Sống trên đời vốn đã là niềm đau
- Norman O. Brown -
Hãy xem xét các nhận định sau về con người chúng ta:
Con người là loài linh trưởng có một tuổi thơ không nơi nương tựa, và thậm chí phụ thuộc lâu dài.
Để tồn tại trong một thế giới nguy hiểm, chúng ta đã phát triển một hệ thống phòng vệ cảm xúc, qua đó giúp ta đối phó với các tình huống quan trọng, hoặc phản ứng nhanh chóng với các nguy cơ.
Homo sapiens (người tinh khôn) là động vật xã hội, nói theo lịch sử, là loài sống theo bầy đàn hoặc bộ lạc có hệ thống phân cấp nội bộ phức tạp, có sự kết nối tâm lí tình cảm giữa các thành viên trong đàn và thúc đẩy sự tồn tại của giống loài.
Những đặc điểm này có vẻ chỉ đóng vai trò như những dự liệu nhân chủng học, nó không ảnh hưởng nhiều đến cá nhân hoặc những mối quan tâm hằng ngày của bạn. Nhưng trên thực tế, mỗi đặc điểm đều đóng một vai trò chủ chốt trong đời sống của chúng ta. Chúng cũng tác động đến từng mối quan hệ chúng ta có, giữa cha mẹ và con cái, giữa bạn bè hay đồng nghiệp, và cả giữa những người yêu nhau. Chúng là điểm quan trọng trong việc con người tìm kiếm cảm giác về phẩm giá và giá trị của bản thân.
Từ quan điểm tiến hóa, đây là một số cách mà di sản kế thừa định hình câu chuyện cuộc sống cá nhân của chúng ta, các tính cách chúng ta phát triển và các vấn đề tâm lí có thể gây cản trở cho ta.
1. Tuổi thơ dài dễ bị tổn thương: Đây là quãng thời gian mà ta dựa vào cha mẹ nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu cho quá trình phát triển và bảo vệ bản thân khỏi các mối nguy của thế giới. Vấn đề phụ thuộc này nằm ở cốt lõi của trải nghiệm con người. Nếu nhu cầu của chúng ta không được đáp ứng ở thời thơ ấu, trong giai đoạn ta dễ bị tổn thương và cảm thấy bất lực, nếu cha mẹ ta khiến ta thấy bất an ngay từ khi còn non nớt, điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng tin tưởng và phụ thuộc vào người khác trong suốt quãng đời tiếp theo của chúng ta.
Hãy xem xét trường hợp của Brian, một trong những thân chủ của tôi. Trong suốt khoảng thời gian ấu thơ, anh ấy đã chứng kiến người cha gia trưởng và người mẹ chạy dài trong những mối tình vụng trộm. Khi trưởng thành, Brian trở nên cô độc và khép kín, anh cảm thấy khó tin tưởng hay phụ thuộc vào bất kì ai. Khi kết hôn, anh chọn một người phụ nữ khiến anh dễ dàng kiểm soát và bí mật lắp thiết bị theo dõi trong nhà để quan sát nhất cử nhất động của cô ấy.
Một thân chủ khác của tôi, Melissa cũng sinh ra trong một gia đình hỗn loạn như vậy. Cô ấy có xu hướng đeo bám và chiếm hữu trong các mối quan hệ bạn bè, cũng như người yêu của mình. Ngay từ lúc bắt đầu một mối quan hệ, cô ấy hoàn toàn lấp đầy hình bóng của đối phương trong mình, luôn luôn lo lắng một ngày nào đó họ sẽ rời bỏ cô.
2. Kể từ lúc sinh ra, đứa trẻ đã mang trong mình những cảm giác và nỗi sợ hãi mãnh liệt về thế giới mà chúng sẽ sống: Một vai trò vô cùng quan trọng của các bậc cha mẹ là giúp con cái mình quản lí những cảm xúc đó. Chẳng hạn như xoa dịu, hoặc khiến chúng cảm thấy an toàn, hay an ủi mỗi khi chúng thấy tổn thương. Nếu chúng ta lớn lên trong hoàn cảnh ngược lại, khi cha mẹ không thể đem đến sự hỗ trợ về mặt tinh thần, thì chúng ta sẽ luôn cảm thấy khó khăn trong việc quản lí những cảm xúc của chính mình.
