Phạm Thị Thúy - Thạc sĩ xã hội học
THAI GIÁO LÀ GÌ? - DẠY CON TỪ 0 TUỔI
T
hai giáo, nghĩa là nuôi dạy con từ khi còn là bào thai. Công việc này được tiến hành đồng thời cả hai mặt: thể chất và tinh thần.
Thai giáo là quá trình giáo dục với các biện pháp tổng hợp được bắt đầu từ khi chuẩn bị mang thai, điều chỉnh hoàn cảnh môi trường trong và ngoài cơ thể người mẹ, tiến hành dạy dỗ và giáo dục thai nhi một cách chủ động, tích cực, giúp thai nhi phát triển toàn diện và đầy đủ cả thể chất và tinh thần, trí tuệ và nhân cách.
Có nhiều kiểu thai giáo: thai giáo bằng âm nhạc, thai giáo bằng ngôn ngữ, thai giáo bằng xoa bóp, thai giáo bằng chế độ ăn uống, thai giáo bằng cách tạo môi trường tốt... Nhưng tổng hợp lại, chúng tôi thống nhất có hai phương pháp thai giáo: thai giáo trực tiếp và thai giáo gián tiếp.
Thai giáo trực tiếp là tiến hành các biện pháp giáo dục sớm cho thai nhi. Dạy thai nhi thông qua các bài tập tác động đến 5 giác quan của cả mẹ và bé. (xem bài Kỹ năng thai giáo trực tiếp)
Thai giáo gián tiếp là việc chăm sóc bà mẹ mang thai về mặt dinh dưỡng, tinh thần, tránh những kích thích không tốt cho mẹ và bé (xem các bài Kỹ năng thai giáo gián tiếp).
Thai giáo là biểu hiện tình cảm giữa các thế hệ, là bản năng tự nhiên gắn liền với khát khao làm cha làm mẹ, là sự thể hiện tình cảm với con. Ai cũng từng được thai giáo nhưng khác nhau ở mức độ, cách thức. Người thầy vĩ đại nhất của chúng ta chính là MẸ: “Phúc đức tại mẫu”. Xã hội tiến bộ hay suy thoái nhờ chính vào các bà mẹ. Chín tháng mười ngày nền tảng của đứa con do các bà mẹ cưu mang là nền tảng của xã hội tốt hay xấu sau này.
HIỆU QUẢ CỦA THAI GIÁO
Lợi ích của Thai giáo:
Tốt đẹp cho con
Gắn bó gia đình
Tu dưỡng được mình
Lợi nhà, ích nước
Nhà giáo Nguyễn Viết Hùng đã đúc kết 4 lợi ích của Thai giáo thành một bài thơ như trên. Thời kỳ trong bụng mẹ (tiên thiên) quan trọng gấp nhiều lần sau khi sinh (hậu thiên), là cơ may số một, là thời gian vàng để bà mẹ giúp con NÊN NGƯỜI TỐT ĐẸP sau này.
Mọi lời nói trong tầm tai nghe của thai nhi, mọi tâm trạng của thai phụ đều có ảnh hưởng đến tính cách đứa trẻ trong tương lai, thành nền móng nhân phẩm cho mỗi công dân sau này. Cho nên Thai giáo không chỉ có ý nghĩa quý giá với gia đình, mà còn có tác dụng to lớn với xã hội.
Đặc điểm của trẻ em được thai giáo
Theo tác giả Trần Trúc Anh trong quyển Cẩm nang thai giáo – Phương pháp giáo dục trẻ khi còn là bào thai(*), thì những trẻ em được Thai giáo tốt sẽ có những đặc điểm sau:
(*)Nhà Xuất Bản Từ điển Bách Khoa, 2007.
• Thừa hưởng những ưu điểm di truyền của cha mẹ: Kết hợp những nét đẹp của bố và mẹ nên thường xinh trai, đẹp gái hơn bố mẹ.
