“Chẳng tỉnh thức nào lại không đi kèm với nỗi đau”
- Carl Jung -
Ở chương trước, chúng ta đã xem xét ba vấn đề tâm lí cốt lõi trong trải nghiệm của con người, đấy là (1) Chịu đựng sự thiếu thốn (đáp ứng các nhu cầu và sự phụ thuộc), (2) Chịu đựng những cảm xúc mãnh liệt, và (3) Phát triển ý thức về giá trị và vai trò cá nhân (xây dựng lòng tự trọng). Mặc dù mối bận tâm thứ hai tập trung phần nhiều vào cảm xúc, nhưng cả ba vấn đề đó đều liên quan đến những cảm giác đặc trưng mà tất cả mọi người đều cảm thấy, vào lúc này hay lúc khác. Đối mặt với những vấn đề tâm lí đó cũng có nghĩa là bạn cần phải chấp nhận một loạt cảm xúc bên trong.
Có những mong cầu cơ bản của con người như mong muốn được tiếp xúc với người khác. Ta khao khát sự gần gũi và thân mật về thể xác, khao khát tình cảm bạn bè hay tình yêu đôi lứa. Khi được thỏa mãn, ta cảm thấy hạnh phúc và hài lòng. Còn không, điều đó có thể khiến ta buồn bã, cô đơn và thất vọng. Và nếu ta không thể chịu đựng được cảm giác thất vọng, nó có thể nhen lên trong ta một nỗi tức giận, phẫn uất, thậm chí là căm thù.
Phát triển ý thức về giá trị cá nhân bao gồm cảm giác tự hào, toàn vẹn, hạnh phúc viên mãn với chính mình và cả thế giới. Lòng tự trọng cao cũng tác động đến cảm giác hạnh phúc và sự viên mãn. Cùng với đó, cảm giác xấu hổ là một trong những xúc cảm đau đớn bậc nhất mà chúng ta biết. Nó sẽ ngăn bạn vươn tới trải nghiệm hạnh phúc và sự thỏa nguyện. Nó khiến phổ cảm xúc trong bạn trở nên tối tăm và làm bạn không thể nhận được những gì mình cần.
Do vậy, việc đối diện với những gì bạn thực quan tâm chắc chắn sẽ khơi dậy trong bạn cảm xúc mãnh liệt. Muốn điều hướng những cảm xúc mãnh liệt này, bạn phải học cách chịu đựng chúng, dù là sự phấn khích và nỗi đau thương. Hãy hiểu rằng, trong đời sống con người, ai cũng có cảm xúc, nhiều loại cảm xúc, không thể khác được, không thể tránh khỏi.
“TẤT CẢ NHỮNG GÌ TÔI CẦN LÀ ĐƯỢC HẠNH PHÚC”
Là một nhà trị liệu, một trong những thách thức đầu tiên khi tôi tiếp xúc với một thân chủ mới thường liên quan đến vấn đề: Không thể tránh khỏi cảm giác đau đớn.Ngay từ đầu trong quá trình trị liệu của mình, tôi từng nói với bác sĩ tâm lí những điều đại loại như: “Tôi chỉ cần được hạnh phúc.” Tôi đã nói câu này nhiều hơn một lần và theo nhiều cách khác nhau. Còn ông ấy chỉ thường hỏi tôi một câu: “Anh có muốn tìm hiểu những gì anh thực cảm thấy không, hay chỉ cảm nhận nó theo một cách cụ thể?” Trong nhiều năm, tôi cũng được nghe chính thân chủ của mình bộc bạch những điều tương tự. Và tôi thường phản hồi giống như cách mà bác sĩ trị liệu đã từng làm với tôi.
Tất cả mọi người đều mong muốn được hạnh phúc, được yêu thương và cũng muốn yêu thương người khác. Đó là những mong cầu tất yếu và có đầy rẫy những lời khuyên về cách để bạn đạt được mong cầu đó. Hãy thử lang thang quanh nhà xuất bản Barnes & Noble, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều cuốn sách vạch ra cho bạn lộ trình để tiến tới hạnh phúc, hoặc dạy bạn cách có được tình yêu thương vô điều kiện. Những cuốn sách khác cũng sẽ cho bạn lời khuyên làm sao để vượt qua những cảm giác tiêu cực. Tôi hiểu rất rõ cái khát khao được hạnh phúc, được yêu thương và mong muốn vượt qua những cảm giác khó khăn hay đau đớn ấy. Nhưng trong cuốn sách này, tôi sẽ đề xuất một thái độ khác với cảm xúc của chúng ta.
