Tiến sĩ – Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy
Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ
LỊCH KHÁM THAI ĐỊNH KỲ
T
heo quy định của Bộ Y Tế, trong một thai kỳ, người mẹ phải được khám thai ít nhất 3 lần vào 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Tuy nhiên nếu khám đầy đủ thì phải là 7 lần đối với một thai kỳ bình thường, còn những thai kỳ có nguy cơ cao như tim sản, cao huyết áp… thì số lần khám thai sẽ nhiều hơn với nhịp độ khít hơn phụ thuộc vào các lý do y học.
Lịch khám thai định kỳ đối với một thai kỳ bình thường:
3 tháng đầu: khám thai 1 lần.
3 tháng giữa: khám thai 1 lần.
Tháng thứ 7, 8: mỗi tháng khám 1 lần.
Tháng thứ 9: hai tuần khám 1 lần.
1 tuần trước khi sinh: khám 1 lần.
TẦM QUAN TRỌNG VÀ NỘI DUNG CỦA KHÁM THAI 3 THÁNG ĐẦU
Tầm quan trọng
Lần khám thai đầu tiên ở 3 tháng đầu rất quan trọng, vì:
• Bác sĩ sẽ chẩn đoán có thai hay không? Mấy thai?
• Bác sĩ sẽ chẩn đoán tuổi thai và tính ngày dự sinh: nhiều chị em không nhớ rõ ngày kinh chót, không có kinh, kinh không đều… nhờ khám thai 3 tháng đầu, bác sĩ mới chẩn đoán được chính xác tuổi thai, dự đoán ngày sinh sát hơn là những tháng giữa và tháng cuối thai kỳ. Từ đó mới có thể biết được khi sinh là thai đủ tháng hay non tháng, dự phòng được thai già tháng và nhất là sau này có thể phát hiện được thai suy dinh dưỡng trong tử cung.
• Bác sĩ sẽ phát hiện những bệnh lý của mẹ kèm thai như tim sản, tiểu đường, cao huyết áp… từ đó sẽ tư vấn cho các bà mẹ nên tiếp tục hay chấm dứt sớm thai kỳ, cách điều trị, cách thức dưỡng thai và quyết định lịch khám thai tiếp theo.
• Bác sĩ sẽ phát hiện những bệnh lý phụ khoa kèm thai như khối u buồng trứng, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung kèm theo… từ đó sẽ tư vấn cho các bà mẹ cách điều trị thích hợp.
Nội dung khám:
• Khám toàn diện: tim phổi, cân trọng lượng, đo huyết áp, khám gan lách…
• Khám phụ khoa xem tình trạng viêm nhiễm âm đạo, cổ tử cung, các khối u tiểu khung.
• Thực hiện các xét nghiệm như thử nước tiểu, thử máu…
• Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ cho siêu âm.
TẦM QUAN TRỌNG VÀ NỘI DUNG CỦA KHÁM THAI 3 THÁNG GIỮA
Tầm quan trọng:
Khám thai 3 tháng giữa cũng rất quan trọng vì:
• Những dị tật, dị dạng thai nhi được chẩn đoán tương đối rõ ràng từ tuần lễ thứ 15 -19 của thai kỳ. Thai càng lớn, các dị tật, dị dạng sẽ khó quan sát hơn. Nhờ khám thai trong giai đoạn này, các bà mẹ sẽ được tư vấn để nếu cần thì phải chấm dứt sớm thai kỳ, tránh ảnh hưởng đến tâm sinh lý về sau.
• Bác sĩ sẽ phát hiện được rối loạn huyết áp do thai vào tuần lễ thứ 20, từ đó dự phòng tiền sản giật nặng và sản giật về sau.
• Theo dõi sự phát triển của thai nhi, sự tăng cân của bà mẹ, phát hiện thai suy dinh dưỡng trong tử cung, từ đó có chế độ dinh dưỡng hoặc những chăm sóc đặc biệt cho bà mẹ. Đối với những thai kỳ nguy cơ cao, bác sĩ sẽ theo dõi diễn tiến bệnh, khả năng đáp ứng của bà mẹ với bệnh lý, từ đó có chế độ điều trị thích hợp.
• Ba tháng giữa là thời điểm lý tưởng để thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật sản phụ khoa thích hợp mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi hoặc không làm cho sinh non như khâu vòng cổ tử cung ở những bà mẹ bị hở eo tử cung, phẫu thuật bóc hoặc cắt khối u buồng trứng ở những bà mẹ có khối u buồng trứng.
Nội dung khám:
• Cân trọng lượng, đo huyết áp.
• Đo bề cao tử cung, nghe tim thai.
• Siêu âm xem tình trạng thai, nhau và nước ối.
• Thử máu, thử nước tiểu.
TẦM QUAN TRỌNG VÀ NỘI DUNG CỦA KHÁM THAI 3 THÁNG CUỐI
Tầm quan trọng:
Ba tháng cuối là lúc các bà mẹ sắp sinh, mà các tai biến sản khoa thường xảy ra khi sinh, trong chuyển dạ. Do đó, khám thai vào ba tháng cuối là để:
• Bác sĩ chẩn đoán ngôi thai, sự tương xứng giữa cân nặng thai nhi và khung chậu người mẹ… từ đó có thể tiên lượng được cuộc sinh sắp tới là dễ hay khó, có những nguy cơ nào…
• Bác sĩ có thể phát hiện được những thai kỳ nguy cơ cao và từ đó cho nhập viện sớm trước ngày dự sinh.