• Nhanh chóng trưởng thành: Trẻ được thai giáo có biểu hiện rõ ràng là lớn nhanh hơn những trẻ khác, nói sớm, nhanh nhẹn, hoạt bát…, biết ngồi, đứng, đi, chạy sớm hơn những đứa trẻ khác.
• Ngoan, ngủ tốt, hiếm khi quấy khóc: Trẻ được thai giáo có đầy đủ dưỡng chất trong cơ thể ngay từ trong bụng mẹ nên có sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái nên thường dễ nuôi.
• Chỉ số IQ, EQ cao: Nhờ những tác động hàng ngày suốt trong thời kỳ mang thai nên não bộ của trẻ được thai giáo phát triển rất nhanh. Và do được nuôi dưỡng bằng tình yêu thương, những cảm xúc tích cực từ mẹ và mọi người xung quanh, bé có chỉ số thông minh xúc cảm (EQ) cao hơn những trẻ khác.
• Phẩm chất đạo đức tốt: “Con vào dạ, mạ đi tu” nên trẻ được thai giáo được hưởng những suy nghĩ chân, thiện, mỹ từ mẹ nên có xu hướng trở thành những người biết quan tâm đến mọi người, yêu thương mọi người, nhiệt tình, thành thực, có thái độ sống tích cực, yêu ghét rõ ràng, biết phải trái.
• Dễ thích ứng và nhiều khả năng sáng tạo: Trẻ trải qua quá trình thai giáo thường có tính độc lập trong cuộc sống, biết tự lập sớm, có khả năng thích ứng với các môi trường sống khác nhau, có cá tính mạnh, trí tưởng tượng phong phú, có tinh thần sáng tạo, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
• Có ý chí kiên cường: Trẻ được thai giáo thường sống lạc quan, cho dù gặp khó khăn cũng dũng cảm đương đầu.
Tóm lại, trẻ được thai giáo có rất nhiều ưu điểm, thực sự là những đứa trẻ có đầy đủ tố chất như chúng ta hằng mong đợi. Những ví dụ điển hình sau đây sẽ chứng minh những đặc điểm trên là hoàn toàn có cơ sở ở trẻ được thai giáo.
Một vài ví dụ về hiệu quả của thai giáo:
Chu Văn Vương
Chu Văn Vương là vị vua sáng lập ra nhà Chu, triều đại trị vì lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc (gần 800 năm). Đó là một bậc thánh quân không chỉ trị nước anh minh, mà còn là tác giả của một tác phẩm kỳ diệu vào bậc nhất của nhân loại: Kinh Dịch. Tương truyền, mẹ Chu Văn Vương khi có mang nhà vua, đã giữ gìn rất cẩn thận theo kinh nghiệm phương Đông. Bà không để mắt phải nhìn những gì xấu xa, tàn héo, mà sớm mai ngắm bình minh rạng rỡ chân trời, đàn chim sải cánh nhịp nhàng, bông hoa lung linh sương đọng, bức tranh tươi rạng sắc màu, hài hòa đường nét… Bà để ngoài tai mọi lời thô lỗ, mọi giọng cục cằn, mà đêm thanh cất tiếng hát ru cho đứa con trong bụng, lắng nghe những khúc nhạc trong trẻo, du dương. Khi đi đâu, bà cũng bước những bước thong dong uyển chuyển, ngồi không ngồi chiếu xô lệch, đứng không đứng nơi dơ bẩn… Bà tự đọc với ngữ điệu trìu mến, diễn cảm nhất những áng thơ hay, những sách kể chuyện danh nhân, gương sáng trong lịch sử,… Tất cả, bà đều tưởng tượng như đang nói cho con nghe, đang hướng cho con ngắm, đang tâm tình thủ thỉ cùng con… “Đi đứng, ngồi nằm đều nhẹ nhàng, cười nói vừa phải, dù tức giận cũng không chửi mắng…” (Theo ghi chép của sách “Tân sách thai giáo”).
Mạnh Tử
Mạnh Tử được xem là ông tổ thứ hai của Nho giáo và được hậu thế tôn làm “Á thánh Mạnh Tử” (chỉ đứng sau Khổng Tử).