Tôi đã làm việc nhiều năm cùng với Sharon. Đấy là một người phụ nữ trẻ tuổi, cô ấy đến gặp tôi để xin giúp đỡ bởi thói quen ăn uống mất kiểm soát. Cha mẹ cô ấy li hôn từ khi cô ấy còn nhỏ, sau đó người mẹ đã nuôi dạy cô ấy cùng các anh chị em khác. Mẹ cô theo kiểu khá quân phiệt, bắt họ phải kìm nén và trốn tránh cảm xúc. Bà ấy cũng luôn phủ nhận chuyện người chồng sau của mình đang quấy rối Sharon. Khi trưởng thành, Sharon không thể chịu được những cảm xúc mạnh, và thường dùng thức ăn để quên đi. Cô thường nôn mửa khi đối diện với những cảm xúc đau đớn. Nó khiến cô rơi vào trạng thái trống rỗng trong suốt một khoảng thời gian.
Một thân chủ khác của tôi là Aidan. Anh sinh ra trong một gia đình vô cùng hỗn loạn và đời sống tình cảm thì đầy biến động. Anh ấy luôn cảm thấy choáng ngợp trước cảm xúc của chính mình. Một vấn đề nhỏ nhặt trong công việc cũng trở thành một khủng hoảng lớn. Sự thất vọng trong anh thường dẫn đến những mâu thuẫn với đồng nghiệp. Khi anh ta phải đối mặt với xung đột trong các mối quan hệ của mình, nó thường kết thúc bằng một cuộc suy thoái cảm xúc.
3. Mỗi chúng ta đều muốn thấy mình quan trọng và có một vị trí nào đó trong thế giới này: Chúng ta cần cảm nhận được giá trị nội tại của bản thân và muốn những người xung quanh cũng tôn trọng mình. Khi môi trường sống ban đầu không thể đáp ứng và cho chúng ta ý thức về giá trị cá nhân này, chúng ta sẽ phải vật lộn với các vấn đề, như sự tự ti, tự hạ thấp mình trong suốt phần đời còn lại.
Sam là đứa con sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là những người cầu toàn và vô cùng nghiêm khắc. Anh luôn cảm thấy mình chẳng bao giờ có thể theo kịp những tiêu chuẩn, những kì vọng của họ. Sau này, dù đã trở thành một người đàn ông cao lớn và vô cùng điển trai, nhưng anh ấy vẫn luôn cảm giác mình thua kém và xấu xí. Kể cả khi đã kết hôn và tỏ ra khá thú hút với người khác giới, nhưng thỉnh thoảng anh ấy vẫn đến nhà tắm dành cho người đồng tính mỗi khi cảm giác mình thua kém. Anh ta đến đó không phải để thỏa mãn thú vui xác thịt, anh ta ở đó vì cảm giác có được ánh mắt ngưỡng mộ và khao khát của những người đàn ông khác.
Jessica – một thân chủ khác của tôi, sống trong một gia đình đông con, có tiền sử lạm dụng ma túy, tâm thần và hôn nhân tan vỡ. Cô ấy lớn lên cùng lí tưởng của mẹ mình về tài năng nghệ thuật và sự xuất sắc của cô khi ở trường. Đối với người khác, Jessica chưa bao giờ là một đứa trẻ “thất bại”. Nhưng thực lòng, cô không cảm thấy tự tin vào khả năng của mình. Bất cứ khi nào nhớ đến tuổi thơ của mình, cô luôn cảm thấy tê dại vì xấu hổ. Cho tới khi trưởng thành, cô đã không thể hoàn thành giấc mơ nghệ thuật ấy. Cô không thể có một mối quan hệ theo đúng nghĩa, bởi trong cô lúc nào cũng mong muốn một mối quan hệ mà mình luôn nhận được nhiều tình cảm hơn.
Ba vấn đề tâm lí này nằm trong chính môi trường sống và trải nghiệm của con người. Trong suốt những năm tôi làm việc với tư cách là một nhà trị liệu, hầu hết thân chủ tôi tiếp xúc đều phải đối mặt với một trong số ba vấn đề ấy.