• Bác sĩ cho nhập viện, mổ chủ động khi thai đủ trưởng thành (38 tuần) đối với những trường hợp phải sinh mổ như: nhau tiền đạo, ngôi mông con to, khung chậu hẹp, vết mổ lấy thai cũ…
• Bác sĩ sẽ quyết định cơ sở y tế nào mà các bà mẹ nên đến sinh. Thí dụ như có thể sinh tại tuyến xã, quận huyện hay tuyến tỉnh, tuyến thành phố, trung ương.
Nội dung khám:
• Cân trọng lượng, đo huyết áp.
• Đo bề cao tử cung, nghe tim thai.
• Tiêm ngừa hỗ trợ phổi cho bé (tuần 28) và siêu âm Doppler để kiểm tra động mạch não của bé (tuần 31- 33). Siêu âm xem tình trạng thai, nhau và nước ối.
• Thử máu, thử nước tiểu.
THỰC HIỆN SÀNG LỌC SƠ SINH
Sau khi trẻ ra đời, cần thực hiện sàng lọc sơ sinh bằng cách:
• Lấy máu gót chân em bé để kiểm tra xem trẻ có bị thiếu máu tán huyết hay không.
• Kiểm tra xem trẻ có bị bệnh nhược giáp bẩm sinh hay không. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, chi phí điều trị sẽ rất thấp và trẻ sau này phát triển bình thường. Nếu sau 3 tháng mới phát hiện thì trẻ sẽ bị đần độn suốt đời.
KẾT LUẬN
Một thai kỳ bao giờ cũng có nguy cơ thấp hay là cao, nên cần có sự hợp tác, hỗ trợ tốt giữa thầy thuốc và thai phụ để cho thai kỳ được kết thúc tốt đẹp, bảo vệ tốt sức khỏe của mẹ và bé cũng như cho ra đời những em bé thông minh, khỏe mạnh.
Những thời điểm khám thai quan trọng nhất
Lần khám thai đầu tiên: khi trễ kinh một tuần, hoặc khi thử que cho kết quả hai vạch, bạn hãy đến bệnh viện ngay. Có nhiều người biết có thai nhưng cố đợi đến hai ba tháng mới đi khám. Điều đó hoàn toàn không nên. Rất cần phải khám thai sớm để loại trừ trường hợp thai nằm ngoài tử cung, rất nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời. Bạn sẽ được siêu âm để xác định thai có nằm trong lòng tử cung hay chưa, đã có tim thai chưa? Nếu chưa thấy tim thai lúc mới 5 – 6 tuần tuổi, bạn cũng đừng lo lắng. Đó là vì thai còn quá nhỏ. Bạn sẽ được hẹn lại lần sau, khi thai được 7 – 8 tuần tuổi để xác định tim thai.
Đo độ mờ da gáy: ở thời điểm 11 – 13 tuần, siêu âm giúp tính tuổi thai cực kỳ chính xác. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm duy nhất có thể đo độ mờ da gáy nhằm dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể nguy hiểm (gây bệnh Down, dị dạng tim, chi, thoát vị cơ hoành...) Qua 14 tuần, chỉ số này sẽ không còn chính xác nữa.
Xét nghiệm sàng lọc Triple test: giúp dự đoán nguy cơ bị Down và dị dạng nhiễm sắc thể của thai. Xét nghiệm này chỉ có giá trị khi được thực hiện vào tuần thai 14 – 17.
Siêu âm 4D: ở thời điểm 21 – 24 tuần, siêu âm có thể giúp phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng. Lần siêu âm này rất quan trọng vì nếu cần đình chỉ thai kỳ thì phải làm trước tuần thứ 28. Ngoài ra, nếu để muộn hơn mới siêu âm thì lúc đó thai nhi đã quá lớn sẽ khó phát hiện được các dị tật nếu có.
Chích ngừa uốn ván: ở lần khám thai lúc 30 – 32 tuần, bạn sẽ được làm xét nghiệm công thức máu, thử nước tiểu và chích ngừa uốn ván. Ngoài ra, siêu âm sẽ giúp phát hiện một số vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở động mạch, tim và não, kiểm tra tình trạng phát triển của thai nhi.
Non-stress test: khoảng 35 – 36 tuần, bạn sẽ được siêu âm màu Doppler để theo dõi động mạch rốn, động mạch não, động mạch tử cung, kiểm tra nước ối, dây rốn... Bác sĩ cũng sẽ dự báo cân nặng bé lúc sinh. Một số nơi sẽ cho bạn làm Non-stress test nhằm kiểm tra sức khỏe của bé và tìm hiểu xem bé có nhận đủ oxy hay không bằng một máy đo tim thai và chuyển động của thai trong vòng 30 phút.
Từ giai đoạn này trở đi, bạn cần đến bệnh viện kiểm tra mỗi tuần hoặc bất cứ khi nào đau bụng, ra máu để theo dõi tim thai, cử động thai và xem tình trạng cổ tử cung đã mở hay chưa. Việc của bạn lúc này là giữ cho tinh thần thoải mái vui vẻ và nghỉ ngơi thật tốt, vì chẳng còn bao lâu nữa bạn sẽ đón bé chào đời...