. Cơ chế phòng vệ là một phần tất yếu của tâm lí con người. Chúng bảo vệ chúng ta trước những vướng mắc và giúp chúng ta điều hướng trải nghiệm trong cuộc sống. Nhưng thường chúng cũng là tác nhân cản trở sự trưởng thành và mãn nguyện trong mỗi người. Sự phòng thủ cứng nhắc có thể ngăn chúng ta tiến tới những gì ta thực sự cần trong các mối quan hệ của mình, từ một đời sống tình cảm phong phú, cho đến một lối sống thúc đẩy lòng tự trọng đích thực bên trong ta. Cuốn sách này sẽ giúp bạn nhận biết các cơ chế phòng vệ của mình và cách vượt qua chúng để trưởng thành.
Mặc dù đối mặt với nỗi đau có vẻ là một việc làm khó khăn, nhưng nó cũng có thể là một trải nghiệm thú vị, đồng thời giải thoát bạn khỏi những tổn thương đang vây lấp tâm hồn mình. Còn gì hấp dẫn hơn việc khám phá vực sâu nội tâm bên trong chính mình? Để rồi nhận ra tâm lí phức tạp của cha mẹ, anh em, bạn bè, những người thân thích, hay để nhìn nhận những mối quan hệ đời thường một cách sâu sắc hơn. Sau nhiều năm thực hành, tôi vẫn luôn yêu công việc mình làm, và luôn thấy các thân chủ của mình thật thú vị. Tôi hi vọng rằng cuốn sách này sẽ truyền năng lượng đó cho mọi người.
Tôi viết cuốn sách này nhằm giải thích các khái niệm và chiến lược trọng tâm của liệu pháp tâm lí động lực học mà tôi đã thực hành, điều chỉnh chúng cho phù hợp với quá trình tự khám phá bản nhân ngoài việc trị liệu. Tôi mở đầu cuốn sách Tận cùng của nỗi đau bằng những thảo luận về bản chất và mục đích của các cơ chế phòng vệ tâm lí, cũng như những khía cạnh khó khăn trong trải nghiệm của con người làm nảy sinh cơ chế phòng vệ này (Phần 1). Trong Phần 2, tôi muốn xem xét kĩ hơn các cơ chế phòng vệ quan trọng nhất, với các bài tập giúp độc giả nhận biết cách phòng vệ của chính mình trong công việc, và xác định những cảm giác vô thức đằng sau chúng. Phần 3 kết thúc bằng một số chương thảo luận về cách khắc chế các cơ chế phòng vệ đó và xử lí một cách hiệu quả hơn với những cảm xúc phức tạp trong bạn.
Trong các trang tiếp theo, tôi sẽ dành nhiều thời gian thảo luận và giúp độc giả nhận thức về những tổn thương mà họ đang phải đối mặt. Khi bạn đọc cuốn sách này và đặc biệt là cố gắng thực hiện đúng những bài tập dưới đây, mặc dù không hề dễ dàng và thoải mái như bạn nghĩ, nhưng tôi tin rằng nếu bạn kiên trì, bạn sẽ thấy mối lợi của việc nhận biết rõ hơn về những tổn thương sâu kín này. Cuốn sách Tận cùng của nỗi đau có thể giúp bạn nhận được nhiều hơn những gì bạn cần từ các mối quan hệ của bản thân, để phát triển một đời sống tình cảm phong phú mà vẫn kiểm soát được nó, để hiểu rõ hơn những điểm mạnh cũng như hạn chế của mình, để hiện thực hóa những kì vọng của bản thân trong việc phát triển lòng tự trọng chân chính.
