Phạm Thị Thúy - Thạc sĩ xã hội học
TRUNG QUỐC
Ở
Trung Quốc, những vấn đề liên quan đến việc giáo dục thai nhi có lịch sử rất lâu đời, từ hơn một ngàn năm trước. Nhiều sách cổ ở Trung Quốc có ghi lại học thuyết giáo dục thai nhi.
Trong cuốn “Trục nguyệt dưỡng thai pháp”, Từ Chí Tài đời Bắc Tề yêu cầu thai phụ “ăn tinh uống chín, ăn canh cá, ăn thịt bò dê, không để cơ thể mệt nhọc, không ở yên bất động một chỗ, phải ra ngoài dạo chơi”. Đồng thời yêu cầu thai phụ mặc đồ dày, tắm ánh nắng ban mai, tắm rửa giặt giũ thường xuyên, hạn chế gần gũi chồng.
Trong cuốn “Chư bệnh nguyên hậu luận” đời Tùy nói: Muốn con tài đức thì phải đoan chính, hòa nhã, đứng ngồi ngay ngắn, mắt không nhìn bậy bạ, miệng không nói điêu ngoa, tâm không có tà ý.
Danh y nổi tiếng đời Đường là Tôn Tư Mạc nói rõ trong “Thiên kiêm yếu phương” của ông về cách dưỡng thai từng tháng, đưa ra yêu cầu về việc ăn ngủ đi lại của thai phụ.
Trong “Cổ kim đồ thư tập thành - Nhất bộ toàn lục” đời Thanh có học thuyết dạy thai nhi khá đầy đủ, hệ thống, tập hợp các nội dung có liên quan đến giáo dục thai nhi thời cổ đại, đặt tên là “Tiệu nhi vị sinh thai dưỡng môn”. Trọng tâm của những học thuyết này là: thai nhi không ngủ li bì trong cơ thể mẹ, mà ngay từ khi mới hình thành đã chịu ảnh hưởng bởi sự thay đổi tâm sinh lý của người mẹ; yêu cầu trong thời kỳ mang thai, thai phụ phải tu tâm dưỡng tính, không được để thất tình (mừng, giận, thương, sợ, yêu, ghét, muốn) làm ảnh hưởng.
“Liệt nữ truyện” có viết: “Phụ nữ mang thai, nằm không lệch về một phía, ngồi không nghiêng ngả, đứng không xiêu vẹo”, “Mắt không nhìn ố sắc, tai không nghe dâm thanh… như thế thì mới sinh con dung mạo đoan chính, tài đức hơn người”.
Những tài liệu này cho thấy, nền giáo dục Trung Quốc từ xưa đã coi trọng tính cách “thiêng liêng hơn muôn loài” (linh ư vạn vật) của con người nên đã sớm quan tâm vấn đề “thai giáo”. Người xưa đã khám phá phương pháp dạy thai nhi qua con đường tiềm thức để từ đó mở đường cho việc truyền đạt trí thức qua con đường ý thức sau khi trẻ chào đời.
HOA KỲ
Các nhà khoa học trên thế giới đã sớm chỉ ra rằng tinh thần có ảnh hưởng đến cơ thể. Floyd Bloom khẳng định: tâm trạng tiêu cực sản sinh những ảnh hưởng không tốt đối với cơ thể người, đồng thời đưa ra khái niệm y học thân tâm, ngầm chỉ tâm trạng của thai phụ sẽ ảnh hưởng đối với thai nhi.
Tiến sĩ Thomas R. Verny đề cập đến sự phát triển tri thức và tâm lý của bào thai, vạch ra tầm quan trọng của việc giao lưu tình cảm giữa người mẹ và thai nhi trong cuốn The Secret Life of the Unborn Child. Ông cho rằng thai nhi có cảm giác và tư duy, và do đó, hoạt động tâm lý của thai phụ, nhất là tình thương của người mẹ, có ảnh hưởng rất tích cực đối với thai nhi. Trong suốt thai kỳ, sự phát triển cả về thể chất lẫn trí não của thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ dinh dưỡng và trạng thái tâm lý của người mẹ. Do vậy, để thai nhi phát triển an toàn và khỏe mạnh, người mẹ cần biết những gì nên và không nên để phòng tránh trong suốt thời kỳ mang thai.