Một số thân chủ không thể chịu đựng được bản chất phụ thuộc của các mối quan hệ cá nhân sâu sắc. Chẳng hạn như Brian, anh ấy không thể thân thiết nổi với ai, cũng chẳng ai có thể lại gần anh ấy. Hay như vấn đề của Melissa, cô ấy quá dễ dàng thân mật, cũng dễ dàng phụ thuộc.
Trong liệu pháp tâm lí cá nhân, thân chủ của tôi và tôi đã khám phá ra các biện pháp phòng vệ tâm lí mà họ sử dụng để né tránh việc nhận thức về nhu cầu của bản thân. Quá trình khám phá này giúp họ dung nạp tốt hơn những nhu cầu đấy. Đây cũng như một bước cần thiết để hướng tới các mối quan hệ viên mãn hơn. Nếu bạn đang gặp các vấn đề tương tự, cuốn sách này sẽ giúp bạn xác định các cơ chế phòng vệ thường dùng để đối phó với tổn thương sâu sắc mà bạn gặp phải. Qua đó, đưa ra hướng dẫn về cách giải trừ các biện pháp phòng vệ này, đồng thời giới thiệu cho bạn những phương cách hiệu quả hơn để đáp ứng các nhu cầu của bản thân.
Một số thân chủ khác lại thấy khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc. Hoặc họ kìm nén và xây dựng các cách để loại bỏ cảm xúc, như Sharon dùng cách ăn uống vô độ của cô ấy. Hoặc họ cảm thấy bản thân phải chịu đựng cảm xúc của chính mình, liên tục bị cảm xúc lấn át như Aidan.
Trong bối cảnh của mối quan hệ trị liệu tâm lí, các thân chủ sẽ dần nhận ra các biện pháp phòng vệ mà họ sử dụng để quản lí cảm xúc, đồng thời học cách tốt hơn để đối phó với cảm xúc của họ. Phần II và III của cuốn sách này sẽ hướng dẫn người đọc theo một quy trình tương tự.
Hầu hết các thân chủ đều phải vật lộn với cảm giác về giá trị của bản thân. Giống như Sam, nhiều người cũng khao khát sự ngưỡng mộ mãnh liệt từ người khác, hoặc cố gắng thu hút sự chú ý của họ nhằm thoát khỏi cảm giác vô giá trị bên trong. Một số người phải đeo gánh nặng về sự xấu hổ suốt cuộc đời, như Jessica. Họ cảm thấy không xứng đáng và thiếu tự tin để đạt được thành công trong cuộc sống, hoặc để có những mối quan hệ thực sự lành mạnh.
Là một nhà trị liệu tâm lí, trọng tâm công việc của tôi tập trung vào vấn đề về nỗi tự ti xấu hổ. Tôi cần giúp thân chủ của mình nhận ra cách họ hành động, động lực thôi thúc họ hành động, những cơ chế phòng vệ ái kỉ họ dùng để che đi sự tự ti (hoặc chủ nghĩa hoàn hảo), cách họ căm ghét bản thân từ đó giúp họ dẹp bỏ cảm giác bị tổn thương và nỗi hổ thẹn trong mình. Cuốn sách này sẽ giúp độc giả khám phá những cách phòng vệ đặc trưng chống lại sự tự ti và cho bạn một cách khác để đối mặt với chúng.
***
Một vài mô tả ở trên có thể đúng với trường hợp của bạn hoặc không. Nhưng chắc chắn, sẽ có những nét tương đồng nào đó.
Có lẽ bạn không thể xây đắp cho bản thân những mối quan hệ hài hòa lâu dài, bởi bạn gặp khó khăn trong việc kết thân, hoặc vì những người khác cảm thấy bạn đeo bám và muốn chiếm hữu họ. Bạn cũng có thể là người thường xuyên phản ứng thái quá hoặc cảm thấy tồi tệ về điều như thế. Hoặc bạn ngừng hành động và không biết mình đang thực sự cảm thấy gì. Bạn có thể đã phải chịu đựng cảm giác tự ti, hay thậm chí là căm ghét bản thân trong suốt đời mình.
Theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết mọi người đều phải vật lộn với những vấn đề này, theo cách này hay cách khác. Họ cũng có thể tạm tránh khỏi những tổn thương liên quan đến việc sử dụng nhiều cơ chế phòng vệ khác nhau, có một số cơ chế sẽ hiệu quả, một số khác lại ít hiệu quả hơn. Khi khả năng phòng vệ cảm xúc của họ tương đối ổn định và hiệu quả, người ta hiếm khi tìm đến liệu pháp tâm lí (hoặc mua một cuốn sách như thế này). Họ đạt đến trạng thái cân bằng cảm xúc khiến cuộc sống của mình trở nên dễ thở, ngay cả khi phải hi sinh một số khía cạnh trong đời sống tình cảm. Không phải tất cả cảm giác đau đớn đều phải được thừa nhận và cảm nhận. Có những tình huống mà các cơ chế phòng vệ tâm lí giúp chúng ta kiểm soát nỗi đau, và do đó chứng tỏ là nó có hiệu quả. Không phải ai cũng cần tìm đến liệu pháp tâm lí.
Thông thường, khi một cơ chế phòng vệ hoạt động không đủ tốt hoặc khiến tổn thương của chúng ta tồi tệ hơn thay vì được chữa lành, lúc ấy chúng ta mới cần đến sự trợ giúp riêng. Có thể đó là lí do thôi thúc bạn mua cuốn sách này. Cũng có thể một số hành vi cưỡng chế nào đó đang ảnh hưởng đến cuộc sống và các mối quan hệ của bạn. Hoặc một khía cạnh bại hoại, tăm tối nào đó mà bạn không hiểu nổi, và không thể phá vỡ. Bạn có thể phản ứng với người khác theo những cách bạn không thể kiểm soát được, và điều này thường dẫn bạn đến tổn thương hoặc một sự tủi nhục nào đó. Có lẽ các mối quan hệ của bạn đều dễ đổ vỡ và không kéo dài được lâu.
Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy một cơ chế phòng vệ tâm lí không còn hiệu quả với bạn, ngược lại còn gây ra nhiều đau đớn hơn. Điều này có nghĩa bạn đang đấu tranh với một hoặc nhiều hơn trong ba vấn đề tâm lí quan trọng nhất: (1) Mong muốn được đáp ứng các nhu cầu cần thiết và sự phụ thuộc như một phần tất yếu của mối quan hệ; (2) Quản lí những cảm xúc mãnh liệt; (3) Xây dựng lòng tự trọng (trái ngược với cảm giác tự ti và tổn thương).
Điều này cũng có nghĩa là bạn cần phải tìm ra những cách hiệu quả hơn cho mình, và đó cũng là mục đích của Phần III.
CÁC VẤN ĐỀ TÂM LÍ CỐT LÕI
Hầu như mọi người đều biết rằng Sigmund Freud đã nhấn mạnh tầm quan trọng của bản năng tính dục (libido – dục năng) trong bản chất con người. Đồng thời, ông cũng gây chấn động bằng những lí thuyết về tính dục thời thơ ấu qua giai đoạn miệng và hậu môn8. Trong Three Essays on Sexuality (tạm dịch: Ba bài luận về tính dục, 1905), lần đầu tiên ông đã đề cập đến nguồn gốc, mục đích và đối tượng của bản năng, đồng thời lặp đi lặp lại những khái niệm này trong các tác phẩm sau đó của mình. “Chúng ta có thể phân biệt nguồn gốc, đối tượng và mục tiêu của bản năng. Nguồn gốc của nó chính là trạng thái kích thích trong cơ thể, và mục đích của nó là loại bỏ kích thích ấy...”9
8 Theo học thuyết của Freud về 5 Giai đoạn phát triển tâm lí tính dục giúp hình thành nhân cách trưởng thành, bao gồm giai đoạn miệng, hậu môn, dương vật, tiềm tàng và sinh dục.
9 Sigmund Freud, Bài luận New Introductory Lectures on Psycho-Analysis (tạm dịch: Bài giảng giới thiệu mới về phân tích tâm lí), S.E. 22, 1933.