Như bạn biết đấy, cảm xúc là những trải nghiệm thoáng qua, chúng đến và lướt đi. Và tất nhiên, chẳng ai có thể chỉ cảm nhận thấy một cảm xúc duy nhất trong suốt cả quãng đời mình. Theo nghĩa đó, không có “hạnh phúc” nào là mãi mãi. Bạn có thể thấy nó hiện hữu ở đó, ngay trong mình, nhưng rồi sẽ qua đi, không thể nào giữ lại. Ngay cả khi bạn đang rất hài lòng với công việc hiện tại, thì bất ngờ, có thể người thân hoặc người bạn yêu thương không còn ở bên bạn nữa. Khi bạn được ca tụng bởi sự thành công và viên mãn, thì nền kinh tế cũng có thể suy thoái, giao thông ở các nơi vẫn còn lộn xộn, nhân viên bán hàng thì thô lỗ, chuyến bay bị hủy, mọi thứ trục trặc và tai nạn không mong muốn vẫn có thể xảy ra. Nỗi thất vọng, tức giận, buồn bã và cảm giác đớn đau đều là những phần không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người. Và cho tới cuối cùng, chúng ta đều phải đối diện với cái chết của chính mình, đó là điều không ai tránh khỏi.
Có một điều khá tự nhiên chúng ta luôn cố gắng né tránh những nỗi đau bất cứ khi nào có thể. Chẳng hạn như, bạn sẽ tìm một con đường khác để tránh tắc đường vào chiều thứ Sáu. Hay chắc chắn bạn sẽ không mua hàng cho dù nhân viên bán hàng mời chào nhiệt tình đến đâu. Bạn muốn tránh xa những người thường xuyên làm tổn thương cảm xúc của mình, kể cả đó là người bạn yêu thương. Song, trải qua bao thời gian, chúng ta không thể lường trước, cũng chẳng thể tránh khỏi những cảm xúc đau buồn đó. Trong nhiều trường hợp, bạn cần phải chịu đựng nỗi đau, sự thất vọng và bất bình bên trong mình. Đôi khi bạn có thể học được một bài học nào đó, ví dụ như “Tôi sẽ không bao giờ tin tưởng Holli nữa, bởi cô ấy đã khiến tôi thất vọng rất nhiều lần.” Nhưng thường thì bạn chẳng làm được gì khác ngoài việc phải chịu đựng cho tới khi cảm giác đó qua đi.
Theo kinh nghiệm của tôi, rất nhiều người đã trải qua khoảng thời gian khó khăn khi phải chịu đựng những cảm xúc trong họ, chịu đựng những điều tất lẽ dĩ ngẫu, không thể tránh khỏi. Họ có lẽ đã muốn loại bỏ những cảm xúc bên trong ấy bằng cách nhấn chìm mình trong các chất kích thích và đồ uống có cồn, hoặc tự đánh lừa bản thân về sự thật của những điều họ thực cảm thấy. Họ dùng các cơ chế phòng vệ mà chúng ta sẽ thảo luận trong phần II của cuốn sách này.
Trước khi tiếp tục tìm hiểu về những biện pháp phòng vệ tâm lí đó, trước tiên tôi muốn nói lại về bối cảnh cảm xúc bên trong con người – những cảm xúc mà tất cả chúng ta đều cảm thấy và đang phải đấu tranh với nó, lúc này hay lúc khác, khi ta cố gắng điều hướng các mối bận tâm của mình. Nếu bạn có thể sống đúng với bản thân và trải nghiệm của mình, bạn sẽ không thể tránh khỏi những cảm giác ấy. Điều đau đớn nhất đó là: Cảm xúc thường khiến chúng ta phải dùng đến những cơ chế phòng vệ tâm lí bên trong mình.
NHỮNG CẢM XÚC THƯỜNG NHẬT
Suốt nhiều thế kỉ qua, nhiều nhà lí thuyết học đã cố gắng đưa ra một danh mục cụ thể về cảm xúc con người. Mặc dù đã được viết từ hơn 2.000 năm trước, nhưng những gì Aristotle nhắc đến, tôi đều thấy vô cùng hữu ích.
