Từ nhỏ, tôi đã là người hay mơ mộng và luôn cảm thấy hạnh phúc với những ước mơ của mình. Tôi nghĩ nuôi ước mơ chẳng nhọc nhằn hay tốn kém gì, mà nó giúp trí tưởng tượng của tôi bay bổng và nảy sinh ra những ý tưởng mới. Tôi tin rằng ước mơ chính là nguồn dinh dưỡng cho sự tiến bộ của loài người.
Thời sinh viên, có ngày tôi ngồi mơ mộng một mình tại một nhà sàn bên cạnh hồ nước trước ký túc xá. Tôi mơ đến một ngày thành đạt, trở nên giàu có, vinh hoa phú quý giống như các lớp đàn anh trong trường đã thành đạt trong sự nghiệp làm công chức hay làm kinh doanh. Tất nhiên việc được học tại một trường đại học danh tiếng ở nước ngoài làm tôi không tránh khỏi cảm giác tự cao, nhìn cái gì cũng cho là chuyện nhỏ. Tôi tự nhủ nếu các lớp đàn anh đều thành đạt mà chẳng mấy khó khăn thì tại sao tôi lại không làm được như thế.
Tôi ngồi đăm chiêu cho đến khi anh Hu Chang Chư, người bạn học cùng phòng đến vỗ vai và nói rằng đừng có mơ mộng nhiều quá mà nên tập trung học cho xong đã. Thật ra tôi chưa bao giờ chểnh mảng học hành mặc dù phải vừa học vừa làm. Tôi chỉ dành thời gian cho việc buôn bán hay tham quan các hội chợ vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật hoặc những kỳ nghỉ hè mà thôi...
Có thể do ước mơ và thiên hướng làm ông chủ đã ngấm sâu vào trong máu nên tôi không bao giờ nghĩ sẽ trở thành người làm công ăn lương. Từ nhỏ đến lớn tôi luôn suy nghĩ phải xây dựng cơ nghiệp cho bản thân bằng đôi bàn tay và cái đầu của mình, giống như các ông chủ thời xưa, mà không mảy may nghĩ xem bản thân thích hợp nhất với công việc gì và nên bắt đầu từ đâu. Có nhiều điều tôi nghĩ rằng mình biết nhưng thực ra tôi chẳng biết gì. Tôi cứ như kẻ mò mẫm trong đêm tối. Nhưng tôi tin vào câu châm ngôn của phương Tây: "Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường." (Where there is a will, there đis a way).
Tuy nhiên, con đường thành công luôn đầy chông gai. Đôi khi bạn cần phải thay đổi hướng đi, cách nghĩ, phương pháp làm việc, kể cả việc xem xét lại mục tiêu đích thực để khỏi bị lạc đường hay sa chân vào vũng bùn. Nói theo lý thuyết quân sự là bạn cần "thay đổi chiến thuật, nhưng không thay đổi chiến lược".
Khi bắt tay vào làm kinh doanh một thời gian, tôi mới thấy có nhiều mặt tối hơn là mặt sáng, nếu không muốn nói rằng mọi thứ đều tối om. Các môn lý thuyết mà tôi đã dày công học ở trường và cho rằng mình nắm chắc hóa ra chẳng dùng được, và cái thực tế cần thì chúng tôi chẳng hề được dạy. Mọi thứ đều do tôi tự nghĩ ra, không có công thức hay mô hình nào. Điều quan trọng nữa là "không có đủ vốn dự trữ". Riêng số tiền không nhiều vay của mẹ và chị họ chỉ đủ cho chi tiêu vặt hàng ngày. Tính tôi không muốn làm phiền ai, kể cả bác Hiêng, tôi cũng không dám mở miệng hỏi vay tiền. Anh Tháy, con trai bác Hiêng, ngoài việc thúc tôi học tiếp ở Đài Loan anh thường khiến tôi nhụt chí bằng cách bàn lui mỗi khi tôi hỏi ý kiến: "Làm thế không được đâu, chẳng có cách nào đâu, khó lắm!". Mặc dù vậy, anh Tháy vẫn cho tôi vay 8.000 bạt để trả tiền thuê nhà tại Hẻm 20 đường Sukhumvit. Còn nếu tôi hỏi mượn những người cùng quê thì sẽ nhận được câu trả lời đại loại như: "Nếu khôn hồn thì trở về quê gặp bố mày, xin vài chục mẫu đất làm ruộng thế là sống khỏe rồi, đi tìm rắc rối mang vào mình làm gì!". Nhưng tôi hiểu rõ bố và biết mình sẽ đương đầu với cái gì nếu dám vác mặt về xin bố, đặc biệt khi tôi là người luôn làm cho bố nổi giận.
Tôi không ngờ mọi thứ chỉ dễ dàng khi "tập trận", còn khi "ra trận" chẳng có điều gì diễn ra như mường tượng của tôi cả. May là tôi có tính gan lì, chịu khó nên thường cố chiến đấu đến cùng. Mỗi khi gặp phải khó khăn trở ngại lớn, tôi không bao giờ đầu hàng, khi thấy vấn đề quá sức chưa thể vượt qua, tôi tạm thời rời trận địa trở về nhà nghỉ ngơi và tìm phương cách, đến hôm sau lại tiếp tục chiến đấu...