Đặc biệt trong các tác phẩm trước đó của mình, thi thoảng Freud có vẻ hơi máy móc giống như một nhà sinh vật học nói về sự tích tụ căng thẳng tính dục, những rung cảm sau đó giải phóng nó mà không có bất cứ liên quan nào đến mối quan hệ giữa con người với con người. Tuy nhiên, tiềm ẩn trong tất cả các lí thuyết của Freud là ý tưởng cho rằng bản năng là thôi thúc tìm kiếm đối tượng một cách tự nhiên. Điều này có nghĩa là bản thân con người chúng ta đã tự có sẵn một động lực, một khao khát muốn kết nối với những người khác, không chỉ đơn giản là để giải phóng những căng thẳng tính dục. Trong câu trích dẫn ở trên, đặc trưng thứ ba của bản năng là đối tượng của nó. Ngay từ đầu, lí thuyết phân tâm đã sử dụng thuật ngữ “đối tượng” này để chỉ những người khác, chứ không phải là cá nhân được đề cập hay chủ thể.
Ý tưởng về động lực kết nối với những người khác được đưa ra trong lí thuyết Quan hệ Đối tượng10 do các nhà lí thuyết học như Ronald Fairbairn, Melanie Klein, Donald Winnicott hay Harry Guntrip phát triển trong những năm 1940, 1950. Mặc dù lí thuyết Quan hệ Đối tượng này vẫn giữ lại phần lớn tư tưởng về bản năng tính dục của Freud, nhưng nó cũng bắt đầu chuyển tiếp từ bản năng tính dục sang mối quan hệ nuôi dưỡng giữa người mẹ và trẻ sơ sinh. Nó tập trung vào sự phụ thuộc của đứa trẻ, những trải nghiệm thèm khát, ham muốn hay thất vọng. Ngày nay, hầu hết các nhà trị liệu tâm động học đều sử dụng cách này để thấu hiểu thân chủ của họ.
10 Lí thuyết Quan hệ Đối tượng (Object Relations) trong phân tâm học nói về quá trình phát triển tâm lí trong mối quan hệ giữa người với người trong thời thơ ấu, khám phá các mối quan hệ giữa nội tại và ngoại tại. Nó cho rằng mối quan hệ của trẻ sơ sinh với người mẹ chủ yếu quyết định sự hình thành nhân cách của trẻ trong cuộc sống trưởng thành. Đặc biệt, nhu cầu gắn bó là nền tảng phát triển của con người, tổ chức tâm linh tạo ra cảm giác về danh tính.
Thân chủ đã trải qua thời thơ ấu như thế nào, khi cô ấy hoàn toàn bất lực và phụ thuộc vào cha mẹ, đặc biệt là người mẹ?
Những hạn chế và thất bại của cha mẹ đã ảnh hưởng đến quá trình trường thành của anh ấy ra sao? Cảm giác ban đầu của anh ta về việc cần một người có khiến anh ấy bực bội không?
Mối quan hệ hiện tại của họ ảnh hưởng như thế nào bởi những trải nghiệm ban đầu đó?
Hay nói cách khác, lí thuyết Quan hệ Đối tượng, giống như một phần mở rộng tư tưởng của Freud, xem xét mối quan tâm tâm lí chính của con người: Những trải nghiệm được đáp ứng các nhu cầu thiết yếu và sự phụ thuộc vào người khác.
Nhiều nhà lí thuyết kế cận đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa người mẹ và trẻ sơ sinh. Họ tập trung vào vai trò của người mẹ trong việc giúp đứa trẻ non nớt học cách quản lí cảm xúc của chính mình. Donald Winnicott phát triển khái niệm môi trường kiềm giữ (holding environment) hay một môi trường tự do an toàn để trẻ có phát triển toàn diện. Heinz Kohut tập trung vào sự đồng cảm. Còn W. R Bion lại trình bày quan điểm về vai trò của người mẹ trong việc bao chứa trải nghiệm cảm xúc khó chịu của con mình. Cả ba điều trên đều hướng tới những cách mà một người mẹ có thể giúp đỡ đứa trẻ bao dung, thấu hiểu, hay tự suy ngẫm về những cảm xúc bên trong. Những nhà lí thuyết học này giải thích mối quan tâm lớn thứ hai của chúng ta về tâm lí: Học cách quản lí cảm xúc của chính mình. Phần lớn các nhà trị liệu tâm động học bị tác động bởi những lí thuyết như vậy.