Trường Đại học thai nhi ở Mỹ
Năm 1977, một chuyên gia khoa sản của Mỹ đã thành lập một trường đại học đặc biệt - trường đại học dành riêng cho thai nhi, chuyên hướng dẫn thai phụ cách giáo dục thai nhi. Phương thức dạy học của trường là trò chuyện với thai nhi một cách có hệ thống, cho nghe nhạc, vỗ và xoa ở các vị trí nhất định trên bụng thai phụ. Trò chuyện nhiều với thai nhi, dạy thai nhi nhận ra giọng nói của bố mẹ. Phương pháp này giúp trẻ sau khi chào đời phát triển tốt hơn và học tập tốt hơn. Đến năm 2007, số học sinh đã hơn 800 em. Học sinh sau khi chào đời vài tiếng đã có thể có được mũ cử nhân và bằng tốt nghiệp do nhà trường phát.
Giáo trình của trường gồm:
- Bài tập ngôn ngữ: Người mẹ dùng một máy phát âm đặc biệt hướng vào phía thai nhi và cho con nghe đi nghe lại các câu chữ.
- Bài tập âm nhạc: Người mẹ cho máy phát tiếng nhạc hướng về phần bụng mình.
- Bài tập vận động: Cho thai nhi luyện tập các động tác “đá vào bụng mẹ”.
Các nhà khoa học Mỹ cho rằng: phương pháp giáo dục như vậy giúp cho sự phát triển tư duy của bé. Khi chào đời, bé có thể học tập dễ dàng hơn. Đồng thời, phương pháp này cũng giúp trí não trẻ phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thần kinh của bé phát triển. Ngoài ra, trường học dành riêng cho thai nhi này còn khuyến khích các ông bố cùng tham gia hoạt động giáo dục trẻ sơ sinh. Làm như vậy, vừa có thể củng cố quan hệ gia đình, lại có thể làm cho thai nhi trở nên thông minh, nhanh nhận biết được cha mẹ đồng thời dễ hiểu được ngôn ngữ và chữ số hơn.
NHẬT BẢN
Nhật Bản là nước rất coi trọng thai giáo và phổ biến thai giáo cho toàn dân. Các học thuyết về thai giáo kết hợp với kinh nghiệm dân gian được lưu truyền bằng nhiều cách. Khi y học phương Tây du nhập vào Nhật Bản, do người Nhật chưa kịp thời nghiên cứu ngay từ ban đầu ý nghĩa chân thực của “thai giáo” nên trong một thời gian dài người ta nhầm tưởng “thai giáo là mê tín”.
Nhưng 20 năm gần đây, cùng với sự phát triển như vũ bão của kinh tế và khoa học kỹ thuật, các chuyên gia y học cùng với các chuyên gia giáo dục Nhật Bản đã áp dụng những kỹ thuật và thiết bị tiên tiến hiện đại, đưa ra các phương pháp như y học về thai nhi, giáo dục tâm lý ở giai đoạn thai nhi, làm sáng tỏ cơ sở khoa học và các phương pháp của môn khoa học thai giáo. Nhờ đó Nhật Bản đã trở thành quốc gia tích cực nhất trong việc đề xướng thai giáo trên thế giới.
Đầu tiên, các chuyên gia y học Nhật Bản tiến hành các kích thích trực tiếp vào chân tay thai nhi, quan sát, ghi lại những phản ứng của thính giác, thị giác và xúc giác. Kết quả cho thấy, thai nhi bình thường sau 5 tháng tuổi có thể nghe được âm thanh từ bên ngoài truyền vào trong tử cung, đồng thời có thể nhìn thấy được những tia sáng từ bên ngoài xuyên qua tử cung. Ánh sáng này làm trẻ có phản ứng nhắm một mắt lại. Một giáo sư người Nhật chứng minh rằng âm thanh bên ngoài cơ thể người mẹ thực sự có thể truyền đến tai thai nhi làm thai nhi có thể nghe thấy âm thanh. Ông đã dùng máy ghi âm ghi lại tiếng nhịp tim của người mẹ và tiếng chảy của dòng máu, sau đó cho trẻ mới sinh nghe khiến bé cảm thấy yên tâm và không khóc quấy nữa. Sau này, ông lắp đặt những thiết bị có thể phát ra những âm thanh như vậy, rồi đặt bên tai một đứa trẻ đang quấy khóc để tiến hành thí nghiệm, quả nhiên đứa bé lập tức ngừng khóc và ngoan ngoãn ngủ say. Nếu làm thí nghiệm này đối với một đứa trẻ sơ sinh một tuần tuổi thì kết quả càng thể hiện rõ hơn. Hiện tượng này chứng tỏ, khi trẻ còn trong bụng mẹ đã biết học nghe âm thanh và ghi nhớ những âm thanh quen thuộc trong cơ thể người mẹ.