Trong tập II của cuốn sách Rhetoric (Nhà hùng biện), ông nói rằng, cấu trúc cảm xúc cơ bản của con người bao gồm 7 cặp đối lập:
• Giận dữ và Điềm tĩnh
• Hận thù và Yêu thương
• Sợ hãi và Tự tin
• Hổ thẹn và Trơ tráo
• Biết ơn và Vô ơn
• Đồng cảm và Phẫn nộ
• Đố kị và Ganh đua
Đây là cuốn sách, Aristotle viết về hùng biện và diễn thuyết trước công chúng, nên ông thường nhấn mạnh vào cách cảm xúc ảnh hưởng đến phán đoán của bản thân và cách diễn giả có thể khơi dậy cảm xúc của khán giả nhằm thuyết phục họ. Thay vào đó, tôi sẽ tập trung vào cách mà những cảm xúc này nghiễm nhiên xuất hiện trong bối cảnh của các mối quan hệ. Đặc biệt nhấn mạnh vào những cảm xúc khiến bạn cảm thấy khó chịu nhất, buộc bạn phải khởi động các cơ chế phòng vệ bên trong.
Tôi nhóm chúng lại theo một cách hơi khác, nhằm giải quyết những vấn đề tâm lí cốt lõi và dựa trên các giai đoạn phát triển cảm xúc của con người, từ thuở ấu thơ cho tới lúc trưởng thành. Nó không đầy đủ mọi cảm xúc mà bạn cảm thấy, nhưng vẫn bao hàm những cảm xúc quan trọng và phổ biến, cũng như làm nổi bật lên những cảm xúc khiến ta đau đớn nhất.
Giống như hầu hết các nhà trị liệu tâm động học, tôi nghĩ nhiều đến trẻ sơ sinh và những trải nghiệm ban đầu của chúng. Môi trường sống sau khi trẻ ra khỏi bào thai, ra khỏi bụng mẹ có thể hỗ trợ hoặc cản trở trẻ đối phó với những vấn đề tâm lí cốt lõi. Điều này đóng một vai trò quan trọng trong việc kiến tạo nhân cách con người lúc trưởng thành. Xét cho đến cùng, những cảm xúc đau đớn nhất, những cảm xúc khiến bạn phải vật lộn trong suốt cuộc đời là những xúc cảm mà ta cảm nhận thấy đầu tiên.
Sợ hãi, Tức giận và Hận thù
Việc nghe tiếng la hét của đứa trẻ sơ sinh là một trải nghiệm rất khó chịu. Những tiếng hét đó gợi lên mọi cảm giác đau đớn bên trong bạn khi bạn là người nghe. Nếu bạn điều chỉnh lại phản ứng của mình, bạn sẽ hiểu được cảm giác của chúng. Trước tiên là nỗi sợ. Tiếng khóc của trẻ sơ sinh truyền tải sự-sống-bên-ngoài bụng mẹ. Trẻ cũng thường tức giận, như thể chúng ghét cảm giác của mình, thậm chí chúng cảm thấy khủng hoảng vì nó11.
11 Khi nói về sự căm ghét ở giai đoạn đầu này, tôi không có ý cho rằng một đứa trẻ sơ sinh sẽ căm ghét người mẹ. Đúng hơn là, nó ghét trải nghiệm cảm xúc và thể chất của chính nó.
Có lẽ khi đó, trẻ sơ sinh cảm thấy đói, lạnh, khó chịu trong người hoặc kiệt sức. Bởi những trải nghiệm xa lạ và mới mẻ đó rất đau đớn, chúng khiến em bé sợ hãi. Đứa trẻ không biết những trải nghiệm đó sẽ kéo dài bao lâu. Trẻ sơ sinh sẽ tức giận nếu sự khó chịu của chúng kéo dài, chúng cảm thấy khủng hoảng, thậm chí là căm ghét những cảm giác mà chúng không thể thoát ra. Tôi tin rằng đây là những phản ứng sớm nhất của con người đối với trải nghiệm xa lạ hoặc đau đớn. Ở những mức độ khác khau, những cảm giác đó sẽ tiếp tục tồn tại trong suốt cuộc đời của chúng ta.
Cũng có nhiều người lớn sợ các trải nghiệm mới mẻ và xa lạ. Nỗi sợ hãi đấy có thể khiến bạn gặp rủi ro và bất lợi, khi bạn không muốn từ bỏ những điều quen thuộc, để bắt đầu một công việc mới, một mối quan hệ mới, hay là cắt một kiểu đầu mới. Nhiều người bị mắc kẹt trong những thói quen cứng nhắc, sợ phá vỡ khuôn mẫu và làm điều gì đó bất ngờ. Lí do có thể rất phức tạp, nhưng thường là vì họ lo lắng về những gì họ cảm thấy khi mọi thứ thay đổi. Nỗi sợ hãi về những cảm xúc bất ngờ, không thể đoán trước thường sẽ kích hoạt các cơ chế phòng vệ để họ loại trừ đi những cảm xúc đó khỏi nhận thức, trước khi chúng có thể gây rắc rối.
