“Anh ta đã từng hiểu rõ về bản thân mình”
- William Shakespeare, King Lear -
Lúc này hay lúc khác, hầu hết chúng ta đều trải nghiệm những cảnh huống mà trong đó ta cảm thấy ta nói chuyện hoặc cư xử theo những cách khiến chính ta phải sửng sốt, khi ta đột nhiên nhận ra có gì đó ẩn sâu bên trong chính mình. Nó giống như một cú hẫng khiến ta khựng lại, hoặc ta bỗng nhiên cảm thấy có điều gì đó trào dâng bên trong mình mà bản thân lại hoàn toàn không thể gọi tên nó.
Cộng sự của bạn đã làm việc hàng giờ đồng hồ trong khi bạn thoải mái làm việc tại gia. Anh chàng tội nghiệp ấy đang làm việc rất cần mẫn. Sau đó khi bạn nhờ anh ta dừng lại trước cửa tiệm giặt là trên đường đến công ty, anh ấy lưỡng lự trước khi đồng ý, và bạn đáp lại: “Thôi đừng bận tâm! Tôi sẽ tự làm.”
Vào phút cuối, bạn của bạn gọi đến và hủy bỏ kế hoạch. “Tớ có chút chuyện... Cậu có phiền không?” Bạn cảm thấy cực kì khó chịu. Trong nhiều năm, có lẽ bạn đã phải chịu đựng kiểu thiếu quyết đoán này. Giờ đây bạn nhận ra rằng mình thực ra chưa thể vượt qua sự thật rằng cô bạn ấy đã quên sinh nhật năm ngoái của mình. Rõ ràng bạn thấy những điều bạn luôn biết, nhưng bạn không muốn đối mặt, đó là: Cô ấy đã có những người bạn khác và trân trọng họ hơn bạn.
Mẹ của bạn qua đời cách đây 6 năm do một cơn bạo bệnh. Trong suốt quãng thời gian bà đau bệnh, bạn cảm thấy bạn cũng vô cùng buồn khổ. Nhưng khi bà qua đời, bạn lại thấy dường như nỗi đau ấy vơi đi. Vào tối nọ, khi đang xem một bộ phim buồn, bạn đột nhiên thấy trong lòng thổn thức và chợt nhận ra mình nhớ mẹ đến nhường nào.
Chúng ta thường đi qua cuộc đời bằng cách tin rằng những trải nghiệm ta nhận thức được về bản thân là khởi đầu và kết thúc cho câu hỏi: Ta là ai? Nhưng thật ra, những phần quan trọng nhất của đời sống cảm xúc trong mỗi chúng ta, đôi khi ta thấy thật khó để nắm bắt nó. Đây không phải là một ý tưởng mới. Ít nhất trong thời đại của Shakespeare (xem phần dẫn đầu trang), nhiều nhà nghiên cứu về bản chất con người đã nhận thấy rằng, có những người hiểu rất rõ về bản thân mình, trong khi có người thì không.
Trong những cuốn tiểu thuyết của Jane Austen2, có cả tá nhân vật đã nhận ra rằng thái độ hay cảm xúc mãnh liệt đã khiến họ mù quáng như thế nào về bản chất của mình.
2 Aane Austen (1775 - 1817): Nữ văn sĩ người Anh, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như Sense and Sensibility (Lí Trí và Tình Cảm), Pride and Prejudice (Kiêu Hãnh và Định Kiến), Mansfield Park (Trang Viên Mansfield), Emma, và Persuasion (Thuyết Phục). Những bình phẩm về các vấn đề xã hội cùng văn phong tuyệt kĩ trong nghệ thuật dẫn chuyện và xây dựng những tình huống oái ăm, Austen là một trong số những nhà văn có nhiều ảnh hưởng nhất và được trọng vọng nhất trên văn đàn nước Anh.
Trong tác phẩm Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và Định kiến), sau khi thừa nhận sự thật trong bức thư của Darcy, Elizabeth Bennett đã nghĩ: “Cho tới lúc này, hóa ra tôi cũng chưa hề hiểu về mình.” Hay trong nhiều cuốn tiểu thuyết vĩ đại, các tác giả khác như Vladimir Nabokov3 hay Ford Madox Ford4 đã sử dụng lối kể chuyện khá mơ hồ để miêu tả về chân dung những nhân vật trong câu chuyện đó. Họ là những con người hoàn toàn không nắm bắt được cảm xúc thật sự trong họ là gì.
3 Vladimir Vladimirovich Nabokov (1899 - 1977): Nhà văn, nhà thơ Nga. Nabokov là tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng thế giới, trong đó có tiểu thuyết Lolita được chuyển thể thành phim.
4 Ford Madox Ford (1873 - 1939): Tiểu thuyết gia Anh, nhà phê bình và biên tập viên tạp chí The English Review và The Transatlantic Review đầu thế kỉ XX. Ford được nhớ đến với các tiểu thuyết The Good Soldier: A Tale of Passion (1915), Parade’s End (1924 - 1928) và The Fifth Queen (1906 -1908). The Good Soldier một trong những tác phẩm văn học vĩ đại của thế kỉ XX, top 100 tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại của The Observer.