Thế rồi cũng đến ngày những hạt mưa rơi xuống cánh đồng khô hạn, khi tôi nhận được một đơn đặt hàng từ Nhật Bản. Đây là đơn đặt mua hàng mây của cửa hàng "Nai Mươn" nằm đối diện nhà lao Klong Prêm mà tôi đã từng gửi mẫu hàng đi khắp nơi. Mặc dù đơn đặt hàng không nhiều và giá trị không cao, chẳng thấm gì so với hàng trăm thư chào hàng tôi đã gửi đi, nhưng nó đã giúp tôi nhìn thấy tia sáng ở cuối đường hầm, dù tia sáng đó vẫn còn leo lét.
Nhưng niềm vui của tôi không kéo dài lâu. Khi đi gặp những người nông dân làm nghề đan mây tre lúc nông nhàn, tôi thấy sản phẩm do họ làm ra rất khó bảo đảm chất lượng, và cả kích thước lẫn hình dáng, theo đúng yêu cầu của người đặt hàng. Hơn nữa, việc giao hàng cũng không bảo đảm cả về số lượng và thời gian theo yêu cầu của khách. Vì vậy cuối cùng tôi mất cả chì lẫn chài, vừa mất hàng vừa mất tiền, mất cả thời gian và khách hàng đầu tiên của mình một cách đáng tiếc.
Mặt hàng thủ công mỹ nghệ thứ hai mà tôi gặp rắc rối là vòng đeo tay làm bằng sừng trâu. Việc bảo đảm kích thước vòng đeo tay theo mẫu là rất khó khăn do sừng trâu có kích thước không đồng đều. Hơn nữa khi buôn mặt hàng này, tôi phải đi đi lại lại đến cơ sở sản xuất rất nhiều lần và phải kiên trì thương lượng giá cả theo yêu cầu của người đặt hàng, đến nỗi có lần ông chủ sản xuất nổi ghen vì cho rằng tôi có ý tằng tịu với vợ ông ta. Thái độ của ông ta làm tôi rất bực mình, vì tôi không bao giờ muốn dan díu với những phụ nữ có chồng và tôi luôn luôn tách bạch chuyện tình cảm với kinh doanh. Tuy nhiên sau khi ông ta bớt giận, tôi đã làm rõ đầu đuôi câu chuyện và giải tỏa mọi mối nghi ngờ của ông ta.
Từ sự việc này, tôi đã tự xét lại mình xem có những thái độ và hành vi giao tiếp nào cần phải điều chỉnh cho phù hợp với từng hoàn cảnh để tránh rắc rối, hiểu nhầm có thể xảy ra...
Dù hai mặt hàng đầu tiên gặp thất bại nhưng tôi không chùn bước, tiếp tục đi tìm kiếm mặt hàng mới. Tôi tìm chỗ ở mới kết hợp dùng làm văn phòng công ty vì nhà bác Hiêng không tiện lợi để làm việc với khách hàng, hơn nữa việc dùng điện thoại nhà riêng của bác cho công việc kinh doanh cũng rất bất tiện, lại gây tốn kém cho bác ấy. Có lần, tôi đang liên hệ để bán bột khoai mì cho công ty Mitsui của Nhật thì ông Somsak, nhân viên của Mitsui gọi điện đến để kiểm tra. Đây là một thủ tục thông thường trong chuyện làm ăn của người Nhật. Nhưng người nhận điện thoại lại là bác Hiêng. Vì bác không biết gì về việc kinh doanh của tôi nên đã tỏ ra hốt hoảng tưởng rằng tôi đi gây chuyện với ai nên đã lúng túng không biết xử trí ra sao. Thật tội nghiệp cho bác Hiêng. Bác ấy chỉ là một bà nội trợ hiền lành không hề biết kinh doanh là gì.
Để có được một chỗ thích hợp, tôi phải mất gần một tháng lùng sục khắp nơi. Cuối cùng tôi thuê căn nhà của ông bà Pipatkul, ở số 200, Hẻm 20 đường Sukhumvit, với giá thuê nhà mỗi tháng 5.000 bạt, trả trước hai tháng. Số tiền này, như mọi khi, tôi vay của mẹ tôi.
Khi ra riêng, ngoài tiền thuê nhà tôi phải chi nhiều khoản khác như tiền điện, nước, điện thoại, ăn uống và nhiều khoản chi tiêu khác. Khác với khi còn ở miễn phí nhà bác Hiêng, bây giờ mọi thứ tôi đều phải bỏ tiền túi ra nên tôi rất tiết kiệm. Tôi tìm mọi cách để có thể đủ sống và làm việc. Mặc dù mặt tiền tôi treo biển công ty xuất nhập khẩu trông rất hoành tráng, nhưng ở sau nhà tôi là người nội trợ cho chính mình, mỗi ngày chỉ nấu một lần cho cả ba bữa ăn. Buổi sáng và buổi trưa tôi thường ăn cơm, buổi tối tôi cho cơm nguội vào nồi nấu thành cháo, cho thêm ít thịt heo, cà tím và rau thơm theo công thức học được từ bà nội khi tôi còn ở quê. Tuy vậy, mọi bữa tôi đều ăn hết nhẵn, không bỏ sót một hột cơm hay miếng thịt, miếng rau nào.