Sử sách ghi lại kinh nghiệm thai giáo của thân mẫu Mạnh Tử rằng: “Khi mang thai đứa con trong bụng thì phải biết: chỗ không bằng phẳng không ngồi, thức ăn không hợp vệ sinh không ăn”.
Giáo sư Trần Văn Khê
Giáo sư Trần Văn Khê chẳng những được may mắn sinh ra trong một gia đình mà hai bên nội ngoại đều là nhạc sĩ, ông lại được “thai giáo” một cách rất đặc biệt. Sau đây là câu chuyện do chính Giáo sư kể lại trong một buổi tọa đàm về Thai giáo:
“Theo lời kể của má và cậu mợ Năm tôi, lúc má mang thai tôi, trong nước chưa ai nghĩ đến việc Thai giáo. Má tôi đang ở nhà ông Nội tôi, tại chợ Giữa, phía sau nhà là một lò heo, mỗi đêm lúc 3 giờ sáng má tôi thường bị tiếng heo la lúc heo bị thọc huyết làm cho thức dậy và khó ngủ trở lại. Khi nói chuyện đó cho cậu Năm tôi nghe, thì cậu Năm tôi đến gặp ông Nội tôi và thưa rằng:
“Kính thưa Bác, chắc Bác cũng đã biết, theo sách sử để lại có nói chuyện mẹ Thầy Mạnh Tử ngày xưa phải mấy lượt dời nhà đi để cho con mình luôn luôn được ở gần những nơi có ảnh hưởng tốt. Em cháu mỗi đêm bị tiếng heo la hét làm thức giấc, có hại cho sức khỏe và có ảnh hưởng không tốt cho bào thai. Cháu xin Bác cho phép cháu rước em cháu về khu vườn yên tĩnh của gia đình cháu trong thời gian mang thai”.
Ông Nội tôi cũng biết việc mẹ Thầy Mạnh Tử mấy lượt dời nhà để tạo cho con mình một môi trường tốt, nên đã bằng lòng.
Nhà cậu Năm tôi ở trong một khu vườn rộng rãi, giáp ranh làng Đông Hòa và làng Vĩnh Kim. Cậu Năm tôi cho cất một chái sát vách nhà, rộng rãi, có giường cho má tôi và cái nôi cho đứa bé, có chỗ ngồi đọc sách, ngắm cảnh. Cậu cho trồng hai thứ hoa Vạn Thọ và Móng Tay với ý nghĩa là chúc cho đứa bé sanh ra đời sẽ sống lâu và biết đàn hay. Cậu Năm tôi thích đá gà, nhưng đã dẹp tất cả các chuồng gà và không bao giờ tổ chức cuộc đá gà tại nhà như trước nữa. Cậu chọn lựa những quyển sách có tánh cách giáo dục cho má tôi đọc như “Cổ học tinh hoa”, “Luận ngữ”, “Nhị thập tứ hiếu”, “Gia huấn ca”… Mỗi ngày sau giấc nghỉ trưa, cậu Năm đem ống sáo đến thổi những bản nhạc trong truyền thống Ca nhạc Tài tử miền Nam cho má tôi nghe. Thỉnh thoảng cậu nói chuyện với bào thai: “Bé ơi, cậu Năm thổi cho con nghe bài Lý Bốn Mùa nghen!”. Mợ Năm tôi, trước khi lấy chồng làm việc trong nhà hộ sanh, ai cũng khen là “mát tay” vì những đứa bé mợ tôi giúp ra đời luôn luôn được mạnh khỏe. Mợ Năm tôi lúc đó cũng theo dõi hàng ngày sự tiến triển của tôi, nên khi nào má tôi nói bào thai đang đạp trong bụng, thì mợ tôi lại vuốt ve trên bụng mà nói với tôi: “Con ơi, đừng đạp mạnh má đau nghe con” và khuyên má tôi nên vừa vuốt ve ngoài bụng, vừa nói chuyện với bào thai. Cậu Năm tôi thỉnh thoảng đọc thơ Đường cho má tôi nghe. Má tôi học thuộc những bài thơ hay và thường ngâm những bài thơ đó. Cậu Năm không cho má tôi đi xem hát Bội, vì loại tuồng này có những vai tướng, nét mặt vẽ vằn vện hung dữ. Trong phòng ngủ của má tôi, cậu Năm cho treo bộ tranh Tố Nữ, tức là bộ tranh có bốn cô gái xinh đẹp đang dạo đờn. Những món gì má tôi thèm là cậu mợ tôi cho ăn liền.
