- Trương Thụy Thu Quỳnh
C
on trai yêu! Vậy là hai mẹ con ta đã đi qua nửa chặng đường của thời gian thai nghén. Hôm nay con trai của ba mẹ tròn 22 tuần và bắt đầu báo hiệu cho mẹ biết về sự hiện diện của con trong lòng mẹ với những chuyển động đầu tiên.
Bác sĩ nói rằng từ thời điểm này trở đi con biết lắng nghe và hiểu được những xúc cảm từ mẹ. Vì vậy, từ nay hai mẹ con ta sẽ trò chuyện thường xuyên hơn.
Điều đầu tiên mẹ mong muốn rằng: con biết yêu thương và có lòng từ tâm. Mong con không chỉ yêu kính những người thân của con mà con cũng sẽ chia sẻ tình yêu và lòng kính trọng đó đối với những người già không được dưỡng nuôi, những người tật nguyền vất vả kiếm sống mỗi ngày trên các hè phố, những kẻ cơ nhỡ phải ngủ ngoài đường trong khi gia đình ta quây quần trong bữa ăn nóng sốt.
Mẹ tin rằng khi con của mẹ biết chia sẻ tình yêu thì con sẽ luôn được sống trong tình yêu. Và sẽ chẳng gì có thể sánh được với những giá trị tinh thần vô giá con được nhận về khi biết cho đi.
Điều thứ hai mẹ mong muốn nơi con là: luôn nhìn thấy đức tính tốt ở người xấu, luôn tìm ra khía cạnh tích cực trong những điều tiêu cực, tìm ra niềm vui trong nỗi buồn cũng như không bao giờ tuyệt vọng trong hoàn cảnh khốn cùng nhất.
Con hãy tin rằng ở cuối đường hầm luôn có ánh sáng, điều may luôn ẩn trong điều rủi và không có ai là hoàn toàn xấu xa. Sâu thẳm trong mỗi con người là lòng mong mỏi được yêu thương, quan tâm và tôn trọng. Vì vậy, nếu con luôn đối đãi với mọi người trên tinh thần đó thì con sẽ đánh thức được nhân tâm trong họ.
Và mai này cho dù có bất kỳ điều gì xảy ra, con cũng hãy giữ lòng lạc quan. Con đừng vội vàng bỏ cuộc, đừng bao giờ nghĩ rằng “sẽ không có giải pháp”, hay “thế là hết” mà con hãy luôn tâm niệm: “giải pháp đang nằm ở đâu đó”, “nhất định mình sẽ làm được”. Nếu con làm được điều đó, mẹ tin rằng thành công và mọi điều tốt đẹp sẽ luôn đến với con.
Điều thứ ba mẹ mong rằng con sẽ là một chàng trai nhẫn nại, kiên trì đeo đuổi đến cùng điều con tin là đúng. Cuộc sống vốn đã không bằng phẳng và thành công không bao giờ đến dễ dàng.
Trong việc học hay việc làm, con không được hấp tấp hay vội vàng bỏ cuộc. Những vấp ngã sẽ giúp con thêm đứng vững trước khó khăn và thất bại chính là thầy giáo giỏi dạy cho con thêm khôn ngoan và bản lĩnh. Con hãy để lòng mình tĩnh lại trong những giờ phút nguy nan, nhất định con sẽ tìm thấy lối ra cho mình.
Mẹ biết khi con 20 tuổi thì ba đã 60 và mẹ cũng đến tuổi hưu. Ba mẹ sẽ không thể cùng con đồng hành đến cuối con đường của con. Vì vậy, đây chính là hành trang mà mẹ muốn để lại cho con. Của cải rồi sẽ mất đi, vật chất rồi sẽ chẳng mang theo được khi ta ra đi, nhưng những gì ta làm cho thân nhân và đóng góp cho xã hội chính là những điều còn lại mãi mãi.
Đây là ba điều mẹ mong đợi nơi con và mẹ sẽ hết lòng giáo dưỡng để con của mẹ trở thành một người như vậy. Con trai yêu, từ nay hai mẹ con ta sẽ cùng cố gắng, con nhé!
NHỮNG BÀI HÁT RU THÍCH HỢP CHO THAI NHI
Võ Đức Hán - Cao Minh Hiền
Chúng ta cần hát ru con trong THAI GIÁO, lúc mầm sống con người mới tượng hình tại “ngôi nhà của con” trong bụng mẹ bằng những ca từ của “Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi. Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi”(*). Hát ru con ngay từ khi bé “Thoát sinh ra thì đà khóc chóe…Trần có vui, sao chẳng cười khì!”(**).
(*)Lời bài hát Tình ca của Phạm Duy.
(**)Lời bài thơ Chữ nhàn của Nguyễn Công Trứ.