Và có biết bao người trở nên cáu kỉnh khi mệt mỏi, khó chịu hay đau đớn, thậm chí là gắt gỏng với những người xung quanh? “Đừng có mà coi thường”, mọi người có thường nói như vậy không? Cáu kỉnh một là biểu hiện của sự tức giận, bị khơi dậy bởi những trải nghiệm khó chịu. Và chúng ta sẽ tìm cách trút những cảm xúc khó chịu đó sang người khác, như thể đó là lỗi của họ. Chúng ta có thể dễ dàng tức giận khi có điều gì đó mình không thích. Hoặc thi thoảng, ta sẽ thấy ghét những người mà ta tin rằng họ đã khiến ta khó chịu. “Điều này thường không công bằng. Bạn thực sự không đáng trách vì cảm giác của tôi lúc này, nhưng điều đó không ngăn được tôi đấm vào mặt bạn như cách bạn đã làm đâu!”
Đôi khi sợ hãi, tức giận và thậm chí là hận thù, là những nét chấm phá không thể thiếu trong bức tranh cảm xúc trong ta
Bình tĩnh và Tự tin
Nếu môi trường cảm xúc cung cấp cho đứa trẻ những gì nó cần – nghĩa là nếu cha mẹ bế nó lên, cho nó ăn và dỗ dành nó, thay tã cho nó... thì nỗi sợ của đứa trẻ sẽ giảm bớt và dịu đi. Sự tức giận và thù hận sẽ dần tan khi cảm giác khó chịu biến mất.
Tất nhiên, cơn đói sẽ trở lại, cũng như mệt mỏi và các cảm giác khó chịu khác sẽ làm dấy lên nỗi sợ hãi, sự tức giận và hận thù bên trong chúng. Nhưng với trải nghiệm về trạng thái bình tĩnh khi cha mẹ cung cấp cho trẻ những thứ cần thiết, chúng dần hình thành một cảm giác an toàn trong thế giới của nó. Kí ức về việc được cho ăn và vỗ về sẽ tích tụ lại. Theo thời gian, chúng cảm thấy tự tin rằng người chăm sóc chúng sẽ quay trở lại một lần nữa, và chúng có thể tiếp tục mong cầu được giúp đỡ mỗi khi có vấn đề nảy sinh.
Những trải nghiệm nhất quán về sự chăm sóc đáng tin cậy như vậy, giúp lặp đi lặp lại trạng thái bình tĩnh ở trẻ. Điều này không chỉ khiến trẻ cảm thấy tin tưởng vào người chăm sóc mình, mà còn tạo cho chúng một sự tự tin bên trong. Những kí ức tích lũy về cảm giác sống sót sau khoảnh khắc đau đớn đó giúp trẻ tự tin, rằng nó có thể vượt qua sợ hãi nếu sự khó chịu, mệt mỏi đấy lại xuất hiện. Khả năng vượt qua cơn bão cảm xúc trong một người, vượt qua trải nghiệm cảm xúc của chính mình và sống sót chính là nền tảng của lòng tự trọng và sự tự tin trong mỗi người.
Hãy nghĩ về một người mà bạn cho là có cảm xúc ổn định và khá tự tin, không kiêu ngạo hay tách biệt, không nhất thiết phải đặc biệt theo bất kì cách nào – một người bình thường, trầm ổn và đáng tin. Rất có thể, đó là người lớn lên trong một gia đình có môi trường sống và đời sống tình cảm như tôi đã mô tả: đầy đủ và an toàn. Môi trường sống đấy không nhất thiết phải hoàn hảo, chỉ đơn thuần là “đủ tốt”, theo cách nói của Winnicott. Khi môi trường ít nhiều đáng tin cậy, đủ tốt để đáp ứng nhu cầu của con người, nó giống như thức ăn nuôi dưỡng tâm hồn. Từ đấy, chúng ta có thể phát triển thành những người trưởng thành “bình thường”.
Một môi trường đủ tốt có thể đem lại sự tự tin và giúp con người vượt qua những cơn bão cảm xúc
Nỗi xấu hổ
Điều gì sẽ xảy ra khi cha mẹ không xoa dịu đứa trẻ, không cung cấp những thứ cần thiết, thậm chí còn tệ hơn, là từ chối đứa trẻ và đáp lại chúng bằng một cảm giác thù địch? Nhiều bậc cha mẹ không biết cách thể hiện cảm xúc, họ không thể chịu đựng được sự thiếu thốn và những thách thức trong việc nuôi dạy con cái. Họ có thể ghét cách mà đứa trẻ gây ra cảm xúc trong họ, sau đó quay lưng đi. Nhiều bậc cha mẹ quá chú tâm vào nhu cầu của bản thân và những cuộc tranh đấu cá nhân đến nỗi họ không còn thời gian dành cho những người khác. Một đứa trẻ sơ sinh không may có cha mẹ mắc bệnh tâm thần, thường dễ sa vào trầm cảm, tê liệt vì lo lắng, hoặc không có ý thức về bản thân hay ranh giới của chính mình.