Còn về công việc kinh doanh của công ty, tôi vừa làm Giám đốc, vừa làm nhân viên hành chính kiêm tiếp thị, bán hàng, giao hàng, chạy giấy tờ và cả tạp vụ. Nhưng việc tôi lo nhất lúc đó là nhận điện thoại, vì nhỡ có khách hàng gọi điện đến trong khi tôi ra khỏi nhà hoặc đang bận tay không kịp nhấc máy thì điều đó có nghĩa là tôi sẽ đánh mất khách hàng. Do đó khi ở nhà tôi luôn canh chừng tiếng chuông điện thoại, bất kể đang làm gì, ngay cả đêm khuya tôi cũng kéo dây điện thoại vào tận đầu giường để cố gắng giữ liên lạc 24/24, quyết không để nhỡ bất kỳ cú điện thoại nào. Tôi cho rằng điện thoại là cánh cửa dẫn đến những cơ hội mà tôi sẽ không để nó tuột khỏi tay mình.
Hồi còn ở nhà bác Hiêng, tôi đi rất nhiều nơi để tìm cách xuất khẩu các mặt hàng nông sản, vốn rất phong phú ở Thái Lan. Cách làm của tôi là đi xe đò đến các tỉnh, từ Kanchanaburi nơi tôi sinh ra đến Suphanburi, Lampang và cuối cùng là Chiêngmai để lấy mẫu các loại trái cây và rau quả. Tôi cũng liên hệ với cơ quan xúc tiến thương mại và phòng thương mại. Qua đó tôi có dịp làm quen với ông Thapana Bunnak, người đã cho tôi nhiều thông tin về những khách hàng nước ngoài có khả năng mua hàng của tôi. Tôi cũng để lại tài liệu cho phòng thương mại trong đó nêu rõ những mặt hàng tôi có thể xuất khẩu.
Sau một thời gian đi tìm hiểu các nơi sản xuất hàng nông sản, tôi đi đến quyết định chọn bột sắn làm mặt hàng xuất khẩu. Đây là hàng nông sản được nông dân các tỉnh Chonburi và Rayong sản xuất rất nhiều, gia đình nào cũng trồng và dùng khoảnh sân trước nhà làm sân phơi. Đến tìm hiểu tại các nhà máy làm bột sắn, tôi biết bột sắn và tapioca[1] là một trong các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Thái Lan, khối lượng xuất khẩu hàng năm rất lớn. Sau khi tìm hiểu kỹ mặt hàng này, tôi nhanh chóng rời Chonburi trở về Bangkok để tìm khách hàng nước ngoài muốn nhập bột sắn Thái, mục tiêu của tôi là Nhật Bản, nuớc nhập khẩu bột sắn lớn nhất của Thái Lan.
Như tôi đã nói, người Nhật thường tiến hành điều tra xem xét lý lịch của đối tác rất kỹ lưỡng. Kết quả là những công ty mới ra đời, chưa có uy tín thương mại và thành tích xuất khẩu như công ty của tôi sẽ chẳng có cơ hội nào để nhận được đơn đặt hàng từ các công ty Nhật. Và vì vậy, ước mơ của tôi vẫn chỉ là ước mơ...
Lúc đó tôi cảm thấy như đang lái một chiếc xe với bình xăng gần cạn, chắc chắn không thể chạy được xa, hơn nữa lượng "xăng" dự trữ mà tôi nghĩ sẽ vay tiếp của mẹ cũng không còn bao nhiêu nữa. Nhìn lên phía trước, tôi cảm thấy băn khoăn không biết vì sao con đường trước mặt mình có nhiều chông gai, ổ gà, ổ voi đến thế! Dường như chẳng có cơ hội hay con đường kinh doanh nào dành cho tôi cả!
Thực ra, vấn đề có thể chỉ là do mới vào nghề, kém hiểu biết cùng sự thiếu kinh nghiệm kinh doanh khiến tôi không biết nên bắt đầu từ đâu, làm gì trước và làm gì sau. Tệ hơn nữa là tôi không biết mình đang ở đâu và nên làm gì. Tôi cảm thấy mình đang bị cuốn ra biển lớn mà chẳng biết phải xoay trở thế nào, trong khi thời gian cứ vùn vụt trôi qua.
Điều tệ hại nhất là cảm giác chân tay bị trói chặt và chìm dần trong một đống các vấn đề và gánh nặng chi phí tại ngôi nhà mới thuê, chẳng khác gì lái chiếc xe vào ngõ cụt trong đêm mù mịt, không biết sẽ thoát ra như thế nào và phải mất bao lâu...