Thuật ngữ tiền ý thức được Christopher Riegel – nhà triết học người Đức thế kỉ XVIII, nhắc đến lần đầu tiên trong quá trình nghiên cứu tâm trí con người. Sau đó, nó được Samuel Taylor Coleridge – nhà triết học và thần học người Anh – phiên sang tiếng Anh và Sigmund Freud cũng sử dụng khái niệm này trong các lí thuyết phân tâm của ông. Kể từ đó, ý niệm về một phần vô thức5 của tâm trí, sự xa rời nhận thức đã trở thành di sản, thấm nhập vào sự hiểu biết của chúng ta về cái tôi và cách diễn hóa của nó.
5 Trong ngôn ngữ hằng ngày, nhiều người gọi nó là “tiềm thức” hay phần “tiền ý thức”, nhưng đúng hơn thì đây là một phần của “vô thức” và tôi sẽ đề cập đến nó trong suốt cuốn sách này.
Ví như ta thường nhắc đến sự lỡ lời hay còn gọi là “Freudian slip”. Đây sự pha trộn trong ngôn ngữ, nó tiết lộ điều gì đó mà người nói đôi khi không nhận thức được. Bạn có thể quen thuộc với ví dụ này khi xem bộ phim Annie Hall của Woody Allen. Nhân vật mở đầu đã xuất hiện bằng việc phân tích tâm lí chuyên sâu: “Tôi không nghĩ rằng mình bận tâm đến việc phân tích này đâu. Điều duy nhất tôi băn khoăn là: Liệu nó có thay đổi được vợ tôi không?” Sự lỡ lời là một trò lố được yêu thích ở Hollywood. Nó được dùng để gây cười trong các bộ phim như Austen Powers, Bruce Almighty hay Liar, Liar.
Nhiều người suy luận ra động cơ vô thức nằm sau một số hành động như “quên” một nghĩa vụ hay chuyện vặt vãnh không mong muốn, không phải do nhân vật chính của chúng ta cố tình lờ đi những gì anh ta hứa, mà đúng hơn, sự quên lãng đó là do họ chống lại một điều lẽ ra họ phải làm. Tôi ngờ rằng nhiều cặp vợ chồng đôi khi quên béng mất kỉ niệm ngày cưới của họ và coi đó như một ngày bình thường, là chuyện hoàn toàn không có gì đặc biệt.
Chúng ta thường tin rằng mình có thể nhìn thấy những điều thẳm sâu bên trong người khác mà họ không thể nhận ra. Khi các đồng nghiệp đi ăn trưa và cùng nói chuyện về một đồng nghiệp khác, một trong số đó có thể nói, đại ý là: “Tôi không biết gì nhiều hơn đâu, bởi cô ấy thực sự không thể chấp nhận sự phán xét của người khác. Cô ấy nghĩ mình hoàn hảo.” Một nhóm bạn cũ có thể tán phét về một người bạn vắng mặt và bạn gái mới của anh ta. Ví dụ như: “Cậu ấy không biết cô ta là kiểu phụ nữ độc đoán hay sao? Giống như mẹ cậu ấy vậy!” Và khi ngồi nghe một người bạn nói về những kế hoạch tương lai của anh ấy, bạn có thể lóe lên trong đầu một suy nghĩ: “Ồ đừng có tự dối lòng nữa đi.”
Mặc dù bạn nghĩ rằng mình có thể nhìn thấu những người xung quanh, nhưng có lẽ bạn sẽ bực bội nếu ai đó cũng nghĩ về mình như vậy. Việc chúng ta không thể nhận ra điều gì đó về bản thân trong khi người khác có thể nhìn thấy, thực chất là một điều không mấy vui vẻ với bất cứ ai. Nếu một người bạn ám chỉ chuyện đó nhiều lần, hẳn bạn sẽ chối bay chối biến rằng “cú lỡ lời” đó chỉ là một sự cố, một phản ứng không có ý nghĩa gì. Chẳng hạn, bạn quên buổi hẹn tối nay vì quá căng thẳng trong công việc. Hay việc bỏ qua một cái tên trong danh sách khách mời chỉ là một sơ suất, chứ hoàn toàn không liên quan đến chuyện người đó muốn làm mất mặt bạn trong bữa tiệc Giáng sinh năm ngoái.
Thỉnh thoảng bạn quên bởi bạn quá mệt mỏi với những chuyện ở văn phòng. Đôi khi sự lỡ lời ấy chẳng mang ý nghĩa gì. Nhưng thường thì nhưng sơ suất ấy lại tiết lộ điều gì đó trong công việc, mà có lẽ bạn cũng không nhận thức được và không muốn thừa nhận, ngay cả với chính mình.
Thực tế rằng, bạn có thể nhận ra động cơ vô thức ở người khác dễ dàng hơn là với chính mình. Hay nói rõ ràng hơn, khi bạn cân nhắc bản chất của vô thức, tại sao có những suy nghĩ và cảm xúc này tồn tại ở dạng vô thức, còn những cái khác thì không. Theo như nhiều nhà lí thuyết tâm động học đã nói về vấn đề này, từ Freud trở đi, vô thức chứa đựng tất cả những suy nghĩ và cảm xúc mà mỗi lần nghĩ đến chúng ta cảm thấy thực sự đau đớn, hoặc những thứ mâu thuẫn đạo đức, làm giảm giá trị của bản thân. Nói cách khác, chúng ta không muốn nhớ-biết về những phần nằm trong vô thức của chính mình. Nếu chúng ta muốn biết, thì hẳn những suy nghĩ và cảm xúc đó ngay từ đầu đã không nằm trong vô thức.
