Tôi biết ông Vikrom Kromadit, Chủ tịch Tập đoàn Amata, Thái Lan, ngay từ đầu thập niên 1990, khi ông sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Lúc đó, tôi đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác & Đầu tư (SCCI) – sau này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), kiêm Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi Khu công nghiệp Amata (Việt Nam) thành lập cuối năm 1994 (Liên doanh với Công ty Sonadezi, Đồng Nai), tôi có dịp gặp gỡ ông Vikrom nhiều hơn qua công tác theo dõi và quản lý đầu tư nước ngoài tại phía Nam. Tôi đã theo dõi sát quá trình thành lập và hoạt động của Khu công nghiệp Amata (Việt Nam) cho đến khi tôi nghỉ hưu. Tôi cũng đã có dịp sang thăm các Khu công nghiệp Amata tại Thái Lan.
Tôi đã đọc cuốn tự truyện "Tay không gây dựng cơ đồ" của ông Vikrom Kromadit, do anh Vũ Tiến Phúc (nguyên là cán bộ phiên dịch tiếng Thái Lan của Bộ Ngoại giao Việt Nam) dịch ra tiếng Việt.
Tôi thấy đây là một cuốn sách hay. Bằng các trải nghiệm và những câu chuyện "người thật việc thật", tác giả nêu lên một chủ đề xuyên suốt là con người thì phải sống có ước mơ, dám ước mơ, và quyết tâm biến ước mơ thành sự thật, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, "còn sống là còn hy vọng". Ông Vikrom còn nêu ra một thông điệp chung: làm giàu thì ai cũng muốn, nhưng phải làm giàu chính đáng bằng chính khả năng của mình và điều quan trọng là phải sống trung thực, kinh doanh có đạo đức, có trách nhiệm đối với xã hội, nên làm việc từ thiện, giúp đỡ những người kém may mắn, còn nghèo khó và cuối cùng là "tri túc bất nhục" – biết đến đâu thì dừng lại.
Tóm lại, cuốn sách của ông Vikrom Kromadit nêu ra một bài học quý về kinh nghiệm sống có mục đích và làm giàu có đạo lý, đáng để chúng ta tham khảo.
TP. Hồ Chí Minh, 30/10/2009
- Lữ Minh Châu
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nguyên Phó Chủ nhiệm SCCI, nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư