Nguyễn Thị Thanh Thúy
Chuyên viên xã hội học
Đ
ể người mẹ không phải bận tâm lo lắng về tài chính trong thời kỳ thai sản, hai vợ chồng cần lên kế hoạch chi tiêu, hoạch định ngân sách dành cho việc sinh nở và nuôi con.
Hiện nay, bác sĩ dự đoán ngày sinh khá chính xác. Tuy nhiên, phụ nữ sinh con đầu lòng thường sinh sớm hơn khoảng một tuần so với ngày dự sinh. Người mẹ cần sắp xếp mọi thứ sẵn sàng trước ngày dự sinh ít nhất một tháng (vào khoảng tuần thứ 36 của thai kỳ) để an tâm cho hành trình vượt cạn. Tất cả những giấy tờ tùy thân và hồ sơ theo dõi thai như: sổ khám thai, thẻ bảo hiểm, chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn… đều cần photo sẵn để thuận tiện cho việc làm thủ tục tại bệnh viện. Cần nhớ vào những lần khám của tháng cuối thai kỳ nên đề nghị bác sĩ trực tiếp theo dõi thai viết giấy giới thiệu cho bệnh viện mà bạn chọn sinh.
CHUẨN BỊ TÚI ĐỒ ĐI SINH
Ngày nay, việc mua sắm rất thuận tiện và dễ dàng, nhưng một số bà mẹ trẻ vẫn gặp lúng túng và bối rối khi đến ngày phải vào bệnh viện sinh con. Cần lên danh sách những đồ dùng cần thiết cho trẻ sơ sinh và cho bà mẹ sau khi sinh. Việc chuẩn bị chu đáo sẽ giảm bớt những lo lắng, vất vả cho người thân và tạo cảm giác an tâm cho người mẹ khi vào phòng sinh.
Đồ cho mẹ
• Băng vệ sinh mama, miếng lót (loại dùng cho sản phụ): khoảng 6 cái
• Quần lót giấy cỡ XXL (loại dùng 1 lần): 5 đến 10 cái
• Vớ : 2-3 đôi
• Dụng cụ vệ sinh cá nhân: bàn chải, kem, khăn mặt, bao ni-lông nhỏ đựng đồ dơ…
• Giấy vệ sinh: 2 cuộn
• Quần áo 1-2 bộ (mặc lúc ra viện)
• 2-3 chai nước lọc, 1 lốc sữa tươi (rất cần thiết khi các mẹ đau bụng lúc đêm khuya)
Đồ cho con
• Tã giấy 1 gói: 20 cái, miếng lót cho bé sơ sinh (newborn) 1 gói: 30 miếng
• Áo sơ sinh: 5 - 7 cái. Áo sơ sinh nên chọn những loại được may từ vải 100% cotton, không thêu ngực (cứng, dễ gây ngứa cho bé), buộc dây ngang bụng để mặc cho bé dễ dàng và điều chỉnh theo vòng bụng của bé
• Áo ấm: 2 cái
• Tã chéo: 5 cái
• Bao tay, bao chân (vớ): 3 đôi. Không nên mua vớ quá nhỏ, thun chặt vì sẽ ảnh hưởng đến bàn tay, bàn chân của bé
• Mũ mềm: 2 cái
• Khăn lông loại trung: 3 cái (dùng để quấn cho bé)
• Khăn xô tắm: 3 cái
• Khăn sữa: 5 cái
• Băng rốn: 1 hộp
• Khăn bông tắm, để đắp người cho bé: 1 chiếc
• Sữa (ưu tiên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ), bình sữa, ly, muỗng nhỏ
• Nước muối sinh lý để rửa mắt cho bé
Đồ của mẹ và bé để riêng nhằm tiện việc sử dụng khi cần.
CHUẨN BỊ CHO THỜI ĐIỂM "VỀ ĐÍCH" CỦA BÀ MẸ TƯƠNG LAI
Đây là thời điểm rất quan trọng, cùng với sự hỗ trợ của bác sĩ, của nữ hộ sinh và của người thân bên cạnh, bạn phải bình tĩnh để hoàn thành trọng trách của mình. Có thể áp dụng một số động tác thể dục để bạn “về đích” một cách an toàn và trọn vẹn.
Bài tập thở ngực chậm: Để giữ sức và lấy nhiều oxy cho cả mẹ và con, áp dụng khi bạn được thông báo cổ tử cung mở 2-6 cm. Thực hiện khi thấy cứ 4-5 phút cơn co xuất hiện một lần (cơn co diễn ra trong khoảng 20-25 giây). Bắt đầu cơn co, hãy hít thật sâu không khí qua mũi vào tận đáy phổi và thở ra bằng miệng để đẩy hết thán khí ra (thở khoảng 9-11 lần/phút).