Vậy làm thế nào chúng ta tránh phải “gặp lại” những phần ta không-muốn-nhớ-nhất? Làm thế nào mà có những thứ ta còn chưa biết về mình, trong khi người khác lại có thể nhìn thấy nó?
Đây là lúc các cơ chế phòng vệ tâm lí (hay còn gọi là bức tường phòng vệ ta dựng lên) phát huy tác dụng. Cơ chế phòng vệ của chúng ta là những chiến thuật tâm lí vô thức, nhờ đó ta loại trừ những suy nghĩ và cảm xúc mà nhận thức không muốn chấp nhận. Trong quá trình này, chúng khôn khéo đánh lừa nhận thức của chúng ta về thực tại, không chỉ là những mối quan hệ cá nhân mà còn cả thế giới cảm xúc bên trong chúng ta. Cuốn sách này sẽ mô tả chi tiết các cơ chế phòng vệ đó, giúp bạn hiểu cách chúng diễn hóa và nhận diện sự tồn tại của chúng trong mình. Đây cũng là cơ hội để bạn đối diện và thể hiện những gì nằm trong tiềm thức một cách hiệu quả hơn. Khi sự phòng thủ của bạn trở nên quá cứng nhắc và cố thủ, chúng có thể ngăn bạn sống một đời sống tình cảm phong phú và trọn vẹn.
***
Trong những năm còn ngồi trên giảng đường, tôi từng bị trầm cảm và phải tìm đến trị liệu tâm lí. Giống như nhiều người tham gia trị liệu khác, tôi nghĩ rằng bác sĩ tâm lí sẽ dạy cho tôi những phương cách để giải quyết những vấn đề vướng mắc trong tôi. Bằng sự ngạc nhiên (và thường là khó chịu), tôi sớm nhận ra rằng thay vì cho tôi những phương cách, ông ấy sẽ chú tâm lắng nghe tất cả những gì tôi nói, sau đó nói với tôi vài điều tôi hoàn toàn không ngờ tới về một số khía cạnh trong cảm xúc của tôi – những điều chính tôi không thể nhận thức nổi. Mặc dù tôi đã phủ nhận nhiều điều mà ông ấy nói với mình, đôi khi còn cảm thấy vô cùng tức giận khi nghe những lời đó. Nhưng theo thời gian, chính những điều tôi kể, vô hình trung, lại trở thành minh chứng cho điều ông ấy nói, dù tôi có chấp nhận hay không.
Suốt 30 năm qua, kể từ khi tôi bắt đầu là một nhà tâm lí trị liệu, tôi đã làm việc theo cách như thế. Có rất nhiều người đến với tôi để tìm một sự giúp đỡ. Tôi lắng nghe những câu chuyện họ kể và nghe cả những điều họ không nói. Đấy là những cảm giác đau đớn, những ngọn lửa tức giận, là sự đố kị độc địa, nỗi tự ti và xấu hổ bên trong, và cả những cảm xúc quá mãnh liệt đến độ họ không thể kiềm hãm được. Tôi cố gắng giúp họ hiểu về cơ chế phòng vệ của chính họ, cách họ trốn tránh những trải nghiệm khiến họ thấy đau đớn. Tôi cũng cho họ thấy cách một cơ chế phòng vệ cụ thể thường ngăn họ nhận được những gì họ thực sự cần, hay khiến họ không thể chăm sóc tốt nhất cho bản thân và các mối quan hệ cá nhân của họ.
Đây là vấn đề cố hữu trong các biện pháp phòng vệ tâm lí. Có lúc chúng thực sự cần thiết và hữu dụng với chúng ta trong việc đương đầu với những nỗi đau khổ bên trong mình. Nhưng khi những cơ chế phòng vệ này trở nên quá chấp nhất và cố thủ, chúng có thể ngăn chúng ta tiếp cận những cảm xúc quan trọng mà ta cần đối diện.
Một mặt, sự tê liệt cảm xúc tạm thời có thể giúp bạn vượt qua nỗi đau khi mất đi người thân. Mặt khác, sự phòng vệ cũng khiến bạn trở nên mù mờ trước sự thật rằng tình trạng thiếu thốn cảm xúc thời thơ ấu đã tác động thế nào đến cuộc hôn nhân không hạnh phúc của bạn. Ngăn mình nghĩ tới cái chết có thể giúp bạn có thêm động lực để sống tiếp. Tham gia vào các trò mạo hiểm để thấy rằng mình là bất khả xâm phạm, chứ bạn không giống như những người phàm tục khác, họ có thể có kết cục bi thảm nếu làm như vậy.
Bằng cách loại trừ phần lớn cảm xúc của mình, chúng ta tự làm mình kiệt quệ, tự làm giảm sức mạnh và khả năng đương đầu với thế giới của bản thân. Hãy nhớ là ngay cả những cảm xúc tiêu cực cũng có những mặt tốt của nó, nếu bạn có cái nhìn đúng đắn về vấn đề của mình. Ví như sự tức giận có thể thúc đẩy chúng ta tạo ra những thay đổi quan trọng trong cuộc sống, như buông bỏ một mối quan hệ không lành mạnh với kẻ ích kỉ nào đó, hoặc chấm dứt mối tình đơn phương, hay để bảo vệ bản thân trước sự ngược đãi. Việc thừa nhận lỗi lầm hay thực sự hối hận về cách bạn ứng xử, có thể giúp bạn làm hòa với những người bạn yêu thương.
Trong khi ấy nếu bạn chuyển hướng sai cách hoặc cố gắng lờ đi những cảm xúc mãnh liệt của mình, thì các cơ chế phòng vệ sẽ khiến bạn hành động theo cách ngược với những điều ta thực sự cần làm. Thay vào đó, sự phòng vệ này có thể tự triệt tiêu và không có khả năng tác động đến bạn nữa.
Tệ nhất là khi các cơ chế phòng vệ tâm lí có thể loại trừ hoặc hiểu nhầm một phần nào đó trong cảm xúc mà bạn cần cho các mối quan hệ lành mạnh. Những cảm xúc này không chỉ góp phần tạo nên các mối quan hệ lãng mạn, mà còn là sợi dây ràng buộc với những người thân thích hoặc bạn bè, đồng nghiệp của bạn. Nếu bạn không thể nhận biết những mong cầu thật sự của bản thân, bạn sẽ không thể có được mối quan hệ thân mật đúng nghĩa. Khi bạn cố “nuốt” cơn giận hoặc sự bất hạnh của mình bằng cách ăn uống quá đà, bạn sẽ không thể nhận ra ngọn nguồn của những cảm xúc đó, cho dù là ở nhà, với bạn bè, hay ở nơi công sở. Những người biết cách lùi lại trong khi người khác tức giận, sẽ biết cách phát triển các mối quan hệ chất lượng và lành mạnh.
Đồng thời, thông qua cuốn sách này, bạn có thể áp dụng tất cả những điều bạn lĩnh hội được về các cơ chế phòng vệ, qua đó hiểu rõ tác động của chúng với những mối quan hệ của chính mình. Bạn cần xem xét vai trò của chúng trong những khuôn mẫu không mấy vui vẻ mà chắc chắn bạn không thể thay đổi được. Chẳng hạn như bạn cần xây dựng những mối quan hệ hòa ái, hoàn thành các giao ước, đối mặt với những khó khăn lặp đi lại lại chốn công sở, tình bạn rạn nứt, hay vướng mắc trong giao tiếp với cha mẹ và con cái, cùng nhiều thứ khác.
Mục tiêu cuối cùng của chúng ta ở đây chính là học cách giải trừ những cơ chế phòng vệ đó, những cơ chế ngăn cản việc bạn duy trì kết nối với những người quan trọng, hay để tìm ra cách hiệu quả hơn nhằm thể hiện những điều nằm trong vô thức. Tất nhiên không phải cơ chế nào cũng cần giải trừ, cũng như không phải lúc nào bạn cũng phải đối diện với mọi thứ tồn tại trong vô thức. Nhưng khi sự phòng thủ của bạn trở nên quá cứng nhắc hoặc cố thủ, nó sẽ len lỏi vào bên trong các mối quan hệ của bạn và gây ảnh hưởng không tốt đến các mối quan hệ đó. Bởi vậy, bạn cần có các chiến thuật ứng xử có ý thức và linh hoạt hơn để đối phó với chúng.
CƠ CHẾ PHÒNG VỆ TÂM LÍ LÀ GÌ?
Giống như khái niệm tiền ý thức hay tiềm thức, ý tưởng về sự phòng vệ tâm lí đã trở thành một vấn đề chủ chốt, là tiền đề cho ta hiểu về bản chất con người. Hầu hết mọi người đều hiểu ý nghĩa của việc phòng thủ hay phản ứng phòng vệ. Chúng ta thường sử dụng những từ này để mô tả hành vi của con người khi họ không muốn thừa nhận một sự thật bên trong họ.
“Bạn có để ý cách Jeff phòng vệ mỗi khi bạn nhắc đến anh trai anh ta không? Bạn biết rõ anh ấy cảm thấy có lỗi thế nào về những gì xảy ra trong lễ cưới của anh ấy.”
Tôi nhận ra rằng người đó đang cố gắng quên đi quá khứ đau đớn hoặc khó chịu mà họ không muốn đối diện. Nhờ có tác phẩm đầu tiên của Sigmund Freud mà chúng ta mới hiểu được về sự phòng vệ này.
Freud bắt đầu viết về khái niệm phòng vệ tâm lí vào những năm 1890. Đáng chú ý nhất trong số tác phẩm nổi bật của ông thời đầu, đó là cuốn Studies on Hysteria(Nghiên cứu về chứng cuồng loạn, 1985). Ông đã viết cuốn sách đó cùng với Josef Breuer6. Dĩ nhiên, Freud viết bằng tiếng Đức, ông đã sử dụng thuật ngữ này để mô tả hiện tượng tâm lí abwehr – tiếng Đức có nghĩa là phòng vệ hay phòng thủ, chính xác là “tránh né” hoặc “chống đỡ”.
6 Josef Breuer (1842 - 1925): Bác sĩ thần kinh người Đức. Ông phát triển các phương pháp trị liệu thông qua trò chuyện và đặt nền tảng cho trị liệu phân tâm cùng Sigmund Freud.