Suốt trong 9 tháng, cả nhà đều đến đờn ca, đọc thơ cho tôi nghe, mỗi ngày má tôi đi dạo ngoài vườn xem bông Vạn Thọ và Móng Tay nở, nghe tiếng chim hót trên cành, bà con lối xóm cũng thường đến thăm má tôi, trò chuyện vui vẻ. Má tôi không bao giờ nghe tiếng cãi nhau, quát tháo, giận dữ.
Đến ngày chuyển bụng, mợ Năm tôi luôn ở cạnh giường, nói chuyện cho má tôi bớt lo. Lúc tôi mới vừa lọt lòng, mợ Năm reo mừng thật to: “Sanh con trai rồi, có người nối dòng họ Trần rồi”. Cậu Năm liền chạy tới, thổi sáo, chào mừng đứa bé.
Nhờ tiếng Sáo của cậu Năm tôi trong lúc tôi còn là Thai nhi, tiếng đờn Tỳ Bà của ông Nội tôi, tiếng đờn Tranh của cô Ba tôi, tiếng đờn Kìm của Ba tôi, từ ngày tôi ra đời đến sau này mà trong lòng tôi thấm nhuần âm nhạc Dân tộc Việt Nam. Vừa mới lớn lên tôi đã biết nhảy nhịp theo tiếng đờn của ông Nội tôi. Lúc lên 6 tuổi đã biết đờn Kìm, lên 8 tuổi đã biết đờn Cò, 12 tuổi biết đờn Tranh, 14 tuổi biết đánh Trống nhạc, mãi đến khi khôn lớn tình yêu Âm nhạc Dân tộc đó đã tiếp tục giữ tôi trên con đường sưu tầm, học hỏi, luyện tập, biểu diễn, phổ biến và phát huy Âm nhạc truyền thống Dân tộc Việt Nam đến ngày nay.
Khi được nghe thuật lại, tôi nghĩ rằng mình rất may mắn vì đã được cả gia đình thực hiện việc Thai giáo, mặc dầu không có đọc sách vở về môn này, mà làm những điều rất phù hợp với phương pháp Thai giáo hiện nay”.
Kinh nghiệm Thai giáo cho con
- GS.TS Trần Văn Khê
Khi có đứa con đầu lòng, tôi quyết định Thai giáo cho con (năm 1943(*). Lúc đó tôi đang thích Tân nhạc và những bài hát của Lưu Hữu Phước, tôi lại mới biết đờn Piano, nên thay vì đờn Tranh, đờn Kìm cho con tôi nghe, tôi lại thường đờn Piano những bài hát của Lưu Hữu Phước, tôi dạy cho mẹ cháu rất nhiều bài rút trong ca kịch “Tục lụy” của ông nữa. Chiều nào mẹ cháu cũng thường hát những bài “Hỡi áng mây hồng”, “Buổi chiều đông”, và một vài bài bằng tiếng Pháp như “Le Petit Mousse”, mẹ cháu lại thích nhứt bài “Ru con” mới của Lưu Hữu Phước, nên trong thời gian mang thai và khi con ra đời luôn luôn hát bài đó.
(*)Con trai đầu lòng của GSTS. Trần Văn Khê là GSTS. Trần Quang Hải, nhạc sĩ nổi tiếng thế giới về âm nhạc dân tộc và nghệ thuật hát đồng song thanh.
