Tôi không biết các doanh nhân thành đạt trên thế giới đã bắt đầu sự nghiệp của họ như thế nào, cần phải học ở trường nào ra, có những kinh nghiệm gì và phải là người được xã hội công nhận đến đâu, và điều quan trọng họ cần có bao nhiêu vốn liếng... riêng đối với tôi, dường như mọi thứ đều bắt đầu từ con số không.
Tôi vốn là một cậu bé quê mùa, thuở nhỏ không được học hành đến nơi đến chốn và trưởng thành tại thủ đô Bangkok. Tôi chưa từng trải qua trường lớp đào tạo nào về kinh doanh, cũng chẳng có kinh nghiệm làm việc trong một tổ chức thương mại chính thức nào, ngoại trừ những gì học được từ công việc của một tiểu thương nhỏ theo kiểu truyền thống tại tỉnh Kanchanaburi, mà nhờ đó tôi biết được cách thức mua đi bán lại kiếm ít đồng lãi còm cõi. Tôi chẳng có đồng vốn nào để đầu tư. Thậm chí, có ngày trong túi quần tôi chỉ còn vỏn vẹn 25 xu, nhưng trong túi áo sơ mi là cả xấp danh thiếp của các chủ hãng xuất nhập khẩu!
Thực ra, tôi cũng chẳng khác gì với phần lớn nam nữ thanh niên lúc bấy giờ, những người có ước mơ, hoài bão và muốn xây dựng cho mình một tương lai tốt đẹp, với nghề nghiệp ổn định, thu nhập cao và có một địa vị xã hội nhất định. Và, để đạt được mục tiêu đó, điều trước tiên là bạn phải học hành đến nơi đến chốn. Thú thật, trước khi tốt nghiệp cử nhân tại trường Đại học Đài Loan, tôi không hề có ý định trở lại Thái Lan, thậm chí còn muốn định cư ở nước ngoài vì thấy có nhiều cơ hội làm ăn tốt hơn. Ngoài ra, vào thời đó môi trường sống ở nước ngoài cũng tốt hơn ở Thái Lan rất nhiều, đặc biệt là không có chuyện lạm dụng quyền lực và tham nhũng như trong xã hội Thái. Hai tệ nạn này chẳng khác gì những con đỉa đói chuyên hút máu thịt của nhân dân và làm cho đất nước suy kiệt. Chúng là nguyên nhân làm cho tôi cảm thấy khó chịu mỗi khi quay trở lại Bangkok.
Tuổi trẻ thường hăng hái và không muốn ràng buộc với bất cứ điều gì, nên tôi đã nghĩ rằng mình sống ở đâu cũng được, miễn là ở đó mình cảm thấy hạnh phúc, dễ chịu. Tuy nhiên như đã nói, nấc thang đầu tiên đưa tôi đến với thế giới rộng lớn là việc học hành, càng học cao, như có bằng thạc sĩ tại các trường danh tiếng trên thế giới chẳng hạn, chắc chắn sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để bước vào đời. Ngoài ra, học tập trong môi trường có nhiều người giỏi sẽ kích thích bản thân phải tự điều chỉnh, có nhiều quyết tâm hơn để thi đua với bạn bè xung quanh. Do không phải là người học giỏi bẩm sinh, nên dù đã gửi đơn xin học bổng tại các trường danh tiếng như Berkeley, Yale, MIT hay Stanford... chẳng nơi nào nhận tôi cả, có lẽ vì kết quả học tập của tôi chưa đáp ứng yêu cầu của họ.
Do mê ngành hàng không và ước mơ trở thành phi công từ thời niên thiếu, và vì muốn tránh cạnh tranh quyết liệt trong ngành cơ khí có quá nhiều thí sinh tham gia nên tôi dự định sẽ học tiếp ngành kỹ thuật hàng không tại Đại học Toronto, Canada. Lúc đó chưa có nhiều người quan tâm học ngành này. Nhưng khi nhận được thư của trường trả lời đồng ý tiếp nhận với điều kiện tôi phải tự túc chứ không có học bổng, tôi đã nhụt chí. Năm 1976, học phí mỗi năm vào khoảng 20.000 đô-la Canada, tức khoảng 400.000 bạt Thái, trong khi toàn bộ gia tài của tôi chỉ có 40.000 đô-la Đài Loan, tức chỉ vào khoảng 20.000 bạt mà thôi. Vì không đủ tiền để học tiếp nên tôi đành gác lại việc học, nhưng vẫn tâm niệm sẽ cố gắng tìm việc làm và tiết kiệm cho đến khi có đủ tiền học tiếp.
Tuy nhiên việc kinh doanh tại đất khách quê người không phải là điều đơn giản, nhất là khi bạn không quen biết ai, không có chỗ dựa tài chính và các vấn đề khác. Phần lớn những người tôi quen biết tại Đài Loan đều là bạn học cũ. Đối với bạn hàng, vì chưa quen thân nên tôi không dám đặt vấn đề nhờ họ giúp đỡ. Cái tính không muốn làm phiền ai của tôi có thể là do từ nhỏ tôi làm việc trong nhà theo lệnh của bố. Khi bố ra lệnh tôi chỉ có một việc là làm cho xong mà không được hỏi ý kiến hay nhờ bố giúp đỡ. Điều đó cũng có cái hay là tôi được dạy cách tự mình giải quyết vấn đề, không bỏ dở công việc, bám việc cho đến khi làm xong mới thôi.