Thật tiếc vì chúng ta thường bị mắc kẹt với nhiều thuật ngữ mà Freud đã dùng. Ví dụ như ông thường dùng từ das Ich (“tôi” hoặc “là tôi”) khi viết về the self (bản thân) và conscious mind (ý thức), thay vì sử dụng ngôn ngữ hằng ngày bằng tiếng Anh. Trong khi ấy, những người dịch tác phẩm của ông lại dùng thuật ngữ ego (cái tôi) theo tiếng Latinh. Điều này vô tình khiến cho lớp nghĩa của nó nặng nề hơn, “khoa học” hơn. Bởi vốn là một ngành khoa học non trẻ và thường bị giới y học thời đó coi thường, cho nên phân tâm học muốn được nhìn nhận một cách nghiêm túc và đáng trân trọng hơn.
Ý tưởng của Freud thực ra rất đơn giản, nó không phải kiểu máy móc như thuật ngữ cơ chế phòng vệ (defense mechanism). Theo Freud, đôi khi chúng ta đối diện với một ý tưởng hoặc cảm giác khiến ta thấy đau đớn và khó có thể chấp nhận nổi, chúng ta muốn xua đuổi nó và đẩy nó vào vô thức. Đây không phải là một quyết định có chủ ý, nó tự động xảy ra bên ngoài nhận thức. Freud bắt đầu nói rõ về quan điểm này từ cuối thế kỉ XIX.
Quan điểm ban đầu của ông về bản chất và chức năng của các biện pháp phòng vệ tâm lí được đồng thuận bởi hầu hết các nhà tư tưởng và trị liệu tâm lí ngày nay, dù nhiều người khác cũng đóng góp và mở rộng thêm nhiều kể từ khi Freud lần đầu tiên đưa ra khái niệm này. Phải kể đến những cái tên như Alfred Adler, Anna Freud and Melanie Klein, hay một vài người khác nữa. Trong đó, Donald Meltzer – nhà phân tâm học người Anh, là người có cách giải thích đơn giản và ít nặng lí thuyết nhất. Trong suốt quá trình nghiên cứu của mình, ông cho rằng:
Tất cả các cơ chế phòng vệ, về cơ bản, đều là những lời nói dối mà ta dùng để che đậy đi tổn thương
Quan điểm về bản chất và chức năng của cơ chế phòng vệ này nhằm giúp chúng dễ dàng kết nối với những trải nghiệm cá nhân của chúng ta hơn. Mọi người đều có thể cảm thông với ước muốn trốn tránh nỗi đau. Chúng ta đều hiểu thật dễ khi lừa dối bản thân trước những sự thật khiến ta đau đớn và dằn vặt.
Song đôi khi, các cơ chế phòng vệ lại giúp ta có thể lựa chọn thời điểm đối diện với sự thật mà dường như ta không thể chấp nhận được. Việc né tránh sự thật có thể giúp ta cảm giác dễ chịu hơn ở thời điểm này, cho đến khi chúng ta sẵn sàng đối mặt với những tổn thương của mình. Nhưng về lâu dài, điều này lại vô tình khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Tôi sẽ lấy một ví dụ về một trong những cơ chế phòng vệ dễ thấy nhất, một cơ chế mà tất cả mọi người đều hiểu. Chẳng hạn, bạn phủ nhận chuyện ngoại tình của người vợ hoặc người chồng (cho dù có bằng chứng rõ ràng). Việc này có thể giúp bạn quên đi cảm giác bị phản bội, nhưng đồng thời, nó khiến bạn không thể giải quyết biến cố cuộc đời này, hay tất cả những thiệt hại về tải sản, con cái, tình bằng hữu và cả các cảm nhận về giá trị bản thân.
Các cơ chế phòng vệ tâm lí đã hoạt động và gây ảnh hưởng tới bạn ngay tại thời điểm này, chứ không phải ở tương lai. Chúng không suy nghĩ hay phản xạ, mà chỉ nhằm mục đích giảm đau đớn tức thời và không để tâm đến hậu quả về sau. Có những lúc chúng ta chợt “tỉnh dậy” và đối diện với sự thật. Đôi khi những tầng nghĩa nằm ở vô thức xuyên phá ra ngoài và chúng ta nhận ra điều mình đã ấp ủ bên trong từ rất lâu. Thường xuyên hơn, chúng ta tiếp tục như thế, và các cơ chế phòng vệ này cứ tùy ý đặt định mà ta không để ý đến.
Có lẽ, con người chúng ta được tạo nên từ thói quen và rất khó thay đổi. Cho nên, tôi muốn viết cuốn sách này nhằm tạo ra sự thay đổi, giúp bạn xác định các cơ chế phòng vệ điển hình của mình, và giải trừ chúng. Đồng thời, bạn có thể thiết đặt lại cách bạn đối mặt với những sự thật đời sống sao cho hiệu quả. Từ đó, thúc đẩy bạn thanh lọc và cải thiện cuộc sống cũng như các mối quan hệ xung quanh.