Điều gì xảy ra với những đứa trẻ lớn lên trong một môi trường như vậy?
Thay vì cảm thấy an toàn trong thế giới của mình, thay vì tự tin rằng thức ăn và sự hỗ trợ tinh thần nó cần luôn được đáp ứng, thì nỗi sợ hãi, tức giận và thù hận của đứa bé trở nên không thể chịu đựng được. Bởi chúng không có khả năng chịu đựng những trải nghiệm khủng khiếp này, chúng chỉ có thể trốn tránh việc nhận thức về những cảm xúc khó chịu đấy. Thay vì học cách chịu đựng và hiểu biết trải nghiệm của mình, đứa trẻ cố gắng loại bỏ nó, hoặc nhận thức về nó dựa trên các cơ chế phòng vệ tâm lí phù hợp để tự bảo vệ mình.
Những đứa trẻ đến từ các gia đình như vậy không bao giờ có thể phát triển cảm giác tin tưởng và an toàn trong thế giới của chúng, nhất là về mặt tinh thần. Bởi lẽ, chúng thường xuyên cảm thấy lo lắng về những điều có thể xảy đến. Thay vì ngày càng tự tin và tin tưởng vào ai đó, hoặc điều gì đó, chúng lại thấy xấu hổ và tự ti sâu sắc. Nỗi xấu hổ này khác với sự ngại ngùng khi nghe thấy những điều tế nhị trong cuộc sống12. Nó cũng khác với cảm giác xấu hổ mà đôi lúc ta cảm thấy khi vi phạm các quy tắc hành vi xã hội được chấp nhận (như vượt đèn đỏ, vứt rác nơi công cộng,…). Sự xấu hổ do nỗi thất vọng từ cha mẹ thực sự có ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách trong mỗi người. Nó khiến ta thấy mình không giống với những người khác, thậm chí thấy mình thua thiệt hoặc thiếu sót. Tôi sẽ nói kĩ hơn về loại xấu hổ này trong Chương 11.
12 John Bradshaw, Healing the Shame that Binds You, Deerfield Beach, Florida: HCI, 1987.
Hẳn bạn cũng biết ai đó đang phải chống chọi với kiểu xấu hổ này. Đấy có thể là một người tài năng như khách hàng của tôi Jessica (tôi có nhắc đến trong chương trước). Cô ấy là người dường như không bao giờ phát huy được hết tiềm năng của mình, là người luôn cho đi nhiều hơn những gì cô ấy nhận lại, và luôn rơi vào các mối quan hệ lạm dụng. Hay như Sam, thường xuyên khỏa thân tại các nhà tắm bởi anh ấy luôn khao khát được ngưỡng mộ.
Xấu hổ là di sản tàn khốc của một thời thơ khốn khó, là một trong những cảm xúc mãnh liệt nhất và khó hiểu nhất, đồng thời khiến ta luôn phụ thuộc quá mức vào các cơ chế phòng vệ của mình
Đố kị và Ghen tuông13
13 Tôi dùng từ đố kị để chỉ một nhận thức đau đớn hoặc phẫn uất về một lợi thế của người khác, với mong muốn cũng có được lợi thế tương tự. Ghen tuông để chỉ cảm giác nảy sinh trong các mối quan hệ khi có vấn đề về sự cạnh tranh hoặc không chung thủy. Nói cách khác, đố kị liên quan đến hai người (bạn có thứ mà tôi muốn) và ghen tuông liên quan đến ba người (tôi bị đe dọa bởi mối quan hệ của bạn với bên thứ ba).
Những người lớn lên với nỗi xấu hổ và cảm giác bị tổn thương thường phải vật lộn với tâm đố kị rất mạnh mẽ. Việc gặp gỡ những người đã thành công trong cuộc sống, chứng kiến sự vượt trội của họ về tiền bạc khiến họ xấu hổ và cảm thấy mình “kém cỏi” đến mức bài trừ những người đó. Những suy nghĩ rằng người khác sở hữu thứ gì đấy mà mình không thể có sẽ khiến họ muốn hạ thấp và chế giễu thành công của đối phương.