Tại sao khả năng chịu đựng những cảm giác mạnh của thân chủ tôi lại kém đến như vậy? Mẹ cô ấy không có tình cảm gì sao? Hoặc có thể là ngược lại, chúng quá hỗn độn và đáng sợ?
Trong các buổi trị liệu, làm sao tôi có thể giúp thân chủ mình chịu đựng cơn thịnh nộ bùng nổi đó và không bị nó lấn át? Việc mẹ anh ấy không ổn định và hoàn toàn không đáng tin hẳn là lí do.
Heinz Kohut không chỉ viết về sự đồng cảm và vai trò của nó trong mối quan hệ giữa người với người, mà ông còn giúp chúng ta hiểu về trải nghiệm của một cá nhân về bản thân. Đấy là cảm giác khi trở thành chính mình, nhất quán với con người bên trong, cách người đó đấu tranh với các vấn đề về danh vị, ý nghĩa về bản thân và thể hiện cái tôi. Gần đây Andrew Morrison đã làm sáng tỏ vai trò của nỗi hổ thẹn hạt nhân đối với các chứng rối loạn của bản thân, bao gồm cả chứng ái kỉ. Các nhà lí thuyết học đã tiến nhập vào mối bận tâm thứ ba của chúng ta về tâm lí, đó là chúng ta tìm kiếm cả ý thức nội tại về giá trị cá nhân, và cả niềm tin rằng mình quan trọng trong mắt người khác. Khi nghĩ về thân chủ, một nhà tâm lí động lực học có thể tin rằng:
Bạo lực và sự hỗn loạn trong cuộc sống gia đình sẽ khiến người phụ nữ phải chịu đựng nỗi hổ thẹn hạt nhân, sự mặc cảm sâu sắc về những thứ không bình thường ở bản thân.
Sự thất vọng của anh ấy về người mẹ luôn thu mình, hầu như bà ấy không quan tâm, cũng như yêu thương và nuôi dưỡng cho đứa con của mình. Kết quả là khi lớn lên, anh ấy không thể tự ý thức về bản thân mình, không cảm thấy mình xứng đáng và có giá trị như một con người.
Bài luyện dưới đây sẽ giúp bạn xem xét sâu hơn từng mối quan tâm tâm lí cốt lõi, qua đó tìm ra những vấn đề này đang gây ra cản trở lớn nhất cho bạn.
Bài luyện tập số 2:
TÔI LÀ AI, BẠN LÀ AI?
Các nhận định dưới đây sẽ được chia làm ba tập hợp, mỗi tập hợp lại có hai nhóm nhỏ. Hãy xem qua tất cả các nhận định một hoặc hai lần để xác định vấn đề cụ thể nào phù hợp với bạn hơn. Sau đó, xem lại các nhận định đó một lần nữa và quyết định xem nhóm nhỏ nào mô tả chính xác hơn về bạn. Hãy viết những lựa chọn đó trong nhật kí của bạn.
Hãy đảm bảo rằng bạn đã hiểu rõ về các nhóm mà bạn lựa chọn, bởi tôi sẽ đề cập đến chúng trong suốt chương 3.
Ngay cả khi bạn đang cất giữ ghi chép đó một cách cẩn mật, ngay trong bạn cũng có suy nghĩ rằng nhỡ ai đó khác nhìn thấy ghi chép này, như thể có người đứng đằng sau và nhìn qua vai của bạn, thì họ sẽ nghĩ sao. Hãy cố gắng gạt những suy nghĩ ấy sang một bên. Nếu bạn vẫn không thể dừng lại suy nghĩ đó, hãy viết ra một cách chính xác những gì bạn tưởng tượng về cách người khác nghĩ về mình. Có một trở ngại ở đây, đó là khi bạn kì vọng vào chính con người mà bạn muốn trở thành. Như tôi sẽ thảo luận ở các chương sau của cuốn sách này, việc phát triển một đức tính trung thực cởi mở và không quá khắc nghiệt, cũng như không quá xuề xòa trong việc đánh giá sẽ là một bước cần thiết để học cách giải trừ những bức tường phòng vệ trong bạn. Hãy đánh giá bản thân một cách khách quan nhất có thể.