Bất cứ ông bố, bà mẹ nào cũng phải biết hát ru con! Bởi vì có uống trọn các ca từ ru con với đầy đủ ý vị của nó, người mẹ mới tự giác bản thân: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”, người cha mới ý thức được tại sao mình lại phải là ngọn Thái Sơn của con trẻ và cả gánh gia đình. Còn con, con có thấm đẫm được cốt nhục thâm tình của bầu sữa mẹ, sự trăn trở đến bạc mái đầu của cha trong ca từ ru con, con mới hình thành được nhân cách thuần Việt.
Hát ru con từ thời kỳ trong thai không những cho con ngấm được những âm hưởng dân ca đầy bản sắc dân tộc của quê hương đất nước mà khi hát ru bằng những giai điệu êm ái, ta sẽ cho con một khả năng cảm âm rất tốt.
Hát ru là một loại hình hát dân ca, mộc mạc, truyền khẩu từ đời này qua đời khác. Người mẹ dùng lời ru này để dạy con những điều hay lẽ phải, hướng cho con đến một con đường tốt nhất, hoặc cho con thấy cảnh đẹp, tình cảm của con người và quê hương đất nước.
Hát ru có rất nhiều âm hưởng theo từng vùng miền nhưng cái chung của nó là dùng ca từ “à ơi” hoặc “ầu ơi”,”ới ời”... Hát ru Bắc Bộ rất phong phú trong luyến láy và âm ngân.
Khi ru, nên nhập hết tâm và hồn của mẹ vào cho con thì thai nhi sẽ cảm nhận được nhiều nhất tình cảm từ người mẹ. Cách hát ru mộc mạc của người mẹ mang tâm hồn chân chất, đằm thắm, và sâu lắng khi ngân nga lời ru sẽ là nguồn thức ăn tinh thần vô giá cho con.
Những bài ca ru rất giản dị, dễ thuộc dưới đây sẽ giúp các bà mẹ trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X của các miền vẫn có thể chọn hát ru con mình:
• Ầu ơ…ví dầu cầu ván long đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.
Ầu ơ… khó đi, mẹ dẫn con đi. Con đi trường học, mẹ đi trường đời.
• Gió mùa thu… mẹ ru con ngủ, năm canh chầy thức đủ vừa năm.
Hỡi chàng… chàng ơi! Hỡi người… người ơi! Em nhớ tới chàng… Em nhớ tới chàng!
Hãy nín, nín đi con! Hãy ngủ, ngủ đi con! Con hời… con hỡi…
Con hỡi… con hời… hỡi con!...
• Ví dầu con cá nấu canh, bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm…
• Chiều chiều vịt lội cò bay, ông voi bẻ mía chạy ngay vô rừng
Vô rừng bứt một sợi mây, đem về thắt gióng cho mày đi buôn
Đi buôn không lỗ thì lời, đi ra cho thấy mặt trời, mặt trăng…
• À ơi… Con cò mày đi ăn đêm.
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
À ơi… Ông ơi, ông vớt tôi nao. Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
À ơi… có xáo thì xáo nước trong. Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
Những bài hát mà trẻ con nghe rất dễ ngủ như:
• “Con cò, cò bay lả, lả bay la. Bay từ là từ ruộng lúa, bay ra là ra cánh đồng, tình tính tang, là tang tính tình… rằng có nhớ là nhớ hay chăng…”
Hay:
Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa sổ bay ra cánh đồng
Nuôi cò tháng đợi ngày trông
Đến ngày cò lớn góp công xây đời
Đồng xanh xa tít chân trời
Mong cò khôn lớn nhớ lời mẹ ru.
Ngoài ra, còn rất nhiều câu ca dao, tục ngữ Việt Nam có thể chuyển thể thành bài hát ru như:
• Những lời ru con mong con chóng lớn, trưởng thành nhớ đến tình cảm cha mẹ dành cho con, nhớ công ơn cha mẹ sinh thành:
Con ơi muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ ru
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
• Tình cảm đoàn kết anh em trong gia đình:
Anh em như thể tay chân
Anh em hòa thuận hai thân vui vầy.
• Sức mạnh tình đoàn kết:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Một người đâu phải nhân gian
Chẳng qua một đốm lửa tàn mà thôi
• Tình yêu vợ chồng:
Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
Đi đâu cho thiếp đi cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam.
• Tình làng nghĩa xóm:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
• Ca ngợi đất nước mình có cảnh đẹp:
Đồng Đen có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên phố Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em.
Hay:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà
Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.
• Tình yêu quê hương:
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
• Ca ngợi con trâu và người nông dân gắn bó với nhau:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta
Cày cấy vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Hãy còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
• Nhắc nhở cẩn thận làm mọi việc:
Đi đâu mà vội mà vàng
Mà vấp phải đá mà quàng phải dây
Đủng đỉnh như chúng tui đây
Chẳng đá nào vấp, chẳng dây nào quàng.
• Tình thầy trò :
Bồng bồng bế bế con sang
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo
Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu mến thầy.
Đó là những câu ru truyền khẩu của dân gian Việt Nam.