NƯỚC ANH
Theo báo cáo được ghi lại từ các kết quả nghiên cứu tại Học viện Tâm lý học Trường Đại học List của Anh, một nhóm các nhà nghiên cứu âm nhạc đã tiến hành nghiên cứu 11 phụ nữ mang thai, yêu cầu các bà mẹ tự chọn một bản nhạc rồi nghe thường xuyên trong 3 tháng trước khi sinh, có thể là nhạc cổ điển, nhạc hiện đại, hoặc nhạc rock. Sau khi bé sinh trong vòng một năm, các bà mẹ này không được cho trẻ nghe bất kỳ loại nhạc nào. Đến khi 11 đứa bé này tròn 1 tuổi, người ta mới tiến hành khảo sát và đo lường.
Người ta cho trẻ nghe bản nhạc mà chúng từng nghe khi còn trong bụng mẹ, đồng thời cho các bé nghe cả những loại nhạc mà chúng chưa từng được nghe bao giờ. Kết quả cho thấy:
11 đứa trẻ đều chú ý đến bản nhạc mà chúng từng được nghe, khoảng thời gian bé chăm chú hướng về phía phát ra tiếng nhạc khá dài. Người ta cũng so sánh nhóm này với nhóm 11 đứa trẻ bình thường khác chưa từng được nghe nhạc thì kết quả cho thấy chúng đều không tỏ ra quá chú ý hay quá quan tâm đến bất kỳ một loại hình âm nhạc nào. Hơn nữa, các nhà khoa học cũng phát hiện thấy, trẻ sơ sinh tiếp nhận rất nhanh tiết tấu âm nhạc của những bài hát mà chúng chú ý.
NƯỚC PHÁP
Viện Khoa học Sức khỏe Y tế Paris – Pháp, vào khoảng những năm 80 cũng làm một cuộc thí nghiệm về thai giáo. Năm 1985, nhận lời mời của chính phủ Pháp, đoàn đại biểu Trung Quốc đã thăm chính thức nước Pháp. Trong thời gian thăm viếng, một trong những thành viên của đoàn đại biểu – giáo sư phôi thai học trường Đại học Y Bắc Kinh, chuyên gia về chăm sóc trẻ sơ sinh trong ống nghiệm Lưu Bân đã nhận lời mời của các chuyên gia về sinh sản học của Viện đi tham quan một thí nghiệm về thai giáo.
Trong cuộc tham quan, các nhà khoa học Trung Quốc đã chứng kiến một người phụ nữ 28 tuổi đang mang thai học cách thai giáo. Bắt đầu từ tháng thứ 8, cứ cách một ngày người phụ nữ này lại đến Viện Khoa học Sức khỏe để thai giáo bằng âm nhạc. Phương pháp thai giáo bằng âm nhạc như sau: các bác sĩ đặt tai nghe trên bụng người mẹ và bịt tai người mẹ lại để cô không nghe được âm thanh từ tai nghe phát ra. Sau đó, người mẹ nhắm mắt lại và thả lỏng cơ thể trong trạng thái nằm thoải mái. Lần nào, các bác sĩ cũng cho nghe cùng một bản nhạc, cứ như vậy kéo dài cho đến khi sinh con.
Khi đứa trẻ được 3 ngày tuổi, để trắc nghiệm xem đứa trẻ có nhớ gì về bản nhạc mà nó đã từng nghe trước khi sinh hay không, người ta đặt nó nằm trong một chiếc ghế, ở dưới có giá đỡ để giúp nó bú sữa một cách thoải mái, cả người đứa trẻ được quấn vững trên giá đỡ nhưng hai tay vẫn để tự do. Khi nghe thấy tiếng nhạc quen thuộc khi còn nằm trong bụng mẹ thì đứa trẻ bắt đầu có những biểu hiện như mút sữa theo giai điệu, hai tay làm những động tác cũng theo giai điệu của bản nhạc. Khi người ta tắt bản nhạc đó đi hoặc thay bản nhạc khác, thì đứa trẻ không uống sữa nữa, hai tay cũng không đưa đi đưa lại hoặc nếu có đung đưa tay thì cũng không theo một quy tắc nào cả. Thí nghiệm này chứng tỏ rằng, thai nhi trước khi chào đời có thể có khả năng cảm thụ giáo dục, và đứa trẻ dù đang trong giai đoạn thai nhi cũng đã có trí nhớ, sau khi ra đời vẫn nhớ lại được.