Và đừng đọc những thảo luận sau bài luyện cho tới khi bạn đã hoàn thành chúng nhé.
TẬP HỢP A
Nhóm 1
• Tôi không tin tưởng người khác sẽ xuất hiện vào lúc tôi cần họ;
• Tôi không phải kiểu người bám riết lấy người khác;
• Cảm giác quá thiếu thốn và phụ thuộc là một điểm yếu;
• Tôi hiếm khi ăn hoặc uống quá nhiều. Tôi luôn biết cách kiềm chế các cơn thèm ăn của mình;
• Đối với tôi, quan hệ thể xác không quá quan trọng như đối với những người khác;
• Nếu bạn muốn làm điều gì đó đúng đắn, hãy tự mình làm.
Nhóm 2
• Khi có một vấn đề nảy sinh, tôi thường tưởng tượng có ai đó sẽ đứng ra giải quyết cho tôi;
• Tôi không thực sự ham mê ăn uống, nhưng tôi ước gì mình có thể kiểm soát việc ăn uống của mình hơn;
• Mỗi khi dính tới chuyện tình cảm, tôi thường mất kiểm soát;
• Đôi khi tôi cảm giác thực sự cần một điều gì đó, tôi cảm thấy quá thiếu thốn;
• Tôi thường kết thúc một buổi hẹn hò bằng việc quan hệ tình dục, ngay cả khi tôi biết đó là một ý tưởng vô cùng tồi tệ;
• Những người khác quan trọng đối với tôi hơn là tôi quan trọng trong mắt họ.
TẬP HỢP B
Nhóm 3
• Những cảm xúc mãnh liệt, những biểu hiện thái quá khiến tôi bứt rứt không yên;
• Tôi hầu như không bao giờ khóc, ngoại trừ vài lần khi xem một bộ phim buồn;
• Tôi hiếm khi tức giận và không bao giờ mất bình tĩnh;
• Tôi thực sự là một người cực kì tử tế;
• Tôi thường bắt đầu một cái gì đó mới và rất nhanh chán;
• Tôi lo lắng điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra nếu tôi không cẩn thận.
Nhóm 4
• Tôi thường phản ứng thái quá với các tình huồng và sau đó cảm thấy tồi tệ với chúng;
• Chẳng có gì lạ khi tôi luôn bị cảm xúc lấn át;
• Tôi ước mình không rơi vào những tâm cảm bất thường đó;
• Tôi thường cảm thấy mình vô hướng và mất kiểm soát;
• Tôi đã mất bình tình nhiều hơn tôi tưởng,
• Tôi cảm thấy như thể mình đang bị bủa vây bởi một mớ cảm xúc hỗn độn.
TẬP HỢP C
Nhóm 5
• Có lẽ tôi đã dành quá nhiều thời gian ngắm nghía trước gương;
• Phần lớn tiền tôi dành để mua quần áo mới và chăm sóc vẻ ngoài của mình;
• Người khác thường ước họ có được vẻ ngoài xinh đẹp, sự thành công, và tính cách tốt bụng của tôi;
• Về các mối quan hệ, thật khó để tìm được ai đáp ứng mọi tiêu chuẩn của tôi;
• Tôi thích trở thành tâm điểm tại các buổi tiệc;
• Không có gì lạ khi tôi cảm thấy mất kiên nhẫn và luôn khinh thường người khác.
Nhóm 6
• Tôi thường cảm thấy “lép vế” trước bạn bè và người thân của mình;
• Tôi có xu hướng dằn vặt bản thân vì những sai lầm của mình;
• Tôi thường cảm thấy ghen tị với người khác về cuộc sống của họ;
• Tôi lo sợ người khác sẽ coi thường mình;
• Tôi thực sự gặp khó khăn bởi những lời chỉ trích và luôn trong tình trạng phòng vệ trước người khác;
• Tôi ước mình là một người khác.