Lúc con tôi chào đời tại nhà Bảo sanh Thủ Đức, vì hôm đó sanh khó, nên tôi phải lo cứu con khỏi bị ngộp, và như thế không có bản nhạc nào mừng con. Nhưng vài bữa sau, Lưu Hữu Phước gửi một bài ca “Mừng cháu Trần Quang Hải ra đời”:
“Xinh thay, buổi hôm nay chúng ta mừng em Quang Hải.
Xinh thay, giọt sương mai gặp con khe hóa ra biển tràn(**)
(**)Mẹ của GSTS. Trần Quang Hải là bà Nguyễn Thị Sương. Lưu Hữu Phước đã chơi chữ bằng cách ghép tên của mẹ (Sương), của cha (Khê: khe suối) và của con (Hải: biển) vào câu thơ chúc mừng.
Trần Quang Hải bao nỗi mừng …”
Tuy không được hoàn hảo, nhưng chúng tôi đều có ý thức cho bào thai nghe những tiếng nhạc êm do người bạn rất thân của tôi sáng tác. Do đó, khi cháu Hải vừa lớn lên chỉ thích nghe tiếng đờn Piano và múa theo bài hát “Khúc khải hoàn” của Lưu Hữu Phước đến mệt lả.
Tôi sang Pháp lúc cháu được 5 tuổi, dặn mẹ cháu ở nhà tìm Thầy dạy đờn Tài tử cho cháu, nhưng cháu không thích, cháu chỉ tìm học nhạc theo phương Tây. Khi học Trường Trung học Trương Vĩnh Ký đã thích đờn Violon và có may mắn được vào Trường nhạc Sài-gòn, học luôn mấy năm với Nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt. Khi cháu sang Pháp cũng xin tôi tìm Trường cho cháu tiếp tục học Violon. Tôi đã ghi tên cho cháu học Trường Quốc tế Âm nhạc (Conservatoire International), đến khi cháu gặp thần tượng của cháu là Nhạc sư Yehudin Menuhin, sau khi nghe cháu đờn, kết luận rằng đến tuổi của cháu (20 tuổi) mà đàn được như cháu thì sau này giỏi lắm chỉ làm người thầy dạy nhạc Violon, chớ không thể trở nên một Nhạc sĩ biểu diễn độc tấu. Nhạc sư hỏi cháu tại sao có một người cha am hiểu nhạc Dân tộc như tôi, mà lại không học nhạc Dân tộc. Cháu buồn, bỏ đàn trong một tuần lễ, sau đó đến xin tôi dạy cho cháu đàn Tranh. Nhờ sống gần tôi hơn mười mấy năm, được học nhạc Việt Nam với tôi và nhạc châu Á với nhiều Nhạc sư danh tiếng Ấn Độ, Ba Tư… cháu thấm nhuần âm nhạc châu Á truyền thống và nhứt là biết âm nhạc Việt Nam một cách đầy đủ và sâu sắc hơn, nên từ đó cháu đã để hết tâm trí vào việc học tập, trau dồi, biểu diễn âm nhạc Việt Nam.
Như vậy, loại nhạc dùng trong thời gian Thai giáo có ảnh hưởng rất lớn đến sự ưa thích của đứa trẻ sau này. Ngày nay, trong những bạn bè của tôi nhiều người thích cho con mình nghe nhạc cổ điển phương Tây và nghĩ làm như vậy để tạo cho con có tánh tình tốt hơn là cho nghe nhạc kích động. Việc đó đúng một phần nào, vì theo tôi, đã là người Việt thì phải được tiếp cận với Âm nhạc truyền thống Dân tộc trước khi nghe những loại nhạc của các nước khác. Tuy nhiên, nên chọn lọc trong Âm nhạc Dân tộc những loại nhạc êm đềm, du dương như tiếng hát Ru, những bài Lý, những bài Quan họ, một tiếng đàn Bầu uyển chuyển, một điệu đàn Tranh lả lướt vẫn tốt hơn những bản dùng trong hát Bội, kèn trống inh ỏi hay những bài hát Chầu văn đầy tiết tấu rộn rã.