Thậm chí có những người không rơi vào tình cảnh này trong quá khứ, tuy nhiên, hiện tại họ cũng có thể xuất sinh cảm giác đố kị. Ở một mức độ nào đó, đố kị là một trải nghiệm rất bình thường. Nó cho bạn thấy những gì bạn muốn có và cố gắng để đạt được. Nó cũng có thể là một nhận thức đau đớn rằng, người khác có thứ mà ta muốn sở hữu cho riêng mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều này cũng làm bạn nảy sinh cảm giác bài trừ người khác. Khi bị ảnh hưởng bởi tâm lí xấu hổ, lòng đố kị bùng phát bên trong và mang tính hủy diệt cao, cốt để tìm sự giải tỏa. Bạn có thể muốn tiêu diệt đối tượng khiến mình cảm thấy đố kị.
Tương tự như vậy, ghen tuông là một tâm lí thông thường, là một phần trong nhiều mối quan hệ. Hầu hết chúng ta đều thấy có phần ghen tuông vào lúc này hay lúc khác và nó không hẳn là một vấn đề gì đó lớn. Nếu chúng ta quan tâm sâu sắc tới ai đó, đôi khi bạn có thể cảm thấy bị bỏ rơi khi người đó dành nhiều thời gian cho người bạn thân khác, vợ/chồng cũ, hoặc một nhóm nào đó mà bạn không liên quan tới. Tuy nhiên, điều này không phải mối lo lắng sâu thẳm bên trong mỗi người. Khi bạn cảm thấy bị đe dọa hoặc cảm giác ghen tuông trào dâng bên trong, đấy có thể vì một lí do rất chính đáng, ví dụ như khi bạn đời của bạn ngoại tình. Hoặc nó có thể là hệ quả của nỗi tự ti sâu thẳm bên trong – một cảm giác cá nhân mà ai cũng có khi thấy mình thua kém hoặc không xứng đáng. Đây là hệ quả cho việc bị từ chối ngay từ ngày còn nhỏ.
Những người có cha mẹ thường xuyên khiến họ thất vọng và không hỗ trợ những gì cần thiết khi cần, sẽ không mấy khi thấy an toàn trong các mối quan hệ trưởng thành của họ. Cảm giác trở thành một nhân vật phụ và trải qua tâm đố kị với người khác là điều gì đó rất khó để chấp nhận. Nếu bạn phải đấu tranh với cả tâm lí tự ti sâu thẳm bên trong mình, thì khi đứng trước sự đố kị, mọi thứ sẽ càng khó khăn hơn. Bởi lẽ bạn nghi ngờ những thứ mình thích, bạn sợ mình bị thiệt thòi, bị tổn thương, hoặc bạn sợ rằng những khiếm khuyết của bản thân khiến bạn trông thật khó ưa, khó có cảm tình.
Sự đố kị trở thành một thứ thuốc độc, bởi con người luôn sợ rằng, những khiếm khuyết, những sự thật bên trong bị phơi bày ra ánh sáng, chỉ là vấn đề thời gian, và khi nó đi kèm với nỗi tự ti ngấm ngầm, thì bản thân càng không thể chịu đựng nổi
Tình yêu, Lòng biết ơn và Sự đồng cảm
Khi mọi thứ diễn ra suôn sẻ trong suốt quá trình dưỡng dục của một người, khi người chăm sóc khiến bạn cảm thấy an toàn và được yêu thương, sẽ giúp bạn tự tin vào chính mình, đồng thời bạn cảm thấy biết ơn họ vì những thứ họ đã làm cho bạn. Nhờ vậy, hạt giống yêu thương trong bạn cũng nhú mầm. Sống cạnh những người biết chăm sóc, đồng cảm và đáp ứng nhu cầu cảm xúc của bạn, có thể thúc đẩy ở bạn cái mong muốn làm điều tương tự với người khác. Nếu bạn nhận được đủ những điều bạn cần, bạn sẽ cảm thấy biết ơn. Nếu những người xung quanh hiểu cho cảm xúc của bạn và giúp bạn vượt qua chúng, thì trong cuộc sống sau này, bạn có thể áp dụng những cách làm ấy để giúp đỡ những người khác.
Đồng cảm là thử đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, hay nói theo cách khác, là hòa mình vào trải nghiệm cảm xúc của người đó. Khi ấy, bạn phải có khả năng chịu đựng những cảm xúc đấy, thế thì bạn mới đồng cảm được. Khi bạn không có đủ những gì bạn cần, khi những người mà bạn phụ thuộc không thể đồng cảm với những gì bạn trải qua, thì thường bạn rất khó có thể đồng cảm với họ. Khả năng cảm nhận tình yêu thương của người khác trở nên hạn chế. Bạn sẽ nghĩ nhiều hơn đến bạn thân, và chính bởi vậy mới sinh ra chứng ái kỉ.