CÁC CƠ CHẾ PHÒNG VỆ VÀ ĐẶC TÍNH CỦA BẠN
Nếu thảo luận về từng cơ chế phòng vệ tâm lí, như các chiến lược riêng lẻ, chúng ta sẽ có một ấn tượng sai lầm rằng các cơ chế phòng vệ này là các cách thức rời rạc và được sử dụng trong các trường hợp đơn lẻ. Chẳng khác nào bạn lựa chọn gậy golf, khi thì gậy gỗ, gậy sắt, cũng có khi là gậy kĩ thuật cho mỗi cú đánh. Thực tế là, chúng ta có xu hướng phát triển các cơ chế phòng vệ đặc trưng hoặc theo thói quen, hoặc theo nhóm hành vi. Những cách đó thường để ngăn cơn đau tác động đến việc hình thành toàn bộ đặc tính cá nhân của mỗi người.
Wilhelm Reich, nhà phân tâm học người Áo, đã đề cập đến vấn đề này trong tác phẩm nổi tiếng Character Analysis (Phân tích cá tính, 1933). Trong khi người Anh ngày nay sử dụng thuật ngữ “cá tính” khi nói về tính lập dị hay phạm trù đạo đức. Giả dụ như, “Anh ta là một người như thế” hoặc “Cô ấy là một người phụ nữ tốt.” Reich thường sử dụng từ Charakter (tiếng Đức có nghĩa là cá tính) hơn là thuật ngữ personality (đặc tính cá nhân). Ông tin rằng tính cách của một người hay bản chất của người đó, nói chung là một cơ chế phòng vệ nhỏ, có tác dụng ngăn chặn tương tự như bất cứ biện pháp phòng vệ tâm lí nào khác. Sự phòng vệ đó biểu hiện trong cách một người thường hành xử, cách họ nói năng và đi lại, cử chỉ và thói quen của người đó, cách họ cười hay giễu cợt, cách họ lịch sự hay tỏ ra hung hăng.
Vì vậy, nếu mọi người mô tả bạn như một người đặc biệt tốt tính, ít khi tỏ thái độ khó chịu hay tức giận, thì mô tả đó có thể sẽ cho chúng ta biết một số điều về cơ chế phòng vệ đặc trưng của bạn. Nếu bạn là một người quyết đoán và có xu hướng thống trị một hoàn cảnh, la mắng người khác, hoặc dán nhãn họ cho tới khi họ đồng thuận với bạn, thì điều đó lại cho thấy một cách phòng vệ hoàn toàn khác. Cách tương tác theo thói quen của bạn với những người quan trọng trong cuộc sống sẽ cho thấy rất nhiều điều về cơ chế phòng vệ mà bạn thường sử dụng.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người quan tâm nhiều hơn đến vấn đề rối loạn nhân cách. Họ hiểu biết nhiều về các kiểu rối loạn tâm lí, sâu sắc đến mức có thể định hình tính cách và các mối quan hệ của họ theo những cách rất dễ nhận biết. Người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỉ7 thường để tâm quá mức đến tầm quan trọng của bản thân, thiếu sự đồng cảm với người khác, và phản ứng với những lời chỉ trích họ bằng sự tức giận hay xấu hổ. Những người mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới thì thường bốc đồng, hay thay đổi cảm xúc, hoặc có mối quan hệ không ổn định với người khác.
7 Tham khảo thêm: Joseph Burgo, Kẻ Ái kỉ cô độc: Đi vào thế giới ẩn giấu trong trái tim, iBooks & NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2021.
Người ta ghi nhãn những chẩn đoán này dựa trên những vấn đề cảm xúc của một người, giống như một phiên bản lâm sàng được quy kết và hệ thống hóa thành thứ tâm lí hằng ngày. Ngôn ngữ của chúng ta có đầy đủ các cách diễn đạt để phản ánh từng kiểu người và các đặc tính của họ. Hay đọc kĩ những tuyên bố dưới đây. Đây là những cách diễn đạt và mô tả người khác mà hầu hết chúng ta đều từng nghe hoặc từng nói lúc này hay lúc khác. Những điều này có liên quan tới đặc điểm tính cách, và chúng có xu hướng gây ra mâu thuẫn hoặc cản trở trong các mối quan hệ. Con người thường có ý chỉ trích hoặc phán xét khi họ dùng chúng:
A là một con quái vật thích kiểm soát;
B luôn khiến tôi có cảm giác mình phải cứu vớt anh ấy;
C là người dễ thương thuyết, mọi chuyện thường đi theo ý cô ấy;
D là người mà tôi cần;
E là một người lạnh lùng;
F điên cuồng với mọi thứ;
Tại sao G lại luôn căng thẳng như vậy?
H đó một người nóng nảy;
J là một nữ hoàng rắc rối;
K nghĩ anh ấy là món quà mà Chúa đem đến cho phụ nữ;
L là một con chuột nhỏ nhút nhát;
Tại sao M luôn biến mình trở thành tấm thảm chùi chân trong các mối quan hệ của cô ấy vậy?
Những mô tả này cho thấy một đặc điểm hoặc phong cách cụ thể, qua đó thể hiện ý niệm của chúng ta về tính cách cơ bản của một người nào đó. Mặc dù nó không rõ ràng, nhưng những câu nói này cũng chỉ ra những phần mà con người thường vướng mắc nhất: (1) đương đầu với nhu cầu và sự phụ thuộc, như của A tới D, (2) quản lí các trạng thái cảm xúc dữ dội hoặc đau đớn, như của E tới H, (3) những vấn đề xung quanh lòng tự trọng trong mối quan hệ với người khác, như J cho đến M.