Trong khi trị liệu tâm lí, hầu hết thân chủ thường không thể đối mặt với tất cả tổn thương của họ cùng một lúc. Thực tế là không ai có thể làm được điều này. Cũng giống như vậy, có lẽ bạn sẽ không thể thấm nhuần được tất cả nội dung của cuốn sách này ngay trong lần đầu đọc. Bạn có thể cần đọc nhiều lần, hoặc ưu tiên đọc một vài chương trước, rồi dần đọc nốt các chương sau khi đã có đủ thời gian để lĩnh hội hết những kiến thức mình đã đọc. Sự trưởng thành không diễn ra ngay lập tức, mà cần chắt lọc từng chút, từng chút một, và thường mất một khoảng thời gian. Dù điều tiên quyết là bạn phải rất kiên trì và không bỏ cuộc mỗi khi cảm thấy có chút nghi ngại, nhưng cũng đừng quá cố gắng hay kì vọng quá mức vào bản thân. Mỗi một nấc thang hiểu mình, bạn đều phải trả giá cho nó.
Cũng nên nhớ rằng, không ai có thể hoàn toàn phá bỏ được các cơ chế phòng vệ tâm lí của chính mình và thực sự thoát khỏi chúng. Mặc dù tôi là một nhà trị liệu, là tác giả của cuốn sách và là người hướng dẫn cho bạn trên hành trình khám phá bản thân này, nhưng tôi vẫn tiếp tục đối đầu và vật lộn với các cơ chế phòng vệ của bản thân mỗi ngày. Một trong những thông điệp chính của cuốn sách này là: Những xúc cảm mãnh liệt của bạn sẽ trở thành chướng ngại cho bạn trong suốt cuộc đời, nhưng bằng nỗ lực và trải qua thời gian, chúng ta sẽ điều phối chúng dễ dàng và tự tin hơn.
Hay nói cách khác, quá trình đối mặt với tổn thương và đấu tranh với những kí ức đau buồn là một thử thách to lớn với bất cứ ai. Khi bạn đọc và làm theo những bài tập ở đây, mặc dù nó có thể không phải lúc nào cũng khiến bạn cảm thấy dễ chịu, những hãy nhớ rằng, cũng có rất nhiều người đang bước vào cuộc hành trình khó khăn như bạn. Chỉ cần kiên nhẫn thêm một chút nữa thôi, bạn sẽ dần phá vỡ được lớp lớp phòng vệ đang vây hãm bản thân để tiến đến một đời sống cân bằng và lành mạnh hơn.
***
Khái niệm tâm động học bắt nguồn từ công trình nghiên cứu của Sigmund Freud. Khi còn là một nhà phân tâm học trẻ tuổi, tôi từng dạy một khóa học kéo dài một năm về 24 tác phẩm của ông ấy. Đây là giáo trình chuẩn cho hầu hết các học viện đào tạo về phân tâm học trên khắp thế giới. Trước sự phát triển của phân tâm học, nhiều lí thuyết của Freud vẫn còn gây ra nhiều cãi trong suốt 50 năm qua. Có lẽ do ông hạn chế hiểu về vấn đề tính dục phụ nữ và đưa ra một số quan điểm về họ, mà ngày nay không còn được đón nhận nhiều nữa. Họ coi ông đã lỗi thời và lạc hậu.
Bất chấp điều này, không ai có thể phủ nhận vai trò của ông đối với phân tâm học. Những hiểu biết mang tính cách mạng của ông đã trở thành nền móng cho các học thuyết phân tâm và trị liệu tâm lí ngày nay. Ngay cả những người bác bỏ ông cũng thường chấp nhận nhiều nguyên lí cốt lõi của phân tâm học mà không nhận ra. Nền văn hóa của chúng ta đã biến đổi sâu sắc và mãi mãi nhờ những nghiên cứu tiên phong của ông.
Kể từ khi Freud qua đời năm 1939, nhiều nhà lí thuyết học có uy tín đã mở rộng và sửa đổi những luận điểm của ông. Tôi sẽ đề cập đến một số người trong số họ mà tôi có dịp đồng hành, nhưng có lẽ tôi sẽ nhắc đến Freud nhiều hơn cả. Cho đến cuối cuốn sách này, tôi hi vọng bạn sẽ thêm trân trọng những đóng góp của ông cho nền văn minh của chúng ta, nhìn nhận ông như một thiên tài cách mạng đã giúp định hình cách chúng ta nghĩ về bản thân mình cũng như người khác, ngay cả khi chúng ta không nhận ra điều đó.