Bài tập thở ngực nông: Kiểu thở này khiến bạn cảm thấy hơi mệt, chóng mặt nhưng không sao vì đây là hiện tượng sinh lý bình thường. Thường thực hiện khi thấy cổ tử cung mở 6-8 cm, lúc này các cơn co diễn ra mau hơn (khoảng 3 phút/ lần), mạnh hơn, kéo dài hơn (40 - 50 giây/cơn). Lúc này bạn có thể đổi tư thế ngồi hoặc đứng. Khi bắt đầu cơn đau, hãy hít một hơi thật sâu qua mũi rồi thở ra bằng miệng.
Sau đó thở ngắn qua miệng, nhịp thở ngắn dần theo mức tăng của cơn đau. Khi cơn đau đạt đỉnh điểm hơi thở nhanh, gấp, nối tiếp nhau. Khi cơn đau giảm, chuyển thở ngắn giống như ban đầu. Hết cơn đau, hít thật sâu rồi thổi ra và lấy hai tay chụm lại đặt dọc trước mũi miệng thổi dài hơi và hít không khí trong tay mình (cân bằng khí).
Bài tập thở ngắn - nhanh – nông: Kiểu thở này giúp bà bầu tránh rặn non (nếu rặn non có thể gây phù nề cổ tử cung, khó khăn cho cuộc sinh nở). Thực hiện khi cổ tử cung đã mở 8-10 cm, lúc này người mẹ rất muốn rặn vì đầu thai nhi tụt xuống, chèn ép vào bàng quang và trực tràng. Cơn đau dồn dập, rất mạnh (2-3 phút/cơn), cơn co kéo dài 50-55 giây. Khi cơn co bắt đầu, hãy thở 3 lần bằng hơi thở ngắn, đến hơi thở thứ 4 thì thổi mạnh. Lặp lại 4 lần như vậy, lần thứ 5 thì hít vào, thổi ra từ từ. Để ức chế cơn mắc rặn, bạn thở bằng cách chúm miệng lại như muốn thổi tắt một ngọn nến đặt trước mặt khoảng từ 20-50 cm. Động tác này còn được áp dụng khi đầu thai nhi đã sổ ra ngoài, người mẹ không được rặn nữa, để bác sĩ tự đỡ em bé ra, nếu người mẹ cứ rặn thêm, có thể sẽ làm tầng sinh môn rách nhiều hơn.
Bài tập thở khi rặn đẻ: Nếu rặn đúng cách, việc sổ thai sẽ dễ dàng, tránh được sang chấn cho em bé và sự mất sức của người mẹ.
Ngồi trên sàn, hai chân gấp lại thành hình chữ V ngược, hai bàn chân mở rộng, hai bàn tay luồn qua mặt ngoài đùi và ôm lấy đùi.
Khi bác sĩ thông báo đã đến lúc và yêu cầu rặn, bạn hãy hít một hơn thật dài, nín thở ngậm hơi trong miệng và nhẩm chậm trong đầu từ 1 đến 7, đồng thời đưa hơi xuống bụng dưới.
Khi ngày sinh nở đến gần, bạn sẽ cảm thấy dạ dày trống và dễ chịu. Đó là do đầu của thai nhi đã di chuyển xuống khung chậu nên dạ dày không còn bị thai nhi chèn nữa. Đầu thai nhi chuyển dịch xuống, chèn vào bàng quan làm cho bạn phải đi tiểu nhiều lần nhưng vẫn có cảm giác đi tiểu chưa hết. Vào giai đoạn cuối, mỗi ngày thai nhi co người lại nhiều lần làm cho bạn cảm thấy bụng bị cứng liên tục, càng gần đến ngày sinh thì số lần cứng bụng càng nhiều hơn. Cảm giác căng đùi hoặc đau mỏi vùng thắt lưng cũng là một dấu hiệu báo sắp đến ngày sinh, vì lúc này thai nhi chuyển xuống vùng dưới khung chậu và chèn vào hệ thống thần kinh. Khi có những triệu chứng sau, nên đến bệnh viện ngay:
• Thấy xuất hiện cơn co tử cung kèm theo đau bụng
• Ra chất nhầy có màu trắng đục hoặc hồng ở âm đạo
• Chảy nước ối (Giống như đi tiểu nhưng không buồn tiểu, tự nhiên chảy nước trắng)
Cần nhớ chuyển dạ là một tiến trình sinh đẻ tự nhiên, mức độ đau ở mỗi người mỗi khác nhau. Nhưng chị em lưu ý đừng làm mất “hình ảnh” của mình như miệng la bai bải những lời lẽ không đẹp, thề độc và thậm chí có người còn trách móc chồng…làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ-con và cả những sản phụ xung quanh.