Trong chương Hai, chúng ta sẽ xem xét kĩ từng phần này, khám phá vấn đề mà tôi gọi là vấn đề tâm lí cốt lõi trong cuộc sống. Chính những vướng mắc mà chúng ta gặp phải khi đối diện với những khó khăn sẽ quyết định cơ chế phòng vệ tâm lí mà ta sử dụng để đối phó với thực tại.
Mỗi người trong chúng ta đều phát triển một nhóm cơ chế phòng vệ riêng của mình để đối phó với những cảm xúc thường trực. Nền văn hóa hay môi trường sống khác nhau có thể dung dưỡng hoặc bài trừ một số cảm xúc nhất định, từ đó định hình tính cách của con người và cách họ thường dùng để né tránh khỏi những cảm xúc không được xã hội chấp nhận. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều phải vật lộn với những thách thức vốn có trong chính cuộc sống của họ:
Cần hoặc mong muốn tiếp xúc với người khác, hoặc phụ thuộc vào họ để thỏa mãn ham muốn; mang trong mình nỗi thất vọng, hoặc bất lực về những mối quan hệ nào đó;
Đối phó với những khó khăn hay cảm xúc đau đớn thường trực như sợ hãi, lo lắng, tức giận, căm ghét, đố kị, hay ghen tị;
Cảm thấy hài lòng về bản thân và tự mãn về giá trị của mình trong mối quan hệ với người khác.
Mỗi người sẽ có cái nhìn của riêng mình, cùng một vấn đề nhưng có thể nhận thấy theo những cách khác nhau. Hai người cùng phải vật lộn với chướng ngại tình cảm, nhưng họ chống lại nó theo những cách hoàn toàn khác nhau. Đối với bất cứ ai, các cơ chế phòng vệ mà họ sử dụng sẽ định hình lại nhân cách và ảnh hướng lớn đến mối quan hệ của họ với những người xung quanh.
Thế còn bạn? Tại điểm này, bạn có thể tự hỏi: “Vậy những cơ chế phòng vệ khác nhau như thế nào?”, hoặc thậm chí là: “Tôi nên sử dụng cơ chế phòng vệ nào?” Phần còn lại của cuốn sách này sẽ giải thích những cách phòng vệ tâm lí điển hình mà chúng ta thường sử dụng, cùng nhiều ví dụ đúc rút từ kinh nghiệm thực tế của tôi và trải nghiệm hằng ngày mà chúng ta đều có thể nhận thấy. Để hiểu rõ cơ chế phòng về tâm lí này, trong những phần tiếp theo của cuốn sách, sẽ có những bộ câu hỏi và bài tập thực hành, giúp độc giả có thể nhận diện các biểu hiện của những cơ chế phòng vệ ấy qua hành động như thế nào, và tại sao mình lại làm như vậy.
Bài luyện tập số 1:
TỰ VẤN BẢN THÂN, HIỂU THÊM MUÔN PHẦN
Để mở đầu cho bài luyện đầu tiên, hãy quay lại và xem xét các mô tả từ A cho tới M ở phía trên. Có lẽ bạn cũng từng nghe hoặc nói ít nhất một hai câu trong số đó, có thể ở mức độ ít cực đoan hơn.
Có thể ai đấy đã từng làm tổn thương cảm xúc của bạn bằng cách mô tả lại bạn. Ví dụ như “Tại sao bạn phải điên lên vì mọi thứ như thế?” Hoặc “Lúc nào bạn cũng sắt đá như vậy à, bạn không thể thả lỏng chút sao?” Nếu vậy, bạn có lẽ đã cảm nhận được cơ chế tự bảo vệ – phòng vệ tâm lí của mình, theo đúng nghĩa thông thường. Khi có ai đó chỉ trích chúng ta, hoặc sử dụng các từ ngữ có tính sát thương, tự trong ta có một điều gì đó rất khó chịu, cho dù những điều họ nói cũng có phần đúng.
Thậm chí khi một người bạn dành cho ta cái nhìn yêu thương và quan tâm, chúng ta cũng có thể bài trừ họ. Đôi khi, dù có tử tế và tốt đẹp đến đâu, một lời phán xét đến từ bất cứ ai cũng có thể khiến chúng ta rơi vào trạng thái phòng vệ. Khi xem lại 12 mô tả tính cách ở trên, bạn có thể khẳng định với bản thân rằng không có mô tả nào đúng với bạn, thậm chí là ở mức độ ít cực đoan hơn. Hoặc bạn có thể nghĩ, hẳn phải có sự thật nào đó, nhưng... Hãy nhớ lại định nghĩa cơ bản của cơ chế phòng vệ, đấy là những lời nói dối mà ta dùng để che đi nỗi đau bên trong. Nếu vậy thì có phải phản ứng của bạn là một trong những cơ chế phòng vệ của bạn không? Chính sự nghi vấn của bạn (hẳn… nhưng…) cho thấy một sự không chắc chắn, một mong muốn phủ nhận sự thật. Chúng ta có xu hướng trở nên phòng vệ khi đối mặt với điều gì đó tổn thương và đau đớn.