Khi xem qua bài tập này, bạn sẽ thấy rằng các nhận định ở Tập hợp A liên quan đến những mong cầu hay sự phụ thuộc. Tập hợp B tập trung vào những cảm xúc mạnh mẽ và khả năng tự chủ. Trong khi Tập hợp C liên quan đến các vấn đề về lòng tự trọng và cách chúng ta nhìn nhận bản thân mình trong mối quan hệ với người khác.
Nếu bạn ở Nhóm 1, bạn thường gặp vấn đề trong việc thừa nhận những điều bạn mong muốn hay phụ thuộc vào người khác. Trong khi sự phòng vệ của bạn hướng đến việc từ chối sự phụ thuộc và thuyết phục bản thân mình rằng, bạn không có ham muốn hay không cần điều gì đó.
Những bạn ở Nhóm 2 ý thức về bản thân một cách mạnh mẽ, thay vì bị “cuốn đi” theo những nhu cầu và mong muốn của bản thân. Cơ chế phòng vệ đặc trưng là bạn cố gắng làm chủ bản thân bằng cách giành quyền kiểm soát những gì bạn cần.
Nếu bạn thấy mình ở Nhóm 3, có thể bạn thấy khó chịu với những cảm xúc mãnh liệt, và cơ chế phòng vệ của bạn sẽ hướng tới việc tránh những tình huống có thể làm tăng cảm giác mạnh, hoặc giảm tác động của những cảm giác đó khi chúng xuất hiện.
Những bạn bị thu hút bởi các nhận định ở Nhóm 4 thường cảm thấy bị choáng ngợp bởi cảm xúc của mình. Các cơ chế phòng vệ của họ nhằm mục đích “thoát khỏi” những cảm xúc khó chịu đó bằng nhiều cách khác nhau, hoặc để tìm cách giữ lấy một cảm giác đặc biệt trong mình.
Còn ai đó thấy mình ở Cụm C, dù là Nhóm 5 hay Nhóm 6, đều phải vật lộn với cảm giác xấu hổ và tự ti bên trong mình. Cơ chế phòng vệ của những bạn ở nhóm 5 là nhằm thuyết phục bản thân và những người xung quanh tin rằng điều ngược lại mới là đúng.
Những cá nhân ở Nhóm 6 có cơ chế phòng vệ mà phần lớn (không phải hoàn toàn) đã khiến họ thất bại. Mặc dù bạn mong muốn thay đổi, trở thành một con người khác, nhưng chính nó lại là một cơ chế phòng vệ riêng. Tôi sẽ nói thêm về vấn đề này trong chương 11 - Sự phòng vệ chống lại cảm giác xấu hổ.
Thực ra thì, bạn có thể thấy bản thân mình trong nhiều nhóm, nhiều tập hợp cùng một lúc, và dường như không thuộc về nhóm cụ thể nào cả. Ví dụ, những nhận định ở Nhóm 1 và Nhóm 3 thường nói về cùng một tuýp người. Tôi đưa ra bài tập này, không nhằm mục đích phân loại, mà để biết được những cảm xúc thực sự của bạn nằm ở đâu. Nó cũng là bước dạo đầu để xác định các cơ chế phòng vệ nào bạn sử dụng để đối phó với chúng. Ở một mức độ nào đó, dù ở nhóm này hay nhóm khác, chúng ta đều phải vật lộn với tất cả những vấn đề này.
Hãy chú ý đến cách những vấn đề này xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày của bạn. Lưu tâm đến cách bạn và những người xung quanh phản ứng khi cảm thấy cần hay muốn một điều gì đó. Có thể là một vấn đề đơn giản như nhờ ai đó mang cho bạn một li nước ngọt từ phòng bếp. Hãy quan sát các cách khác nhau để đối phó với những cảm xúc mãnh liệt, cho dù những người xung quanh bạn có xu hướng thổi phồng nó lên hay kiềm chế lại. Hãy xem xét lòng tự trọng của bản thân trong mối quan hệ với người khác và tự hỏi mình rằng: Bạn tưởng tượng họ cảm thấy thế nào trong mối quan hệ với bạn.
Trước khi chuyển sang chương tiếp theo, hãy chắc chắn bạn đã nắm rõ các nhóm trong bài luyện này. Đừng quên là mình đang ở đâu. Quan trọng lắm đấy!