Nếu cơ thể bình thường, bạn nên chọn cách sinh tự nhiên vì như thế sẽ rất có lợi cho thai nhi. Khi sinh tự nhiên, tử cung co bóp khiến lồng ngực thai nhi ép và mở nhịp nhàng, giúp phổi thai nhi dễ nở ra, có lợi cho sự hô hấp của bé. Đồng thời, sự tiết hormone này khiến cho bé sinh ra có được trạng thái tinh thần yên tĩnh, lanh lợi…Chính vì thế, khi chuyển dạ người mẹ hãy bình tĩnh nghe theo hướng dẫn của bác sĩ để có một cuộc sinh nở như ý. Tuy nhiên, có một số trường hợp không thể sinh bình thường, được chỉ định sinh mổ - người mẹ cũng đừng nên thất vọng hay cảm thấy thiệt thòi. Vì vậy cần chuẩn bị tinh thần trước và cố gắng cho bé bú ngay. Cho đến nay, việc nuôi con bằng sữa mẹ vẫn được xem là phương pháp nuôi trẻ sơ sinh tối ưu nhất vì sữa mẹ vừa tiện lợi, ít tốn kém lại cung cấp kháng thể tự nhiên cho bé giúp chống lại một số bệnh nhiễm trùng. Người mẹ cần tập một số tư thế cho con bú để cả mẹ và con đều cảm thấy thoải mái.
Nuôi con bằng sữa mẹ là điều hết sức tuyệt vời, các bà mẹ hãy giữ tâm trạng thật thoải mái để không ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Theo một nghiên cứu, tâm trạng ổn định của người mẹ sẽ giúp con sinh ra ít hiếu động, trước khi bú thường không khóc quấy.
Chuẩn bị sinh tốt sẽ giúp tâm lý bà mẹ bình an, thuận lợi cho việc tiết sữa. Cho con bú sữa mẹ ngay sau sinh (đặc biệt là bú sữa non) có rất nhiều lợi ích:
Lợi ích cho con: Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé, sữa dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, bảo vệ cơ thể chống các bệnh nhiễm khuẩn, giúp trẻ phát triển trí thông minh, giúp trẻ hạnh phúc vì được mẹ ôm ấp.
Lợi ích cho mẹ: Gắn bó tình cảm mẹ con, chậm có thai, giảm nguy cơ chảy máu sau sinh, không tốn kém, không mất thời gian pha chế và giúp bà mẹ giữ vóc dáng thon thả sau sinh, và còn có tác dụng giảm nguy cơ hình thành khối u ở ngực về sau.
Có khá nhiều trường hợp đáng tiếc: mẹ có nhiều sữa nhưng bé vẫn không bú được hoặc bú một cách khó khăn. Do trong thời kỳ mang thai mẹ không biết cách chăm sóc đầu vú. Trong thời gian mang thai cần phòng nứt đầu vú, nếu núm vú thụt vào hoặc bằng phẳng thì phải vê kéo dần ra ngoài. Hàng ngày, nhất là khi thai từ 5 tháng trở lên, thường xuyên rửa sạch đầu vú, sau đó bôi lên chút dầu ăn, khiến lớp da đầu vú dày và vững hơn. Nhờ đó, khi cho con bú sẽ không bị nứt núm vú và gây nên đau đớn. Nếu bà mẹ có cảm giác đau nhói khi con bắt đầu bú, cần lưu ý để miệng bé mở to rồi mới đưa đầu vú vào cho bé ngậm hết cả quầng vú, sự đau đớn này sẽ chấm dứt. Bạn cũng có thể bị đau do tắc tia sữa hoặc nứt đầu vú nhưng tất cả chỉ là tạm thời và bác sĩ có thể nhanh chóng giải quyết để bạn có thể cho bé bú bình thường.
Bé ra đời, cần sữa và nhiều tình yêu của mẹ, của mọi người. Nhưng nếu bạn thực sự không có sữa hay vì lý do nào đó không thể cho con bú được sữa mẹ thì hãy dành nhiều âu yếm, yêu thương, vuốt ve và ánh mắt trìu mến khi cho bé bú bình.