Freud và nhiều nhà trị liệu phân tâm – những học trò của ông, đã gọi hiện tượng này là sự phản kháng. Bạn có thể đã nghe thấy từ này trước đây, nó không phải là khái niệm khó nắm bắt. Nếu ban đầu bạn né tránh những cảm giác hoặc sự thật đau đớn mà bản thân không thể chịu đựng nổi, chính là khi bạn sử dụng một cơ chế phòng vệ, bạn tự nhiên sẽ muốn chống lại bất cứ nguy cơ nào làm sống dậy nỗi đau ấy. Đôi khi, bạn từ chối một ý tưởng chỉ vì nó nghe có vẻ không đúng với mình. Tuy nhiên, ở một vài trường hợp khác, bạn chống lại ý tưởng đấy vì bạn cảm nhận được sự đau đớn hoặc nỗi đe dọa vô hình nào đó. Trong những trường hợp này, việc chống lại ý tưởng đó cho thấy một cơ chế phòng vệ bên trong bạn.
Trong suốt thời gian thực hành trị liệu tâm lí, tôi đã chứng kiến sự phản kháng hằng ngày của thân chủ, dù không có sự đối nghịch nào quá lớn. Tôi chú ý đến sự phản kháng này của họ và nhẹ nhàng khuyến khích họ suy nghĩ về căn nguyên của nó. Nếu bạn không tham gia vào quá trình trị liệu nào, bạn hãy trở thành nhà trị liệu tâm lí cho chính mình, đặc biệt là khi bạn đọc cuốn sách này. Hãy ghi lại những phản kháng trong bạn khi thấy nó xuất hiện. Bằng sự kiên nhẫn nhưng quyết liệt, bạn nên tự hỏi bản thân những câu hỏi thế này:
• Tại sao tôi cứ quanh quẩn với suy nghĩ ấy, và khăng khăng rằng nó không đúng?
• Điều gì trong đoạn văn khiến tôi khó chịu đến vậy?
• Tại sao tôi không chọn cuốn sách đó lúc tôi tình cờ đọc một chút... giờ nó có nghĩa là gì đây?
• Tại sao tôi lại vội vàng tới vậy sau khi đọc nghiên cứu điển hình đó?
Tôi cho rằng, khi đọc cuốn sách này, bạn nên ghi lại những điều cần chú ý vào một cuốn sổ nhỏ, và theo dõi phản ứng của chính mình. Hãy cất nó ở một nơi an toàn và đảm bảo không ai khác có thể tìm thấy. Bạn sẽ nản lòng trong việc ghi chép những trải nghiệm đau đớn hoặc xấu hổ đó, khi nghĩ rằng có ai đó sẽ đọc được chúng. Hãy trung thực và cố gắng đừng phán xét gì cả. Cố gắng tập trung vào cách bạn cảm nhận, những phản ứng tự phát, hơn là cách bạn nghĩ bạn cần làm. Đừng vội thúc ép bản thân mình thay đổi.
Đối với các bài tập ở cuối chương, hãy viết ra câu trả lời của bạn, ghi lại những phản ứng đặc biệt mạnh hoặc bất thường mà bạn có thể có. Khi chuyển sang các chương tiếp theo, thỉnh thoảng hãy quay lại và đọc lại câu trả lời trước của mình. Bạn có thể thấy rằng, quan điểm và vị thế của bạn đã thay đổi theo thời gian. Còn nếu bạn không muốn làm bài tập hoặc trả lời các câu hỏi, cũng hãy lưu ý điều đó. Sự phản kháng luôn biểu hiện dưới nhiều cách thức khác nhau.
Giờ thì, hãy ghi lại câu trả lời của bạn trên cuốn sổ của mình. Bạn có thể làm như vậy theo cách thuật lại hoặc bằng những ghi chú ngắn gọn.
1. Khi nghĩ về một số người bạn quen, bạn có tin rằng có những điều bạn quan sát được về họ mà họ không biết không? Tại sao bạn nghĩ họ không biết khía cạnh này của mình? Họ sẽ đau đớn và thấy tổn thương thế nào khi thừa nhận sự thật?
2. Bạn đã bao giờ thức tỉnh về một cảm xúc mà trước đấy bạn không nhận ra chưa? Cảm xúc cuối cùng mà bạn có là gì? Nó khó chịu hay đau đớn?
3. Có ai đã từng nói với bạn điều gì đó về bản thân mà khiến bạn vô cùng khó chịu, khiến bạn “phòng thủ” trước nó theo nghĩa mà chúng ta vẫn dùng không? Giờ nhìn lại những trải nghiệm ấy, có điều gì họ nói là đúng không?
Giờ thì sao nhỉ? Bài luyện đơn giản này chỉ nhằm mục đích giúp bạn suy nghĩ thực tế hơn về việc phòng vệ tâm lis, về bản thân bạn cũng như những người xung quanh. Từ đó bạn có thể tập trung vào những cách bạn thường cố gắng sử dụng để tránh đối diện với những sự thật đau lòng. Ngày mai và những ngày tiếp theo, hãy xem liệu bạn có thể phát hiện ra bất kì “lời nói dối” nào của bạn bè, đồng nghiệp, người thân để né tránh những tổn thương trong họ hay không. Hãy bắt đầu bằng việc tự vấn bản thân, xem có những sự thật đau lòng nào khiến bạn khó đối diện.