Vì không tìm được người đỡ đầu tại Đài Loan, và cũng do có lời ngỏ ý từ một người bạn của bố tôi mời về giúp thành lập nhà máy sản xuất bột giấy tại tỉnh Kanchanaburi nên tôi đã không do dự sắp xếp ngay hành lý trở về Thái Lan, với suy nghĩ lúc đó là sẽ cố gắng làm việc trong vòng hai, ba năm để dành dụm đủ tiền sang Canada học tiếp mà không mảy may chuẩn bị trước tâm thế sẽ gặp phải thất bại sau đó.
Tại Bangkok, lúc đó tôi chỉ có một người thân là bác Hiêng, chị gái của bố tôi, là người tôi quý trọng như mẹ đẻ của mình. Tôi chơi với các anh chị con của bác Hiêng từ nhỏ nên không gặp khó khăn gì trong việc chung sống như thành viên trong gia đình dưới một mái nhà. Nhà bác Hiêng nằm tại dãy phố bốn tầng tại Klong san, Chonburi bên kia sông đối diện với nội thành Bangkok. Tôi được gia đình bác cho ở một mình cả tầng ba, có căn phòng riêng mà tôi xem là một tổ ấm nho nhỏ, gọn gàng sạch sẽ trong một ngôi nhà đầy tình thương yêu và hạnh phúc. Một kỷ niệm đẹp suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên.
Sau đó, tôi còn xin phép dùng căn nhà của bác Hiêng làm trụ sở Công ty V&K Enterprise, Ltd. – tên viết tắt của tôi, Vikrom và cô bạn gái Kelly, người Đài Loan. Vốn đăng ký của công ty chỉ là 250.000 bạt, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 25% nhờ số tiền tôi vay của mẹ tôi và chị Tu, con gái của bác tôi, làm nghề bán rau quả tại chợ. Tôi gửi tiền tại chi nhánh ngân hàng Bank of American tại phố Suravông với lãi suất 3%. Hôm đến mở tài khoản, cô nhân viên ngân hàng niềm nở đón tiếp tôi lại còn nói đùa rằng một ngày nào đó cô sẽ đến công ty xin làm một chân nhân viên khiến lòng tôi xốn xang và thầm nghĩ sự nghiệp làm ông chủ của mình sắp tỏa sáng đến nơi.
Để xứng danh ông chủ, tôi cần có danh thiếp. Thế là tôi đặt in thiếp với chức vụ Giám đốc Công ty V&K, với lô-gô hình bông lúa và chiếc xẻng quyện vào nhau, biểu trưng cho ngành kinh doanh xuất nhập khẩu hàng nông sản và khoáng sản. Lý do tôi chọn ngành này trước hết là vì ít nhiều tôi có làm quen với công việc này khi còn là sinh viên, thứ hai là vì tôi không có nhiều vốn liếng để đầu tư vào ngành khác. Việc làm đại lý xuất nhập khẩu rất thích hợp với hoàn cảnh của tôi lúc đó.
Mỗi buổi sáng trước khi rời khỏi nhà bác Hiêng, tôi phải "nạp" đầy đủ năng lượng bằng cách ăn thật no để làm việc đến giữa trưa. Món ăn sáng ưa thích nhất của tôi là cơm đĩa, vừa rẻ vừa no lâu hơn ăn hủ tiếu mì.
Tôi dùng phần lớn thời gian trong ngày để tìm kiếm khách hàng bằng cách liên hệ xin tài liệu từ các đại sứ quán, phòng thương mại và các cửa hàng với phương tiện đi lại chủ yếu là đôi chân. Đôi giày tôi đi mòn đế phải đem sửa nhiều lần, đến nỗi người thợ sửa giày lắc đầu ngao ngán vì không thể sửa thêm nữa. Còn chiếc quần tây tôi mặc từ thời sinh viên vẫn còn dùng được mặc dù trông không bảnh bao cho lắm. Mỗi tối khi trở về nhà tôi lao vào bàn ăn ngấu nghiến bất kể thứ gì bác Hiêng dọn sẵn vì đói bụng. Sau đó, tôi giúp bác trai viết thư và ra bưu điện để ánh điện tín gởi cho các khách hàng của bác tôi, gần như tối nào cũng vậy.
Ba, bốn tháng trôi qua mà công việc kinh doanh của tôi chưa có dấu hiệu tiến triển, trong khi số tiền dành dụm trong thời gian tôi ở Đài Loan cứ vơi dần. Đến tháng thứ tư, trong túi tôi chỉ còn lại 10 bạt, tôi không dám mở miệng hỏi vay bác gái vì bác đã cưu mang cho ăn ở đã là quá tốt rồi. Hôm đó tôi lang thang ở khu vòng xoay Odian suốt cả ngày mà quên khuấy rằng trong túi chỉ còn có 10 bạt. Sau khi trả tiền cơm trưa, tôi còn đúng 25 xu, vừa đủ tiền đi phà qua sông Chaopraya để về nhà. Nhưng đoạn đường từ vòng xoay Odian đến bến phà Sipraya lại khá xa. Lúc đầu tôi tính cuốc bộ, nhưng nghĩ lại thấy quãng đường khá xa, cộng với cảm giác mệt nhọc sau cả ngày lang thang trên phố nên tôi quyết định đi "lậu vé" xe buýt. Nếu người bán vé đứng cửa trước, tôi sẽ nhảy lên xe qua cửa sau và lẩn nhanh vào giữa khoang. Nếu người bán vé nhằm đến tôi, tôi sẽ nhảy xuống đường rồi chờ đi xe khác. Thật chẳng biết, phải làm sao khi mà trong túi chỉ còn 25 xu, số tiền chỉ vừa đủ để đi phà qua sông. Sau khi mua vé phà, tôi không còn một xu dính túi, nhưng lòng tràn đầy quyết tâm kiếm tiền bằng được để có thể đi học tiếp.