Hoặc bạn có thể phát triển một kiểu đồng cảm thái quá, quá tập trung vào nhu cầu của người khác. Trong những gia đình thiếu thốn tình cảm (không có hoặc rất ít), đứa trẻ lớn lên có thể cảm thấy rằng chúng chỉ có thể có thứ mình cần bằng cách quan tâm đến người khác trước (kiểu cầu tình). Họ có thể tỏ ra vị tha trong sự tậm tâm của mình, nhưng kiểu đồng cảm này thực ra không sâu như người ta thường nghĩ. Nó là một cách để họ che đi sự tự ti, hoặc một mong cầu nào đó chưa được đáp ứng, hơn là thực sự đồng cảm với người khác.
Lòng biết ơn, tình yêu thương và khả năng đồng cảm với cảm xúc của người khác là kết quả của một quá trình dưỡng dục trong một môi trường đủ-tốt. Trong khi đấy, việc tự-sinh-tự-dưỡng hoặc kiểu vị tha giả tạo có thể là hệ quả từ việc thiếu thốn tình cảm và các nhu cầu thiết yếu
Bản phác thảo về sự phát triển tối ưu và những gì có thể xảy ra được đúc kết lại trong suốt nhiều năm thử nghiệm lâm sàng, giáo dục và đào tạo của tôi. Tôi sẽ không ngạc nhiên khi bạn còn chần chừ và nghi ngại. Nhưng đừng lo lắng. Tôi sẽ nhắc lại những điều này trong các chương tiếp theo. Trọng tâm của cuộc thảo luận ở đây xoay quanh những cảm xúc nhất định, trong đó nhiều cảm xúc đau đớn là có sẵn và khó tránh khỏi trong cuộc sống mỗi người.
Vào những thời điểm khác nhau, gần như tất cả chúng ta đều sẽ đối mặt với những cảm xúc này. Bài tập dưới đây sẽ giúp bạn xác định những cảm xúc đó trong các trải nghiệm cá nhân của mình.
Bài luyện tập số 3:
BẠN CẢM NHẬN RA SAO, TÔI CẢM THẤY THẾ NÀO?
Hãy nhớ lại khoảnh khắc khi bạn trải qua những cảm xúc dưới đây. Sau đó, ghi lại những khoảnh khắc đó trong nhật kí của bạn, càng chi tiết càng tốt. Nếu có trải nghiệm nào đó lướt qua trong tâm trí, hãy cố gắng tập trung vào những trải nghiệm đau khổ và khó khăn. Ghi nhớ cảm xúc có thể bao gồm cả cách cơ thể bạn cảm nhận, những tưởng tượng mà nó khuấy động, những phán xét về bản thân khi bạn cảm thấy như thế, hay cách người khác phản ứng với bạn. Hãy đào sâu vào những cảm giác và viết nó ra giấy.
Dưới đây là những cảm xúc có phần tiêu cực và đau đớn. Đây cũng là cảm giác mà bạn thường không muốn thấy và chúng cũng gây cho bạn nhiều rắc rối nhất.
• Kích động cao độ và đầy lo lắng
• Nỗi cô đơn tuyệt vọng
• Kì vọng không được đáp ứng
• Sự thiếu thốn không thể chịu đựng
• Quá tức giận, đầy thù hận
• Buồn khổ, cảm giác mất mát sâu sắc
• Đố kị trong đau đớn, ghen tuông dữ dội
Nếu bạn không thể nghĩ ra trải nghiệm nào phù hợp với một trong những cảm giác đó, hãy đặc biệt lưu ý về điều này. Bởi nó có thể chỉ ra một cơ chế phòng vệ cảm xúc đang hoạt động (nghĩa là bạn có thể đã loại trừ nó khỏi nhận thức). Khi bạn viết, hãy đặc biệt lưu ý nếu thấy mình đang biện minh cho bản thân theo cách đổ lỗi cho người khác. Bạn cũng sẽ thấy chính bạn cũng khó có thể chấp nhận được những cảm xúc đặc biệt trong mình.
Sau khi kết thúc bài tập này với việc nhấn mạnh vào những cảm xúc đau đớn, bạn có thể cảm thấy hơi kiệt sức một chút. Thông thường, chúng ta không dành nhiều thời gian để tìm lại những kí ức mà ta muốn quên... Đây có thể là thời điểm tốt để nghỉ ngơi trước khi đọc tiếp các phần sau.
***
Sau khi hoàn thành bộ ba bài tập đầu tiên, bạn sẽ có một số cảm nhận cơ bản về những vấn đề tâm lí cốt lõi thách thức bạn nhiều nhất:
• Về nhu cầu cơ bản của con người, bạn có thể quá tự chủ hoặc quá phụ thuộc vào người khác;
• Khi nói đến cảm xúc, bạn có thể cảm thấy quá nhiều hoặc quá ít;
• Mặt khác, bạn có thể bất động vì xấu hổ hoặc trốn tránh nó.
Bài tập cuối cùng trong phần này sẽ giúp bạn khám phá ra những cảm xúc khó khăn nhất của con người, nảy sinh từ những vấn đề tâm lí cốt lõi, đồng thời cung cấp thêm manh mối về những cảm xúc khiến bạn gặp nhiều rắc rối nhất.
Đến đây, bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu sâu hơn về các cơ chế phòng vệ cá nhân, cách chúng hoạt động và xem xem bạn đang sử dụng cơ chế phòng vệ nào. Đây cũng chính là nội dung của Phần II.
Các biện pháp phòng vệ tâm lí đều mang tính cơ học và khá cụ thể. Cho nên, bất cứ khi nào chúng ta thảo luận về chúng, ta sẽ dễ tin rằng mình đang nói về các quá trình tinh thần đã xác định từ trước. Trong phần II, tôi sẽ lần lượt thảo luận về các cơ chế phòng vệ tâm lí để bạn làm quen với các đặc trưng của chúng, nhưng hãy nhớ rằng các biện phòng vệ này thực tế không hoàn toàn như tên gọi của chúng. Bởi những tên gọi đó đa phần được khái niệm hóa theo các cách hoàn toàn khác nhau.
Cũng như vậy, hãy cố gắng chống lại xu hướng văn hóa hiện tại về việc áp dụng nhãn chẩn đoán cho tất cả mọi người. Ngày nay, bạn thường nghe đến việc ai đó bị Rối loạn lưỡng cực, Rối loạn tăng động giảm chú ý ADHD, Rối loạn căng thẳng sau sang chấn PTSD, Rối loạn nhân cách ái kỉ hoặc Rối loạn nhân cách ranh giới, Rối loạn tâm lí theo mùa,... Bằng những tên gọi này, chúng ta có thể phân loại các tuýp người, khuôn họ vào những đặc điểm tính cách và hành vi nhất định, như thể ta đã biết điều gì đó thực sự quan trọng về bản thân hoặc người khác. Nhưng trên thực tế, những nhãn dán rời rạc cứng nhắc này đã làm mất sự đa dạng và phong phú về trải nghiệm con người. Con người không phải là những nhãn dán và những nhãn dán ấy không phù hợp với bất cứ ai.
Thân chủ của tôi thường kể lại, họ đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn này hay rối loạn kia, như thể họ đang nói với tôi điều gì đó quan trọng về bản thân mình. Tuy vậy, họ bắt đầu trị liệu mà không thật sự hiểu rõ về các chứng rối loạn đó. Từ việc đọc những cuốn sách hoặc nghe từ các phương tiện truyền thông, bạn có thể tin rằng mình mắc phải chứng rối loạn phổ biến nào đó. Giờ bạn nên tạm gác lại ý tưởng này sang bên. Hãy suy nghĩ về nền tảng và tính cách độc đáo của bạn, thay vì thu mình vào một nhãn chẩn đoán nào đó. Hãy cố gắng hiểu cách phòng vệ cảm xúc của bạn – những gì bạn làm để tránh nhận thức về nỗi đau và tại sao lại như vậy, thay vì tự hỏi nhãn chẩn đoán nào phù hợp nhất với bạn.
Nói cách khác, hãy nghĩ về những nỗi đau mà bạn không thể chịu đựng được, thay vì một quá trình tâm thần cụ thể hoặc tên gọi triệu chứng nào đó. Tập trung nhiều hơn vào những gì có thể bạn đang né tránh và tại sao nó khiến bạn đau đớn, thay vì lo lắng quá nhiều về cơ chế phòng vệ mà bạn sử dụng hay những triệu chứng rời rạc của bạn nằm trong danh mục Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần (DSM-IV).
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể khái niệm hóa tất cả các cơ chế phòng vệ tâm lí này, thể hiện những nỗ lực bên trong nhằm trốn tránh, ngụy trang hoặc loại bỏ thứ gì đó mà ta không thể chấp nhận, hoặc do tổn thương quá lớn.